Cái hợp tác xã làm miến chính thức sản xuất không quá một tuần lễ. Tráng, phơi, gỡ bánh da (thao tác này khó, bánh giỏn quá thì bị vỡ). Xếp xuống đất cho nó ẩm lại để chờ đem đi thái. Hắn ở lì dưới đó, không về nhà. Buổi trưa ăn nhì nhằng cái bánh chưng, buổi chiều thì Ky về nhà, còn hắn và Giang được con Thương hoặc thằng Hiệp mang cơm đến (lúc bấy giờ mới có xe đạp). Cứ như những ngày chủ nhật trong tù, một người được quả tắc và hai anh em ăn chung. Bây giờ đến một việc bọn hắn không thể làm được: Thái miến. Phải dúng số bánh đa đã phơi khô ấy xuống nước, cho nó mềm trở lại. Rồi cho vào máy thái. Đó là hai quả lô bằng đồng có những đường lõm xuống làm thành răng cát. Có một cái vô-lăng to. Quay tay. Chưa kể những vô-lăng, những bệ, những vòng bi... Chỉ hai quả lô bằng đồng cũng đủ làm bọn hắn không dám nghĩ tới. Đắt lắm. Gần một nghìn đồng mới được một cái máy cắt. Lại Len. Len đã gỡ cho bọn hắn khỏi những khó khăn ấy. Len đến bảo bọn hắn: “Các anh cho bánh vào bao, đèo đi với em”. Lúc bấy giờ đã là chiều, hết nắng. Cần một người ở nhà ủ lò, dẹp phên... và trông nhà. Giang bảo:- Anh Ky ở nhà nhé. Hôm nay có khi ông phải ngủ ở đây đấy. ưu tiên ông nhiều quá rồi, chưa ngủ lại hôm nào. Mặt Giang khó đăm đăm. Chẳng biết Giang nói thật hay đùa. Ba bao bánh đa đặt lên cái xe đạp của Ky cao chất ngất. Lồng cồng nên nhẹ. Ba anh em, người dắt xe, người đỡ bao. Họ đi im lặng, không ai nói một câu. Quanh co, đường hẹp giữa những ruộng muống, những ao tù. Ra phố. Rẽ vào một ngõ khác. Hai bên đường rải những rác, những xỉ than... Hắn ngoan ngoãn theo Len như theo một người chị lớn tuổi, người đưa bàn tay dắt hắn đi những bước đầu tiên, chập chững. Đã trông thấy những phên phơi bánh đa, phơi miến, tín hiệu sắp đến nơi định đến. Cả ba bước vào nhà một người làm miến, bố cô bạn của Len. Lò. Bột. Chậu. Và cái máy cắt. Bây giờ hắn mới nhìn thấy cái máy, nhìn thấy hai quả lô với những răng vuông sắc bằng đồng đỏ sáng loáng. Nhìn thấy cái vô-lăng bằng sắt, to bóng vì tay người. Nhìn thấy cái khát khao của bọn hắn.ở mảnh sân hẹp, dựng những phên phơi. Thoang thoảng mùi chua của nước bột chua, của những miếng bánh vụn ngâm từ những vại gần đấy. Và ở một cái chái góc sân, tiếng những con lợn trầm hộc lên. Thật là cơ chỉ, nền nếp. Đâu vào đấy. khép kín., Phải nuôi được lợn, tận dụng bột bẹt rơi vãi, nước chua... “Cơ ngơi người làm miến không quen biết mà Len đưa đến là lý tưởng của hắn, mơ ước của hắn. Hắn kính cẩn nhìn ông bố niềm nở đón tiếp hắn. Gặp ông, hắn sống lại cảm giác hồi hắn hai mươi tuổi lần đầu tiên gặp nhà vàn Nguyên Hồng. Và cái cơ ngơi của ông làm hắn khao khát giống như hắn đã từng khao khát viết được những trang Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu... Hắn nhìn cô con gái ông, bạn của Len như nhìn một siêu sao. Cô con gái ít tuổi hơn Len, chỉ vừa thoát khỏi tuổi thiếu nữ thôi. Với vẻ chân thật, giản dị của một người lao động từ tấm bé, cô bắt tay ngay vào việc. Lấy nia đạt bên dưới máy cắt. Chọn những lá ẩm nhất thái ngay. Và Len nhúng những lá bánh khác vào chậu nước gần đó. Cô gái xoay vô-lăng. Giang đưa lá bánh vào giửa hai quả lô, nó cuốn vào cả lá bánh làm dăn dúm và ùn lại ở khe răng, nhưng nó nhả ra những sợi miến ở phía sau. Những sợi miến sóng nhau, đều tăm tắp, với những vết cắt vuông, một màu ngà ngà. Không kìm giữ được niềm vui, hắn vớ lấy một túm miến giơ lên. Hoá ra không chỉ có những sợi dài. Có những sợi ngắn và miến vụn nữa. Nhưng túm miến hắn giơ lên là một túm miến sóng, đều, mềm oặt chẳng thua kém bất kỳ một loại miến nào. Màu nó hơi ngả vàng, chứ không trắng nõn, như vậy càng được khách hàng ưa chuộng. Nó chứng tỏ miến không pha bột gạo hay bột sắn, dù nấu xong để lâu mới ăn miến vẫn giòn. ...Hắn nhoài người quay vô-lăng. Quả là một công việc nặng nhọc. Lá bánh càng to, máy ăn càng nặng. Có những lá bánh quá cỡ phải lấy dao cắt làm hai, làm ba. Mồ hôi dính áo hắn. Len bảo: - Để em!Len quay. Giang quay. Ông bố mời hắn lên uống nước, nhưng hắn xin phép. Hắn không thể nào ngồi uống nước, khi chính Len quay máy thái cho hắn. Chỉ riêng một chuyện này hắn đã thấy Len là người tuyệt diệu. Chỉ qua Len bọn hắn đã được ông bố cho sử dụng máy, lại còn cử cô con gái giúp đỡ bọn hắn. Tối mịt bọn hắn mới cho miến vào bao xe về. Hôm sau lại như vậy. Vẫn có Len đi cùng. Hắn cảm thấy không thể làm phiền gia đình người làm miên lâu hơn nữa. Khi chỉ còn hai anh em trong căn nhà chơ vơ giữa một mảnh vườn hoang hắn bảo Giang:- Làm thế nào có máy thái, Giang nhỉ?Giang như đã có một quyết định. Giang đứng lên đi đến cái chiếu để miến mới thái ở giữa nhà, lấy hai tay quơ cho hắn một túm miến sóng nhất, phải đến hai ki-lô. Giang bảo:- Anh cầm về đưa cho chị. Để đấy. Kệ em. Bán hết chỗ này đã. Rồi tính sau. Em lo việc bán cho. Mai 14 rồi. Bán mười tư. Rằm là hết. Hắn cho chỗ miến vào một cái bao, xách đi. Đi bộ dọc vỉa hè. Qua anh Thân hắn sẻ cho anh một nắm. Khi về đến nhà, hắn đổ miến ra rổ, khoe với Ngọc, với các con, như khoe quyển tiểu thuyết vừa mới xuất bản. Còn hơn thế. Quyển tiểu thuyết hắn có thể làm được. Hắn đã làm. Đó là nghề của hắn. Đây là toàn bộ cố gắng, quyết tâm của hắn làm lại cuộc đời từ cái vạch ngang xuất phát là nơi mình đã bị tiêu diệt. Không chịu thua. Phải sống. Người ta muốn hắn chết. Nhưng hắn vẫn sống. Dù đối với hắn, khi không viết văn nữa thì cuộc sống chỉ còn là tồn tại sinh vật. Biết làm sao. Cái bản năng sống của con người rất mạnh. Phải sống qua được cơ đận này. Rồi sẽ minh oan. Sẽ đi các nơi. Pháp luật xã hội chủ nghĩa quang minh chính đại. Chế độ xã hội chủ nghĩa là công bằng nhất thế giới. Có thể có những đám mây đen che phủ mặt trời, nhưng rồi mây sẽ tan, mây sẽ bay đi. Khong ai có thể làm cho hắn mất được niềm tin vào chân lý giản đơn: Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Phải tìm cách gạp được ông Trần!Hơn một năm sau hắn mới gặp được ông Trần. Giờ đây nhớ lại hai năm mới ra tù cơ cực ấy mà sởn gai ốc, mà kinh ngạc không hiểu làm sao vẫn sống được. Hắn nghĩ: May mà dạo ấy mình mới 40 tuổi. Còn sức khoẻ. Còn chưa ngại công việc. Ngọc cũng vậy. Ngọc cũng còn sức bật. Năm ấy Ngọc mới 35 tuổi. Những năm tháng sống trên trái đất này là quà tặng quý nhất mà tạo hoá dành cho mỗi sinh vật có cái may mắn được gọi là người. “Người ta chỉ sống có một lần. Cho nên đời sống quý giá vô cùng. “Vậy mà người ta lại thích thú đi tiêu diệt đời sống kẻ khác”. Hắn đã bị cướp mất cuộc đời. ít nhất đến lúc đó, hắn cũng đã bị cướp mất những năm tháng đẹp nhất. Hắn mụ mị đi vì kiếm sống. Sản xuất được tạ bột đầu tiên, cái hợp tác xã làm miến tan. Do Giang. Giang nói với hắn:- Em không làm nữa đâu! Hắn choáng váng. Thật bất ngờ. Nhưng thực lòng hắn thấy như trút được gánh nặng. Suốt ngày đêm ở giữa mảnh vườn này. Cơm cháo chểnh mảng, ngủ vạ ngủ vật, xa vợ, xa con, như một thứ tù giam lỏng. Vốn không có. Không thể mua chịu bột mãi. Không thể thái miến nhờ mãi. Ai bán miến cho? May mà Len (lại Len) bán giúp. Len bán hàng có duyên lấm. Len bán được một buổi thì bố mẹ ra chợ lôi về. Mắng, chửi. ầm ĩ. Cô bạn Len bán hộ. Chỗ miến vụn cô bán cho những nhà bán bún chả. Được giá. Họ cho miến vụn vào nhân chả nem. Bao nhiêu cũng hết. Một buổi hắn đang ngồi xếp lại chỗ miến cuối cùng thì Len đến. Len bảo:- Em trốn bố mẹ em, đi được một tý thôi. Em đến chào anh. Anh Giang có về anh nói với anh ấy đừng trách em. Vĩnh biệt các anh!Len khóc, chạy qua vườn ra cửa, không quay lại nữa. Nguyên nhân cái tổ làm miến tan chắc chắn có phần câu chuyện của Len. Khi nghe hắn thuật lại chuyện Len đến chào, mặt Giang tái đi. Môi đã mỏng mím lại chỉ còn là một vệt thẳng. Nét mặt ấy của Giang hắn đã trông thấy ở trại Q. N, khi Giang cầm lưỡi bướm đứng trước Triều Phỉ cao lớn. Và hôm sau hắn lại thấy khi Giang làm bốc thăm chia tài sản. Có ba vật đáng giá nhất phải chia: Cái chảo gang, cái chậu nhôm, và cái chum. Tiền bán phên, bán miến đủ trả tiền bột cho chị Hiên. Hắn bốc được trúng cái chậu nhôm. Giang bốc được cái chảo gang. Và Ky: Cái chum. Hắn nhìn theo Ky bnồn bã ngơ ngác vác cái chum trên vai đi ra đường, hai bắp chân gầy cong cong của Ky bước qua vũng nước, đầu nghiêng lệch đi vì cái chum to cong đè một bên vai. Tiếng Ky rên rỉ:- Tiền có phải vỏ don đâu. Chờ Ky đi khuất sau bụi chuối phía ruộng muống, Giang bảo:- Anh có lấy cái chảo làm gì không?Hắn lắc đầu. Giang xuống bếp, cầm cả một hòn gạch ném mạnh vào chảo. “Choang”. Cái chảo vỡ vụn. Giang trở vào ngồi ôm mặt. Hắn hút thuốc lào, lặng im. Một lúc sau Giang bảo:- Anh em mình tính kế khác thôi. Mỗi người tính một kế sinh nhai khác nhau. Hắn chưa tính được kế gì thì gạo đã hết. Thao, vợ Bình xúc cho mấy bơ. Cô Linh, thủ kho chính, vợ ông đại uý đi B cho Ngọc mấy bơ. (Giờ chỉ còn Linh “goá sống” thôi. Ngọc đã có chồng ở bên rồi). Thao còn giúp được hắn nhiều hơn. Bình bảo hắn: “Mày bảo Ngọc xin giấy giới thiệu đến cửa hàng bà Thao mua giày ba-ta nhé”. Ngọc xin giấy giới thiệu mua một đôi, rồi thêm vào đó con số 0, thành mười đôi. - Sáng mai bà Thao chờ mày ở cửa hàng. Chuẩn bị tiền, bà ấy bán cho chục đôi giày ba-ta. Thao là kế toán ở cửa hàng mậu dịch. ở cửa hàng ấy có bà vợ ông Lê Cộng cũng tên là Thao nên gọi là Thao phồ, vì bà to lớn. Là cửa hàng phó, bà Thao phồ là một trong nhưtng người được quyền cấp giấy cho mua hàng. Uy tín của bà còn lớn hơn cửa hàng trưởng vì bà là vợ ông Lê Cộng. Sau khi dự hội nghị bốn bên về, tiếng tăm ông lên như sóng cồn, được cả hành phố bàn tán với một niềm kiêu hãnh. Bà Thao phồ nể Thao vì bà nhờ Thao “theo dõi anh hộ chị”. (Chả là ông Cộng rất máu gái và bà Thao phồ rất ghen. Có lần ông đã rút súng bắn chỉ thiên giữa phố để dẹp bà Thao phồ đang đánh đu lấy ông mà xỉa xói). Thao, vốn là người đại hài hước và triệt để kinh doanh những phi vụ ấy, cười rinh rích thuật lại: - Ông có biết tôi làm gì không? Thế là tôi lại đi gặp anh tôi nói: Chị đang nhờ em theo dõi anh đấy. Anh chỉ có tín nhiệm tôi quá thôi. Thao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gián điệp hai mang. Cả anh, cả chị đều quý Thao, vì Thao không phát hiện được ở anh hành vi xấu xa đĩ bợm nào. Chị cho rằng anh đã biết sửa chữa, biết nghĩ lại và ghi cho Thao mảnh giấy:Đoàn chiền thanh xí nghiệp 10 đôi ba-ta. Với Thao thì được đoàn chiền thanh xí nghiệp do bà viết vào một mảnh giấy trắng, còn hắn phải có giấy giới thiệu xin mua để bà Thao phồ phê duyệt ở bên lề. Có giấy rồi, vợ chồng hắn phải lo chạy tiền vốn. Hắn chẳng vay ai được. Lại Ngọc. Ngọc lên công ty, giật nóng mỗi người dăm ba đồng. Hắn cầm tiền lên cửa hàng mua giày. Và không biết bán ở đâu. Mua được hàng đã khó. Bán được hàng lại khó nữa. Không thể ôm một bọc giày lang thang ở chợ. Người ta có thể túm lấy anh. Ông bảo vệ chợ có thể hỏi: “Này anh kia, cho xem cái bọc. Giày à? Anh lấy đâu ra số giày này? Mua à? Mua ở đâu? Chỉ cho tôi. Hàng này là hàng nhà nước. Buôn gian bán lậu hả?” Thế là người xúm lại. Đông nghịt. Chỉ có độn thổ. Cứ cho là thoát được, vào được trong chợ, rụt rè đi đi lại lại, tia những hàng vàng khách, sà vào hỏi: “Chị có mua giày ba-ta không?” Để rồi nhận được một câu trả lời khinh khỉnh: “rẻ lắm. Mới lấy hôm qua rồi. Hôm khác đem lại nhé”. Hoặc phải mặc cả từng hào. Họ ấn bọc giày vào gầm quầy, (dù chưa ngã giá, chưa giả một đồng nào) giơ lên từng chiếc, chê bôi, lại nói to, ầm cả chợ. Bao nhiêu người qua lại nhìn mình như nhìn một con buôn (thật đáng khinh bỉ bọn buôn bán, chẳng sản xuất ra của cải vật chất, mà chỉ mua rẻ bán đắt, làm giàu). Tệ hại hơn, họ nhìn mình như nhìn một con sâu mọt, rút hàng của nhà nước. Thật là một việc ngoài sức của hắn. Lại chính Thao đã giúp đỡ hắn. Thao hẹn hắn buổi tối sang nhà. Thao đưa bắn đi bán. Hai người đạp xe đi xa. Xa lắm. Hắn kêu lên:- Sắp đến Phủ Lý chưa, bà Thao ơi!Hắn phấn khởi đấy. Phấn khởi vì sắp có tiền đã hẳn. Lại phấn khởi vì có vợ chồng Bình, những người bạn không chê vào đâu được. Thao đưa hắn đến một nhà quen có mặt hàng ở chợ Chính, bán hàng và nhận tiền. Thi thoảng Bình lại sang. Bình nói cách khác: Chín giờ mai lên cửa hàng gặp bà Thao. Đoàn chiền thanh xí nghiệp đấy. Cũng như cá mè ô 5, có nghĩa là kiên trì vượt mọi khó khăn, xếp hàng mua thực phẩm của mậu dịch trở thành câu nói Đoàn chiền thanh xí nghiệp mang nội dung lấy giấy giới thiệu ở xí nghiệp Ngọc làm, cầm lên để bà Thao phồ duyệt bán mười đôi giày ba- ta, trừ vốn đi, được lãi mười lăm đồng. Hắn đã hỏi Thao lai lịch cái chữ Đoàn chiền thanh xí nghiệp. Thao cười ngặt nghẽo:- Ai mà biết được. Hình như có một đoàn cán bộ truyền thanh xuống cửa hàng một lần. Hắn cãi:- Không phải truyền thanh. Mà chiền thanh. Chiền thanh xí nghiệp. Là cái gì? Cả Ngọc, cả Bình đều cười. Lũ trẻ cũng cười làn. Thao nghiêm túc:- Ông biết không. Nguyên tắc viết những loại giấy tờ này là không được rõ ràng. Càng khó đọc càng tốt. Cần là cái chữ ký, cái số hàng. Chữ ký của bà Thao phổ nguệch ngoạc; loằng ngoang. Chắc bà học chưa quá lớp hai. Nhưng chữ ký của bà thật giá trị. Mảnh giấy con con, một hai hàng chữ xiên xẹo và chữ ký như lò-xo của bà có giá to lắm. Hơn mọi tờ giấy bạc. Tờ giấy bạc mệnh giá to nhất lúc đó là tờ mười đồng, tờ cụ mượt. Tờ giấy của bà đưa cho hắn giá mười lăm, hai mươi đồng. Tờ bà đưa cho người khác có giá năm, bảy chục. Tờ bà tự viết và ký cho mình lên tới tiền trăm. ôi! Cái chữ đoàn chiền thanh xí nghiệp yêu quý ấy hắn đã được mấy lần. Mỗi chừ có giá trị thật cao. Vượt cả nhuận bút của Kipling chứ chơi đâu. Đến khi ấy Bình mới công nhận nhuận bút của ông thợ cắt tóc cho Bình chỉ ở hàng thứ hai. Đầu đuôi là thế này: Bình vào hiệu cắt tóc. Sau khi ngồi xuống ghế và được quàng khăn, Bình bảo ông thợ: - Ông cắt cao lên nhé - Vâng. Đuổi. Bình nhắc lại:- Ông cắt cao cho. - Vâng! Đuổi. Đến khi trả tiền. Bình đưa ba hào, ông cắt tóc nhã nhặn:- Của ông cắt đuổi. Năm hàoBình phải trả năm hào. Bình bảo: Đó là nhuận bút cao nhất. Một chữ hai hào. Rõ ràng, “Đuổi, hai hào” chẳng thể nào bằng đoàn chiền thanh xí nghiệp tiền chục được. Chỉ đáng tiếc là hắn được đoàn chiền thanh vỏn vẹn có ba lần. Hắn chỉ được hưởng hương hoa của ngành thương có ba lần. Để cấp cứu những lúc quá khó khăn mà sống. Thế rồi một hôm Dần đến. Dần bảo Dần lập một hợp tác xã cơ khí, nhưng chưa có tài khoản. - Giá có tài khoản thì có thể có hợp đồng làm quanh năm. Dần rủ hắn vào vì Dần là một trong những người sáng lập. Hắn hứa sẽ lo được tài khoản. Đó là một việc cực kỳ khó khăn. Cả thành phố chỉ có trên chục hợp tác xã được mở tài khoản. Toàn những hợp tác xã danh tiếng. Quy mô như một xí nghiệp và thực chất cũng là xí nghiệp. Đảng, tổ chức chính quyền cử người làm chủ nhiệm, làm kế toán, làm bí thư đảng uỷ. Những hợp tác xã Hồng Minh, hợp tác xã Quyết Tiến. Kiểu hợp tác xã như bọn hắn đừng hòng nghĩ đến có tài khoản ở ngân hàng. Nhưng Dần tin ở hắn. Hắn tin ở anh Thân. Công việc thuận lợi. Anh Thân bảo hắn đến nhà ông Ngoãn, trưởng phòng thủ công khu phố. Hắn đến con người nổi tiếng này, lòng lo lắng, dù anh Thân đã bảo: “Ngoãn đồng ý cấp giấy lên ngân hàng. Chú đến đi. Rồi ở ngân hàng có gì khó khăn, tôi nói cho”. Hắn lo vì Ngoãn là em ruột ông Trần, vì hắn đến nhà Ngoãn với hai bàn tay trắng. Mà hắn đã nghe nói nhiều về người phụ trách thủ công khu phố này. Về phạm vi ông ta cai quản, về những hợp tác xã ăn nên làm ra. Về dòng của cải đổ vào nhà ông ta. Về thanh thế của ông Trần mà ông được hưởng. Về những dịp lễ tết, nhà ông như ngày hội. Về những người chầu chực xin gặp ông mà không được ông cho gặp v. v... Tóm lại toàn những tin đồn ghê gớm. Ông là người ghê gớm. Hắn đến nhà ông, nhờ ông, xin ông một chuyện tày đình: Cấp tài khoản cho một hợp tác xã chưa có trụ sở, chưa có một tý máy móc, chưa ký được một hợp đồng sản xuất nào. Hắn đến ông, bao thuốc lá cũng không, chỉ mang theo một bộ mặt khó đăm đăm. Thật may. Hắn vừa đi vào thì gặp hai người khách bước ra. Một nam, một nữ. Chỉ thoảng trông cũng biết là những người giàu có, sang trọng. Quần áo của họ rặt những thứ lý tưởng, tiêu chuẩn hoá. Nam sơ-mi xanh nhạt, quần xi-mi-li màu mực Cửu Long. Nữ quần xa tanh là phẳng, áo phin nõn. Mặt họ bừng sáng lên những nụ cười. Hai xe đạp Peugeot líp kêu giòn tanh tách. Thoảng qua hắn một làn khói thuốc thơm. Hắn bước vào nhà ông Ngoãn, rụt rè, sợ sệt gần như tuyệt vọng, với niềm an ủi duy nhất: Chỉ có một mình ông. Khách khứa đã về hết. Hắn sẽ nói được thoải mái hơn. Kể lể khó khăn và van nài dễ hơn. Dù có bị khước từ cũng đỡ nhục nhã. Ngoãn nhận ra hắn ngay. Chả hắn giống anh Thân. Và chắc Ngoãn vẫn nhớ lời hẹn với anh Thân, nhắn hắn đến. Ngoãn bắt tay hắn, cái bắt tay nhiệt tình chờ đợi. Ngoãn mời hắn ngồi xuống ghế ở hành lang cho mát. Rồi Ngoãn vào nhà, xách ra nào bia, nào bánh ngọt, nào thuốc lá, đặt cả lên cái bàn vuông con. Ngoãn mở bia rót ra cốc và nói với hắn một cách chân tình:- Ông ăn đi. Uống đi. Của người ta cho tôi đấy. Tôi không mất tiền đâu mà ông sợ. Hắn ra về với bộ mặt đỏ ửng vì bia, cái công văn của phòng thủ công nghiệp gửi ngân hàng thành phố đề nghị cho hợp tác xã Đồng Tâm được mở tài khoản đút trong túi áo sơ-mi trắng, cái áo sơ-mi anh Diệu cho mà hắn mặc rất vừa. Hắn không ngờ Ngoãn đối với hắn nhiệt tình như vậy Tốt và thông cảm như vậy. Ngược lại hẳn với những lời đồn đại. Hắn nghĩ: Hay là Ngoãn biết ông Trần đã gây đau khổ cho hắn. Và Ngoãn muốn làm giảm một phần nỗi đau của hắn chăng?