Khi Thi vừa đặt chân đến Huế là đang mùa Hè, phượng đỏ rực cả một chân trời khiến Thi lặng người đứng nhìn... Nơi đây, khi xưa, Thi được sinh ra và lớn lên.
Sau khi thả bộ một vòng khá xa, Thi tìm một băng ghế đá ngồi nghỉ chân. Nhớ lại, trước khi quyết định về thăm lại nơi này, Thi nghe chừng như Huế đã thật sự rời xa thăm thẳm trong ký ức mình. Bây giờ thì ngược lại, nàng muốn trào nước mắt, lòng bồi hồi cảm xúc khi đứng trước thiên nhiên. Huế đẹp quá! Một ngọn gió vô tình thổi qua, lá phượng chen lẫn một vài cánh phượng hồng lả tả rơi xuống, bay là đà trong gió... Thi nhìn không chớp mắt.
Một cảm giác lành lạnh chen lẫn chút tê tái trong lòng. Thi nhắm mắt, mặc cho dòng tư tưởng đưa đẩy nàng về với kỷ niệm xa xưa.
Thuở ấy, khi còn là một cô bé khờ dại, ngây thơ, Thi được sống trong sự thương yêu của Ba Mạ. Một hôm, Mạ đang tập cho Thi đan áo len thì Ba cùng với một người đàn ông trung niên và một thanh niên trạc tuổi Thi đi vào. Ba lên tiếng với Mạ:
- Nì mình coi thử ai đây?
Mạ ngẩng lên và reo:
- Ồ anh Cẩn! Chào anh, đây là cháu Đình phải không?
Sau một màn thưa gửi, chào hỏi Thi mới vỡ lẽ ra là Bác Cẩn đem anh Đình đến tạm gửi tại nhà Thi để học năm cuối cùng bậc Trung Học tại Huế vì Bác phải đi công tác tại Sài Gòn. Để cho việc học hành của anh liên tục nên Bác Cẩn đành phải để anh lại Huế nhờ bố mẹ Thi chăm sóc.
Chỉ một tuần lễ sau là Thi hết khó chịu khi hàng ngày phải đối diện với một thanh niên lạ trong gia đình. Đình rất chăm học. Anh hơn Thi tới ba tuổi mà Thi cứ tưởng như mình lớn hơn, nàng thường rót cho Đình ly nước khi thấy Đình cứ ngồi lỳ mãi nơi bàn học tới khuya. Mạ cho biết Bác Cẩn là bạn học ngày xưa rất thân với Ba nàng, vì công việc bác cứ đi mãi ít có khi ở nhà, bây giờ sở lại đổi vào Nam nên buộc lòng phải gửi anh Đình lại. Có lần Đình kể cho Thi nghe Đình mất Mẹ khi anh mới lên tám, Bố không chịu tục huyền vì thương anh, sợ cảnh Mẹ ghẻ con chồng. Nhưng thỉnh thoảng Bố cũng đem về nhà một người đàn bà lạ rồi bắt Đình ra chào. Đình có lần kể với Thi, mạ anh vẫn thường nói: “Con trai phải học hành đỗ đạt bằng cấp này bằng cấp kia sau này mới lo được cho gia đình!”
Nhớ lời Mạ nên khi Ma Đình mất, sau một thời gian tinh thần bị khủng hoảng, Đình bắt đầu chú tâm vào việc học. Từ đó, Đình cứ lo học và tiến bộ một cách rõ rệt; cho đến bây giờ là năm chót bậc Trung Học thì Ba gửi Đình đến trọ ở nhà Thi. Ở nhà Thi, Ba Mạ đều rất thương yêu Đình, coi anh như con. Mạ thì đặc biệt là chăm sóc Đình rất cẩn thận như người Mẹ đối với con. Bù lại Đình cũng rất kính mến Ba Mạ Thi, rảnh chút nào thì anh chăm sóc vườn tược cho Mạ, ba cái lu luôn luôn đầy ắp nước do anh múc từ giếng lên thay công việc cho Ba. Bác Cẩn, ban đầu có thư từ, điện tín tới tấp vào việc gửi gấm Đình, rồi sau một lần Bác từ Sài Gòn về Huế ghé thăm thấy Đình được yêu thương như con đẻ, lúc đó Bác yên lòng và thưa dần liên lạc...
Cuối năm sau kỳ thi của Đình, Thi cũng hồi hộp không kém. Nàng còn nhớ trong thời gian chờ kết quả, Đình rảnh rỗi đã dẫn nàng đi khắp nới từ thành nội Huế đến các lăng tẩm, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền và ngay cả Đàn Nam Giao là một nơi vắng vẻ, thanh tịnh nhất, rồi chùa Thiên Mụ... Đình bảo nhìn lại Huế lần cuối cùng để mai này anh sẽ vào Nam học tiếp Đại Học. Thi buồn buồn hỏi:
- Nếu hỏng thi, anh ở lại Huế hay vào Sài Gòn?
- Anh chưa biết. Nhưng nếu Ba anh ở luôn trong Sài Gòn thì anh phải đi Sài Gòn.
Và rồi anh chỉ tay lên trời và reo lên:
- Ồ, em nhìn kìa, cầu vồng!
Thi lơ đễnh nhìn theo, rồi cũng trở lại câu chuyện vừa rồi.
- Anh Đình! Anh có hy vọng thi đậu không?
- Anh rất nhiều hy vọng, vì anh... trúng tủ bài toán mà anh đã làm qua rất nhiều lần.
- Em mong anh thi đậu, sau này nếu em đậu được Tú Tài, em cũng xin Ba Mạ cho vào Nam học với anh. Anh học giỏi, anh dạy kèm cho em.
Thi nói với tất cả lòng thành của mình. Đình gật đầu:
- Ừ anh sẽ kèm cho em vì em đi ban C nên Toán của em anh thấy còn yếu lắm!
Tuần lễ sau, lúc Thi ở trong phòng chăm chú đan cho Đình chiếc khăn quàng cổ, chuẩn bị làm quà cho Đình khi nào Đình rời Huế, thì nghe Đình la toáng lên:
- Bác ơi! Con đậu rồi!
Thi vội vàng bỏ chiếc khăn đan dở dang chạy ra phòng khách. Đình nhảy dựng lên, cầm tay Thi gặc lia lịa và la lên:
- Thi! Anh đậu rồi, đậu Bình Thứ!
Nhìn ánh mắt sáng ngời và cử chỉ bồng bột của Đình, Thi cũng vui lây, nàng la lên:
- Mạ ơi! Anh Đình đậu rồi!
Mạ dưới bếp hấp tấp chạy lên, hai tay ôm ngực:
- Cám ơn Trời Phật! Hai con mau mau ra bưu điện đánh điện vô Sài Gòn cho ba biết mà mừng đi!
Nghe Mạ nói, Thi vội vàng vào phòng thay quần áo. Ra sân, Đình kéo tay Thi giục:
- Mau! Mau lên!
Thi rụt tay lại, hờn dỗi:
- Anh vui quá, quên là cứ kéo tay em làm em đau muốn chết!
Đình cười rất tươi, đập vào đầu mình bôm bốp:
- Ừ anh quên em là con gái, cứ tưởng như tụi thằng Hưng, thằng Trường... Nhắc đến anh mới nhớ, mau lên mình ghé nhà tụi nó coi tụi nó có đậu không.
Kỳ thi đó, chỉ một mình Đình thi đậu. Hưng và Trường đều rớt nên niềm vui của Đình cũng không được trọn vẹn. Riêng Thi... chưa đến kỳ thi mà nàng nghe buồn da diết vì... chỉ vài tháng nữa là Đình từ giã gia đình nàng để vào Sài Gòn học tiếp trên Đại Học.
°
Từ khi bác Cẩn ở Sài Gòn ra đón Đình đi rồi, Thi thấy cuộc sống của Thi thật buồn tẻ. Mỗi đêm nhìn lại chiếc bàn nho nhỏ Đình ngồi học, Thi nghe nhớ chàng lạ lùng. Lần đầu tiên được thư của Đình, cầm bức thư trong tay, Thi run rẩy, Ba Mạ bình thản bảo Thi đọc thư. Những lời cảm ơn Ba Mạ nàng rất cảm động và lời nhắn nhủ Thi cố học để thi đậu Tú tài rồi vào Sài Gòn học với Đình khiến Thi càng cố để tâm vào việc học nhưng với tâm hồn lãng mạn, ngồi đâu Thi cũng thấy toàn hình ảnh của Đình, việc học với Thi thật khó khăn vô cùng. Rồi liên tục hai kỳ thi, nàng đều trượt vỏ chuối. Mộng vào Sài Gòn cùng học với Đình tan như bọt biển.
Bốn năm trôi qua nhanh, Thi xin được chân thư ký đánh máy cho một hãng buôn, thư từ của Đình ngày càng thưa thớt vì Đình sắp sửa ra trường nên chàng dốc tâm vào việc học, quên luôn cả việc liên lạc cùng Thi. Cho đến một ngày Thi đang chuẩn bị buổi cơm chiều cho gia đình thì điện tín vắn gọn của Đình tới: “Cháu sẽ về Huế thăm hai Bác và em Thi sáng Thứ Ba”, Thi nghe lòng vui rộn lên, chưa bao giờ nàng ăn một bữa cơm đạm bạc mà ngon như bữa đó. Mạ nhìn Thi dò hỏi:
- Hôm ni có chi mà Mạ thấy con vui rứa?
Thi ấp úng:
- Mô có, Mạ!
Nhưng Thứ Hai đi làm, Thi xin phép nghỉ Thứ Ba vì có việc nhà cần giải quyết... Ông chủ vui vẻ chấp thuận ngay.
Thứ Ba, Thi dậy thật sớm, chuẩn bị làm bánh bèo và nước mắm, tóp mỡ và tôm chấy... vì Thi biết đó là món ăn mà Đình thích nhất hồi Đình ở nhà Thi. Không biết Mạ đã nói gì với Ba mà sáng đó Ba cười cười nhìn Thi, Thi nói để che giấu ngượng ngùng:
- Hồi trước anh Đình thích ăn bánh bèo, con có hứa khi mô anh về lại Huế con sẽ làm món này đãi anh, nên chừ con phải giữ lời hứa ấy.
Trước khi rời nhà đi làm, Ba dặn Mạ:
- Mình rán giữ thằng Đình ở lại nhà mình, chiều tui đi làm về nói chuyện hí!
- Dạ! À mà chắc chắn hắn ở đây chớ không lẽ đi mô?
- Con cũng nghĩ anh Đình sẽ ở chơi vài hôm, không lẽ đi liền?
Thi đi ra, đi vào, dáng vẻ sốt ruột, Mạ nhìn Thi nghi ngờ:
- Thi, con nói thiệt Mạ nghe, bộ con... thương thằng Đình rồi hả?
Thi nghệch mặt ra, ấp úng:
- Con... Con cũng không biết nữa.
Tiếng chuông kính coong vang lên, Thi mừng rỡ vì khỏi phải đối diện với Mạ. Cửa vừa mở, Đình tươi cười rạng rỡ với Thi, chàng reo lên:
- Thi ơi, anh trở lại Huế như đã hứa với em nì!
Nụ cười của Thi chưa kịp hé đã vội khép lại vì sau lưng Đình còn có thêm một người con gái khác. Nhìn thấy bụng người con gái lúp lúp, Thi kinh ngạc lắp bắp:
- Anh đã có vợ?
Đình lùi bước, quay ra sau, choàng vai người con gái rồi bảo:
- Đây là Thu Nga, vợ anh! Còn đây, Thi, cô em gái mà anh vẫn kể với em đó!
Cảnh vật trước mắt Thi nhạt nhòa theo lệ. Thi cắn môi nén tiếng khóc, Mạ như hiểu ra, đỡ lời:
- Hai con vào nhà chơi! Con Thi vẫn nhắc đến Đình luôn. Bây giờ nó có thêm bà chị dâu chắc là nó vui lắm.
Thi ngồi chết sững trên ghế, trong lòng nàng muốn gào lên muôn ngàn câu trách Đình vô tâm, vô tình. Thu Nga đẹp mơn mởn, vô tư trao cho Thi chiếc nón lá bọc kín trong những tờ giấy báo. Đình vẫn vui cười, không hề biết một mảy may nào sự biến đổi của Thi, chàng bảo:
- Thật là buồn cười cho chị dâu em, vào chợ Sài Gòn mà cứ một hai đi tìm nón lá Huế để mua cho em, anh đã bảo chị ấy chở củi về rừng, chị ấy còn nói như vậy mới là độc đáo, mới là đặc biệt và chị ấy còn bảo mỗi ngày em đội đi làm là nhớ tới anh chị.
Chị dâu của em??? Thi cười chua chát, nước mắt tuôn ra. Mạ lại một phen nữa chen vào:
- À cái con Thi này mới kỳ, mừng cũng khóc, buồn cũng khóc y như hồi nhỏ. Đi rửa mặt đi!! Mẹ quát lên như đuổi Thi. Thi chỉ chờ có thế, vội vã đứng lên bước vào trong nhà rồi chui tuột ra sau hè đứng khóc như trẻ thơ. Sau cùng nàng lấy gáo dừa múc nước đổ vào tay khỏa lên mặt. Dần dần bình tĩnh lại, Thi lầm bầm: Đừng trách Đình, Thi ơi! Anh ấy đâu biết mình thương anh đâu!
Khi Thi lên nhà trên thì Đình đang phe phảy chiếc quạt giấy quạt cho Thu Nga vừa kể cho Mạ nghe những năm ở Sài Gòn ra sao. Tim Thi đau nhói khi nhìn Thu Nga vô tư tựa đầu lên vai Đình.
Một đêm đóng kịch với anh-trai-và-chị-dâu cũng qua đi. Sáng nay vừa mở mắt ra là Thi vội vàng nói với Mạ phải đi làm để đánh máy gấp hồ sơ ứ đọng hôm qua. Mạ gật đầu nhè nhẹ như thấu hiểu niềm đau của Thi, vừa lúc ấy, Thu Nga trong phòng bước ra thấy thế vội bảo:
- Thi đi làm hả? Để chị gọi anh Đình dậy để từ giả em nghe, vì hôm nay anh chị sẽ đi Đà Nẵng chơi vài hôm, sau đó trở lại Sài Gòn luôn.
Thi ngăn lại:
- Thôi, chị để anh ấy ngủ đi, chị chào thế vậy được rồi. Em chúc anh chị đi chơi vui vẻ nghe!
Thi vừa bước đến bậc cuối cùng của thềm nhà thì nghe giọng Đình gọi giật ngược lại:
- Thi! Chờ anh chút!
Rồi Đình băng băng nhảy xuống mấy bậc thang trao chiếc nón lá cho Thi và bảo:
- Bữa ni em đội chiếc nón mới chị Thu Nga mua cho em đi, có sẵn quai nhung màu tím hợp với em lắm. Đưa cái nón cũ đây.
Thi miễn cưỡng làm theo, nhận chiếc nón lá trên tay Đình mà Thi nghe tim mình lạnh buốt. Muốn nói câu gì cùng Đình, nhưng nhìn lên thấy Thu Nga đang mỉm cười như khuyến khích, Thi đành đội nhanh chiếc nón và quay đi.
Buổi chiều tan sở, Thi thơ thẩn trên bờ sông Hương với tâm hồn lịm chết. Nàng đứng tựa vào một gốc cây, đưa chiếc nón lên ánh sáng ngắm nghía và nhẩm đọc những chữ được dán bên trong. Thi rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng cũ Đình tá túc trong gia đình nàng. “Anh ấy đã có vợ rồi” Thi nói với lòng không biết bao nhiêu lần điều này. Có nên cất kỷ niệm này hay hãy vùi chôn? Cuối cùng, Thi rút cây bút ra và viết quanh viền nón:
Thuyền nào ghé bến yêu đương
Cũng thường chở hận lên đường mà thôi
(thơ MĐHT)
rồi Thi bặm môi ngăn tiếng nấc, nàng nhẹ nhàng đặt chiếc nón xuông dòng nước đang xuôi chảy. Nhìn chiếc nón dần xa, Thi nguyện cầu sao cho mình sớm nguôi ngoai những niềm đau của mộng ước ban đầu.
°
Hai năm sau, Thi lấy chồng, một người thương Thi từ tính tốt đến nết xấu. Thi an phận bên một người chồng hiền hòa, ai gặp cũng mến thương. Và năm 1975, Thi cùng chồng con ra nước ngoài theo dòng người “Di tản chiến thuật”.
Nay vì việc bảo lãnh cha mẹ già có vài điều trục trặc Thi phải về Việt Nam chặng chót cho xong thủ tục. Ở Sài Gòn vài ngày, lo xong công việc, Thi ra Huế vì nàng chắc chắn từ nay về sau không còn lần nào nữa nàng trở lại đây...
- Ngó tề! Cứ chọc tau hoài, mai mốt tau không đi với mi nữa mô!
Nghe lại giọng Huế thân yêu khiến Thi giật mình quay lại. Hai cô gái tóc thề áo trắng với chiếc nón lá e ấp trên tay, Thi không khỏi chạnh lòng nhớ lại hình ảnh ngày xưa của mình. Nàng ngước nhìn trời. Mây xanh lơ. Trời trong vắt. Vài lá phượng rơi trên tóc, Thi đưa tay phủi nhẹ. Không hiểu nghĩ sao Thi lại nắm giữ trong lòng bàn tay như nắm giữ một kỷ niệm mong manh.
Ngày mai Thi rời Huế. Thi nghe mắt mình cay cay. Vĩnh biệt Huế... Vĩnh biệt những mộng ước ban đầu.

Xem Tiếp: ----