Ngày xưa, có hai người gặp nhau...
(Maltamuti)
Sự tình cờ xui họ gặp nhau ở Quần Ngựa. Chàng giả tảng không trông thấy nàng. Chàng lên nhà sàn và tưởng nàng sẽ lên theo. Nàng không lên, mà lại lảng ra đứng cạnh hàng rào.
Chàng đành đứng dậy, đi lại phía nàng. Chàng làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Kìa em!
Nàng vẫn vui như trước. Thấy chàng, nàng nói ngay:
- Ôi chết chửa! Sao em nghe thấy người ta bảo anh mắc bệnh thời khí đã chết từ tháng trước?
"Đàn bà gì mà ngổ quá!", chàng hơi mích lòng. Vậy ra, nếu chàng chết, nàng vẫn có thể sống như thường...
Nàng có vẻ "kẻng" lắm. Thoạt trông, chàng thấy lạ hẳn. Mắt nàng bây giờ đánh thâm quầng, mi dài, môi đỏ, cái ngực hình như rắn hơn. Chàng không biết chuỗi hạt nàng đeo cổ bằng ngọc, bằng kim cương hay bằng ngà. Chàng cũng không biết cả thứ hàng nàng mặc ở người. Chàng thấy một cái gì như sự hối hận: chàng tiếc rằng sao mình lại còn dẫn đến trước mặt nàng. Bên cạnh nàng, chàng thấy mình lu mờ hẳn đi. Nhưng chẳng lẽ, gặp nhau lại không nói gì. Chàng bèn nói dớ da dớ dẩn:
- Dạo này, trông em có vẻ mập mạp hơn trước nhiều.
Nàng trả lời:
- Cũng may mà chúng mình xa nhau. Cứ như dạo trước, yêu nhau nhớ nhau, nghĩ ngợi về nhau mãi, chẳng mấy lâu mà chết.
Chàng đứng cạnh nàng như thế một hồi lâu. Nàng thì nhìn ngựa chạy và thỉnh thoảng lại reo lên "Bạch Hải! Bạch Hải! Thôi con Ivan được rồi!". Chàng thì có vẻ "đi tòng": nàng không lấy thế làm hợm lắm. Những người đánh cá ngựa, thoạt trông, đều nghĩ rằng chàng đương "quấn" một người đàn bà mới gặp lần đầu. Và trong khi chàng hỏi:
- Em độ này ra sao?
Nàng vẫn nhìn ngựa chạy mà kêu: "Thôi chết! Con Peccador hỏng rồi...".
Cuộc đua thứ tư, xong, nàng mới quay lại hỏi:
- Anh bảo gì?
Chàng nhắc:
- Em độ này ra sao?
- Cứ trông khắc biết: em mặc quần áo đẹp, em cầm dù, em đánh cá ngựa.
Câu chuyện cứ như thế đến cuộc đua thứ năm.
Có sáu ngựa chạy: Xích Long, Pompéi, Frankeinstein, Lady Lou, Xich Nghèo và Trombadour.
Nàng hỏi:
- Anh đánh con nào?
Chàng không đánh con nào cả. Chàng chờ cuộc đua sau, để đánh mạnh cái triple évent. Chàng định nói một câu gì nữa. Nhưng nàng đã giơ dù, chỉ về chỗ bán vé mà nói:
- Em phải ra chỗ kia.
Trước khi từ giã, nàng muốn tỏ ra vẻ lịch sự bảo cho chàng biết. Nàng vốn là một người có học. Trước đây tám năm, nàng lấy chồng làm ở phủ Toàn quyền. Chồng nàng chết, nàng "biết" chàng. Già nhân ngãi non vợ chồng. Hai người đã định lấy nhau. Không ngờ chàng chán nản từ bao giờ. Đánh đùng một cái, chàng sinh sự rồi bỏ nàng, lấy vợ. Và hai người bạn ấy xa nhau mãi. Bây giờ lại gặp nhau. Nàng tỏ một cách miễn cưỡng cho chàng biết nàng là một người có giáo dục. Chàng không biết từ giã nàng ra thế nào. Biết đâu nàng chẳng đi phao với bạn hữu rằng chàng "bám" nàng và nàng đã "tẩy nhẹ" chàng. Có một cái bàn uống nước chanh, rượu bia ở cạnh đấy, muốn cho nàng đừng đi khoe khoang như thế, nên chàng mời:
- Em mua vé đi, rồi lại đây, ngồi uống nước với anh.
Nàng vô cớ, cười rũ lên, như có bàn tay nào cù vào nách. Đoạn, nàng nghĩ ngợi một chút rồi bảo rằng:
- Cũng hay. Được, để em ra mua vé rồi em quay lại.
Hai người ngồi xuống ghế. Họ ngồi đối diện nhau. Chàng uống bia, nàng dùng whisky soda. Người bán hàng mang hai thứ đó ra. Hai người vừa uống vừa nhìn ngựa chạy.
Tiếng vỗ tay, tiếng cười, tiếng đập chân.
Một người kêu: "Lady Lou! Lady Lou!".
Chàng hỏi nàng:
- Công việc ra thế nào?
"Công việc ra thế nào?", câu này chỉ ngụ ý hỏi nàng được cá hay thua cá mà thôi. Nhưng nàng không thể nhịn cười được.
Đầu đuôi như thế này:
Trước đây, lúc hãy còn yêu nhau, chàng thường có tính, mỗi khi gặp nhau, thì hỏi vội một câu: "Công việc ra thế nào?". Câu đó nghĩa là: "Thế nào, công việc ra thế nào, bao giờ chúng mình công nhiên lấy được nhau?". Đã sáu năm trời, họ không gặp nhau nữa. Bây giờ, vì một sự tình cờ, câu ấy lại đến ở dưới lưỡi chàng. Chàng lại nói câu chàng thường nói với nàng ngày trước.
Nàng gật đầu khẽ, lúc nghe thấy câu nói quen quen.
Về phần nàng, cũng có một chuyện tương tự thế.
Trước đây, nàng có thói quen hay lấy dầu thơm chải đầu cho chàng. Nàng săn sóc quần áo của nàng bao nhiêu thì rẽ đầu chàng cẩn thận bấy nhiêu. Nàng thường phải giục Hải đi húi đầu, vì chàng có tính hay quên. Nếu nàng không nhìn đến, có khi một tháng chàng mới đến nhà thợ cạo.
Vô tình, mắt nàng để đến đầu chàng và nàng nói:
- Thế thì thôi! Không có em, anh cứ để đầu bù lên không húi. Tối nay, đi húi đầu đi nhé.
Chàng cười. Đúng thế thực. Chàng lười quá, ngót tháng nay không húi đầu. Chàng úp bàn tay, vuốt tóc ở gáy. Nàng giở ví, rút cái gương ra đưa cho chàng. Chàng soi gương, lấy lược rẽ lại tóc. Và nàng mỉm cười, hai mắt tít đi.
- ừ, nghĩ buồn cười. Chúng mình đã xa nhau mà sao em thấy đầu anh không húi cẩn thận, em vẫn không bằng lòng.
Bây giờ, họ không ngượng nghịu như lúc mới gặp nhau nữa.
Chàng nói hết với nàng những công chuyện xẩy ra trong sáu năm xa cách - y như chàng nói với nàng, trước đây, mỗi lần gặp nhau ở nơi hẹn hò.
Chàng cách biệt nàng được hai tháng thì lấy vợ. Chàng có hai đứa con: một đứa trai và một đứa gái. Đứa gái lên ba, đứa trai lên bốn. Chàng vẫn đi làm báo. Chàng ở trên Ngọc Hà. Hôm nay chàng lên Quần Ngựa vì có người rủ đi. Đã nói những chuyện ấy, tức là đã nói hết cả cuộc đời mình. Chàng ngồi im.
Nghĩ cũng lạ thực. Càng ngắm nàng, chàng càng thấy chưa bao giờ chàng nhìn kỹ nàng cả. Khi còn yêu nhau, chàng cứ tưởng rằng mắt nàng hai mí và xanh. Từ khi xa cách, đêm đêm chàng thường nhớ lại đôi mắt đẹp: và những khi rầu rĩ chuyện vợ con, không hiểu tại sao chàng cứ tưởng rằng mắt nàng đen và chỉ có một mí.
Đôi mắt lá răm, đôi mày lá liễu, anh thương mình...
Chàng nhớ đến câu đồng dao. Và chàng nói cho nàng rõ những ý nghĩ của chàng. Nàng cười và nói:
- Đấy, anh cứ bảo anh hiểu em mãi...
Nàng để ý đến tất cả mọi sự xẩy ra trong đời chàng, sáu năm nay. Muốn biết thật rõ ràng, nàng hỏi:
- Thế chị ấy, chị ấy ra thế nào?
Chàng ngần ngừ một lát rồi đáp khẽ:
- Em ơi, em hỏi đến làm gì, hở em? Người ta chỉ yêu có một lần. Nếu sau này duyên nợ chẳng thành, người đàn ông phải lấy vợ, thì cũng chỉ là chuyện cửa nhà, bếp nước... cho có con...
Mặt chàng buồn rười rượi. Chàng nói mấy câu ấy như dao cắt lòng. Ôi! Nếu số phận chiều người, chàng và nàng lấy được nhau thì bây giờ đã êm ái biết bao! Chàng lại nói hết cả ý nghĩ của chàng cho nàng nghe. Chàng bảo:
- Em làm khổ anh. Hồi ấy, ví thử em yêu hơn một chút, ví thử em không mê thơ của thi sĩ Hoàng Hoa thì đâu ra nông nỗi này.
Giọng nàng êm ái và thật:
- Em biết làm thế nào, hở anh? Lúc ấy, em mới có hai mươi tuổi. Người ta còn trẻ thì người ta còn mơ mộng.
Nàng ngây thơ và ngoan ngoãn như khi mới yêu chàng. Lông mi nàng khẽ chớp, mắt nàng nhìn xuống, nàng lấy tay di những giọt nước đá đọng ở thành cốc.
Chàng hỏi:
- Vậy trong sáu năm trời xa cách, cuộc đời em ra thế nào?
Nàng trả lời:
- Anh ơi, anh hỏi em làm gì cho đau lòng nhau ra. Anh đã biết em góa chồng từ lúc còn trẻ tuổi vào giữa lúc tâm hồn đương ấp ủ những mộng tình xinh tươi...
Chàng bèn nói:
- Chúng mình đành lấy chữ duyên kiếp để khuây dần nhớ thương, chứ biết làm sao? Riêng anh, anh được thấy em như thế này, anh lấy làm mừng lắm.
Họ ngồi nói chuyện, mỗi người ở một bên bàn, như hai người bạn tốt, âu sầu, rầu rĩ. Nàng xin lỗi chàng:
- Anh đừng giận em nhé. Lúc mới gặp nhau, em không muốn nói với anh, vì em sợ chúng ta cùng khóc mất. Em phải làm ra dáng vô tình. Có lẽ như thế lại hơn, phải không anh? Nói gì với nhau làm gì nữa cho thêm thương, thêm nhớ. Làm khổ nhau làm gì!
Họ không còn thì giờ nói chuyện với nhau lâu nữa.
Cuộc thi thứ sáu đã xong rồi. Chàng thua cá. Nàng cũng thua. Nhưng hai người đều không nghĩ ngợi điều gì, ngoài câu chuyện họ nói cả. Họ đứng dậy đi sát vào nhau về đường hồ Tây.
Trời thấp dần, mấy cái lá vàng xào xạc rơi xuống hồ và trôi ra xa xa.
Nàng nói:
- Hải ơi, thôi Hải về nhà sớm một chút không ở nhà mong đợi.
Chàng trả lời:
- Trâm ơi! Biết bao giờ chúng mình lại gặp nhau để than thở một đôi điều như hôm nay...
Họ nắm chặt lấy tay nhau, khốn khổ như hai người bạn không may trên đường đời.
 

Xem Tiếp: ----