Tết vừa kết thúc trong buổi cúng lễ hạ nêu; mọi người trong nhà trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Ông Tư và anh Long thuê chiếc ghe lườn, chở lúa ra bán ở các chành lúa ngoài chợ. Anh Hổ lo móc bùn sình bồi líp chanh, líp cam, líp chuối, líp mận trong vườn. Chị Long và bà Tư lo chao các hũ mắm sặc, mắm lóc. Về mùa Xuân, ở các sông rạch, nước trong vắt, nên có nhiều cá lòng tong, cá rói, cá linh, cá cơm. Chị Long có biệt tài làm mắm nêm bằng cá cơm, và mắm cá linh, nên cứ vào mùa Xuân là chị phải bận rộn. Chị Hổ mỗi sáng bơi xuồng đem mắm cùng rau, hoa quả trong vườn nhà ra ngồi bán ở ngoài chợ. Năm nay, hai nàng dâu của ông Tư bà Tư đều có bầu, nên dù nói là cả gia đình trở lại nhịp sinh hoạt bình thường nhưng nhịp sinh hoạt đó trôi chậm hơn. Mỗi khi rảnh rang, hai nàng dâu lo đan áo, may tả lót cho hai đứa trẻ sắp chào đời. Anh Long mỗi tối vẫn quen thói áp tai vào bụng vợ để nghe nhịp sinh hoạt của bào thai. Anh thường nói: - Đứa nhỏ nầy đạp, đánh lung tung trong bụng mẹ. Nếu kiếp trước nó không phải là tay thiện nghệ túc cầu thì cũng là một cao thủ môn quyền cước. Chị Long vò đầu chồng, mắng: - Bắt chước chú Ba nói xàm hoài đi. Bà già nghe được mắng cho một trận biết thân. Chị cảm thấy yêu chồng thêm vì từ khi chị cấn thai, chồng chị như trẻ hẳn ra, bông đùa đậm đà ý nhị lắm. Dĩ nhiên là anh chỉ khôi hài, trững giỡn ở phòng the mà thôi. Khi bước ra ngoài anh lấy lại vẻ trang nghiêm ngay. Còn anh Hổ, anh cũng mừng sắp được làm cha, nhưng khi nghĩ tới vợ trong thời gian mang mển, thân thể sẽ méo mó, xấu xí thì anh hơi ngán ngẫm. Nhiều đêm đặt tay lên bụng vợ, anh ngáp dài nghĩ tới cái trách nhiệm làm cha trong những ngày sắp tới. Hai nàng dâu cùng bắt đầu hôi cơm tanh cá cùng một lượt. Họ bợn dạ thường xuyên, ói mữa như muốn trút hết mật xanh ra ngoài. Một hôm nghe chị Long ho khan, bà Tư bấm đốt tay tính toán rồi nói: - Đứa nhỏ bắt đầu mọc tóc. Chị Hổ không ho khan như chị Long, nhưng anh Hổ cũng bấm đốt tay, tính: - Tháng đầu, cái thai lớn cỡ cái trái chùm ruột, tháng thứ ba nó lớn cỡ hột sầu riêng. Tháng thứ năm nó lớn như trái cà tím, hoặc cỡ trái dưa leo. Tháng thứ bảy nó lớn cỡ trái bí đao. Tháng thứ chín, nó lớn cỡ trái mít. Chị Hổ nguýt: - Lớn cỡ trái mít thì làm sao em rặn nó cho ra? Thôi đừng có trù mạt, nói chuyện tầm phào mà xui xẻo. Ngôi nhà ông Tư gần sông; trong vườn lại có nhiều ao, bữa ăn, mâm cơm đầy những món ăn bĩ bàng: cá lóc cùng thịt bắp đùi kho nước dừa đệm với trứng luộc, tôm kho tàu nổi gạch đỏ ối, tép chấy thịt ba rọi, mắm chưng, canh rau hoặc canh khoai mỡ... Chị Long và chị Hổ cầm đũa. Ông Tư kèo nài hai nàng dâu cùng ngồi đồng bàn. Chị Long lễ phép nói: - Xin ba má cùng anh và chú Ba cầm đũa. Chị em con còn bận việc sẽ ăn sau. Bà Tư biết ý, nói: - Thây kệ tụi nó. Tụi nó đâu có lý gì cơm nước mà ông mời. Chị Hổ xuống nhà bếp, cạo lớp cơm cháy vàng rực, chan một chút nước mắm chưng sền sệt rồi xắt trái ớt sừng trâu rải lên miếng cháy. Chị nhai cơm cháy giòn rụm trong khi chị Long giã tỏi ớt để trộn mắm ruốc xào thịt ba rọi. Cả hai rủ nhau ra vườn bẻ cốc, khế, xoài xanh, me chấm vào mắm ruốc nhai ngau ngáu rồi nhìn nhau chúm chím cười. Có hôm chị Long thò tay vào hũ sành lôi ra dưa cải chua rồi chấm với nước mắm ớt để nhai cho đỡ lạt miệng nữa. Mỗi khi đối diện với chị Long, chị Hổ chỉ nhìn cái miệng của chị dâu mình. Môi của chị Long đều đặn, lúc nào cũng như chực nở một nụ cười cầu tài. Hàm răng của chị bóng ngời, khít khao và đều đặn. Đây là chiếc miệng đẹp của người đàn bà thùy mị nhưng vui tánh và... tinh nghịch ngầm. Cái miệng đó hồi còn đi học ở trường Cao Tiểu tỉnh Vĩnh Long thường ưa ăn chùm ruột lén trong lớp, để rồi khi có chồng lại ưa cằn nhằn chồng mỗi khi chị ghen bóng ghen gió. Và chị Hổ cũng không lạ gì cái miệng đó ăn quà vặt đến nỗi chê cơm, nhứt là đang lúc thai nghén. Rồi chị tự hỏi: - Còn cái miệng mình thì sao? Môi mình cũng tươi, răng mình tuy hơi móm, nhưng móm duyên như cô đào cải lương tên Kim Hoàng. Mình lại có cái nốt ruồi ăn quà mọc ở mép. Ừ, cái miệng mình hun chồng cũng giỏi, chửi chồng cũng giỏi, cắn chồng miếng nào là thấm đau miếng ấy, và ăn quà vặt cũng cừ khôi có thua bà chị dâu chút nào đâu. Bởi đó, lợi dụng lúc có thai, cả hai tha hồ ăn quà, không sợ mẹ chồng la rầy, quở trách. Mà cái miệng của chị Long, lẫn cái miệng của chị Hổ thiệt cắc cớ, kỳ cục. Gặp món ngon vật lạ, họ lại không thích, họ chỉ tìm những món lặt vặt, tầm thường. Họ thích ăn con ruốc chấy tóp mỡ rồi cuốn bánh tráng, rau sống chấm nước mắm ớt. Họ ăn ốc lác, ốc bươu luộc chấm nước mắm sả ớt. Họ ăn ốc len xào dừa, ăn bánh đúc rắc tôm khô xào, ăn bò bía, khô bò, trứng vịt lộn... Vậy thôi! Nghĩ tới cơm gà, cá gỏi, nem nướng, bún chả là họ ngán ngược rồi. Cái thai hành giảm lần. Cơn ói mửa, bợn dạ cũng thoảng qua. Vừa khi cả hai thèm ăn món ngon vật lạ thì bà Tư truyền lịnh: - Tụi bây phải ăn chay một tháng để cầu Phật Bà Quan Âm phù hộ đẻ con trai, hoặc nếu đẻ con gái thì đứa nhỏ cũng được mọi người yêu mến vì đã có trồng gốc phúc đức từ bao kiếp trước. Má cũng ăn chay với tụi bây cho vui. Hai nàng dâu tuân lịnh, dạ ran. Họ bắt đầu nghĩ các món chay thích khẩu. Bà Tư có làm món tương ta gồm có cháo nếp nêm muối nấu với đậu nành rang giã nhỏ để chấm gỏi cuốn chay hoặc bánh đúc. Ba còn biết kho mắm chay bằng nước tương trộn chao đỏ và kho chung với nấm rơm, cà tím, sả, ớt... Hai nàng dâu còn làm thêm chả giò chay, bì cuốn chay, mắm thái chay ăn với rau sống, cải xà lách. Họ cứ tìm tòi chế biến các món chay cầu kỳ hơn nào là nem chay, bún cà ry chay, hình thức khá giống món mặn. Tới khi hết món để chế biến họ đi hái rau vừa luộc để chấm tương hột hoặc vừa nấu canh. Được nửa tháng, chị Hổ thèm món mặn một cách khổ sở, còn chị Long cứ nằm chiêm bao thấy những miếng thịt quay trên sàn bún trắng, những miếng thịt vịt chấm nước mắm gừng, những miếng thịt ếch, thịt rùa, thịt lươn, thịt chim... Hồi còn nhỏ, chị Ở nhà quê với ông nội chị. Ông là tay nhậu chẳng những ăn chim, ếch, rắn, lươn, rùa, cua đinh, mà còn ăn được thịt chó, thịt dơi, thịt kỳ đà, thịt sấu nữa. Bởi do nhờ ông mà chị biết ăn đủ mọi thứ thịt kỳ quái cho tới khi lấy chồng. Giờ đây, đang lúc mang thai và lúc ăn chay, chị càng thèm những thứ thịt kia. Thấm thoát mà đã vào tháng bảy. Mùa mưa đã vào khá sâu rồi. Chuối sứ, chuối cau mọc sởn sơ. Đêm nằm nghe mưa rơi trên tàu chuối thiệt là thú vị. Anh Long cứ lo nếu mà mưa liên tiếp ba ngày thì anh phải đào mương tháo nước ở dãy đu đủ, kẻo đu đủ chết vì úng thủy. Vợ anh mỗi khi vào giường là ngủ ngay, nhưng giấc ngủ không sâu. Thỉnh thoảng chị thức dậy uống nước, đi tiểu. Anh Long nói: - Mai mốt, ba má cho cất thêm hai căn nhà gần nhà nầy dành cho chú Ba và thím Ba. Nhà lợp lá, nhưng nền lót gạch tàu và vách ván, bổ kho. Chị Long tán thành bằng ánh mắt. Anh Long lại đùa: - Ba má nghĩ cũng phải. Phải cất nhà thêm chớ. Biết đâu rồi đây em sẽ đẻ nhiều như heo nái, thím Ba sẽ đẻ sai như chuột bạch thì nhà nầy còn chỗ đâu mà chứa hết lũ cháu nội? - Rầu quá anh cứ khôi hài những chuyện gì đâu ấy. Riêng vợ chồng anh Hổ thì thích thức khuya để bàn tán về tên đặt cho đứa con, về cách nuôi dưỡng, giáo dục. Chưa chi mà anh Hổ đã thấy cái trách nhiệm đang tròng lên cổ mình từ lúc chị vợ được báo tin mang bầu. Đêm yên tĩnh. Thời tiết oi bức, sắp chuyển mưa. Ếch nhái kêu râm ran ở ngoài ao mương. Rồi mưa rào rào trên mái ngói, lòng chị Hổ rộn rã. Mưa từ xa kéo về từng đợt. Trong vườn, rau dịu rồi đây sẽ thêm xanh um. Rau càng cua sẽ thêm mọng nước. Rau đắng biển ngoài sở ruộng nhà sẽ thêm mượt mà. Mưa tháng bảy chan rưới nguồn sống cho rau cỏ. Ở vạt đất trồng rau, cây bạc hà mà người Bắc kêu là cây dọc mùng dùng để nấu canh chua càng mập mạp và nẫy thêm chồi mới. Lá rau tần phủ một lớp lông mịn như tuyết nhung. Rau húng, rau quế mọc lan, lấn lướt những mầm cỏ dại. Rồi đó, chị nghĩ tới một mầm sống đang tăng trưởng không ngớt trong bụng mình. Cái thai cứ chòi đạp luôn. Chị nói với chồng: - Đứa con nầy em chắc nó là trai. Nó nghịch ngợm quá, cứ đạp luôn. Chắc nó rắn mắt giống tía nó. - Không, anh linh cảm em sẽ sanh con gái. Anh thích con gái hơn. - Em thích con trai đầu lòng. Sau đó em sẽ sinh cho anh năm đứa con gái. - Con gái đầu lòng sẽ phụ giúp cho mẹ giữ em, quét nhà, nấu cơm. Chị Hổ trề môi: - Ăn nói dại dột đi. Có con gái là phải cho nó học chữ, học nữ công, chớ đừng bắt nó làm hết mọi công việc nhà mà nó thua chị kém em với bạn gái hàng xóm. Không bao giờ chị Long và chị Hổ nói với chồng họ cái miệng thèm ngã mặn của mình. Một tháng trường chay sao mà trôi qua chậm chạp quá! Còn thời kỳ mang bầu sao kéo dài quá; chín tháng mười ngày đối với họ như cả một thế kỷ. Chị Hổ mơ mộng sau khi sanh nở xong, chị sẽ mặc áo đẹp, đánh phấn tô son rồi đi ra tỉnh chụp một vài kiểu ảnh. Chị Long tính thầm sau khi cái bụng mình xẹp xuống, chị sẽ may một chiếc áo dài bằng cẩm vân màu xanh lợt và một chiếc áo cẩm kim trắng nổi li ti những chấm sáng ngời rất hợp với chiếc quần cẩm tự đen mà chị đã may hồi năm ngoái trong dịp Tết Đoan Ngọ. Trong khi hai nàng dâu khoắc khoải đợi chờ thì công việc xây cất nhà dành cho vợ chồng anh Hổ tiến hành. Ông Tư còn hứa sau mùa lúa năm tới, ông sẽ mua ngói về lợp. Thế là ý định ra riêng của vợ chồng anh Hổ không thành. Tuy nhiên, chị Hổ cũng mãn nguyện. Có căn nhà riêng, chị tha hồ hun hít trững giỡn với chồng, hoặc có khi chồng chị chọc chị nổi sùng chị có thể cấu véo chồng cũng không có ai hay. Một sáng trong khi làm món gỏi cho cha chồng nhắm rượu, chị Hổ đã bị một cái " sốc" thiệt mạnh chạm vào tâm não. Gỏi nầy gồm có tôm nướng trộn với bưởi, rau răm. Những múi bưởi được gở hết xơ, rồi xé những tép màu hồng non ra để trộn với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm nướng xé tơi, rau răm xắt nhuyễn, và sau khi chan nước mắm dưa kiệu, lại được rãi một nhúm đậu phọng rán giã nhỏ. Chị nhìn món gỏi như nhìn con ma cám dỗ trá hình. Trưa hôm đó, mâm chay lại có món kiểm. Món nầy giống như món lạp bát chúc của Tàu, nhưng không nấu với gạo tẻ, gạo nếp và đường đỏ, mà chỉ dùng rau đậu như đậu đũa, bí rợ, rau cần ta, khoai lang, khoai mì nấu trong nước cốt dừa. Hai nàng dâu ăn kiểm lấy lệ cho vui lòng mẹ chồng. Đầu óc họ có vẻ lơ lửng, sắc mặt và cái nhìn họ có vẻ xa vắng thế nào ấy! Sau bữa cơm, bà Tư tuyên bố phải ngủ trưa một giấc vì đêm qua bà sấy cau khô tới quá nửa đêm. Day qua day lại, không thấy mụ chị dâu ở đâu, chị Hổ nghĩ rằng chị Long có thể đi qua nhà cô Hai Tiểu Thuyết để tán dóc. Chị muốn qua nhà cô nầy mượn cái kéo về cắt chiếc quần lá nem bằng lãnh đen. Cô Hai Tiểu Thuyết tuổi ba mươi ngoài, ở cách phần đất hương hỏa của ông Tư một dãy rào bằng tre bện thêm hàng cây xương rồng. Cô có che một mái tôn ở ngoài chợ cho mướn tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, truyện tàu nên chòm xóm kêu cô là cô Hai Tiểu Thuyết. Vả lại, cách nói chuyện của cô cũng rặc mùi văn chương tiểu thuyết nào là: " đôi lứa đầu xanh, tổ ấm, tâm sự, tâm hồn... " Đó là những tiếng mà dân miệt vườn miền Nam ít khi xài tới. Chị Hổ quơ chiếc nón Gò Găng đội lên đầu, men theo con đường rải vỏ hến, vỏ sò đến nhà cô Hai Tiểu Thuyết. Chiếc cửa ngõ mở hé hé. Hàng cây mận thiêm thiếp say nắng. Trong nhà bếp có tiếng cười đùa của chị Long và của cô Hai. Chị Hổ đi nhẹ, lén coi họ làm gì. Trời, chị có lầm chăng? Giữa căn bếp ám khói, cô Hai Tiểu Thuyết và chị Long đang ngồi ăn bún kèm với mắm sống, thịt luộc. Trời ơi, mụ chị dâu chằng ăn trăn quấn, mụ chị dâu thuồng luồng hổ mang dám ngã mặn ngang xương. Thôi, chị biết hết rồi, mấy hổm rày hèn chi chị Long cứ giả đò đau bụng luôn, nên ăn cơm nhà rất ít. Hai người đàn bà ngồi chồm hổm đối diện với nhau. Giữa họ là một chiếc mẹt lớn trải lá chuối xanh tươi. Bún bày trên từng miếng lá chuối có bày chuối khế cắt lát tròn tròn. Mắm lóc xé từng miếng phơi thịt đỏ hồng. Một khúc thịt luộc dài cỡ hai gang tay nằm bên mớ xà lách, rau thơm cùng khế và chuối chát xắt mỏng. Ủa còn thêm mớ tôm thẻ vừa bóc vỏ, màu hồng tươi như san hô nữa chi. Chị Long cầm dao xắt thịt cho mỏng rồi cùng cô Hai Tiểu Thuyết cuốn mắm, thịt luộc và tôm luộc trong lá cải xà lách đệm thêm rau thơm, cùng ớt, khế, chuối chát. Họ nhai ngau ngáu. Trời ơi, miệng cô Hai Tiểu Thuyết là miệng La Sát, còn miệng chị Long là miệng Chằng Tinh; họ nhai nuốt thiệt mau, miệng nhồm nhàm, mồ hôi rịn ở mũi và màn tang. Thỉnh thoảng cô Hai Tiểu Thuyết cầm ly la ve nổi bọt vun chùn và lợn cợn những miếng nước đá trong vắt đưa lên miệng ực nghe một cái " trót," còn chị Long thì uống " xi-rô" nước đá màu hồng tươi như ngọc lựu... Qúa thể rồi! Chị Hổ không tài nào chịu đựng nổi cơn hành hạ tinh thần như vậy. Nước miếng của chị ứa ra, lưỡi của chị như hóa lõng. Không lẽ chị nhào vô ăn ké. Dù gì thì dù chị phải giữ thể diện trước mặt chị dâu. Chị Hổ quay về nhà, lấy tiền rồi cỡi xe đạp, đi ra chợ tỉnh cách nhà ông Tư bốn cây số. Chị tìm đến cửa hàng bán bún thịt nướng của bà Năm Hiệp, vì chị vốn là khách quí của bà. Vừa thấy mặt chị Hổ, bà Năm liền đon đẻ: - Mẹt mẻ ơi, mợ Ba Hổ! Hèn lâu không thấy mặt mợ. Vào đây chơi, mợ. Tui còn bán dậm thêm bánh xèo, bánh khọt nữa mợ à. Chị Hổ dựng xe đạp ngoài quán, rồi hăm hở bước vào. Đã trót thì phải làm cho lọt.. " Tới đây không hát thì hò. Không hò không hát chớ mò tới đây." Chị phải ngã mặn. Lưỡi của chị cứ ứa nước lõng, khó chịu quá rồi! Phật từ bi hỉ xã cho chị. Trong tranh, trong tượng, Phật nào cũng nhắm mắt, làm lơ chuyện thế gian cả. Phen nầy, chị phải ăn cho thích khẩu. Cái tuồng mặt thùy mị của chị Long mụ giả dối, điêu ngoa, dám ngã mặn trước chị. Hai cái gỏi cuốn chấm tương trộn tỏi ớt chưa đã đâu. Cho thêm hai cái bì cuốn nữa đi bà Năm. Chà, nước mắm ớt đệm dưa kiệu xé nhỏ trông ngon mắt quá! Chưa thấm tháp gì sau khi ăn hai cái bì cuốn. Thôi thì cho con mãng xà nầy một tô bún bò xào đi. Có xá xị đó không? Cho một chai đi, nhớ cho thêm nước đá nghen. Thịt bò xào củ hành, sả ớt, đã thơm điếc mũi, lại còn thêm mùi đậu phọng rang giã nhỏ nữa. Ủa, tui mới vừa lủm vài miếng mà tô bún hết mau quá. Thôi thì bà Năm cho thêm cái bánh xèo, nhớ lấy thêm rau sống, dưa leo. Ý chu choa, bụng mình bắt đầu nặng như chiếc ghe chở khẳm rồi đây. Mình ăn như La Sát, Chằng Tinh. Cái miệng mình là miệng cá mập, cá xà, nhưng cái bao tử của mình thì có giới hạn. Ngày mai mình sẽ ra đây tìm ăn bánh cống, ăn mì, hoành thánh, cháo thập cẩm... ăn cho tới tán gia bại sản, bán chồng đợ con luôn... Chỉ có một bữa ngả mặn mà óc hài hước của mình bắt đầu khai triển giống như óc đức ông chồng trời ơi đất hỡi của mình. Bây giờ mình no cành hông, mình yêu đời quá! Kìa có hai chiếc nem chua, để làm chi cho xốn mắt? Bán luôn cho con mẹ chửa nầy đi bà Năm. Bộ bà chê tui ăn không nổi nữa hả? Nè, bà coi nè... Hôm nay tui ngã mặn mà. Tui ăn ngoạn mục, ăn hào hùng cũng như Tống Giang, Lý Qùy ăn thịt trâu, uống rượu vậy. Một khi đàn bà chửa ăn hàng, tức là đứa con trong bụng mẹ cũng được ăn luôn. Bởi vậy tui mau đói lắm. Hổng chừng chút nữa tui quay trở lại " ních" thêm một chục bánh khọt cuốn rau sống, chấm nước mắm cay, hoặc tui " khỉa" thêm vài cuốn chả giò. Tui không ăn thì thôi, chớ một khi mà nhúng mỏ vào rồi thì tôi ăn như tằm ăn lên, tui táp nuốt như heo nái táp cám sú trong ảng vậy. Chiều hôm ấy, mâm chay, hai nàng dâu ăn ít như chim. Chị Hổ nhìn chị Long soi mói, làm chị nầy đỏ mặt tía tai. Đêm hôm đó, nằm bên cạnh vợ, anh Long còn nghe mùi mắm nương theo hơi thở của vợ. Anh kêu lên: - Hình như em có ăn mắm, phải không? - Hồi nào? Anh đừng có đặt điều. - Miệng em hôi mắm lóc. Chị Long rít lên: - Vô duyên! Khéo nói xàm, bà già mắng cho coi. - Mà em có ăn mắm hay không? Nói đi, anh giữ kín cho. Chị Long ngoe nguẩy: - Không. Em buồn ngủ quá, đừng có nói bậy nữa. Hồi trưa, chị Long quên rửa tay bằng xà bông sả, sau khi ăn mắm. Chị cũng quên ngậm kẹo bạc hà để hơi thở thơm tho. Chị tự nhủ, bận sau mình nên có ý tứ hơn. Ở buồng bên trái, anh Hổ cứ nghe vợ sôi ruột luôn. Anh khêu đèn sáng, rọi lên mặt vợ. Chị Hổ the thé: - Làm cái gì kỳ cục vậy? - Anh muốn soi mặt em, để xem em có thành thật ăn chay không. Chị Hổ chột dạ, nhưng cũng làm bộ nghiến răng: - Ủa, thằng cha nầy hôm nay sao ăn nói kỳ cục vậy kìa? Anh Hổ cười đắc chí: - Chém chết con vợ tui cũng đi ăn hàng lén. - Thằng cha nầy ăn nói đảo điên. - Mà nó nói trúng! - Nói trật! - Anh mà nói trật thì khi tắm sông cho ma da rút anh đi. Trưa nay, tình cờ anh gặp em ở cửa hàng bún của bà Năm Hiệp bước ra. Chị Hổ cười ruồi: - Em đi thâu tiền hụi. - Đi thâu tiền hụi vào giữa tháng à? Cái con vợ nầy lẻo mép không đúng chỗ, đúng cách. Chị Hổ cười ha hả, đập tay vào chồng: - Sao lúc đó anh không kêu em? - Kêu làm chi cho em mất mặt. Anh Hổ hun vợ ngon lành rồi hỏi: - Em đói chưa? Chị Hổ lim dim: - Cũng hơi đói. Chiều nay em chỉ ăn có nửa chén cơm với đậu hủ kho tương. - Anh có mua hột vịt lộn cho em. Mặt chị Hổ sáng lên. Chị hun chồng ngon lành: - Anh thiệt là tri kỷ của em. Hột vịt lộn đâu? Đem ra đây! Anh ăn một, em ăn hai. Em ăn là ăn dùm cho con của anh luôn đó chớ. Em mê hột gà lộn trái vải, hột vịt lộn úp mề, anh ơi!
*
Sáng hôm sau, chị Hổ giở lịch rồi kêu lên mừng rỡ: - Té ra, mốt đây kỳ trường chấm dứt. Bà Tư đang ngồi bên khay trầu, liếc xéo con dâu út: - Ừ thì mốt. Tao biết mà, tụi bây chờ đợi ngày hết ăn chay lắm mà. Như vậy thì làm sao cầu phước cho linh? Chị Hổ cười mơn: - Con có đợi ngày hết ăn chay bao giờ? Chẳng qua tình cờ mở lịch ra coi, con nói cho má biết vậy thôi. Bà Tư nói: - Mầy vừa coi lịch, vừa kêu om lên, giọng hí hửng lắm mà. Hồi nhỏ tao ăn chay từ tháng nầy qua tháng nọ mà sao tao không mơ tưởng gì đến món ăn cả. Bởi vậy thời bấy giờ là thời mạt pháp, chúng sanh thiếu tín, nguyện, hạnh thì dẫu có tu cũng uổng tương, uổng chao mà thôi. Anh Hổ nhìn vợ, nheo mắt. Chị vợ làm như không biết có chồng ở đó, cất giọng thiệt êm: - Thì con cũng rán tập ăn chay lần hồi. Mới lúc đầu mà ăn ròng một tháng, tránh sao khỏi xót ruột rồi mơ tưởng tới thịt cá? Bà Tư " hứ" một tiếng dài rồi têm trầu nhai chóc chách. Chị Hổ tìm chị Long báo tin kỳ trường trai sắp mãn. Chị Long cười điềm đạm, nhưng ánh mắt nghịch ngầm. Chị Hổ hỏi gặng: - Chị mừng không, chị Hai? - Ừ thì... cũng mừng. - Mừng nhiều hay mừng ít? - Thím mừng bao nhiêu thì tui mừng cũng như vậy. Hai chị em cùng cười. Chị Hổ làm bộ kêu lên: - Thèm mắm lóc xé nhỏ ra ăn kèm với thịt luộc, tôm luộc quá, chị Ơi! Chị Long tủm tỉm: - Cứ qua nhà cô Hai Tiểu Thuyết là có ngay. - Chị qua với em nghe. Mà chị... đã qua nhà cô chưa? Chị Long phì cười, háy em dâu một cái rồi làm bộ mắc cở: - Tui đã... qua rồi. Thím có thương thì... giữ kín dùm cho. Nói tới đây chị Long trở vào bếp nấu cháo, dọn điểm tâm. Sau đó, trong bếp, thừa lúc vắng mặt mẹ chồng, chị bảo em dâu: - Thím ghê lắm nghe thím Ba! Thím biết tui ăn lén nên thím bóng gió nọ kia. Nhưng tui cũng biết thím ăn hột vịt lộn lén hồi đêm qua; vỏ hột vịt lộn bỏ ngoài líp mía. Chị Hổ cười híp mắt: - Chị chỉ biết có bây nhiêu đó thôi. Chớ thiệt ra em ngã mặn từ trưa hôm qua, sau khi em bắt gặp chị với cô Hai Tiểu Thuyết. Chị Long vẫn cười điềm đạm, nét đoan trang thùy mị dễ ưa lòng người. Chị nói nhỏ: - Trưa nay, cô Hai có đổ bánh cống. Thím có rảnh qua chơi... Bấy lâu nay, tui muốn rủ thím ngã mặn cho có chị có em với nhau, muốn mở miệng là tui cảm thấy nhột miệng quá nên... đành thôi vậy. Thiệt tình, tui đâu có... xấu bụng, món ngon muốn hưởng một mình. Hai chị em nắm tay rủ nhau đi ra ngoài vườn hái rau. Nắng lên cao. Những ngọn cải trời xanh tươi mềm mại. Những ngọn rau tập tàng mơn mởn điểm giọt sương mưa lóng lánh. Rau dịu lá nhỏ lăn tăn mọc len qua những phiến gạch nâu hồng trên lề lối đi. Lá ngò gai viền gai lấm tấm ở rìa lá, từ mép cọng đâm thẳng ra ngoài, vóc lá mịn lóe sao dưới nắng. Cả hai lơ đảng nhìn những mảnh ao, bàu trong vườn phản chiếu sắc trời xanh lơ. Những ao, bàu đó cắm đầy chà để cho cá tôm làm ổ. Cứ cách ba tháng anh Hổ, anh Long tát ao bắt cá một lần. Giờ đây, mặt ao phẳng lặng như gương, nổi lốm đốm những lá bông súng hoặc những dây rau nhút mọc dài. Mỗi khi đồng lõa làm chuyện gì lén lút mẹ chồng, hai chị em dâu cảm thấy thân thích nhau hơn. Thiệt tình, họ chẳng phải yêu mến nhau như chị em ruột, nhưng khi nhìn cái bụng của mình, họ biết rồi đây những đứa con của họ sẽ buộc họ vào guồng máy gia đình nhà chồng chặt chẻ hơn. Họ phải nhận quê chồng làm quê mình, họ hàng chồng làm họ hàng mình. Vả lại người đàn bà hiền hậu như chị Long, ai mà giận cho được? Còn kẻ vui vẻ, khá tốt bụng như chị Hổ, ai mà mích lòng cho đành? Hơn nữa, tình anh em giữa anh Long và anh Hổ thiệt khắng khít. Qua họ, chị Long và chị Hổ cảm thấy giữa chị em dâu đã có một sợi dây, dù mong manh nhưng đã trói buộc cả hai với nhau. Chị Long khuyên: - Còn hai ngày chót... mình rán giữ gìn cho khéo, kẻo bà già phật ý. Tối nay, rán thức nghe bả tụng " kinh Phổ Môn" và " kinh Dược Sư." Đừng có ngủ gục mà bà nổi dóa.Hết