Lê Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn (980 - 1005)
Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá trong một gia đình nghèo khổ "bố dỡ đó, mẹ xó chùa". Cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen đều lần lượt qua đời khi Lê Hoàn còn nhỏ tuổi. Bởi vậy, cũng ngay từ bé, Lê Hoàn phải làm con nuôi cho một vị quan nhỏ, người cùng họ. Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt vương Đinh Liễn. Dù chỉ là lính thường nhưng trí dũng khác thường tính tình phóng khoáng nên được cha con Đinh Bộ Lĩnh yêu mến. Trong công cuộc đánh dẹp các sứ quân, Lê Hoàn tỏ rõ là người có tài nên được Đinh Bộ Lĩnh giao cho trông coi 2000 binh sĩ. Đến khi dẹp yên các sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh, Lê Hoàn được phong chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ (tỗng chỉ huy quân đội kiêm chỉ huy đội quân cấm vệ) của triều đình Hoa Lư. Lúc này Lê Hoàn vừa tròn 30 tuổi.
Tháng 10 năm Kỹ Mão (979), cha con Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại. Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua, Lê Hoàn làm nhiếp chính, trong một tình thế đầy khó khăn. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp nổi loại nhưng bị Lê Hoàn dẹp tan. Ngô Nhật Khánh, phò mã nhà Đinh, bỏ vào Nam rước vua Cham pa cùng hơn nghìn chiến thuyền toan cướp kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão đắm hết. Tháng 7 năm Canh Thìn (980), đại quân Tống theo hai đường thủy, bộ xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn lúc này đã lên ngôi hoàng đế tức Lê Đại Hành vừa triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu vừa sai sứ đưa thư cầu hòa. Vua Tống đòi Dương Vân Nga và con là Đinh Toàn sang chầu. Tình thế bức bách, Lê Hoàn buộc phải cho quân đánh giặc quyết bảo vệ đất nước. Ông đã tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng, thắng lợi lớn trên cả hai mặt thủy bộ, giết được tướng giặc Hầu Nhân Bảo, diệt quá nưả quân Tống, buộc vua Tống phải xuống chiếu lui quân.
Đại thắng năm Tân Tị (981) đã mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng bọn phong kiến phương Bắc.
Không chậm trễ, Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên trong, Lê Hoàn chống cát cứ, xây dụng cơ sở của nền kinh tế. Đối với bên ngoài thì Ông thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo khôn khéo nhưng cương quyết bảo vệ nền độc lập của đất nước. Ông là vị vua nội trị, ngoại giao đều xuất sắc. Chuyện rằng:
Năm Canh Dần (990), vua Tống sai Tống Cảo dẫn đầu đoàn sứ mang chiếu thư sang phong cho Lê Hoàn hai chữ "Đặc Tiến". Vốn biết nhà Tống hống hách, ngạo mạn, Lê Hoàn thay đổi cách đón tiếp. Ông sai Đinh Thừa Chính mang chín chiến thuyền và 300 quân sang tận Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), để đón sứ rồi bảo vệ đoàn sứ đến Đại cồ Việt. Tháng 10 năm đó, đoàn sứ Tông tới kinh đô Hoa Lư trong cảnh tưng bừng khác lạ: dưới sông, chiến thuyền tinh kỳ san sát; bên các sườn núi, quân lính võ phục chỉnh tề, gươm giáo sánh lòa; trên các cánh đồng, hàng trăm hàng ngàn trâu bò rong ruổi đen đặc, bụi bay mù mịt. Sứ Tống không thể không thấy sự hùng mạnh, giàu mạnh của nước Việt.
Theo nghi lễ của Tống triều, khi nhận chiếu thư của "Thiên Triều", vua các nước chư hầu phải "lạy". Nhưng Lê Hoàn lấy cớ ngã ngựa, bị đau chân, không chịu "lạy". Tống Cảo đành chấp nhận.
Sau bữa tiệc vui, Lê Hoàn cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến quán dịch nói với sứ Tống:
- Nếu sứ thần ăn được thịt trăn thì vua tôi sẽ cho người làm cỗ để mời.
Sứ Tống khiếp đảm từ chối.
Lần khác, Lê Hoàn cho dắt tới hai con hổ dữ để sứ thần thưởng ngoạn. Sứ thần lại một phen sợ toát mồ hôi.
Trước khi bọn Tống Cảo về nước, Lê Hoàn bảo họ:
- Sau này, nếu có quốc thư thì nên giao nhận ngay đầu địa giới, không phiền sứ thần đến đây nữa.
Năm Quý Tị, nhà Tống sắc phong cho vua Đại Hành làm Giao Chỉ quận vương rồi năm Đinh Dậu (977) là Nam Bình Vương.
Năm Ất Tị (1005) vua Lê Đại Hành mất, thọ 65 tuổi, làm vua được 24 năm

Xem Tiếp: ----