Tập II
Chương 3
Nghị quyết 05

I
Ngẫm lại cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm của mình tôi có khá nhiều niềm vui lớn. Đầu tiên là niềm vui chiến thắng được những đòn tra tấn dã man của kẻ thù ở nhà lao Thái Bình lúc tôi vừa tròn 18 tuổi. Năm 1943, trong đoàn tù từ Sơn La về Hà Nội để lên tàu ra Côn Đảo, đến Hòa Bình tôi đã vượt ngục thành công và một hạnh phúc lớn bất ngờ đến với tôi, được Đảng phân công làm người giúp việc cho đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và trong đó được là người thay mặt Đảng phổ biến "Đề cương văn hóa" cho nhóm văn hóa cứu quốc. Đối với tôi đây là một hạnh phúc kép. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, trong chiến hào Điện Biên phủ, tôi và anh Lê Trọng Tấn đã ôm chặt nhau, sung sướng nghẹn ngào khi được tin chính các chiến sĩ Đại đoàn 312 của mình đã bắt sống tướng Đờ Cát ngay trong hầm chỉ huy của nó.
Hơn mười năm sau, với cương vị Phó chính ủy Quân giải phóng miền Nam, tôi lại được hưởng niềm vui lớn khác của chiến thắng, lần trước là thắng Pháp, bây giờ là thắng Mỹ.
Rồi đến những ngày tưng bừng của Đại hội VI và sau đó là Nghị quyết 05.
Đã trên 60 tuổi rồi mà trong những ngày này tôi cảm thấy như mình đang được sống lại thời trai trẻ của những ngày đầu cách mạng lãnh đạo cướp chính quyền thắng lợi ở Phúc Yên, những ngày chiến đấu bảo vệ Hà Nội cuối năm 1946 và những ngày Điện Biên phủ anh hùng. Những ngày đó niềm vui, niềm hạnh phúc được làm việc, được cống hiến khiến tôi như trẻ lại chục tuổi. Đến bữa ăn bụng không thấy đói, đến giờ ngủ còn muốn thức mãi để viết, để làm việc, chuẩn bị cho công việc ngày mai, công việc cứ dồn dập đến, với những niềm vui tường như vô tận.
Trong những ngày này thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp Nghiêm Hà, thư ký của tôi, nhìn tôi tủm tỉm cười - Tôi cũng cười hỏi: Cậu cười cái gì? Hà trả lời tôi bằng một câu hỏi có vẻ khiêu khích - Sao dạo này anh vui thế? Chính vì có nhiều cuộc gặp mặt giữa các nhà văn, nhà viết kịch, các nghệ sĩ... Trụ sở Ban văn hóa văn nghệ Trung ương như một câu lạc bộ, thường xuyên mở rộng cửa đón tiếp các văn nghệ sĩ đến trao đổi ý kiến, bàn bạc mọi vấn đề liên quan đến công cuộc đổi mới của đất nước, tất nhiên là tập trung vào chủ đề đổi mới văn nghệ theo tinh thần nghị quyết của Đại hội VI.
Là người đã tham gia các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được tận mắt chứng kiến không khí sôi động của hàng vạn cán bộ chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh mới, tôi bỗng có sự liên tưởng đến không khí của đời sống văn hóa văn nghệ của đất nước trong những ngày này, thực chẳng khác gì không khí chuẩn bị bước vào một chiến dịch lớn mà mục tiêu phía trước cần vươn tới là nghị quyết chuyên đề của Đảng về Văn hóa Văn nghệ.
Từ giữa tháng 6 năm 1987, hầu như toàn bộ tâm tư, tình cảm của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật Việt Nam đều hướng tới mục tiêu đó cả guồng máy của Ban văn hóa văn nghệ Trung ương hầu như mở hết công suất để hướng mọi người vững bước đi lên đạt tới mục tiêu đó. May mà Ban văn hóa văn nghệ lúc này đã có sự đổi mới về cơ chế tổ chức, tuy chỉ mới là bước đầu nhưng thực sự đã phát huy tác dụng là một cơ quan tham mưu của Đảng về văn hóa văn nghệ -Toàn ban chỉ có trên dưới 30 người, gồm các chuyên viên trực tiếp với Trưởng ban, chỉ tập trung vào làm công tác nghiên cứu lý luận chứ không làm công tác quản lý sự vụ. Có lẽ hồi ấy đây là Ban duy nhất của Đảng không có các Vụ, các Phòng. Do cơ chế mới nên đã bắt đầu chấm dứt cái cảnh cứ động một tý là có cú điện thoại gọi đến bảo ban văn hóa văn nghệ cử cán bộ đến chỗ này chỗ khác xem tác giả bài báo vừa đăng có một vài ý "trái với đường lối quan điểm của Đảng" là ai? Lý lịch như thế nào? Hoặc một cuốn sách vừa xuất bản có vấn đề, Ban lại phải cử cán bộ đến điều tra xem tác giả là ai? Trách nhiệm của nhà xuất bản như thế nào? hoặc ở Hội nọ có tin ông A tằng tịu với bà B, Ban cũng phải cử người đi thẩm tra để làm rõ... Cứ suốt ngày chạy theo công tác sự vụ như thế thì chẳng còn thời gian đâu mà nghiên cứu lý luận nữa. Mà đối với văn hóa văn nghệ trước hết phải là đổi mới tư duy, đòi hỏi phải nghiên cứu thật sâu các mặt, các tác phẩm kinh điển, các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo... làm cơ sở cho lý luận về đổi mới, trước hết có những căn cứ thật vững chắc để báo cáo có sức thuyết phục đối với Bộ chính trị, Ban bí thư. May sao cơ chế vừa mới hình thành đã kịp góp phần phục vụ cho việc chuẩn bị Nghị quyết 05 - Điều đáng mừng là các đồng chí trong Ban văn hóa văn nghệ của Đảng hồi đó đều vui vẻ từ bỏ các danh hiệu Vụ trưởng, Trường phòng để có thời gian làm tròn nhiệm vụ một chuyên viên giỏi có ích cho Đảng nhiều hơn. Có thể coi đây là một kinh nghiệm về đổi mới, phải đổi mới từ gốc, từ cơ chế, đổi mới từ trên xuống.
Về vấn đề này, ngày 26/2/1987, nhân danh trưởng ban văn hóa văn nghệ Trung ương tôi đã chính thức có công văn gởi lên Ban bí thư Trung ương, Ban tổ chức Trung ương trình bày chính kiến của mình.
1 - Ban văn hóa văn nghệ Trung ương là cơ quan chuyên môn giúp việc Ban bí thư thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, chứ không phải là một cấp trung gian.
2- Chức năng chủ yếu của Ban là tham mưu, nghiên cứu chứ không phải là chức năng quản lý. Ban hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện đường lối, quan điểm về văn hóa văn nghệ của Đảng chủ yếu bằng phương thức nghiên cứu kiểm tra, thu thập thông tin, phân tích tình hình nhằm phát hiện các vấn đề về quan điểm, đường lối, chính sách, chứ không kiểm tra, điều tra vụ việc, giải quyết những vấn đề cụ thể về hành chính tổ chức.
3- Ban không chỉ đạo như một cấp đối với Bộ văn hóa, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Ban tuyên huấn và văn hóa văn nghệ các Tỉnh ủy Thành ủy mà chỉ có trách nhiệm giúp đỡ các Ban này thực hiện tốt đường lối chính sách, phương hướng công tác và các chỉ thị của Trung ương Đảng.
Tôi thường tâm sự với anh em: Mình đã quyết xả thân làm một nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ thì phải từ bỏ tham vọng làm một "ông quan cách mạng". Hai cái này không hề song song tồn tại trong một con người. Chính vì vậy mà tôi kiên quyết theo đuổi đến cùng chủ trương làm cuộc cách mạng về cơ chế tổ chức Ban văn hóa văn nghệ nhưng khi lên thay tôi sau Đại hội V, anh Hà Xuân Trường đã bỏ giở. Lý do chính để anh Hà Xuân Trường không thực hiện là "lo cho quyền lợi" của anh em. Bởi vì chức vụ nó liên quan đến hàng loạt chế độ như nhà cửa, tem phiếu, đi viện, đi công tác... Ví dụ đi công tác miền Nam, phải là Vụ trưởng mới có tiêu chuẩn đi máy bay, hoặc khi phân phối nhà, phải là Vụ trưởng mới có tiêu chuẩn 2, 3 phòng. Khi xuống công tác địa phương giấy giới thiệu phải là Vụ trưởng mới được đón tiếp chu đáo, còn nếu chỉ là chuyên viên thì thái độ sẽ khác đi, từ phòng nghỉ cho tới tiêu chuẩn phục vụ ăn uống...
Tôi cho rằng cái kiểu cơ chế đó đã góp phần làm hỏng con người, đánh giá không đúng con người. Thực tế chưa chắc một Vụ trưởng đã làm việc có hiệu quả, có chất lượng như một chuyên viên giỏi. Có lần tôi đã phát biểu công khai trước Ban bí thư: Các Ban của Đảng phải có những cán bộ nếu không phải là chuyên gia thì cũng phải thông thạo ở lĩnh vực mình phụ trách, có trình độ làm việc được với các chuyên gia để khi nghe người ta nói phải hiểu được người ta nói cái gì và khi nói thì người nghe cũng hiểu được anh nói cái gì. Điều đáng buồn là hiện nay đang có tình trạng có những cán bộ, nói không ai hiểu mình nói gì mà nghe cũng không hiểu được người ta nói gì. Như vậy thì làm sao nói Đảng có trí tuệ được. Đã mang danh là Đảng lãnh đạo thì dứt khoát phải có trình độ cao hơn, chứ không chỉ là chức vụ, cấp bậc. Những cán bộ như thế chỉ làm mất uy tín của Đảng.
Rất may là ý kiến đề xuất của tôi được anh Đỗ Mười và các anh bên Ban tổ chức ủng hộ, nhưng để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho anh em thì tôi thống nhất với anh Nguyễn Văn Hạnh là khi việc gì liên quan đến hưởng thụ vật chất đối với ngành tài chánh quản trị cứ để anh em mang danh hiệu trưởng phòng, Vụ trưởng. Còn chế độ làm việc thì dứt khoát là chế độ chuyên viên. Chế độ này đòi hỏi mỗi người phải tăng cường học tập để nâng cao trình độ, phải đọc nhiều. Bởi đọc nhiều mới có thông tin làm tham mưu cho Đảng. Muốn vậy, tôi chủ trương giảm bớt những cuộc họp không cần thiết. Thời gian làm việc cũng không phải là "8 giờ vàng ngọc" ngồi lỳ ở cơ quan, có buổi chỉ tán gẫu rất lãng phí, mà đề ra mỗi tuần chỉ cần gặp nhau vài lần. Tôi nhớ hồi đó quy định là vào sáng thứ hai, thứ tư và thứ bảy. Các buổi sáng đó, anh em trong Ban gặp nhau trao đổi những vấn đề mới phát hiện được, những thông tin mới nắm được, những đề xuất với Ban trong phạm vi chức trách của mình...
Đúng vào dịp này, toàn Ban lao vào nhiệm vụ chuẩn bị nghị quyết 05 như trên tôi đã nói. Mỗi đồng chí từ các hội thảo mang theo những ý kiến mới mẻ trở về, biến các buổi sáng gặp nhau trở thành những buổi trao đổi sôi nổi chưa từng có ở Ban văn hóa văn nghệ. Tôi phấn khởi lắng nghe ý kiến của anh em và nói với anh em là bây giờ trách nhiệm của chúng ta, là những chuyên viên làm tham mưu cho Đảng, đặc biệt trách nhiệm của mình là chưng cất ý kiến của hàng trăm anh em văn nghệ sĩ thành trí tuệ của Đảng, để Đảng đưa vào nghị quyết chỉ đường cho nền văn hóa văn nghệ đất nước bước sang một bước ngoặt mới.
Chính vì xác định tầm quan trọng đó mà chúng tôi chủ trương mở rộng các thành phần càng nhiều càng tốt, lắng nghe mọi ý kiến khác nhau, không chỉ riêng văn nghệ sĩ mà cả các nhà khoa học như Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Khắc Viện... Tính ra hơn 200 văn nghệ sĩ có mặt ở Hà Nội trong thời gian này đều như bị cuốn hút vào phong trào sôi nổi, rộng lớn nhằm góp ý cho Đảng những ý kiến tâm huyết nhất của mình, với niềm mong ước sâu xa nung nấu từ lâu là sự lãnh đạo của Đảng có sự đổi mới phù hợp với trào lưu đổi mới của Đảng trên tất cả các anh vực, dưới ánh sáng của nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI chính Đại hội VI là bà đỡ có tác dụng quyết định cho nghị quyết 05 ra đời.
Có thể nói, trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, chưa có giai đoạn nào mà đời sống văn hóa văn nghệ của dân tộc lại sôi động, phong phú như những ngày chuẩn bị tiến tới nghị quyết 05, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI lịch sử. Không phải chỉ riêng chúng tôi, những "quan chức văn nghệ" phải ngày đêm lăn xả vào công việc như trên tôi đã nói, mà trong những ngày này, hàng trăm văn nghệ sĩ cũng "lăn xả" vào sự nghiệp đổi mới nền văn hóa văn nghệ nước nhà, sự nghiệp mà mấy chục năm qua họ đã em hết sức mình, kể cả xương máu để cống hiến, xây dựng. Có dự những cuộc hội thảo, những cuộc trao đổi của các anh chị em văn nghệ sĩ, được tận mắt nhìn những gương mặt của họ, nghe giọng nói chân thành của họ mới cảm nhận hết sự lo toan đáng trân trọng của họ đối với những bức xúc đang đặt ra đối với sự phát triển của nền văn nghệ. Trong các cuộc họp, Ban chúng tôi thường nói với nhau, chúng ta là những người làm tham mưu cho Đảng về công tác văn hóa văn nghệ phải tự nâng mình lên để xứng đáng với anh chị em văn nghệ sĩ, những người đã từng lao động gian khổ, sáng tạo nên những giá trị tinh thần cho đất nước và hiện đang trăn trở tìm một hướng đi đúng đắn trong giai đoạn phát triển mới của dân tộc.

*

Tuy nhiên một số đông anh em văn nghệ sĩ, kể cả anh Nguyễn Văn Hạnh không tin lắm là Bộ chính trị sẽ có riêng một nghị quyết cho sự đổi mới văn nghệ, hoặc nếu có thì cũng khó nói đúng được những vấn đề bức xúc gây cấn mà ý kiến của anh em nêu ra trong các cuộc thảo luận.
Trách nhiệm này thuộc Ban văn hóa văn nghệ của Đảng, mà tôi là Trưởng ban... Chưa bao giờ chức năng tham mưu được thể hiện một cách thiết thực quyết định như thời điểm này. Nghị quyết này rõ ràng không thể ra đời sớm hơn, nhưng không thể để chậm hơn.
Do đó thực sự chúng tôi đã có sự chạy đua với thời gian. Rất may mắn là dạo đó, tôi đang có mối quan hệ rất tốt đẹp với anh cả Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh - một người được coi là tác giả của sự nghiệp đổi mới, là Tổng bí thư chuẩn bị cho Đại hội VI- một người được coi là tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới với những bài viết "Những việc cần làm ngay" làm chấn động dư luận xã hội một thời.
Do có mối quan hệ thân tình với nhau hồi ở B2, nên sau Đại hội VI, hầu như không tuần nào tôi không lên gặp anh Linh -khi thì anh chủ động gọi tôi lên, khi tôi tự tìm đến- Bởi cả hai chúng tôi đều có điểm chung là sự nghiệp đổi mới của Đảng, của đất nước.
Trong một buổi làm việc, chọn đúng thời cơ thuận lợi, tôi nêu vấn đề cần có một nghị quyết của Bộ chính trị về văn hóa văn nghệ và được anh Linh chấp nhận ngay. Anh bảo Ban văn hóa văn nghệ phải chuẩn bị thật chu đáo các mặt, đặc biệt là dự thảo nghị quyết đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các giới văn học nghệ thuật. Tôi báo cáo với anh Linh những việc đã làm trong thời gian qua và nguyện vọng tha thiết của anh chị em văn nghệ sĩ, là Đảng cần có một nghị quyết để định hướng cho hoạt động văn hóa văn nghệ trong giai đoạn mới của cách mạng.
Trở về Ban, tôi báo tin vui là Tổng bí thư đã chấp thuận đề xuất của chúng ta, sẽ có nghị quyết chuyên đề và lên kế hoạch chuẩn bị gấp cho sự kiện trọng đại này. Có hai việc lớn phải tập trung vào làm cho tốt là chuẩn bị một báo cáo đánh giá đúng thực trạng tình hình văn nghệ trong thời gian qua, cả ưu điểm và tồn tại, cả về sáng tác và quản lý, phương châm là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nếu cần thì coi như là một bản báo cáo nội bộ và đề xuất phương hướng hoạt động trong thời gian tới - báo cáo này mang tính chất một tờ trình đối với Bộ chính trị và Ban bí thư để các anh nắm được vấn đề và suy nghĩ trước.
Việc lớn thứ hai là trên cơ sở báo cáo đó, chuẩn bị dự thảo nghị quyết, thật súc tích, cô đọng sao cho mọi ý kiến, mọi nguyện vọng của anh em văn nghệ sĩ thuộc các giới văn học nghệ thuật, sau khi đã "chưng cất" đều sẽ được đưa đầy đủ vào Nghị quyết.
Guồng máy của Ban văn hóa văn nghệ lại được tăng tốc Mệt nhưng vui - tôi như thấy khỏe hẳn lên. Nguyễn Văn Hạnh và tôi phân công nhau, Nguyễn Văn Hạnh ở lại Hà Nội tiếp tục theo dõi các cuộc hội thảo ở ngoài này, tổng hợp "chưng cất", trên cơ sở đó dự thảo tờ trình lên Bộ chính trị và Ban bí thư. Tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các buổi hội thảo ở miền Nam, và sơ bộ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết.
Vào tuổi 40 tôi được tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Vào tuổi 60 tôi được tham gia vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự nghiệp đã đưa dân tộc ta bước sang một bước ngoặt mới, đến hạnh phúc và ấm no. Hai mươi năm trước tôi là một vị tướng, là một nhà quân sự, một nhà chính trị còn hôm nay tôi vẫn là một chiến sĩ của Đảng nhưng là chiến sĩ trên mặt văn hóa, như lời Bác Hồ đã dạy. Qua gần mười năm bước vào lĩnh vực mới này, tôi càng thấy ý nghĩa sâu sắc lời dạy của Bác. Không phải chỉ nơi chiến trường bom đạn mới gay go, gian khổ, mới cần sự dũng cảm của người lính, mà ở lĩnh vực mới này, sự gian khổ gay go cũng không kém, mà xét về mặt nào đó còn phức tạp hơn nhiều, cần có bản lĩnh của người chiến sĩ. Tôi tự thấy tôi là người không thiếu bản lĩnh, nhưng do tính phức tạp của môi trường mới mà chất lính trong tôi chưa hòa nhập được, nên tôi bị vấp ngã giữa đường. Chính vì vậy, mà tập hồi ký này có tên: "Đổi mới, niềm vui chưa trọn."
Nhưng đã là chuyện của 2 năm sau tôi sẽ kể lại với bạn đọc, còn bây giờ thì tôi đang vui. Vừa xuống sân bay đến chỗ Lê Ca Thuần ở 62 Trần Quốc Thảo tôi lại bắt gặp ngay cái không khí sôi nổi ở Hà Nội. Trong những ngày qua, anh em trong này thường xuyên nhận được thông tin từ Hà Nội, đang nóng lòng chờ đợi Ban Văn hóa Văn nghệ vào để được phát biểu ý kiến cửa mình. Và cũng như ở Hà Nội, các anh chị em văn nghệ sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh đã biểu lộ tình cảm tha thiết của mình đối với sự nghiệp đổi mới nền văn nghệ nước nhà. Thật là phong phú và đa dạng. Cùng một chủ đề thôi: Tự do sáng tác, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, vấn đề quản lý, xuất bản, phát hành... nhưng mỗi ngành có những ý kiến khác nhau, mỗi tuần có những ý kiến khác nhau, mỗi người có những ý kiến khác nhau. Tôi thấy ý kiến nào cũng đáng trân trọng, mà điều trân trọng trước hết là tấm lòng của anh em. Trong những ngày này, tôi lại càng không thể nào quên sự kiện đề dẫn của Nguyên Ngọc năm 1979. Tôi muốn nhắc lại để khẳng định rằng, sự nghiệp đổi mới văn nghệ không chỉ có từ sau Đại hội VI, từ Nghị quyết 05 mà đã có từ mười năm trước đó với ngọn cờ đầu Nguyên Ngọc. Dạo đó, với cương vị là Phó ban Tuyên huấn Trung ương, phụ trách văn hóa văn nghệ, tôi có được chứng kiến và tham gia vào sự kiện này, nhưng tôi chỉ đóng vai trò một anh lính mới, còn rụt rè, ngập ngừng.
Vào một ngày tháng 6 năm 1979, tôi không nhớ rõ là ngày nào, đang ngồi làm việc ở số 10 Nguyễn Cảnh Chân thì Nguyên Ngọc đến. Tác giả "Đất nước đứng lên", niềm tự hào của nền văn nghệ kháng chiến, đang có vẻ ốm, vẫn gầy gò với cái đầu to, vầng trán rộng- Hình như anh chưa kịp phục hồi sức khỏe sau nhiều năm ở chiến trường gian khổ - Anh đi B trước tôi 2 năm và kiên cường trụ vững hơn mười năm ở núi rừng Tây nguyên. Anh vừa được Ban bí thư chỉ định làm Bí thư Đảng Đoàn Hội nhà văn năm 1978. Hôm nay, anh đến với cương vị là cấp dưới lên báo cáo với cấp trên. (Theo quy định, Ban tuyên huấn của Đảng lãnh đạo cả các Hội văn học nghệ thuật, trong đó Hội nhà văn là một đầu mối quan trọng). Như vậy là ở chiến trường anh là cấp dưới của tôi, anh phụ trách văn nghệ Quân khu 5, còn tôi là Phó chánh ủy các lực lượng vũ trang giải phóng. Bây giờ anh vẫn là cấp dưới của tôi cũng theo ngành dọc. Nói thế thôi chứ trong tình cảm của tôi đối với Nguyên Ngọc chẳng hề có cấp trên cấp dưới gì cả Tôi quý trọng anh cả về tài năng và nhân cách. Điểm lại, trong giới văn học nghệ thuật, một con người trọn vẹn cả đức cả tài như anh không nhiều. Bởi vậy khi anh chính thức được bổ nhiệm cương vị Bí thư Đảng Đoàn Hội nhà văn tôi rất mừng - Đây là một trong những trường hợp "đặt người đúng chỗ" hiếm hoi trong cơ chế của chúng ta.
Tôi biết các anh bên Đảng Đoàn đang có những trăn trở về thực trạng văn học vốn nhiều vấn đề cần phải có sự thay đổi (dạo đó chưa có danh từ đổi mới) để tiếp tục đưa nền văn học tiến lên. Các anh đang có kế hoạch tổ chức một hội nghị nhà văn gồm các hội viên là các đảng viên, có tính chất nội bộ, để thông qua trước một văn kiện mang tên là bản "đề dẫn", trước khi tiến tới một hội nghị rộng rãi toàn thể hội viên. Tôi ủng hộ cách làm đó. Không hề ngại ngùng rào đón, Nguyên Ngọc thẳng thắn nói với tôi, chính Nguyên Ngọc là người trực tiếp soạn thảo bản "đề dẫn" đó. Sở dĩ anh nói như vậy là do anh đã lường trước được hậu quả có thể không suông sẻ sau khi đề dẫn được công bố, nếu có vấn đề gì thì anh sẽ tự mình đứng ra chịu trách nhiệm. Đó là một hành động dũng cảm và trung thực. Anh cho biết bản đề dẫn cũng có sự đóng góp hào hứng của các ủy viên Đảng đoàn: Chế Lan Viên, Nguyễn Khải...
Rất sòng phẳng, bản đề dẫn không phủ nhận những kết quả đáng khích lệ của tình hình văn học trong kháng chiến và mấy năm gần đây sau chiến tranh. Nhưng đồng thời cũng lên tiếng báo động về tình trạng trì trệ đã bắt đầu xuất hiện trong nền văn học nước nhà. Cuộc sống thì ngày càng phức tạp mà văn chương thì ngày càng nhạt nhẽo: "người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra". Bản đề dẫn đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là có những kẻ trung gian quan chức văn học và một số kẻ đầu cơ xu nịnh thỉnh thoảng lại cố tạo ra không khí căng thẳng và hô hoán lên: nào là có tà khí nào là "phản động", nào là có "chống Đảng" trong văn học.
"Đề dẫn" còn nêu thêm một nguyên nhân nữa, mà có lẽ đây mới là nguyên nhân căn bản: "Đó là sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học. Sự thô thiển trước hết ở một điểm rất căn bản: Quan niệm về chức năng của văn học".
Sự thô thiển ấy biểu hiện cụ thể ở hai vấn đề sinh tử đối với nhà văn, đối với sự phát triển của văn học:
Một là dung tục mối quan hệ giữa hiện thực và văn học - Nó tuyệt đối hóa hiện thực. Nó hạ thấp văn học xuống thành một thứ sao chép hiện thực, cái giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng nguyên hiện thực. "Bởi vì hiện thực đó đã tốt đẹp đến mức không còn gì có thể tôi hơn, đẹp hơn. Quan niệm không Mác xít đó đã từng biểu hiện ở chủ trương tuyệt đối hóa thể người thật việc thật trong văn học, muốn lấy đó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học ta."
Hai là: "Quan niệm thô thiển về chức năng của văn học cũng dung tục hóa mối quan hệ giữa văn học và chính trị, tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị với văn học".
Bản "đề dẫn" đã thẳng thắn với thái độ khoa học, phê phán sự thô thiển đó và đã nêu cao vai trò sáng tạo của văn học, của chủ thể sáng tạo đối với hiện thực:
"Văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống, thu hút không những nguyên liệu mà cả linh hồn các tác phẩm của mình từ đấy, nhưng đến lượt nó, nếu như nó muốn có ích, muốn phục vụ trở lại cuộc sống, thì ai phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống đã cung cấp cho nó. Âu cũng như con tằm ăn dâu phải đẻ ra tơ -nếu ăn lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó là vô nghĩa ".
Đây thực sự là những ý tưởng mới mẻ, mạnh dạn, mà chính bản thân tôi hồi đó cũng chưa cảm nhận hết được. Tôi nghĩ bụng, có thể đây lại là trường hợp cấp dưới phải hơn cấp trên. Những vấn đề mà anh em đã nhìn ra, đầy trăn trở thì bản thân mình vẫn còn chưa thoát ra những quan niệm cũ được nhồi nhét từ mấy chục năm trước. Chính vì xuất phát từ suy nghĩ đó mà tôi nhất trí cứ để Đảng Đoàn Hội nhà văn tổ chức hội nghị, không phê phán góp ý gì vào bản đề cương. Chủ trương của tôi là cứ để anh em phát biểu, qua trao đổi vấn đề sẽ sáng ra, sẽ đi đến chân lý, đúng sai sẽ rõ ràng.
Có lẽ tôi rút được kinh nghiệm hồi Nhân Văn Giai Phẩm. Dạo đó tôi là một trong những chiến sĩ tiên phong đi hàng đầu trong việc phê phán Nhân Văn Giai Phẩm. ở vụ đề dẫn này, tuy ở góc độ có khác, nhưng cũng diễn ra gần giống như thế. Đó là sự quy chụp, một mệnh lệnh phát ra, tất cả im như thóc, Nguyên Ngọc bị xử trí, bị ép thôi chức Bí thư Đảng Đoàn...
Tôi có tham gia cuộc họp các nhà văn Đảng viên này từ đầu chí cuối và được tận mắt chứng kiến những con người cơ hội.
Hôm đó, sau khi Nguyên Ngọc giới thiệu xong bản đề dẫn mà những nội dung chủ yếu đều có chứa đựng trong dự thảo báo cáo nghị quyết mà tôi đang chuẩn bị (rõ ràng chúng tôi đang tiến hành một công việc mà cách đây mười năm nhóm Nguyên Ngọc, có cả Chế Lan Viên, Nguyễn Khải đã làm).
Về Chế Lan Viên riêng tôi cũng có một kỷ niệm. Đó là việc Bùi Minh Quốc đăng toàn văn bản đề dẫn trên báo văn nghệ Lâm Đồng, Chế Lan Viên đã nói móc là có một vị Trung tướng đã chuyển bản đề dẫn cho Bùi Minh Quốc. Bây giờ, trước hương hồn anh, tôi xin đính chính lại rằng: Tôi, Trần Độ không làm việc ấy. Ngoài những chuyện đó ra, nói chung tôi rất có cảm tình với Chế Lan Viên, một tài năng thơ rất sâu sắc thông minh và rất dí dỏm trong cuộc sống đời thường. Hai chúng tôi làm việc bên nhau suốt 8 năm trời trong ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội và có nhiều điều rất tâm đắc với nhau.
Trong thời gian ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã tranh thủ vào các buổi tối nghỉ ở T78, sơ bộ chuẩn bị xong dự thảo Nghị quyết - không hẹn mà gặp, khi anh Nguyễn Văn Hạnh vào thành phố Hồ Chí Minh, thấy tôi khoe đã thảo xong Nghị quyết thì anh Hạnh cũng rút trong cặp ra, vui vẻ nói với tôi là anh đã chuẩn bị xong bản báo cáo. Thế là chúng tôi say sưa đọc cho nhau nghe, góp ý bổ sung cho nhau, sau đó cứ rì rầm trao đổi mãi.
Trong những năm tháng này, ngoài niềm hạnh phúc lớn phấn đấu cho sự nghiệp đổi mới của văn nghệ như trên tôi đã nói, tôi còn được niềm hạnh phúc riêng là được làm việc với Nguyễn Văn Hạnh. Có thể nói cuộc đời đã ưu ái dành cho tôi những người bạn, người đồng chí tuyệt vời hay như người ta nói: "ở hiền gặp lành". Trong chiến tranh tôi có Lê Trọng Tấn như trên tôi đã nói, còn trong những ngày này tôi có Nguyễn Văn Hạnh, chưa nói đến tình cảm, tư tưởng hai đứa như đồng nhất là một, chỉ riêng công việc thôi, có thể nói nếu không có Nguyễn Văn Hạnh thì tôi không thể nào hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ để kịp Nghị quyết 05 ra đời vào tháng 12 năm 1987.
Tôi chỉ mới quen anh Hạnh từ năm 1981, trong dịp cùng sang Liên xô dự một lớp nghiên cứu về văn hóa văn nghệ. Tôi là đoàn trưởng còn anh Hạnh phụ trách Bí thư chi bộ. Chính thu hoạch của lớp học này cũng là một tiền đề quan trọng của nghị quyết 05 mà tôi sẽ kể tiếp ở phần dưới.
Khi thành lập Ban văn hóa văn nghệ tôi là Trưởng ban, còn anh làm phó cho tôi. Năm 1983 tôi bị cách chức Trưởng ban, Nguyễn Văn Hạnh còn ở lại một thời gian làm phó cho Hà Xuân Trường, nhưng sau thấy khó làm việc với Hà Xuân Trường, anh chuyển sang làm Thứ trưởng giáo dục.
Sau Đại hội 6, tôi lại trở về làm Trưởng ban thì người đầu tiên tôi nghĩ đến là anh Hạnh. Tôi báo cáo với anh Linh và trao đổi với Nguyễn Đức Tâm xin anh Hạnh về. Lúc đầu anh Hạnh có phân vân. Công tác bên giáo dục tuy là tay trái, nhưng dù sao cũng đã ổn định, cũng đã cuối đời rồi. Trở lại văn nghệ không hiểu rồi sẽ ra sao ở các lĩnh vực có nhiều gai góc này. Về sau tôi nài mãi, thuyết phục mãi, cuối cùng vì nể tôi, Nguyễn Văn Hạnh đã nhận lời - tôi mừng quá - thật như vớ được vàng khi nhận lời. Nguyễn Văn Hạnh tâm sự với tôi: Thật ra văn hóa văn nghệ mới là sở trường của tôi, mới là tay phải của tôi, nhưng cứ nghĩ đến cái hồi đại hội V mà khiếp - đấm đá nhau đến thế là cùng. Cho nên quả thật tôi rất ngại - nhưng vì tôi quý anh, thích phong cách làm việc của anh và cuối cùng cái quan trọng nhất là anh và tôi cùng chung một quan điểm, cùng chung một tư tưởng mà cả hai đều tin rằng chúng ta đúng - cuối cùng anh Hạnh cười: Về với anh cũng có nghĩa là xả thân vì sự nghiệp -ai ngờ lời dự đoán của Nguyễn Văn Hạnh lại nghiệm đến thế. Chỉ hơn hai năm sau, năm 1989, sóng gió đã ào ào dội xuống trên đầu hai chúng tôi. Lần thứ hai tôi bị cách chức Trưởng ban văn hóa văn nghệ, còn Nguyễn Văn Hạnh sau một thời gian miễn cưỡng với chức Phó ban tư tưởng văn hóa Trung ương rồi cũng chuyển công tác.

*

Để chuẩn bị cho Nghị quyết 05, với cương vị là ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, tôi đã có nhiều buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương để phản ảnh những vấn đề mà chúng tôi đã "chưng cất" được qua hàng trăm ý kiến của anh chị em văn nghệ sĩ. Đồng thời, chúng tôi cũng nêu những chính kiến của mình và nói rõ đây là những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho dự thảo Nghị quyết của Bộ chính trị sắp tới.
Trước hết là nhận định tình hình văn nghệ hiện nay và sự đánh giá đội ngũ văn nghệ sĩ. Tâm trạng phổ biến của văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa là thấy mình vẫn hết lòng hết sức dùng văn nghệ làm vũ khí cách mạng sao cho có hiệu quả nhất vì lợi ích của cách mạng. Nhiều người với tâm hồn nghệ sĩ sâu sắc cảm thấy thật sự hiến thân cho sự nghiệp. Ngay ở một số người có nhiều tính toán thiệt hơn trong thu nhập, nhưng trong chiều sâu của tâm hồn có một cái gì rất thiết tha vì sự nghiệp. Đó là điểm đẹp, điểm sáng trong tâm hồn nghệ sĩ, chính vì vậy họ vẫn cảm thấy không được hiểu biết niềm tâm sự ấy và vẫn bị coi như mình ở trong một anh vực bạc bẽo, một lĩnh vực thấp kém hơn các lĩnh vực khác. Trong khi họ thấy họ đang cố gắng sáng tạo ra những giá trị tinh thần có thể trở thành những tài sản quý giá cho dân tộc, cho lịch sử, họ thấy rõ ý nghĩa vẻ vang của công việc của họ. Nhưng hình như xã hội chưa chấp nhận điều đó, tâm lý của nhiều người trong xã hội (kể cả trong cán bộ lãnh đạo) đều thấy văn nghệ là một lĩnh vực phức tạp, đều thấy mặt tiêu cực, ý nghĩa xấu (pejoratif) của khái niệm phức tạp. Trong những câu chuyện thân tình bộc lộ suy nghĩ thực chất của một số người thường chỉ thấy văn nghệ là xỏ xiên, là nguy hiểm, coi văn nghệ sĩ hầu như là một lớp người phức tạp, mà không coi văn nghệ sĩ là những chiến sĩ của Đảng, của ta.
Có nhắc đến tâm trạng của văn nghệ sĩ thì thường cho là "biết rồi khổ lắm nói mãi", là những "đòi hỏi tiểu tư sản" và vì vậy chả đáng quan tâm. Nhất là đa số cán bộ chính trị ít hiểu biết về đặc trưng đặc thù của văn nghệ sĩ, về hiệu quả tinh thần cao cả kỳ diệu của văn nghệ sĩ thì thấy hình như văn nghệ luôn luôn có thể phát huy tác dụng phá hoại. Tôi cho điều này không đúng với tinh thần chủ nghĩa Mác Lênin và trái với tinh thần nghị quyết của Đảng.
Từ đó có vấn đề thời sự đặt ra là việc đánh giá tình hình văn nghệ thời gian vừa qua (và đi liền đó là đánh giá văn nghệ sĩ trên thực tế). Tôi nghĩ rằng: văn nghệ vừa qua nói chung là tốt và lành mạnh, có một số biểu hiện lệch lạc và không lành mạnh, nhưng những biểu hiện đó đã được phê phán và vẫn đang bị phê phán trong một khung cảnh đấu tranh gay gắt và lâu dài. Đã là đấu tranh lâu dài thì không thể một vài cuộc phê phán mà xong ngay được. Còn phải đấu tranh bằng tác phẩm, bằng tiết mục, bằng lý luận phê bình và bằng nhiều phương pháp khác nữa. Vì vậy tôi không tán thành cách đánh giá cho rằng tình hình văn nghệ vừa qua là "bất trị là có cái gì như là chống đối dai dẳng, có cái gì như là hỗn loạn và cho là phải "lập lại trật tự trong văn nghệ".
Từ đó thì nhìn đội ngũ văn nghệ sĩ không thấy hết tấm lòng của anh em, ý thức của anh em đã được rèn luyện hàng chục năm, mà chỉ thấy như là một đám người lăm le phá hoại, lăm le làm rối trật tự, lăm le chống đối. Họ buồn ở chỗ họ không được coi là những người lao động. Tất nhiên, trình độ nhận thức hiện thực của văn nghệ sĩ là chưa kịp với yêu cầu của cách mạng, nhưng thực trong bản thân văn nghệ sĩ cũng đang có những yêu cầu phát triển khác trước và anh em muốn vươn lên mà còn bối rối. Sự lãnh đạo và quản lý của các cơ quan Đảng và Nhà nước chưa giúp được văn nghệ sĩ vượt qua được sự bối rối đó, không nên chỉ thấy trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong tình trạng bối rối đó. Không phải là một số anh em ngoan cố không chịu thông suốt mà chính vì những bối rối trong lòng anh em chưa đạt được tháo gỡ sự phê phán, sự uốn nắn của ta chưa đạt được tính thuyết phục cao, chưa thuyết phục được hoàn toàn anh em.
Đặc biệt phải quan tâm thấy tình hình phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, số văn nghệ sĩ do Đảng đào tạo rèn luyện hiện nay đã chiếm đa số tuyệt đối. Số anh em trước cách mạng Tháng Tám đã được rèn luyện thử thách đủ cho ta tin cậy.
Đây là điểm hết sức quan trọng cần làm rõ. Chính điều này là tư tưởng chỉ đạo cho việc định ra các chính sách và thái độ đối với văn nghệ.
Xin lưu ý các Đảng anh em Tiệp Khắc và Hungari có những kinh nghiệm quý báu sau những sự kiện đau xót trong lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội của họ. Ta chưa chú ý đúng mức đến việc tổng kết kinh nghiệm của họ, mà ta chỉ hiểu kinh nghiệm của họ theo cách chủ quan của ta (sẽ xin nói rõ ở phần sau). Chính văn nghệ sĩ có kêu ca phàn nàn nhiều về đời sống và điều kiện làm việc, nhưng điều họ quan tâm hơn cả và họ mong chờ sâu sắc hơn cả là chính sách tinh thần và thái độ tinh thần của Đảng đối với họ và với sự lao động của họ.
Vấn đề thứ hai là đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng về văn nghệ và một số đề xuất phương hướng sắp tới cần phải như thế nào. Trong tác phẩm này tôi có nêu lên một số kinh nghiệm của nước ngoài để các anh tham khảo: Trước hết cần phải làm sáng tỏ khái niệm "buông lỏng và "nắm chặt".
Phải xác định quan điểm về mục đích và yêu cầu của sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ. Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho văn nghệ sĩ phát triển, phục vụ lợi ích của cách mạng, của nhân dân, và đồng thời phải bảo đảm cho văn nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo các điều kiện thuận lợi về vật chất và về tinh thần cho sự phát triển đó.
Đảng đã nói "khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo", như vậy tăng cường và cải tiến không chỉ là chỗ "không buông lỏng và phải nắm chặt hơn" với ý nghĩa là phải kiểm soát chặt hơn, kỹ hơn.
Lãnh đạo văn nghệ muốn nó phát triển mạnh mẽ, phải có sự khoan dung, độ lượng để khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, phải nâng cao tính thuyết phục, thu được tâm hồn người nghệ sĩ giúp họ hiểu thấu hiện thực cách mạng, hiểu thấu đường lối chủ trương của Đảng. Nắm chặt, không phải là "bịt miệng", không phải là cấm đoán, tất nhiên ta phải có sự kiểm soát cần thiết. Nhưng nắm chặt là phải nâng cao trình độ lãnh đạo có thái độ đúng đầy tính thuyết phục và thu hút, để thu hút tất cả văn nghệ sĩ chung quanh đường lối của Đảng. Muốn thế phải nâng cao trình độ hiểu biết của cơ quan lãnh đạo và quản lý. Những người và cơ quan lãnh đạo phải là niềm tin tưởng của văn nghệ sĩ, phải là nơi người ta đặt lòng yêu mến mong đợi, không phải là nơi để người ta sợ, người ta tránh.
Trong cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch, ở mỗi mặt trận khác nhau, phương thức đấu tranh diễn ra một cách khác nhau. ở quân sự là tấn công, phòng ngự, tiêu diệt địch. ở kinh tế, là phải kết hợp cả các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế, phải có sự ganh đua về kinh tế làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển lớn mạnh, đẩy lùi đi tới thủ tiêu các yếu tố kinh tế không xã hội chủ nghĩa.
Trên mặt trận văn hóa tư tưởng cũng có biện pháp hành chính, dùng luật pháp để ngăn cấm và thủ tiêu các loại văn hóa tư tưởng phản động. Nhưng phương thức chủ yếu có tính chất quyết định phải là phương thức ganh đua có tính thuyết phục. Phải thu phục được cả về trí tuệ và tình cảm các tầng lớp trí thức một cách sâu sắc, làm họ trở thành những chiến sĩ thực sự trên mặt trận này, kể cả những người là đảng viên và những người ngoài Đảng.
Nếu không có chính sách và thái độ đúng đắn để thu phục được họ, mà chỉ có đe nẹt, cấm đoán, và ngăn chặn thì không thể có thắng lợi được. Một điểm thuận lợi cơ bản là các lớp trí thức của ta đều rất yêu nước, họ có thể có lúc bị mơ hồ về chính trị ở nhiều mặt, nhưng ta có thể tin cậy lớn vào lòng yêu nước thực sự của họ, từ lòng yêu nước đó họ sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Đảng và họ cũng tin Đảng ta là Đảng có tinh thần yêu nước cao nhất, thật nhất.
Họ có nhiều băn khoăn, nhưng điều băn khoăn lớn nhất và cơ bản nhất là họ muốn làm được cái gì có thể có ích cho dân tộc, cho xã hội chủ nghĩa, ta phải khích lệ mạnh mẽ mặt tích cực ấy của họ. Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận này, kẻ địch xảo quyệt và có nhiều kinh nghiệm, biết rõ được tâm lý của trí thức, biết được chỗ yếu của trí thức là dễ giao động và mơ hồ. Chúng thường khoét sâu vào những lý tưởng nhân đạo chung chung, vào tự do dân chủ chung chung, tự do sáng tạo, vào vấn đề nhân tài và tài năng. Chúng thường xoáy vào chỗ cộng sản là khô khan, là kỷ luật sắt, bóp nghẹt mọi sáng tạo của trí thức làm tổn thương đến tinh thần tự do sáng tạo vào nhân cách của trí thức.
Chính vì vậy Đảng ta phải là Đảng vô địch về tự do dân chủ, về sự tôn trọng nhân cách và tài năng mọi người. Không nên để kẻ địch các loại tranh lấy những ngọn cờ về tự do, dân chủ, tôn trọng nhân cách và tài năng. Điều này không thể chỉ biểu hiện bằng những lời nói tốt đẹp trong những dịp long trọng, và những cử chỉ tốt đẹp trong những trường hợp có tính chất đột xuất. Nó phải được thể hiện bằng một chính sách tốt đẹp được bảo đảm bằng một cơ chế làm việc thích hợp để thực hiện sự lãnh đạo và quản lý.
Phải nói thực rằng tình hình thực tế hiện nay là ý thức và tác phong lãnh đạo, phong cách làm việc của ta chưa biểu hiện được điều này. Và tình hình này đang tác động tiêu cực tới nhiệt tình của văn nghệ sĩ và của cả giới trí thức nói chung. Cần phải xem xét thực chất của vấn đề giải quyết cho thật chính xác. Không nên quá coi thường ý thức chính trị, ý thức trách nhiệm của văn nghệ sĩ và trí thức. Đối với văn nghệ sĩ mà ta không thu phục được tâm hồn họ, chỉ dựa vào biện pháp tổ chức và hành chính thì hiệu quả chỉ có hại. Lãnh đạo văn nghệ về cơ bản phải là một sự thuyết phục có chất lượng cao và một sự giúp đỡ có hiệu quả (nhất là về mặt tinh thần) không phải chỉ có "dạy dỗ", "răn đe", "uốn nắn". Muốn thuyết phục được phải có sự hiểu biết sâu sắc, phải biết nghe nhiều ý kiến và phải biết chấp nhận và đồng ý với những ý kiến có cơ sở của họ.
Nói cách khác, lãnh đạo văn nghệ phải có thái độ cởi mở. "Cởi mở khác với buông lỏng" và không thể xem tất cả cử chỉ thái độ cởi mở đối với văn nghệ sĩ đều là buông lỏng. Chỉ có "cởi mở" mới "nắm chặt" được mặt trận văn nghệ, mới làm cho các văn nghệ sĩ thật sự hào hứng và hăng hái với các mục tiêu của Đảng. Nếu "nắm chặt" chỉ bằng cách dạy dỗ răn đe, uốn nấn thì thực ra lại là "buông lỏng mặt trận văn nghệ. Vì người ta sẽ quay mặt đi. Tôi biết có những văn nghệ sĩ Đảng viên vẫn hùng hồn nói "chặt trước lỏng sau có nắm chặt mới mở rộng được Thực chất là cũng muốn Đảng chặt với người này chặt với người. khác, rộng với đồng chí ấy.
Về những kinh nghiệm của các nước bạn, chúng ta thường nhắc nhau kinh nghiệm của Tiệp Khắc và Hungari với ý nghĩa là: Mọi sự lộn xộn chính trị thường bắt đầu từ văn nghệ vì vậy phải nắm thật chặt, kiểm soát thật chặt văn nghệ. Nhưng tôi xin giới thiệu một vài tài liệu như sau:
Tôi thấy được một tài liệu lược dịch một cuốn sách của đồng chí Gyogy Aczel ủy viên Bộ Chính trị Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hungary là phó chủ tịch hội đồng Bộ trưởng, nhan đề cuốn sách là "văn hóa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa", nội dung có tính chất tổng kết chính sách văn hóa mấy chục năm qua. Trong tài liệu lược dịch có những đoạn nhận định những kinh nghiệm của thời kỳ trước và trong năm 1956 như sau:
"Một số người lại muốn địa vị độc tôn, muốn khôi phục lại cái thời mà người ta có thể dùng quyền hành của Nhà Nước để bảo vệ uy tín của một tác phẩm nào đó, cả trong trường hợp mà chính tác giả lại chẳng có chút tài cán gì". "Điều này thường xảy ra ở thời trước là địa vị độc tôn của chủ nghĩa Mác được tuyên bố, nhưng không có trong thực tế và thường được "thiết lập" bằng cách dùng biện pháp hành chính để bịt miệng quần chúng. Và điều không thể tránh khỏi của tình hình trên là một thứ chủ nghĩa Mác giả hiệu ra đời, thứ chủ nghĩa Mác bằng trích dẫn, bằng lời nói xuông, và mọi tư tưởng tư sản, tiểu tư sản đều thấy cần núp sau các thuật ngữ, các trích dẫn Mác xít. Do đó, có sự rối loạn về tư tưởng, cũng cần nói thêm là nhiều nhóm muốn giành địa vị độc tôn không chịu lùi bước trong việc đàn áp các khuynh hướng mà họ không ưa... "Sự độc quyền này còn đưa đến kết quả là cổ vũ tính tự mãn trong nhiều trường hợp. Trong sinh hoạt chung về tinh thần và học thuật đã lan tràn phương pháp lấy trích dẫn thay thế cho lý lẽ thực tế. Đáng lẽ phải thảo luận xem xét kỹ càng và do đó mà phê phán các quan niệm tư sản phi Mác xít, thì người ta lại dùng phương pháp quen thuộc lúc đó chỉ việc "chụp mũ cho các quan niệm đó".
Qua những kinh nghiệm trên, Đảng Hungari đã đi tới những ý kiến có tính kinh nghiệm và cũng là những nguyên lý như sau.
"Năm 1958, trong khi thảo luận "các nguyên tắc chính sách văn hóa", Ban chấp hành Trung ương đã chấp nhận quan điểm: không lấy nghị quyết của Đảng và Nhà nước quyết định các vấn đề thị hiếu và phong cách. Nguyên tắc về tính phong phú, về nền nghệ thuật xã hội chủ nghĩa có thể có nhiều phong cách, nhiều dạng biểu hiện khác nhau, cần phải được coi trọng". "Rõ ràng trong công việc nâng cao ý thức, trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân và trong cuộc cạnh tranh về văn hóa trên thế giới, chỉ có những tác phẩm nghệ thuật ở trình độ cao mới đạt được thắng lợi... đồng thời, điều kiện để có tác phẩm nghệ thuật có trình độ cao có thể xuất hiện lại chính là một nền dân chủ lành mạnh."
"Tự do của văn hóa còn có nghĩa là mọi tài năng, mọi giá trị thực sự về nghệ thuật đều có chỗ đứng trong nền văn hóa xã hội chủ nghĩa chúng ta. Hiện nay ở Hungari không một tác phẩm có giá trị nghệ thuật nào lại bị giấu trong ngăn kéo. Chúng ta xuất bản, giới thiệu cho đưa lên sân khấu... mọi tác phẩm có giá trị nói về chủ nghĩa xã hội, thậm chí cả dưới dạng trừu tượng hơn, là nói về chủ nghĩa nhân đạo, những tác phẩm mang niềm tin đối với nhân loại".
ở Tiệp Khắc, qua bài nói của đồng chí M. Muller, Trưởng ban văn hóa của Trung ương Đảng có những ý đáng chú ý như sau:
- Cách nhìn đối với cán bộ nghệ thuật: kết hợp quan điểm không khoan nhượng trong đấu tranh tư tưởng với thái độ tôn trọng ân cần đối với những tài năng và lao động sáng tạo.
- Có những tác phẩm chỉ có nội dung nhân đạo, hoặc chỉ để giải trí, không có chiều sâu xã hội. Đối với những tác phẩm này, ta phải hài lòng, nhưng không cần bác bỏ.
- Các Hội nghệ thuật có vai trò quan trọng trên mặt trận sáng tác, là chỗ dựa của Đảng.
Các đồng chí Tiệp Khắc đánh giá rất cao thắng lợi sau năm 1968 trên mặt trận văn hóa ở chỗ đã thu phục lại được rất nhiều nghệ sĩ, và kết quả sáng tác mấy năm qua là hết sức rực rỡ.
Kinh nghiệm của Liên xô là loại kinh nghiệm già dặn và sâu sắc nó đã được thể hiện ở loạt bài của một giáo sư già lâu năm, có tuổi Đảng cao là giáo sư Nôvicốp thuộc viện hàn lâm khoa học xã hội của Trung ương Đảng (A.O.N).
ở Cộng hòa dân chủ Đức, ở Bungari tinh thần chính sách văn hóa cũng tương tự, đó là tinh thần cởi mở, quan niệm đấu tranh trên mặt tư tưởng văn hóa là thuyết phục, thu phục các trí thức văn nghệ.
Qua thực tế tình hình cụ thể trong nước và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, tôi nêu ý kiến cần phải có những chính sách, thể chế, cụ thể hóa tinh thần chính sách đó và nhất là phải "nâng cao năng lực, kiến thức và bản lĩnh lãnh đạo". Nói chung các anh chăm chú lắng nghe ý kiến của tôi. Cuối cùng, các anh yêu cầu về soạn thảo thành một bản văn hẳn hoi, coi như một báo cáo của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương về thực trạng nền Văn hóa Văn nghệ hiện nay và những đề xuất đổi mới hòa nhịp với sự nghiệp đổi mới chung của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Trong quá trình chuẩn bị nghị quyết 05, chúng tôi được anh Đỗ Mười, lúc bấy giờ là Thường trực Ban bí thư hết sức ủng hộ. Sau Đại hội VI, anh Trường Chinh được cử làm Cố vấn và vẫn rất quan tâm đến Văn hóa Văn nghệ, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh vừa để báo cáo với anh tình hình Văn hóa Văn nghệ vừa tranh thủ xin ý kiến của anh về phương hướng công tác sắp tới. Anh tỏ ra rất vui khi được biết tình hình Văn hóa Văn nghệ đang có những khởi sắc mới.
Nhớ một hôm, anh nhắn tôi lên chơi thăm anh ở Hồ Tây, trong câu chuyện, tôi có nhắc đến những bài phát biểu của anh trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, rất được mọi người tán thưởng, anh đã ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Thế mà bọn nó bảo mình là mị dân đấy, ví dụ như như câu "Lấy dân làm gốc". Đi dạo một đoạn quanh hồ, anh dừng lại, kéo tay ngồi xuống ghế đá, tiếp tục nói theo dòng tư tưởng: "Lấy dân làm gốc" chính là tư tưởng của Bác Hồ, quán xuyến trong toàn bộ lời nói việc làm của Bác Hồ và đã trở thành một chân lý vĩnh cửu rồi, chớ có phải tớ nghĩ ra đâu, xa hơn nữa, đây chính là tư tưởng của Mạnh Tử, được Bác Hồ tiếp thu, phát biểu trong những hoàn cảnh thích hợp để giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ.
Được vinh dự làm người giúp việc anh Trường Chinh từ hơn 40 năm trước, hơn ai hết, tôi hiểu anh là một lãnh tụ của cách mạng Việt Nam với trí thức uyên bác nhiều mặt, có nhân cách lớn - Nói đến đổi mới ở Việt Nam phải kể đến công đầu là anh, với khẩu hiệu đã đi vào lịch sử: "Đổi mới hay là chết". (Đúng ra là: Khi nào chết thì hãy đổi mới- Lời bình của người viết)
Chính nhờ tư tưởng đổi mới của anh mà Văn hóa Văn nghệ Việt Nam cũng đang trên đà đổi mới. Không có Nghị quyết Đại hội VI, không có Nghị quyết 05. Giữa tháng 9 năm 1987, sau khi làm xong nhiệm vụ lắng nghe, sàng lọc và "chưng cất" những ý kiến các anh chị em ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi và Nguyễn Văn Hạnh bay ra Hà Nội, mang theo 2 văn kiện đã được đánh máy sạch sẽ.
Ngay tối hôm đó, tôi đến thăm và làm việc với anh Nguyễn Văn Linh, báo cáo với các anh tình hình chuẩn bị các mặt cho hội nghị Bộ chính trị về văn hóa văn nghệ. Anh Linh tỏ ra rất vui khi nghe tôi báo cáo về các cuộc hội thảo trong Nam, ngoài Bắc, đóng góp nhiệt tình của anh chị em văn nghệ sĩ. Không kể những buổi trao đổi nhỏ của từng ngành, từng bộ phận, tính ra có đến hàng chục cuộc hội thảo chính thức, có hình thức tổ chức khá quy mô. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa và văn nghệ tiêu biểu, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhiều đồng chí làm công tác quản lý chủ chốt trong các ngành, nhiều người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình giảng dạy có uy tín và nhiều kinh nghiệm, đã hào hứng tham dự và phát biểu trong các cuộc hội thảo...
Một số người không có điều kiện tham dự hội thảo đã viết ý kiến gửi đến Ban Văn Hóa Văn Nghệ, hoặc gặp các đồng chí có trách nhiệm để phát biểu: Thấm nhuần tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, anh chị em đã mạnh dạn thẳng thắn phát biểu những suy nghĩ rất trung thực, xây dựng và tâm huyết - Các chuyên viên của Ban Văn hóa Văn nghệ đã tập trung sức lực làm việc ngày đêm chuẩn bị cho bản dự thảo Nghị quyết. Sau khi có dự thảo nghị quyết Ban lại tổ chức trình bày trong một số đồng chí có trách nhiệm quản lý, một số nhà văn hóa và văn nghệ để các đồng chí đóng góp cho bản dự thảo. Sau đó lại thảo luận, rà soát, sửa sang.
Anh Linh tỏ ý hài lòng về phong cách làm việc đó của Ban Văn hóa Văn nghệ, rồi cuối cùng anh nói một câu làm tôi hết sức vui mừng:
- Anh về nghiên cứu tổ chức cho tôi một cuộc gặp mặt các tầng lớp văn nghệ sĩ, để tôi có điều kiện trực tiếp nghe tiếng nói của anh em. Sau đó ta sẽ bàn các bước tiếp theo. Anh thấy có nên không?
Được lời như cởi tấm lòng, tôi nói với anh Linh. - Được như thế thì tốt quá anh ạ! Đây cũng là mong muốn của nhiều người. Có đồng chí sau khi phát biểu ở các cuộc hội thảo xong đều có vẻ băn khoăn là không hiểu những suy nghĩ của mình có đến được tai lãnh đạo không? Có đến được tai Tổng bí thư không?
Anh Linh nói:
- Thế thì Ban Văn hóa Văn nghệ khẩn trương về làm kế hoạch đi, còn bên này tôi sẽ báo cho Ban Bí thư và Văn phòng chuẩn bị.
Tin vui đồng chí Tổng Bí thư sẽ trực tiếp gặp mặt đối thoại với các Văn nghệ sĩ như một luồng gió mát thổi từ Nam chí Bắc làm phong trào văn hóa văn nghệ sau đại hội VI đang sôi nổi, càng thêm háo hức, có thể dùng một câu ví văn hoa là như diều gặp gió. Kể từ đây Trung tâm của phong trào lại hướng về cuộc gặp mặt này. Tuy chưa diễn ra như tôi dự đoán, cuộc gặp sẽ là một sự kiện lịch sử Một là từ trước tới nay chưa từng bao giờ có một cuộc gặp như thế. Hai là cuộc gặp có mục đích là trực tiếp chuẩn bị nghị quyết 05, cũng sẽ là nghị quyết lịch sử chưa từng bao giờ có. Một nghị quyết chuyên đề về văn hóa văn nghệ của Bộ chính trị.
Lại thêm một niềm vui nữa đến với tôi. Thực ra, ý định tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư và các văn nghệ sĩ chúng tôi cũng đã có ý nghĩ đến nhiều anh em và văn nghệ sĩ đã kêu gọi bảo tôi tận dụng lợi thế quen biết anh Linh rỉ rả với anh về cuộc gặp. Nhưng tôi phân vân là liệu có được chấp thuận không? Tính tôi luôn luôn biết tự kìm chế, lượng sức mình không muốn làm cái gì thái quá nhất là đối với cấp trên. Nhưng trước sự thôi thúc của nhiều người, tôi và anh Hạnh bàn nhau cứ mạnh dạn đề xuất xem sao. Và một trong những mục đích là làm việc với anh Linh lần này có mục đích đó. Nhưng may sao tôi đang định chọn thời cơ, lựa lời đặt vấn đề, thì chính anh Linh lại nói trước. Tôi cho đây là một sự kỳ diệu. Một sự gặp gỡ giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa cấp trên và cấp dưới. Và tôi nghĩ, nếu như trong xã hội ta, trong Đảng ta, luôn luôn là sự gặp nhau như thế này thì mọi điều sẽ tốt đẹp biết bao.
Tôi bỗng nghĩ đến cơ quan của Đảng hai đầu đứng hai rào chắn, thường xuyên có lính gác. Ai muốn vào cổng lại phải qua một lần gác nữa. Nó thâm nghiêm quá. Còn đâu là ý nghĩ của những câu nói cửa miệng, trong các bài diễn văn, trong sách giáo khoa: Đảng sinh ra từ nhân dân - Đảng luôn gắn bó máu thịt với dân. Đảng sống trong lòng nhân dân... Tôi cũng nghĩ đến trụ sở các Huyện ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy... đâu dâu cũng như những ốc đảo giữa đời thường, rất xa lạ với quần chúng nhân dân, người mẹ vĩ đại mà chính nhờ nó mà Đảng sinh ra, Đảng tồn tại...
Chính vì vậy mà khi lên làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ, sau việc thay đổi cơ chế làm việc thì điều đầu tiên tôi nghĩ đến là đưa trụ sở Ban khỏi khu "Trung Nam Hải" Nguyễn Cảnh Chân. Từ đó có thể nói, ngôi nhà xinh xắn 49 Phan Đình Phùng trở thành một địa chỉ thân thiết của các văn nghệ sĩ. Và từ ngôi nhà này nghị quyết lịch sử 05 của Bộ Chính trị khóa 6 đã ra đời.
Đêm đó, ở chỗ anh Nguyễn Văn Linh ra về, tôi đến thẳng nhà Nguyễn Văn Hạnh báo tin vui. Bởi vì một tin vui như thế này không thể không có người chia sẻ và người đó không ai khác phải là Nguyễn Văn Hạnh. Niềm vui của Nguyễn Văn Hạnh chẳng kém gì tôi. Bởi đây chính là điều mà hai chúng tôi đã từng bàn với nhau trong lớp nghiên cứu ở Liên xô năm 1981 mà trên kia tôi đã có nói. Dạo đó những bài giảng của các giáo sư Liên xô về văn hóa văn nghệ đối với chúng tôi thực sự là mới mẻ và hấp dẫn. Nó hấp dẫn vì sự mới mẻ nhưng điều chủ yếu là sự hấp dẫn về nội dung của nó, những điều mà khi ở trong nước chính tôi cũng đã lơ mơ cảm thấy, nhưng chưa đủ trình độ, cả về lý luận và thực tiễn, để phân rõ đúng sai chỗ nào. Thì đây, ở một đất nước đã gần 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, có một nền văn học vĩ đại có những tác giả nổi tiếng như Phéđêép, Pas-ter-nác, Erenbua, Sôlôkhốp, Akhimatwa, Ximônốp... có những tác phẩm từng làm say sưa chúng tôi một thời như "Thép đã tôi thế đấy", "Sông Đông êm đềm", "Đất vỡ hoang", "Những người Xô-viết chúng tôi", "Đợi anh về".
Chúng tôi không ngờ một đất nước như vậy một nền văn học như vậy lại có những vấn đề gai góc nảy sinh như trong các bài giảng do các giáo sư tài năng của Viện hàn lâm khoa học Liên xô trình bày. Nhưng khi ngồi lại với nhau để ôn tập các bài học, liên hệ với tình hình văn học ở đất nước, thì tất cả bỗng giật mình, là cũng đều có những hiện tượng như thế. Chỉ có điều là chưa nhìn ra được hay nói một cách khác, chưa ai trang bị cho mình có đủ trình độ, nhận thức để nhìn nhận ra vấn đề. Lần đầu tiên chúng tôi nghe chính thức trên giảng đường, các giáo sư Liên xô nêu ra những khuyết điểm trong lãnh đạo Vãn hóa Văn nghệ của Đảng Cộng sản Liên xô phê phán các quan điểm sai lầm của Jêđanốp, một trong những lãnh tụ của Liên xô hồi bấy giờ. Ai đời, đường đường là một nhà lãnh đạo lại nói công khai trước mọi người về một nhà thơ lớn như Akhơmatôva "vừa là một tu sĩ, vừa một con đĩ. Rồi cái chết của Fađêép, sự dối trá của Erenbua, với Ximônốp... Khiến cho bà Lê Minh ngồi ở dưới cứ khóc rưng rức. Lê Minh tâm sự, lúc đó bà nghĩ đến bố mình, Nguyễn Công Hoan, một nhà văn lớn Việt Nam, cũng từng bị đối xử chẳng ra gì. Rồi Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo... Những nhà văn hóa lớn của Việt Nam cũng cùng chung số phận như thế...
Chúng tôi nhớ nhất một nhà văn già, lúc đó cũng gần 70 tuổi, giảng rất nhiều bài, bài nào cũng hay, tâm sự với chúng tôi: "Các đồng chí là những người cộng sản; chúng tôi cũng là những người cộng sản, các đồng chí cất công sang dây nghiên cứu, chúng tôi sẽ không giấu giếm các đồng chí một điều gì về những khuyết điểm mà Đảng chúng tôi đã mắc phải; những kinh nghiệm mà chúng tôi trải qua, những thành công và những thất bại, chủ yếu là những thất bại do những sai lầm trong lãnh đạo gây ra, để các đồng chí đừng mắc lại những sai lầm như của chúng tôi, Nghe đến đây, Nguyên Ngọc ghé vào tai tôi nói nhỏ "Chúng tôi cũng đã mắc rồi, có thể là nặng hơn..."
Sớm thấy rõ giá trị của những bài giảng, tôi bàn với Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư chi bộ lớp học, phải tổ chức phân công nhau ghi chép thật đầy đủ để có tài liệu về truyền đạt lại cho các đồng chí ở nhà. Những bài giảng về đặc trưng của Văn nghệ, trong đó nêu rõ một quan điểm rất hay về tài năng mà tôi còn tâm đắc mãi cho đến hôm nay. "Tài năng là của hiếm, tài năng là của chung mọi người. Vì là của hiếm, nên phải trân trọng nó. Vì là của chung của mọi người, chứ không phải của riêng ai nên phải quan tâm giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa tài năng với nhân dân". Hoặc, quan điểm về đánh giá một tác phẩm, nghệ thuật không thể tùy tiện do một cá nhân nào, dù cá nhân đó là người có quyền cao nhất. Chỉ có hai yếu tố quyết định hàng đầu để đánh giá một tác phẩm đó là công chúng và thời gian.
Quả thật, lớp nghiên cứu này đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều điều bổ ích và hứng thú. Bởi vì có những vấn đề nó đúng với mình quá. Đã diễn ra, đang diễn ra, và sẽ tiếp tục diễn ra những sai lầm thô thiển nếu không kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên không phải toàn lớp đều đồng nhất trong nhận thức. Tôi thấy Nguyên Ngọc thu hoạch rất nghiêm túc vì chính sự kiện "Đề dẫn" năm 1979 là một ví dụ sâu sắc về sự áp đặt một cách thô bạo đối với văn nghệ. Vì vậy, trong phát biểu ở tổ Nguyên Ngọc rất gay gắt, phê phán rất mạnh, và mong muốn khi trở về, phải làm sao có sự thay đổi trong lãnh đạo. Trong lúc đó có người lại có vẻ khó chịu, nói riêng với tôi là Nguyên Ngọc lệch lạc, phiến diện, thiếu khách quan, không nhìn thấy toàn cục... Riêng anh Phong Châu thì rất nhiều lần đến gặp tôi tha thiết đề nghị khi về nước phải làm sao những nhận thức thu hoạch được phải biến thành nhận thức của cơ quan lãnh đạo của các đồng chí lãnh đạo thì mới phát huy được tác dụng. Phong Châu còn nói "nếu có một nghị quyết của Bộ Chính trị chứa đựng được những quan điểm về văn hóa văn nghệ như chúng ta thu hoạch được ở đây thì quý vô cùng".
Tôi trao đổi với Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Văn Hạnh hoàn toàn ủng hộ ý kiến Phong Châu.
Như vậy là ý định có một nghị quyết chuyên đề về công tác Văn hóa Văn nghệ và những quan điểm cơ bản về nghị quyết đó đã được manh nha từ lớp nghiên cứu của đoàn cán bộ của Đảng ta tại Liên xô năm 1981. Thế nhưng, như trên tôi đã nói, năm 1982, tôi bị mất chức Trưởng Ban nên chưa thực hiện được. Rồi cho đến hôm nay thì tất cả những nung nấu, hy vọng của số anh em dạo đó, đặc biệt là Nguyên Ngọc, Phong Châu đang trở thành hiện thực, sắp trở thành hiện thực, nhờ có không khí Đại hội VI của Đảng, nhờ có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Chỉ mấy hôm sau, các đồng chí bên văn phòng sang chỗ chúng tôi làm việc tổ chức cuộc gặp mặt giữa Tổng Bí thư và các văn nghệ sĩ. Như thế đấy, vai trò của chức quyền quan trọng biếy chừng nào. Cũng vấn đề này thôi, nếu cứ theo thông lệ đề đạt từ dưới lên thì có khi hàng năm chưa chắc thực hiện được.
Nhưng điều quan trọng nhất là Tổng Bí thư đã nghe rõ được, đã cảm nhận được tiếng dội từ quần chúng, thấy rõ được tình hình bức xúc không thể chậm trễ. Tôi chắc là anh Linh đã đọc xong bản báo cáo nội bộ, tức là tờ trình, chuẩn bị cho nghị quyết Bộ Chính trị do anh Hạnh soạn thảo, và qua đó, anh thấy rõ tấm lòng tha thiết của anh chị em văn nghệ sĩ thế nào đối với nền văn học nước nhà... Các anh bên Ban Bí thư và Văn phòng đặt vấn đề là cuộc gặp chỉ nên gọn vài chục người. Tôi nói ngay là không được. Nếu như thế thì vẫn chỉ là gặp mặt mấy quan chức quen thuộc. Lúc bấy giờ có 7 hội. Mỗi hội ít ra là 2 người, một tổng thư ký, một phó tổng thư ký, vị chi là 14 người rồi. ở Bộ văn hóa, lãnh đạo Bộ 5, 6 người, các Cục Vụ nữa, ít nhất là trên dưới hai chục rồi, rồi các Bộ, Ban văn hóa Văn nghệ. Tôi nói: Tổng bí thư cần gặp nhất là những người đang trực tiếp lao động, sáng tạo, để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, những khó khăn và những đề nghị, đặc biệt là những người đang viết khỏe như Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ... lại đang có những tác phẩm làm sôi nổi trong dư luận...
Sau khi thống nhất với văn phòng như thế, rà soát lại các thành phần, đã có con số hợp lý khoảng 100. Đặc biệt tôi còn mở rộng thành phần ra một số nhà khoa học, nhà văn hóa như Phan Đình Diệu, Nguyễn Khắc Viện, Hồ Ngọc Đại... Nhưng chủ yếu vẫn là ưu tiên cho lực lượng đang hoạt động sáng tạo. Do đó, sau cuộc gặp xảy ra vấn đề tế nhị là các vị lão thành đến 49 Phan Đình Phùng kêu Ban Văn hóa Văn nghệ là tại sao lại không mời họ. Thậm chí Lưu Trọng Lư còn hét toáng lên: "Thành phần cuộc họp vừa rồi là không đáng. Phải tổ chức cuộc gặp khác nữa". Kể ra cũng hay hay thú vị.
Con đường dẫn đến nghị quyết 05, nếu có thời gian có thể viết thành cuốn sách dày vài trăm trang, nếu kể cả phần hậu nghị quyết 05 thì có thể lên đến hàng nghìn trang, mà có lẽ phần "Hậu nghị quyết 05" còn dài hơn nhiều. Dưới đây tôi chỉ chọn lọc những sự kiện điển hình nhất để thêm vào phần "Hậu nghị quyết 05" bằng chương V có tên là "Từ Đại hội nhà văn lần thứ 4 đến vụ án Cửa Việt
Xin trở lại cuộc gặp mặt lịch sử đối thoại hiếm có giữa Tổng bí thư với gần 100 văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa, trong suốt 2 ngày liền 6 và 7 tháng 10 năm 1987.
Mặc dầu vì điều kiện xa xôi, các anh chị ở miền Nam không ra dự được nhiều song trong một chừng mực nhất định, có thể nói là quây quần trong cuộc trò chuyện thân mật mà nghiêm trang với người lãnh đạo cao nhất của Đảng hôm nay, là một phần tinh hoa giới trí thức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Các nhà văn có Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Bằng Việt, Chính Hữu và Chu Văn, Dương Thu Hương... các nhà hoạt động sân khấu có Dương Ngọc Đức, Tất Đạt, Lưu Quang Vũ, Tào Mạt, Phạm Thị Thành, Hồ Ngọc, Thanh Hương, Nguyễn Đình Thi..., các nhà hoạt động âm nhạc có Huy Du, Phạm Tuyên, ái Vân, Xuân Thanh, Hoàng Văn, Đàm Linh, Trung Kiên, Vũ Tự Lân... Các nghệ sĩ tạo hình Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Đặng Thị Khuê, Dương Viên, Nguyễn Quân, Nguyễn Thụ, Thái Bá Vân, Phạm Viết Hồng Lam... Các kiến trúc sư có Tạ Mỹ Duật và Trọng Chi, Hoàng Nghĩa Sang, Ngô Hoàng Thúc... Các nhà hoạt động điện ảnh Trần Đắc, Hải Ninh, Trần Văn Thủy, Bùi Đình Hạc, Đoàn Lê và Lý Thái Bảo, Như Quỳnh và Đặng Nhật Minh... Các nhà nhiếp ảnh có Hoàng Tư Trai, Hoàng Kim Đáng, Đinh Ngọc Thông... Ngoài ra còn có các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng Nguyễn Khấc Viện, Phan Huy Lê, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Khiêu, Nông Quốc Chấn, Phan Hữu Dật, Phan Đình Diệu... những tên tuổi gắn liền với những công trình sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và khoa học đã đành. Những tên tuổi ấy cũng gắn liền với những tìm tòi, trăn trở trong nhiều năm qua về những vấn đề lớn, nóng bỏng của đất nước, của xã hội, của thời đại. Vâng, không phải chỉ của nghệ thuật. Bởi suy cho cùng, những trăn trở sâu xa nhất về nghệ thuật bao giờ cũng bắt nguồn từ những suy tư về xã hội, về dân tộc và thời đại. Và cuối cùng, cũng lại để hướng về đó. Chính vì thế mà cuộc đối thoại hôm nay giữa đồng chí Tổng bí thư của Đảng và các văn nghệ của Đảng về những vấn đề cấp thiết của văn hóa nghệ thuật, lại mang đậm những biến đổi rộng lớn đang diễn ra trong xã hội, những biến đổi mà sự khởi đầu được đánh dấu bằng Đại hội lần thử 27 Đảng cộng sản Liên xô và Đại hội lần VI Đảng cộng sản Việt Nam. Cuộc đối thoại hôm nay là nằm trong và là một bộ phận của tiến trình rộng lớn đó.
Có một con số có lẽ cũng rất đáng chú ý: Hai ngày làm việc, tổng cộng khoảng 15 tiếng đồng hồ, thì sau vài lời giới thiệu của Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ nói mấy lời mở đầu trong chừng 5 phút và trước khi kết thúc cuộc họp, đồng chí phát biểu đúng 50 phút. Còn thì, suốt hai ngày, đồng chí Tổng bí thư chăm chú lắng nghe ý kiến của anh chị em.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh hồi tưởng và nhận xét: Những lần trước đây gặp các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thường các đồng chí ấy nói từ đầu đến cuối, hoặc gần như thế, còn chúng tôi thì nghe, rồi về. Lần này, ngược lại... chỉ riêng điều này thôi cũng đã là dấu hiệu của một sự đổi mới rồi... Lời mở đầu của đồng chí Tổng bí thư là một câu hỏi nhìn ngay thẳng vào sự thật. Đồng chí nói:
- Tôi có một băn khoăn: Hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, có những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng. Còn nếu đúng như thế thì tại sao? Hay do lãnh đạo có sự kiểm duyệt, sự hạn chế gì? Nếu có tình hình ấy, tôi đề nghị đó là một chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được nghe ý kiến của các đồng chí...
Nhà thơ Huy Cận nói về sự trưởng thành đội ngũ về những cản trở do sự thiếu hiểu biết của các cấp ủy địa phương đối với văn học nghệ thuật, về chức năng của nghệ thuật mà theo anh là "đưa con người trở về với cộng đồng", về vấn đề những vốn văn hóa nghệ thuật dân tộc bị mất mát v.v... Có lẽ vì anh đề cập cùng một lúc đến nhiều vấn đề quá, nên khó có vấn đề nào nói được thẳng và sâu. Nhà thơ Tế Hanh nói đôi ý nghĩ về con đường thơ ba mươi năm của ta...
Cuộc thảo luận sôi nổi hẳn lên với tham luận của nhà lý luận Hồ Ngọc khi anh trả lời thẳng câu hỏi của đồng chí Tổng bí thư, anh nói: "Vâng, văn nghệ ta Nghèo, vừa nghèo, vừa lạc hậu như đất nước ta hiện nay vậy". Đi tìm nguyên nhân cho tình hình đó, anh đề cập thẳng đến một vấn đề nóng bỏng và thật là rất "khó", khó bởi vì lâu nay ta vẫn thường né tránh nó như một thứ "húy kỵ", mặc dù dường như người làm văn nghệ nào cũng thấy có cấn cái, có chuyện không ổn ở đây: vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, Hồ Ngọc cho rằng "vấn đề này ở ta chưa bao giờ được đề cập một cách công khai và được giải quyết một cách đầy đủ, đến nơi đến chốn... do đó, trong thực tiễn của đời sống văn học nghệ thuật đã đẻ ra biết bao nhiêu chuyện rắc rối, thậm chí đau lòng..." Anh nêu luận điểm: "Văn nghệ và chính trị là hai hình thái ý thức nằm chung trong một thượng tầng kiến trúc...", có mối "quan hệ biện chứng" với nhau, "rất phức tạp" là "mối quan hệ thống nhất nhưng không đồng nhất". Vậy mà, theo anh, chúng ta đã "đồng nhất", thậm chí đồng hóa văn nghệ với chính trị, coi văn nghệ là công cụ cửa chính trị, phục vụ chính trị một cách thô thiển, đơn giản, biến văn nghệ thành vũ khí tuyên truyền... "Anh cho rằng mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cho đến nay "vẫn vướng mắc, cần được tháo gỡ không chỉ về mặt quan niệm, nhận thức... mà ở các khâu tổ chức: cán bộ Đảng hiện đang làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý văn nghệ..."
Những ý kiến của Hồ Ngọc có thể cần được thảo luận về nhiều mặt, nhưng rõ ràng anh đã đưa cuộc nói chuyện hôm nay vào trung tâm của vấn đề. Để đi đến chỗ đạt được điều đó hôm nay, không dễ. Có lúc, ngay hôm nay, khi đang trình bày ý kiến của mình, Hồ Ngọc thấy phải rào đón cẩn thận trước sau để tránh những sự "hiểu lầm" lắm khi cho là cố ý. Thấy rõ sự ngập ngừng của Hồ Ngọc, đồng chí Tổng bí thư nói:
- Còn rào đón thì chưa chuyển biến được đâu!
Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện không rào đón. Bản tham luận của anh ngắn gọn, súc tích, vì nó đi thẳng ngay vào thực chất của tình hình và chỉ thẳng ngay nguyên nhân của nguồn gốc. Anh cho rằng văn nghệ sĩ là những người "nhạy cảm với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, với những gì mới chớm, họ nuôi dưỡng ước mơ cao hơn những người khác trước những điều tiêu cực, và tất cả những buồn vui hào hứng hay căm giận, tủi nhục của mọi người được họ đúc kết lại, diễn đạt ra những bài thơ, quyển truyện, vở kịch, cuốn phim, hay bức tranh, pho tượng..." Anh nói thẳng: "Trong những năm qua văn học nghệ thuật của ta chưa đóng được đầy đủ vai trò của nó. Vì bị trói buộc. Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang... Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia! Bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ... Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là xét lại, là "chống Đảng", là "có tính kích động"... Mà "thông thường bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn hạn tù, còn bản án văn học thì cứ mãi mãi treo lơ lửng trên đầu... một bản án chung thân, có khi còn hại đến cả con cháu...." Từ những nhận định thẳng thắn, nghiêm trang, anh đi đến một số những ý kiến cụ thể về những việc cần làm ngay" trong lĩnh vực lãnh đạo văn nghệ.