Chương 15

Nằm trên cái giường của Phương trong cái bán mái của Phương. Hắn cứ có cảm giác giở mình hay quờ tay môt cái là chạm vào Phương. Phương đang nằm ngay bên cạnh. Tất cả đều nói về Phương. Phương như chỉ đi ra phố mua thuốc lá, sắp trở về ngay bây giờ. Căn buồng hẹp. Tường loang lổ. Nền gạch mục và mòn. Xếp sách trên giá. Tấn hình Xamôilôva treo trên tường. Vẫn y như trước. Chỉ thiếu Phương. Cái gối vẫn là cái gối của Phương. Chiếc màn này chắc không phải chiếc màn Phương vẫn nằm. Cả chăn nữa. Chiếc màn giưởng Phương, cái chăn của Phương hẳn đã theo Phương vào tù, họp thành nội vụ của Phương. Giường màn chăn gối hắn đã nàn, hai đứa ôm quặp lấy nhau khi trời rét, quạt phì phạch khi trời nóng. Biết bao chuyện trong những đêm như vậy
Hắn đã tự nhủ không có gì làm hắn bất ngờ được nữa. Thế rồi vẫn bất ngờ. Cái chuyện Phương bị bắt là một điều hoàn toàn không ngờ tới. Choáng và đau đớn. Đến nhà Phương mà Phương đã bị bắt giống như đến nhà một người bạn thì người ấy vừa được chôn xong, chỉ còn lại tấm ảnh trên bàn thờ với những câu đối, hoa huệ với khói hương nghi ngút. Còn hơn thế, vì chính hắn từ cõi ấy trở về gặp Phương với bao điều muốn nói với Phương, về cõi ấy. Và đã nghĩ rằng sẽ được nói cùng Phương biết bao nhiêu chuyện.
Phương ơi. Ngủ chưa? Đang trong giai đoạn lấy cung phải không? Người ta hỏi cung có nghĩa là người ta chăm chú bới tìm cho ra tội, chứ đâu có phải là tìm hiểu sự thực.
Người hỏi cung Phương là người thế nào? Bao nhiêu tuổi? Tên là gì? Có trình độ không? Cần nhất là có trình độ có văn hoá và biết được đôi chút về văn nghệ, về lao động nhà văn. Và khách quan. Không độc ác. Người hỏi cung mình tên là Lan. ông Lan rất mù mờ về văn nghệ, nhưng lại cứ đinh ninh rằng mình hiểu biết tỏ tường bởi vì “các anh vẫn nói viết là lách mà, ai còn lạ gì”. Thật sơ đẳng, nguy hiểm, tai hại và khó chịu.
Loại tù như Phương bị hỏi cung lâu lắm. Mới hơn tháng. Đang trong giai đoạn căng. Phương phải gắn bó với ông chấp pháp của Phương bao lâu. Người tù nào cũng có một ông chấp pháp của mình, họp thành một đôi, họp thành một cặp. Người nọ -là một bộ phận của người kia, người nọ tạo thành người kia. Giống như một chiếc giày của một đôi giày, thiếu đi một chiếc sẽ chẳng là gì cả. Ông Lan đã nói với hắn nhằm làm hắn hiểu rõ con người ông:
- Tôi đã thụ lý ba án tử hình, năm án chung thân và trên mười án hai mươi năm.
Ông Lan (mà sau này hắn biết còn được gọi là Lan mặt ngựa) rõ ràng là quá yếu, nên mới phải khoe khoang thành tích tuyệt vời ấy. Nhưng hắn vẫn vững tin vào hắn. Ba tháng sau khi bị bắt, hắn đã hỏi ông:
- Thưa ông. Xin ông cho biết nhận xét của ông về số bản thảo của tôi.
Ông Lan cười xuề xoà:
- Chúng tôi bận quá, nên chưa có thời gian đọc.
Ông Lan cười rất sợ. ông cười còn đáng sợ hơn khi ông làm mặt nghiêm. Nó giả dối. Nó rờn rợn. Ông Lan mặt ngựa có đôi mắt sắc lạnh. Khi cười đôi mắt ông càng lạnh lẽo hơn. Môi mỏng mím lại uy nghiêm làm phạm nhân thấy không thể giấu được điều gì. Hình như biết cái ưu thế ấy của mình, ông càng nghiêm nghị. Cặp mắt lạnh như thép nhìn chăm chăm vào hắn. Hắn có thói quen nhìn thẳng vào mặt người đối thoại.
Hắn nhìn lại ông. Hắn cũng cười. Cười khẩy nữa thì phải. Vì hắn không chịu được sự dối trá trắng trợn. Càng không chịu được sự cố tình.
- Thưa ông. Với lòng tin tưởng ở tinh thần trách nhiệm của ngành công an, tôi xin được nói với ông điều tôi nghĩ: Các ông đã đọc, các ông đã chia nhau đọc (hắn còn muốn nói các ông đã bắc kính lúp vào từng chữ của tôi để tìm ra những sơ hở, những sai sót), các ông đã nhờ người đọc và giám định. Có đúng như thế không ạ?
Mình nói và nhìn thẳng vào mặt ông chấp pháp. Ông chấp pháp của mình rất lạ. Không làm sao xác định được tuổi của ông ta. Khi mình thấy trẻ hơn mình. Khi già hơn mình. Khi trạc tuổi mình. Như lúc ấy mình thấy ông ấy già hơn mình. Ông chấp pháp của phương bao nhỉêu tuổi. Hẳn ông ấy cũng nhìn Phương như ông chấp pháp của mình nhìn mình. Các ông ấy có cái nhìn giống nhau. Căm phẫn, uy nghiêm, cái nhìn của công lý, của thiết diện Bao Công. Cái nhìn của cách mạng, của đất nước đang đổ máu nhìn kẻ tội phạm. Lại cả cái nhìn đau xót của đấng cứu rỗi nữa.
Hắn nhìn lại ông, bình thản, tự tin, không chút bối rối.
Con mắt ông Lan lạnh như thép. Con mắt hắn kiên nhẫn không lùi bước. Một thời gian đủ để ông Lan hiểu hắn, hắn nhìn chếch ra mang tai ông và nói tiếp:
- Ông không trả lời, nghĩa là đã đọc. Và đã kết luận. Nhưng các ông không cho tôi biết. Vậy thì vấn đề theo tôi nghĩ là như thế này.
Hắn ngừng lại một lát:
- Những kết luận ấy có lợi cho tôi. Thưa ông, có đúng thế không ạ?
Hắn lễ phép hỏi ông. Ông Lan cười như một cách trả lời: “Anh toàn nói chuyện tầm phào. Chẳng đâu vào đâu”. Nụ cười của người lớn trước nhũng câu hỏi ngây thơ của trẻ con. Hắn ngồi im trên ghế, một cái trụ vuông xây nhô từ nền nhà lên. Đến lúc đó hắn mới biết có những cái ghế như vậy. Loại ghế bất di bất dịch. Mùa đông ngồi tê buốt và mùa hè vẫn lạnh cả đít. Dành cho tội phạm.
Ông Lan ngồi sau chiếc bàn gỗ thông thường. Ông đang cầm bút tô lại những dòng chữ ngoài bìa xếp hồ sơ của hắn: Cung vấn Nguyễn Văn Tuấn. Từ cái ghế xây xi-măng lạnh lẽo hắn nhìn rõ những hàng chữ ấy ông muốn cho hắn biết rằng ông không thèm nghe hắn, những vẫn để hắn nói. ông là người biết điều.
Hắn biết sau lưng ông là Sở Công an. Với ban giám đốc, với các phòng ban, với các trinh sát. Với những cuộc hội họp phân tích bản khai cung của hắn. Với quyết tâm tìm ra tội của hắn. Bởi vì qua cách hỏi cung của ông Lan, hắn biết người ta không khách quan nữa. Người ta vặn vẹo xuyên tạc soi mói.
- Nếu các ông không đưa ra những kết luận của các ông tôi xin phép được đưa ra kết luận của tôi: Những bản thảo của tôi là tốt. Tôi ca ngợi Đảng, ca ngợi nhân dân, ca ngợi lãnh tụ. Tôi ca ngợi cuộc sống mới.
Ông Lan vẫn im lặng. Mắt nhìn xuống. Vẻ tự kiềm chế và chán ngán. Toàn bộ dáng người ông như muốn nói: Nói nữa đi, nói cho thích đi. Rồi tôi sẽ chỉ cho anh biết...
Đấy họ là như thế đấy. Còn mình thì cử nói toạc vấn đề, chẳng úp mở gì. Đã xác định phương châm "mềm dẻo về thái độ, cứng rắn về nguyên tắc thế mà vẫn có lúc mình to tiếng dồn ông chấp pháp. Đến nỗi ông ta cười nhạt:
- Anh xử sự hơi ngược đấy. Lẽ ra chúng tôi phải có thái độ như anh bây giờ. Nhưng anh thấy đấy chúng tôi vẫn bình tĩnh...
Mình nói luôn:
- Thưa ông. Nếu ông ở vào hoàn cảnh của tôi, một người bị xúc phạm, bị lăng nhục, tôi tin ông cũng xử sự như tôi.
Ông ta lại cười, lạnh lẽo và rờn rợn. Mình còn nhớ ở phòng hỏi cung bên cạnh những hôm trước vẫn còn vang lên tiếng quát tháo, lúc đó có tiếng reo: Tôi đọc lại cho anh nghe nhé: "Tôi bước vào phòng thấy Liên đang ngồi ở giường. Tôi ôm lấy Liên, đè Liên xuống giường. Liên đẩy tới ra. Tôi lâý trong túi một miếng sắt vuông mỏng mà tôi đã chuẩn bị từ ở nhà, cắt đứt dây rút quần Liên. Tôi kéo quần Liên xuống và lấy tay đút dương vật vào âm hộ của Liên”. Đúng không nào. Ký vào! Giọng đọc của ông chấp pháp bên đó lanh lảnh, reo vang, phấn khởi, vừa diễn đạt được tâm trạng của người phạm tội hiếp dâm lúc y hành động, vừa phản ánh niềm vui của ông chấp pháp đã đánh gục đối thủ. Đến nỗi ông Lan phải chạy sang nhắc:
- Khe khẽ cho bên này làm việc!
Thật chẳng ra làm sao. Bên này đang toàn những vấn đề văn chương, tư tưởng, bên kia lại cứ oang oang nhữug âm hộ với dương vật. Cho nên khi trở về ngồi trước bàn, ông chấp pháp của mình càng nghiêm nghị.
Vệt môi mỏng của ông càng mỏng. Nom ông gần như cau có. Hắn thông cảm với ông.. ông chấp pháp bạn ông đã chiến thắng rồi. Còn ông, ông vẫn phải đánh vật với hắn. Với phần tử ngoan cố như hắn.
Ông Lan hất hàm hỏi hắn:
- Anh nói hết chưa?
- Báo cáo ông, hết.
Ông ra một đòn quyết định:
- Anh không viết như thế, ai người ta in cho anh? Anh bôi đen chế độ người ta gô cổ anh lại.
Hẳn ông Lan không chỉ có cái sắc sảo của riêng ông. Ông còn là kết tinh trí tuệ của tập thể. Một tập thể những người có trình độ, có mọi phương tiện trong tay. Có nghiệp vụ. Có quyền lực và đang sử dụng hết công suất của bộ máy quyền lực ấy như nhà tù xà lim, phát động bè bạn hắn, thông tín viên của hắn chống lại hắn. Cả những người cơ hội, những người cầu an, những người trung thực. Ông đang có mọi lợi thế. Nhưng hắn một có niềm tin lì lợm vào mình. Niềm tin lì lợm vào công lý. Vào sự công bằng của luật pháp xã hội chủ nghĩa. Hắn coi thường mọi lợi thế của ông. Hắn đã đọc ở đâu đó lời nói của một người cộng sản trong tù: Chúng ta đúng. Vì thế chúng ta mạnh. Chúng (bọn Pháp) có cả một guồng máy khung bố, nhưng không đàn áp nổi vì chúng không đại diện cho chính nghĩa.
Vốn là người sách vở, hắn nghĩ: Hắn đúng, hắn không sợ. Hắn thấy ngón đòn của ông. Lan ngây thơ quá. Ông trở thành thế yếu (dù ông đang nhốt hắn trong xà lim, dù ông thông minh, có cả tập thể hỗ trợ). Vì ông không khách quan trung thực.
Hắn khinh ông, hắn khinh tất cả những người không trung thực. Những kẻ gắp lửa bỏ tay người.
Mình không ngờ ông Lan lại đi nói một câu ngớ ngẩn đến thế. Mình sửng sốt và nghiêm nét mặt vì những điều sờ sờ trước mắt mà ông Lan cố tình không nhìn thấy. Cố tình không chịu hiểu. Thưa ông. Có ai bắt tôi phải viết những tác phẩm của tôi đâu. Chính ông cũng đã nói trong một buổi hỏi cung tôi: Văn là người. Văn của tôi là con người của tôi. Đó là tình yêu của tôi, là sự tự giác làm việc của tôi, suy nghĩ của tôi. Là máu của tôi. Là trái tim của tôi. Thưa ông, không ai gí súng vào tôi, bắt tôi phải viết những sáng tác ấy. Ông Trường Chinh có nói: “Mọi sáng tác đều bắt nguồn từ trong tim”. Nêú những chân lý Phố biến ấy của chủ nghĩa Mác-Lê-nin còn phát huy tác dụng thì sao tôi lại nằm ngoài quy luật.
Hắn hiểu rằng hắn đã bị đẩy vào vòng đấu. Trong đấu trường chỉ có một mình hắn. Vợ con, bố mẹ, anh em, bạn bè, không ai bên cạnh. Một mình hắn đã bị tước vũ khí. Hắn không chỉ đấu với ông Lan, ông Quảng, ông Trần. Hắn còn đấu với cả những dãy xà lim nặng nề hoang vắng 76, một mình hắn ở. Hắn đấu với sự cố tình bẻ queo luật pháp, bẻ queo sự thật của những người đạo đức chẳng hơn hắn, yêu nước chắc chắn không hơn hắn.
Phương ơi. Trần trụi, nhưng phải thắng. Dù thế nào chăng nữa. Ông Lan đã phải lùi một bước trước sự thật mình nêu ra.
- Anh đừng chủ quan với những tác phẩm của anh. Chúng tôi sẽ nói với anh vào những thời điểm thích hợp.
Ông Lan của mình hay nói hai tiếng "thời điểm " lắm. Một câu nữa ông hay nói là:
- Anh cứ về nghĩ kỹ đi, chúng tôi có đủ kiên nhẫn.
Chao ơi! Đức kiên nhẫn của ông Lan mới đáng phục làm sao! ông có dư thừa kiên nhẫn. Ông kiên nhẫn về sống với cơ quan ông, bạn bè ông, vợ con ông. Còn mình về xà lim. Mình cũng phải học ông rèn luyện sự kiên nhẫn sống trong xà lim. ông đã chứng minh ông có đủ kiên nhẫn chờ đợi mình hối cải, chờ đợi mình thấy rõ lỗi lầm của mình. Ba tháng sau, mình không được hỏi cung. Chín mươi ngày đêm xà lim, ngày nào đêm nào cũng dài như vô tận. Mình đoán, lại một đợt tìm tài liệu mới nữa đây. Lại những cuộc họp phân tích bàn cách giải quyết nữa đây. Mình nằm. Một mình. Mình nhắm mắt, quay mặt vào tường vẩy xi-măng cách âm lổn nhổn, nhọn hoắt như ốc nhồi. Mình hát thành lời khe khẽ. Mình hát thầm trong óc. Những bài hát in dấu trong đời chúng mình. Thời chống Pháp là những bài Sông Lô. Trùng trùng quân đi như sóng. Qua miền Tây Bắc, Hồng Hà chơi vơi mang nước trên nguồn về xuôi. Mình lẩm nhẩm như ở đài phát thanh: "Các bạn thính giả thân mến, trong chương trình ca nhạc kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng Hai tháng Chín hôm nay chúng tôi xin giới thiệu "..., “và Diệt phát-xít, Bao chiến sĩ anh hùng, Kìa xa xa nơi Côn Đảo ớ hờ”.
Rồi ngược lên nữa: Con thuyền không bến, Thiên Thai, Trên sông Bạch Đằng... Thứ nhạc thời chúng mình còn bé tý. Một buổi chiều thứ bảy vắng vẻ mình nghe thấy từ xa vọng lại một giọng huýt sáo rất trong một bài hát Pháp:
Qu avez vous fait de mon amour
Qu avez vous fait de mon bonheur
Mình đoán người này ít nhất bằng tuổi chúng mình trở lên vì bài hát ấy có từ khi chúng mình còn nhỏ. Mình hát câu tiếp theo để thay cho một lời chào:
étrange femme
và hỏi to:
- Mâý năm rồi
Tiếng trả lời vang vọng lại xa xa:
- Sáu năm rồi.
Sáu năm xà lim. Mình rợn người. Người ta quả có lòng kiên nhẫn. Người ta quả có lòng kiên nhẫn chờ mình lâu như thế”. Chúng tôi có đủ kiên nhẫn" dịch nghĩa ra là: “Anh khớng nhận thì anh cứ nằm mãi trong xà lim”. Phương chắc chắn cũng phải học bài học kiên nhẫn. Có anh tù chính trị nào thoát được bài học đó. Bài học kiên nhẫn mình còn đang học dở thì đã chuyển sang xà lim 75 rồi.
Hắn cởi truồng nằm trong xà lim, thiếp đi vì nóng. Và choàng tỉnh vì nóng. Người hầm hập. Mồ hôi toát ra. Hắn nhỏm dậy nhìn vết mồ hôi in thẫm trên những tấm ván lim thành hình một bộ xương người. Hắn ngắm nhìn bộ xương của hắn và nghĩ đến 1úc chết. Hắn lẩm bẩm một mình.
- Xương mình to thật.
Hẳn trở dậy. Phải tắm. Phải lau đi cái mồ hôi dính nham nháp khắo người. Phải làm dụi mình một chút. Không chỉ hầm hập, ngột ngạt xà lim. Còn cháy trong người. Còn lò lửa trong óc.
Mình nghĩ đến cái bể nước nhà mình. Đến gáo nước đầy trong vắt múc lên giội từ vai hay đỉnh đầu trở xuống cho hạ nhiệt toàn thân. Thiên đường đấy. Và mình sẻ nuởc uống trong bô ra cái ca nhôm nửa lít. Tiêu chuẩn nước tắm của mình: Nửa lít bớt ra từ khoản nước uống. Nhúng khăn mặt vào ca. Lau. Lau từ mặt xuống cổ. Lau từ cổ xuống ngực. Xuống bụng. Dấp nước khăn mặt, rồi khoanh tay đập, đập vã vào lưng. Rồi lau xuống bẹn, xuống chân, cho đến khi cái khăn mặt nóng lên vì vắt nước đi. Vắt vào cái nắp bô vệ sinh để ngừa cho khỏi bắn nước bẩn vào bô ra ngoài. Rồi mới nghiêng nắp cho nước chảy vào bô. Cái thứ nước vắt ra ấy nâu nâu đen đen đặc nhơn nhớt. Bô đầy thì vắt nước lên tường xà lim cho nước vào tường. Cũng thấy người dễ chịu. Còn dễ chịu vì lúc tắm là lúc không để ý tới thời-gian-xà-lim. Nó qua đi mà chẳng tra tấn được mình như mọi lúc. Nhưng không bao giờ lâu đã lại hầm hập. Không thể tắm nữa. Còn phải dành nước đế uống. Thì ngồi nhìn lũ kiến tha cơm...
Những con kiến bò ngoằn ngoèo vào tổ. Những con đi ra gặp những con đi về đều đứng lại. Như thăm. Lại cũng như kiểm tra. Hắn cố tình thả xuống một hòn cơm to. Lũ kiến bu lại. Đông. Rất đông. Không trông thấy cơm đâu. Như một hòn kiến động đậy. Cả những con kiến to. Thuở nhỏ hắn và anh Văn hay chơi kiến. Đặt cho kiến các loại phẩm trật chức tước tùy theo kiến to kiến nhỏ khác nhau. Kiến vua. Kiến quan. Kiến cai. Kiến đội. Kiến quân. Hắn và anh Văn nghĩ ra một trò: Bắt châu chấu, cào cào đã bẻ càng thả cho kiến đốt. Cuộc chiến đấu thật quyết liệt Trong những cuộc chiến như vậy bọn kiến cai, kiến đội được anh em hắn hò cổ vũ nhiều nhất.
Trong quyển Hải Đăng, nhà xuất bản đã ký hợp đồng in, nhưng hắn cứ nấn ná sửa đi sủa lại, rồi bị công an thu, có tả đàn kiến. Đó là kỷ niệm ấu thơ của hắn. Chỗ đó được nhà xuất bản rất khen. Cả đoạn tả con chuột nhắt nữa. Con chuột ở với người gác đèn biển. Bữa cơm, con chuột nhắt nhanh nhẹn chạy ra nhặt những hột cơm rơi và nhìn anh bằng đôi mắt đen láy. Nó là bạn với anh, là cư dân trên cái nhà đèn giữa biển. Nó làm anh đỡ cô đơn. Có những lúc anh im lặng theo dõi cái sinh vật bé tí xíu ấy chạy chỗ nọ chỗ kia, nghe ngóng, tha thẩn. Nó cũng cô dơn như anh. Nhưng không hiểu nó có biết nó cô đơn không? Mong rằng nó không biết nó cô đơn, bởi vì diều ấy làm nó dễ sống hơn.
Thế rồi một hôm anh đùa với nó. Đùa hơi quá. Anh dang tay giậm chân đuổi nó, kéo cả những thứ dưới gầm giường, nơi nó vẫn ẩn nấp để dọa nó. Cu cậu sợ, vọt qua cửa sổ. Anh chạy ra nhìn theo. ở chỗ ấy sóng biển sôi sục. Anh cứ đứng lì nhìn biển ào ào bọt trắng. Tiếc. Thương. Ân hận. Buồn rầu. Tự trách móc mình.
Mình viết những điều nó cứ vận vào mình. Trước đây mình cảm phục sự chịu đựng cô đơn của người anh hùng gác đèn biển. Nhưng anh ta còn có con chuột. Còn có bầu trời, mặt biển và những con tàu. Chúng mình đã bỏ xa anh ta. Bởi vì chúng mình sống trong xà lim. Những tiếng xà lim mình và Phương đã đọc trong những hồi ký cách mạng. Nó lấp lánh ánh hào quang cao cả, anh hùng, lãng mạn. Chúng mình cũng sống trong xà lim, nhưng không mang vầng hào quang ấy. Ngược lại đó là sự hạ nhục. Nhưng lương tâm chúng ta trong sáng. Và chúng ta bình đẳng với tất cả. Từ nay không ai có thể lòe chúng ta về chuyện tù đày, không ai có thể làm lóa mắt chúng ta về báu vật ấy. Chỉ có điều chúng mình không thể nào hiểu nổi vì sao đang là đồng chí bỗng dưng lại biến ngay thành kẻ thù như vậy.
Hắn ngơ ngác nói với ông Lan:
- Thưa ông. Làm sao tôi lại chống Đảng, chống cách mạng. Không có cách mạng, tôi có thể làm gì? Một anh lý trưởng. Chánh tổng. Hoặc hương sư. Đảng đã trao cho tôi cây bút để tôi trở thành nhà van. Cách mạng đã tạo nên một hiện thực phong phú anh hùng, tốt đẹp như thế để tôi thể hiện trong sáng tác. Rõ ràng các ông không hiểu tôi. Làm sao tôi lại đi chống cách mạng, chống Đảng.
Ông Lan đã tập hợp khá đầy đủ những yếu tố bất mãn của hắn: Không được đề bạt, ngoài Đảng, kêu ca mậu dịch, kêu ca cuộc sống khó khăn, tuyên bố không sáng tác, chán cả vợ con.
Vào xà lim ít ngày, nghe hỏi cung ít ngày, hắn đã quen. Hắn không thấy uất nghẹn nữa. Hắn đã quen với thói bẻ queo các hiện tượng phục vụ việc hãm hại hắn. Như hôm đầu tiên hắn được gọi. Nghĩa là ba hôm sau khi hắn bị bắt.
Ông Lan chỉ ghế cho hắn ngồi:
- Sao? Suy nghĩ nhiều lắm phải không?
Hắn cởi mở chân thành với tinh thần của người đồng chí:
- Thưa anh. Tôi không thể nghĩ được rằng tôi lại bị bắt.
Chưa đáp lại câu nói của hắn, ông Lan giảng giải về nội dung xưng hô cái đã:
- Các anh bây giờ là đối tượng của cách mạng. Chúng tôi là ông, là bà. Đây là nội quy chung. Nhưng riêng trường hợp anh có thể gọi tôi là anh ẹũng được.
Trong "lần thứ nhất giao duyên " ấy mình đã được ông Lan đặt đúng vị trí của một tên tội phạm chống Đảng, chống chế độ. Và sự gia ân ông Lan dành cho mình mới to lớn làm sao: Được gọi cán bộ là anh! Bắt một người vô tội vào tù, biệt giam xà lim, rồi cho người ấy một biệt đãi được gọi cán bộ là anh. Làm sao mình có thể hiểu được họ. Phương có được ưu tiên như mình không. Và có sử dụng đặc ân ấy không.
Sau đó ông Lan mới giảng cho hắn về điều chính yếu một cách thản nhiên, gần như ôn tồn:
- Tất nhiên. Không một kẻ phạm tội nào lại nghĩ rằng mình bị bắt. Thằng ăn cắp nếu nó nghĩ nó sẽ bị bắt, nó đã chẳng đi ăn cắp. Con điếm cũng vậy. Nếu nó nghĩ nó sẽ bị bắt, nó đã chẳng đi làm điếm. Đó là quy luật.
Hắn thấy nghẹn ở cổ vì bảng xếp loại của ông Lan và việc hắn nghĩ hắn không thể bị bắt lại đúng quy luật của bọn tội phạm, chẳng có gì là lạ.
Nằm trong căn phòng của Phương, trong bóng tối của các cửa đóng kín, hắn trở về với những ngày đầu tiên ấy. Hắn được dẫn vào một phòng có những hai cái bàn. Một dành cho ông Lan. Và cái thứ hai chất đầy những bản thảo giấy tờ của hắn. Hắn được phép giở đống tang vật ấy. Xếp loại. Cùng với ông Lan xếp loại.
- Hải đăng tiểu thuyết
- Hoa cau truyện dài
- Làn sóng thứ nhất tiểu thuyết
- Những người đang sống kịch bản phim
- Những chuyện trên một vùng cửa biển Tập truyện ngắn
- Đầu cầu Trường ca
v. v..
Hơn một nghìn trang pơ-luya, với thứ chữ nhỏ ly ti. Miệt mài. Sao lại mộng du được dài như vậy. Hắn tự thấy hoảng lên vì kết quả lao dộng to lớn của chính hắn. Lẽ ra hắn đã được hàng nghìn đồng nhuận bút. Quyển Hải đăng nhà xuất bản đã vào kế hoạch, giục hắn đưa in nhiều lần, nhưng hắn còn cố sửa. Sửa đến từng dấu phẩy. Hắn muôn quyển đó là chef d oeuvre của hắn.
Kịch bản Những người đang sống thì đã ký hợp đồng với xưởng phim và đã được ứng trước sảu trăm đồng. Đó là nhở công sức của Nguyễn Vũ Phương. Hắn lại được sờ vào những tở giấy mà hắn đã mười năm miệt mài với bao mộng mơ, sự cố gắng vươn tới cái trần của mình, như một người thi đấu thể thao, luôn phải đạt mức cao nhất có thể đạt được. Lại cũng như một con kiến cần cù, kiên nhẫn tha từng bụi tấm về tổ. Trong một buổi hỏi cung sau này, hắn đã buộc lòng phải giảng giải cho ông chấp pháp để đáp lại lời buộc tội của ông là hắn bất mãn, chán không muốn viết, muốn bẻ bút.
- Thưa ông. Hơn một nghìn trang pơ-luya nếu in ra sẽ thành một nghìn năm trăm trang, nghĩa là dày bằng bộ Tam Quốc. Hãy cứ cho là tôi chỉ nháp có một lần và chép sạch một lần thì tôi đã viết ba nghìn trang. Mà phần lớn tôi viết về đêm, ngày lễ, ngày chủ nhật. Nếu chỉ viết Việt Nam Dân chu Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc ngoài giờ chính quyền được ba nghìn trang cũng là một sức lao động không nhỏ. Đó là chưa kể còn phải lấy tài liệu, sống với nhân vật, suy nghĩ, sắp xếp...
Nhưng giờ đây những tập bản thảo ấy chỉ là những tờ giấy vô hồn. Làm gì có văn chương, cuộc sống, tiếng cười, tình yêu, mặt trời, biển cả. Những tờ giấy ấy chỉ đơn giản là tang vật của vụ án. Như một bộ quần áo ăn cắp, như một cái chìa khóa vạn năng có thể phá mọi ổ khóa, như một đống tài liệu phong phú để lật tẩy bộ mặt thật tội lỗi của hắn. Hẳn ông Lan tin chắc rằng sẽ tìm thấy những câu, những chữ, những ý nào đấy chứng tỏ hắn là kẻ xỏ xiên, bất mãn, căm ghét chế độ. Ông hỏi hắn về những tờ giấy rời, sắp xếp nó vào đúng tập như một biên tập viên nhà xuất bản nhiệt tình, ân cần, trách nhiệm.
Lúc ấy mình không nghĩ gì, Phương ơi. Những bản thảo của mình sao xa lạ thế. Mình dửng dưng với nó. Khi người ta bị bắt, bị nhốt vào xà lim, nghệ thuật là vô nghĩa. Hơn thế còn là một sự mỉa mai, giễu cợt. Lúc bấy giờ mình vĩnh biệt chúng mà mình không biết. Mình vẫn tin rằng chúng sẽ trở về với mình, vì chúng đươc viết ra với những ý nghĩ tốt đẹp thế cơ mà! Rồi họ sẽ hiểu mình. Mình sẽ được ra. Đây chỉ là sự hiểu lầm đáng tiếc. Chúng sẽ trở về với mình. Lúc ấy mình đâu đã biết được đặc tính “Không bao giờ mắc sai lầm, luôn luôn đúng, luôn luôn công minh sáng suốt" của họ. Bởi vậy sau này nhớ lại lần soạn bản thảo sáng hôm ấy mình mới hiểu ra ràng mình là một người bố sắp bị hành quyết được sờ vào thi thể các con mình.
Ông Lan giở một bọc nhỏ. Nhìn vào, hắn biết ngay là họ đã về quê khám nhà bố hắn. Truyện Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng để ở quê nay cũng đã nằm trên bàn..
Khổ thân bố. Bố là người được cả huyện kính nể nay phải mang vết nhục này. Khi ông Lan lập biên bản về những bản thảo, sổ tay, thư từ nhật ký xong và hắn đã ký vào đó, ông hỏi hắn:
- Anh còn giấy tờ cần chuyển về cơ quan hay gia đình không? Chị ấy vẫn ở trên trường, chưa về. Chúng tôi đã về quê, gặp cụ. Nói chung là cụ xác định được.
Lúc bấy giờ mình mới nhớ ra. Mình móc túi áo. Mảnh biên lai may áo sơ-mi. Cái giấy công tác đi ngoại thành và gần chục cái vé phà, mỗi vé năm xu. Mình gửi cả cho ông Lan. Để ông ấy đưa cho Ngọc. Trở về xà lim, mình hiểu rằng mình không còn chút liên hệ nào với cuộc đời nữa. Và nghĩ đành phải chờ thôi. Cắn răng lại mà chờ thôi. Chờ người ta đọc. Chờ người ta hiểu. Chờ thời gian. Thời gian xà lim thì Phương đã biết nó thế nào rồi. Mà thời gian xà lim cũng chỉ mới là khúc dạo đầu.
Hình như có tiếng động gì đó. Nó từ xa nhòe nhoẹt mơ hồ. Rồi đậm đặc lại và rõ dần. Ngay bên tai. Tiếng gõ sắc gọn. Hắn tỉnh hẳn. Tiếng gõ cửa. Hắn trở dậy đầu óc nặng nề nhức nhối như mọi sáng trong tù. Hắn ngơ ngác nhìn. Chiếc giường ba xà, cái màn rộng làm hắn hiểu. Hắn không bị tù nữa. Hắn tự do. Hắn đang ở Hà Nội. Có tiếng gọi hắn ngoàì cửa. Và tiếng cười nói: “Vẫn ngủ". Hắn kéo móc. Đã năm năm rồi hắn mới được kéo móc từ bên trong, tự mình mở cửa cho mình bước ra. Bước ra đón khách.
Vũ Mạc, Lê Bàn và Hường đứng trước mặt hắn. (Bố Phương đã dậy từ sớm, dạp xe đi tìm những người theo ông là thân thiết với hắn và ông đã không lầm). Bốn người đứng lặng nhìn nhau. Nhìn từ đầu đến chân. Nhìn từng khuôn mặt. Cười. Sung sướng. Thân thiết. Rồi từng người một ôm lấy hắn. Đây Vũ Mạc người bạn ngang tàng, hơn tuổi hắn, con một nhà văn nổi tiếng và không bao giờ nói về bố mình. Đại đội trưởng thời Điện Biên Phủ nhưng giờ đây không còn gì cả, kể cả danh hiệu đảng viên và công việc.
Đây là Lê Bàn, người bạn đọc thời kháng chiến, lúc nào cũng như vậy, không thể biến đổi được, chân thành tốt bụng, trung thực, thủy chung. Hường nữa. Hắn cảm động vì Hường đến. Hường vừa là bạn của vợ hắn, vừa là vợ của Khắc, một người bạn chung của tất cả.
Mãi sau này hắn mới biết Mạc đã bỏ vợ, yêu Hường. Hường cũng đã bỏ Khắc, về ở với Mạc. Mãi sau này khi Khắc đã lấy vợ, hắn cùng Bàn và Khắc gặp nhau tại một ngã ba đầu phố, Khắc giới thiệu đầy vẻ trịnh trọng: "Đây, ông Tuấn, cựu chính trị phạm. Đây ông Lê Bàn, bạn của ông Vũ Mạc, người đã cướp vợ tôi”.
Bàn cười ré lên:
- Chức danh gì dài thế "ông Lê Bàn, bạn của ông Vũ Mạc, người đã cướp vợ tôi".
Hắn cười to:
- Chưa bằng mình. Có ghi trong lý lịch đàng hoàng. Mục chức vụ cao nhất đã qua: Đại biểu dự thính hội nghị công nhân viên chức phân xưởng vòng hai.
Thời gian đã hàn gắn nỗi đau của Khắc, hồi phục năng khiếu hài hước của hắn. Nhưng đó phải là một thời gian tính bằng thập kỷ.
Hắn nói chuyện tù. Bố mẹ Phương và ba người bạn nhìn hắn như nhìn một người được cấu tạo bằng một chất liệu khác, như nhìn một người từ vùng đất bí mật nào đến, như hán là của mặt tràng rơi xuống. Hắn đã phải nói dối nhiều chuyện. Hay nói đúng hơn, hắn không kể những điều khủng khiếp nhất trong tù. “Họ không đánh chúng con đâu" “Ăn thì đói lắm. Nhưng giam cứu thì không đói mấy đâu". Nói thế là nói sự thật, nhưng nói sự thật kiểu ấy lại chính là nói dối. Thì ra hôm bắt Phương, Bàn đến. Bàn lang thang và ghé vào nhà Phương. Từ lối đi vào nhỏ hẹp gần máy nước, Bàn đã oang oang:
- Ông Phương có nhà không? Cậu cả có nhà không?
Bàn hơi lạ vì nhà đông người nhưng không ai đáp. Một người lạ mặt còn trẻ, áo bông xanh đã bạc, quần ka-ki pích-kê hai đầu gối - Bàn nhớ rất rõ, những miếng vá to hơn bàn tay - chặn Bàn ở đầu sân:
- Anh hỏi anh Phương có việc gì?
Bàn đáp vô tư nhất dời:
- Tôi là bạn anh Phương. Anh Phương có nhà không anh.
Người kia lạnh tanh giữ chặt lấy ghi-đông xe đạp của Bàn và nhìn Bàn từ đầu đến chân:
- Anh Phương hôm nay bận. Chúng tôi là người bên an ninh.
Lúc bấy giờ Bàn mới để ý đến cái xe com-măng-ca đít vuông đỗ sát hè phố, ngay cửa số nhà đông hộ này. Bàn quay xe đạp, còn ngoái lại một lần nữa. Bàn thấy trong nhà, sách vở ngổn ngang. Phương đứng ở một góc nhà môi mím chặt, nhìn những đống sách bừa bãi. Bố mẹ Phương đứng ở một góc khác im lặng.
- Hôm bắt mày thì thế nào?
Bàn hỏi để kết thúc bài phóng sự miệng. Hôm bắt hắn chỉ có mình hắn. Phương còn hạnh phúc hơn hắn. Còn được từ biệt bố mẹ. Hắn chẳng có ai để chia sẻ nỗi kinh hoàng.
Vợ hắn đang trên trường đại học, con hắn ở quê.
Chỉ có một mình hắn trong căn buồng và trong cả cái số nhà gần mười hộ, trước đây chật ních người, lúc nào cũng vang lên tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người lớn quát mắng, giờ vắng tanh. Mọi người đi sơ tán. Với cái thẻ đặc biệt, hắn được ở lại thành phố. Hắn trịnh trọng nói với bạn bè: Hắn là phóng viên chiến tranh. Hắn đã lên Sở Dầu lúc bị bắn phá. Hắn viết về trung đội tự vệ nữ nhà máy đóng tàu bắn rơi máy bay Mỹ... Hắn cũng thấy sợ bom đạn, rốc-két, nhưng cái cảm giác lãng mạn lón hơn. Hắn cười, bảo bè bạn:
Còn lâu mình mới chết. Viên đạn giết mình còn chưa đúc xong. Nó vẫn còn ở dạng quặng nằm trong lòng mỏ một bang California nào đấy".
Những đêm bảo động, đèn thành phố tắt hết. Hắn nhìn thành phố quen thuộc của hắn lạ hẳn đi. Những căn nhà như nhẹ đi, in trên trời xám. Đường phố cũng vậy. Mờ mờ. Hắn thấy thích và nghĩ rằng chỉ trong chiến tranh, cả một thành phố mới mất điện. Sau này chiến thắng, có lẽ phải tổ chức những đêm mất điện để mọi người thấy được một vẻ đẹp khác của thành phố.
Buổi sáng hôm mồng 8 tháng 11 ấy, tối hôm trước hắn còn được vé xem phim chiêu đãi nhân dịp Cách mạng Tháng 10 Nga, bộ phim tài liệu Đôi cánh tháng 10 nói về sức mạnh của không quân Xô-viết. Hắn trở dậy, xuống bể nước đánh răng rửa mặt. Hắn thấy người công an hộ tịch đi thẳng vào phía trong. Hắn biết anh này. Anh ta đã mấy lần về quê hắn, tán tỉnh cô cháu họ hắn, ở sát tường nhà bố mẹ hắn.
Hắn không để ý đến anh ta. Hắn nghĩ chắc anh ta vào tìm ai đó ở phía trong. Thế rồi anh ta quay ra cổng. Một lát sau năm người bước vào. Nhanh. Rầm rập. Hai người mặc quần áo công an và anh hộ tịch. Một người mặc thường phục và ông Thụ thợ cắt tóc ngay bên cạnh (về sau hắn mới biết thủ tục bắt người phải có người dân ở tiểu khu ký vào biên bản).
Hắn nhìn đoàn người lạ lùng ấy tiến về phía hắn. Người mặc thường phục đến thẳng chỗ hắn ngồi ở cầu rửa nói dõng dạc:
- Anh Nguyễn Văn Tuấn. Hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây. Câu nói ấy còn cứ vang mãi bên tai hắn. Cho dù đến năm thứ một trăm năm thứ một nghìn, cứ nghĩ đến - câu nói ấy lại vang lên rõ từng âm sắc. Đó là câu mở đầu những ngày tù đày của hắn và sau này hắn mới hiểu nó không chỉ là những ngày tù đày của hắn, nó còn mở đầu những ngày đau khổ nhục nhã của bố mẹ hắn. Nó tiêu diệt cả vợ hắn, kéo sang tận đời con hắn.
Câu nói ấy mở đầu tất cả. Nó bám vào cuộc đời vợ chồng, con cái hắn. Như keo e-pô-xit dán sắt tàu thủy. Làm sao không nhớ!
Hắn và mọi người lên gác. Một căn gác gần như rỗng. Một cái giường ba xà. Một cái bàn viết. Một thùng xe Java 05 bạn hắn cho hắn. Nắp thùng đã có người xin mất. Chỉ còn năm mặt: ba tấm dài hai tấm ngắn. Cái áo quan không có ván thiên ấy, hắn lật nghiêng đi, áp mặt trống vào tường cho kín. Hắn trải chiếu lên trên làm đi-văng, làm chỗ ăn cơm. Bên trong thùng hắn đựng sách. Chỉ có vậy. Còn lại là sàn gỗ lim lúc nào cũng được lau bóng. Hắn vốn ưa sạch sẽ. Hắn không chịu được một hạt cảt trên sàn dính vào chân khi bỏ dép ngoài của bước vào. Hắn giật mình thấy tất cả những người khách không mời mà đến đi cả dép bẩn xồng xộc vào nhà, những chiếc déo lốp in vết đất rõ như đóng dấu ngang dọc trên sàn gỗ bóng thẫm. Hình như đến lúc ấy hắn mới thực sự hiểu rằng hắn không còn là hắn nữa. Họ nghiêm giọng bảo hắn:
- Anh đứng nghe chúng tôi đọc lệnh:
VIệT NAM DăN CHủ CộNG HòA
ĐộC LậP - Tự DO - HạNH PHúC

*

LệNH TạM GIAM
Hắn chỉ nhớ lệnh nói hắn bị bắt bốn tháng vì tội “tuyên truyền phản cách mạng”.
Rất thông thạo, mấy người kéo mạnh cái hòm gỗ thông, cúi xuống vứt ra từng cuốn sách. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Gót sắt, Hugo. Chiến tranh và hòa bình. Những quyền sách hắn nâng niu như sau này những thủy thủ tàu buôn nâng niu tấm hộ chiếu xuống tàu đi Nhật. Đó là gia tài của hắn. Là hành trang để hắn đi đến tương lai.
Hắn chắt chiu dành dụm. Bóp mồm bóp miệng để mua. Hắn thó ở tủ sách cơ quan hắn, tủ sách các cơ quan khác. Hắn nửa đùa nửa thật: “Ăn cắp sách mà cũng gọi là ăn cắp à? Ăn cáp sách thì cũng phải biết đọc chứ? ”..
Biết làm sao. Ma lực của những quyển sách mình yêu, thế nào cũng phải có, mà không thể trích ra một khoản tiền để mua. Tháng nào cũng căng. Tháng nào cũng hụt. Chuông nguyện hồn ai. Phía Tây không có gì lạ. Sông Đông êm đềm. Chuyện núi đồi và thảo nguyên. Pauxtôpxki. Quăng ra với một thái độ khinh bỉ và ghê tởm vì đó là nguyên nhân tội ác. Hơn thế. Còn dính líu tới tội ác, khuyến khích, bao che - hiểu theo cả nghĩa đen - cho tội ác.
Bừa bãi. Bụi bặm. Tung tóe. Đổ vỡ. Tan nát. Đó là những gì lúc đó hắn nhìn thấy, nhưng phải đến mãi sau này hắn mới hiểu rằng đó chỉ là bước khởi đầu.
Họ không chú ý tới sách in mà bới móc, tìm kiếm, nhặt nhạnh tất cả những giấy tờ có chữ viết của hắn.
Những tập bản thảo của hắn. Bản đã đánh máy, bản viết tay. Toàn giấy pơ-luya. Hắn có thói quen viết bằng giấy pơ-luya. Chữ hắn nhỏ lí ti. Bao nhiêu chữ mới được một trang pơ-luya mỏng dính. Nhưng nhiều trang pơ-luya xếp lại sẽ thành một chiều dày. Chiều dày ấy động viên lại hắn.
Hắn viết đang giai đoạn sung sức. Đó là kết quả những ngày đi xuống xí nghiệp lăn lộn với anh em thợ như một người bạn. Là những đêm miệt mài, không biết trời sáng từ bao giờ. Là những hình ảnh cố nắm bắt. Là những gì mong manh ẩn hiện mà hắn cố glữ lại, đóng đinh lên trang giấy. Là tình yêu của hắn đối với Đảng, với chủ nghĩa cộng sản mà hắn tin vì đó là khoa học. Là sự trân trọng quý mến những con người hắn gần gũi, cảm phục. Là trách nhiệm đối với bè bạn, vợ con. Là ý chí kiên cường của bản thân. Là thông minh bùng nổ giữa mụ mị nghĩ suy. Máu của hắn. óc của hắn. Mười năm mài miệt trong một cơn mộng du dài của hắn. Nửa đêm thức giấc vùng dậy chỉ ghi vội một chữ, một chữ chính xác. Không được lười để sáng mai. Quên ngay. Hắn đã có kinh nghiệm. Bữa cơm, vợ hỏi vài câu, nghe nhưng không hiểu vì còn nghĩ, còn mộng du tài năng, mộng du chữ nghĩa.
Tất cả vứt ngổn ngang ở một bên lò sưởi, cách xa đống sách đã in. Hắn nhìn người ta quăng quạt xếp giấy của hắn. Chao! Hắn đã nghiền ngẫm, chọn lựa từng từ, vuốt ve từng tờ, xếp cho ngay ngắn, ngắm nhìn độ dày của nó để tự động viên mình. Hắn nhìn những mảnh cắt dán, những trang thêm vào phải đánh những số phụ: a, b, c...
à đây! Sổ tay. Họ lật xem. Sổ tay của 15 năm làm báo. Của những giao thừa với công nhân xi-măng. Của những mã hàng năm mới trên cảng. Của cô kỹ thuật thủy văn trên đảo đi ngược chiều gió thổi. Của vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương...
Và thư từ. Thư bè bạn động viên nhau viết. Thư nhà xuất bản trả lời. Những bức thư đề nghị vay tiền của hắn, những tùy bút kinh tế thật hay và lâm ly gứi nhà xuất bản của hắn.
Nhật ký. Thoáng tấm ảnh vợ hắn thời con gái trên trang đầu. Những tờ lịch dán vào nhật ký. Đó là những ngày hắn không ghi gì hết. Tờ lịch đó nói tất cả. Hắn và vợ hắn đã đi đến tận cùng của tình yêu. Một món tóc của vợ hắn buộc vào một trang giấy. Trong xà lim hắn nhẩm đọc một đoạn thơ về món tóc ấy:
Đầu gối lên cùm sắt gỉ han
Nghĩ tóc em xanh mười chín tuổi
Mái sương đêm những vì sao Hà Nội
Trang nhật ký anh
Tóc em xanh trang nhật ký
Trong hồ sơ mật an ninh
Cả đến tình yêu chúng ta cũng bị nhục hình
Cắn răng lại, em ơi đừng khóc...
Hắn có cảm giác bị lột truồng ra trước mắt mọi người. Ông Lan, người đọc lệnh bắt giam hắn dường như là một người tế nhị. Ông ra gấp quyển nhật ký lại, làm như lơ đễnh, quẳng vào đống giấy mà ông ta sẽ thu. Rồi nhanh nhẹn, ông mở miếng gỗ đậy lò sưởi nơi hắn dùng làm bếp, thu hết những giấy tờ hắn dùng để nhóm bếp. Người ta bó tất cả những gì có chữ viết của hắn như sắp đi cân chè chai. Ba bó nặng. Mỗi bó chí ít cũng phải gần chục ki-lô. Sau khi rút ngăn kéo bàn làm việc của hắn, ngó lại một lần nữa, người ta bảo hắn, câu nói đầu tiên sau mấy tiếng đồng hồ im lặng khám xét và làm biên bản.
- Anh chuẩn bị nội vụ về trại giam.
Hắn không hiểu. Người ta giải thích:
- Nghĩa là chăn màn, quần áo.
Nội vụ, một từ mới trong vốn hếng từ vựng của hắn.
Một người chỉ vào tập Anna ở đầu giường:
- Anh đang đọc à?
- Vâng.
- Anh mang vào mà đọc.
Hắn mang theo ba quyển Anna Karênina có chữ ký của người dịch tặng hắn. Cho đến bây giờ nghĩ lại hắn vẫn cảm ơn người công an ấy. Ba quyển ấy hắn đọc gần như thuộc trong xà lim. Hắn không ngờ lại phải ở tù lâu thế.
Lúc đó hắn choáng váng vì cái lệnh bốn tháng. Hắn bị bắt bốn tháng. Bốn tháng nữa hắn mới được quay về. Bao giờ mới hết, mới qua được. Hắn không nhìn từ biệt con đường ra cổng. Cái hầm tránh máy bay. Cây nhãn.
Hắn không nhìn chồng sổ tay giấy tờ, bản thảo trên xe com-măng-ca lúc ấy đã không thuộc về hắn nữa. Hắn chỉ nghĩ đến cái thời hạn khủng khiếp. Bốn tháng. Bao giờ cho hết bốn tháng để về nhà.
Hắn dông thẳng tới 76 mà không hề biết rằng mình đang ở khu biệt giam 76. Hắn hỏi lại đám bạn câu hắn đã hỏi bố mẹ Phương tối hôm trước: "Thằng Phương bị bát vì tội gì”. Và lẩm bẩm: “Tuyên truyền phản cách mạng là gay lắm: Y như mình. Rất chung chung nên rất gay". Hắn hỏi tiếp:
- Bốn tháng. Lệnh tạm giam bốn tháng là dành cho những người tội nặng. điều tra phức tạp. Nhẹ chỉ hai tháng thôi. Nó bị giam ở đâu?
Bàn bảo:
- Chắc Hỏa Lò thôi.
Bố Phương nói:
- Hai bác chưa được vào thăm.
Hắn giải thích:
- Tù chính trị bao giờ cũng bị i-dô-lê. I-dô-lê hoàn toàn.
Hắn tránh chữ xà lim, nhưng lại nói ngay tới chữ ấy:
- Suốt mười tám tháng xà lim cháu không được gặp mặt vợ cháu. Cho mãi tới khi lên Q.N. Kinh nhất là các con mình vẫn cứ lớn lên, khác đi trong khi mình không được ở bên cạnh chúng. Bố Phương le lói một hy vọng.
- Liệu nó có được giam ở Sở Công an không? Họ nhận tiếp tế ở đấy.
- Vâng. Cũng có thể.
Hắn đã nói dối. Một lần nữa hắn lại nói dối. Nhận tắc ở Sở Công an. Nhưng giam ở Hỏa Lò. Cũng như anh em tù ở trại Cổng Giời, nhưng để lại gia đình địa chỉ: Công trường 75B Hà Nội. Nghe như ở vùng Mễ Trì, Đan Phượng.
Mạc, Hường thì thầm với nhau điều gì đó, rồi đứng dậy dắt xe đi. Bàn đưa cả chìa khóa buồng cho Hường. Còn lại hắn, Lê Bàn, bố mẹ Phương. Cũng như mọi người, hắn chưa bao giờ nghĩ rằng phương có tội. Hắn tin Phương như tin hắn. Phương có thể màc những chuyện này chuyện nọ nhưng chống lại cách mạng thì không. Tuyên truyền phản cách mạng lại càng không. Hắn nhớ đến dạo hắn còn công tác ở Hà Nội. Những chủ nhật, hai người ngồi với nhau tới khuya. Và những tối lang thang, ngồi bệt xuống thảm cỏ Hồ Tây. Dự định. Mộng ước. Động viên nhau làm việc. Cắm trước mặt mình những cái mốc từ gần đến xa: Pôlêvôi, Kadakêvich, Phađêep, Sôlôkhôp.
Hắn biết rõ Phương như hắn biết rõ hắn. Phương muốn gì? Cũng như hắn, Phương coi thường vật chất. Chỉ mong muốn viết được, khái quát được một giai đoạn cách mạng. Phương cũng như hắn đều là người ngoài Đảng, đều trung thực. Cũng như hắn, Phương thích mấy câu thơ Maia:
Thực ra ngoài chiếc áo sơ-mi tươi tắn
tôi chẳng cần gì.
Trước Bộ kiểm tra Trung ương Đảng
Những năm trong sáng tương lai
Vượt qua lũ nhà thơ bạc lận cờ gian
Tôi sẽ giơ cao tờ chứng minh thư Đảng
Là toàn tập thơ bônsêvích tôi làm
“Tuyên truyền phản cách mạng" tội danh của Phương cũng là tội danh của hắn. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó chỉ có thể là Phương đã nhìn thấy và báo động về những cái xấu xa đang mọc lên trên lưng chế độ như nạn móc ngoặc đang hình thành và bắt rễ trong các ngành mậu dịch. Nạn cửa quyền trong các cơ quan tiếp xúc với dân. Bệnh thành tích, hình thức, điêu dối trong báo cáo và cuộc sống. Chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần đã làm thiệt hại bao nhiêu đến sự nghiệp chung v. v... Phương đã nhìn thấy những gì trái với bản chất xã hội chủ nghĩa, muốn lên tiếng bảo vệ những lý tưởng của cách mạng. Vì cách mạng. Vì cách mạng là xương máu của bao thế hệ. Vì mình là người tâm huyết, một lòng theo cách mạng. Là sự nhìn nhận cuộc sống đúng với hiện thực, không phải chỉ một màu hồng. Là lòng mình yêu thiết tha nhân dân này, đất nước này, Là chống lại sự bất công mới đã có và đang có như một thứ nấm mốc lây lan. Để cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự nghiệp tốt đẹp hơn đúng với mục tiêu của nó.
Và như vậy là nhìn đời đen tối. Là bất mãn. Là chống đối. Là vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.
Chẳng lẽ mình không có quyền suy nghĩ, không có quyền nói lên, không có quyền tỏ thái độ? Chẳng lẽ mình không còn có quyền yêu nước. Chẳng lẽ lòng yêu nước cũng bị độc quyền? Không. Có thể độc quyền xuất khẩu, độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất muối, nhưng không thể độc quyền yêu nước!
Hắn nhìn nét mặt đau khổ, tối sầm của bố Phương, một cán bộ lâu năm vừa nghỉ hưu sau khi Phương bị bắt. Hắn nghĩ đến cái lệnh tập trung cải tạo mà bao người chịu. Cái án cao-su. án Tô Vũ chăn dê. án dê đực đẻ. Hắn nói: Cái chính là làm sao họ đem xử thằng Phương. Mẹ Phương ngắm nghía hắn, rổi thở dài:
- Thằng Phương yếu, không được như anh, ở trong ấy lâu nó không chịu nổi đâu.
Bàn nhíu mày:
- Nó đang làm một kịch bản phim về chiến tranh. Có vẻ thú lắm. Trước khi bị bắt mấy hôm, gặp nhau, nó còn khoe với tao.
Hắn lại nghĩ đến những người bắt hắn. Họ muốn lập công. Họ muốn tỏ ra là những người trung thành, có năng lực. Họ đã vận dụng một chỉ thị nào đấy, như thời gian hắn bị bắt là chủ trương pha-lê hóa thành phố... Thế là hắn trở thành một thứ hòn chèn, chèn cái chân ghế vốn khập khiễng của họ, hoặc một bậc thang trong cầu thang danh vọng của ai đó.
Tới gần trưa hắn từ biệt bố mẹ Phương. Bàn đèo hắn đến nhà Bàn. Bàn không ở Đền Ngọc như hồi hắn chưa đi tù, mà đã chuyển về một căn buồng hẹp phố Phùng Hưng. Vũ Mạc, Hường đã ở đó. Mùi thịt nướng thơm lừng. Hường má đỏ ửng, mắt long lanh ươn ướt vì khói.
Bún chả. Rượu. Rau muống chẻ giòn tươi. Đủ các loại rau thơm. Những cọng rau thơm khát vọng. Bốn người ăn. Chuyện. Hắn kể về những ngày đầu tiên bị ném vào xà lim, cái việc Phương đang chịu. Cũng như mọi người bị vào đấy, hắn đo chiều ngang chiều dọc chuồng nhốt hắn, xẹm mỗi chiều mấy bước chân. Xà lim 76 hẹp. Ngang ba bước bình thường. Nghĩa là một mét tám. Dài bốn bước ngắn. Nghĩa là hai mét. xà lim 76 có một cái bục xi-măng làm giường nằm. Lạnh lắm. Cũng như két-sô bên 75. Hắn đã một lần vào két-sô đổ bô. Tường quây kín mít dãy xà lim két-sô. Cách ly của cách ly. Liếc rất nhanh vào một cái cửa ghi-sê để xem bên trong. Cũng sàn xi-măng.
Thoáng trong bóng tối một gióng chân gầy, một cái lưng cong đang cúi, hai tay nâng bàn chân lên miệng... Nhấm móng chân! Cũng như mình thôi. Nhưng nếu mình ngồi, đấy lại là một chuyện. Nếu mình ngồi nhấm móng chân là đang quên đi tất cả thân phận xà lim, là mình đang được giải trí... Là giờ phút thư dãn dễ chịu hằng mong đợi. Vì cũng phải trải qua trăm nghìn cơn chết móng chân mới mọc đủ dài để gặm. Nhưng đứng ngoài nhìn vào thấy bố ấy đang còng lưng nhét ngón chân vào mồm thì thật không thể nào duyệt được.
Sang 75, mỗi chiều xà lim rộng hơn tới gần một bước chân. Bốn bước chiều ngang. Bốn bước rưỡi chiều dài. Những ngày đầu vào 76 cứ thế mà đi mà đếm. Một hai ba. Một hai ba bốn. Chiều ngang ba bước là vừa phải. Chiều dài chỉ ba bước rưỡi thôi. Vậy bước ngắn một chút. Bước ngắn quả là khó.
Chóng mệt. Mà không bước được chứ. Thì cứ bước bình thường, chỗ nửa bước còn lại ấy bỏ. Nào, một hai ba. Một hai ba. Đi từ sáng đến trưa. Nghỉ. Rồi lại đi đến chiều. Đi cho đến mệt lử. Đi để tự trấn tĩnh mình. Đi cho mình dịu lại. Đi để khẳng định niềm tin vào bản thân. Đi để nghĩ đến khi nào được ra sẽ kể cho bạn bè nghe mình đã đi trong xà lim như thế nào. Đi mà thương, mà hiểu nỗi lòng những con thú bị nhốt trong chuồng. Rồi nhớ đến bài Nhớ rừng của Thế Lữ. Nghĩ đến những người cộng sản bị tu đày. Những năm tháng tù đày ấy là những ánh hào quang lấp lánh ánh sáng huyền thoại rọi chiếu vào lịch sử dân tộc. Đó là đồ trang sức đẹp nhất cho những người làm chính trị mà không phải thế hệ nào cũng có được, dù cho thèm khát đến mấy. Lại nghĩ đến những người thành đạt, muốn nhảy vào gặt hái trong mọi địa hạt kể cả địa hạt thơ ca, những người muốn vĩ đại ở mọi lĩnh vực. Tự nhốt mình trong buồng. Rồi đi đi lại lại tìm tứ thơ như mình đang đi thế này. Cũng một hai ba, quay. Một hai ba, ba rưỡi, quay. Tìm tứ thơ vất vả lắm chứ. Đi nữa. Một hai ba. Một hai ba, ba rưỡi. Ba rưỡi, ba, hai, một. Nào các vị đã làm được một bài thơ mới nào chưa. Thế là cười. Cười một mình... Nhưng có cái này đúng là rất lạ. Khi bị giam lâu trong xà lim được ra ngoài, lạ nhất là trông thấy những người đi xe đạp. Ai đi xe đạp cũng như con gấu. Gù gù. Chân ngắn. Nhoáy nhoáy. Thật đấy. Ai cũng thấy thế. Chẳng riêng mình đâu. Một năm rưỡi mới trông thấy người đi xe đạp, khi ngồi trên ô-tô từ 75 chuyển đi Q.N, khóa chung tay với già Đô. Nhìn mọi người đi xe đạp thành gấu hết.
Ba người bạn gần như ngừng ăn. Nghe. Nghe hắn kể về tiếng chim kêu. Các loại. Như tiếng chim báo hiệu bình minh trong tù. Chưa sáng hẳn, rừng còn dày đặc một màu, con chim ấy đã bay dọc theo lán giam của hắn. Lán hắn nằm ở bờ dốc, ngay phía ngoài, sát hào và tường rào cao. Con chim rừng bay dọc thung lũng. Tiếng chim to lên rất nhanh. Như tiếng lợn bị chọc tiết. Và cũng tắt đi ngay vì con chim bay rất nhanh. Hắn cứ thót cả tim. Trở mình nằm sấp, hắn nhìn ra của sổ. Nhìn ra hàng rào cao dày. Con thằn lằn không chui qua được. Hắn nhìn ra rừng hoắm sâu những thung lũng, những khe núi, chờ trời sáng, chờ quản giáo tới mở cửa để ra ngoài.
Tinh mơ nào cũng một con chim ấy, bay dọc hàng rào của trại, từ phía dốc vào thung lũng. Nghĩa là ngang qua đầu hắn. Vừa bay vừa phóng ra những tiếng kêu thất thanh ấy. Như một mũi dao khoan xoáy vào không trung. Chẳng hiểu có việc gì mà nó bay sớm thế, nhanh thế và kêu thét lên như thế. Hắn chưa bao giờ trông thấy nó mà chỉ nghe thấy tiếng eng éc như tiếng lợn vút qua. Đó là tiềng chim báo bình minh của hắn.
Rồi tiếng chim khó khăn khắc phục. Bọn hắn đều biết phải chịu đựng, phải khắc phục, vượt qua những ngày dài đằng đẵng, những nỗi khổ cực không ai hiểu nổi này. Phải nói ai nghĩ ra chuyện bỏ tù thật là vĩ đại. Nhân loại phải tìm được tên người ấy để mà lưu danh, để mà tạc tượng. Người đã có sáng kiến vĩ đại khiến tất cả mọi quốc gia trên trái đất này đều áp dụng. Vĩ nhân ấy phải rất hiểu bản chất tự do của con người. Có gì đâu. Chỉ tước đoạt tự do của anh thôi. Bắt anh, nhốt anh ở một nơi. Anh phải tuân theo lệnh của tôi. Phải đứng, đi. ngồi, ăn, làm, nghỉ theo lệnh của tôi. Anh không còn một mối dây liên hệ nào với những người thân thiết của anh. Thế mà hóa ra địa ngục. Thế mà hóa ra tận cùng khủng khiếp.
Tiếng chim ở bên này rừng: Khó khăn.
Tiếng rừng bên kia đáp lại: Khắc phục.
Đó là những lời nhắn nhủ, những lời đồng cảm.
Nhưng nếu cứ nhắc đi nhắc lại, chỉ nhắc đi nhắc lại những lời đồng cảm thì đến phát điên mất. Đừng. Đừng làm như vậy. Đó chính là sự lãnh đạm đối với đau khổ của con người, vô tình, hơn nữa giả dối đến mức tệ hại nhất. Đó chính là vô đạo đức. Khó khăn... Thôi. Đủ rồi. Cái điệp khúc này tao nghe mãi rồi. Thuộc lòng rồi. Bao giờ chả thế. Hãy ngậm ngay mồm lại Rừng ong ong. Thung lũng ong ong. Không khí hầm hập. Nóng từ rừng núi toát ra và cũng từ rừng núi vọng ra lời nói vu vơ mà cứ xoáy vào lòng:
Khó khăn.
Khắc phục.
Rồi con chim Còn khổ. Đó mới thật là tiếng của kinh hoàng. Còn khổ. Còn khổ. Không. Không thoát được cảnh này đâu. Còn khổ. Còn khổ. Đừng mong đợi một ngày qua làm gì. Ngày mai cũng sẽ hệt như ngày hôm nay. Có án đâu mà tính đã qua được một ngày, rằng mình đã có thêm cái vốn, rằng cõi đời khốn nạn của mình đã bớt được mọt ngày, để tăng thêm nghị lực sống. Còn khổ. Còn khổ. Rừng núi báo cho các anh biết đấy. Luật pháp báo cho các anh biết đấy Chúng tôi không giấu giếm.
Còn khổ. Những người tù nhẫn nhực cúi đầu chịu đựng. Còn khổ. Voòng Kỷ Mình mặt dăn dúm, quắt queo, nhăn nheo như quả táo tầu khô, hao hao mặt khỉ, nhìn trước nhìn sau, xoay lưng lại, vặt vội nắm rau muống còn ướt đẫm phân tươi, ấn vào gô để tí nửa mang xuống suối rửa. Còn khổ. Hắn quẩy thùng nước phân thứ một trăm trong ngày, leo dốc, thở ra cả mang tai, mặt trời đốt vai rát bỏng. Dòi ở hố phân bám vào chân hắn trắng xóa, con rơi xuống đất theo từng bước chân huỳnh huỵch, con vẫn tiếp tục bò ngược lên tận bẹn. Còn khổ. Sao bây giờ vẫn chưa nghỉ giải lao. Còn khổ. Cái lưng cánh phản gù gù của Lỷ Xìn Cắm nâu thẫm như đồng lóa lên dưới nắng. Còn khổ. Già Gọi quệt tay áo ngang mặt. Nước mắt hay mồ hôi? Còn khổ. A Thềnh, người tù già dân tộc Nùng đi sang luống rau khác, bàn chân không quen đi ở mặt bằng cứ vất ra phía trước. Còn khổ. Còn khổ. Già Đô quắc mắt nhìn vào rừng sâu, rít lên: "Còn khổ cái con cặc tao đây này”. Còn khổ. Hắn đã tưới xong gánh phân và đi xuống múc gánh khác. Hố phân rộng như một cái ao còn khổ, bậc cấp kè đá gan gà vững chãi. Nước từ suối chảy xuống theo một lạch nhỏ róc rách còn khổ mặt hố phân đóng bánh như bê-tông xám đen. Anh em gánh vệ sinh vừa từ trong trại ra đổ ụp xuống mấy thùng phân tươi, rồi lặng lẽ bước về phía suối cọ thùng. Còn khổ. ừ, thì Còn khổ. Xong rồi. Chấp nhận. Được chưa? Còn khổ. Quên đi. Khuấy phân ở chỗ cầu bến này đã. Cho phân tan ra còn khổ cho nhặng bay lên xoáy vòng tròn đen đặc vù vù như ong vỡ tổ còn khổ, nhặng đâm cả vào mặt vào cổ vào tay, nhặng đậu cả lên tóc còn khổ cho dòi cuồn cuộn. Còn khổ. Vớt những giấy những giẻ những mảnh quần áo còn khổ những mảnh chăn quất quít những đóm nửa cây que mà anh em người dân tộc dùng như một thứ giấy vệ sinh, vất lên bờ hố. Còn khổ. Lội xuống cúi cúi ghé thùng múc. Còn khổ. Hơi nóng mằn mặn bốc lên chàm vào mắt vào mồm. Còn khổ. Loạng choạng lên dốc với một ý chí, một quyết tâm mới không biết từ đâu đến. Còn khổ... Còn khổ. Đừng dọa tao. Tao sẽ sống. Dù còn khổ. Khổ đến bao giở chăng nữa tao vẫn cứ sống.
Còn khổ còn khổ còn khổ còn khổ còn khổ còn khổ. Một loạt tiếng chim liên tiếp trong trẻo véo von trêu chọc. Những tiếng chim non nhí nhảnh. Nhịp điệu cũng nhanh. Nhanh và trong. Như lũ trẻ vô tư tót bụng trêu chòng những người bất hạnh mà không biết ràng mình đang làm khổ họ. Còn khổ. Tiếng một con chim bố chững chạc nghiêm trang một giọng phán truyền đầy hăm dọa như định mệnh cất thành lời Còn. Khổ. Còn. Khổ. Tiếng con chim già trải đời ôn tồn báo trước như an ủi, xót thương mà sao vẫn muốn khùng lên vạc lại. Còn khổ. Những người tù tuyệt vọng nhìn nhau. Còn khổ. Hẳn rồi. Nhưng còn khổ đến bao giờ? Có lần hắn nghe thấy một giọng trầm từ rừng sâu vọng ra. Một buổi chiều rừng nhợt nhạt hoang vu.
Cooòn khôôổ... Tiếng nghe uể oải và mệt mỏi. Đúng là tiếng của đất, của rừng than thở một mình, đồng điệu với tiếng rên không thành lời âm thầm trong lòng hắn. Và tiếp theo là tiếng thở dài của rừng sâu. Thỉnh thoảng rừng vẫn thở dài như vậy. Hắn gai người... Còn một loài chim nữa. Hắn cũng chỉ nghe thấy có một lần. Hôm ấy hắn định về trại (hắn đã được giữ chân coi vườn), thì từ phía sau rừng đi ra một ông công an vũ trang. Ông bảo hắn:
- Các ông ấy đánh cá phía trên đấy.
Hắn như mở cờ trong bụng, cầm ca chạy lên. Hắn cứ theo dòng suối vào sâu mãi. Trời thâm u đầy mây như sắp đổ mưa rào sớm. Giữa rừng lại càng sầm lại. Một mình hắn với cái ca. Bỗng tiếng chim kêu rất to ngay bên cạnh như tiếng người: “ới con ơi! ” Tiếng ơi không nhỏ dần đi mà lại to lên. Đúng lúc to nhất thì đột ngột tắt. Rừng sâu lịm đi. Hắn bỗng thấy rừng hoang vắng quá. Hắn chờ một tiếng gọi tiếp theo. Hoặc một người bước ra. Nhưng rừng cừ tối dần lại. Hắn hoang mang không biết đó là tiếng người hay ảo giác. Về sau, lên VQ, gặp anh em đã ở Hà Giang, họ bảo có con chim ấy. Chưa ai trông thấy nó, nhưng nhiều người đã nghe thấy nó gọi con. Họ đặt tên là chim ới con ơi. Bàn cười:
- Riêng chuyện chim kêu đã viết được một chương rồi.
Hường nhìn hắn trìu mến:
- Ngọc chưa biết anh về đâu nhỉ? Nhìn kiểu cười tủm tỉm của Hường, hắn biết Hường đang rất vui. Cái kiểu Vũ Mạc đối với Hường làm hắn biết Hường là người đem lại hạnh phúc cho Vũ Mạc. Họ không nói với hắn trong lúc này. Nhưng hắn hiểu. Chỉ có điều hắn không biết Hường đã bỏ việc để yêu Mạc, tránh mọi thứ kiểm điểm lôi thôi ở cơ quan. Cũng như hắn không hiểu được để có bữa bún chả, Mạc đã đi bán máu. Lúc đó Mạc đã là lính me. May là hôm ấy bệnh viện không mua máu ngoài. Hôm ấy bệnh viện chỉ giải quyết nội bộ. Nghĩa là chỉ mua máu của những người làm trong bệnh viện. Mạc là khách quen. Vẫn được nhận. Lại không phải xếp hàng. Phải đến năm sáu năm sau, Lê Bàn mới nói cho hắn biết chi tiết ấy. Bàn cười rinh rích: Chúng tao không dám nói. Sợ mày kinh, ăn không ngon. Sợ mày nghĩ là mày đang ăn thịt nó. Nó bán máu và bán luôn cả cái phiếu đậu bồi dưỡng. Chao ơi Bè bạn.