MAI THẾ SANG dịch
NỮ HẦU TƯỚC BRANHVILIÊ
(1676)

Vào khoảng cuối năm 1665, trong một buổi chiều thu đẹp, có một đám người khá đông tập trung ở phía cầu Mới đi xuống phố Đôphin. Giữa đám đông mọi người đang xem, là một cỗ xe ngựa cửa đóng kín và một sĩ quan đang cố gắng mở, trong khi đó bốn người lính đi theo sĩ quan thì hai người nắm lấy cương ngựa bắt dừng lại và hai người nữa đang ghìm người đánh xe, hắn cứ giả điếc mặc những lời hò hét, cứ cho ngựa phóng lên. Cuộc giằng co ấy tiến hành được một lúc, bỗng nhiên cánh cửa xe mở tung ra và một người thanh niên mặc quân phục đại úy kỵ binh từ trong xe nhẩy xuống đường và đóng nhanh cánh cửa xe lại, nhưng cũng không thể nhanh bằng cặp mắt của những người đứng gần đấy. Họ đã nhìn thấy trong xe có một phụ nữ khoác chiếc áo măng tô, mặt phủ một chiếc khăn voan như muốn giấu kín không ai nhìn thấy mặt mình.
Người trẻ tuổi vừa nhẩy trong xe ra đứng giữa đường nói với viên sĩ quan, giọng ngạo mạn:
- Thưa ông, tôi chắc ông chỉ có việc với mình tôi. Tôi yêu cầu ông cho biết, nhân danh gì mà ông giữ cỗ xe này lại? Và bây giờ tôi không ở trong xe nữa, vậy yêu cầu ông ra lệnh cho quân của ông để cho xe tiếp tục cuộc hành trình của nó chứ.
Viên sĩ quan chẳng hề nao núng trước những lời lẽ trịch thượng ấy, ra lệnh cho quân của mình cứ tiến hành như đang làm rồi nói:
- Trước hết yêu cầu ông trả lời những câu hỏi của tôi đã.
- Tôi nghe đây! - Người thanh niên nói và lộ rõ vẻ cố gắng giữ thái độ bình tĩnh.
- Ông có phải là hiệp sĩ Gôđanh đờ Xanhcroa? - Vâng.
- Vậy thì nhân danh Đức Vua, tôi bắt giữ ông. - Ông căn cứ vào chiếu chỉ nào?
- Tôi căn cứ vào chiếu chỉ tróc nã đây!
Hiệp sĩ đưa mắt liếc nhanh lên tờ giấy và nhận ngay thấy chữ ký của ông chánh mật thám. Anh chỉ còn nghĩ tới người phụ nữ ngồi trong xe nữa thôi nên nhắc lại đề nghị của anh lúc nãy:
- Vâng, được thôi! Nhưng chiếu chỉ này chỉ ghi có một mình tên tôi, vậy xin nhắc lại là ông không có quyền để cho người phụ nữ ngồi trong xe với tôi phải phơi mặt ra trước những cặp mắt tò mò của công chúng như ông đang làm đây. Vậy tôi yêu cầu ông ra lệnh cho quân của ông để cho xe này được tiếp tục lên đường. Còn tôi thì tùy ông muốn dẫn tôi đến đâu tùy ý.
Yêu cầu đó có vẻ hợp lý, viên sĩ quan ra lệnh cho quân để cho cỗ xe được tự do. Nó lập tức rẽ đám đông lao lên mang theo người phụ nữ mà hiệp sĩ có vẻ rất quan tâm đến.
Về phía mình, như đã hứa, Xanhcroa không phản kháng gì cả, anh đi theo tốp lính giữa đám đông. Mọi tò mò đều chú ý vào anh. Rồi tới một góc phố, người đội dẫn anh tới một cỗ xe, anh trèo lên. Viên sĩ quan cũng trèo lên xe ngồi xuống bên cạnh. Hai người lính ngồi đằng sau xe, còn hai người lính kia, sau khi bảo người đánh xe: “Về ngục Basty” liền rút lui.
Hiệp sĩ Gôđanh đờ Xanhcroa, người ta không biết tông tích như thế nào. Người thì nói hắn là con đẻ hoang của một lãnh chúa, trái lại, một số người lại nói hắn là con một gia đình nghèo. Nhưng không chịu đựng được một nguồn gốc tối tăm như vậy, hắn thích một điều sỉ nhục tô son hơn, hắn đã đội một lốt khác. Tất cả những gì người ta biết được rõ ràng về hắn là hắn sinh trưởng ở Môngtôbăng, hiện là đại uý trong quân đoàn Traxy.
Xanhcroa vào thời kỳ bắt đầu câu chuyện này, tức là vào cuối năm 1665, trạc 28, 30 tuổi. Hắn đẹp trai, vẻ mặt sáng sủa. Hắn là một người bạn ăn chơi thoải mái và là một đại úy dũng cảm. Hắn vui cái vui của người khác, dễ dàng yêu đương, ghen tuông đến điên cuồng dù chỉ là một ả giang hồ miễn là hắn thích. Hắn tiêu phá phung phí như một đế vương mặc dù chẳng biết dựa vào đâu. Sau cùng, hắn rất nhạy cảm với những lời thỏa mãn như tất cả những ai ở trong tình trạng đặc biệt luôn luôn nghĩ là mọi người biết nguồn gốc của mình nên chửi xỏ.
Năm năm về trước, tức năm 1660, trong quân đội, hắn làm quen với một hầu tước tên là Branhviliê, sĩ quan trong quân đoàn Noócmăngđi. Hai người gần bằng tuổi nhau, cùng ngành nghề, ưu khuyết điểm cũng giống nhau. Từ chỗ quen biết thường, họ trở thành thắm thiết đến độ sau khi hết nghĩa vụ quân sự, Branhviliê giới thiệu Xanhcroa với vợ và thu xếp cho bạn ở trong nhà mình.
Mối thân mật ấy chẳng bao lâu đã đem lại những kết quả tất yếu.
Bà hầu tước Branhviliê hồi đó cũng trạc hai mươi tám tuổi. Chín năm về trước, bà lấy hầu tước Branhviliê, một người hàng năm hưởng thụ lợi tức ba mươi nghìn livrơ. Bà cũng mang thêm vào hai trăm nghìn livrơ của hồi môn, chưa kể hi vọng còn được chia phần gia tài. Bà tên là Mary Nađơien, bà có hai anh và một em gái. Cha bà, ông Đơđôbray là hàm sĩ quan trong pháo đài ở Pari.
Sắc đẹp của bà hầu tước Branhviliê đến độ rực rỡ nhất vào năm bà hai mươi tám tuổi, thân hình bà nhỏ nhắn nhưng hoàn toàn cân đối, đường nét của bà đều đặn như một pho tượng sống.
Mới gặp nhau lần đầu, Xanhcroa và bà hầu tước đã mê nhau ngay và chẳng bao lâu đã trở thành nhân tình, nhân ngãi của nhau. Còn về phần ông hầu tước, hoặc vì ông là đồ đệ của môn triết học vợ chồng thời bấy giờ, hoặc vì ông mải vui chơi mà chẳng rỗi thì giờ để nhận thấy sự việc đang xẩy ra ngay trước mắt ông. Ông chẳng hề ngăn cản mối quan hệ quá suồng sã ấy và ông cứ tiếp tục ăn chơi thoải mái, mặc dù ông đã làm cho gia tài mình vì thế mà ngày càng khánh kiệt. Chẳng bao lâu công việc của ông bận bịu quá đến nỗi bà hầu tước chán ngấy ông và say sưa trong mối tình mới. Bà hầu tước muốn được tự do hơn nữa nên yêu cầu ly thân và được chấp thuận. Từ đó bà lìa bỏ gia đình chồng và không còn dè dặt gì nữa, đi đâu cũng cặp kè với Xanhcroa.
Mối quan hệ đó, dù sao cũng đã được phép do những tấm gương của các vị đại chúa công, không gây một tác động nào đối với ông hầu tước Branhviliê. Ông vẫn tiếp tục tự phá sản một cách vui vẻ, chẳng hề thắc mắc về hành vi của vợ mình.
Nhưng không thể như thế được đối với ông Đơđôbray, ông vẫn giữ được nền nếp gia giáo, ông sợ những câu chuyện lộn xộn của con gái sẽ ảnh hưởng đến thanh danh mình. Ông xin được một chiếu chỉ cho phép bắt giữ Xanhcroa bất kỳ ở đâu. Sự việc tiến triển ra sao chúng ta đã được biết, ngay khi Xanhcroa đang ngồi trong xe với bà hầu tước Branhviliê mà hẳn các bạn độc giả đã nhận ra ở người phụ nữ cố tình giấu mặt ở phần trên.
Người ta đã hiểu rằng với đặc tính của Xanhcroa, hắn đã phải cố gắng biết bao để khỏi làm liều vì bị bắt ở giữa phố. Tuy nhiên, hắn cũng giữ được bình tĩnh khi bước qua cánh cửa buồng giam và trả lời những câu hỏi thông thường của viên giám đốc ngục. Giọng nói của hắn vẫn thản nhiên, và khi người ta đưa cho quyển sổ ngục, hắn không khỏi không run tay lúc ký vào đấy. Lập tức tên cai tù, theo lệnh của giám ngục, ra hiệu bảo hắn đi theo. Và sau một vài chỗ quanh co của hành lang lạnh lẽo và ẩm ướt, nơi mà ánh sáng đôi khi có dội vào, còn không khí thì không bao giờ, tên đó mở một cửa buồng, Xanhcroa vừa bước vào đã nghe tiếng cánh cửa đóng sập sau lưng.
Thấy tiếng khóa cửa, Xanhcroa quay lại: tên cai ngục chỉ để lại cho mình không gì khác ngoài chút ánh trăng luồn qua chiếc cửa sổ có chấn song sắt cao mười piê và chiếu xuống một mảnh giường nằm tồi tàn, còn tất cả trong buồng đều tối như bưng. Tù nhân đứng dừng lại một lúc nghe ngóng, rồi nghe thấy tiếng bước chân xa dần và mất hẳn. Hắn nguyền rủa trời đất và gọi kêu đủ mọi thế lực, dù là thế lực nào, miễn là mang lại được cho hắn tự do và báo thù.
Ngay lúc ấy, và như thể được những lời nói đó lôi từ lòng đất lên, một người gày gò xanh xao, tóc dài, mặc áo chẽn đen, từ từ bước vào vòng ánh sáng xanh từ trên cửa sổ chiếu xuống và đi lại chân giường Xanhcroa đang nằm. Hắn vội ngồi nhổm ngay dậy và theo thói quen đưa tay vào chỗ chuôi gươm mà cách đây hai giờ nó có ở đấy. Cứ mỗi bước mà nhân vật kỳ dị và bí hiểm ấy tiến lại phía hắn, hắn lại cảm thấy tóc mình dựng ngược lên và một giọt mồ hôi lạnh ngắt chảy xuống mắt. Cuối cùng bóng ma ấy dừng lại, nó và tù nhân nhìn nhau trừng trừng một lát, rồi nhân vật bí hiểm ấy lên tiếng nói trước:
- Này anh bạn trẻ, anh đã kêu xin địa ngục cho anh một biện pháp để báo thù những kẻ đã giam cầm anh và để chống lại Chúa Trời đã bỏ rơi anh. Biện pháp đó tôi có và tôi mang lại cho anh đây. Anh có can đảm tiếp thu không?
- Nhưng ông là ai đã?
- Anh cần gì biết tên tôi khi anh kêu gọi tôi đến và mang lại cho anh cái mà anh yêu cầu?
- Mặc dù thế - Xanhcroa đáp vì vẫn nghĩ rằng mình đang gặp phải một con người phi thường. - Khi người ta muốn hiệp ước với nhau người ta vẫn muốn biết người ta làm việc với ai.
- Thôi được, nếu anh muốn biết: Tôi là người Ý, tên là Exili.
Xanhcroa cảm thấy rùng cả mình, vì hắn vừa chuyển từ một ảo ảnh ma quỉ sang một thực tế khốc liệt. Quả thật là cái tên mà hắn vừa được nghe là một cái tên nổi tiếng một cách kinh khủng, không những khắp nước Pháp mà còn khắp nước Ý nữa. Bị trục xuất khỏi La Mã vì bị mang tiếng là đã tham gia nhiều vụ đầu độc mà người ta không thể tìm ra được bằng chứng, Exili đến Pari và chẳng bao lâu đã bị các nhà chức trách để ý đến. Một sắc lệnh truy nã hắn ban ra và thế là hắn bị bắt đưa về ngục Basty trước Xanhcroa sáu tháng. Thời kỳ đó tù nhân rất đông nên người ta phải giam người mới vào với người cũ, thế là người ta đã tập trung Xanhcroa vào với Exili mà không nghĩ rằng như vậy là liên kết hai con quỉ vào với nhau.
Exili không phải là một tên đầu độc tầm thường, hắn là một nhà nghệ thuật về thuốc độc như những Mêđixit và Boocgia. Đối với hắn, giết người là một nghệ thuật, hắn khống chế nó bằng những công thức nhất định và chắc chắn, do đó hắn đi tới điểm không phải vì lợi ích mà là vì say mê thí nghiệm không thể cưỡng được.
Xanhcroa lưỡng lự một lúc, nhưng rồi cuối cùng hắn cũng phải khuất phục trước những lời chế giễu của tù nhân cùng buồng. Exili lên án người Pháp còn có cả thiện ý trong những tội ác của họ, trong những cuộc trả thù họ lại cùng nhau chịu chết với kẻ thù mà đáng lẽ họ có thể sống sót được để mà cười vào mũi cái chết. Hắn nêu lên cho Xanhcroa nghe tên những thứ thuốc bột, thuốc nước, thứ thì âm ỉ và phát huy hiệu quả rất chậm làm cho bệnh nhân phải rên xiết rất lâu; thứ thì mạnh và nhanh, nó giết người như tiếng sét, nạn nhân không kịp kêu một tiếng.
Dần dần Xanhcroa thích thú thứ trò chơi ấy, nó đặt cuộc sống của nhiều người vào tay một người. Hắn bắt đầu học hỏi những kinh nghiệm của Exili, về sau hắn cũng đủ khéo léo để tự động làm lấy một mình. Và một năm sau, hết hạn tù, hắn ra khỏi ngục Basty, học trò đã ngang tài với thầy giáo.
Xanhcroa lại bước vào xã hội đã có lúc đầy đọa hắn, với một sức mạnh khủng khiếp. Nhờ có nó hắn có thể trả thù xã hội mọi nỗi bất hạnh mà hắn đã phải nhận. Ít lâu sau Exili cũng được ra khỏi tù, không rõ vì lý do gì và đến tìm ngay Xanhcroa. Xanhcroa thuê cho hắn một căn phòng đăng ký tên người quản gia của hắn là Mactanh Đờbrơi.
Người ta không rõ trong thời gian hắn ở ngục Basty, bà hầu tước Branhviliê có tới thăm hay không, chỉ biết là ngay sau khi hắn ra khỏi ngục, cặp tình nhân ấy lại tìm gặp nhau và đắm đuối với nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên họ cũng đã có kinh nghiệm cần phải biết đề phòng. Do đó họ quyết định phải thí nghiệm ngay thứ khoa học mà Xanhcroa đã thu lượm được và ông Đôbray được chính con gái mình chọn làm nạn nhân thứ nhất vì ông là một chướng ngại cho những cuộc truy hoan của chúng, đồng thời mụ hầu tước lại còn được thừa hưởng gia tài của cha để bù lại gia tài của mình đã bị chồng phá gần hết.
Nhưng một đòn như vậy phải là một đòn quyết định, cho nên mụ hầu tước muốn thí nghiệm thứ thuốc độc của Xanhcroa vào ai khác trước khi vào cha mình. Do đó một hôm người hầu phòng của mụ tên là Frăngxoa Rútxen vào buồng mụ sau bữa ăn trưa, mụ liền đưa cho chị một khúc Jămbông cùng với một ít mứt mận để cùng ăn tráng miệng với mụ nhân thể. Chị hầu phòng không nghi ngờ gì cả liền ăn ngay mấy thứ của bà chủ đưa cho. Những ngày sau đó chị bị đau bụng và cảm thấy như có người cầm kim châm vào tim mình, nhưng chị không bị chết. Mụ hầu tước thấy là món thuốc độc đó cần phải tăng thêm liều lượng. Xanhcroa liền pha chế thứ thuốc khác, mấy hôm sau đưa lại cho mụ.
Thời cơ sử dụng thứ thuốc đó đã đến. Ông Đôbray sau một thời gian làm việc căng thẳng, cần phải về nghỉ hè tại lâu đài Ofêmông của ông. Mụ hầu tước tình nguyện đi theo phục vụ cha. Ông Đôbray tưởng con gái mình đã cắt đứt mối quan hệ xấu với Xanhcroa, ông sung sướng nhận lời.
Ông Đôbray ra đi cùng với con gái và một người đầy tớ. Chưa bao giờ mụ hầu tước lại chăm sóc cha đến như vậy, mụ có những quan tâm đặc biệt trong suốt cuộc hành trình ấy. Mụ luôn luôn ở bên cạnh cha, ngủ buồng bên cạnh buồng cha, ăn cùng với cha như không muốn ai khác phục vụ cha mình. Với cái vỏ bề ngoài đó, một buổi tối mụ bưng cho cha một bát xúp nóng có bỏ thuốc độc. Ông Đôbray cầm lấy từ tay con gái, cặp mắt mụ theo dõi cho vào đến tận trong lồng ngực ông. Mặt vẫn lạnh như tiền, lòng mụ không một chút xao xuyến. Rồi sau khi ông Đôbray đã uống hết, mụ đỡ lấy cái bát cha đưa cho, tay mụ không hề run. Mụ rút lui về buồng riêng, chờ đợi và nghe ngóng.
Hiệu quả của thuốc thật là nhanh, mụ hầu tước nghe thấy cha rên lên vài tiếng, rồi rên la liên tục. Sau đó, vì không chịu đựng được những cơn đau bụng, ông phải lên tiếng gọi con gái. Mụ hầu tước vào.
Lần này thì nét mặt mụ lộ rõ vẻ rất lo lắng, chính ông Đôbray lại phải an ủi con gái. Ông bị nôn thốc nôn tháo kèm theo là những cơn đau bụng dữ dội không thể chịu được, ông phải nhượng bộ con gái cho người đi tìm cứu viện. Tám giờ sáng hôm sau một vị thầy thuốc tới. Tất cả những dấu vết về thuốc độc đều đã biến hết. Thầy thuốc chỉ thấy lời khai của ông Đôbray những triệu chứng về một bệnh khó tiêu, ông liền kê đơn thuốc rồi trở về Cômpi.
Cả ngày hôm đó mụ hầu tước không rời bệnh nhân. Đêm đến mụ sai kê giường sang cùng buồng cha và tuyên bố chỉ mình mụ chăm sóc.
Hôm sau thầy thuốc lại tới, bệnh tình ông Đôbray nặng hơn, ông không nôn nữa nhưng lại rất đau bụng. Ông thấy như có lửa đốt trong lòng. Thầy thuốc phải lệnh đưa ông về Pari điều trị.
Trên đường đi, ông Đôbray phải nằm trong xe, đầu tựa lên vai con gái. Cuối cùng ông cũng tới được Pari. Tất cả đều tiến hành theo đúng ý nguyện của mụ hầu tước. Sân khấu của tấm kịch đã thay đổi, người thầy thuốc đã được chứng kiến những triệu chứng sẽ không nhìn thấy cơn hấp hối, nghiên cứu sự phát triển của bệnh tình, không một con mắt nhà y lành nghề nào phát hiện được nguyên nhân, sợi dây dò xét đã bị đứt ở quãng giữa, bây giờ thì hai phần xa nhau quá, khó mà có thể nối lại với nhau.
Mặc dù được chăm sóc rất khẩn trương và chu đáo, bệnh tình của ông Đôbray tiếp tục xấu đi. Mụ hầu tước rất trung thành với nhiệm vụ không rời cha ra một giờ nào. Cuối cùng, sau bốn ngày hấp hối, ông Đôbray trút hơi thở cuối cùng trong tay con gái, miệng ông lẩm bẩm cầu phúc cho kẻ đã ám sát mình.
Thế là nỗi đau đớn của mụ hầu tước nổ ra thành những tiếng khóc than nức nở trời sầu đất thảm làm cho tình cảm của những anh em mụ phải trở thành giá lạnh bên cạnh mụ. Cuối cùng không có ai nghi ngờ là một tội ác nên không cần mổ xẻ, và nấm mồ đóng kín lại không để một vấn vương một chút nghi ngờ nào.
Tuy vậy, mụ hầu tước cũng chỉ mới đạt được một nửa nguyện vọng, mụ được tự do hơn trong yêu đương, còn việc thừa hưởng gia tài của cha không được nhiều như mụ tưởng. Phần lớn di sản cùng với trách nhiệm đều thuộc về người anh cả và anh thứ, hai người anh này đều là cố vấn của Quốc hội. Vậy là tình trạng gia tài của mụ chẳng thay đổi được mấy tí.
Còn Xanhcroa, hắn sống rất phong lưu sung sướng, mặc dù người ta thấy hắn chẳng có gia tài gì, thế mà hắn thuê một quản gia tên là Mactanh, ba đầy tớ tên Jooc, Lapie và Lasôtxtê. Thêm nữa, lại còn có một cỗ xe ngựa trang bị đầy đủ và những người phu khiêng vác để phục vụ cho những cuộc đi chơi đêm của hắn.
Trong những cuộc giao du, hắn đánh bạn với nhiều người, hoặc trong giới quí tộc, hoặc trong những người giàu sang. Trong số những người giàu, có một người tên là Rêchpơnôtê làm giám thu phái giáo sĩ và thủ quĩ ở Lănggơnốc, một nhà triệu phú.
Hắn chung nhau kinh doanh với một người tên là Alibe, viên tham tá đầu tiên của hắn, ông này bỗng nhiên trúng phong chết. Cái chết ấy được Pênôtê biết trước khi gia đình biết. Những giấy tờ của công ty ấy bị mất hết, người ta không hiểu vì sao. Thế là vợ con người chết bị phá sản.
Anh vợ của người chết tên là Matđơlen tỏ vẻ nghi ngờ về cái chết ấy và muốn đi sâu tìm hiểu. Nhưng trong khi đang tìm tòi, bỗng nhiên cũng lăn ra chết nốt.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Xanhcroa và mụ hầu tước Branhviliê sau thời kỳ để tang lại nối lại mãnh liệt như xưa. Hai ông anh của mụ khuyên bảo em gái về mối quan hệ ấy. Mụ phát hiện ra là trước khi chết, cha mụ đã dặn các anh mụ là phải trông nom đến hành vi của em gái.
Như vậy tội ác giết cha của mụ coi như không tác dụng mấy. Mụ muốn thoát khỏi những cuộc cản trở và được thừa hưởng toàn vẹn gia tài. Nhưng cái gia tài ấy, trừ phần của các ông anh, đến tay mụ không đủ để mụ trả nợ. Những sự phản đối lại được tái sinh từ cửa miệng các ông anh, một ông là hàm thiếu úy, ông có đủ quyền lực để chia rẽ mụ với nhân tình một lần nữa.
Cần phải đề phòng trước vấn đề. Tên đầy tớ Lasôtxê đang làm việc với Xanhcroa bỗng dưng thôi việc và ba tháng sau thấy hắn vào làm việc trong nhà ông cố vấn Quốc hội do môi giới của mụ hầu tước. Ông cố vấn ở cùng một nhà với em trai là hàm thiếu úy.
Lần này không phải là thứ thuốc độc chết nhanh như đã dùng cho ông Đôbray, vì trong cùng một gia đình mà xẩy ra hai vụ chết giống nhau có thể làm người ta nghi ngờ. Người ta làm lại thí nghiệm, không phải là trên súc vật vì tầm vóc khác nhau có thể cho những kết quả khác nhau mà là trên con người thực sự.
Mụ hầu tước vốn được tiếng là một phụ nữ đức hạnh và có lòng từ thiện. Đôi khi mụ thường giúp đỡ các bà phước trong việc chăm sóc người ốm trong những bệnh viện mà mụ vẫn gửi rượu và thuốc men đến tặng. Như vậy, người ta không lấy làm lạ về sự có mặt của mụ ở bệnh viện. Lần này mụ mang đến bánh bích qui và kẹo mứt cho những người đang dưỡng sức. Dĩ nhiên là quà của mụ được tiếp nhận với lòng nhiệt liệt biết ơn.
Một tháng sau, mụ hầu tước Branhviliê quay lại bệnh viện và hỏi thăm sức khỏe của một số bệnh nhân mà mụ quan tâm đến. Mụ được biết sức khỏe của họ bị giảm sút và bệnh tình của họ thay đổi có tính chất nặng hơn. Đó là một sự chết dần chết mòn một cách kỳ dị. Mụ hỏi các thầy thuốc, các thầy thuốc chẳng biết thế nào mà trả lời. Thứ bệnh đó họ chưa thấy, khoa học đành bó tay.
Mười lăm ngày sau mụ lại đến, một vài bệnh nhân đã chết, số còn lại vẫn sống, nhưng trong cơn hấp hối tuyệt vọng, những bộ xương biết cử động chỉ còn tiếng nói qua cái nhìn và hơi thở.
Hai tháng sau tất cả đều chết. Y học mù tịt, trong khoa mổ xẻ cũng như trong khoa điều trị.
Thí nghiệm như vậy là đủ yên tâm rồi. Do đó Lasôtxê đi nhận nhiệm vụ mới.
Một hôm ông hàm thiếu úy rung chuông, Lasôtxê bước vào chờ lệnh. Hắn thấy ông đang làm việc với người thư ký riêng tên là Cuttê, ông Đôbray cần một cốc nước và rượu. Một lát sau Lasôtxê mang vào.
Ông Đôbray nâng cốc lên, nhưng vừa mới uống hụm đầu ông đã bỏ xuống và mắng:
- Thằng khốn kiếp kia, mi đưa cho tao nước gì vậy? Mi muốn đầu độc tao hay sao đấy? Này anh Cuttê, anh thử xem trong này có cái gì vậy?
Nói xong ông đưa cốc nước cho viên thư ký, anh này lấy một thìa cà phê múc lên vài giọt rồi đưa lên mũi ngửi và nếm, nó có mùi và vị đắng của chất lưu toan. Cùng lúc đó Lasôtxê tiến lại viên thư ký, vừa đi vừa nói hắn biết là chất gì rồi. Một người hầu hôm nay bị ốm nên đã uống thuốc lúc buổi sáng, có lẽ vô tình hắn đã lấy phải cốc của người ốm. Nói xong hắn cầm lấy cốc đưa lên môi giả vờ nếm một ít rồi nói rằng đúng như vậy, hắn cũng nhận ra mùi, rồi hắt cốc nước vào lò sưởi.
Vì ông Đôbray uống chưa nhiều nên không việc gì và rồi ông quên ngay vụ đó. Còn Xanhcroa và mụ hầu tước coi đó là đòn đánh hụt. Chúng quyết tâm chờ cơ hội khác.
Ba tháng đã trôi qua mà cơ hội đó chưa đến.
Nhưng rồi vào những ngày đầu tháng tư năm 1670, ông hàm thiếu úy đưa ông cố vấn về dự lễ phục sinh trên đất của ông ở Vinlơquay. Lasôtxê đi theo chủ, và lúc đi hắn lại nhận được những chỉ thị mới.
Hôm sau về đến quê nhà, trong bữa ăn, người ta phục vụ món chim câu quay. Bẩy người ăn món đó đã bị khó chịu trong người, còn ba người không ăn không việc gì.
Trong những người bị chất độc có ông hàm thiếu úy, ông cố vấn và ông hiệp sĩ tuần phòng. Có thể là ông hàm thiếu úy ăn nhiều hơn nên ông là người đầu tiên bị nôn mửa. Hai giờ sau ông cố vấn cũng bị như vậy. Còn ông hiệp sĩ và mấy người kia vài ngày sau mới thấy đau bụng dữ dội, nhưng bệnh tình của họ không nặng như của hai anh em Đôbray.
Lần này cũng như các lần trước, y học chịu bó tay. Ngày 12 tháng 4 tức là năm ngày sau vụ đầu độc, hai anh em Đôbray trở về Pari. Hai ông hoàn toàn thay đổi, nghĩa là người ta tưởng hai ông vừa mới bị một trận ốm dài và ác liệt. Mụ hầu tước lúc đó ở quê nhà và không trở về suốt thời gian hai ông anh bị bệnh.
Cuộc chẩn đoán bệnh ông hàm thiếu úy đầu tiên, các thầy thuốc không đạt được kết quả gì, cũng là những triệu chứng của ông Đôbray bố trước kia. Người ta cho là chứng bệnh di truyền nhưng không hiểu là bệnh gì.
Tình trạng các bệnh nhân ngày càng xấu đi, hai ông rất sợ thịt và các cơn nôn mửa không chấm dứt. Ba ngày cuối cùng trong đời ông hàm thiếu úy, ông kêu như có một lò lửa bên trong đang hun đúc ông, như phụt ra từ cặp mắt ông là cơ quan độc nhất trong người còn sống sót, các bộ phận khác đều đã là của thây ma. Sau cùng, ngày 17 tháng 6 năm 1670, ông thở hơi cuối cùng. Thuốc độc đã phát huy tác dụng trong người ông bảy mươi hai ngày liền.
Những mối hoài nghi bắt đầu nảy nở, thi thể ông hàm thiếu úy được đem ra mổ xẻ và biên bản được thành lập. Cuộc mổ xẻ được tiến hành với sự tham gia của các ông Đuyprê và Duyrăng, thầy thuốc ngoại khoa và do ông Basô thực hiện. Người ta thấy dạ dày và hoành tá tràng bị đen và rơi ra từng mảng, gan bị hư và cháy.
Mọi người đều công nhận rằng đó là do thuốc độc gây nên. Nhưng vì sự có mặt của một số dịch thể cũng có thể gây nên những hiện tượng như vậy, cho nên chẳng ai dám kết luận cái chết đó không được tự nhiên, và thế là thi thể được chôn cất bình thường. Sau đó không còn một cuộc xét nghiệm nào nữa.
Còn Lasôtxê thì không những không bị nghi ngờ mà lại còn được ông cố vấn di chúc lại cho một trăm đồng êcu để trả ơn hắn đã săn sóc ông trong những ngày ông ốm đau. Hắn lại còn nhận được thêm một nghìn frăng tiền tưởng của Xanhcroa và của mụ hầu tước.
Trong thời gian đó Xanhcroa làm quen với ông Xanh Lôrăng, chính là người mà Pênôtê đề nghị được thay chân mà không được. Pênôtê là bạn của Xanhcroa, đã được thừa hưởng rất nhiều của cải của ông bố vợ mới bị chết một cách đột ngột vào lúc không ai ngờ đến nhất. Nhưng Pênôtê vẫn thèm muốn địa vị của ông Xanh Lôrăng, một nhân viên thu nhập của giáo phái.
Cũng trong trường hợp này, sự tình cờ lại giúp cho Xanhcroa. Vài ngày sau khi ông Xanh Lôrăng nhận một người đầy tớ mới cũng do Xanhcroa giới thiệu, tên hắn là Jooc, ông cũng bị bệnh. Bệnh tình của ông chẳng bao lâu cũng thể hiện những đặc tính trầm trọng như của ba cha con ông Đôbray, chỉ khác là nó phát triển nhanh hơn, chỉ trong hai mươi bốn giờ.
Cuối cùng, cũng như các ông kia, ông Xanh Lôrăng chết sau những cơn đau dữ dội. Cùng ngày hôm đó một sĩ quan trong triều tới thăm ông, bảo người nhà kể lại những chi tiết về cái chết của bạn ông. Nghe xong ông yêu cầu ông chưởng lý Xanh Frây cho mổ tử thi xét nghiệm. Một giờ sau tên đầy tớ Jooc biến mất, không nói với ai và cũng chẳng đòi tiền công. Những hoài nghi lại tăng lên, nhưng cũng chỉ mơ hồ. Cuộc mổ xẻ chỉ nêu lên được những hiện tượng thông thường, không có gì cụ thể về một vụ đầu độc, chỉ có bộ ruột mà chất độc chưa đủ thì giờ phá hủy như trường hợp ba cha con ông Đôbray bị những nốt đỏ như rận cắn.
Tháng sáu năm 1669, Pênôtê nhận nhiệm vụ của ông Xanh Lôrăng quá cố.
Tuy nhiên, tin đồn về những vụ chết đột ngột lạ lùng lan tràn khắp Pari làm dân chúng khiếp sợ. Xanhcroa vẫn cứ hào hoa phong nhã. Hắn nghe được những lời đồn đại ấy trong các phòng khách mà hắn tham gia và có phần lo lắng. Tuy chưa có một mối hoài nghi nào đối với hắn, nhưng đề phòng vẫn là hơn. Hắn nghĩ đến một địa vị cần phải có để tránh nỗi lo âu ấy. Có một vị trí bên cạnh đức vua sắp sửa bị khuyết, nó phải tốn đến trăm nghìn êcu. Như chúng tôi đã nói, Xanhcroa chẳng có một nguồn tài chính nào, nhưng người ta lại đồn hắn sẽ mua vị trí ấy.
Hắn bèn cầu cạnh đến Pênôtê, nhưng vấn đề gặp phải một số khó khăn về phía Pênôtê. Món tiền lớn quá, vả lại Pênôtê cũng chẳng cần gì đến Xanhcroa nữa, hắn liền thẳng tay từ chối.
Xanhcroa liền về nhà nghiên cứu một thứ thuốc độc rất nhậy, chỉ cần ngửi phải hơi của nó cũng đủ chết người. Hắn đã nghe nói đến chiếc khăn tay tẩm thuốc độc mà người anh cả của Saclơ VII đã dùng lau tay trong một ván chơi cầu và đã bị chết. Những câu chuyện kể về những chiếc găng tay của Jan Đanbret, những bí mật đó đã mất đi rồi nhưng Xanhcroa vẫn hy vọng sẽ tìm được.
Chính do đó mà đã xẩy ra những hiện tượng lạ lùng, không phải là một tai nạn tình cờ, mà hình như là một sự trừng phạt của Thượng đế. Lúc Xanhcroa cúi đầu vào trong lò để nhìn liều thuốc đang đi đến độ đậm đặc nhất thì chiếc mặt nạ bằng thủy tinh mà hắn dùng để bịt mặt phòng tránh hơi thuốc xông lên bỗng rơi ra làm Xanhcroa ngã bổ nhào như bị sét đánh.
Tới giờ ăn, vợ hắn không thấy chồng ra, bèn tới phòng làm việc của hắn gõ cửa, chẳng thấy trả lời. Bà gọi các gia nhân tới phá cửa, mọi người nhìn thấy Xanhcroa nằm chết thẳng cẳng bên cạnh lò, chiếc mặt nạ thủy tinh vỡ tan nằm bên cạnh hắn.
Không thể nào che mắt được mọi người trường hợp cái chết lạ lùng và bất ngờ này. Những gia nhân đã trông thấy xác chết có thể sẽ tố cáo. Ông chánh cẩm Pica cho niêm phong phòng làm việc và người vợ góa của Xanhcroa chỉ có thể thủ tiêu được cái lò và chiếc mặt nạ thuỷ tinh vỡ.
Chẳng bao lâu sự kiện đó lan ra khắp thủ đô Pari. Xanhcroa rất được mọi người biết đến, và tin hắn sắp mua một chức vụ trong triều lại càng làm hắn nổi danh. Lasôtxê là người đầu tiên biết về số phận của chủ hắn và biết rằng người ta đã niêm phong phòng làm việc, hắn liền viết một tờ kháng cáo.
Ngay khi được tin về vụ này, mụ hầu tước Branhviliê là người biết rất rõ những điều bí mật trong căn buồng làm việc ấy, mụ vội chạy ngay đến nhà ông chánh cẩm. Mặc dù lúc bấy giờ đã mười giờ đêm, mụ cũng cứ yêu cầu được gặp ông. Nhưng khi được người hầu của ông là Pie trả lời ông chủ đã ngủ, mụ khẩn khoản đề nghị đánh thức ông dậy để mụ xin một chiếc hòm con riêng mụ gửi trong phòng làm việc của Xanhcroa mà mụ không muốn nó phải mở ra trước mặt mọi người. Một lát sau người hầu lại đi xuống trả lời điều đó không thể được vì ông chủ đã ngủ rồi. Mụ Branhviliê thấy có nài cũng vô ích đành rút lui và hẹn hôm sau sẽ cho người đến lấy. Quả nhiên sáng hôm sau người đó đến và nhân danh mụ hầu tước xin biếu ông chánh cẩm năm mươi đồng Luy nếu ông trả cho cái hòm. Nhưng ông chánh đáp lại hòm đó đã niêm phong rồi và nó sẽ được công khai mở ra. Nếu đồ vật bên trong quả là của mụ hầu tước, nó sẽ được trả cho mụ một cách nguyên vẹn.
Câu trả lời đó là một đòn sét đánh đối với mụ hầu tước. Không thể chậm trễ nữa, ngay buổi tối hôm đó mụ bỏ đi, lên xe đi Liejơ. Hai hôm sau tới nơi, mụ vào một nhà tu kín.
Người ta niêm phong phòng làm việc của Xanhcroa ngày 31 tháng 7 năm 1672 và bóc niêm phong ngày 8 tháng 8 năm 1672. Ông chánh Pica trực tiếp mở cửa. Một cuộn giấy nhỏ rơi xuống, bên ngoài có đề mấy chữ “Bản sám hối của tôi”. Tất cả những người có mặt ở đấy đều chưa có một lý do gì để coi Xanhcroa là kẻ có tội. Mọi người đều quyết định không đọc tập giấy đó. Người thay mặt ông chưởng lý được hỏi ý kiến cũng tán thành. Thế là bản sám hối của Xanhcroa được đem đốt đi ngay.
Sự việc thuộc về lương tâm đó thực hiện xong, người ta bắt đầu kiểm kê. Một trong những vật đầu tiên làm các nhà chức trách phải chú ý là chiếc hòm nhỏ mà mụ Branhviliê yêu cầu rất khẩn khoản, do đó người ta mở nó trước để xem bên trong có những gì. Chúng tôi xin để cho tờ biên bản nói lên vì không có gì mạnh mẽ và ghê gớm bằng những giấy tờ chính thức.
“Trong buồng làm việc của Xanhcroa có một chiếc hòm nhỏ hình vuông một piê, mở nắp ra thấy một tờ giấy, phía góc trên đề chữ ”Di chúc của tôi" với những dòng chữ sau:
“Tôi trân trọng đề nghị tất cả những ông bà nào thấy cái hòm này, tự tay đem trao trả nó tận tay bà hầu tước Branhviliê ở phố Xanhpôn mới, vì tất cả các thứ đựng bên trong đều là của bà ấy cả. Vả lại chúng cũng không có tác dụng gì đối với bất cứ ai. Trong trường hợp bà ấy chết trước tôi, đề nghị đem thiêu hủy nó cùng với tất cả các thứ bên trong và không mở ra.
“Làm tại Pari ngày 25 tháng 5 năm 1672.
 “Ký tên: Xanhcroa”.
“Và phía dưới có viết hàng chữ sau:
“Chỉ có một cái gói đề tên ông Pênôtê là gửi cho ông ấy.”.
Người ta cũng hiểu rằng một sự mở đầu như vậy chỉ làm tăng thêm lòng hiếu kỳ của mọi người. Những lời bàn tán nổi lên, rồi yên lặng trở lại. Tờ biên bản tiếp tục như sau:
“Có một cái gói đóng tám dấu ấn khác nhau, trên đó viết:
“Trường hợp tôi chết, những giấy tờ này cần phải đốt đi, nó không có tác dụng gì đối với ai cả. Tôi khẩn khoản đề nghị những ai mà nó rơi vào tay, phải đốt nó đi ngay và nhất thiết không mở nó ra. Trong đó có chứa hai liều thuốc bột”.
“Một gói nữa niêm phong chín dấu ấn khác nhau, trên đó cũng ghi dòng chữ như gói trên, trong gói có chứa một liều thuốc bột khác nặng nửa livrơ.
“Một gói nữa niêm phong sáu dấu ấn khác nhau, trên đó cũng viết dòng chữ như vậy. Trong đó chứa ba gói nhỏ: một gói đựng nửa ôngxơ thuốc bột, gói khác đựng hai ôngxơ chất lưu toan la mã, và gói thứ ba chất lưu toan nung khô.
“Trong hòm có một cái chai to hình vuông đầy nước trong mà theo nhận xét của thầy thuốc Morô thì cần phải đem xét nghiệm mới biết được là chất gì.
“Một cái chai nữa chừng nửa lít nước trong, dưới đáy có lắng cặn trắng. Ông Morô cũng nói như với chai trên.
“Một cái lọ bằng sứ trong đựng hai ba viên thuốc phiện.
“Một tờ giấy gấp lại, trong đựng một thứ thuốc ăn mòn bằng bột.
“Thêm nữa, một chiếc hộp nhỏ, đựng một hòn đá có tên là đá địa ngục.
“Thêm nữa, một tờ giấy gói một ít thuốc phiện. “Thêm nữa, một cục ăngtimoan.
“Thêm nữa, một gói bột trên viết mấy chữ ”Để cầm máu cho phụ nữ". Ông Morô nói là hoa và nụ cây mộc qua phơi khô.
“Ngoài các vật nói trên, người ta còn thấy có hai tờ phiếu trả tiền cho người mang nó, một phiếu của bà hầu tước Branhviliê, cái kia của Pênôtê. Cái thứ nhất với số tiền là ba mươi nghìn frăng, cái thứ hai mười nghìn. Cái thì trùng với thời gian ông Đôbray chết, cái thì với cái chết của ông Xanh Lôrăng. Sự chênh lệch giữa hai món tiền cho thấy Xanhcroa có một bảng giá: giá một vụ giết cha đắt hơn giá một vụ ám sát người thường”.
Như vậy là khi chết, Xanhcroa di tặng lại những món thuốc độc của mình cho nhân tình và cho bạn. Trong quá khứ nó thấy chưa gây đủ tội ác, nó còn muốn đồng lõa với những kẻ gây tội ác trong tương lai.
Công việc đầu tiên của các nhà chức trách là đưa cho phân tích các chất đó và thí nghiệm lên trên các loài vật. Kết quả cho thấy Xanhcroa là một nhà hóa học sâu sắc, đồng thời cũng làm cho người ta nghĩ rằng hắn lao vào những công cuộc nghiên cứu đó không vụ lợi sao? Người ta liền nhớ đến những vụ chết bí hiểm và đột ngột, đến những tờ ngân phiếu của mụ hầu tước Branhviliê và của Pênôtê như những món tiền trả cho máu. Nhưng vì mụ kia vắng mặt, gã này giầu, có thần thế, không thể bắt mà không có chứng cứ cụ thể. Người ta liền nhớ đến tờ kháng cáo của Lasôtxê.
Trong tờ kháng cáo đó nói rằng Lasôtxê đã làm việc với Xanhcroa trong bảy năm liền, vậy thì thời kỳ Lasôtxê chuyển sang làm việc với ông Đôbray không thể coi là gián đoạn được. Cái túi đựng một nghìn đồng pittôn và ba tờ ngân phiếu mỗi tờ một trăm livrơ được tìm thấy ở nơi tờ kháng cáo đã ghi, vậy là Lasôtxê biết rất rõ mọi chỗ trong phòng. Nếu hắn biết phòng đó hắn phải biết cái hòm, hắn không thể vô tội được.
Những chứng cứ đó đủ để bà góa Đôbray phát đơn kiện hắn. Lasôtxê bị bắt và người ta khám thấy trong người hắn có chứa thuốc độc. Hắn chối cãi kịch liệt. Người ta phải đem hắn ra tra tấn kiểu “đi ủng”, nghĩa là mỗi chân bị kẹp vào hai tấm ván rồi ghép vào với nhau bởi một vòng sắt, rồi đóng những cái nêm vào giữa hai tấm ván ở giữa, thông thường thì bốn cái nêm, còn đặc biệt là tám cái.
Đến cái thứ ba, Lasôtxê xin được nói. Người ta tháo kẹp ra, khiêng hắn để lên một cái nệm ở gần phòng. Vì hắn quá yếu, hắn xin phép được nghỉ nửa giờ trước khi khai. Sau đây là trích trong biên bản lời khai của hắn:
“... Hắn khai hắn có tội, Xanhcroa đã bảo hắn bà Branhviliê sẽ đưa cho hắn thuốc độc để đầu độc các anh bà. Hắn đã bỏ thuốc độc đó vào cốc nước và bát xúp của hai anh em ông Đôbray...”.
Trong khi đó, mụ hầu tước Branhviliê vẫn ở Liezơ. Mặc dù mụ đã vào tu viện, mụ vẫn không dứt bỏ được thói giao du của mụ được. Xanhcroa mà mụ đã yêu say đắm như thế tưởng có thể chết được vì hắn, thế mà hắn chết chưa ráo mồ, mụ đã tìm được kẻ kế tục hắn tên là Tiêra mà chúng tôi không có một chút tài liệu nào ngoài cái tên được nhắc nhiều lần trong bản án.
Như người ta đã thấy, mọi tội lỗi đều lần lượt rơi xuống đầu mụ, do đó người ta quyết định truy đuổi mụ cho đến tận nơi trú ẩn mà mụ coi là an toàn.
Nhiệm vụ đó khá là khó khăn và nhất là tế nhị nữa. Một sĩ quan cảnh sát đứng ra nhận nhiệm vụ đó. Tên anh ta là Đờgrê, một thanh niên đẹp trai trạc ba mươi nhăm tuổi. Đờgrê đi đến Liezơ cùng với một tốp lính, kèm theo một bức thư của vua Luy XIV gửi Hội đồng thành phố yêu cầu giao tội nhân đem về trừng trị. Sau khi đã xem xét thủ tục tố tụng mà Đờgrê đã cẩn thận mang theo, Hội đồng chuẩn y giao trả mụ hầu tước.
Đờgrê mặc một bộ quần áo giáo sĩ để tránh mọi cặp mắt tò mò nghi kỵ. Anh đến cửa tu viện với danh nghĩa một đồng bào từ La Mã đến, không muốn đi qua thành phố Lie mà không đến chào một phụ nữ lừng danh về sắc đẹp và về những nỗi đau khổ như bà hầu tước Branhviliê. Đờgrê có tất cả những điệu bộ của một chàng công tử con nhà khá giả, hấp dẫn như một anh lính ngự lâm. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Đờgrê tỏ ra có duyên và vừa thông minh vừa bướng bỉnh, đến nỗi anh được chấp nhận ngay một cách dễ dàng cuộc gặp gỡ thứ hai.
Cuộc gặp gỡ này không phải chờ lâu, ngay ngày hôm sau Đờgrê lại đến. Một kiểu vội vã như vậy chỉ đem lại khoái trá cho mụ hầu tước, do đó Đờgrê được đón tiếp nồng nhiệt hơn hôm trước. Là một phụ nữ có tài trí và có tư cách, bị thiếu thốn mọi quan hệ với nhiều người trong một số giới, mụ hầu tước thấy lại ở Đờgrê những tập quán của con người Pari. Buồn thay viên giáo sĩ đáng yêu ấy lại sắp từ biệt Lie trong vài ngày nữa, cần phải tranh thủ. Và cuộc đến thăm ngày hôm sau mang đủ hình thức một cuộc hẹn hò.
Đờgrê đến đúng hẹn, mụ hầu tước đang nóng lòng đợi anh. Nhưng một cuộc gặp gỡ vì tình như vậy, đôi ba khi bị có người đến quấy phá thì bực mình biết bao. Do đó Đờgrê cố tình phàn nàn về sự phiền phức ấy. Vả lại nó cũng tổn hại đến danh dự của hai người. Chàng cần phải giữ gìn cho bộ áo chàng mặc. Thế là anh liền đề nghị mụ hầu tước chấp nhận cho anh một cuộc hẹn hò ở ngoài thành phố, trong một công viên vắng vẻ để không bị ai nhận ra và theo dõi. Mụ hầu tước cũng tự vệ đủ mức để tăng giá trị cho sự nhận lời của mình và cuộc hẹn hò được ấn định vào ngay buổi tối hôm đó.
Buổi tối đến, cả hai đều sốt ruột chờ đợi nó, nhưng mỗi người một hy vọng khác nhau. Mụ hầu tước gặp Đờgrê tại nơi qui định, Đờgrê dang rộng hai cánh tay ra đón mụ. Rồi khi mụ đã ở gọn trong tay anh, anh làm một dấu hiệu, một nhóm lính xuất hiện. Người tình liền tự lột mặt nạ và Đờgrê tự giới thiệu. Thế là mụ hầu tước Branhviliê bị tóm gọn.
Đờgrê để bọn lính giữ mụ hầu tước, còn anh đi vội đến tu viện. Lúc đó anh mới đưa lệnh của Hội đồng ra và anh bảo mở cửa buồng mụ hầu tước. Anh tìm thấy dưới gầm giường một chiếc hòm con, anh giữ lấy và đóng dấu niêm phong. Rồi anh lại đến chỗ mụ bị giữ và ra lệnh lên đường.
Mụ hầu tước trong thấy chiếc hòm con của mình trong tay Đờgrê, lúc đầu mụ tỏ ra rất hoảng sợ, sau đó mụ đề nghị cho xin lại một tờ giấy trong đó mụ đã viết những lời sám hối của mụ. Đờgrê từ chối. Nhân lúc anh quay đi để ra lệnh cho xe tiến lên, mụ định tự tử bằng cách nuốt một chiếc đanh ghim. Nhưng một người lính trông thấy nên giằng được từ tay mụ ra. Đờgrê lập tức lệnh tăng cường cảnh giác đối với mụ.
Có một lúc làm ra vẻ uống nước, mụ Branhviliê đưa chiếc cốc lên môi, mụ liền cắn vỡ nó ra miệng và toan nuốt một mảnh, một người lính kịp thời trông thấy buộc mụ phải lè nó ra đĩa. Thế rồi mụ dỗ người lính đó nếu cứu thoát mụ, mụ sẽ cho nhiều tiền. Người lính đó hỏi mụ muốn thế phải làm thế nào, mụ bảo cắt cổ Đờgrê. Nhưng anh ta từ chối và nói rằng dẫu sao mình cũng là cấp dưới. Thấy thế mụ liền đề nghị cho mượn một cái bút chì và cho xin một mẩu giấy. Mụ viết mấy dòng như sau:
“Anh Tiêra thân mến, em bị Đờgrê bắt và giải từ Lie về Pari. Xin anh mau mau đến cứu em ngay!”.
 mẩu thư và hứa sẽ gửi tới địa chỉ, nhưng anh đem nộp cho Đờgrê.
Ngày hôm sau, chắc hẳn nghĩ rằng mẩu thư đó chưa được tác dụng lắm, mụ viết một bức thư thứ hai trong đó nói rằng đoàn hộ tống mụ gồm có tám người, ba bốn dũng sĩ cũng đủ đánh bại. Mụ rất trong cậy vào hắn.
Cuối cùng không thấy có trả lời và hiệu quả của hai bức thư, mụ gửi một bức thứ ba cho Tiêra. Lần này mụ gửi hồn mụ cho hắn. Nếu hắn không có đủ sức mạnh để tấn công đoàn hộ tống giải thoát cho mụ, thì ít ra hắn cũng giết được ba bốn con ngựa và nhân lúc hỗn loạn phải cướp cho được chiếc hòm con của mụ và ném nó vào lửa. Nếu không được như thế thì mụ đến chết mất.
Mặc dù Tiêra không nhận được bức thư nào của mụ cả vì chúng lần lượt rơi vào tay Đờgrê, hắn cũng tự động đến đợi ở Macttrich là nơi đoàn hộ tống đi qua. Hắn tìm cách mua chuộc những người lính, hứa cho chúng chục ngàn livrơ, nhưng chẳng ăn thua gì.
Tới Rôcroay, đoàn áp giải gặp ông cố vấn Palco, ông được Quốc hội phái tới để bất thần hỏi cung tù nhân. Như vậy mụ không kịp thì giờ để tính toán cách trả lời. Đờgrê liền báo cáo tất cả sự việc đã xẩy ra và nộp cho ông chiếc hòm con trứ danh ấy. Ông cố vấn mở hòm ra, giữa các vật khác ông thấy một tờ giấy đề chữ “Bản sám hối của tôi”.
Như người ta đã thấy, Xanhcroa đã viết một bản sám hối và đã bị thiêu hủy. Nay đến lượt mụ hầu tước Branhviliê cũng mắc phải lỗi khinh suất ấy. Bản sám hối của mụ gồm bảy mục và bắt đầu bằng dòng chữ như sau:
“Tôi thú tội với Chúa và với cha tôi”. Đó là một bản thú nhận đầy đủ những tội ác mụ đã phạm phải.
Mục thứ nhất: đã gây ra một tội đốt nhà.
Mục thứ hai: đã mất trinh hồi mới bảy tuổi.
Mục thứ ba: đã đầu độc giết cha.
Mục thứ tư: đã đầu độc giết hai anh ruột.
Mục thứ năm: đã có ý định giết em gái là tu sĩ ở viện Cacmêlit.
Các mục khác dành cho những chuyện trụy lạc lạ lùng và kinh tởm. Trong con người người phụ nữ xinh đẹp đó, đồng thời có cả Lôquyt và Metxalin(1). Từ xưa tới nay chưa có người đàn bà nào như mụ.
Lập tức ông Paluô mở ngay cuộc xét hỏi. Cũng vẫn may mắn cho chúng tôi khi có được những tờ biên bản thay cho câu chuyện.
- Hỏi: Tại sao chạy trốn đến Lie?
- Trả lời: Rút ra khỏi nước Pháp vì có việc với người chị em chồng.
- Hỏi: Mụ có biết những giấy tờ để trong hòm nhỏ không?
- Đáp: Trong hòm có nhiều giấy tờ của gia đình mụ. Trong những giấy tờ ấy có một bản sám hối do mụ viết, nhưng đến khi viết thì tâm trí bị rối loạn không biết đã viết gì, đã làm gì, đầu óc bị điên rồ, thấy mình ở trong những xứ sở xa lạ, không có viện trợ của gia đình, phải đi vay từng đồng êcu một.
- Hỏi: Về mục thứ nhất trong bản sám hối, mụ đã đốt nhà nào.
- Đáp: Không làm việc ấy, lúc viết tâm trí bị rối loạn.
- Hỏi: Sáu mục khác trong bản sám hối.
- Đáp: Không biết gì cả và cũng không nhớ gì cả.
- Hỏi: Mụ có đầu độc giết cha và anh không?
- Đáp: Không biết gì về vấn đề đó.
- Hỏi: Có phải Lasôtxê đã đầu độc hai anh mụ.
- Đáp: Không biết gì về vấn đề đó.
- Hỏi: Mụ không biết rằng em gái mụ không còn sống được lâu nữa vì đã bị đầu độc.
- Đáp: Mụ đề phòng em gái mụ cũng sẽ là chướng ngại vật như hai người anh, mụ đã mất cả trí nhớ lúc viết bản sám hối, thú nhận đã ra khỏi đất Pháp theo những lời khuyên của họ hàng.
- Hỏi: Tại sao những lời khuyên đó lại là của những người họ hàng.
Đáp: Do nguyên nhân những vấn đề của các ông anh. Thú nhận có gặp Xanhcroa lúc hắn được ra khỏi ngục Basti.
- Hỏi: Xanhcroa có dụ dỗ mụ giết cha không?
- Đáp: Không nhớ nữa, không nhớ cả việc có đưa cho mụ thuốc bột và thuốc khác, cũng không nhớ cả việc Xanhcroa đã nói hắn biết cách làm cho mụ trở nên giầu có.
- Hỏi: Tại sao mụ lại phải cầu cứu Tiêra để cướp cái hòm của mụ.
- Đáp: Mụ không hiểu đó là vấn đề gì.
- Hỏi: Tại sao viết cho Tiêra lại nói là mụ sẽ chết mất nếu không cướp chiếc hòm của mụ.
- Đáp: Không nhớ gì cả.
- Hỏi: Trong chuyến đi về Opfêmông mụ có nhận thấy những triệu chứng đầu tiên về bệnh tật của cha mẹ không?
- Đáp: Không nhận thấy cha mình bị bệnh năm 1666 trong chuyến du hành đi Opfêmông cả chuyến đi lẫn chuyến về.
- Hỏi: Có quan hệ buôn bán gì với Pênôtê không?
- Đáp: Chỉ quan hệ với hắn về món tiền ba chục ngàn livrơ thôi.
- Hỏi: Tại sao Pênôtê lại nợ món tiền ba chục ngàn livrơ.
- Đáp: Hai vợ chồng đã cho hắn vay mười ngàn êcu và hắn đã trả món tiền đó. Sau khi trả xong không còn quan hệ với Pênôtê nữa.
Mụ hầu tước Branhviliê thu mình vào trong một sự hoàn toàn phủ nhận. Tới Pari bị nhốt trong nhà giam, mụ vẫn tiếp tục như thế. Nhưng chẳng bao lâu, để thêm vào những chứng cớ ghê gớm ấy, lại có những bằng chứng mới.
- Cô gái Etmê Huyê khai: Ngày nào cũng thấy Xanhcroa đến nhà Branhviliê. Trong một hòm nhỏ của bà ấy, cô trong thấy hai cái hộp con chứa thuốc bột và thuốc nhão. Điều đó cô biết rõ vì cô là con nhà bào chế. Cô còn khai thêm: bà Branhviliê ăn bữa trưa ở nhà cô. Bà rất vui vẻ, bà đưa cô xem một chiếc hộp con và nói với cô: “Đây là thứ để báo thù, nó tuy nhỏ nhưng lại đầy những thừa tự”. Bà mân mê chiếc hộp trong tay, nhưng rồi bỗng nhiên như bừng tỉnh, bà kêu lên: “Trời ơi! Ta vừa nói gì với em vậy? Em đừng nhắc lại với bất cứ ai nhé!”.
Lôrăng làm việc tại nhà báo chế khai: Anh thường gặp một bà do Xanhcroa dẫn đến nhà chủ anh, một người đầy tớ bảo anh đó là hầu tước Branhviliê và hắn còn đánh cuộc với anh là họ đến để bào chế thuốc độc. Khi đến, họ để xe ngựa tại hội chợ Xanh Giec Manh.
Mary, người hầu phòng của mụ Branhviliê khai: Từ sau cái chết của ông cố vấn Đôbray, Lasôtxê thường lui tới nhà Branhviliê và hai người thì thầm riêng với nhau. Branhviliê có nói với chị rằng bà ấy đã làm chết nhiều người lương thiện và hằng ngày hắn vẫn phải dùng một ít thuốc linh tinh vì sợ bị lây chất độc, và có lẽ vì cẩn thận như vậy nên đến bây giờ vẫn còn sống được, nhưng lại sợ bị đâm chết vì bà chủ đã nói cho hắn bí mật của mình về đầu độc.
Đờgrê sĩ quan cảnh sát khai: chấp hành chỉ thị của vua, anh đã bắt giữ mụ Branhviliê ở tỉnh Lie. Anh đã tìm thấy dưới gầm giường của mụ một chiếc hòm nhỏ, anh đã niêm phong lại. Mụ khẩn khoản đòi lại anh một tờ giấy ở trong đó là bản sám hối của mụ. Nhưng anh đã từ chối. Trên dọc đường về Pari, mụ đã nói với anh là mụ cho rằng chính Clase đã cung cấp thuốc độc cho Xanhcroa, rằng một hôm Xanhcroa đã nói với mụ đến Xanh Onôrê, hắn sẽ cho mụ xem bốn cái chai và nói: “Clase đã gửi cho tôi những thứ này đây”. Mụ hỏi xin một chai, hắn đáp thà chết còn hơn cho mụ. Còn khai thêm người lính Angtoan đã nộp cho anh ba bức thư của mụ Branhviliê viết gửi cho Tiera.
Sau cùng Frăngxoa Rutxen khai: chị là người hầu của mụ Branhviliê. Một hôm mụ đã cho chị ăn mứt mận. Sau khi ăn xong thấy khó chịu ngay. Mụ lại còn cho chị ăn thêm một lát Jămbông, từ đó chị bị đau dạ dày nặng. Chị cảm thấy như bị người ta châm vào tim mình. Đã ba năm nay như vậy, chị nghĩ rằng mình cũng bị đầu độc.
Thật là khó mà cứ tiếp tục phủ nhận như thế mãi trước những bằng chứng cụ thể như vậy, thế mà mụ Branhviliê vẫn cứ ngoan cố mãi là mụ không có tội. Một vị trạng sư nổi danh thời bấy giờ, tên là Niven nhận cãi cho mụ.
Trạng sư Niven đã phá lần lượt từng bằng chứng một. Ông công nhận những vụ tình ái đồi trụy giữa Xanhcroa và Branhviliê nhưng ông phủ nhận sự tham gia của mụ vào những vụ giết người đầu độc mấy cha con ông Đơbray, và ông qui những tội đó vào Xanhcroa vì hắn muốn trả thù. Còn về bản sám hối là bằng chứng mạnh nhất và theo ông độc nhất mà người ta có thể kết tội mụ hầu tước, ông tấn công vào sự hữu hiệu của một bằng chứng như vậy bằng những sự việc thực tế trong những trường hợp tương tự, trong đó bằng chứng tố cáo không được công nhận căn cứ vào pháp chế của câu thành ngữ “Non audutur perire volema”. Ông kể ra hai ví dụ mà chúng tôi xin chép nguyên văn như sau:
- Ví dụ thứ nhất: Đôminicut Xôtô là một nhà thông thạo kinh điển và rất giỏi về thần học. Ông là một giáo sĩ nghe xưng tội của Saclơ Canh và là người đã dự những buổi đầu tiên của Hội nghị Tôn giáo Trăngtơ dưới thời Pôn III, ông trình bày vấn đề về việc một người đánh mất một tờ giấy trong đó viết bản sám hối của mình. Có một vị quan tòa của Giáo hội tìm thấy tờ giấy đó, ông muốn dựa vào đấy để điều tra về người đã viết ra nó. Vị quan tòa ấy bị cấp trên trừng phạt, lý do vì bản sám hối là thiêng liêng mà ngay cả người viết ra nó cũng phải chôn nó vào trong im lặng vĩnh cửu.
- Ví dụ thứ hai: Vào năm 1579, có một người chủ quán một mình giết chết một người lạ mặt. Cả nhà không ai hay biết gì. Hắn đem chôn xác nạn nhân xuống dưới hầm nhà. Tên sát nhân bị lương tâm giày vò, hắn phải xưng tội về vụ ám sát, vạch rõ cảnh ngộ và nói rõ nơi chôn giấu xác với giáo sĩ nghe xưng tội. Gia đình người bị chết, sau khi lùng kiếm khắp nơi mà không được tin tức gì bèn thông báo ở ngoài tỉnh sẽ thưởng một món tiền lớn cho người nào phát hiện được tung tích.
Bị món tiền thưởng quá lớn quyến rũ, vị giáo sĩ đã nghe xưng tội báo tin cho gia đình biết điều bí mật. Theo lời chỉ dẫn, gia đình tìm thấy xác. Tên chủ quán bị tống giam, bị tra tấn và phải thú nhận tội lỗi. Nhưng trong lời thú hắn khẳng định là chỉ có giáo sĩ nghe xưng tội mới biết được việc này và đã phản hắn.
Thế là Nghị viện nổi giận về con đường đã đi để tìm thấy sự thật, tuyên bố tên chủ quán vô tội cho đến khi nào người ta tìm được những bằng chứng khác ngoài sự tố cáo của giáo sĩ nghe xưng tội. Còn vị giáo sĩ này bị kết án treo cổ và xác bị ném vào lửa.
Mặc dù ảnh hưởng mà trạng sư chờ đợi ở hai câu chuyện ví dụ ấy, hoặc là các vị quan tòa phủ nhận chúng, hoặc là ngoài bản sám hối còn có đủ những bằng chứng khác, mọi người đều thấy rõ mụ hầu tước Branhviliê sẽ bị xử tội.
Đúng như vậy, ít lâu sau mụ bị gọi đến lấy khẩu cung. Bắt đầu người ta đặt những câu hỏi lâu đến năm giờ, mụ hầu tước chối không có ai là đồng bọn và xác nhận mụ không biết gì về pha chế thuốc độc. Rồi cuộc lấy khẩu cung chấm dứt, các vị tòa thấy không moi thêm được gì khác ở mụ, bèn ký trát tống giam.
Mụ nghe đọc trát không chút sợ hãi và mềm yếu. Nghe đọc xong, mụ nói:
- Thưa ông lục sự, xin ông làm ơn đọc lại cho. Sự việc nó đến đột ngột quá làm cho tôi không còn nghe được đoạn sau nữa.
Ông lục sự đọc lại tờ lệnh và mụ biết rằng từ giờ phút này mụ thuộc về người thừa hành. Mụ nhận ngay ra người đó vì thấy tay cầm sợi dây thừng. Lập tức mụ chìa tay ra và lạnh lùng nhìn người đó từ đầu đến chân không nói một lời. Rồi các vị tòa rút lui dần từng người một, và lúc đi ra để lộ dần những dụng cụ tra tấn. Mụ hầu tước đưa cặp mắt rắn đanh nhìn những cái giá, cái vòng khiếp đảm kia đã từng làm giãn căng biết bao cánh tay, thốt ra biết bao tiếng thét. Rồi khi nhìn thấy ba xô nước dành cho mình, mụ quay lại phía viên lục sự, chứ không muốn nói với người đao phủ, mỉm cười nói.
- Thưa ông, muốn cho tôi chết đuối hay sao mà các ông tập trung lắm nước thế kia! Vì với thân hình của tôi như thế này nuốt làm sao hết chỗ nước đó?
Người đao phủ không trả lời, bắt đầu lột áo khoác của mụ rồi lần lượt tất cả các áo khác cho đến khi mụ hoàn toàn trần truồng rồi đưa mụ đến sát tường, cho mụ ngồi lên một cái giá, dụng cụ tra tấn bình thường, chỉ cao chừng hai piê.
Đến đây người ta hỏi mụ tên những đồng bọn và thuốc độc là những loại gì. Mụ trả lời có gì mụ đã nói hết rồi và chỉ nói thêm:
- Nếu các ông không tin ở những lời tôi nói thì thân thể tôi ở trong tay các ông, tha hồ các ông hành hạ.
Thấy trả lời như vậy, viên lục sự ra hiệu cho người đao phủ làm việc. Hắn bắt đầu buộc hai chân mụ vào hai vòng sắt đóng sát nhau dưới sàn trước mặt mụ rồi bắt mụ ngửa người về đằng sau và buộc hai tay mụ vào hai cái vòng sắt đóng ở tường, cái nọ cách cái kia gần ba piê. Như vậy chân và đầu ở độ cao bằng nhau, còn thân mình bị cái giá gỗ tạo thành một hình cong như nằm ngửa trên cái vành bánh xe. Để làm cho tứ chi căng thêm ra nữa, người đao phủ chỉ việc quay cái tay quay hai vòng làm cho hai chân xích lại cái vòng gần thêm.
Tới đây chúng tôi lại chép nguyên văn tờ biên bản. Trên giá gỗ, trong khi bị kéo căng, mụ kêu lên nhiều lần:
- Trời ơi! Tôi đã nói hết sự thật rồi, vậy mà người ta còn giết tôi!
Dòng nước vào mồm, mụ quằn quại và nói những câu sau:
- Các ông giết tôi mất thôi!
Thét bảo mụ khai tên đồng bọn, mụ trả lời không có ai khác ngoài một người mà mười năm về trước đã xin mụ thuốc độc để giết vợ, nhưng người đó đã chết.
Lại tọng nước, hơi cựa quậy và quằn quại nhưng không muốn nói.
Lại tọng nước, hơi cựa quậy và quằn quại nhưng rõ ràng là không muốn nói.
Lại tọng nước nữa, quằn quại mạnh, nhưng chỉ nói về vấn đề đó đã nói hết rồi, nếu nói thêm nữa chỉ làm lương tâm cắn rứt.
Kiểu tra tấn thông thường đã hết cách, mụ hầu tước đã phải nuốt một nửa số nước mà mụ đã cho là đủ để làm mụ chết đuối. Người đao phủ ngừng lại để chuyển sang kiểu đặc biệt. Hắn thay cái giá con bằng cái cao hơn một piê nữa làm cho thân hình phải cong thêm, tay chân căng thêm đến mức dây thừng siết vào cổ tay và cổ chân làm bật máu. Cuộc tra tấn lại tiếp tục ngay, nó chỉ ngừng khi viên lục sự hỏi và phạm nhân trả lời. Còn những tiếng rên la thì hầu như không nghe thấy.
Trên cái giá cao và trong lúc kéo căng, mụ nhiều lần nói:
- Lạy Chúa tôi! Các ông rứt đứt chân tay tôi ra mất rồi! Lạy Chúa! Xin Chúa hãy thương lấy con!
Nhiều lần thét hỏi, nhiều lần tọng nước thêm, cũng không moi được câu nào thêm.
Cuối cùng hết cách phải cởi trói mụ ra và đặt mụ ngồi vào gần lửa theo thường lệ.
.......................
Và sau đây là đoạn chót của câu chuyện lúc hành hình mụ hầu tước Branhviliê:
... Người đao phủ rút tấm ván ra và kéo mụ hầu tước ra khỏi xe bò. Hai người cùng đi về phía đoạn đầu đài. Mụ theo người đao phủ bước lên thang, lúc lên tới mặt bục mụ phải quì xuống. Người đao phủ lột mũ mụ ra, cắt tóc phía sau gáy và ở hai bên thái dương, bắt mụ phải quay đầu đi quay đầu lại, đôi khi hơi tàn nhẫn. Và mặc dù cuộc trang điểm ấy lâu chừng nửa giờ, mụ không hề thốt ra một lời kêu ca và chỉ biểu lộ nỗi đau đớn của mình bằng những giọt nước mắt âm thầm.
Cắt tóc xong hắn xé cổ áo mụ để lộ ra hai vai. Sau cùng hắn bịt mắt mụ và lấy tay nâng cằm mụ lên dặn phải giữ cho thẳng đầu. Mụ tuân theo tất cả không một chút phản đối, mụ vẫn cứ nghe những lời cầu nguyện của vị giáo sĩ và thỉnh thoảng cũng đọc theo. Trong lúc đó tên đao phủ nhìn xuống tấm áo khoác của hắn, nơi lộ ra chuôi một thanh kiếm dài mà hắn đã cẩn thẩn che kín không để cho phạm nhân trông thấy lúc theo hắn bước lên thang.
Rồi vị giáo sĩ nghe thấy một tiếng âm thầm và nặng nề như một tiếng chặt vào da thịt và tiếng cầu kinh ngưng bặt. Lưỡi dao đã đi quá nhanh đến nỗi giáo sĩ cũng không nhìn thấy ánh chớp của nó nữa. Ông cũng dừng lại, tóc dựng ngược lên, trán đẫm mồ hôi, ông tưởng tên đao phủ đã chém trượt vì ông không nhìn thấy đầu rơi và sẽ phải chém lại. Nhưng nỗi lo ấy chỉ rất ngắn, vì ngay lúc ấy cái đầu đã nghiêng về phía trái, trượt xuống vai rồi từ vai tuột xuống đằng sau, trong khi đó thân mình ngã về đằng trước.
Khi vị giáo sĩ đọc xong bài kinh, ông ngẩng đầu lên và nhìn thấy đằng trước mình là tên đao phủ đang chùi mặt, hắn nói với giáo sĩ:
- Thưa cha, cha có thấy nhát chém ấy tuyệt không? Trong những trường hợp như thế này, con phải cầu cứu đến Chúa Trời và Chúa đã chứng giám cho con. Từ mấy ngày nay mụ đàn bà này cứ ám ảnh con mãi, nhưng con đã cầu kinh Misa sáu buổi và con đã cảm thấy tâm hồn và đôi cánh tay của con được vững vàng.
Nói xong hắn lục trong túi áo lấy ra một chai rượu, tu một hơi, rồi một tay cắp cái thây cụt còn mặc nguyên quần áo, tay kia xách cái đầu còn bịt mắt, hắn ném cả hai thứ ấy lên đống củi và châm lửa đốt.
Hôm sau, bà Xêvinhê nói, có nhiều người đi kiếm những chiếc xương của hầu tước Branhviliê, vì dân chúng đồn rằng mụ là Thánh.

*

(1) Locusta: mụ chuyên đầu độc khét tiếng của La Mã, là công cụ của Agrippine chống lại Claude và của Neron.
- Méssaline, nữ hoàng La Mã nổi tiếng vì trụy lạc (N. D).

Xem Tiếp: ----