Trân bỏ thêm một cành củi khô vào đống lửa. Một nhành trầm bầu còn dính những chiếc lá lăn tăn khô xác. Ngọn lửa liếm vào cành trầm bầu, hực lên liền. Thứ cây này đốt thiệt dư. Xung quanh anh, trên cái nền nhà trống, trên lối cát và miệt vườn hoang đằng kia còn rải rác nhiều củi. Có thể đốt suốt đêm nay cũng không hết. Trận bom cuối cùng trước ngày hoà bình đã phạt trụi những rặng trầm bầu. Cành lá chúng rơi xuống, gió thổi khô đi, còn mãi cho đến giờ.
Trân biết rõ những cây trầm bầu đó từ hồi thơ ấu, anh cúi nhặt chiếc que sắt dưới chân, cời lửa: đó là chiếc que thông nòng đã cong queo, không biết ai bỏ lại. Lòng tro rỗng thành một khoảng trống, gió lùa vào và ngọn lửa bốc lên. ánh lửa soi lên mặt anh, ánh lửa lay động trên khoảng đất làm trống trải, trên những lùm lá sòi dại và vài ngọn rau dừa còn sống sót. Cuối cùng, ngoài xa kia - nơi luồng ánh sáng rực rỡ chỉ còn là những làn sóng mờ run rẩy là một mái nhà tranh nằm im lặng, mảnh tôn ghép tường chốc chốc lại rạng lên một lằn trắng chập chờn.
Từ căn nhà ấy một đứa bé tí tơi phía anh, tay nó cầm cây đèn sắt.
- Thưa chú, cho con xin chút lửa.- Lại đây.Thằng bé đến gần, chìa cây đèn ra. Trân châm lửa cho nó.
Giờ dữ quá, ngọn lửa tắt mấy lần. Ðèn cháy rồi, thằng bé lư phép chào anh:- Con xin cảm ơn chú.Một tay khum khum che cổ đèn, nó thận trọng đi về phía nhà mình. Trân nhìn theo, anh nhận thấy dáng điệu của đứa bé thật cẩn trọng và khôn ngoan. Nó gầy, mặc chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn. Hình như nó có một mụn ruồi nơi đuôi mắt trái, anh thoáng nhận ra điều đó khi ngẩng lên đưa lại cây đèn... Một đứa con trai! Trân bóp cánh tay cụt và nhìn ngọn lửa nhảy nhót.
Một đứa con trai! Anh đã từng có một đứa con trai đứa con trai lanh lợi, có làn môi đỏ au và một mụn ruồi nơi đuôi mắt phải. Nó thường mặc quần cụt màu mận tím và chiếc áo thun xanh kẻ sọc.
Khi vợ Trân còn chung tình với anh, đứa con nhỏ thường đeo lấy cổ bố và nói những lời ngọt ngào. Gian nhà nhỏ tối om vì tắt hết đèn chỉ có tiếng đứa con nhỏ và lời thầm thì của người vợ vang lên. Chốc lát người mẹ lại bảo đứa con:
- Khẽ chứ, khẽ chứ, ông kẹ (1) bắt bây giờ...
Nhưng ông kẹ cũng không làm cho đứa trẻ sợ hãi, nó ôm chặt lấy cổ bố ríu ran. Thật là một điều lạ lùng, những đứa con sớm xa bố thường ít chịu nhìn nhận hoặc bày tỏ tình cảm với cha chúng. Nhưng con anh càng xa cách nhiều lại càng nồng nhiệt trong những giây phút gặp gỡ hiếm hoi. Phải chăng trong đầu óc non nớt của nó, đã sớm có những ý thức về tình phụ tử. Cũng có thể ngay từ buổi ban đầu, giữa hai cha con đã nảy sinh một mối tương giao khó giải thích. Trân thường ôm con vào lòng, sờ nắn chân tay, áp khuôn mặt nhỏ bé vào mặt mình, ngửi mùi thơm da thịt, hít hơi thở thân quen của đứa trẻ. Ðôi lúc ánh đèn bên ngoài lại lọt qua khe cửa soi vào mặt thằng bé và Trân lại nhìn thấy đôi mắt long lanh của nó với mụn ruồi, mụn ruồi xinh xẻo nơi đuôi mắt phải.
- Ba ơi, bao giờ ba lại về?...
Thằng nhỏ áp miệng vào cổ anh nói thầm, tay nó lùa lên tóc cha gỡ những mảnh đất khô. Trân ôm con, xoa tấm lưng gầy của thằng nhỏ. Tay anh lần từng đốt xương sống rồi vuốt ve mãi cặp mông bé tí teo...
Vợ Trân đã bỏ anh. Ðó là một người đàn bà xinh đẹp mà suốt thời trai trẻ anh say mê. Cô ta tuy gốc gác là gái quê nhưng rất trắng. Khuôn mặt khả ái, cặp mắt một mí có làn mi cong, đôi môi chín mọng lúc nào cũng như he hé mở. Hồi còn con gái, cô cũng yêu Trân đắm đuối. Hai người sung sướng mà lấy nhau, không một chút đắn đo, như mọi lứa đôi khác ở cái tuổi hai mươi và nghĩ rằng tình chồng vợ sẽ bền chặt đến chọn đời.
Mấy năm đầu tiên khi Trân đi hoạt động, mọi sự vẫn như thường. Một hai tháng anh lại tạt về nhà, cô vợ chuẩn bị sẵn cho chồng dăm tút thuốc với nửa cân đường phèn. Lúc chia tay hai người bịn rịn đến cả giờ đồng hồ không thể rời nhau. Nhưng rồi Trân phải đi xa. Và cuộc sống có nhiều biến động mới. Thôn làng anh đã thành thị hoá. Ðất đai, vườn tược biến mất, chỉ còn một vành cát trắng trơ trụi. Dân làng, những người không đi theo cách mạng lên xanh hoặc không bị bắt lính đều bạt ra các thị trấn làm ăn. Vợ anh xin được môn bài bàn hàng tạp hoá, cô mở tiệm và dần dần khá giả. Ðầy đủ, an nhàn, cô trẻ đẹp lên nhiều, có phần còn mỡ màng hơn hồi con gái. Vợ Trân để kiểu tóc khác xưa, mặc những bộ quần áo tân kỳ. Tụi sĩ quan và lính tráng Ðông Hà gọi cô chủ tiệm đồ tạp hoá là: Nàng búp bê Nhật Bổn. Chúng lượn quanh nàng như những vệ tinh.
Thế rồi, việc gì đến nó sẽ tự đến. Tên thiếu tá an ninh mê vợ Trân. Y ba mươi hai tuổi, gốc người Huế, đẹp trai và lịch lãm. Cô vợ Trâm chống cự không nhiều nhặn gì lắm và thực tâm cũng có ưng thuận y. Một bên, là người chồng đi biền biệt hàng năm không thấy về, mặt mày hốc hác, áo quần đầy bụi đất hôi hám. Một bên, là người tình trẻ đẹp, lịch sự hào hoa, đầu tóc mượt mà thơm nức, luôn luôn đến và đem theo mọi thứ chiêu đãi vật chất cũng như tinh thần. Một bên, là những kỷ niệm của tình đầu trong trắng, tuy êm đềm đẹp đẽ nhưng đã lùi vào quá khứ xa xôi. Một bên, là những đam mê sôi sục, đầy ma lực gắn liền với những đòi hỏi cấp thiết trong đời sống hiện tại...
Ngọn lửa đã thôi reo phần phật, nó chỉ còn cháy lom đom. Những cục than hồng phủ một lớp tàn trắng mịn. Trân đứng dậy lượm vài cành củi khô xếp lên và thổi cho bếp lửa bùng cháy. Anh rất thích nhìn ngọn lửa đỏ rừng rực, hắt lên một quầng sáng ấm áp và vui tươi. Những năm ở rừng anh đã quen đốt lửa vào những đêm đông và cả những đêm hè. Từng thân gỗ to một người ôm chụm lại, chúng cháy từ chập tối tới mờ sáng tinh mơ mới hết. Trân thường ngồi một bên, lâu lâu lại đẩy củi vào, ngọn lửa nhảy múa trước mặt anh, tạo thành những hình ảnh và màu sắc kỳ lạ, Khi thì nó có màu đỏ, khi vàng, khi gần như trắng. Ðôi khi ngọn lửa có cái lõi màu lam. Lúc đó anh biết rằng trong đám tro có lẫn một chiếc vỏ đạn đồng.
Kể từ ngày giải phóng đến hôm nay anh mới lại được ngồi trước một đống lửa, trong cái đêm yên ả như thế này.
Có người nào đó đang đi tới từ phía căn nhà nhỏ trước mặt Trân. Một người đàn bà. Trong ánh lửa chập chờn trông thân hình chị như bị vuốt dài ra. Những nếp áo dưới luồng ánh sáng mờ rung rinh vây phủ trở nên óng ánh như may bằng một thứ nhung tơ. Người đàn bà thon thả bước, mỗi lúc nhìn chị một rõ hơn. Ðó là một phụ nữ trạc ba mươi tuổi, dáng mảnh dẻ nhưng rắn chắc. Chị mặc một chiếc áo xanh, màu xanh lá khiến Trân có cảm giác như chị bước ra từ một khu rừng chứ không phải từ một thôn đã bị tàn phá trơ màu cát trắng.
Người đàn bà bước đến trước mặt Trân, cúi đầu lư phép nói:
- Xin anh châm giùm chút lửa.
Chị chìa cây đèn sắt nơi tay ra. Ðúng là cây đèn của thằng nhỏ mặc quần cụt. Như đoán được ý nghĩ của Trân chị nói thêm:
- Trời gió dữ quá, cháu nó mang đèn về đặt vội lên bàn thiên nên tắt rụi ngay.
Giọng người đàn bà êm dịu, và cách nói của chị thật dư nghe. Trân cười tự nhiên, cầm lấy cây đèn:- Có sao đâu, chị đưa tôi châm cho.
Anh lấy cái vỏ mía khô quắt châm lửa vào tim đèn. Sợi bấc bén cháy ngay nhưng ngọn lửa bị gió thổi bạt đi, lắt lay như muốn tắt. Trân khum khum bàn tay che gió, chờ cho ngọn lửa bốc thật to mới đưa cây đèn cho người đàn bà.Lúc ngẩng lên anh thoáng đưa mắt nhìn chị. Một gương mặt xương gầy nhưng rạng rỡ, cặp mày dài và đen. Những sợi lông tơ trên má rung động khi chị cười.- Cảm ơn anh nghe, không có anh, lại phải xách đèn bão lên xóm trên xin lửa.Trân cười xoà, qua hạt lửa vàng thắm của ngọn đèn anh thấy đôi mi người đàn bà hạ thấp, chị chưa dám một lần nhìn thẳng vào mặt anh. Người đàn bà chào Trân và quay đi. Bóng chị mỗi lúc một nhỏ dần trên lối cát. ánh lửa như một đợt sóng lan mãi ra xa rọi lên làn áo xanh và những nếp lụa bay phần phật trên tấm thân rắn chắc của chị.Trân khơi chiếc que thông nòng vào đống lửa. Mấy vành củi khô bén nổ lép bép, ngọn lửa vụt bốc cao soi rõ bóng của người đàn bà trước khi chị rẽ ngoặt vào ngôi nhà tranh. Ngọn lửa soi vào mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay của Trân: đã tám giờ mười lăm rồi. Trân bỗng thấy mệt mỏi, anh rút tấm ni lông trong ba lô ra trải và nằm xuống. Trời trong suốt, đầy sao. Những ngôi sao toả ra một thứ ánh sáng tương phản với màu lửa đỏ, một thứ ánh sáng sắc nhọn lấp láy, có màu xanh như lá mạ non. Trân không thuộc hết tên sao. Hồi bé, có đôi lần cha anh chỉ cho biết những chòm sao tua rua, sao thần nông, con vịt trời... và dạy cách đoán thời tiết. Những điều cha anh bảo Trân đã quên rồi, lớn lên là anh đi đánh giặc. Những kinh nghiệm chiến đấu đã thay thế cho những kinh nghiệm mùa màng. Bây giờ, anh nằm nhìn vòm trời rờ rỡ ngàn vạn ngôi sao. Những vì sao. Những vì sao. Chúng ở xa con người đến thế. Nào ai có thể biết được ngôi sao nào nuôi sự sống và ngôi sao nào mang luồng khí độc của tử thần. Ðến con người, con người ở một bên ta mà... Trân bỗng thở dài, anh chợt nhận ra mình đang quay lại với nỗi bi thảm riêng tư. Vợ anh đã phản bội anh. Ðứa con trai của Trân hiện giờ ở đâu?... Một người cùng phố kể rằng nó không chịu gọi tên thiếu tá nguỵ là ba, nó cũng không khi nào nói chuyện với mẹ. Vợ Trân phải gửi nó cho một trường nuôi trẻ lưu trú ở Huế. Ngay sau ngày giải phóng anh đã đi tìm con, suốt ba tháng ròng không ra manh mối... Vợ anh đã bỏ đi Mỹ với tên thiếu tá nguỵ đẹp trai. Bỏ đi không một lời. Ðôi lúc Trân nhớ lại những hình ảnh sinh động của cuộc sống trước kia, anh vẫn tự hỏi mình: Vì sao anh yêu cô ta đến thế?... Một người bạn gái cùng quê hương, một thiếu nữ xinh đẹp có sức hấp dẫn bất cứ chàng trai nào đến tuổi yêu đương, một người đàn bà thân thể đầy sinh lực và sự khêu gợi... Có thể là như thế... Nhưng còn một điều ngoài tất cả những yếu tố đó, một điều lớn lao trọng đại mà ở tuổi hai mươi và ở trong hoàn cảnh sống bình thường anh không thể nào biết được. Ðiều lớn lao nhất trong mỗi người đàn bà, chỉ có qua cuộc chiến tranh này ta mới hiểu được mà thôi.
Trân nghiêng mình lại, anh đẩy mấy cành củi vào đống lửa cho khỏi tắt. Xung quanh anh, những mảnh vườn trống, những nền gạch vỡ lô nhô, bóng vài bụi trâm bầu thấp lè tè như những chiếc nấm. Một chiếc lon đồ hộp lăn lóc giữa lối đi, thỉnh thoảng lại sáng loé lên vì ngọn lửa hắt vào. Xóm làng bây giờ còn có vậy. Mảnh đất mà anh đang nằm đây ngày xưa là ngôi nhà bà gian của cha mẹ anh. Phía trước nó có một vườn đào tiên với hai dãy cau chạy dọc theo hai bên cổng. Giờ đây cây cối đã cháy rụi, chỉ còn trơ cái nền gạch bị nạy loang lổ với khúc đà gỗ cháy sót đen sì. Dân làng tan tác đi các ngả giờ mới lác đác rủ nhau về. Ngoài gian nhà tranh của mẹ con người đàn bà mặc áo xanh còn dăm bảy nóc nhà đó hắt ra le lói. Nhà riêng của vợ chồng Trân trước cũng ở xóm đó, bây giờ có lẽ cũng chỉ còn lại cái nền, nhưng Trân không muốn đến thăm, có lẽ vì nó sẽ lại nhắc cho anh những kỷ niệm đắng cay.
Ðêm chợt vang lên những âm thanh lao xao, nhè nhẹ. Rồi có tiếng chân bước. Trân ngẩng đâu lên anh thấy thằng bé bận quần cụt đang đi đến, tay nó ôm một bọc gì đó trước bụng. Thằng bé đến bên Trân, nhoẻn miệng cười, nó quỳ xuống và thả hai vạt áo. Một mớ khoai rơi xuống, lăn lóc trên mặt đất. Những củ khoan của miền quê Quảng Trị, tròn và có lần vỏ dày màu tím đỏ. Trân ngồi nhỏm dậy, kéo thằng nhỏ lại. Nó ngồi xuống một bên bẽn lẽn nói: - Má con nhủ đem mấy củ khoai sang, chú lùi ăn cho vui.
Trân thoáng ngỡ ngàng một chút, rồi anh gật đầu:
- Cháu ở đây với chú, tai lùi khoan cùng ăn chơi.
- Dạ, nhưng má con dặn đem khoai sang cho chú rồi về.
- Nếu vậy chú không nhận đâu, ăm một mình buồn lắm.
Thằng nhỏ ngồi im, chần chừ. Trân nói thêm:
- Rồi chú nói với má cho, má không la đâu.
- Dạ...
Ðứa bé vừa cười vưa thở một hơi dài nhè nhẹ. Nó yên tâm co chân ngồi bệt xuống cát, hai tay ôm vòng lấy đầu gối.
Trân lấy que sắt cời than ra dàn thành một lớp mỏng, anh phủ tro lên rồi xếp khoai trên đó, những củ khoai đặt so le rục đầu vào nhau rất khít. Xong xuôi Trân lại rải tro và than lên. Lớp than và tro nòng vun cao như một đống nấm nhỏ.
- Giờ thì xong rồi đấy, ta chỉ cần ngồi chờ khoai chín thôi.
Trâu bảo chú bé. Anh móc bao thuốc trong túi áo ra ngửi, mùi thuốc thơm nồng bốc lên dư chịu. Bao thuốc để trong người, lúc nào cũng âm ầm. Trân rút điếu thuốc, anh không đưa lên miệng ngay mà châm vào một hòn than đang cháy. ống tay áo bên trái vẫn gài vào túi bỗng rơi thõng ra. Chú bé theo dõi Trân, mặt nó hiện lên sự sửng sốt. Có lẽ bây giờ nó mới nhận thấy anh chỉ còn có một cánh tay. Trân không để ý đến điều đó, anh rít một hơi thuốc, khoan khoái thở ra những làn khói trắng. Gió ngoài mạn biển thổi vào càng về đêm càng mát lạnh, nó làm dịu đi những nỗi đau và thức dậy những hy vọng xa vời.
- Này, cháu lên mấy tuổi?
- Cháu lên bảy.
- Cháu đi học chưa?
- Dạ, cháu học ở nhà thôi, má cháu bày...
Chú bé trả lời Trân và liếc nhìn anh với cái vẻ mỗi lúc mỗi ái ngại và tò mò. Thấy Trân duỗi dài chân, lăn mình trên mảnh nilông nó ấp úng hỏi:
- Chú... chú định ngủ ở đây sao?
- ừ, chú ngủ ở đây.
- Chú không có nhà à?
- Không, chú không có nhà.
Trân thong thả trả lời.
Chú bé xây mặt đi. ánh lửa in lên cái cổ mềm mại của nó một vệt hồng hồng. Xưa kia, ánh trăng đã từng lọt qua khe cửa và in lên gáy đữa con trai anh những vế sáng màu ngà... Những vệt sáng in lên làn da non nớt của trẻ thơ, sao dịu dàng, sao rụng động trái tim con người đến thế?
Chú bé vẫn đăm đăm nhìn đống lửa, nét mặt trở nên trang nghiêm. Chợt nó quay lại:
- Chú không sợ cảm hay sao? Má cháu bảo ngủ ngoài trời dư bệnh lắm.
- Không, chú không sợ, chú quen rồi.
Trân trả lời, giọng khàn khàn. Anh bỗng cảm thấy một cái gì đó, gần như sự mủi lòng, làm cay sống mũi. Ðã từ lâu rồi, anh chưa được nghe lời hỏi han chằm bặp của một đứa trẻ.
Thằng bé ngồi nhỏm dậy, nhìn anh:
- Ðừng, không quen được đâu. Ba cháu đó, khoẻ gấp năm lần chú mà cũng đau chết, má cháu bảo chết vì ngủ rừng nhiều.
Nó hạ giọng thầm thì:
- Ðêm. ở ngoài trời có con ma mặc áo trắng đi lang thang, nó tìm bắt những người không nhà cửa...
Trân kéo thằng bé lại bên mình, dịu dàng xoa tóc nó:
- Ai nói chuyện tầm bậy đó, má cháu hả?...
Cháu bé lắc đầu quả quyết:
- Không tầm bậy đâu, thiệt đó mà... Chú không nghe rồi chú lại chết mất như ba cháu thôi.
Rồi nó nhìn anh với vẻ lo ngại chân thành. Ðôi mắt nhỏ phản chiếu ánh lửa ngời lên như nước, những sợi mi thưa, mảnh in bóng lên bờ mắt khiến gương mặt thon thon của đứa bé càng giống hình ảnh của một ông hoàng tý hon nào đó lạc trong những cuốn truyện thần tiên.
Ðống lửa vẫn cháy rừng rực, thỉnh thoảng những tàn lửa vụt bay lên như những vì sao đỏ, chúng vội vã cháy rồi vội vã tắt trước khi rơi xuống. Trân liếc nhìn mụn ruồi nơi đuôi mắt phải của chú bé. Anh hỏi:
- Ba cháu đâu?
- Ba cháu chết rồi mà, cháu vừa kể cho chú nghe thôi.
Chú bé trả lời anh, giọng trách móc.
- ừ... à à, thế mà chú quên - Trân cười xí xoá - Ba cháu làm gì?
- Ba cháu lên Xanh - Thằng bé nói rành rọt - Ba cháu đi đánh Mỹ bị chết vì sốt rét. Má cháu bảo tại bà ngủ rừng nhiều. Ba cháu chết hồi cháu mới được hai tháng, cháu chưa biết mặt ba đâu.
- Thế má chau khi đó làm chi?
- Má cháu làm cấp dưỡng cho đơn vị của chú Sáu. Giải phóng rồi nội nhủ má con cháu về đây.
- Thế trước nhà cháu ở đâu?
- ở Quảng Nam, ở đó quế nhiều lắm chú à. Dưới biển họ đem khô cá chuồn lên đổi quế.
- Ba cháu quê ở đây hả?
- Dạ, ba cháu quê đây.
Ra thế, ba chú bé là người đồng hương với anh, còn mẹ chú là người Quảng Nam, giọng nói của chú bé pha trộn âm hưởng của cả hai xứ sở. Chú bé đã theo mẹ trở về quê cha.
Trân thoáng bâng khuâng. Anh biết rằng rất ít người đàn bà chồng chết rồi mà còn đưa con về quê nội. Nhất là quê anh, một vùng đất dữ dằn, gió nóng, cát bụi, đất đai cằn cỗi. Người đàn bà áo xanh phải có một tình yêu thuỷ chung và sâu sắc lắm mới có thể quyết định như vậy. Chị đưa con về đây, cho nó sống trên mảnh đất này, ăn củ khoai cha nó đã từng ăn, uống ngụm nước cha nó đã từng uống, dưới bầu trời đầy sao của miền quê Quảng Trị. Có một người vợ như vậy thật hạnh phúc. Hạnh phúc... Trong cuộc đời riêng mọi ngươi đều may mắn hơn ta... Trân chợt nhận ra anh có một thoáng ghen tị với người đồng chí chưa quen biết đã hy sinh và với bao nhiêu bạn bè quen thuộc.
Ngọn gió bỗng xoay chiều thổi tạt khói vào mặt Trân. Anh nhắm mắt. Trong đầu lại chờn vờn những hình ảnh cũ: Cái cổ mảnh khảnh của đứa con trai in một vệt sáng màu ngà. Hình ảnh của chính anh lang thang trên những con đường Huế, và Ðà Nẵng hết cô nhi viện này đến trường mồ côi khác, những trưa nóng nực, chói chang và ồn ào đến chóng mặt, những chiều mưa ướt, đám mây xám nặng trĩu dồn tụ nơi chân trời, anh đứng cô đơn trên hè phố, nhìn đám người giường ô đi qua...
- Sao chú im lặng thế? Chú ngủ rồi à?
Ðứa bé cao giọng hỏi làm Trân giật mình. Anh mở mắt. Ðống lửa vẫn cháy rất to, đỏ hồng. Còn chú bé đang chăm chú nhìn anh, môi nó tươi như màu bông trang.
- Chú buồn ngủ chưa? Cháu bới khoai ăn nghe! Trân vùng dậy, anh ngồi tựa lưng vào chiếc ba lô con cóc:
- Phải đấy, cháu bới khoai ăn đi.
Chú bé nhanh nhẹn lấy cây que sắt gạt lớp tro bên trên, nó gạt rất nhẹ những hòn than đã cháy hết, chỉ còn tro tàn trắng vẫn lả tả bay lên, xộc vào mũi. Ðứa bé quay đi, hắt hơi liền hai cái rồi nhón từng củ khoai, đập nhẹ cho bụi tro bay đi, xếp lên mảng lá chuối héo mà ban chiều Trân gói đồ ăn mang theo.
- Chú ăn khoai ạ!
Thằng bé mời Trân, còn nó thì phủi tay vào nhau và ngồi bó gói, khuôn mặt nhò trang trọng như mặt một cụ già.
Trân bóc khoai, anh thổi cho những ngón tay bớt nóng:
- Cháu nghĩ gì vậy?
- Cháu nghĩ đến chú.
- Sao cơ?
- Chú không có nhà, mà má con cháu thì có những hai cái nhà: Một nhà ông bà nội ở xóm Côi - Nó giơ tau chỉ cụm nhà mới dựng, đèn le lối - Một nhà ở đây.
Thằng bé ngưng lại một chút rồi nó nói tiếp, giọng quả quyết:
- Này, hay chú vào ngủ nhà cháu đi. Nhà cháu chỉ có hai má con, sợ lắm, đêm nào cũng phải thắp đèn.
- Hả?...
Trân bối rối - anh chưa biết trả lời đứa bé ra sao. Nó vẫn nhìn anh chờ đợi, cặp mắt đen mở rộng, long lanh.
- Chú ngủ ngoài này đau bệnh chết đây. Trong nhà cháu có giường, có cả mùng vuông, thứ thiệt đẹp...
Nó nói, như dỗ dành, Trân nhìn ngôi nhà heo hút chìm trong khoảng tối mờ với dăm bóng cây, anh bỗng cảm thông với nỗi quạnh hiu của chú bé. Nó có mẹ rồi, nhưng nó vẫn cô đơn và như anh, nó cũng cần người bầu bạn.
- Kìa, chú?
Ðứa bé giục giã, mắt nó dán vào miệng Trân, nôn nóng chờ đợi. Trân lúng túng, anh chưa biết tìm cách nào nói cho phải.
- ừ, à, để chú xem đã.
Nói xong, mặt Trân nóng lên, máu chảy giần giật hai bên tai. Chính anh cũng ngạc nhiên vì thấy mình dao động như vậy. Câu chuyện của chú bé làm xao xuyến tâm hồn Trân, nơi mà anh đã tưởng chừng nguôi lạnh mãi mãi.
Ðứa bé vụt đứng dậy:
- Cháu vào bảo má nghe.
- Khoan, khoan, nghe chú nói đã.
Trâu hốt hoảng níu tay đứa bé, hốt hoảng đến líu cả lưỡi.
Người đàn bà xa lạ kia sẽ nghĩ gì khi đứa con tự nhiên nói lên những đề nghị kỳ quặc như thế.
Trong thâm tâm, Trân kính trọng chị, anh rất sợ chị hiểu lầm, nhất là đối với vợ của một người đồng chí đã hy sinh.
- Chú nói điều này nghe...
Ðứa bé đứng lại, chờ đợi. Trâu kéo nó ngối xuống, anh tìm cách hoãn binh. - Hãy còn sớm, cháu ăn khoai với chú cho hết đã.
- Dạ!
Thằng bé ngoan ngoãn nhặt một củ khoai, nhưng trước khi bóc nó lại giao hẹn:
- Chặp nữa chú phải sang ngủ nhà cháu nghe!
Trân không trả lời, anh cắn một miếng khoai thật to, thở hà hà làn hơi nóng:
- Chà, ngon thiệt!
Ðúng lúc đó vang lên tiếng gọi của người đàn bà:
- Lâm ơi, về ngủ con...
Tiếng gọi lặp lại lần thứ hai và người mẹ đi tới. Vẫn dáng đi đẹp đẽ làm Trân sửng sốt lúc đầu, vẫn tà áo xanh trong ánh lửa soi rọi, lấp láy những ánh vàng tươi thắm.
Trân vứt mảnh vỏ khoan vào đống lửa, luống cuống xoa tay vào đâu gói. Người đàn bà đến gần và nói:
- Xin phép anh cho cháu về kéo khuya.
- Dạ, chị cho cháu về.
Trân trả lời, anh thầm mong đứa bé theo mẹ về ngay và quên đi câu chuyện ban nãy. Nhưng nó đã hấp tấp nói:
- Khi hồi chú bảo về nhà cháu mà?
Tim Trân đập thình thịch, anh chưa kịp thanh minh thì thằng nhỏ tiếp luôn:
- Má ơi, chú ấy không có nhà, con nhủ chú về nhà mình ngủ cho khỏi đau má nghe!
Người đàn bà cúi đầu xuống, môi mấp máy nhưng không thành tiếng, có lẽ cũng bàng hoàng và ngượng ngập. Trân thấy mặt mình nóng ran, anh sượng sùng cười, nửa như phân trần, nửa như chữa thẹn:
- Thằng nhỏ ký quá.
Hai người cùng im lặng. Và đêm vang lên tiếng gió, tiếng lửa reo phần phật, tiếng nỉ non êm dịu của những côn trùng ngoài đám ruộng khoai mới trồng.
Lâu rồi người đàn bà cũng nói:
- Anh định ngủ ngoài này sao? Hồi trước đánh giặc ngủ bụi ngủ bờ chi cũng được. Chứ nước nhà thống nhất rồi...
- Không, tôi quen rồi. Vả lại đốt lửa cả đêm hơi giá cũng tan hết... Trân nói hấp tấp, anh nghe tiếng mình nói và nhận thấy nó biến đổi. Có chi ấm áp bao phủ khắp người Trân, dịu dàng và thuần khiết hơn cả hơi ấm của ngọn lửa, nó khiến anh vừa muốn chìm xuống một cơn mơ màng lại vừa nô nức và xao xuyến.
Người đàn bà vẫn đăm đăm nhìn ngọn lửa, chị nói, giọng nhỏ và trầm, gần như tiếng thầm thì:
- Tôi biết anh...
Lưỡng lự một chút chị ta nói tiếp, rành rẽ hơn:
- Tôi biết hoàn cảnh của anh, ông nội cháu kể...
Trân cắn môi, anh nhìn chị với vẻ biết ơn và không nói gì thêm.
Thằng nhỏ đứng lên, phủi những hạt cát bám ở đũng quần:
- Chú về nhà cháu chứ?
- Bữa khác, bữa khác, - Trân vội vã trả lời - Ðêm nay chú còn bận, đêm nay chú phải gác.
Thằng bé không chịu:
- Giải phóng rồi còn Mỹ, nguỵ đâu mà gác?
- Còn, còn chứ, không có người gác là chúng quay lại ngay.
Người đàn bà cúi xuống kéo tay con:
- Cứ nói lôi thôi mãi, Lâm!
Rồi chị quay sang Trân:
- Tôi nhủ cháu đem mảnh tăng sang cho anh che sương ngủ tạm.
- Thôi, tôi ngủ như vầy cũng được mà...
Trân từ chối, nhưng người đàn bà đã cao giọng nói với đứa bé:
- Về con, đem cho chú mượn mảnh tăng rồi đi ngủ. Sáng mai còn đi vun khoan sớm.
Chị xoay lưng đi rất nhanh, trước khi đó ánh mắt chị lướt qua như một lời chào. Trân chưa kịp có một cử chỉ đáp lư thì hai mẹ con chị đã bước đi. Thằng nhỏ níu lấy áo mẹ, chạy gấp gấp. Còn người đàn bà bước đi với dáng điệu thanh thoát nhẹ nhàng. ánh lửa nhóng nhánh trên lần lụa xanh, biến thành một thứ màu sáng rạng rỡ, tươi non. Trân nheo mắt, ngọn lửa nhảy nhót trước mặt anh, lan toả trên đôi vai tròn trặn của người đàn bà và làm màu áo chị rực lên như một miền cỏ dậy, một miền cỏ tơ với những sợi cỏ xanh óng ánh trơn mượt - Một miền cỏ đang mọc rờ rỡ trên những vùng đai trắng quê anh.
------------------------------------------
10 - 1976
(1) Ông kẹ: ngáo

Xem Tiếp: ----