Hóa ra ở tù có cái gian truân của cảnh trong tù, thoát khỏi nhà tù lại có cảnh gian truân của cảnh ngoài tù. Đó là sự gian truân liên tục của người cách mạng khi chưa cướp được chính quyền, khi những người cách mạng chỉ mới là những đốm lửa le lói trong đêm dày đặc, chỉ dựa vào vùng ánh sáng nhỏ bé của mình mà sống và hoạt động. Mấy ngày tự do đầu tiên của chúng tôi đầy những nỗi gian truân, vì chúng tôi mới chỉ thoát được cái lồng bé, song còn bị giam cầm trong cái lồng lớn của chủ nghĩa thực dân. Đất nước đâu đã có tự do! Đồng chí Diện đặt kế hoạch bắt liên lạc trước hết nhờ ông cậu tìm người em giai họ của đồng chí Diện vốn là một công nhân giác ngộ có hoạt động từ trước, nhờ anh đó qua tổ chức cơ sở nói với cán bộ, để báo cáo lên thành ủy rồi lên xứ ủy. Vì trốn ra không có sự bố trí trước ở ngoài, nên xứ ủy và trung ương phải thẩm tra rất kỹ. Chúng tôi phải viết tóm tắt báo cáo nói rõ cuộc trốn, họ tên và ngày giờ. Sau đó trung ương đã nhắn hỏi lại mấy điều để kiểm tra thêm, lúc ấy mới được chính thức bắt liên lạc. Chúng tôi phải chờ đợi như thế đến năm hôm. Năm ngày đó chúng tôi trong ở nhà ông cụ. Cụ cho chúng tôi ăn uống rất đầy đủ. Cụ cho là ở trong tù thì ăn uống khỏ cực lắm nên cụ thương muốn bù lại cho chút ít. Hẳn là ông cụ phải tốn kém vì chúng tôi nhiều. Chúng tôi được cụ cho uống bia, ăn thịt lợn luộc, thịt gà rán, tráng miệng bằng bánh rán. Chúng tôi nhớ lại hồi ở Hỏa Lò, nhiều lúc thiếu thốn ngồi tán với nhau về các món ăn ngoài đời cho đỡ thèm. Có anh đã theo dõi các cuộc tán gẫu đó rồi chép lại trên giấy gói thuốc thu thập được, thành cả tập dày tới trăm trang.Bây giờ trước sự săn sóc của ông cụ, tôi thấy thật thỏa mãn, chỉ còn nghĩ đến những ngày hoạt động sắp tới thôi. Nhưng khổ thay, mấy ngày đó tôi bị kiết lỵ. Chúng tôi ở trong một gian buồng nhỏ, rất nhỏ với một cái giường cũ. Đêm đêm ngủ trên giường đó, kể cũng tiện. Vì gian buồng ở ngay cạnh đường nên chuyện hò với nhau đều phải nói thầm, Chúng tôi không được rời khỏi buồng nên đại tiểu tiện ngay ở thùng tro để góc buồng, đến đêm sẽ có người đưa đi đổ giúp. Xét đơn thuần về mặt nơi ăn chốn ở thì có thể nói chúng tôi vừa thoát khói nhà tù lại phải chui vào một cái cũi. Năm ngày vừa bức bối vừa nóng ruột rồi cũng qua đi. Tuy có bị tù túng hơn thời nhà tù Sơn La, nhưng lại có sự hồi hộp của sự chờ đợi. Hơn nữa được sống giữa những người thân thuộc, giữa nhịp đập của cuộc sống đời thường cho nên sự bồn chồn thật khó tả. Chúng tôi nhận được tin nhắn của anh H. là cán bộ của Trung ương thời đó và vốn là chỗ quen biết của chúng tôi. Anh nhắn chúng tôi, hẹn gặp ở gần Cầu Giấy vào một buổi sáng sớm để anh dẫn đi. Trời ơi! Mừng quá! Chân tay tôi cứ run lên. Về được với Đảng rồi! Chuyến này thì tha hồ hoạt động. Cách mạng đang cần. Dứt khoát là được thả sức hoạt động. Chấm dứt những ngày ngồi trong tù mà mơ tuởng ước ao... Về được với Đảng rồi!.... Đầu óc tôi cứ rộn lên như bốc lửa. Thế là chúng tôi sửa soạn ra đi và từ biệt cụ chủ nhà. Cụ không dấu nổi sự xúc động. Cụ mừng cho chúng tôi đã gặp được cái gì quá lớn lao và đầy bí ẩn với cụ, nhưng lại không muốn để chúng tôi rời khỏi mình, điều mà cụ thừa biết là không thể được. Tiễn chân chúng tôi ra cửa, cụ không nói gì cả. Nỗi lòng mình cụ trút hết vào ánh mắt nhìn. Cái nhìn của cụ nói lên đủ nỗi lòng sầu kín thật khó tả hết. Sáng sớm hôm đó, trời còn tối, chung tôi đã rời căn nhà nhỏ ra đi. Ngoài cụ không ai trông thấy. Bước ra đường, chúng tôi bâng khuâng như đi vào những nơi xa lạ. Chưa có quần áo nào khác hơn, chân vẫn mang đôi guốc mộc. Đầu tóc thì lút gáy, đâm chờm cả mang tai. Bệnh kiết lỵ của tôi lại tái phát. Sáng rõ mặt người, chúng tôi tới chỗ hẹn. Bà con trong vùng đã ra đồng làm. Tôi mót đi ngoài ngồi lâu quá. Anh Diện cử thả bộ trên đường chờ tôi. Bỗng nghc những câu nói lạ tai:- Tiên sư bố nó, chỉ chờ mà ăn sẵn của người ta. - Của ấy cứ phải cho nó vào ăn cơm mắm Hỏa Lò. Cứ vờ vờ ngồi thế kia rồi đợp của người ta đấy. - Cho nó ra chợ...- Sao lại cho nó ra chợ.. - ấy ở chợ hôm nay người ta chém mấy thằng ăn cắp đấy mà. Thế là chúng tôi biết rõ những điều họ nói đó nhắm vào ai rồi. Biết không thể ngồi lân nữa, có thể gặp tai họa bất ngờ. Trông chúng tôi với đầu tóc và quần áo khác thường người ta dễ sinh nghi là quân ăn cắp lắm. Chúng tôi tụt guốc cấp nách, lấy dáng điệu thản nhiên đi khỏi chỗ đó. Gặp được anh H. Không có điều kiện kéo dài việc trao đổi chuyện trò, lát sau thì anh Diện và tôi mỗi người đi một ngả. Tôi được gặp chị Sáu ngay. Vóc người nhỏ thó chị tỏ ra rất nhanh nhẹn tháo vát. Vừa gặp, chị gọi tôi là cậu tôi gọi chị là chị, thâm tâm tôi vui mừng như được gặp chị hiền của mình vậy. Chị bận chiếc áo dài năm thân rất khéo, ra vẻ con người quen buôn bán ngược xuôi tất tưởi. Gặp ai chị cũng chào hỏi, tôi phục chị có mối thân quen rộng và tôi theo chị chào hỏi mọi người. Thấy có người tò mò ngắm tôi thì chị đon đả giới thiệu: - ấy hôm nay đưa cậu nó mới ở ngược về sang bên sông chơi chốc lát. Khổ ở trên ngược về chả biết ăn mặc gì, đến lôi thôi lếch thếch như dân thua bạc ấy. Đến bờ sông Hồng, chỗ tiếp giáp giữa Hà Đông và Phúc Yên (vùng Chèm) chúng tôi xuống đò ngang. Nhìn sang bên kia sông, tôi hơi chột dạ khi thấy trên bờ có người bận áo dài thâm quần trắng che ô đi đi lại lại. Nhưng lòng tin tưởng hoàn toàn chị Sáu, tôi vững tin chị thông thuộc vùng này, thấy chị vẫn thản nhiên vui tươi. Lên tới bờ, khi biết người mang ô kia là người đi đón. Vóc người nhỏ nhắn, trán cao da trắng, anh chào chúng tôi, thăm hỏi qua loa rồi dặn chị Sáu ít điều. Sau đó chúng tôi chia tay. Tôi yên chí đó là một đồng chí địa phương, chắc là một hương sư hay là một trưởng bạ giác ngộ trong làng đó. Chị Sáu dẫn tôi vào làng Hải Bối (còn gọi là làng Bỏi). Đấy là cơ quan nằm chờ kiểu như trạm xá của ta ngày nay vậy. Tôi tưởng sẽ đến nhà một đồng chí hoặc một gia đình cảm tình, giác ngộ cách mạng, tôi sẽ được sông tại đó thoải mái, tự do, có thể nói mọi chuyện như ở nhà mình. Hồi chưa vào tù, tôi đã từng sống ở nhiều gia đình như vậy. Nhưng dẫn tôi tới chị Sáu thản nhiên giới thiệu như sau: - Gởi các cụ cậu nó vài hôm. Cậu nó mới ở ngược về. ở đây vài hôm chờ ông Cả đấy, các cụ ạ! Chị lại dặn tôi thêm: Không có tuyên truyền gì cả... vì gia đình này không biết gì đâu. Tôi hỏi gặng thì chị cười và bảo: Thôi, cậu cứ biết ở đây vài hôm cái đã. Thế rồi chị đi. Tôi cảm thấy bơ vơ lo lắng, không biết xoay xở ra sao. Tôi bèn giả ốm để nằm lỳ trong buồng và tránh những đối đáp có thể nguy hiểm. Thế mà tôi lại ốm thật, lại tiếp lục đi lỵ. Gia đình này gồm hai ông bà già. Ông làm ruộng, bà bán cơm ở chợ Bỏi. Người con trai trạc mười sáu mười bảy tuổi, cao lớn, khoẻ mạnh, nhưng vẻ ngốc nghếch thật thà. Anh ta có vợ rồi. Chị vợ có vẻ nhiều tuổi hơn, xinh giòn, chăm chỉ làm lụng suốt ngày. Suốt ngày tôi nằm trong buồng còn cả nhà đi vắng. Tối tối tôi ra ngồi uống nước cùng cụ ông. Cụ rất to lớn, khỏe mạnh, ít lời. Vợ chồng người con thì cứ như sợ người lạ ngồi lỳ ở bếp. Tôi được nhà cho mang cái tên là anh hai buôn gỗ. Bà cụ đôi lúc hỏi thãm sức khoẻ tôi và hỏi chừng bao giờ ông cả về. Tôi không rõ vở kịch chị Sáu sắp xếp ra sao nên trả lời qua quýt. Bệnh lỵ tôi bị ngày càng nặng. Đành áp dụng kinh nghiệm bản thân nhịn ăn vài ngày, sau đó chỉ ăn cơm với muối như hồi ở Hỏa Lò vậy. Bà cụ thấy tôi không ăn cơm, biết tôi bị lỵ nên thương lắm. Cụ kho thịt nạc bảo ăn, tôi không ăn. Cụ phàn nàn là sao lạ thế, khắc khổ gan góc đến thế. Cũng vì thấy thế mà cả gia đình có cảm tình đặc biệt với tôi. Mấy hôm sau chị Sáu trở lại. Cả nhà phàn nàn với chị về chuyện tôi ăn cơm muối, không để gia đình săn sóc. Chị tất tưởi đi lấy thuốc lỵ và bảo. Anh Toàn sắp đến giao công tác. Nghe giọng chị nói đến anh Toàn rất tôn trọng. Tôi yên trí anh Toàn là cán bộ quan trọng lắm. Lòng phấn khởi, tôi chờ đợi... Thế rồi anh Toàn đến! Té ra anh Toàn là đồng chí bận áo dài thâm cầm ô hôm nọ chờ tôi ở bờ sông. Tôi khâm phục cách hoạt động của các đồng chí ở đây. Trước đây tôi mới chỉ biết một cách hoạt động cổ điển: đi lại thì mang quần áo nâu rách, còn ở thì phải tìm nhà đồng chí hoặc nhà quần chúng cách mạng. Còn ở đây thì thật là mới mẻ, ở nhà một bà hàng cơm không hay biết gì về cách mạng, đi lại thì ăn mặc quần áo kiểu lý dịch trong làng... Gặp tôi, anh Toàn liền hỏi:- Anh có biết chữ không? - Có- Có đọc nhanh không? - Đọc được.- Thế thì tốt lắm! Anh làm công tác thanh niên ở nông thôn thì tiện rồi.Lúc đó da tôi đen xỉn, đầu tóc cợp cạp, trông vẻ cục mịch rất hợp với nông dân. Anh hẹn hôm sau sẽ giới thiệu đồng chí cán bộ phụ trách tôi đến giao công tác. Sướng quá tôi ra chợ cắt tóc và chuẩn bị lên đường. Lúc ấy tôi vẫn chưa biết anh Toàn là đồng chí Trường Chinh. Hôm sau chị Sáu và tôi đi ra khỏi làng, cứ dọc đê sông Hồng đến cây gạo Ba Đê để anh Toàn giới thiệu tôi với đồng chí Kiểm (Tức Ngô Thế Sơn bây giờ. Anh Kiểm chính là bạn học với tôi từ ngày còn bé. Anh là người làng bên cạnh. Khi anh Toàn và chị Sáu đã quay về một quãng xa, tôi và anh Kiểm mới phá lên cười với nhau. Tôi vui sướng bá lấy cổ anh ghé tai gọi tên cúng cơm của anh mà chửi một câu. Anh Kiểm cũng làm như thế với tôi. Chúng tôi nói với nhau bao nhiêu chuyện. Anh Kiểm chưa hề bị bắt, chỉ mới bị bắt hụt nhiều lần...Hôm đó bọn tôi đi một mạch từ vùng Đông Anh giáp sông Hồng lên tận làng Kha Sơn thuộc huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có lẽ đến 50 cây số. Ngày đi đầu tiên này của tôi thật là gian khổ. Từ trưa trở đi tôi mệt quá, hai bàn chân rát như phải bỏng, đùi đau như dần, còn bắp chân chuột rút cứng lại. Tôi cứ xin nghỉ luôn. Lúc đầu thì cứ một hai cây số, về sau chỉ gắng được 500m là quá sức lại xin nghỉ. Anh Kiểm đi khoẻ quá, tôi trông mà thèm được như anh. Trời đã chiều cứ hỏi còn bao xa anh lại nói: Còn 3, 4 cây. Tối mịt, mỗi lần hỏi anh vẫn bảo còn 3, 4 cây. Tôi sốt ruột hỏi: Thế ở đây có cơ sở không? cho tớ ngủ nhờ một tối mai đi, không có tớ chết đấy, không thể nào đi được nữa! Anh Kiểm lại cười và khuyến khích tôi. Tôi tự nghĩ yêu cầu như thế là vô lý nên cũng cười. Lại nghiến răng khập khiễng bước theo. Mỗi bước đi bàn chân nhức nhối như sắp vỡ bục ra, hai bắp đùi nhức nhối như bị giần, cảnh chịu đòn dai dẳng khổ hết nói. Trông thấy trước mắt một vệt đen dài, có le lói một ánh đèn như đom đóm. Anh Kiểm bảo: Kia rồi! tôi mừng rơn. Nhưng đường thì cứ như là lùi xa thêm nữa. Tôi nghiến răng mà bước, mắt không rời con đom đóm đỏ miệng nhẩm tính: gắng hai trăm bước nữa... gắng ba trăm xem sao... Khi vào tới nhà, bước qua ngưỡng cửa tôi bổ nhào lên cái ổ rơm, nằm thẳng cẳng với cảm giác: thắng lợi hoàn toàn. Vừa nằm. tôi vừa chào bác chủ nhà. Đây là cái trại nhỏ của gia đình bác Hiếu, một người miền xuôi lên đây. Trại chỉ có độc một căn nhà, ở xa các xóm và bên bìa rừng thông. Thật là lý tưởng để đóng cơ quan thời đó. Bác Hiếu và anh Kiểm liền pha rượu với mật ong cho tôi uống. Bữa cháo đó sao mà ngon vậy. Kể từ ngày nằm gầm giường ở ngõ chợ Khâm Thiên chờ đợi bắt liên lạc, rồi những ngày phập phồng nằm ăn cơm muối ở làng Bỏi bên sông Hồng, đến hôm nay được nằm ở đây một cách hoàn toàn yên tâm về mọi mặt, về mọi chuyện. Rõ ràng cuộc vượt tù của tôi đã thắng lợi hoàn toàn! Thế là với Đảng tôi đã chiến thắng bọn đế quốc trong cái lồng bé và giờ đây với Đảng, toàn dân ta nhất định sẽ đập tan cái cái lồng lớn của chủ nghĩa thực dân Pháp.. Những con chim đã sổ lồng phải được bay xa.