I
Chàng Kim đẻ ở Hà Nội.
Cô Kiều là gái Huế.
Chàng Kim mười sáu tuổi.
Cô Kiều vừa mười lăm.
Chàng Kim tên là Hải.
Cô Kiều tên là Trâm.
Trâm và Hải biết nhau và khổ vì nhau như sau này: Ông Cả Lâm và bà Cả Lâm, sinh ra Hải, vỡ nợ ở Bắc. Ông bà vào Huế thuê nhà ở Đông Ba Bến Tượng mở một ngôi hàng vừa bán giấy, vừa bán tạp hóa. Hàng tạp hóa không chạy. Giấy chạy hơn. Đêm đêm họ ngồi trên gác nghe những câu "hò" ở ngoài sông vọng vào và đếm giấy từng "lam" năm trăm tờ để cho người nhà nhuộm ra màu xanh, tím, đỏ, vàng.
... Hò ơ!
Anh là người đáo xứ đường xa,
Nghe em có nghĩa bôn ba đến hò...
... Hò ơ!
Tàng bằng âm chất lưỡng tương phò,
Tới đây kiểng đẹp ai rủ hò hò chơi!
Hai vợ chồng bác Kiểm nả Hồ Sĩ Hòe, sinh ra Trâm, thì làm đậu hủ bên An Cựu. Họ không rán đậu như ở Bắc. Người Kinh ăn đậu sống. Ông Cả Lâm và bà Cả Lâm, ngày nào cũng cho Hải sang mua. Đồng chịu, đồng trả, hai nhà thành quen biết.
Bỗng có việc này xảy ra:
Ông Cả Lâm, một hôm có khách ở Bắc vào, cho Hải sang mua mười bìa đậu và dặn lấy những bìa đậu tốt. Những bìa đậu của bác Kiểm nả đưa cho Hải cầm về ngửi chua loét và đếm ra chỉ có tám bìa. Bác Kiểm nả xưa nay vẫn có tiếng là luộm thuộm, nhưng, lần này, thì không thể bỏ qua được, bởi vì ông Cả "có khách ở tận ngoài Bắc vào chơi". Ông Cả sai Hải cầm sang đổi lấy những bìa đậu tốt và "bảo cho bác Kiểm biết rằng lúc nãy bác đếm thiếu mất hai bìa". Bác Kiểm bảo "chỉ có đậu hủ thế thôi, muốn ăn thì ăn" và lại có ý nghi ngờ Hải ăn vụng mất hai bìa, về nhà, sợ, nói dối ra như thế!
Ông Cả Lâm không nói gì cả. Đến chiều, ông cho người nhà sang bên An Cựu đòi hai hào bác Kiểm nả còn chịu lại. Hôm sau, ông bảo bà Cả và Hải:
"Sơn bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm", thiên hạ nói chẳng sai bao giờ.
Bà Cả bảo: "ừ!" và không cho Hải sang bên An Cựu nữa.
Bác Kiểm nả và vợ, lâu lâu không thấy bà Cả và Hải sang chơi, bắt đầu còn hỏi han sau dần dần cũng quên đi. Họ nói:
- Muốn qua thì qua, không qua thì thôi, không cần.
Trâm nghe thấy bố mẹ nói với nhau như thế lảng ra chỗ khác. Nàng thấy xốn xang tấc lòng. Trâm sợ rồi ra không được gặp Hải nữa. Vì Trâm yêu Hải lắm. Trâm kém Hải một tuổi: gái hơn hai, trai hơn một, như thế thì tốt. Về phần Hải, Hải lấy việc biết Trâm là một điều rất may. Hải thích hai cái má Trâm và đôi guốc Trâm đi. Hải thích Trâm vì Trâm là gái Huế đội nón ngựa và mặc quần chật ống, khi nào đi trên bờ sông Hương thì bóng lung linh dưới nước xanh. Vả lại, những buổi chiều hè, khi ngồi cạnh nhau bên cái chõng kê dưới bóng sầu đông ngoài vườn, Trâm và Hải nắm lấy tay nhau lúc vắng người. Lần nào cũng vậy, cứ mua đậu hủ xong ra về thì Hải cũng đứng lại ở hàng rào, ghé mắt vào chỗ Trâm ngồi làm đậu mà gọi: "O Trâm! O Trâm".
Trâm giả như không nghe thấy Hải gọi, hò khe khẽ:
Hiêu hiêu gió thổi bờ đê,
Cửa nhà bỏ phế mảng mê lời mình.
Lam thao chùi sáng, để dưới ván thấy hình.
Chè đậu xanh, đường cát trắng, em thương mình quên ăn...
Hải thích lắm, ngắt mấy cái hoa dại, lấy lạt buộc lại, vứt qua hàng rào vào cho Trâm và ra về. Có khi Trâm nhận được mấy cái bánh tét gói vào một cái khăn con; có khi chỉ là một cây mía đỏ nhét qua đám ô dô vàng.
Vợ bác Kiểm nả thấy hai trẻ như thế thuật chuyện lại với bà Cả Lâm. Bác nói với Hải: Cháu Hải có bộ thương con Trâm lắm, hỉ!
Bà Cả Lâm mỉm cười:
- Ôi chao! Không cần! Bây giờ, hai nhà giận nhau rồi.
Hải là một đứa trẻ ngoan nết. Hải ít lời. Hải đã đỗ bằng Sơ học yếu lược và trông hàng cho bố mẹ, cả ngày, không vào cửa hàng Thượng Tứ với những trẻ con bên cạnh để bắn chim bao giờ. Trâm là một cô gái hơi vô nghĩa lý. Bạ cái gì cũng cười duyên, chỉ được hai cái má đẹp, đôi mắt hữu tình và điều này: Trâm hò dễ thương lắm. Nghĩ mà phiền cho Hải.
Hải biết rằng đã xảy ra chuyện gì hôm gặp Trâm đi đong gạo ở chợ Đông Ba. Hải đi gần Trâm ngoảnh mặt nhìn ra phía khác, không chào hỏi gì cả trong lúc chào hồi nãy còn vừa kịp. Trâm cũng làm như vậy, chứ biết "mần sao?". Con gái không bao giờ chào con trai trước. Người ta trông thấy sẽ cười là mê trai. Ngay lúc ấy Hải thấy hối hận. Chàng muốn lại được đi như lúc nãy để chào Trâm một câu, cho Trâm khỏi phiền.
"Chữ cận là gần, chữ viễn là xa; tui với mình cách trở tại mẹ cha ở nhà".
- Tội nghiệp cho Trâm! Mình gặp mà mình cũng chẳng hỏi han gì cả.
Hải về nhà trong dạ xôn xao và mong đợi ngày mai lắm lắm. Hải giúp sức cả cho sự tình cờ nữa. Hải đã biết Trâm thường đi chợ Đông Ba đong gạo vào lúc nào. Và sửa soạn để gặp Trâm. Lần này Hải biết xử thế nào. Chàng chào: "Chào o Trâm!". Trâm trả lời: "Dạ, chào anh Hải!". ở bến ô tô thường vắng người qua lại, Trâm và Hải lại quay cả lại mà cười với nhau nữa. Ngày nào, họ cũng rình chào nhau như thế. Họ chào nhau, cả những khi đông người.
Một hôm, có một chuyện lạ xảy ra.
Chủ nhật Hải đi chơi một mình ở xóm Vị Dạ. Nước sông Hương xanh chảy lặng lờ; ghe đò qua lại êm đềm như trong mộng; sau đám hàng rào ô dô, ẩn hiện những ngôi nhà trắng. Hải đi thơ thẩn đến một con đường rất vắng có những cây cổ thụ mọc nghiêng ra mặt nước thì gặp một cô gái đội nón ngựa, đi đôi guốc vàng. Tự nhiên Hải thích ngay: chàng thấy ở dưới cái áo vải phin của cô gái ấy hằn lên một cái "coóc sê" xanh. Cái coóc sê cùng một mầu với coóc sê Trâm mặc. Ngay lúc ấy Hải nhận ra rằng không phải là Trâm, nhưng Hải hơi ngạc nhiên một chút: Hải đi quá lên mấy bước, nhìn cô gái kia và thấy như muốn chào: "Chào o Trâm!" và tưởng như sắp nghe thấy: "Dạ, chào anh Hải!".
Hải rất có thể yêu người con gái ấy, chỉ vì một lẽ người con gái ấy đi guốc vàng và mặc một cái "coóc sê" giống của Trâm.
Song, chẳng biết giọng hò ra thế nào...
II
Chuyện ấy không phải là chuyện cuối cùng.
Một buổi chiều mùa nực, Hải lại gặp một chuyện đẹp hơn. Ngày nào, ăn cơm chiều xong, Hải cũng sang Gia Hội, trèo lên cầu nhìn xuống sông Hương xem nước chảy và ghe đò lặng lờ trôi như tiếng guốc lách cách ở đằng sau. Vô tình Hải quay lại - mà cũng vì tò mò nữa. May chửa! Người đi guốc lách cách ở sau chàng là Trâm. Trâm đi ở đấy bình dị như trời sinh ra. Trâm nhận ngay ra Hải và khẽ mở cái miệng xinh ra nói. Trâm nói rằng:
- Em mà, anh Hải! Mẹ em sai em qua Gia Hội để bảo thầy Hương Tam, sớm mai đừng qua nhà lấy đậu hủ vì nhà em không "mần".
Tức thì, Hải cất lời ngay. Hải nói:
- Hôm qua, anh trông thấy em ở chợ Vị Dạ. Em đang mua đường cát. Anh đã định đợi em mua xong cùng về, sau lại không dám.
Trâm đáp:
- Em, hôm bữa tê, em cũng thấy anh đứng ở dưới gốc giản ở Bến Tượng. Em thấy bóng anh ở dưới nước sông. Em định lại chào anh, nhưng sau thét em cũng không dám nữa.
Trâm không có vẻ vội vã lắm. Vừa đi vừa nói chuyện, nàng đi quá nhà thầy Hương. Chốc về nếu mạ Trâm rầy nàng về nỗi đi chậm, Trâm sẽ nói với mạ rằng thầy Hương vắng nhà, nàng phải đợi. Đã lâu lắm, Hải và Trâm không cầm tay nhau. Bây giờ, họ gỡ lại thì giờ đã qua. Hải thấy những ngón tay Trâm thuôn thuôn ở đầu và da dẻ thì mịn màng như sa tanh. Hải bảo:
- Đã lâu lắm, anh không được nghe em hò. Em hò một câu khẽ cho anh nghe nào: Trâm và Hải ngồi ở dưới một gốc thông um tùm, hai chân thả xuống nước trong. Trâm để tay vào tay Hải và hò khẽ ở bên tai:
Mưa sa nhỏ giọt đọt cà,
Làm sao cho đặng ba mạ già nuôi chung.
Chặt hào cá lội sen rung,
Choàn ngan cổ bạn, anh ơi, hun em cho đỡ lòng.
Nón nan hai túi lòng thòng,
Trực nhìn ngó thấy, trong lòng xót xa.
Gửi lời về thăm mạ với ba...
Buổi hoàng hôn xuống chầm chậm. Hải và Trâm đi thong thả trên những con đường xanh xanh và nghe tiếng hát nhẹ nhàng của con sông đưa lại. Trâm và Hải đi được một lát lâu thì Trâm nhớ tới việc mẹ sai và bảo Hải quay lại. Trong khi Trâm đến nhà thầy Hương, Hải đứng chờ ở cách đấy độ năm, sáu thước. Trâm trở lại và nói rằng:
- Thầy Hương đã ngủ rồi. Em đứng ở ngoài rào, em nói to những lời mẹ em bảo em.
Trâm và Hải đi trở lại phía cầu Gia Hội về nhà. Bóng họ sát vào nhau ở dưới nước chảy gầm cầu. Đến đầu cầu, nếu không sợ có nhiều người trông thấy mà phải từ biệt nhau bất thình lình quá, Trâm đã rẽ sang tay phải về nhà rồi. Hải nói:
- Thì hai đứa mình hãy đứng rán thêm vài phút nữa để nói với nhau đôi lời.
Trâm bảo:
- Anh ơi, hai đứa mình nói với nhau thì bao giờ cho hết lời.
Trước mặt họ, có một con đường trắng hai bên trồng toàn cây xanh. Thỉnh thoảng có một hai dinh cơ có vườn cảnh và non bộ. Những dinh cơ ấy phần nhiều đóng cửa cả ngày. Dây bìm bìm leo đại trên giàn; những bông hoa đỏ, tím, vàng, xanh chen nhau; mấy cái lá dừa tây cao vút lên trên trời. Một tiếng đàn tam thập lục bay ra và rung động trong không khí. Thỉnh thoảng lại một câu ca: "Biết ai tâm sự như mình, cho mình hỏi thiệt...".
Đó là con "đường tình". Những cặp trai gái hay dắt tay trò chuyện trên đường này. Hải và Trâm đi vào. Họ đi qua một cái cầu khác vào thành và đi mãi, đi mãi. Thật đẹp. Cây cối um tùm, đền tạ cổ kính có cái vẻ buồn mơ màng. Trâm và Hải trèo lên một mô đất cao, nhìn ra xa. Gió thổi tóc bay, phất phới. ở đằng kia, người ta nhìn thấy tất cả xứ Huế: hoàng thành, núi Ngự Bình, sông Hương uốn khúc chảy lặng lờ. Phú Văn Lâu, trời đất, và mặt trăng bắt đầu mọc ở một góc. Hải ngắm cảnh để nhận chân rằng chàng yêu Trâm hơn cả trời đất và mặt trăng, núi Ngự Bình, hoàng thành và sông Hương uốn khúc chảy lặng lờ.
Sau Trâm nói:
- Anh ơi, em phải về. Mạ em ở nhà, chắc trông em lắm lắm.
Hải bảo:
- ừ.
Và Trâm và Hải sẽ dắt nhau về thực, nếu ở gần đấy không có một người con trai và một người con gái hát đối đáp. Hải và Trâm đi đến một cái nhà tranh thì tiếng hát đầu tiên bay ra. Chưa nghe thấy tiếng hát, tiếng hát vừa bay ra, tiếng hát vừa vọng lên, Trâm và Hải đã biết ngay người con trai và người con gái yêu nhau lắm. Trâm và Hải dừng chân lại. Hải bỏ tay Trâm ra và ra hiệu bảo Trâm đứng im.
Người con trai hát:
- Chơn mang xuyền, cổ lại mang gông,
Chết tui tui chịu chết, tui không bỏ nàng.
Người con gái hát:
- Sống làm chi mình một ngả, tui một đàng,
Nắm tay nhào xuống suối vàng chết tươi.
Khi hai người ấy đã hát xong rồi, Hải mới bảo Trâm:
- Hai anh chị chắc khổ lắm.
Trâm đứng im không nói gì. Trong giây lâu, nàng như hỏi lòng mình, bởi vì nàng đáp:
- ắt khổ lắm thực.
Trâm và Hải cùng nghĩ ngợi đến những lời vừa nói. Mãi sau, Trâm mới nhớ ra.
- Cha ôi! Khuya lắm mà. Chừ, tôi không dám trở lại nhà nữa đâu.
Bác Kiểm nả không phải là người ác. Nhưng muốn giữ tiếng cho con. Cho nên giả dụ, có hội chợ, bác Kiểm gái không muốn cho con đi xem. Trâm bỏ hết cả những tư tưởng của nàng đi để tự nhủ rằng: "Thế nào mạ cũng đập em, trời ôi!". Bây giờ là mấy giờ rồi? Chuông đồng hồ ở chợ Đông Ba điểm mười hai tiếng mơ hồ: có ai ngờ Trâm và Hải đi chơi và nghe đôi trai gái hát đối đáp lại mất nhiều thì giờ như thế! Trâm và Hải cố rảo bước nhưng không kịp; cửa Thượng Tứ đóng mất rồi.
Trời ơi là trời!
III
Suốt một đêm, Hải và Trâm không biết làm gì cả.
Nhưng Hải và Trâm thấy được gần gụi nhau thì dễ chịu trong lòng lắm lắm.
Hải và Trâm dần dần không ngượng nghịu nữa. Họ ôm lấy nhau. Trâm nghĩ đến câu đồng dao: "Đứng gần đây một chút bớ chàng, em hun một cái đặng em thỏa chút lòng vàng, anh ơi, kẻo mà luống những mơ màng đêm đông". Trâm áp má vào má Hải. Và Hải và Trâm "hun" nhau, bạ chỗ nào cũng "hun": vào tóc, vào trán, vào mắt, vào tay, vào cổ. Họ không dám hôn nhau vào môi, bởi vì hôn nhau vào môi không tốt. Họ cùng khóc cả với nhau một chút.
Cảnh vật não nùng lắm. Xa xa tiếng cú cầm canh; những ánh đèn lù mù ở trong những rặng cây bí mật; tất cả xứ Huế nhỏ nhẻ khóc nốt mối buồn thiên vạn cổ.
Chuông hoàng thành điểm một tiếng. Trâm nói:
- Anh Hải, anh có muốn như thế ni hoài không? Anh có muốn hai đứa mình không bao giờ cách xa nhau không?
Trâm và Hải không cách xa nhau thực.
Khoảng hai giờ, họ ngồi trên bãi cỏ, dưới chân một cây thông để suy nghĩ cho thỏa tình. Ba giờ điểm rồi, họ vẫn ngồi như thế. Trâm nghĩ lại câu hát vừa nghe được khi nãy và thong thả nhắc lại từng chữ ở trong óc:
"Sống làm chi mình một ngả, tui một đàng;
Nắm tay nhào xuống suối vàng chết tươi".
Mãi khi chuông điểm bốn tiếng, Trâm mới nói:
- Hai đứa mình núp lén mà giao dươn thế ni, thực lỗi niềm ba, mạ.
Mãi về sau, trời dần dần đỡ tối và dần dần vẩn lên, thành mầu sữa. Mặt khời khẽ ló ra và những con chim đầu tiên đánh thức buổi sáng dậy. Phía ngoài, người ta đã nghe thấy xe chạy trên mặt đường. Trâm và Hải rón rén ra khỏi thành. Chính lúc họ không ngờ nhất, họ trông thấy ở phía xa có một người đàn bà đi lại. Cùng một lúc, Trâm và Hải cùng chung một ý tưởng. Có lẽ đó là bác Kiểm gái, nóng lòng không hiểu Trâm đi đâu, đang đi tìm. Bác Kiểm gái ắt giận dữ lắm. Trâm nói:
- úy cha ôi, mình!
Trâm trốn vào một cái hốc cây sum sê, và nói tiếp:
- Em chờ mình nơi đây. Mình đi lè lẹ, coi ai đương tới tề...
Hải trốn ở đằng sau một cái hàng rào ô dô, và nhận rõ ra là mạ Trâm.
- Biết làm thế nào, chừ?
Hải rình mạ Trâm đi khỏi một quãng xa mới nói:
- Chúng mình còn nhỏ tuổi quá. Nếu không, anh quyết ra nói rằng anh muốn lấy em làm vợ.
Trâm khóc thút thít.
Hải cũng khóc thút thít vì tuy Hải nghĩ vậy, nhưng trong bụng, cũng như Trâm, rất sợ chốc nữa, về nhà bị đánh đòn. Nhưng sau Hải cũng nói nỗi lo sợ của mình cho Trâm nghe. Trâm khóc ròng.
- Mình ơi, mần sao chứ mình? Chứ ba, mạ mà đập mình, đau em lắm lắm.
Đi khỏi một quãng nữa, họ thấy ở trước mặt một người kéo xe đi lại: ấy là anh Trợ, ở bên An Cựu, vốn quen biết hai nhà đã lâu. Trâm và Hải vội trốn thật mau, Trâm và Hải đợi đã lâu lắm rồi. Trâm và Hải kéo tay nhau chạy miết. Trước mặt, là sông Hương trong như thủy tinh. Không bao giờ nữa, Trâm và Hải còn dám trở về nhà. Mà Trâm và Hải lại mệt quá không hiểu mình làm những gì, vì họ thức sáng đêm. Họ tới phía ga Thanh Long vào khoảng năm giờ. Còi rít lên, xe hỏa phun khói mù mịt rồi đem người ta đi đến những chốn thực xa.
Hải nói lại câu nói của Trâm:
- Em Trâm, em có muốn như thế này mãi không? Em có muốn hai đứa mình không bao giờ xa nhau không?
Cũng như Trâm, Hải nhớ lại câu hát đối đáp của anh trai và cô gái hồi hôm.
"Sống làm chi mình một ngả, tui một đàng, nắm tay nhào xuống suối vàng chết tươi".
Trâm và Hải bước tới phía cầu Bạch Hổ. Trước khi lên cầu, họ vào ngồi trên một nấm đất rất vắng vẻ ở dưới chân cây bồ đề. Lá cây bồ đề xòe ra như một cái tán, che khuất bóng mặt trời mới mọc. Trâm và Hải tưởng như chỉ có "hai đứa mình" ở trên đời và như lúc ấy hãy còn là bốn giờ đêm. Trâm dựa đầu vào vai Hải, hò cho Hải nghe lần cuối cùng:
Chim bay về núi Sơn Trà,
Chồng Nam, vợ Bắc ai mà muốn xa.
Sự này cũng tại mẹ cha.
Cho nên đũa ngọc mới xa mâm vàng.
Phải chi lên đặng Ngọc Hoàng,
Đặng coi bộ sổ, duyên em với chàng về đâu?
Về đâu mà chẳng đặng kết bâu,
Kết bâu chẳng đặng, chịu sầu ngàn năm.
Tay cầm nhành quế lại kế nhành trâm,
Thương nhau để dạ, chết còn mang khối tình.
Trở về thì mang tiếng bạc tình.
Trở về thì phụ mẫu đánh mình, đau tui.
Cá sầu ai cá chẳng quạt đuôi,
Như lang sầu huệ, như tui sầu mình.
Tử sanh, sanh tử tận tình,
Dầu ai ngăn đón, tui cứ mình tui thương.
Bây chừ bác mẹ không thương,
Chìu theo ngọn gió tui theo chàng bước nương,
Tui với chàng dứt điệu tình thương,
Giá như Kim Trọng dứt tình thương Thúy Kiều,
Thương mình sớm dắc tối diều,
Mỗi buổi sớm mai mỗi đợi, mỗi buổi chiều mỗi trông.
Chỉ tơ quấn ống tre bông,
Gá dươn thẳng dặng, ôi! xuống sông trầm mình.
Hò xong, Trâm và Hải dắt nhau chậm rãi bước lên cầu Bạch Hổ. Nước sông chỗ ấy trong suốt và sâu thăm thẳm. Hải và Trâm vịn vào một thanh sắt ở thành cầu nhìn xuống, thấy hai cái bóng chụm vào nhau rồi tan ra, chụm vào nhau rồi tan ra... Trâm thấy chóng mặt. Hải hoa cả mắt. Hải đưa tay cho Trâm vịn. Hai người dắt nhau quay lại. Ra khỏi cầu, Hải khẽ quàng tay vào mình Trâm để giữ cho nàng... khỏi ngã.
 

Xem Tiếp: ----