Tới Mẹt. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mưa đã hai ba ngày nay. Nước lũ tràn về xiết mạnh giữa dòng cuốn đi những thân cây mục, nước ngập cả hai bờ sông. Phải trèo lên cành cây để bước xuống đò qua sông. Mẹt! Cái cửa ải đầu tiên của chiến khu Đông Bắc! ở đây trời như sà thấp xuống núi rừng, không khí âm u nặng nề ẩm thấp khó thở. Những người đi lại ngược xuôi trên con đường này thường gọi đây là bến đò "mệt". Vì họ tin rằng người khỏe qua đây cũng phải thấy mệt, người đã yếu sẵn chẳng may lỡ độ đường, ngủ lại một đêm có khi nằm lại đây mãi mãi. Đoàn bộ đội chúng tôi dăm bảy người đã đi trên một con đường như thế, lên mặt trận phía đông của chiến khu Việt Bắc.
*
Trời đỡ mưa, chúng tôi ra đi, mắt còn nhìn lại lần nữa cái bến đò heo hút ấy. Những túp nhà lá lợp gianh xiêu vẹo dựa vào nhau dưới làn mưa không dứt. Bên trong mấy quán trọ lèo tèo, mấy bóng người ngồi bó gối lừ đừ nhìn mưa rơi.
Đi được một đoạn đường, trời lại sầm sì muốn mưa, chúng tôi vào nghỉ một quán hàng bên đường. Bước qua ngưỡng cửa, chúng tôi ngạc nhiên thấy trong quán gọn gàng sạch sẽ. Hai tấm cửa gỗ kê trên hai cái mễ tre làm quầy hàng trên đặt mấy đĩa xôi đậu, lọ kẹo, vài chiếc bát. Mấy nải chuối mật treo lủng lẳng trên dây rừng bện.
Bà hàng ẵm đứa con nhỏ ngồi ở giường trông thấy chúng tôi vào chạy ra mời. Bà trạc bốn mươi tuổi, người mảnh khảnh mặc chiếc áo đã ngả mầu nước dưa, tay bế con gái chừng lên ba tuổi. Hai mẹ con đều xanh xao như những người chúng tôi vừa gặp ở bến đò. Tôi lật mấy cái bát:
- Bà hàng cho chúng tôi mấy bát nước.
Một người hỏi:
- Nước nóng chứ bà hàng, có pha không đấy?
Bà hàng lấy gáo vục vào ấm chè ủ kín đổ ra từng bát, cười đáp:
- Không ạ, nước nhà cháu bao giờ cũng khói ngút lên. Pha nước lã để các đồng chí uống đau bụng phải tội chết!
Con bé mắt mở to nhìn chúng tôi không chớp đôi môi nhợt nhạt của nó thỉnh thoảng lại nhoẻn cười trông rất dễ thương.
Câu chuyện giữa bà hàng với chúng tôi chóng trở nên thân mật. Tôi gợi đến chuyện gia đình bà hàng.
- Chả dám giấu các đồng chí, nhà cháu ở tận thị trấn phía bên kia. Hai mẹ con cháu tản cư xuống đây đã hơn hai tháng nay, còn bố cháu đi vào du kích từ khi đó chưa thấy tin tức gì. Mẹ con cháu đành mở hàng nước lần hồi kiếm ăn, chật vật lắm, không biết rồi đây có yên không?
Con bé quay đầu gục vào vai mẹ như để an ủi mẹ nó. Bà hàng nựng con, rồi nói tiếp:
- ấy được gần nửa tháng nay cháu mới chịu chơi, trước đã tưởng là đến bỏ mất, cả hai mẹ con cứ sốt rét mãi, may mà gặp được anh y tá tốt quá, anh ấy cho thuốc chữa mới được như thế này đấy...
Rồi như nhớ ra điều gì, bà đột ngột hỏi:
- Các đồng chí giờ ngược hay xuôi? Anh y tá Minh có đi cùng các đồng chí không ạ? Chúng tôi nhìn nhau chưa kịp trả lời thì bà hàng ngắm lại chúng tôi, đã nói.
- Thôi phải rồi, chắc các đồng chí mới ở xuôi lên, chứ các anh bộ đội ở vùng này ai mà chẳng biết anh y tá Minh.
Rồi như để tỏ lòng biết ơn người y tá vắng mặt, bà kể lể:
- Các đồng chí chưa biết chứ anh y tá Minh anh ấy tốt lắm, chẳng nhà nào ở đây anh ấy không vào thăm cho thuốc mà thật quả là không có lấy qua đồng tiền nào của ai bao giờ...
Bà cầm hai chân đứa bé giơ lên:
- Phiên chợ trước anh ấy ngược với đơn vị cũng có ghé vào đây. Thấy cháu lở chân, anh ấy cho ít thuốc mỡ bôi. Anh ấy hẹn độ bốn, năm hôm xuôi, thì sẽ ghé vào đây thăm lại cháu bé. Thế mà đã quá hai phiên chợ rồi không hiểu sao chưa thấy anh ấy về, nhà cháu sốt ruột quá.
Đứa bé đã thiu thiu ngủ. Bà vào giường trong lừa đặt con, úp cái khung màn lên rồi lại quay ra kể tiếp:
- ấy cái màn cháu nằm kia, anh ấy hồi còn đóng gần đây cứ bày bảo cháu làm để muỗi khỏi đốt cháu bé nhưng cháu bán hàng lại vụng thành thử không lúc nào làm được. Thế rồi một hôm anh ấy mang tre lại vào ngồi đây cả buổi sáng, đan cho cháu cái khung lại cho cháu miếng vải cũ để làm màn, người đâu mà tốt quá!
Bà còn muốn kể nhiều nữa về người y tá vắng mặt kia nhưng ngồi lại đã quá lâu chúng tôi phải cáo từ vác ba lô lên đường.
Mải kể chuyện, có lẽ bà hàng lại quên bẵng chúng tôi mới ở xuôi lên đây lần đầu. Đã bước ra khỏi cửa, chúng tôi còn nghe bà dặn với:
- Các đồng chí ngược có gặp anh y tá Minh thì làm ơn nói giúp là nhà cháu mong anh ấy lắm, thể nào về qua đây anh ấy cũng ghé vào thăm lại cho cháu bé một chút.
*
Từ đây đổ lên, con đường nhựa đen bóng như bị thu hẹp lại giữa một bên là dãy núi đá Cai Kinh lúc nào cũng sừng sững trước mắt. Con đường nhựa bắt đầu bị băm nát từng đoạn, những thân cây to chặt đổ ngổn ngang vắt qua đường, lá cành đôi chỗ còn xanh. Có đoạn những hố phá hoại đào vội nham nhở nước đục ngầu, có đoạn lại được đào vuông vắn chứa đầy nước mưa trong trẻo trông như những chậu nước kê nghiêng.
Hai bên đường vẫn là núi rừng, một mầu xanh xám nhìn mãi mỏi cả mắt.
Những quán hàng quán trọ thưa thớt dần. Trên những sạp nứa dài, những chiếc chiếu ẩm mốc run rẩy, những cái đầu bù xù cố vươn ra cửa mỗi khi có chân người qua đường: "Các anh bộ đội có ký ninh cho nhà cháu một viên". ở chốn đầy muỗi độc này, người ta hà tiện từng cử chỉ từng lời nói. Họ mua bán hàng một cách kỳ lạ: trước cửa nhà đặt một cái chõng tre trên đặt mấy đĩa xôi, mấy đĩa hạt dẻ rang. Khách đói bụng chỉ việc cầm đĩa xôi, đĩa hạt dẻ đổ vào lòng bàn tay, móc ra một đồng bạc kền gõ cành cạch xuống chõng, nếu là tiền giấy thì giơ cao lên rồi để xuống chõng, chặn cái đĩa không lên trên rồi đi. Ông chủ hàng đắp chiếu ở giường bên cũng chỉ nghển cổ nhìn khách rồi lại lặng lẽ nằm xuống. Thỉnh thoảng lắm mới gặp một, hai toán người ngược chợ Điềm He hoặc xuôi chợ Kép, họ gánh những sọt hàng nặng trĩu gặp nhau hỏi thăm ồn ào một lúc rồi con đường lại trở lại vắng vẻ âm u như trước. Trong những xóm nhà dựng tạm ven đường, giờ đây chỉ thấy toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Vắng hẳn bóng những người thanh niên khỏe mạnh: họ đã vào du kích cả rồi.
Cái cảnh tượng những người dân tản cư chạy giặc phải sống tha phương bị sốt rét và thiếu thốn giày vò, diễn ra trước mắt chúng tôi, từng chặng một.
Bỗng chúng tôi trông thấy một cái cáng từ đằng xa nặng nề đi lại. Không ai bảo ai, chúng tôi đều rảo bước. Đến gần mới nhận ra còn có một anh Vệ quốc mặc quần áo chàm, vai khoác súng trường, lưng đeo dao rừng, mặt sạm đen, đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ, lặng lẽ đi theo sau cáng. Tôi dừng lại hỏi:
- Nặng hay nhẹ? ở mặt trận nào về thế, đồng chí?
Cái cáng cũng dừng lại để hai người khiêng đổi vai. Anh vệ quốc người miền núi như sực tỉnh, đôi mắt sáng lên, say sưa trả lời một thôi dài như thể dọc đường anh đã trả lời nhiều lần như thế.
- Mình ở mặt trận Ba Hòn về vớ! Đêm qua bộ đội mình đột kích đồn nó, súng bắn nhiều lắm, không biết nó chết bao nhiêu vớ! Đồng chí này (anh đổi vai súng rồi đập nhẹ tay vào đầu cáng) xung phong bị ngay một mảnh lựu đạn vào đùi (anh đập mạnh tay vào bắp đùi anh) nhưng nhẹ thôi vớ!
Tôi lật chiếc chăn dạ trùm trên cáng để nhìn mặt người chiến sĩ bị thương. Một người khiêng cáng nói thêm vẻ mệt nhọc.
- Lẽ ra chẳng cần đưa đồng chí này về quân y xá làm gì cho thêm việc nhưng chẳng may anh y tá đơn vị lúc rút ra cũng bị thương nốt!
Vài hạt mưa nhẹ bay vào mặt anh chiến sĩ trẻ đang nằm ngủ trên cáng, hai tay vẫn giữ chặt trên ngực áo, chiếc ca lô vải nâu còn mới. Vết thương ở đùi bên phải, một chiếc áo cũ hoen máu bọc ngoài gọn ghẽ. Tôi kéo chiếc chăn xuống, định bước đi chợt nhớ tới lời dặn của bà hàng, tôi quay lại hỏi anh Vệ quốc:
- Anh y tá đơn vị đồng chí có phải tên là Minh không?
Anh Vệ quốc, đôi mắt đã lại lờ đờ như lúc mới gặp, chỉ khẽ lắc đầu rồi lặng lẽ bước theo sau cáng. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Những chiếc cáng về xuôi trên con đường xanh xám này có nghĩa là một anh Vệ quốc quân bị thương hay một người dân ốm nặng vì sốt rét. Cuộc kháng chiến là trường kỳ và gian khổ. Đây mới chỉ là thử thách bước đầu. Chúng tôi vẫn đi trên đường dài, vẫn núi, vẫn rừng. Trời vẫn mưa, sương chiều đã xuống, hơi lạnh từ dãy núi đá Cai Kinh nằm sát bên đường thấm dần vào da thịt chúng tôi. Chúng tôi mong nghe thấy một tiếng nói, một tiếng cười, một tiếng khóc của trẻ em. Chúng tôi mong nhìn thấy một làn khói bếp, một ánh lửa nhà sàn. Hai bên đường vẫn chỉ là rừng già, trước mặt vẫn chỉ là núi cao vút ngọn.
Qua khỏi rừng Cấm. Nhìn đã thấy một mảng trời rộng trên đầu. Xa xa vẳng tiếng trẻ con cười đùa. Chúng tôi quên mỏi bước rảo lên phía trước. Sau chỗ ngoặt, mấy đứa bé bụng ỏng đang ôm quần té nước đùa nhau bên chiếc hố phá hoại đầy nước. Thấy chúng tôi kéo đến, tiếng cười trong trẻo tắt đi. Chúng đứng ngây ra nhìn rồi cùng nhau bỏ chạy về nhà, miệng gọi líu lô:
- Mẹ, mẹ ơi, bộ đội đi qua, bộ đội đi qua!
Từ những khung cửa tranh tối tranh sáng, vài bộ mặt mệt mỏi ló ra hỏi bâng quơ về phía chúng tôi:
- Bộ đội ngược hay xuôi đấy? Anh y tá Minh có đi cùng không?
*
Trên suốt dọc đường từ Mẹt đổ lên, giữa đám người tản cư ở hậu phương, bên những người chiến sĩ ngoài mặt trận, đâu đâu anh y tá lưu động không quen biết kia cũng để lại dấu vết một bàn tay, một tấm lòng, một tia hy vọng. Họ chờ đợi anh, họ nhắc đến tên anh, họ kể chuyện về anh, họ trông cậy vào anh. Hình ảnh người y tá đáng mến ấy từ đây cứ lởn vởn trong đầu óc chúng tôi. Anh đã trở nên quen thuộc đối với chúng tôi từ lúc nào và chúng tôi cầu mong được gặp mặt anh như cầu mong được gặp một người bạn cũ.
*
Chiều hôm sau, trời hửng nắng. Sau những ngày mưa dài cảnh vật như bừng lên dưới ánh nắng còn yếu ớt. Qua con suối nước còn đục ngầu, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất Chi Lăng lịch sử. Chúng tôi dừng chân nghỉ trên một mô đất cao ven đường. Dãy núi đá Cai Kinh đã lùi lại phía sau, rừng già ướt át cũng đã lùi xa mặt đường, trời đã cao đã rộng trên đầu. Gió thổi bát ngát, từng đám mây trắng trôi trên nền trời mỗi lúc một xanh hơn. Chúng tôi đứng nhìn ra xa, về phía biên giới. Cảnh núi rừng trập trùng hùng vĩ. Tổ quốc đẹp sao! Trong tiếng súng lớn của giặc dội về âm âm không dứt, chúng tôi đã nghe thấy xen kẽ tiếng súng trung liên nổ từng loạt ngắn của bộ đội và tiếng súng trường phát một đó đây của du kích. Mặt trận không còn xa nữa. Chúng tôi bỗng thấy trong lòng phấn chấn tưởng nhớ lại sự tích người anh hùng áo vải đã lấy đầu Liễu Thăng ở chốn này mấy trăm năm về trước.
Bỗng trước mặt chúng tôi, một cái cáng trùm lá cọ trở về xuôi lại đột ngột hiện ra. Chúng tôi đứng nhìn lặng lẽ, nhưng rồi không cầm lòng nổi, tôi rời mô đất chạy theo hỏi với:
- Này đồng chí ơi! Cáng ai thế, nặng hay nhẹ?
Hai người dân khiêng cáng vẫn bước gằn. Anh Vệ quốc quân khoác súng đi sau quay đầu lại trả lời tôi trong một hơi thở gấp:
- Anh y tá Minh đấy!
1948