Hắn đến đồn đúng giờ. Cái giờ hẹn lửng lơ: Chín giờ sáng. Hắn đưa giấy cho anh công an thường trực. Người thường trực chỉ vào buồng trong. Phòng trong đông người. Những bộ sắc phục công an màu vàng bao giờ cũng làm hắn nhớ đến những năm tháng vừa trải qua ở các nhà tù. Những giây, phút, giờ, ngày, đêm, tháng, năm ấy dù đã qua rồi nhưng vẫn chưa đi vào kỷ niệm. Nó lừng lững bên hắn. Đổ bóng xuống hăn như đỉnh Phan Si Pan chất ngất đổ bóng xuống người đứng ở dưới chân. Bà Yên một phụ nữ còn trẻ, thu lại cái giấy do chính bà ký và đưa hắn vào một phòng bên cạnh. Một người mạc thường phục đang ngồi trước bàn làm việc chờ hắn. Hắn có trấn tĩnh để đứng vững. Để khỏi ngã. Để khỏi bật ra một tiếng kêu thảng thốt. Để bình tĩnh nhìn vào định mệnh. Ông Lan! Hắn lại nhìn thấy ông Lan. Hắn nhìn thấy ông Lan đang ngồi chờ hắn. Bà Yên ngồi xuống chiếc ghế ở đầu bàn. Hắn ngồi xuống cái ghế đối diện với ông Lan, theo lời mời của bà Yên. Hắn hiểu bà Yên- chỉ ký giấy mời hắn ra dồn. Người đối thoại với hắn là ông Lan. Ông Lan vẫn như vậy. Nghiêm khắc. Không có tuổi. Sắc lạnh. Quyền uy. ý thức được công việc mình làm là cao cả thiêng liêng. Vững tin ở sức mạnh trong tay để bắt hắn quy phục dù hắn có cựa quậy, chống đối. Ông hỏi thăm tình hình hộ khẩu của hắn, tem phiếu của hắn. Đấy quả là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống con người, đối với hắn. Nhưng hắn hiểu ông Lan không quan tâm đến điều ông vừa hỏi. Ông thừa biết hắn đã được hộ khẩu. Câu hỏi thăm nhập đề của ông dịch nghĩa ra là lời kể ơn: "Chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh”. Hắn thành thật cảm ơn ông Lan, bà Yên, cả Sở Công an nữa về điều ấy. Khi cầm quyển sổ hộ khẩu có tên hắn. hắn đã thấy nét mặt Ngọc sáng lên như thế nào. Điều ấy mang giã trị to lớn về mặt pháp: công nhận hắn dủ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu thành phố bảo dảm mọi tiêu chuẩn cho hắn như những công dân khác, xác nhận hắn được ở với vợ con hắn. Có thể ông Lan tin những lời cảm ơn của hắn là thành thật vì ai cũng biết điều ấy mang lại cho hắn nhiều thứ cơ bản lắm. Ông hỏi về dự kiến tổ chức cuộc sống của hắn. Hãn thở dài. Hắn cũng chưa biết sinh sống bằng cách gì. Vấn đề đó sẽ phải nghĩ đến, nhưng bây giờ thì chưa. Hắn cũng còn một ít tiền. Tiền các anh chị cho. Bình cho. Mười cân gạo của bố mẹ mà Ngọc đèo đi. Một người anh em kết nghĩa của anh Chân là thợ gò, rất quý hắn cho hắn những năm chục. Quần áo cũng kha khá. Mỗi người cho một bộ. Hơn nữa hắn lại quen kham khổ. Ngọc cũng vậy. Cả lũ trẻ nữa. Đều quen kham khổ. Hắn chẳng cần thuốc men bồi dưỡng. Hắn chỉ cần nghỉ ngơi ít ngày. Hắn lễ phép nói với ông Lan: - Thưa ông, tôi cũng chưa nghĩ được rằng mình sẽ sống bằng cách nào. Làm gì để sống. Không ngờ được gặp ông hôm nay, tôi xin ông cho tôi xin lại số bản thảo của tôi. Đó là công sức mười năm lao động của tôi. Ông Lan nghiêm khắc nhìn hắn: - Chúng tôi sẽ trả anh vào một thời điểm thích hợp. Đó là một cách nói không cho bàn cãi, van xin. Như cách nói của một ngườl giàu có đuổi người ăn mày ngày nào cũng được mình cho của bố thí nay lại đến quấy rầy trong lúc đang ăn. - Đi đi, để lúc khác. Hắn dị ứng với hai tiếng thời điểm của ông. Một cách hẹn trả để không bao giờ trà. Hắn biết nói nữa cũng vô ích. Hắn ngồi im. Ông Lan động viên hắn ở nhà tích cực chấp hành chính sách, nhìn về tương lai. Con cái hắn đã lớn đang cần sự có mặt của hắn, của người bố. Chính vì vậy mà Sở đã để cho hắn về. Và tin rằng hắn sẽ biết rút kinh nghiệm, trở thành người công dân tốt. Điều nhân đức của ông làm hắn nhếch mép cười. Không kìm giữ được, hắn nói thẳng với ông Lan. - Thưa ông. Việc đầu tiên tôi phải làm là trình bày vấn đề của tôi trước Đảng. Điều ấy chứng tỏ tôi còn tốt, tôi vẫn có lòng tin. Nếu tôi không đặt vấn đề ra để Đảng xem xét lại nữa thì tôi xấu rồi, tôi mất lòng tin rồi. ở đồn công an về, hắn cứ bàng hoàng mãi. Hắn không ngờ lại gặp ông Lan. Không ngờ số phận hắn gắn chặt với ông Lan đến thế. Ông Lan vẫn không buông. tha hẳn. Vẫn không quên hắn. Năm năm rồi ông vẫn không quên hắn. Cả khi hắn đi các trại. Cả khi hắn được tự do, hắn được ra tù. Hắn hiểu quãng đời còn lại của hắn thế là hết. Bởi vì nó gắn chặt với ông Lan, với Sở Công an. Họ không rời hắn. Như Gia- ve không chịu rời Jean ValJean. Không. Không đúng. Sự so sánh ấy khập khiễng. Jean Valjean ít ra còn có tội. Hắn thì không. Chưa ai buộc tội hắn. ông Lan cũng không phải là Giave. Thật ra Giave là một cảnh sát rất có trách nhiệm, tận tụy và vô cùng trung thực. Đất nước này đang cần những Giave. Gặp ông Lan hắn lại nhìn rõ những ngày hắn mới bị bắt. Hắn cùng ông Lan soạn đống bản thảo. Phòng hỏi cung vắng vẻ. Dãy xà lim 76 hoang vắng. Dãy xà lim 75 tối tăm. Những trại tù. Những người tù mòn mỏi và những vùng rừng trùng điệp heo hút. Và điều khủng khiếp nhất đã đến với hắn trong suốt một thời gian dài sau đó. Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người đi trên đường, hắn giật mình: "Quái nhỉ. ở trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ". Những người đi trên đường khóng một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu. Khắc khổ. Suy nghĩ. Uể oải. Mệt mỏi. Đi mà chẳng nhìn thấy gì, chỉ thấy nỗi lo mang nặng trong lòng. Đi như co người lại. Như kéo lê quá khứ. Và sợ hãi tương lai. Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy. Nhưng rồi hắn giật mình: "Chẳng lẽ lại nhiều người đi tù về đến thế. Đất nước lắm người đi tù đến thế? ”Và hắn hoảng lên: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi”