Tiếng lành đồn xa. Chuyện hắn gặp ông Trần và những lời ông Trần hứa hẹn với hắn đã được nhiều người biết. Chắc chắn anh Thân và Bình là những người háng hái phổ biến tin này, kèm theo vài lời bình luận về sự giải quyết có lý có tình của thường vụ - tức là của ông Trần, cũng có nghĩa là hắn chẳng có tội tình gì. Sau buổi đó ít lâu, nghĩa là đã bước sang năm 1975, năm được ghi vào lịch sử đất nước và lịch sử đời hắn như những cái mốc quan trọng: Năm toàn thắng ở miền Nam, năm hắn được đi làm. Một người bạn thân của anh Thân, một người quen hắn, yêu quí hắn, đến nhà hắn mang theo nửa ki-lô chè búp loại ngon nhất, một xếp giấy trắng, một mớ những bản báo cáo đã đánh máy, bảo hắn: - Lãnh đạo thành phố cho ông đi làm rồi, phải không? Ông về chỗ tôi. Trong khi chờ đợi, ông giúp tôi! Tôi phải báo cáo điển hình ở hội nghị tổng kết của Bộ Lao động. Ông cố giúp tôi. Chè đây. Và lấy từ trong túi ra nửa cây thuốc Tam Thanh. - Thuốc đây. Đó là món nhuận bút đầu tiên khi hắn ra tù, khoản thù lao của ông Thưởng, trưởng phòng lao động khu phố. Ông cũng là một người khét tiếng với những dư luận bao quanh như ông Ngoãn, trưởng phòng thủ công, em ruột ông Trần. Người ta thêu dệt rất nhiều chuyện không hay về ông Thưởng. Chuyện ông ăn đút lót, chuyện ông giàu có, chuyện gặp được ông còn khó hơn gặp bí thư thành ủy. Chuyện ông gây khó khăn cho mọi người trong việc cấp giấy đi làm... vv và vv... Có lẽ chỉ hai điều đúng thôi: ông không biết đi xe đạp. Và từ sáng sớm đã có nhiều xe đạp đón ông đi ăn sáng. Ai mời được ông ngồi sau pooc - ba - ga chở ông đi thì đã có thể vênh mặt lên với người khác được rồi. Hắn chỉ thấy ông là người tuyệt vời. Ông trước đây cũng là một cộng tác viên của báo. Hắn không để ý gì đến ông. (Vì ông thì chẳng bao giờ có thể là nguyên mẫu cho một tác phẩm văn nghệ được. Phải là những công nhân lò nung, những người thợ cơ khí, những người gác đèn ngoài đảo xa). Nhưng ông Thưởng biết hắn, để ý đến hắn, quí hắn. Lòng quí mến của ông là hoàn toàn thành thật, không vụ lợi. (Hắn thì đem lại cho ông mối lợi gì mới được chứ). Ông quí hắn, vì ông có viết lách chút ít (một quí viết vài ba cái tin thôi). Ông thấy rõ cái khổ của nghề cầm bút và tài năng của hắn. Ông quí hắn, vì ông là bạn với anh Thân. Ông thương hắn, vì ông biết hắn chẳng có tội tình gì mà trong ông vẫn còn sót một chút đặc tính của dân tộc: Sự thương vay. Hắn đỡ các thứ trong tay ông, cảm thấy mình trở lại làm người khi cầm xếp giấy và những bản báo cáo ông đưa hắn làm tài liệu. Có lẽ Ngọc nói đúng: Hắn có quí nhân phù trợ. Ông Thưởng - cái ông trưởng phòng không biết đi xe đạp và chỉ quen biết bình thường này - bỗng trở thành ngôi sao chiếu mệnh cho hắn. Hắn nghĩ: Đời hắn nếu không có ông Hoàng, ông Thưởng thì sẽ ra sao? Đã bao lần hắn nói: Trên có ông Hoàng, dưới có ông Thưởng. Đó là những người hắn mang ơn cứu mạng. Những người sống tết, chết giỗ. Đấy mới thật là những “người thay đổi đời tôi”. Thỉnh thoảng đến thăm và cũng là để xem bản báo cáo viết đến đâu rồi, ông Thưởng nhắc lại:- Ông về chỗ tôi làm. Về với tôi. Đời ông có khốn nạn thế này ông mới phải về với tôi. Chứ không làm sao tôi dám nói vậy. Đó là những lời có thể làm người ta khóc được. Vì vẫn được đánh giá đúng. Vẫn được coi trọng. Và muốn vợi cho nhau khổ đau... Hắn viết cho ông cái báo cáo về giải quyết lao động ở một khu phố. Đây sẽ là báo cáo minh hoạ, bổ sung cho báo cáo tổng kết của Bộ trưởng. Hắn lại lúi húi ngồi viết. Lại thức khuya khuya một tý. Lại pha trà. Lại đốt thuốc. Lại bơm thêm mực vào cái bút Pilot ngòi cánh sẻ bằng vàng 14 cara, người bạn trung thành không rời hắn suốt năm năm tù tội, theo hắn vào tù từ ngày đầu tiên, ở xà lim 76, xà lim 75, lên đến tận V. Q. Hắn viết báo cáo công phu như viết một truyện ngắn. Đó là sáng tác đầu tay của hắn trong khúc đời mới. Ông Thưởng ghé lại đọc những trang đã viết và rất hài lòng. Một đệ tử đèo ông bằng xe đạp đến nhà hắn, và đúng giờ hẹn lại đón ông. Hắn nghĩ hắn sẽ làm quân của ông Thưởng thôi. Có một thủ trưởng như vậy, còn ao ước gì hơn. Ông Thưởng bảo: ông đã đặt vấn đề xin hắn với tổ chức khu phố rồi. Tất cả đều ủng hộ. Ông Trần đã bật đèn xanh thì cứ thế mà làm, chẳng ai nghi ngại điều gì. Hắn làm đơn xin việc gửi ông Thưởng. Xin vào chỗ ông Thưởng có một điều thuận tiện là chỉ cần lá đơn ấy thôi. Làm đơn xin vào nơi khác phải qua chỗ ông Thưởng, phải qua phòng lao động. Ông Thưởng nhận đơn tại nhà hắn, nói cả với hắn về dự kiến phân công nữa. Hắn mong quá. Mong từng ngày. Càng mừng càng mong. Càng mong càng sốt ruột. Năm ấy lại mưa dầm. Mưa xuân ảo não, thúc giục. Thứ mưa xuân mịt mù trời đất, tê cóng trong lòng. Những ngày mưa xuân đầu năm 1975, già Đô quần áo lên rêu cắm cúi trên những đống rác mà hắn gạp lần cuối cùng ở cửa nhà hát. Hắn đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Hắn sắp đi hết đoạn đường của hắn. Già Đô cũng sắp đi hết đoạn đường của già. Bằng cách của già. Bằng cách nằm phiêu diêu và thấy mình như tan đi... Vào lúc đó cả miền Bắc bàng hoàng vì chiến thắng. Khi quân ta bắt đầu chia cắt quân địch, bao vây Đà Nẵng thì hắn nhận được giấy mời ra đồn của công an khu phố. Hắn nghi ngại. Hắn cảm thấy có một điều gì rất xấu đến với hắn. Linh tính mách bảo hắn. Và hắn đã không nhầm. Đích thân ông Khuổng, thiếu tá trưởng khu công an tiếp hắn. Cái quân hàm thiếu tá, lại là thiếu tá công an, thời đó giá trị lắm. Ông thiếu tá có dáng cao, gầy răng trắng, sít nhau rất đẹp. Ông tiếp hắn như một thiếu tá trưởng khu tiếp kẻ phạm tội đã hết hạn cải tạo: Bề trên, nghiêm khắc, lạnh lùng, khinh khỉnh vv Ông chỉ ghế cho hắn ngồi:- Thế nào” Mấy hôm nay anh có nghe đài không?- Thưa thiếu tá, có ạ. Tôi nghe tin tức qua cái loa ở Ngã Bảy. - Phấn khởi chứ?Câu hỏi ấy có nghĩa là: Bọn chống Đảng, bọn phản cách mạng các anh còn hoài nghi, còn mất lòng tin nữa không. Cách mạng đang tiến bước, những bước quyết định. Các anh đã mở mắt ra chưa?- Thưa ông, phấn khởi ạ. Sao lại không phấn khởi khi cuộc chiến đẫm máu kéo dài ba mươi năm có thể sẽ chấm dứt. Quả là không ngờ tình huống xảy ra nhanh như vậy cùng với phương châm chiến lược nổi tiếng của ta: “Thần tốc” và phương châm chiến lược nổi tiếng của Thiệu: “Tuỳ nghi di tản!”. Đã có lúc tưởng chiến tranh sẽ kéo dài như Nam - Bắc phân tranh thời Trịnh-Nguyễn, như cuộc chiến trăm năm của Pháp. Hy vọng đây là lần đổ máu cuối cùng. Để lại sống trong hoà thuận. Để người đất mũi Cà Mau và người vùng biên giới Lạng Sơn gặp nhau có thể vỗ vai nhau, gọi nhau là người anh em. Bởi vì chẳng bao giờ một người đánh cá Phan Thiết lại nghĩ phải đi giết chết người thợ sơn tràng Bắc Giang và ngược lại. Chiến tranh là kế tục của chính trị. Đây là cuộc chiến của hai ý thức hệ, của hai hệ thống, đã có những lúc tưởng không có ngày cuối cùng, cuộc chiến dài nhất thế kỷ này có thể sắp kết thúc. Để có thể chấm dứt canh vay tuổi quân, cảnh làng xóm vắng ngắt thanh niên, cảnh xương máu trộn với bùn đất Trường Sơn. Những bà mẹ khóc con, những người vợ trẻ goá chồng đã là nhiều quá rồi trên dất nước này. Chiến tranh còn kéo theo nó bao nhiêu thứ. Chiến tranh ắt phải có người bạn đồng hành: Tù đầy. Không thể nào khác được. Dù nó xảy ra ở đâu. Hắn khẳng định phát hiện của mình. Chân lý ấy hắn đã khám phá ra bằng chính cuộc đời hắn. Sau này khi nghe tin ở nước nào trên thế giới đang có chiến tranh, hắn nghĩ ngay đến những nhà tù tất nhiên phải có ở nơi ấy nghĩ đến rất nhiều người đau khổ và oan khuất bị lưu đầy tăm tối, dù màu da nào, dù chưa biết mặt, nhưng đều là anh em, những người như hắn đã âm thầm góp vào cuộc chiến cái quí giá nhất của đời mình: Tự do. Chính lúc đang ngồi với ông Khuổng, hắn lại nghiền ngẫm và khẳng định “công lao” của hắn đã đi tù để đóng góp vào chiến thắng. Không ai có thể bác bỏ được điều ấy. Không ai có thể tước đi của hắn niềm tự hào nhục nhã hắn có. Ông Khuổng chuyển giọng: - Hôm nay chúng tôi mời anh ra đây để thông báo với anh một việc. Đó là giọng nói của nhà đương cục. Ông lạnh lùng nhìn hắn:- Chúng tôi đã quyết định: Anh không được đi làm. Hắn choáng váng. Lúc đó hắn choáng váng. Nhưng sau này nghĩ lại hắn lại thấy đó là những lời thành thật, dễ nghe. Hắn vẫn thường ao ước được nghe một câu nói thẳng thắn của các ông công an:“Tao giết mày đây. Tao đang giết mày”. Thế là gọi sự việc bằng tên của nó. Là sự thẳng thắn, thành thật. Không giả dối, không đạo đức giả. Dù sao cũng dễ chịu hơn nhịều so với giọng điệu bi thương: “Chúng tôi giúp dỡ anh, cảnh tỉnh anh, để anh khỏi trượt sâu vào con đường tội lỗi”. “Chúng tôi để chị Tuấn về không học nữa vì các cháu còn bé, không ai bảo đảm”. Hắn ngồi lặng đi. Đã nghĩ rằng việc gì cũng có thể xảy đến với mình mà vẫn cứ lặng đi. Những việc tốt đẹp thế làm sao lại có được. Bây giờ mới thật không ngạc nhiên về bất cứ vấn đề gì nữa. - Thưa thiếu tá, anh Trần thay mặt lãnh đạo thành phố, thay mặt Sở Công an đã nói với tôi là tôi được đi làm ở cơ quan nhà nước, được làm những việc phù hợp với khả năng... Hắn nói và đau khổ nghĩ rằng: Lẽ ra trong buổi gặp ông Trần hắn phải viết ngay vào một tờ giấy nội dung quan trọng ấy và xin ông Trần ký ngay vào đó. Dù như vậy có lố bịch đi chăng nữa, có biểu hiện thiếu lòng tin đi chăng nữa, bất lịch sự chăng nữa. Ông Khuổng không che giấu sự giễu cợt: - Điều ấy anh đi mà hỏi anh Trần nhé. Còn tôi nói: Anh! Không! Được! Đi! Làm!Ông nói dằn từng tiếng, để nhấn mạnh tính xác thực, trọng lượng của quyết định, giống cách nói của A Thềnh: Tôi! Không! Lậm!Cậm! Đâu! ông còn bồi thê-m một đòn nữa. Hình như ông đoán được hắn đang nghĩ gì. - Tôi đã chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu không được ký giấy cho anh đi làm. Đúng là lúc ấy hắn đang nghĩ đến ông Hoàng. Ông Khuổng không cho hắn đi làm, ông Thưởng chịu bó tay, nhưng ông Hoàng thì chẳng đời nào. Ông Khuổng là ai, hẳn ông Hoàng không biết tới sự tồn tại của ông. Hắn nghĩ là hắn vẫn được đi làm, bất chấp ông Khuổng không cho hắn đi. Nhưng điều ông Khuổng vừa nói làm hắn hoảng sợ. Đúng là hắn phải chịu ông. Ông Hoàng cũng phải thua ông. Tiểu khu không xác nhận, không ký vào đơn, phòng lao động không thể nào cấp giấy cho hắn được. Một đòn chết tươi, không thể chống đỡ. Cái gót chân Asin mà các ông ấy đã nghiền ngắm rất kỹ. Hắn chỉ còn một con đường: Chết trong khi sống.