Tập II
Chương 3
Nghị quyết 05

III

Khai thác mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo là tư tưởng chỉ đạo bao trùm để phát triển văn hóa, văn nghệ hiện nay. Đây là công việc của các cơ quan lãnh đạo. quản lý, của công chúng và của bản thân văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa, liên quan đến cả quan điểm, lý luận và công tác tổ chức thực hiện được thể hiện trong các chính sách, biện pháp lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa. Tinh thần chung của các chính sách, biện pháp là phải bảo đảm những điều kiện để văn hóa, văn nghệ làm tốt vai trò xã hội với chức năng cao cả của nó. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm cơ bản của Đảng là coi trọng con người, coi con người là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu phục vụ và xây dựng cao nhất của mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Phải xem việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa để phục vụ con người, xây dựng con người mới. -con người xã hội chủ nghĩa- theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một sự đầu tư không chỉ nhằm giải quyết những nhu cầu cấp bách, trước mắt, mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài nhằm thỏa mãn một cách hợp lý nhu cầu văn hóa của nhân dân mang lại niềm vui và hạnh phúc cho từng người, và để tích lũy "vốn quý nhất" cho xã hội. Cần quan niệm lại cấu kết kế hoạch Nhà nước và ngân sách "thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội" (Báo cáo chính trị Đại hội VI của Đảng).
Sớm ban hành các chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức văn hóa, văn nghệ khai thác các tiềm năng về kinh tế, tài chính trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo được những vốn tự có để có thêm điều kiện phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ. Tiến tới thành lập quĩ văn hóa Việt Nam theo hướng huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cả ở trong và ngoài nước. Các tổ chức văn hóa, văn nghệ được quyền tự chủ xây dựng quỹ, vốn và sử dụng quỹ, vốn đó trong hoạt động của mình. Ngoài sự tài trợ thích đáng của Nhà nước về vật tư, kinh phí, các hội ở trung ương cũng như các hội ở địa phương có quyền lập quỹ, phát triển quỹ bằng những hoạt động nghề nghiệp, được hường chính sách ưu đãi về kinh tế tài chính để tự trang trải các kinh phí hoạt động, bảo đảm và cải thiện điều kiện sáng tạo và đời sống của các hội viên, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước. Các chính sách kinh tế, tài chính này phải phù hợp với từng ngành, từng loại hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Bảo đảm các điều kiện tinh thần, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cho các nhà hoạt động văn học và nghệ thuật yên tâm, phấn khởi làm việc. "Cải tiến chính sách đối với người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng lao động nghệ thuật, động viên sáng tạo khuyến khích tài năng" (Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng).
Thực hiện đầy đủ quyền tác giả, khẩn trương nghiên cứu để sớm ban hành các chế độ thù lao nghệ thuật, bảo đảm cho nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống và tiếp tục sáng tạo chủ yếu bằng nhuận bút. Chế độ thù lao phải đặc biệt tính đến giá trị chất lượng các tác phẩm.
Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng. Trong lịch sử Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc giành được độc lập, tự do và đã mang lại quyền tự do sáng tác chân chính cho văn nghệ sĩ. Bản chất quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nằm trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.
Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình), và không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình. Đảng và Nhà nước khuyến khích thảo luận, tranh luận công khai để tìm ra chân lý. Cần tạo một không khí hồ hởi trong sáng tác, khêu gợi nhiều cảm hứng sáng tạo cao đẹp trong các văn nghệ sĩ.
Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện. Tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình. Người sáng tác và người phê bình phải làm chủ ngòi bút của mình, không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về công việc của mình.
Nâng cao tính lý luận, trình độ khoa học, trình độ thẩm mỹ, hiểu biết thực tế sáng tác và thực tế cuộc sống sâu sắc hơn nữa trong công tác phê bình văn học nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu, phê bình cần lắng nghe và coi trọng dư luận của quần chúng rộng rãi. Phê bình phải khách quan, trong sáng, nghiêm túc và có tính chiến đấu cao, khắc phục thói nể nang hoặc thô bạo, lối phê bình một chiều, hời hợt, hình thức, sách vở.
Đảng và Nhà nước coi trọng cả hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp, phong trào văn nghệ quần chúng và hoạt động văn nghệ nghiệp dư. Các cơ quan văn hóa, văn nghệ cần nhận thức rõ vị trí, mục tiêu phương thức hoạt động thích hợp của mỗi loại hình, tránh tình trạng chuyên nghiệp hóa văn nghệ quần chúng và văn nghệ nghiệp dư, cũng như hạ thấp yêu cầu đối với văn nghệ chuyên nghiệp; hết sức tạo điều kiện để văn nghệ chuyên nghiệp đạt được những đỉnh cao về nghệ thuật.
Phải coi các di tích lịch sử, các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật, các tài năng và danh nhân là tài sản quý của quốc gia; có những chủ trương và biện pháp có hiệu lực bảo tồn lâu dài các di tích lịch sử và các giá trị văn hóa để giáo dục nhân dân về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, về truyền thống lịch sử và văn hóa, tạo điều kiện cho nhiều thế hệ có thể thưởng thức, tiếp thu, nghiên cứu các giá trị văn hóa cổ truyền, tiếp tục sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới thể hiện được tầm cao của thời đại và chiều sâu của truyền thống, vừa dân tộc, vừa hiện đại. Đấu tranh chống xu hướng nệ cổ, bảo thủ và cả xu hướng mất gốc, hư vô chủ nghĩa.
Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa Văn hóa Văn nghệ đến các vùng kinh tế mới, vùng căn cứ cách mạng cũ, vùng dân tộc thiểu số và các vùng xa xôi, hẻo lánh, quan tâm các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi khác nhau. Xây dựng và củng cố các nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, nhà bảo tàng, công viên văn hóa... nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa quần chúng, đưa việc xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa mới thành công việc của toàn xã hội, tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc khoa học và căn cứ thực tiễn được nghiên cứu và tổng kết chu đáo.
Kiên quyết đấu tranh chống những tàn dư văn hóa phong kiến, thực dân, tư sản. Ngăn chặn khuynh hướng thương mại trong hoạt động văn hóa văn nghệ, đấu tranh với các loại văn nghệ dâm ô, khích động tội ác. Làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch và phản động hòng biến văn hóa, văn nghệ thành phương tiện gieo rắc tâm lý bi quan và lối sống sa đọa. Bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục.
Phát triển quan hệ quốc tế về văn hóa nhằm tăng cường hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ nước ta có điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Hợp tác toàn diện về văn hóa, văn nghệ với Liên Xô, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, mở rộng sự giao lưu văn hóa mật thiết với ân Độ và các nước khu vực Đông Nam á, mở rộng sự giao lưu văn hóa với các nước đang phát triển và các nước phương Tây, làm cho nhân dân ta được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa của Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thông qua các mối quan hệ nhà nước, các tổ chức văn hóa, văn nghệ nước ta cần quan tâm hơn nữa đến sinh hoạt quốc tế, tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lao động và cuộc sống của loài người.