Mẹ tôi xem tử vi giỏi lắm, có thể đoán được tiền vận hậu vận mà chẳng cần xem mặt như mấy mụ bói toán tầm thường. Khách hàng có thể thông báo ngày giờ sinh qua điện thoại, thông báo một con số nào đó và chỉ có thế thôi. Mẹ xem như thần. Mẹ là yêu tinh nhập đồng chứ chẳng chơi. Một người đang lành lặn, mẹ nói coi chừng thì không xe tung cũng bị chồng đánh. Đó là tất cả những gì người ta nói về mẹ tôi. Tôi ít khi nào thắc mắc mẹ học xem tử vi hồi nào (hồi đó tao thất tình bố mày chứ hồi nào - mẹ tôi hay nói vậy) nhưng đến khi đời sống gia đình tôi gần như phụ thuộc vào nó, tiền chợ, tiền mua sắm, chiếc xe tôi đang đi, cưới vợ gả chồng cho bà chị và ông anh cả; chưa kể những Việt kiều từ nước ngoài lặn lội đến, không biết qua lời rỉ tai của ai càng lúc càng nhiều thì tôi mới thật sự nhìn nhận lại vấn đề. Đầu tiên là một nhận định mang tính lãng mạn: định mệnh quyến rũ. Người ta luôn tò mò về định mệnh mà không một thầy bói nào có thể cung cấp cho đủ. Người ta hết đi xem thầy này, lại chuyển sang thầy nọ, vẫn với ngần ấy câu hỏi, đại loại: tôi có giàu không, an lành không, chồng ra sao, anh ấy có quay trở lại... Tất cả chung qui cũng cho một cụm từ cuộc sống mai đây rồi sẽ ra sao? Bây giờ thì bố tôi đã mở mắt ra rồi. Đó là theo lời mẹ. Có lẽ bố đã lỡ khích bác cái trò này, bố cho rằng: “Mẹ chúng mày giống con mụ điên, suốt ngày cứ chúi mũi vào những cuốn sách dạy dỗ điều nhảm nhí. Thế giới làm gì có cái trục nào để từ đó những ngôi sao của mẹ mày xoay quanh”. Kết quả của câu nói không lường trước ngày sau sẽ ra sao là những lời chì chiết bóng gió của mẹ: “Tao nói có sai đâu, ngay cả tiền mua thuốc lá cũng từ cái thế giới không có cái trục nào mua cho bố chúng mày hút đấy”. Giờ thì mỗi lần hút thuốc lá bố tôi có vẻ thông minh hơn, đồng lõa công nhận cũng có một cái trục đâu đó chống đỡ thế giới, một cái trục phi lý hiện hữu, chúng hiện hữu sờ sờ trong nhà tôi. Và kèm theo là một cái nháy mắt tinh quái. Đàn ông có lẽ khác đàn bà điểm này, người ta có thể cảm thông nhau qua một cái nháy mắt mà không phải nói. Tôi cũng không biết trong thế giới con người, người ta có chấp nhận sự phi lý không, nhưng càng sống gần mẹ tôi càng nhận ra thế giới không có cái gì phi lý cả, cái gì cũng có lý hoặc sắp sửa có lý, một chút xíu nữa thôi nó sẽ có lý lắm. Nếu không có lý làm sao nó tồn tại trong nhà tôi. Bởi nhà tôi phải được xem là một hiện thực, chúng tôi sinh sống đi lại, chúng tôi ăn uống yêu đương, chúng tôi hoài nghi. Cuộc nhượng bộ với mẹ cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi tiếp tục có những nhượng bộ khác mà chính mình không nhận ra. Thỉnh thoảng tôi thấy bố trả lời ai đó qua điện thoại, ghi lại một vài con số, rồi hỏi vài ba câu. Cũng không kém phần chuyên nghiệp, đại khái không có giờ sinh à, tử vi không có giờ sinh thì làm sao mà xem được. Kèm theo những giải pháp cho khách hàng được đưa ra: “Thế này nhé, hay chị hỏi lại ông cụ thân sinh xem sao! Hỏi rồi à? Gay nhỉ. Vậy thì phải lập hết các giờ trong ngày hôm đó để chọn lá số đúng nhất. Nhưng e rằng như thế thì... Đúng vậy... Tiền sẽ cao vì tốn công lắm...”. Là thế. Tôi có thêm phần kết luận trong nhật ký: con người ta đi từ sự phi lý này đến sự phi lý khác. Những sự phi lý càng ngày càng chồng chất lên nhau và từ đó người ta không còn nhìn thấy sự phi lý nữa. Từ ngày lượng khách đột ngột tăng vọt, chúng tôi không còn thời gian cãi vã về sự phi lý, cũng như sự hài hòa phải được xem là một giá trị cho cuộc sống. Chúng tôi hướng về mẹ. Một lá số mẹ tôi phải giải đoán ít nhất là hai tiếng đồng hồ, và như vậy, trong một ngày mẹ chỉ có thể xem được khoảng năm người. Sau khoảng thời gian đó mẹ không còn sức nữa. Chẳng biết từ lúc nào chúng tôi có thói quen mua chanh và cam về nhà. Trong tủ lạnh lúc nào cũng có hai thứ đó. Giống như ca sĩ, mẹ cần phải giữ giọng. Bây giờ tôi cũng quen rồi, mở đầu ngày mới bằng một cú điện thoại của khách hàng, ghi ghi chép chép ngày tháng năm sinh giúp mẹ, và sau nhiều năm tháng tôi nhận ra rằng những cú điện thoại mở đầu buổi sáng của cuộc đời tôi chính là những cú điện thoại bi lụy nhất, của một ai đó, một kẻ phi lý nhất, mục đích khi họ gọi đến đây chỉ với mỗi một việc là tìm lời giải đáp cho sự phi lý của chính họ. Và mỗi ngày, số lượng người gọi điện đến một tăng lên, cho tôi một nhận định lớn lao hơn “mang tầm thế giới”, khủng khiếp là vậy, thế giới con người là một bi lụy lớn về cuộc đời mình. Không chỉ vậy, tôi bắt đầu lải nhải câu này với lũ bạn, rồi tự chuốc lấy những cuộc cãi vã triền miên với chúng. Chúng tôi có tuổi trẻ, chúng tôi cũng rất rỗi hơi, hình như tuổi trẻ nào cũng rỗi hơi, chúng tôi vạch ra những hình thái cảm xúc, hình thái nhân cách con người hai ngàn năm qua. Cuối cùng đi đến kết luận: Làm sao biết ngày mai sẽ ra sao? Mẹ tôi cười ruồi: - Sai bét. Cứ đưa ngày tháng năm sinh là tao biết ngay. Sau kết luận của mẹ, bọn chúng đổ xô đến nhà tôi để tìm chân lý. Đầu tiên là lũ con gái, sau đó đến lũ con trai. Tuy trước đó chúng cũng lý lẽ như ai, nhưng cũng như ai đó, chúng ngại ngần đến nhà tôi rụt rè đưa ra những con số, rồi thấp thỏm ngồi, thấp thỏm chờ đợi âu lo. Còn mẹ tôi thì như bà hoàng đang nắm giữ vận mệnh của chúng. - Tụi mày bạn thằng Dũng, tao xem miễn phí. Nhưng phải xem từng đứa một và chỉ vào ban đêm thôi. Tụi mày biết không, hồi bằng tuổi tụi mày cô đã bắt đầu học tử vi rồi đó. Chỉ bằng một chuyển cảnh đơn sơ, một cắt đoạn đơn giản thế là đời mẹ tôi được khắc họa với nhiều hệ lụy trong vòng ba tiếng đồng hồ buổi chiều, và nó tiếp tục được dàn trải ở những buổi tối khác. Còn bọn con gái cứ việc ngóc cổ lên mà nghe, mà nuốt lấy lời. Rồi tôi đi đến một kết luận: thế giới là một câu chuyện thêu dệt bất tận về đời mình. Người ta luôn luôn thích thêm vào những nỗi đau, những trường đoạn gian khổ, và có ba lần mẹ tôi chấm nước mắt. Mười tám tuổi lấy chồng. Mười chín tuổi sinh con. Ông chồng quá sức đẹp trai đến nỗi trở thành hiểm họa. Cái đẹp có thuốc độc của nó. Mẹ tôi ngân ra như một châm ngôn. Cung phu: đào, hồng, không, kiếp không cách chi cản được mấy cái vụ lăng nhăng. Chưa kể cái đám phục binh, tướng quân nhòm vào... đi lại lén lút.... Câu nói này được hiểu như một cái gì rất ư nghề nghiệp của mẹ, một câu nói đầy sao. Mẹ tôi càng nói về tình yêu thì bọn con gái càng tím tái vàng vọt hơn. Chúng vàng vọt đến 12 giờ đêm mới chịu ra về, lại còn hẹn vào tối hôm khác tiếp tục vàng vọt. Khiếp thật cái lũ phục binh đào hồng, chẳng biết mặt mũi thế nào nhưng nói chung là khiếp khiếp, ghê ghê... Đời con gái chỉ có một lần, nó mà chiếu một phát thì xem như đi đứt. Một hôm bất ngờ tôi gặp Hồng trong nhà tôi. - Ông thật là xấu xa - Vừa thấy mặt tôi nàng đã thét lên. Đôi môi đỏ chót. - Dũng xấu xa cái gì chứ? - Tôi hay xưng tên với nàng, rất ủy mị. - Ông có bà mẹ tuyệt vời mà không bao giờ cho tui biết. Trong khi đó ông lại cho bọn kia biết. Tui thù ông vô cùng. Mai tui sẽ xử tội ông. Hồng là người tôi yêu. Nhưng tôi biết Hồng chẳng bao giờ yêu tôi. Và Hồng cũng chẳng bao giờ biết tôi yêu Hồng nên tôi cũng chẳng ngu gì cho Hồng biết tình yêu oan trái này. Với tôi, tình yêu được hiểu như một cái gì êm êm, thiết tha, thật nhiều tha thứ. Tôi tha thứ cho Hồng cái tội Hồng không yêu tôi. Có thể nói Hồng là nhân chứng tình yêu đầu tiên giàu lòng trắc ẩn nhất mà tôi có. Ở đó tôi vun vén mình như một kẻ trộm, và giấc ngủ mộng mị cứ lớn dần lên chiếm hết khoảng thời gian tôi sống. Rồi nàng nói thêm: - Tui sẽ đến nhà ông thường xuyên... Thế là nàng cũng như mọi kẻ khác, xanh xao vàng võ theo câu chuyện của mẹ. Và tệ hơn nữa, nàng cũng không hề thua kém mẹ tôi ở cái chi tiết ba lần nhỏ lệ. Nàng nhỏ lệ một lần lúc mẹ tôi mười sáu tuổi, một lần lúc mẹ tôi lấy chồng, một lần lúc mẹ tôi sinh thằng con trai là tôi. Tôi muốn nhắc lại lần thứ ba lệ nhỏ này, lúc sinh ra tôi. Ấy vậy mà nàng không hề biết nhỏ một giọt nước mắt nào cho tôi lúc này. Từ đó tôi đi đến một kết luận rằng những câu chuyện luôn làm thế giới này đáng yêu hơn sự thật vốn có của nó. Bằng chứng là những chi tiết nhạt nhẽo của đời tôi vẫn có thể gây nên những xót thương, vẫn có thể làm thổn thức kẻ khác là nàng. Và con người là tập hợp những thương tổn nho nhỏ được gây nên qua những câu chuyện. Và như thế, thế giới của con người được hiểu như thế nào cho phải, nó chỉ có thể diễn dịch như một cái gì đó khôn lường, và những chi tiết cảm động nhất là những chi tiết thuộc về hôm qua. Nhưng làm sao tôi có thể trở thành hôm qua? Từ đó lũ bạn không đến thăm tôi nữa, chúng đến thăm mẹ tôi. Chúng kể cho mẹ nghe về cuộc đời của chúng, về những dự định, những hi vọng. Và mẹ lèo lái mách bảo chúng bằng con đường phần số. Phải nói chính xác hơn, đó là một cuộc hàn gắn vĩ đại giữa những con người nhờ... tin tưởng một điều gì đó vô cùng vẩn vơ. Bố chán chường nói: - Mày thấy mẹ mày chưa. Điều này hàm ý tài năng của mẹ không phải là mẹ nói đúng như thế nào, mà là khả năng mẹ nói cái điều người khác ước muốn như thế nào. Bố là người thất bại. Bố đã nhìn thấy sự cô đơn trong chính đời sống của bố. Ví dụ như có một trò chơi đố vui nói ra những ước muốn của người thân, bố sẽ nói trật lất. Bố không thể biết chúng tôi muốn gì. Bố cũng không biết mình muốn gì. Và bố truyền cho tôi sự cô đơn đó. Năm Thìn, bố tôi đột ngột ra đi mà không một vì sao nào có thể báo trước. Mẹ tôi suy sụp nặng nề. Từ người đàn bà quả quyết bỗng biến thành một kẻ sợ hãi và do dự. Cái nghề xem tử vi chấm dứt tại đây. Tôi không rõ nguyên nhân lắm. Có lẽ sự ra đi của bố đã làm cho mẹ mất đi lòng tin vào những ngôi sao. Cũng có thể với mẹ, tử vi chỉ là một cái cớ để mẹ trò chuyện với tất cả mọi người về cuộc đời mình. Mà cuộc đời thì dài lắm, chông chênh, kể sao cho hết... Ví như có một trò chơi đố vui nói ra những ước muốn của người thân, có lẽ mẹ sẽ nói đúng tất cả về chúng tôi, nhưng mẹ sẽ nói trật về cuộc đời mẹ, tuy vậy mẹ vẫn cứ muốn nói... Nhưng cũng có thể, trong những câu chuyện, mẹ thấy mình tỏa sáng thật sự như một vì sao quan trọng, mà không hề nghĩ rằng chính bố đã mang lại thứ ánh sáng tinh thần dịu dàng và trầm tĩnh kia. Một khi bố ra đi, chúng sẽ tắt. Chúng tôi chỉ còn trơ ra như những vì sao không còn ánh sáng. Và cũng là lúc chuyện đời mẹ mất đi ý nghĩa. Mẹ không thể tự hào mà kể với mọi người rằng cuộc đời mẹ trở thành bóng tối như thế nào. Tôi vẫn không thể nào nguôi ngoai về sự cô đơn mà bố đã cho tôi. Như một trò chơi ký ức còn sót lại, tôi tập lấy lá số vào một đêm nọ. Những vì sao xấu xí phiền muộn như cứ vây phủ... Tôi lấy số cho mẹ, cho bố và cho cả Hồng. Tôi bỏ đi những vì sao xấu. Chúng không có duyên cớ gì phải hiện diện trong cuộc đời những người tôi thương. Tôi cộng thêm hai lần sao tốt. Tôi giải đoán những cuộc đời một cách thiên vị. Chúng không nói lên điều gì đúng đắn cả, làm sao những cuộc đời có thể gói trong một lá số? Nhưng đồng thời chúng lại cho tôi một cảm nghĩ khác thật quyến rũ và tin tưởng rằng những vì sao là tập hợp của những người tôi thương. Tôi nhớ ngày trước bố hay nói với tôi, bố thích nhân vật bố già - một tay mafia của mọi mafia. Bởi dù gì đi nữa, bố già là kẻ không phải đi xin ai một điều gì. Mẹ tôi nói bố tôi cay đắng vì vẫn phải còn đi xin thuốc lá từ vợ. Nhưng bố cũng khác hơn những người khác, người ta thường nghĩ về bố già như một kẻ thét ra lửa, một lời nói mạnh hơn cơn bão, trong khi đó chi tiết vĩ đại nhất, cảm động nhất của bố già lại là một đoạn rất ngắn bên một đứa bé, cảnh cuối đời, bố già biết đi tưới cây. Và như thế, giữa vô vàn những vì sao xấu xí và tàn nhẫn suốt cuộc đời mình, bố già đã biết chọn lấy vì sao đẹp đẽ nhất bên luống hoa để mà ra đi. Và bố già của tôi đã làm như vậy.