Sau này, ôn lại những kỷ niệm về già Đô hắn thấy đó là những kỷ niệm nặng nề nhất trong cuộc đời hắn. Hắn nghĩ: Chính hắn đã ích kỷ, chỉ biết mình và đã góp phần vào tội ác. Tất nhiên hắn thấy lời buộc tội ấy là vô lý, bất công, nhưng sao nó vẫn cứ dai dẳng thế. Chẳng làm sao rũ được ý nghĩ mình đã vô trách nhiệm với già. Khoảng một tháng sau, già Đô trở lại nhà hắn. ở nhà hắn đi ra như thế nào, già trở lại cũng y như vậy. Một Vitali cô đơn, bị bọc, rách rưới, mang xách, nặng mùi. Có một điều khác: Tàn tạ hơn, mệt mỏi hơn, nhưng ẩn một tia hy vọng vì đã tìm ra lối thoát. Già hỏi hắn: “Cụ có giấy bút không? “Và nhanh nhẹn đỡ lấy những thứ đó từ tay hắn. Già đeo kính. Cái kỉnh lão mắt tròn tròn cổ lỗ hồi đầu thế kỷ, một mắt lại vỡ rạn hẳn là quá nhẹ với già, nên già phải ngửa đầu ra phía sau mà nhìn vào tờ giấy. Già viết rất khó khăn. Bé Dương lại sán đến để chạm tay vào chòm râu rễ tre, cuồn cuộn của già, nhưng già khẽ khàng bảo nó: - Đi chơi, để bác làm nhé. Nó đi ra chỗ bố. Thì đành đứng đó nhìn chòm râu già vậy. Bỗng già buông bút, nhìn hắn:- Hay là cụ viết giúp tôi. Hắn vui vẻ nhận lời. Già đọc:- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Kính gửi Sở Công an. -à, gượm đã. Hay là kính gửi Ban giám thị trại VQ nhỉ?- Nhưng mà nội dung đơn là gì cơ?- Tôi xin trở lại trong ấy. Hắn choáng người, đặt bút xuống, nhìn già chăm chăm. - Tôi suy nghĩ kỹ rồi, cụ ạ. ở trong ấy tốt hơn. Già chớp chớp mắt:- Đời tôi là không gia đình. ở đâu cũng vậy thôi. Hắn hiểu. Cuộc sống trong tù đối với già dễ chịu hơn rất nhiều. Nhưng phải chết ở trong ấy. Già không sợ nữa sao?- ở ngoài này tôi không chịu đựng nổi nữa rồi. Hắn cảm thấy già có lý: Với già sống ở ngoài đời đáng sợ hơn chết ở trong tù nhiều lắm. - Thế thì phải làm đơn gửi Sở Công an. Trại người ta không nhận đâu. Phải là từ Sở đưa lên. Trại đã xuất kho mình rồi, ai người ta nhập kho mình nữa. - ý tứ thế. Cụ viết giúp tôi. Hắn viết. Già ngồi im lặng. Hắn bảo già:- Cụ nghe tôi đọc lại nhé.Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.Đơn xin vào lại trại cải tạo... Già nghe, gật gù... “Được. Được”. “Già ký vào đây”. Già ký. Ký xong vẻ mặt già bỗng thay đổi. Từ hy vọng chuyển sang lo lắng. Không biết người ta có nhận đơn không? Già bảo hắn, giọng bi quan:- Làm đơn thì làm, chứ chưa chắc đã ăn thua gì đâu, cụ ạ. Đó là lần cuối cùng già lại nhà hắn. Việc nộp đơn xin vào trại của già không được chấp nhận. Già đi bới rác. Già lê la ở các cửa hàng mậu dịch, khách sạn. Dồn dịch những bát phở, vét đa, nhặt những mẩu bánh mỳ thừa. Già làm những việc đó vừa để nuôi sống mình, vừa với một hy vọng lớn lao: Già sẽ bị bắt lại, vì là một phần tử du thủ du thực. Già sẽ được tập trung cải tạo, nhưng lần này là tập trung hình sự, số chẵn như ông già Táy vét đĩa ở các cửa hàng mậu dịch, bi bắt chung cùng một dịp với già. Nhưng già không gặp may. Ngày ấy đang cần pha-lê hoá thành phố. Giờ đây thành phố đã trong sạch như pha-lê rồi, hoặc đã đục trở lại nhưng không cần pha-lê hoá nữa. Chủ trương ấy phát ra, đã thu kết quả và đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó.Già đành phải ở lại ngoài xã hội. Cái áo bông rách rộng thùng thình không còn biết nó là màu gì nữa. Trong lần đi giao thuốc lá ở một hàng nước tại cửa rạp hát cải lương gần chợ Chính, hắn đã thấy già, túi vải to tướng đang bới bới đống rác ở bên kia đường. Đó là mùa xuân năm 1975, cũng đang mùa mưa dầm, hắn đã ra tù được hai năm, đã được gặp ông Trần và quân ta sắp đánh Buôn Mê Thuột mở đầu công cuộc giẫi phóng toàn thể miền Nam, thu giang sơn về một mối. Hắn gọi già. Già không đáp, vẫn cứ cham chú vào công việc của mình. Hắn đi đến cạnh già. Già nặng mùi đến mức ở ngoài đường hắn cũng ngửi thấy. Trong chiếc áo bông đã mọc rêu, già nhìn hắn như nhìn một người lạ và lại bới bới. Già không nói một câu. Chẳng lẽ già không nhận ra hắn. Có thể già lú. Nhưng cũng có thể già quyết định không còn quen biết một người nào ở thế giới này để được hoàn toàn cô đơn. Nỗi cô đơn ấy cần thiết cho sự tự quên mình đi, để chính mình cũng không biết mình là ai nữa, nhờ đó mà kiếm lấy tý chút yên tĩnh tinh thần. Thế rồi sau đó ở các phố xuất hiện một ông già được bọn trẻ con chào đón nhiệt liệt. Một ông già nhỏ bé, râu dài cuồn cuộn. Túi vải to đeo lệch vai. Ông đi vào các nhà, ăn cắp. Ông chỉ dám kéo ít quần áo, tã lót phơi ở sân. Hoặc thó một đôi dép hớ hênh ngoài cửa. Nhưng chưa một lần ông lão thành công. Có một điều kỳ lạ là già bị lộ khi đang ăn cắp, nhưng không ai ghét bỏ già. Cũng chẳng riếc móc, đánh đập. Chẳng báo công an. Tới khi công an biết cũng chẳng đưa đi tập trung cải tạo. Thật là thất bại thảm hại. Chỉ có lũ trẻ là cứ làm ầm lên. Già vào một ngõ có nhiều quần áo căng ở dây phơi. Vừa thấy già, lũ trẻ trong ngõ đã reo ầm ĩ. Chúng mừng rỡ, vỗ tay hoan hô vang dậy. Già đi đến đâu ở đó dậy lên tiếng reo trong trẻo hồn nhiên của lũ trẻ chẳng một chút ác ý với già. Chính sự thích thú và có phần nào quý mến già của chúng đã khiến cho người lớn nhìn già bằng con mắt thương hại chứ không căm ghét. Nó đã hại già, làm già thất bại, già không được đi tập trung cải tạo, cũng như không ăn cắp nổi một đôi dép cũ. Có lần già đi vào khu nhà Bình. Hạnh phúc thật quá bất ngờ với lũ trẻ ở đó. Chúng vội nấp kín vào những chỗ khuất, nín thở nhìn ra sân. Khi già giơ tay định kéo cái áo may-ô của ông Tung phơi ngay đầu sân, cả lũ xô ra, reo lên ầm ầm. Tiếng reo đồng loạt bật lên, phấn khởi, vui sướng tự đáy lòng (như sau này chúng reo mỗi khi có điện) làm già giật thót mình. Già rụt tay lại. Già bước những bước xiêu xiêu trở ra. Lũ trẻ ùa tới nhảy nhót, nghịch ngợm chung quanh. Chúng chế giễu già là không biết ăn cắp, là ăn cắp hạng bét và hoan hô già. Già chỉ mỉm cười độ lượng. ở những ngõ khác, lũ trẻ hồi hộp chờ già tới với chúng. Chúng buồn bã, thất vọng khi già đi thẳng. Chúng vụt biến mất như chui xuống đất khi già rẽ vào nhà chúng. Với vẻ mặt sung sướng háo hức ranh mãnh, chúng chuẩn bị cho trò chơi vô cùng thú vị sắp xảy ra. Như ông già Noel, già mang niềm vui đến cho đám trẻ. Nhưng khác với ông già Noel bất tử, già đem những ngày cuối cùng của cuộc đời già ra làm trò vui ấy. Già cũng không nhớ được bữa ăn gần nhất của già cách đây đã mấy hôm rồi. Và già ăn cái gì vào bụng. Già không thấy đói nữa. Già đi như người mộng du. Già cảm thấy người già rất nhẹ. Già đi mà chân như không chạm đất. Rồi đến một ngày già không đi được nữa. Già thấy mình đang phiêu diêu. Thật là một cảm giác khoan khoái dễ chịu, già chưa từng biết tới. Già đã chọn cho mình chỗ nằm để phiêu diêu: Một ngôi đình khá rộng sát nội thành, nơi thờ vị thần cách đây mấy trăm năm đã cắm lưỡi gươm làm mốc khai phá bãi sú để vùng đất chua mặn này ngày nay trở thành thành phố. Ngôi đình đổ nát và bị bỏ quên. Thời sau Genève, thời già đi làm nhà máy giấy, ngôi đình là nơi tập kết lợn của Công ty thực phẩm. Người ta quây, ngăn dình thành từng ô. Những xe ô-tô chở lợn từ các nơi đổ xuống đấy để giết ngay hay nuôi mấy ngày rồi giết. Dạo ấy ngôi đình khá sầm uất. Ô-tô gầm rú. Xe đạp ghếch chật sân. Xe cải tiến lộc cộc chở gạo nếp đổi lấy phân lợn. Một dãy bếp lò nấu cám, nấu nước... Lợn sống đã vui. Cắn nhau. Gầm. Kêu. Eng éc. Hộc hộc. Nhưng lợn chết còn vui hơn. Lợn chết được tính vào tỷ lệ cho phép, được giải quyết nội bộ, không vào sổ sách kế toán, không phải bỏ tiền mua mà lại có thịt đem về nhà ăn hay bán. Từ khi chiến tranh bắn phá, thành phố sơ tán, người ta không đưa lợn về đây nữa. Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng. Cứt lợn cũng hết lâu rồi. Chỉ còn dơi treo mình lủng lẳng. Thật là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ lùng. Chẳng nhớ được một điều gì, chỉ thấy mình đang tan đi và đang bay... Già không chết trong tù, đúng như có lúc già mong ước. Già cũng. không đến được với lũ trẻ nữa. Những ngày đầu chúng luôn nhắc tới già. Chúng nhớ già, chờ già, mong già. Và chúng nhanh chóng quên già. Quên hẳn.