Vạn vật biến chuyển. Đúng như vậy. Năm năm tù trở về, hắn ngạc nhiên nhất là bể nước của số nhà hắn ở đã cạn khô. Một cái bể ngầm gần mười khối, ống chì, lúc nào nước cùng đầy tràn mà nay chẳng còn một giọt. Người bảo tại cây bạch đàn của ông Tri giồng ngay trên đường ống. Rễ nó vặn vẹo ống chì làm tắc ống. Rễ nó đâm thủng ống chì và thút nút ở trong ấy. Đó là ý kiến của bà Bượng. Cũng có thể thế. Dọc từ tường hoa vỉa hè vào đến bể nước, ông Tri, một ông làm ở viện kiểm sát đã giồng một rặng bạch đàn từ ngày hắn chưa đi tù. Giờ đây những cây bạch đàn ấy chọc thẳng lên trời xanh. Có lẽ đúng tại dãy bạch đàn ấy thật. Chứ không làm sao ống nước lại hỏng?Nhưng ông Tri thì lại bảo tại bà Bượng giồng rau, giồng chuối, cuốc vào đường ống đặt ngầm dưới đất. Không còn biết đâu mà lần nữa. Chỉ biết rằng tự nhiên bể nước cạn khô. Cái bể nước khi trước lúc nào cũng đầy, trong vắt. Không có nước cả xóm phải đi gánh. Ngọc đặt một cái thùng chứa con con trong bếp, nguyên là thùng đựng đất đèn, quà tặng của Thao và Bình. Nước thì xách ở ngoài máy công cộng, cũng gần thôi. Khi máy khoá phải đi sang phố khác, xa hơn. Ngọc trích trong khoản tiền hắn được anh em bạn bè cho, mua một đôi thùng tôn đen, quét sơn hắc ín. Hắn hai tay hai thùng xách băng băng. Chỉ có giặt là hơi phiền. Phải mang ra vỉa hè, giặt ngay ở vòi nước. Năm năm đi xa về, hắn thấy trong số nhà của hắn một thanh niên lạ mặt, da thiết bì, tiếng oang oang như lệnh vỡ, con rể gia đình ông bà Bượng, công an bên dưới. Anh ta cũng là công an. Hắn rất sợ chất giọng nam trung sang sảng của anh ta, nhất là tiếng anh ta quát:- Trên gác lại giội nước đấy hở? Ai giội đấy?Hắn giội nước vào cái hố tiểu trên gác. Từ cái hố tiểu ấy, nước xuống một đường ống đặt sát tường phía trong nhà xí bên dưới. Anh thiếu uý công an thét làm hắn rụt tay lại. - Đang ngồi ỉa thì giội nước, bắn hét cả người đây này. Hắn thò đầu ra cửa sổ xin lỗi:- Vâng, vâng, tôi không biết. - Chết thật, các bố... Bà Bượng, bà mẹ vợ anh thiếu uý thấy cần phải chen vào cuộc đối thoại:- ống nó bục đấy, chú ạ. Thế là lại phải thuê người đục tường, gắn lại cái ống. Hắn cũng chẳng hiểu tại sao cái ống lại bục, nếu không có người đập. Hắn sợ nhà ông Bượng. Ông Bượng là công an. Con gái là công an. Con rể là công an. Nhưng chính ông Bượng lại thông cảm với hắn. Trong một lần gặp nhau ở cầu rửa, nơi hắn đã nghe lời tuyên bố lịch sử “Hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây”, ông Bượng bảo hắn:- Tôi đã đọc hồ sơ của chú. Bây giờ chúng nó khốn nạn thế đấy. Đảng viên cũng còn hại nhau đến nơi. Ông Bượng làm ở phòng hồ sơ. Hắn nghe ấm cả lòng. Nhưng ông Bượng chẳng có tác dụng gì ở số nhà này. Mọi công việc, mọi tác động đều ở bà Bượng. Bà là người ghê gớm. Một cái bóng bao trùm lên tất cả. Bà không biết chữ, chỉ ở nhà cơm nước. Một công việc vất vả, khó khăn, vì đồng lương của ông có hạn. Bà phải đảm bảo cho cả gia đình tám người. Sáu đứa con và hai ông bà. Cuộc sống của gia đình bà cực kỳ eo hẹp. Lũ con bà chưa đứa nào học hết cấp hai. Sáu đứa con gái. Đứa lớn, xinh đẹp, đứa làm khổ hai ông bà nhiều nhất, cái đứa bây giờ là vợ anh thiếu uý công an ấy. Nó sống với những bản năng, không ai có thể ngăn cản được. Bố đánh, mẹ khuyên, nó nghe, nhưng đâu vẫn đóng đấy. Nó đi chơi, cả ngày lẫn đêm. Có khi nó về nhà, nhưng sợ bố mẹ, định đi nữa. Thương nó nhịn đói, Ngọc gọi lên, cho nó ăn cơm nguội. ăn xong, nó lại đi. Có nhiều chàng trai đến nhà ông bà Bượng, nửa như con nhận nửa như cháu họ xa, ý định lăm le làm rể ông bà. Nhưng rồi chính chàng rể tương lai lại phải cùng với ông bố đi lùng sục cô con gái cả đêm (có khi cả hắn cũng được ông Bượng huy động vào việc ấy) Dáng người thon thả, eo nhỏ ngực nở, da trắng, má non bễu, mắt đen long lanh, nó có vẻ đẹp của tuổi trẻ tuyệt vời, tuổi trẻ không gì sánh được. Bây giờ hẳn ông bà đã yên tâm về nó. Cả nhà chỉ có cô gái lớn ấy ít nói. Ông Bượng cũng đã xin cho nó làm công an. Còn năm cô gái sau, cô nào cũng học được tính chua ngoa của bà. Mẹ con bà chỉ chua ngoa với những người dám chống lại bà thôi. Chứ với hắn thì không. Hắn và Ngọc vốn biết điều. Tránh mọi va chạm. Có miếng ăn cũng ý tứ, biết kín đáo. Hắn không nấu ở bếp chung dưới nhà. Bếp của hắn là cái lò sưởi, ngay trong buồng. Hắn vừa nấu vừa viết, nói chuyện với Bình: cùng với Ngọc tiếp Phượng. Sau này hắn nấu trong cái xép đựng rượu của Tây ngay trên gác. Lũ trẻ đã lớn, phải nấu nồi to, lò sưởi bị chật. Thi thoảng Ngọc lại cho lũ trẻ nhà bà quả chuối, quả ổi... Nhiều tối bà lên gác chuyện với Ngọc về cuộc đời gian lao của bà, vất vả từ bé, gánh vã, buôn rau, đánh nhau với cảnh binh... Bà còn dạy lũ trẻ nhà hắn một bài hát chơi đi trốn đi tìm. Cả nhà nhập tâm ngay vì nó rất lạ: Xi bà loong toong cà. Xi bà các tùng bê. A lê đi ra. Búp-bê đi ra. Con kiến đi ra. Con ma bắn bùm. Cào cào bám đít. Bọ xít thối tai. Mời anh đi ra!Công bằng mà nói, bà cũng có vài tác dụng tích cực trong cuộc sống của số nhà đông hộ này: Như sáng chủ nhật, đôn đốc vệ sinh. Chỉ đích danh những người đi ỉa mà không chịu giội nước (hệ thống giật nước thời Tây để lại không dùng nữa, vì không có máy bơm, bơm lên bể trên sân thượng). Tiếng bà sang sảng, như tiếng anh con rể, cả khi dạy dỗ con cái, nói cạnh nói khoé, hay chửi nhau tay đôi. Hắn trước đây chỉ nghiên cứu bà một cách không tự giác, theo cái vô thức của người viết, mà không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc viết về bà, vì điều đó sẽ là bôi đen chế độ, bịa ra những nhân vật xa lạ với hiện thực. Giờ đây hắn sợ bà. Như sợ ông an, nh sợ những người cần phải sợ, phải giữ gìn cẩn thận. Ngoài một hộ độc thân, một công nhân lái cần cẩu chân đế ở cảng đi làm ca kíp như một cái bóng, dưới nhà có ba gia đình, và cả ba gia đình luôn bất hoà, luôn cãi nhau. Hắn cũng chẳng nhớ được vì sao họ cãi nhau. Có thể vì con ngan của bà Tri ỉa một bãi ngay cửa nhà bà Bượng. Hay vì nấu chung bếp, nắm mùn bị mất. Vì nồi cá đang kho bị vẹt di. Vì mùi xào nấu của một nhà nào đấy thơm quá. Hình thành một thế chân vạc. Như Ngụy, Thục, Ngô. Khi Nguỵ, Thục liên kết. Khi Thục, Ngô liên kết. Khi Ngụy, Ngô cùng chống Thục. Nhưng bà Bượng dù có liên minh hay không, bao giờ cũng vững như bàn thạch. Cái nhà ở gần bể nước, nhà ông Tăng, cán bộ liên hiệp xã, một gia đình thuộc loại có máu mặt, thế đang lên (cán bộ thủ công nghiệp cả một khu phố cơ mà) cũng đã tưởng có thể coi thường bà như coi thường những người khác, như coi thường hắn. Và ông ta đã phải nhận một bài học. Một bài học nhớ đời.Ông Tăng là người chiếm đất làm căn nhà đầu tiên ở khu vườn mênh mông của cái biẹt thự này. Ngôi nhà xinh xinh gần hai mươi mét vuông thôi. Ông chẳng nói với ai, nhưng phải nói với bà Bượng, vì bà giồng ở đó mấy khóm chuối. Ông Tăng phải đền tiền và chị chị em em ngọt xớt với bà. Rõ ràng cái nhà ấy làm được là do của đút lót. Thế, một người quen hắn, viết lách tạm tạm cũng muốn đi vào sự nghiệp văn chương, sau phát hiện ra mình nhầm lẫn, bèn chuyển hẳn sang làm nhựa, một ngành nghề mới mẻ, dễ phất. Thế đã biếu ông Tăng toàn bộ chỗ ngói lợp, lại còn thuê xe bò chở đến tận nhà cho ông. Mỗi người, mỗi tổ hợp tác lo một tý. Còn bao nhiêu người làm thủ công khác nữa. Dạo ấy Thế bắt đầu giàu. Từ một máy đùn nhựa, Thế dựng thêm một máy đùn nữa. Chuyên sản xuất guốc nhựa, dép nhựa. Thế có một bọn lau nhau làm thuê. Hắn ngỏ ý xin làm ở chỗ Thế, nửa đùa, nửa thật:- Mình với cậu đều đã học Mác. Hiện nay mình đang không có ai bóc lột. Cậu bóc lột mình đi. Nói có vẻ đùa thế thôi, chứ trong bụng hắn rất muốn Thế nhận lời. Giá Thế thuê hắn. Giá Thế bóc lột hắn. Sung sướng biết bao. Nhưng Thế bảo: “Thợ thừa rồi”. Chỉ có điên mới nhận một người bạn hơn tuổi, vốn là bậc đàn anh vào làm công cho mình. Thế không điên. Dạo ấy Thế đã biết phải tránh những người nào và giao dịch với những người nào. Ông Tăng là một nhân vật quan trọng, phải mời đi ăn, phải nhớ những ngày rằm tháng Tám mà đem bánh nướng bánh dẻo đến, Tết phải có gà thiến, gạo nếp (dạo ấy chưa sính rượu ngoại, thuốc lá ba số biếu ông... Nhà ông Tăng lúc nào cũng đông người lui tới. Sau khi xây nhà xong, ông Tăng tổ chức gả chồng cho con gái. Khách khứa nườm nượp. Xe đạp chật vườn. Mượn cả nhà cô đồng hồ trên gác để khách lên ăn uống. Ông mời tất cả hàng xóm. Trừ nhà hắn. Pháo nổ mù mịt. Thuốc lá thơm lừng. Giày bóng loáng lên xuống thang rầm rập. Ông Tăng đưa đón khách, luôn miệng cám ơn. Khách say sưa. Cười ha hả. Nói to tát. Ông Tăng nhận tiền mừng. Toàn những món sụ. Những dân thủ công coi dây là dịp may để lấy lòng ông Tăng. Những cán bộ khu phố, thành phố, công an, những bạn nhậu với ông, những hàng chức sắc, hái ra tiền... Hắn đóng chặt cửa. ở trong nhà, hút thuốc lào khan. Cảm thấy nhục. Hắn và vợ con hắn không thể quên được nỗi nhục trong ngày hôm đó. Cũng như hắn không thể quên được sáng hôm sau. Cả nhà ông Bượng, nói đúng hơn là bà Bượng, các cô con gái và anh con rể là người đàn ông duy nhất trong số đó, khiêng cái chuồng gà to, lợp lá từ phía trong chạy ra. Người khiêng, người đỡ mái, đỡ cột cho nó khỏi đổ, vừa chạy, vừa í ới “hai ba nào”, “đỡ đỡ cái cửa... “và đặt ngay cạnh căn nhà mới xây của ông Tăng, nơi cô dâu chú rể còn đang thiêm thiếp. Đó là một hình thức khẳng định chủ quyền đất đai, vùng biên giới”. Bà Bượng giồng chuối, rau dền, rau cải, dây khoai lang ở mọi chỗ. Phải đến vài trăm mét vuông. Ông Tri chiém được một ô con và trồng một dãy bạch đàn sát tường. Về sau ông còn quây sân lại. Bà Bượng đã nhiều đất. Bà đành phải nhìn phần đất ngon lành rơi vào tay người khác. Mọi người đều ghét bà Bượng. Ghét nhưng sợ. Đã có nhiều cuộc vùng lên chống lại bà, nhưng đều thất bại. Bà kể vanh vách những chuyện trong gia đình người khác. Bà lôi cả danh hiệu đảng viên của ông bà Tri ra chửi. Bà chửi ông Tăng. Chửi hiện đại. Bà không dùng những câu kinh điển, chửi thằng rải chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế nhà mày. Hay con gà nhà bà là con gà, về nhà mày nó là con hùm tinh đỏ mỏ. Bà có cách chửi của bà. Vừa hiện đại vừa mang tính thời sự nóng bỏng. Bọn sâu mọt. Bọn đục khoét. Bọn ăn đút lót. Bọn khốn nạn rồi sẽ bị truy tố. Tưởng rằng vơ vét được mà khinh bà ư? Bà nghèo, nhưng bà trong sạch. Xã hội chủ nghĩa mà khốn nạn (ôi! Hắn chưa bao giờ nói nàng bậy bạ như vậy mà đã vào tù rồi. Có lẽ vì hắn là người có học. Làm sao có bọn khốn nạn trong xã hội xã hội chủ nghĩa được). Trong đầu ỏc đã mụ mị đi của hắn vẫn còn văng vẳng tiếng chửi của bà. Có lẽ vì nó đã làm hắn vui lên một chút trong những năm tháng cùng cực ấy. - Cha tiên nhân nhà mày. Bà giồng hai cây chuối ở đây thì có động mồ động mả nhà mày không, mà mày xui con xui bố mày ra vặn cho nó chết. Cái cây nó có tội tình gì. Thằng cha mà bẻ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng con. Thằng con vặn cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng cha nhà chúng mày. Bà ở nhà, không có việc làm thì bà giồng cây chuối để cho con bà thêm miếng ăn, mà có bao giờ bà ăn một mình bà đâu. Đất của nhà nước bà giồng. Đến khi nào chính phủ đòi thì bà giả. Có phải đất từ đường hương hỏa nhà mày không, mà mày làm như vậy. Cứ bảo làm sao lắm mồm. ở với cái quân khốn nạn thế làm sao mà không nói được. Nó lại bảo như ở đây bao nhiêu năm, ai thế nào thì người ta biết. Bà báo cho thằng già, thằng trẻ, con trai, con gái nhà mày biết, bà không ăn cắp, không ăn hối lộ của ai, bà làm còm cọm bà nuôi con, hai cây chuối này mà chết thì bà bắc ghế chửi ba tháng mười ngày. Bà nói trước cho mà biết. Sáng ra bà chưa súc mồm súc miệng bà đã chửi cho nó độc. Chửi đủ ba tháng mười ngày. Ai lại cái cây như. thế mà nó làm chết, có khác gì Mỹ - Thiệu không” Hôm nay là ngày mồng bốn tháng sáu năm Bính Thìn. Tao còn chửi đủ ba tháng mười ngày. Sáng ra chưa súc mồm súc miệng tao chửi một chập. Trưa tao chửi một chập. Tối về tao chửi một chập. Thằng già bẻ của tao là nó bẻ cổ con, cổ cái nó, thằng trẻ bẻ của tao là nó bẻ cổ cha nhà nó. Tao nghèo, tao tăng gia tao ăn. Bác Hồ dạy như thế tao làm. Tao không ăn hối lộ. Tao không bòn rút mà chúng nó phải ghen ghét. Bà thực hiện đúng những lời mà có lẽ trong lúc hăng lên, ngẫu hứng bà tuyên bố. Chửi liền ba tháng mười ngày. Sáng ra chưa súc mồm, súc miệng đã chửi cho nó độc. Nhưng bà chỉ chửi có một chập buổi sáng, bớt đi hai chập trưa và tối. Bà không chửi đứng. Bà xách cái ghế đẩu ra, ngồi cho nó đàng hoàng. Có lẽ bà nghĩ thế cũng đủ vì buổi sớm mai bao giờ cũng là quan trọng nhất. Chửi vào buổi sớm mai lời rủa của bà sẽ ám suốt cả một ngày. Sáng sớm từ trên giường xuống bà đã xách chiếc ghế đẩu ra ngồi chỗ gần cửa sổ nhà ông Tăng, bắt đầu những lời kể tội và những câu nguyền rủa: - Cha tổ thằng chồng không biết dạy con vợ, con vợ không biết dạy thằng chồng. Thằng con không biết bảo thằng bố. Thằng bố không biết bảo thằng con. Nhân dân lao động còn khổ vì chúng mày. Bao nhiêu chiến sỹ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn. Cả nhà hắn nín thở lắng nghe, không dám gây ra một tiếng động mạnh, không dám thò đầu ra cửa sổ lấy khăn mặt, không dám xuống nhà đánh răng rửa mặt, nhịn cả ỉa vì sợ bà trông thấy, bà lôi vào cuộc. Trong xà lim hắn phải luyện mãi mới có thói quen đi đồng buổi sáng trước khi đổ bô để đỡ mùi hôi thối ướp vào xà lim, vào người, vào nội vụ. Trong đợt ba tháng mười ngày này hắn đã điều chỉnh ngay tắp lự thói quen ấy vào buổi chiều. Chả cứ gì hắn. Cả số nhà lúc ấy đều lặng ngắt như tờ, như còn đang ngủ mê ngủ mệt. - Cha tiên nhân thằng già thằng trẻ nhà mày. Bà nghèo bà lao động nuôi con nuôi cái bà. Bà không ăn hối lộ. Mày như con bọ hung thấy đống phân là rúc vào. Nào. Cả nhà ra đây xem cây chuối này bị bẻ hay là nắng nó chết. Bà giồng mày bẻ thì bà phải chửi. Mày không bẻ thì làm gì mày động lòng. Mày ăn hết cả phần phúc đức của bố mẹ mày. Mở miệng thì toàn là cách mạng đạo đức, mà việc làm là bòn rút hại người. Tuần rằm nào cũng hương khói nguyện cầu, mà lòng dạ mày toàn rong rêu. Hay là bà giồng ở đây là giồng vào mả tổ mẫ tiên mả cụ mả kỵ nhà mày. Thì mày cũng bảo với bà một câu. Rằng đây là mả tổ nhà tôi... Liền ba tháng mười ngày như vậy. Mỗi ngày được tái bản, câu chửi đều có bổ sung và phát triển. Sáng sớm, chửi liền nửa tiếng xong bà về. Rót nước súc miệng. (Bà không đánh răng. Chỉ súc miệng). Gọi con cái bằng một giọng khác hẳn, “Hà ơi”. “Loan ơi”. “Dậy. Dậy”. Rồi ra quét sân. Giục lũ con ăn cơm nguội đi học. Bình thường như đã quên hẳn chuyện chửi nhau. Chủ nhật bà đi người không. Không cầm ghế. Bà đủng đỉnh lẹp kẹp đến chỗ bà vẫn đến, chõ vào cửa sổ nhà ông Tăng, dõng dạc tuyên bố.. - Hôm nay ngày 14 tháng 6 năm Bính Thìn, chủ nhật. Bà nghỉ. Rồi lẹp kẹp đi vào. Hắn chỉ chờ tiếng dép ấy để sinh hoạt trở lại bình thường, chấm dứt cảnh nín thở toạ sơn quan hổ đấu. Có một lần Bình sang nhà hắn sớm vì một việc gì đó đúng vào thời gian bách nhật, Bình đã nghe thấy bà Bượng chửi. Bình cười: - ái chà. Lại chửi cả làng Vũ Đại. Hắn phải giơ tay ra hiệu cho Bình nói khẽ. Bình thì thào:- Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: Chắc nó chừa mình ra. Và Bình đánh giá tương quan lực lượng nếu Bình thi đấu với bà Bượng. Anh nói chỉ vừa đủ nghe: - Tao thua. Tao hàng. Tiết mục “ngày hôm nay mười bốn tháng sáu năm Bính Thìn, chủ nhật, bà nghỉ” thì vô địch rồi. Võ sĩ hạng nặng. Poids lourd. Mình chỉ loại ruồi thôi. Địch sao được. Nhà hắn bây giờ chỉ còn Bình lui tới. Đúng thôi. Không phải người ta sợ đâu mà vì hình như tất cả đều đã đọc Nítsơ: “Thật khủng khiếp khi nhìn thấy kẻ không mang gánh nặng nào khác ngoài sự bất công họ phải chịu”. Hắn nhếch mép cười khi nhớ lại những ngày rầm rập bạn bè. Bao nhiêu người đến với hắn. Người ta đến vì hắn là một người đang nổi lên. Đến với hắn, để nhờ hắn đọc cho một truyện ngắn. Để hắn giới thiệu với một người bạn hắn ở nhà xuất bản. Đến với hắn để có thể nhìn thấy Nguyên Hồng đang nằm phe phẩy cái quạt nan, hoặc uống rượu với lạc rang ở sàn nhà hắn. Để có thể nói với cô bạn gái mới quen rằng đã gặp Quang Dũng đang ngồi vẽ ở cửa sổ nhà hắn. Để có những thông báo dí dỏm, nhưng chính xác và nhất là độc đáo về lớp viết văn trẻ... Nghĩa là đến nhà hắn để được kích thích làm việc, được sống trong không khí văn chương và lấp lánh đồ trang sức làm bằng văn nghệ. Trong số những người thành thật quý mến, tin tưởng và phục tài năng của hắn, có một thông tin viên trạc tuổi hắn. Đó là một người bạn tốt, trăn trở với nghề viết và đang hoàn thành một tập truyện ngắn. Nhiều chủ nhật, hai người ngồi với nhau, kể cho nhau nghe những dự định, những chi tiết... Khi hắn về đã được vài tháng, nghĩa là chuyện được tha của hắn không còn là thời sự nữa và những người hăng hái, sĩ diện cao nhất, đều đã đến thăm hắn một lần lấy lệ để sau đó có chạm trán ngoài đường cũng giả cách không trông thấy, hắn gặp anh thông tin viên ham viết lách, quý mến hắn, đang sửa đồng hồ ở cửa hàng cô đồng hồ đầu ngõ. Lúc ấy anh ta đang đứng ở một tư thế làm hai người nhìn thẳng vào nhau. Anh ta luống cuống:- Tuấn! Về bao giờ?Và giơ tay định bắt tay hắn. Hắn nhếch mép, nhìn anh ta, khinh bỉ và hét lên:- Vâng! Chào anh!Anh thanh niên càng luống cuống hơn:- Sao? Khoẻ chứ? Mình không biết cậu về... Hắn nhắc lại câu nói với đầy đủ sắc độ như người bật lại máy ghi âm:- Vâng! Chào anh!Và hắn đi lên gác. Hắn cảm thấy nghẹt thở. Cái câu chào như chửi vào mặt người ta ấy hắn không chỉ nói với anh ta. Đó là những gì dồn nén lại trong lòng hắn đối với cuộc sống tráo trở và bẩn thỉu. Là sự lợm giọng đối với chất người sa sút mà anh thông tin viên kia chỉ là đại diện. Bình là những gì tốt đẹp nhất cuộc đời vẫn dành cho hắn. Bè bạn có ai lên thăm hắn, ngoài Bình. Hắn chuyển trại nào, Bình lên trại ấy trong hoàn cảnh chính Bình cũng đang khốn nạn. Điều đó là khiêu khích nền chuyên chính. Là thách thức về lập trường quan điểm. Là coi thường nguyên tắc. Là đem sinh mạng chính trị của chính mình ra đùa cợt. Là một cách lên án đám đông bè bạn. v. v... và v. v... ở thành phố này hắn vẫn còn một nơi để đến: Nhà Bình. Sau này khi Bình đã chuyển về Hà Nội, hắn hiểu được cái khủng khiếp có thật của nhân vật trong Đostoiepski khi con người không có nơi nào để đi đến nữa. Không có ai để than thở về nỗi khủng khiếp ấy, hắn lại lẩm bẩm một mình như gần đây hắn hay lẩm bẩm một mình:- Không còn nơi nào để đến thì khủng khiếp thật! Không ai hiểu được điều ấy đâu. Hắn lắc đầu khiến Ngọc ngơ ngác nhìn hắn. Ngọc xót xa thấy rõ con đường hắn đang đi, cái đích hắn sẽ đến. Nàng đau khổ hiểu rằng: Cả hắn, cả nàng không có cách gì thoát khỏi cái mà cuộc đời đã dành cho hai người. Nàng thương chồng, nàng thương nàng. Nàng cam chịu. Nàng tìm nguồn an ủi ở những nơi thờ cúng, ở khói hương... Nàng lập bàn thờ ở nhà. Và nàng đi lễ...