Phần II

Tôi là bạn của ông Dương Tường
Chuyện ở thành phố Hồ Chí Minh: Một lần Dương Tường đưa nhóm hoạ sĩ 5 người (gang of five) từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mở triển lãm. Nguyễn Quân mời tất cả tới khách sạn chiêu đãi. Dương Tường đi xích lô, tay cầm tờ Vietnam News cẩn thận, bước vào khách sạn. Người gác cửa khách sạn to lớn, mặc sắc phục nắm chặt vai anh đẩy ra vỉa hè:
- Không được bán báo ở trong ấy! Ði ra ngoài kia mà bán!
Chuyện ở Hà Nội:
Một ngày giáp tết, nghe mấy hoạ sĩ trẻ rủ rê, Dương Tường đi chợ hoa với họ. Vào chợ, họ tản mát khắp nơi để chọn bằng được một cành đào ưng ý. Lơ ngơ một mình giữa chợ, Tường mua đại một cành đào, vác ra ngoài cổng chợ đứng chờ. Ðang cầm cành hoa mới mua, xo ro trong mưa dầm gió bấc, bỗng một bàn tay nắm lấy vai anh, đẩy anh vào trong chợ:
-Không được bán hoa ở đây! Mang vào trong chợ mà bán!
Ðó là người bảo vệ chợ.
Người ta nhầm Dương Tường là người bán báo, người bán hoa. Nhưng học theo cách nói của Nguyễn Tuân, tôi nghĩ chưa ai nhầm Dương Tường là nhà thơ, nhà văn hoá cả...
Buổi biểu diễn kết thúc, đèn bật sáng trong những tràng vỗ tay ran và khán giả đứng dậy ra về, gặp tôi trong hành lang nhà hát, lối thông lên sân khấu, bà Lorelle Browning vẫn giữ nguyên nụ cười trước thành công của buổi diễn. Thấy tôi, bà tiến sĩ người Mỹ này dừng lại, chắp hai tay trước ngực, xá tôi một xá và cúi đầu chào tôi một cách rất phương Ðông:
-Chào ông. Tôi là bạn của ông Dương Tường.
Tất nhiên bà phát âm lơ lớ, kiểu phát âm của một người ngoại quốc đang tập nói những câu giao tiếp tiếng Việt. Và một trong những câu đầu tiên bà học để có thể tự nói bằng tiếng Việt là câu nói trên. Tôi là bạn của ông Dương Tường. Trong câu chuyện giữa chúng tôi đó là câu duy nhất bà nói không phải qua phiên dịch. Còn cứ là phải nhờ "phiên dịch" Thu Hà, một nữ nghệ sĩ sân khấu xinh đẹp, người vừa từ sàn diễn trong vai một phu nhân lộng lẫy quyền quý của Giấc mộng đêm hè bước xuống.
Hồi chiều, khi đoàn kịch nói Việt-Mỹ (tôi cứ tạm đặt tên như vậy) vừa từ Hà Nội về Hải Phòng, còn đang nhận phòng tại khách sạn Hoà Bình trước cửa ga, tới thăm nữ nghệ sĩ Thu Hà, tôi đã gặp bà Lorelle Browning tại đó. Bà cùng ông chồng ở phòng gần bên. Thu Hà giới thiệu tôi với bà một cách vắn tắt nhất:
-Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, bạn của nhà thơ Dương Tường.
Bà reo lên:
-A!
Và đứng thẳng người, chắp hai bàn tay trước ngực, xá tôi một xá:
-Chào ông. Tôi là bạn của ông Dương Tường.
Ðó là một cách nói: Tôi với ông là bạn. Bởi chúng ta cùng có một người bạn chung: Ông Dương Tường. Nó cũng đồng thời như một chứng chỉ bà là người bạn của nghệ thuật Việt Nam.
Chúng ta còn nhớ năm 1999, một đoàn kịch nói Việt Nam đã sang Mỹ diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt. Một tháng rưỡi đoàn lưu diễn ở các trường đại học. Diễn tiếng Việt nhưng phụ đề màn hình bằng tiếng Anh. Tưởng như sẽ khó khăn cho việc tiếp nhận nghệ thuật, cho việc giao lưu tình cảm giữa sàn diễn và người xem. Nhưng kết quả có thể nói là vượt sự mong đợi. Dư luận Mỹ rất hoan nghênh. Hoan nghênh về nghệ thuật. Hoan nghênh về một hình thức giao lưu văn hoá mới, về sự hiểu nhau thêm giữa hai dân tộc. Mặc cho một số Việt kiều quá khích ở Los Angeles biểu tình phản đối, những buổi biểu diễn của đoàn kịch Việt Nam vẫn cứ đầy ắp người xem. Diễn xong khán giả còn đứng dậy hoan hô (đứng dậy hoan hô là một hình thức hoan nghênh đặc biệt tại Mỹ).
Một năm sau, năm 2000, chương trình hợp tác sân khấu Việt Mỹ lại có những sáng kiến mới. Không chỉ là đoàn kịch nói Việt Nam sang Mỹ như trước, hay ngược lại, một đoàn nghệ sĩ sân khấu Mỹ tới biểu diễn ở Việt Nam, mà là các diễn viên Mỹ và Việt Nam cùng diễn chung một vở, diễn viên Việt nói tiếng Việt, diễn viên Mỹ nói tiếng Anh, tất nhiên là phải dùng đến phụ đề trên màn hình vi tính. Vở được chọn là Giấc mộng đêm hè của Sêch-xpia. Và Những con thú thuỷ tinh (The glass menagerie) của Tennessee Williams, Mỹ. Tôi gặp bà Lorrelle trong dịp đoàn về Hải Phòng công diễn hai vở trên trước khi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Bà Lorrelle là chủ nhiệm chương trình. Diễn ở các thành phố lớn Việt Nam rồi sẽ sang Mỹ biểu diễn. Chắc chắn chương trình giao lưu nghệ thuật này có tác dụng góp phần vào việc nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, một bước tiến trong quá trình hai dân tộc cùng nhau hướng tới tương lai.
Nhưng thật ít người biết được rằng sáng kiến gây tiếng vang này lại nẩy sinh trong một buổi trò chuyện về sân khấu giữa Dương Tường với bà Lorrelle. Là tiến sĩ văn khoa, giảng dạy ở trường đại học Pacific University, bà tới Việt Nam giảng dạy về Sêch-xpia ở trường Ðại học Huế và trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Những lúc rỗi rãi bà muốn có người trò chuyện. Một hôm bà ngỏ ý ấy với cô Diana, một người nước ngoài làm phóng viên cho tờ Vietnam News: Giá có ai ở Hà Nội mà nói chuyện về Sêch xpia được thì thích quá nhỉ?
Cô Diana tươi cười bảo bà:
- Có chứ. Sao lại không?
Cô Diana đưa bà Lorrelle Browning đến nhà Dương Tường, 3B Phan Huy Chú. Thế là chuyện dứt không ra. Rất tâm đầu ý hợp. Tường nói cho bà biết Tường đã dịch Sêch-xpia, sân khấu Việt Nam đã từng dựng Sêch-xpia: Rô-mê-ô và Juy-li-et, vua Lia. Ô-ten-lô thì đang dựng dở... Bà Lorrelle nói về Sêch-xpia bên Mỹ, về những nhà hát đã công diễn Sêch-xpia, về sự mãi mãi say mê của công chúng Mỹ đối với nhà viết kịch vĩ đại...
Bỗng nhiên Tường hỏi:
-Sao bây giờ chúng ta không làm một cuộc trao đổi sân khấu giữa Việt Nam và Mỹ nhỉ?
Ðó là một ngẫu hứng, một ngẫu hứng "nhiều khi không phải xuất phát từ những kế hoạch định sẵn, mà nảy ra từ sự gặp gỡ giữa con người với con người cụ thể" như một bài báo đã viết về anh.
Lorrelle Browning im lặng. Bà suy nghĩ và như đang cân nhắc những vấn đề gì đó. Rồi bảo:
-Tôi phải xem sân khấu Việt Nam thế nào đã.
Dương Tường đưa bà khách Mỹ, một chuyên gia về Sêch xpia của nước Mỹ tới gặp những người có trách nhiệm trong Hội Nghệ sĩ sân khấu. Trọng Khôi, Nguyễn Ðình Nghi vốn từ lâu đã là những người bạn của anh. Ðôi bên thống nhất trước tiên hãy cử một đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ công diễn một vở kịch Việt Nam, tất nhiên là diễn bằng tiếng Việt. Bà Lorrelle đề xuất sáng kiến khắc phục rào cản ngôn ngữ bằng phụ đề. Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ được chọn. Nhạc sĩ Xuân Oanh dịch kịch bản. Dương Tường hiệu đính. Tường cùng Trọng Khôi làm dự toán. Bà Lorrelle không biết mỏi mệt trong việc chạy thủ tục, chạy kinh phí. Cuối cùng ông Oscar người Thuỵ Ðiển đại diện quỹ Ford-Foundation tại Việt Nam đồng ý tài trợ cho cả chuyến đi.
Dương Thụ nói rằng Dương Tường là người của giao tiếp.Vợ con anh bảo anh ham vui, thích lang bang nơi này nơi khác. Ngay từ thập kỷ 60, thời gian rất căng thẳng, mặc dù đã bị công an thẩm vấn nhiều lần, mỗi bước đi đều bị giám sát chặt chẽ, anh vẫn cứ lang bang. Anh tin rằng rồi người ta sẽ hiểu anh, anh chỉ đến với nghệ thuật và như vậy chẳng có gì để sợ. Với lại cảm giác "nhồn nhột sau gáy"[1], anh đã quen rồi. Như anh quen với việc một số người, trước đây từng là bạn, lảng tránh anh. Những người anh đến chơi cũng đều là những người đã quen "giật mình một cái vỗ vai"[2] như quen với sự hiện diện của anh. Thế giới giao tiếp của anh thật đa dạng. Từ ông chủ tịch hội nghệ sĩ sân khấu tới các diễn viên trẻ, từ những ông tổng biên tập báo tới các phóng viên mới vào nghề, từ những hoạ sĩ còn hàn vi, vẽ tranh bảo hộ lao động kiếm sống đến những nhân vật tiếng tăm như Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... Anh chơi thân với Văn Cao, với Trịnh Công Sơn. Nhà anh giống một câu lạc bộ. Câu lạc bộ đa ngành đa nghề. Trong đám khách đánh tá lả thâu đêm trên tầng gác mới xây thêm ở Mai Gallery ngõ số 3B Phan Huy Chú ta dễ dàng bắt gặp nhóm hoạ sĩ trẻ Hà Trí Hiếu, Ðinh Quân, Ðặng Xuân Hoà, Ðỗ Phấn...Cũng có khi là một đám khách "tạp" nhiều ngành nghề uống bia chuyện gẫu: Hoàng Cầm, Nguyễn Quân, Bảo Ninh, Dương Thu Hương. Và đoàn xe nổ máy ầm ầm đang ngoặt vào nhà anh mời anh đi ăn cơm cá bống kho phố Lò Ðúc kia là Thanh Sơn, nữ phóng viên báo Tuổi Trẻ Thuý Nga vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra, Ngô Hà Thái và Phạm Xuân Nguyên. Lại nữa, một ông già tuổi trên 90 nhưng còn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và cả vui tếu nữa: hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn đang dán mũi vào một tập tranh in. Vợ chồng Ðỗ Minh Tâm, Vũ Bích Thuỷ về nhà "chú Tường" như về nhà mình. Hoàng Ðức Nhuận từ Huế xuống ga Hàng Cỏ tới thẳng nhà Tường, quẳng ba lô trèo lên giường ngủ vùi, ngủ như chưa bao giờ được ngủ. ở Sài gòn anh có không biết bao nhiêu bạn: Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thanh Bình, Lưu Công Nhân, Trịnh Cung, Trần Tiến, Hồ Thu Hồng, Tường Vân...Tôi nhớ vào buổi sáng sau khi bế mạc đại hội nhà văn một ngày, Nguyễn Thị Minh Thái và con gái lại nhà Dương Tường kéo chúng tôi đi ăn sáng tại một nhà hàng Lý Thường Kiệt và gặp Phú Quang ở đó,
Phú Quang mời Dương Tường vào thành phố Hồ Chí Minh dự một chương trình biểu diễn ca khúc của anh, Dương Tường nhận lời và hôm sau bay cùng Phú Quang tắp lự.
Châu Diên đã viết một bài về Dương Tường mà ngay đầu đề cũng đã nói đúng cái chất Dương Tường: Rồng rắn lên mây...Ông Tường có nhà không? Với ông Tường thì cẩn thận réo lên như thế cũng không thừa. Vì ông... không bao giờ có nhà, ông vắng nhà ngay cả khi ông có nhà theo cái nghĩa dung tục đời thường. Ông đang vớ vẩn đâu đó... Ta cứ việc réo lên rồi ta cứ xộc đến với ông. Ông không từ chối ai hết.
Giờ đây người ta đã hiểu toàn bộ con người anh là thuộc về nghệ thuật. Câu nói hơi có vẻ to tát này chỉ để nói một điều: Ðã bớt đi những câu hỏi đặt ra về sự giao du phức tạp, đáng ngờ của anh và sự phức tạp đáng ngờ của chính bản thân anh. Bớt đi thôi vì ngoài những người "có vấn đề" lại còn cánh tây đầm cứ ra vào nhà ông Tường tơi tới. Luôn có những người châu Âu châu Mỹ, cao mét tám, hai mét, tóc vàng, tóc bạch kim, mắt xanh, mũi lõ, quần bò, quần soóc, váy dài, váy ngắn, đàn ông, đàn bà khoác ba lô, mang túi đi từ ngõ vào, hỏi những người trong ngõ bằng một giọng lơ lớ mà chỉ về sau mới quen, mới hiểu còn lúc đầu nghĩ mãi không ra:
-Tôi hoi nha ôn duôn tuôn.
Vào nhà ông Tường một lúc. Rồi ra. Chẳng biết chuyện với nhau những gì. Chỉ biết khi vào, tay xách một gói vuông vắn. Khi ra tay không. Xóm phố nhìn anh bằng cặp mắt soi mói ngờ vực. Anh được mời ra đồn làm việc. Và không quên phải cầm theo cái gói nhỏ người nước ngoài tặng anh: Một gói sách.
Ðầu năm 1990 Joren Gerhart, nhà nhiếp ảnh người Thuỵ Ðiển từ Hồng Kông tới Hà Nội và tìm đến Dương Tường do nữ phóng viên Shelly Goll giới thiệu. Chàng trai (bằng tuổi Hải Âu con trai anh) cao một mét chín tám này làm ảnh cho một số tạp chí của Hồng Kông, trong đó có chuyên mục chân dung nghệ sĩ cho tờ Asian art News. Anh ta ngỏ ý muốn được chụp ảnh một số văn nghệ sĩ Việt Nam. Rất vui vẻ, Tường kéo anh ta đi ăn cơm bụi, đi chơi, đến nhà những người bạn của anh ở Hà Nội, toàn những người Gerhart sẽ phải chụp ảnh. Anh chàng phóng viên nhiếp ảnh rất phấn khởi:
-Shelly Goll đã đúng. Cô ấy bảo cứ đến ông là gặp đủ mọi người.
Trần Phương Mai, con gái anh đưa Gerhart đến những địa chỉ phải đến. Chỉ ít ngày sau, Gerhart đã có trong tay chân dung những văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội. Rồi Mai đưa Gerhart vào Huế gặp Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, tổ chức chụp ảnh các văn nghệ sĩ Huế. Chưa hết, Mai còn đưa Gerhart vào thành phố Hồ Chí Minh... Kết quả chuyến đi của Gerhart là collection ảnh những văn nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam. Và...Mai Gallery. Chính Gerhart gợi ý với anh là nên mở phòng tranh. Ðến nhà Dương Tường, đi cùng hai bố con anh, hiểu được kiến thức của anh đối với hội hoạ nói riêng và nghệ thuật nói chung cũng như sự quen biết rộng rãi của anh và bằng con mắt của một người am hiểu sinh hoạt văn hoá khu vực Ðông Nam Á, Gerhart cả quyết Gallery không chỉ giải quyết những khó khăn về kinh tế của gia đình anh mà còn giới thiệu được hội hoạ Việt Nam ra thế giới.
Mai Gallery ra đời.
Rồi Stephen Mac Guinness chủ Gallery Plum Bossoms được Trịnh Cung và Thi Uyên đưa từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đến thăm anh. Lại một phút giây xuất thần loé sáng: Dương Tường, Trịnh Cung cùng Nguyễn Quân làm việc với Gallery 7 Hàng Khay (do Việt Hải phụ trách) và Stephen, đề xuất một kế hoạch giới thiệu có hệ thống hội hoạ Việt Nam ra nước ngoài. Thế là năm 1991 lần đầu tiên hội hoạ Việt Nam được giới thiệu với một quy mô lớn ra quốc tế. Gallery Uncorked Soul (có nghĩa Tâm hồn bộc bạch) Hồng Kông đã giới thiệu và trưng bầy tranh Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Công Thành, Phạm Việt Hải, Trần Lưu Hậu, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Hoàng Ðăng Nhuận, Ðỗ Thị Ninh, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Nguyễn Thân, Buì Suối Hoa, Ðặng Xuân Hoà, Trần Trọng Vũ... Ðể đạt kết quả trên, Nguyễn Quân, Trịnh Cung, Dương Tường đã làm việc không mệt mỏi. Tường tập hợp cánh hoạ sĩ để họ chọn tranh. Nhà Tường lúc nào cũng đông hoạ sĩ. Jeffry nhà phê bình hội hoạ Mỹ được Plum thuê sang Việt Nam giám định tranh. Lúc đầu không có Trần Trọng Vũ. Tường đưa Plum đến nhà Trần Dần. Jeffry quyết định chọn Vũ. Lần đầu tiên, tác phẩm của Vũ được ra nước ngoài. Cùng với triển lãm, một catalogue được phát hành. Ðó là một cuộc triển lãm mang tính đột phá trong quá trình hội nhập của hội hoạ Việt Nam.
Ở Hồng Kông sau này có một gallery chuyên giới thiệu tranh và bán tranh của hoạ sĩ Việt Nam: Gallery Lã Vọng. Chủ gallery, bà Shirley Hui, một tiến sĩ người Mỹ gốc Hoa tới Việt Nam và đến Dương Tường. Gallery Lã Vọng là kết quả của những lần anh dắt bà Hui đến chơi Ðặng Xuân Hoà, Nguyễn Tư Nghiêm, nhóm 5 người (gang of five). Trong tập sách đầu tiên của Gallery Lã Vọng có đoạn viết:" Ông này (Dương Tường), nhà thơ và nhà phê bình lỗi lạc đã soi sáng cho tôi rất nhiều khía cạnh của văn hoá Việt Nam" (The latter, eminent poet and critic, has enlightened me greatly on many aspect of Vietnamese culture). Bà Shirley Hui còn kéo thêm bà Judith Day cộng tác và sau này khi bà Judith Day rời Hồng Kông về Mỹ, chưa có điều kiện mở gallery, bà lập salon tranh, triển lãm tranh Việt Nam ở Si-ca-gô, Nữu Ước và vài nơi khác.
Khi David Thomas, cựu chiến binh, giáo sư hoạ sĩ trường đại học Emmanuel, người đầu tiên tổ chức triến lãm mỹ thuật Việt-Mỹ mang tên "Nhìn từ hai phía" sang Hà Nội tìm đến Dương Tường, cảm phục nhiệt tình và kiến thức sâu rộng của anh đối với hội hoạ đã tới Hội đồng Văn hoá Châu Á (Asian cultural council) xin tài trợ để có thể mời anh cùng với Nguyễn Quân, Ðặng Xuân Hoà sang Mỹ, dự triển lãm thứ hai do David tổ chức với tên gọi "Cách nhau một đại dương". Ðó là vào năm 1995. Hộ chiếu đòi hỏi nhiều thủ tục không đơn giản. Một trong những thủ tục bắt buộc: anh phải là người của Hội Nghệ sĩ tạo hình. Mà Tường thì chưa ở trong bất kỳ một hội nghệ thuật nào (Cho đến tận bây giờ anh vẫn chưa có chân trong Hội Nhà văn). Anh phải làm đơn xin vào Hội Nghệ sĩ tạo hình, ngành lý luận phê bình. Hội đồng lý luận không giới thiệu anh lên ban chấp hành, mặc dù đơn của anh được Trần Lưu Hậu, chủ tịch Hội Ðồng nghệ thuật và Thái Bá Vân nhà lý luận hàng đầu ký tên giới thiệu. Mà thời hạn đi Mỹ đã gần kề. Bà Vũ Giáng Hương khi đó là Tổng thư ký Hội biết chuyện phát biểu:
-Anh Dương Tường viết những bài phê bình, giới thiệu hội hoạ rất có chất lượng, và viết nhiều hơn bất cứ một nhà phê bình chuyên nghiệp nào. Hai anh Thái Bá Vân, Trần Lưu Hậu đã giới thiệu. Nếu cần tôi xin là người thứ ba giới thiệu anh Dương Tường.
Dương Tường được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ tạo hình. Anh được cấp hộ chiếu đi Mỹ với tư cách là nhà phê bình nghệ thuật.
"Tường đã sang thăm Hoa Kỳ, đã tới Boston -Châu Diên viết như vậy- đã đi nhiều ngả, đã đến bên đài kỷ niệm có tên Bức tường Việt Nam. Một ngày cuối tháng chạp năm 1995, Tường ngồi thụp xuống chân đài kỷ niệm viết vội những dòng thơ bằng tiếng Anh, vẫn như mọi lúc, không bao giờ có ý định công bố, thơ viết vội cho chính mình, đơn giản là thơ, thế thôi. Tuy chỉ là ghi vội cho mình, song bài thơ đã lọt vào mắt xanh một chuyên san đại học Yale. Nữ nhiếp ảnh Ellen Kaplowitz đã xin phép viết bài thơ lên một tấm pa nen lớn đặt ngoài cửa ra vào triển lãm của chị. Còn hoạ sĩ Rodney Dickson thì in bài thơ của Tường vào thiếp mời triển lãm của mình có tên là Life~Death (Sống~Chết) đầu tháng 2-2001 ở New York".
Tên Dương Tường cùng ngôi nhà của anh đã trở thành quen thuộc với nhiều người làm văn hoá nghệ thuật ở nhiều nước. David về Mỹ nói với bạn bè:
-Gia đình Hà Nội của tôi là nhà Dương Tường.
Anh được Cộng đồng Pháp ngữ mời sang Pháp. Anh sang Ðức trong Festival Gặp Việt Nam của Ðức. Tôi nói đùa với Dương Tường:
- Chỉ vì ham vui mà ông làm được khối việc ra đấy. Có thể gọi ông là Vụ văn hoá đối ngoại nghiệp dư. Ðược không? Dù lúc đầu có hơi phiền phức, nguy hiểm.
Tường cười:
-Cũng là do cái tính của mình.
Báo Lao Ðộng cũng đã phỏng vấn anh về đề tài này, tất nhiên không như chúng tôi đùa bỡn cùng nhau. Bài báo viết:... không thể là ngẫu hứng, nó là kết quả của những tình bạn thâm giao với các văn nghệ sĩ tài năng từ lúc họ còn hàn vi, đến các hoạ sĩ trẻ thời mở cửa được "lăng xê" một cái là lên như diều...Ông được tiếng là người chu đáo tận tình với bạn bè. Và Tường đã bộc bạch: "Tôi yêu quý các nghệ sĩ, ở thế hệ đàn anh, đó là phẩm chất mà người Pháp gọi là "intégrité morale", tức là một sự toàn vẹn "nguyên khôi" hết mình, trung thực không thể chê trách. Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Trần Dần là những người như thế. Ðáng buồn là những con người như thế ngày càng ít. Với thế hệ trẻ tôi "sướng" lây cái sướng của họ: Không mặc cảm, không ràng buộc, với người đi trước họ không đạp đổ, vẫn kính trọng nhưng không bị đè...Tôi yêu văn hoá Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam. Và tôi yêu tấm lòng đối với văn hoá Việt Nam của những người nước ngoài đến với Việt Nam, đến với tôi, một cô hoạ sĩ Hà Lan tôn thờ Trần Trung Tín của mình còn hơn Van Gogh, một David Thomas lặn lội gõ cửa các nơi để giới thiệu "Bẩy cột trụ hội hoạ Việt Nam" cho dân Mỹ.
Nói Tường ham chơi, ham vui là một cách nói yêu. Anh là người lao động nghiêm túc. Anh đã dịch hơn 50 đầu sách từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Ðó là những tác phấm nổi tiếng của văn học thế giới, những tác phẩm luôn gợi mở cho những người cầm bút Việt Nam những suy nghĩ mới mẻ về sáng tác, những tác phẩm mà Nguyễn Quang Thân nói đọc xong thay đổi cả nhận thức như Anna Karenina (Lev Tolstoi), Alexis Zorba (Nikos Kazantzaki, Hy lạp). Và Ðất dữ ( Jorge Amado, Brazil), Cuốn theo chiều gió (Margarret Mitchel, Mỹ), Ðồi gió hú (Emily Bronte, Anh), Cội rễ (Alex Haley, Mỹ), Con đường xứ Flandres (Claude Simon, Pháp), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig, áo), Người dưng (Albert Camus, Pháp), Truyện ngắn Tchekhov, nhiều vở kịch của Shakespeare như Othello, Anthony và Cleopatra, Ðêm thứ 12 v.v...Hiện Tường đang đánh vật với tiểu thuyết Trống thiếc của Gunter Grass, nhà văn Ðức, Nobel văn học 1999.
Không chỉ chọn sách dịch, Tường luôn cố gắng hết sức mình để đạt được một chất lượng chuyển ngữ tốt nhất. Những bản dịch của anh đọc thật sướng. Rất nước ngoài nhưng cũng rất Việt Nam. Và đặc biệt, rất Dương Tường. Anh quan niệm dịch văn học như sau: "Tôi muốn người dịch là đồng tác giả, làm sao vượt lên định kiến "dịch là phản", bản dịch phải là kết quả trong đó có 100 phần trăm tác giả và 100 phần trăm dịch giả, làm sao có thể ký tên (nói cho vui) Nguyễn Du-Dương Tường dưới bản dịch Truyện Kiều. Nói cách khác, bản dịch phải thể hiện cá tính của dịch giả trong từng chữ. Ðiều đó cũng tựa như trong âm nhạc, biểu diễn nhạc là "dịch" một tác giả theo cách của mình; cũng là Chopin, nhưng Chopin do Ashkenazy đánh là ký tên Ashkenazy, Chopin do Ðặng Thái Sơn đánh là ký tên Ðặng Thái Sơn...Tôi thích làm cái khó, làm cái gì hơn mình một tý, như người kiễng chân từng mi-li-mét. Tôi muốn mình phải dịch những gì có thể tác động đến văn học Việt Nam, đến người làm nghề văn thì mới bõ. Ðối với văn học đương đại, vấn đề không phải là viết khó hay dễ, mà cần phải biết có bao nhiêu con đường khác nhau, đó là gợi ý để mình thám hiểm. Ðừng ăn sẵn, dù là ăn sẵn của ông cha hay ăn sẵn của thiên hạ, phải phăng những con đường mới."
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho những điều anh nói trên là tập "Những con đường xứ Flandres" của Claude Simon, Nobel văn học. Tường nói với tôi:
- Những con đường xứ Flandres chưa đến 400 trang mà tôi dịch lâu gấp đôi "Cuốn theo chiều gió" dầy cả ngàn trang. Tôi dịch vì nghĩ đến anh em viết mà chưa được đọc quyển này thì thiệt quá. Nhiều lúc rất mệt nhưng cố.
Trong lời giới thiệu in đầu sách, Tường viết: Tôi dám khẳng định: cuốn sách này sẽ chỉ có một công chúng hạn hẹp. Nó không dành cho những người tìm khoái thú dễ dàng ở một cốt truyện nhiều tình tiết ly kỳ hay éo le hấp dẫn theo cách thông thường. Chúa chứng giám là tôi tuyệt nhiên không có ý làm nản lòng độc giả, mà quả thực là ngay cả ở Pháp, quê hương của tác giả, thái độ của nhiều trí thức trung bình đối với sách của Claude Simon cũng chỉ "kính nhi viễn chi" mà thôi.
Song tôi lại dám nói những ai tìm đến cuốn sách này với lòng ham muốn khám phá đích thực sẽ như bị bùa mê và sẽ đọc lại nó chí ít vài lần nữa.
Lời giới thiệu này dành cho loại độc giả đó. Hy vọng nó sẽ cung cấp được một số đường dây khả dĩ giúp họ tìm được lối trong mê cung kỳ thú trong thi pháp tiểu thuyết của Simon.
"Những con đường xứ Flandres" đúng là một mê cung. Mê cung đối với người đọc, mê cung đối với người dịch vì nó là mê cung ngay cả đối với Claude Simon, người viết ra nó. Chính tác giả đã làm việc 8 tháng ròng trên từng đoạn nhỏ, trên từng dòng lẫn lộn không phân biệt, đến nỗi ông phải dùng những sợi chỉ mầu đánh dấu mới có thể định hướng được trong cái mê cung do chính ông tạo ra. Ðánh giá đúng công sức cố gắng của anh chuyển ngữ mê cung "Con đường xứ Flandres", Hội Nhà văn đã trao giải thưởng về văn học dịch cho anh.
Tổng kết về Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên viết:
Ông là nhà báo? dịch giả? nhà phê bình văn học? nhà phê bình mỹ thuật? nhà phê bình âm nhạc? nhà phê bình sân khấu? nhà thơ?
Ðúng cả.
Sau khi dẫn chứng về nhà báo, nhà dịch thuật của Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên chứng minh anh là nhà phê bình văn học:
"Hãy nghe ông Tường giải một nỗi buồn của Nguyễn Tuân: "Xưa nay, người ta ưa nhìn Nguyễn Tuân như một mặc khách không ngừng bị ám ảnh bởi nỗi khát khao xê dịch, luôn luôn thèm đi, cuồng đi. L'invitation au voyage -mà anh dịch rất hay là Thỉnh Du- đó là một khúc nhạc quyến rũ nhất đối với lòng chàng lãng tử họ Nguyễn. Nhưng những năm cuối đời, những chuyến đi xa dường như không cám dỗ anh nữa. Phải chăng nỗi cuồng đi đã nguội lạnh trong anh? Tôi, tôi nghĩ thế này: Có lẽ, như Celine làm cuộc viễn du đến tận cùng đêm, anh cũng thấy cần dành thời gian còn lại để hoàn thành cuộc viễn du đến tận cùng lòng mình. Vả chăng, theo tôi, cuộc hành trình lớn nhất, dài nhất trong đời anh- mà anh chưa đi hết- đó là cuộc hành trình chữ. Với anh, mỗi lần động bút là một chuyến phiêu du-du lịch trên địa đồ chữ nghĩa." Còn đây, ông viết về Raymond Carver-một Chekhov của nước Mỹ hậu hiện đại: Truyện ngắn của Carver tựa như những mẩu giáo khoa về phân huỷ. Làm thế nào để đánh hỏng đời mình và đời người khác, để nẩy sinh hằn thù điên loạn và tội ác? Carver đã tạo ra một thế giới thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng đến độ dã man. "Chúng tôi nói gì khi bàn về tình yêu" là đầu đề một kiệt tác ngắn của ông. Thật kỳ lạ, từ lâu lắm rồi người ta đã quên hẳn không còn biết nói gì, nói thế nào về tình yêu. Trái tim bị xâm thực bởi quá nhiều tham vọng nhỏ nhoi đã trở nên khô héo cằn cỗi không còn biết đến nhịp đập yêu thương."
Cùng với Phạm Xuân Nguyên, tôi dẫn ở đây một Dương Tường phê bình hội hoạ bằng những gì tôi có trong tay: Một trích đoạn anh viết về Nguyễn Quân "Hành trình vào cái không nhìn thấy":
(...)Những tác phẩm gần đây của Nguyễn Quân vẫn lúa túa hình sắc, vẫn ươm những mảng mầu mát rượi như da thịt người con gái vừa tắm, song có phần u trầm hơn, vẫn chan chứa nhục cảm song chín mọng tịch lặng hơn. Xem tranh Quân, có lúc tôi tự nhủ: Này đừng mắc lừa! Lật cái lớp sum suê rực rỡ bên trên, ta sẽ thấy ở tầng sâu cái mà các nhà hiện tượng học hiện sinh gọi là "cô đơn bản thể". Nói cách khác là cái tâm thái bơ vơ lạc lõng mà vì nó, người nghệ sĩ cần đến nghệ thuật để hoà nhập trở lại vào âm dương vũ trụ...
Và những dòng anh viết về Hà Trí Hiếu: Hà Trí Hiếu có nỗi đam mê vừa cuồng nhiệt vừa e ấp, thể hiện ở độ ào ạt của mầu sắc và sự tinh tế của ánh sáng dường như được cổ vũ bởi sức sống bao lâu bị nén lại nay bỗng một lúc vọt trào: những bộ mặt không có nét với những cái hốc trắng thay vì miệng từ đó cất lên những khúc ca im lặng. Những con bò có khi dài ngoằng mà vẫn gợi một cảm giác vuông vức, thường là một mầu đất trầm tĩnh như cuộc đời người nông dân. Ở Hiếu, dạt dào cái trữ lượng đồng quê của một tâm hồn thôn dã chưa kịp thành thị hoá. Bút pháp và mảng mầu ngày càng thiên về xuất biểu của hoạ sĩ, nghịch lý thay, chẳng những không đối chọi mà còn bổ sung cho cái trữ tình của những Quê Việt, Khúc ca quê, Thôn nữ và Bò, cái trữ tình ngăn ngắt xanh trong đó lời ru của Mẹ quyện với giếng nước luỹ tre làng và trăng ca dao tưới sầu lên nỗi tủi phận của những cô gái lỡ thì.
Dương Tường là nhà báo (hẳn rồi vì anh là phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam) là nhà dịch thuật, là nhà phê bình hội hoạ, Phạm Xuân Nguyên còn khuyên chúng ta hãy lắng cùng Tường Văn Cao và xung động Icare, để thấy anh là một nhà phê bình âm nhạc, hãy nhìn cùng anh Vua Lear n chiều để thấy anh là nhà phê bình sân khấu. Và chắc chắn Dương Tường còn là một nhà thơ. Báo Lao Ðộng đã phỏng vấn anh: Liệu có quá nhiều "nhà" trong một ông Dương Tường? Hay dùng một hình ảnh trong câu thơ ông (được bạn bè sửa đi một chữ): "những ngón tay mưa, Dương Tường trên mái", ông thích nhất ngón tay nào của mình? Dương Tường đã trả lời: Thích nhất là ngón tay... thơ.
Thơ. Ðấy mới là điều chủ yếu. Ðấy mới là nghiệp chính của anh. Ngay từ những năm 60 tôi đã thấy thơ anh khác lạ. Rõ ràng anh luôn tìm tòi, phăng những con đuờng mới:
Rười rượi xanh mà ai xui em bùng khói tóc
Ðể tôi sai nhịp tôi tiếng tiêu buồn thổi vào đêm mộcVà:
Những ngón tay mưa
dương cầm trên mái
Những ngón tay mưa
kéo dài tai quái
một nỗi nhớ siêu hình
nhạc nhoè đường xanh đêm lập thể
Một bài thơ một câu của anh tôi đã nghe nhiều người đọc như một tuyên ngôn của chính họ:
Ðể ghi trên mộ chí sau này
Tôi đứng về phe nước mắt
Vâng. Dương Tường là rất nhiều "nhà". Dù đã nhiều "nhà" như thế, tôi vẫn muốn thêm vào ở anh một nhà hoạt động văn hoá đối ngoại và một nhà văn xuôi nữa. Văn xuôi của anh tràn đầy chất thơ. Những người đọc sách anh dịch bao giờ cũng rất thú vị khi đọc những trang in ngả của anh viết lời giới thiệu ở đầu sách. Một tập tạp văn dầy 500 trang của Tường đang chờ để ra mắt công chúng: Ai đầu tiên gọi chích choè là chích choè. Tên sách là tên một bài tiểu luận của anh, trong đó anh nói lên quan niệm của mình về thơ:
Một trong những đặc thù của cái đẹp nơi chữ thơ, tôi nghĩ, là sự lên ngôi của con âm thay vì con nghĩa. Hãy một lần nữa nghe bà cô tổ Hồ Xuân Hương của chúng ta biểu âm sự nứt ra của một động Hương Tích:
Bày đặt khen ai khéo khéo phòm
Cái động từ phòm (hình như chỉ được dùng hai lần trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài ra không gặp ở đâu khác) cũng thuộc loại từ "bịa" phi ngữ nghĩa mà biểu năng trực cảm của nó kỳ diệu đến nỗi ai cũng hiểu tác giả định nói gì. Không có khả năng như tạo hoá "bịa" ra, chẳng hạn, một động Hương Tích thì nhà thơ "bịa" ra chữ! Những chữ tinh khôi tự nhiên như bản thân sự sống, vừa ra đời đã trở thành những thực thể.
Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là chưa tồn tại. Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có-tức là đưa nó vào tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích choè, khi nó còn khuyết danh, là chích choè, người ấy đích thị là một nhà thơ. Loài chim ấy ắt đã có từ rất lâu trước đó, người ta hẳn đã nhiều lần thử đặt cho nó một cái tên nhưng không đậu và chỉ đến khi ai đó, trong một loé chớp thần hứng, bật thốt ra hai âm tiết chích choè trúng pắp không gì thay thế nổi, thì nó mới thực sự tồn tại, thêm cho trời đất một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim.
Văn xuôi của anh là như thế đấy. Một thứ văn xuôi khi đọc, không cần xem tên tác giả cũng biết ngay là của Dương Tường!
Phạm Xuân Nguyên thốt lên: Tôi lạ lắm ông Dương Tường. Nguyên mới quen Tường, lạ đã hẳn. Tôi chơi với Dương Tường nửa thế kỷ rồi mà cũng vẫn cứ lạ về anh. Người bạn nhỏ thó của tôi lấy đâu ra sức lực và tích tụ từ bao giờ những kiến thức cũng như khả năng làm việc như vậy? Lại càng lạ khi Mạc Lân nói với tôi rằng chính Dương Tường là người dắt Lân vào con đường bán máu. Chỉ tới cuối năm 2001, khi hai chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, rỗi rãi thời gian, trò chuyện tôi mới vỡ nhẽ ra được một số điều về anh.
Vợ chồng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh chơi với con gái và con rể tôi sống ở trong ấy. Tôi điện ra mời Dương Tường vào. Vốn "ham vui" anh mua vé máy bay vào ngay. Ðó là những ngày nghỉ tuyệt vời. Chúng tôi để cả nửa ngày trời câu cá ở nhà Dương Thụ. Tường câu được một con cá quả bằng cái chuôi liềm, mặt cứ tái đi vì xúc động, vì đã câu được một con cá to như thế, vì nó giẫy dụa đầu cần, vì sợ nó vuột khỏi lưỡi câu rơi xuống ao mất. Ðó là con cá đầu tiên anh câu được trong đời. Rồi chúng tôi đi Long Hải chơi trò phóng máy bay trực thăng với Nguyễn Thanh Bình. Chúng tôi chuyện với Hồ Thu Hồng. Ăn sáng với vợ chồng nhà báo trẻ Tường Vân. Chúng tôi đến nhà Hoàng Hưng dự một bữa cơm do cháu Ly Hoàng Ly, con gái anh trổ tài nấu nướng...Những giây phút thư giãn, hoàn toàn không lo lắng suy nghĩ. Chắc sẽ khó có được một lần thứ hai như thế, một lần thứ hai cả hai chúng tôi cùng vào Sài gòn nghỉ ngơi.
Tường kể về tuổi trẻ của anh, về những ngày anh học lớp sixième hệ secondaire trường Louis Pasteur ở Nam Ðịnh. Rồi bỏ học theo bố mẹ lên Me, Vĩnh Yên vì gia đình vỡ nợ. Tham gia tổng khởi nghĩa ở Me. Rồi về Hà Nội học trường tư thục Nguyễn Thượng Hiền do Ðặng Thái Mai mở. Tường cười:
-Kháng chiến mình ra học ở vùng tự do. Học nhẩy lớp đệ tứ. Mình thi trung học phổ thông ba lần không đỗ. Như bây giờ là chưa tốt nghiệp hệ lớp bẩy. Năm 1950, 18 tuổi mình đi bộ đội.
- Thế ông lấy đâu ra vốn ngoại ngữ như vậy?
-Ông quên mất trận đánh đồn Hói Ðào tôi đã kể cho ông à? Chiếm được đồn, anh em tìm chiến lợi phẩm. Còn mình tìm sách. Vớ được quyển " À l'Ouest rien de nouveau " (Phía Tây không có gì lạ) thế là đọc. Ông có biết không, khi thấy "Phía Tây không có gì lạ" ở phòng thằng đồn trưởng mình mới hiểu vì sao đánh cái đồn này dễ thế.
Tường cười, nói tiếp:
-Ðánh đồn nào mình cũng tìm sách. Trong ba lô bộ đội bao giờ cũng có hai quyển từ điển nặng trịch, một tiếng Anh, một tiếng Pháp, dù hành quân mang nặng đến đâu cũng không vất bỏ. Vừa đánh nhau vừa đọc vừa học. Thế là mình nâng dần được trình độ. Về nhạc, hoạ, sân khấu cũng là do mình chơi với Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Ðình Nghi, với bè bạn các ngành. Chơi và học họ. Rồi suy nghĩ, đọc thêm sách...
Vậy là bí quyết của anh quá giản đơn: Không ngừng học. Học trong sách vở. Học trong bè bạn anh em. Học cả đời. Tường đã nói Tường muốn làm việc khó, làm cái gì hơn mình một tí, như người phải kiễng chân từng mi-li-mét để nâng trình độ mình lên.
Sực nhớ đến Mạc Lân, tôi hỏi:
-Ông Lân ông ấy bảo tôi là chính ông...
Tường hiểu ngay điều tôi định nói:
- Chuyện bán máu ấy à? Tôi là thằng bán máu đầu tiên trong số anh em mình. Không ai giới thiệu cả. Tình huống những năm 64, 65 ông biết là khó khăn thế nào rồi. Tôi còn nhớ giỗ ông nội tôi mà cả nhà chỉ còn tiền mua rau, không thể nào kiếm được mấy lạng thịt chui làm giỗ. Ðang bí thì gặp ông Ngô Quốc Hạnh, bạn mình. Hạnh làm giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội. Hạnh cho một cái phiếu mua vịt. Mừng quá đem về đưa Trinh. Thế là có giỗ. Ông bố mình lúc bấy giờ còn sống. Cụ cứ cám ơn Hạnh mãi. Cả năm sau vẫn thấy cụ nói: Anh Hạnh tốt thật đấy. Thì giỗ bố cụ, cụ không nhớ ơn sao được. Tình thế mỗi ngày một căng. Khó khăn quá. Tôi có nghe người ta nói chuyện bán máu. Nghĩ hay là cứ thử xem sao. Tôi vào bệnh viện Việt Ðức tìm hiểu. Ðúng vào cái hồi tôi xuống ông, gặp ông Hiên cũng đưa cả gia đình xuống, rồi chúng tôi đi nghỉ Ðồ Sơn, sau đợt ấy về là bắt đầu đấy. Tôi đội cái mũ sùm sụp để không ai nhận ra mình. Vào bệnh viện quan sát. Thấy cũng không có gì ghê gớm, mình làm được. Thế là hôm trước thăm dò, hôm sau vào đăng ký bán máu luôn. Hôm bán máu phải nhịn ăn, chỉ uống cà phê sữa thôi. Máu của tôi thuộc nhóm máu O, nhóm máu xã hội chủ nghĩa được chuộng lắm. Số cân của tôi chỉ được bán 150 cc thế mà đề nghị bán 200cc cũng gật đầu ngay tắp lự. Ðược tiền và được nhiều phiếu lắm. Thịt, đường, sữa, đậu. Ra cổng các ông bà phe xúm lại hỏi mua phiếu. Ông Lân bán phiếu chứ mình không bán. Mình cầm về đưa cho bà Trinh mà chưa biết giải thích nguồn gốc mấy cái phiếu ra sao. Sực nhớ đến Ngô Quốc Hạnh đã một lần cho phiếu mua vịt, mình bảo: "Anh Ngô quốc Hạnh cho phiếu đây này." Lần sau cũng lại anh Ngô Quốc Hạnh cho phiếu đây này. Ngô Quốc Hạnh biến thành tiên, thành bụt ở nhà mình. Ông bố mình càng nhắc chuyện năm nọ không có anh Hạnh cho cái phiếu mua vịt thì nguy, mấy bố con không làm nổi cái giỗ cho cụ. Ðưa tiền cho bà Trinh dễ hơn đưa phiếu, cứ nói đại là tiền nhuận bút, mặc dù dạo ấy có được in gì đâu mà có nhuận bút.Về sau những lúc khó khăn quá bà ấy cứ giục mình: "Anh đến anh Hạnh xin ít phiếu đi." Có lần bí quá mà còn hai tuần lễ nữa mới đến kỳ bán máu, tôi than thở với Lê Phát. Ông có nhớ Lê Phát không nhỉ. Lê Phát đài Tiếng Nói Việt Nam cùng dịch Sê-khôp với tôi. Lê Phát bảo: "Thằng trưởng phòng huyết học là bạn tôi. Ðể tôi viết thư cho nó."
Tường cười. Anh vừa cười vừa thuật lại câu chuyện "đáng buồn cười" cách đây non nửa thế kỷ ấy. Tối hôm ấy anh cầm thư giới thiệu của Lê Phát tới nhà ông trưởng phòng huyết học. Ðọc thư tiến cử của Phát, ông trưởng phòng gật đầu xởi lởi:
-Ðược. Sáng mai anh đến. Tôi sẽ bảo chúng nó ưu tiên lấy nhiều cho anh.
Ðó là lần Tường bán được nhiều nhất: 280cc! Ðại thắng trở về đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lê Phát đã đứng chờ ở cổng, hồi hộp:
-Ðược không?
Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân. Phát hai vại. Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn bia khác cùng quay cả lại:
-Hôm nay tao uống máu thằng Tường!
Bán máu thành công, Tường nghĩ ngay đến Mạc Lân. Mạc Lân bán được. Bán đều. Thừa thắng xông lên, Tường kéo Châu Diên đi. Nhưng đến Châu Diên thì thất bại. Máu Châu Diên không đông. Mới chọc kim lấy máu để thử, rút mũi kim ra máu đã chẩy đầy bắp tay, chẩy xuống nền nhà lênh láng đỏ lòm. Mọi người nhìn vào đều sợ. Châu Diên hoảng, vớ vội nắm bông băng chạy vào nhà vệ sinh cho khuất rồi băng ở trong ấy.
Thế là chúng tôi chuyện về Mạc Lân, về Châu Diên, về những công việc phải làm sau khi ra Bắc. Tường bảo:
-Kỳ này về phải tập trung làm cho dứt điểm "Cái trống thiếc". Dạo này tốc độ làm việc không được như trước. Chậm đi. Sức khoẻ yếu rồi.
Bẩy mươi, sắp bẩy mốt rồi. Lại qua bao gian khổ. Làm gì không yếu đi. Làm được thế đã là tốt lắm. Tôi muốn nói với Tường như vậy. Nhưng tôi bảo anh:
- Ừ. Cố lên. Mình thấy ông đánh vật với nó cũng lâu rồi đấy.
Tôi biết để có thể ngồi dịch Grass, Tường đã mất biết bao thời gian. Anh làm việc với nhà xuất bản, anh liên hệ với Grass, với đại sứ quán Ðức tại Việt Nam. Anh xin tiền tài trợ để có thể trả bản quyền cho Grass theo đúng luật xuất bản, một số tiền vài trăm Ðê Mác hoàn toàn mang tính tượng trưng. Và anh dịch. Anh cặm cụi trước cái máy vi tính xách tay Dell mới tinh giá 2500 đô mà Nguyễn Thanh Bình gửi từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường bưu điện ra tặng anh. Công việc trôi chẩy. Nhưng nhà anh quá nhiều khách, quá nhiều bạn. Nên làm cứ bị ngắt quãng. Thế là Trọng Khôi, chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cảm cái tình anh đã đóng góp với hội về "cái vụ sân khấu Việt-Mỹ", kéo anh lên Tam Ðảo dự trại sáng tác kịch bản sân khấu để anh... dịch Grass. Anh là người trại viên nghiêm túc nhất, lúc nào cũng ngồi trước máy vi tính. Cả trại nhiều khi kéo nhau đi dã ngoại, chỉ có một mình anh xuống nhà ăn với một suất cơm. Một tháng trời, được thêm 200 trang. Bế mạc trại, anh về nhà. Lại kém hiệu quả...
Tường bay ra trước tôi. Khi về Hải Phòng, gọi điện lên cho anh, tưởng anh đang ở Hà Nội thì đầu dây bên kia tiếng Trinh, vợ anh:
- Anh Tấn đấy à. Anh Tường em đi lên trại sáng tác Ðại Lải rồi. Ði từ mồng 1 đầu tháng cơ. Giáp tết mới về.
Tôi biết vào cái tháng chạp rét đại hàn chi cực này chắc chắn Hội Nhà văn không mở trại sáng tác. Anh nộp tiền ăn và tự giam mình cô đơn một mình một bóng trong một căn buồng ở Ðại Lải, dốc sức làm việc. Dù giáp tết, người ta tất bật, đâm sấp dập ngửa với bao công việc lo toan. Dù nhiệt độ xuống từ 8 đến 13 độ kéo dài cả tháng. Với lại cho dù có ở nhà vị tất anh đã giúp vợ con được việc gì. Anh là người lơ lửng trên mây, ngu ngơ vụng về với mọi thứ của đời thường, là người của một thế giới tinh thần, nói đúng hơn luôn đắm mình trong nghệ thuật, "đi vắng ngay cả khi đang có ở nhà" như Châu Diên nói. Tôi biết vợ anh đã phải sắc thuốc bắc cho anh, để anh tăng thêm sức khoẻ, để anh im lặng đánh vật với từng con chữ. Dịch cả ngàn trang sách đâu phải dễ dàng gì. Một công việc cực nhọc. Tường luôn làm những cái gì hơn mình một tí. Anh lại đang kiễng chân từng mi-li-mét. Từ bôn tập hành quân, đeo thêm quyển từ điển đi hết chiến dịch này tới chiến dịch khác thời chống Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ. Ðến thập niên 60 hoà bình nhưng còn căng thẳng hơn thời chiến tranh, đe doạ cả an toàn cuộc sống. Và trong sáng tác, dịch, phê bình nghệ thuật. Ngay bán máu cũng cố bán vượt chỉ tiêu một ít xê xê. Bây giờ là vượt lên sức khoẻ, tuổi tác. Vượt lên. Phương châm sống của cả đời anh.
Cho nên chơi với anh đã nửa thế kỷ, lúc nào tôi cũng rất sung sướng khi nói:
-Tôi là bạn của ông Dương Tường.
Như bà Lorrelle Browning đã nói cùng tôi.
Mùng 3 Tết Nhâm Ngọ
13 - 2 - 2002

[1] Thơ Hoàng Hưng
[2] Thơ Hoàng Hưng