...
Suốt ngày, từ sáng đến tối, một số người ngồi bên bàn, hai tay nhào bột dẻo quánh và lắc lư cho đỡ tốn công, còn trong lúc ấy, những người khác nhào bột với nước. Suốt ngày nước sủi réo trong thùng hấp bánh, nghe tư lự và buồn rầu, cái xẻng của người thợ nướng bánh giận dữ cạo quèn quẹt vào đáy lò, thoăn thoắt hất từng mẩu bộ hấp trơn chuội lên gạch nóng. Từ sáng đến tối, ở một mé lò, củi cháy rừng rực và ánh lửa đỏ rung rinh trên tường xưởng bánh, như cười thầm chúng tôi. Cái lò khổng lồ giống như cái đầu gớm guốc của con quái vật trong chuyện cổ tích - nó dường như từ dưới sân nhỏ lên, há hoác cái mồm rộng rực lửa, phì hơi nóng vào chúng tôi và nhìn công việc làm bất tận của chúng tôi bằng hai cái hõm đen ngòm phía trên trán (hai cái lỗ thông hơi). Hai cái hõm trũng hoáy, giống như hai con mắt tàn nhẫn và thờ ơ của con quái vật đó bao giờ cũng có cái nhìn đen tối như thế, dường như mệt mỏi không muốn nhìn những kẻ nô lệ, và vì không mong đợi tìm thấy ở họ một cái gì ra hồn người nên chúng khinh bỉ họ, cái khinh bỉ lạnh lùng của kẻ khôn ngoan.
Ngày nay sang ngày khác, trong bụi bột mì, trong bùn lầy mà chân chúng tôi tha ở ngoài sân vào, trong bầu không khí ngột ngạt nồng nặc, chúng tôi nặn bột mì làm bánh bơ, tẩm mồ hôi của chúng tôi vào bánh. Chúng tôi căm ghét công việc của chúng tôi, ghét cay ghét đắng đến nỗi không bao giờ ăn những thứ chính tay mình làm ra, thà rằng ăn bánh mì đen còn thích hơn ăn bánh sữa. Ngồi hai dãy đối diện với nhau bên chiếc bàn dài, chín người này đối diện với chín người kia - suốt mấy giờ đằng đẵng chúng tôi cử động tay và ngón tay như cái máy. Chúng tôi quen việc đến nỗi mỗi người đều biết rõ tất cả các nếp nhăn trên mặt bạn. Chúng tôi chẳng có gì để nói với nhau, chúng tôi đã quen với tình trạng ấy và luôn luôn im lặng, nếu không chửi mắng nhau - bởi vì bao giờ cũng có cớ để mắng một con người, đặc biệt là mắng bạn. Nhưng cũng ít khi chúng tôi chửi mắng nhau: con người có thể phạm lỗi gì, nếu nó đáng dở sống dở chết, đờ đẫn như pho tượng, nếu mọi cảm giác của nó đã bị công việc nặng nhọc làm cho tê liệt. Nhưng sự im lặng chỉ đáng sợ và đau khổ với những người đã nói hết mọi điều và không còn gì để nói nữa, còn đối với những người chưa nói gì cả thì im lặng thật là đơn giản và dễ dàng... Đôi khi chúng tôi hát, bài hát của chúng tôi bắt đầu như thế này: trong lúc làm việc bỗng có người nào bật ra tiếng thở dài nặng nề của con ngựa mệt mỏi và khẽ cất tiếng hát một bài ca ngân nga. Điệu nhạc dịu dàng ai oán của những bài đó bao giờ cũng làm nhẹ bớt nỗi lòng của người đang hát. Một người trong bọn cất tiếng hát, còn chúng tôi thoạt tiên lẳng lặng nghe tiếng hát cô đơn của bạn. Tiếng hát tắt dần và lịm đi dưới mái hầm nặng nề, như ngọn lửa nhỏ của đống lửa thảo nguyên giữa một đêm thu ẩm ướt, khi bầu trời xám xịt lơ lửng trên trái đất như cái mái nhà bằng chì. Rồi một người khác hát theo và bây giờ đã có hai giọng hát khe khẽ và buồn rầu bay bổng trong không khí ngột ngạt bị giam hãm trong cái hố chật chội của chúng tôi. Rồi bỗng nhiên, mấy giọng khác hát theo, tiếng hát cuộn lên như sóng, mạnh hơn, vang to hơn và dường như đẩy dịch những bức tường nặng nề, ẩm ướt của căn nhà tù đá này ra xa hơn.
Hai mươi sáu người cùng hát, những giọng oang oang đã quen đồng ca với nhau từ lâu tràn đầy xưởng thợ. Tiếng hát cảm thấy chật chội trong hầm nhà: nó đập vào thành tường đá, rên rỉ, khóc than và gieo vào lòng nỗi đau đớn mơn man, dịu dàng, làm sống lại tâm tình khơi gợi trong lòng những vết thương cũ, thức tỉnh cơn buồn... Những người hát thở dài nặng nề. Có người đột nhiên ngừng hát và lắng nghe các bạn hát hồi lâu, rồi lại hòa giọng mình vào làn sóng chung. Có người buồn rầu kêu lên: "ôi chao!" - rồi nhắm mắt hát, và có lẽ anh hình dung làn sóng âm thanh đậm đà, bao la ấy là con đường dẫn về một nơi xa xăm rực rỡ ánh mặt trời - đó là con đường rộng lớn, và anh thấy mình đang đi trên con đường đó...
Lửa trong lò vẫn rung rinh, chiếc bàn xẻng của người thợ nướng bánh, vẫn cạo quèn quẹt vào gạch, nước vẫn lục ục trong thùng hấp và ánh lửa trên tường vẫn run rẩy như thế, vẫn cười không thành tiếng... Còn chúng tôi mượn lời người khác hát lên nỗi đau xót âm thầm của mình, hát lên nỗi buồn của những kẻ nô lệ. Chúng tôi sống như thế - hai mươi sáu con người - trong căn hầm của tòa nhà đá lớn, sống cực khổ đến nỗi có cảm giác như cả ba tầng của tòa nhà này đều xây hẳn trên vai chúng tôi...
 ...
Nhưng ngoài những bài hát, chúng tôi còn có một cái gì tốt đẹp mà chúng tôi yêu mến, và có lẽ, đối với chúng tôi, nó thay cho mặt trời. Ở tầng hai tòa nhà chúng tôi có một xưởng làm đồ thêu và trong số các cô gái thợ, có cô hầu phòng Tina mười sáu tuổi ở ngay tại đó. Mỗi sáng, một khuôn mặt nhỏ xinh xắn, hồng hào có cặp mắt xanh, vui vẻ đến áp vào ô kính trên cánh cửa lớn dẫn từ phòng ngoài vào xưởng thợ chúng tôi, và một giọng lanh lảnh, âu yếm gọi chúng tôi:
- Này, các anh chàng bị giam! Cho bánh sữa đây! Nghe thấy cái âm thanh trong trẻo ấy, tất cả chúng tôi đều quay lại và sung sướng, hiền hậu nhìn khuôn mặt thiếu nữ trong trắng đang mỉm cười với chúng tôi. Chúng tôi thích được thấy cái mũi dán vào kính và những chiếc răng nhỏ, trắng bóng lấp lánh dưới cặp môi hồng hé nở một nụ cười. Chúng tôi chen đẩy nhau, xô ra mở cửa cho cô, và kìa, cô vui vẻ biết bao, đáng yêu biết bao, bước vào phòng chúng tôi, giăng chiếc tạp dề ra, đứng trước cửa, cái đầu xinh xăn hơi ngoẹo sang bên, và luôn luôn mỉm cười. Bím tóc màu hạt dẻ của cô vừa to, vừa dài bắt qua vai, buông thõng trên ngực cô. Chúng tôi, những kẻ bẩn thỉu, tối tăm xấu xí, ở dưới thấp ngước lên nhìn cô - ngưỡng cửa cao hơn sáu bốn bậc. Chúng tôi ngẩng đầu lên nhìn cô và chúc cô một buổi sáng tốt đẹp, nói với cô những lời đặc biệt - những lời chúng tôi chỉ dành riêng cho cô. Trong lúc chuyện trò với cô, giọng nói chúng tôi dịu dàng hơn, những lời bông đùa cũng nhẹ nhàng hơn. Tất cả những gì chúng tôi dành cho cô đều là những cái đặc biệt. Người thợ nướng bánh lấy trong lò ra một xửng bánh sữa ròn nhất và hồng nhất, khéo léo hắt lên vạt tạp dề của Tania.
- Cẩn thận đấy, kẻo lão chủ vớ được thì rày! - Chúng tôi báo trước cho cô. Cô cười tinh quái, vui vẻ thét lên với chúng tôi:
- Tạm biệt các anh chàng bị giam! - Và cô biến mất nhanh như con chuột nhắt.
Chỉ có thế thôi... Nhưng sau khi cô đi, chúng tôi còn thích thú bàn tán về cô - chúng tôi nói những điều đã nói hôm qua trước kia... Sống mà xung quanh không có gì thay đổi thì thực là khó chịu và đau khổ, và nếu điều đó không giết chết tươi tâm hồn con người thì con người càng sống lâu, hoàn cảnh xung quanh không thay đổi càng dày vò nó... Chúng tôi luôn luôn nói những chuyện nhảm nhí về đàn bà, đến nỗi đôi khi chính chúng tôi cũng kinh tởm khi nghe những lời lẽ trơ trẽn, thô lỗ của mình. Điều đó cũng dễ hiểu, vì những người đàn bà mà chúng tôi biết có lẽ cũng không xứng đáng với những lời lẽ khác. Nhưng đối với Tania, không bao giờ chúng tôi nói những điều không hay về cô. Chẳng những không bao giờ một người nào trong chúng tôi dám chạm tay vào người cô, mà cô cũng chưa bao giờ phải nghe một lời bông đùa chớt nhả của chúng tôi. Có lẽ vì cô không ở lại lâu với chúng tôi: cô thoáng hiện trước mắt chúng tôi như một ngôi sao băng rồi biến mất. Nhưng cũng có lẽ vì cô nhỏ nhắn và rất đẹp, mà mọi cái đẹp đều khiến cho ngay cả những kẻ thô lỗ cũng phải kính nể. Thêm nữa, tuy công việc khổ sai đã biến chúng tôi thành những con bò đực đần độn, nhưng chúng tôi vẫn là người, và cũng như mọi người, chúng tôi không thể sống mà không tôn sùng một cái gì. Chúng tôi không còn ai tốt hơn cô, và ngoài cô ra, không còn ai để ý đến chúng tôi, những kẻ sống trong hầm nhà - không còn ai để ý đến chúng tôi, mặc dù trong căn nhà này có tới hàng chục người. Và cuối cùng - chắc hẳn đây là điều chủ yếu - tất cả chúng tôi đều coi cô như của riêng của chúng tôi, dường như cô chỉ sống nhờ vào bánh sữa của chúng tôi. Chúng tôi coi mình có trách nhiệm cho Tania những chiếc bánh sữa nóng, và đối với chúng tôi, việc đó trở thành một lễ cúng hàng ngày hiến dâng một thần tượng, gần như một nghi lễ thiêng liêng và ngày càng làm cho chúng tôi gắn bó với cô hơn. Ngoài bánh sữa, chúng tôi còn khuyên Tania đủ điều: phải mặc ấm hơn, không nên chạy nhanh lên thang, đừng mang những bó củi nặng. Cô mủm mỉm cười, nghe chúng tôi khuyên bảo, cất tiếng cười đáp lại và không bao giờ nghe lời chúng tôi cả, nhưng chúng tôi không vì thế mà mếch lòng: chúng tôi chỉ cần tỏ ra quan tâm đến cô.
...
Cô thường nhờ chúng tôi việc này việc khác, chẳng hạn nhờ chúng tôi mở cánh cửa nặng vào hầm chứa đồ, bổ củi – chúng tôi sung sướng và thậm chí có phần hãnh diện giúp cô những việc ấy và tất cả những việc khác cô cần.
Nhưng, khi mọi người trong chúng tôi nhờ cô vá hộ chiếc sơ mi duy nhất của anh thì cô xì một tiếng khinh bỉ và nói:
- Lại thế nữa kia! Tôi mà lại đi… Không đời nào!
Chúng tôi chế nhạo anh chàng kỳ cục ấy một mẻ ra trò, và không bao giờ chúng tôi đòi hỏi cô điều gì nữa. Chúng tôi yêu cô, điều đó nói lên tất cả. Con người bao giờ cũng muốn gửi gắm tình yêu của mình vào một người nào đó, mặc dù đôi khi yêu mà lại đè nghẹt làm vấy bẩn, hoặc có thể đầu độc cuộc đời người thân vì yêu mà không tôn trọng người yêu của mình. Chúng tôi phải yêu Tania, bởi vì chúng tôi chẳng còn ai để mà yêu nữa.
Đôi khi, có người trong chúng tôi không hiểu sao bỗng lý sự như sau:
- Tại sao chúng tôi lại nuông chiều con bé nhỉ? Nó có cái gì đáng được như thế, hả? Chúng tôi bận tâm đến nó quá nhiều!
Kẻ dám nói những lời như thế bị chúng tôi thuần phục nhanh chóng và thô bạo – chúng tôi cần có cái gì để yêu, và cái mà hai mươi sáu con người chúng tôi yêu, phải là cái bất di bất dịch đối với mỗi người, là vật thiêng liêng của chúng tôi, và bất cứ kẻ nào chống lại chúng tôi về điểm này – kẻ ấy là kẻ thù của chúng tôi. Có thể cái mà chúng tôi yêu chưa thực là tốt đẹp, nhưng chúng tôi có hai mươi sáu người, cho nên bao giờ chúng tôi cũng muốn cái mà chúng tôi quý trọng phải được những người khác coi là thiêng liêng.
Tình yêu của chúng tôi cũng nặng nề không kém lòng căm thù… và có lẽ chính bởi thế, nên một số kẻ kiêu hãnh quả quyết rằng lòng căm thù của chúng tôi đáng tán dương hơn tình yêu… Nhưng nếu như vậy thì tại sao họ không bỏ chúng tôi mà đi.
Ngoài xưởng làm bánh sữa, ông chủ chúng tôi còn có cái xưởng làm bánh mì. Nó cũng ở nhà này, chỉ cách cái hố của chúng tôi một bức tường. Nhưng những người thợ làm bánh mì – họ có bốn người – xa lánh chúng tôi vì cho rằng công việc của họ sạch hơn công việc của chúng tôi. Họ cho rằng họ khá hơn chúng tôi, nên họ không lui tới xưởng chúng tôi, họ khinh miệt, chế nhạo chúng tôi khi gặp chúng tôi ngoài sân. Chúng tôi cũng không đến chỗ họ làm: ông chủ cấm chúng tôi đến vì sợ chúng tôi ăn cắp bánh mì có bơ. Chúng tôi không ưa bọn thợ làm bánh mì, vì ghen với bọn họ: công việc của họ nhẹ nhàng hơn, họ được trả công cao hơn chúng tôi, được ăn khá hơn, xưởng của họ rộng rãi, sáng sủa, và bọn họ người nào cũng rất sạch sẽ, khô mạnh. Tất cả chúng tôi người nào cũng vàng vọt và xám ngoét. Ba người trong chúng tôi mắc bệnh giang mai, một số người ho lao, một người tàn tật vì bệnh tê thấp. Những ngày lễ và lúc rảnh việc, họ mặc áo vét và đi ủng da cót két. Hai người trong bọn họ có phong cầm, và bọn họ thường tới vườn hoa thành phố dạo chơi. Còn chúng tôi thì quần áo rách rưới bẩn thỉu, chân quấn giẻ hay đi dép bện bằng vỏ cây, cảnh sát không cho chúng tôi vào vườn hoa thành phố: liệu chúng tôi có thể ưa được bọn thợ làm bánh mì không?
Thế rồi có lần, chúng tôi được biết rằng người thợ nướng bánh của họ bắt đầu nát rượu, bị chủ thải, ông chủ đã thuê người khác và người này nguyên là lính, mặc chiếc gi-lê bằng xa tanh, dùng đồng hồ có dây chuyền vàng. Chúng tôi lò mò muốn xem xem gã công tử này ra sao, và vì muốn nhìn thấy anh ta, chúng tôi chốc chốc lại chạy ra sân, hết người này đến người kia.
Nhưng rồi chính anh ta đến xưởng chúng tôi: lấy chân đá tung cửa, và cứ để cửa mở như thế, anh dừng ở ngưỡng cửa, mỉm cười nói với chúng tôi:
- Chúa phù hộ! Chào anh em.
Không khí lạnh ùa vào cửa như một đám khói dầy dặc, quay cuồng dưới chân anh ta. Anh đứng trên ngưỡng cửa, từ trên cao nhìn xuống, và dưới bộ ria mép vàng hoe, xoắn lên một cách khéo léo chúng tôi thấy lấp lánh những chiếc răng vàng, to. Chiếc gi-lê anh mặc quả thực là loại đặc biệt: áo màu xanh, thêu hoa, óng anh óng ánh, còn cúc bằng thứ đá đỏ gì không rõ. Có cả sợi dây chuyền…
Anh ta đẹp trai, anh lính ấy, người cao lớn, khỏe mạnh, đôi má hồng hào, và cặp mắt to, sáng, nom dễ ưa: dịu dàng và thẳng thắn. Anh đội chiếc mũ trắng, hồ bột thật cứng, còn dưới chiếc tạp dề sạch tinh, không có qua một vết bẩn, ló ra những mũi ủng nhọn, đôi ủng đúng mốt, đánh bóng lộn.
Anh thợ nướng bánh của chúng tôi lễ phép đề nghị anh lính khép cửa lại. Anh thong thả khép cửa và bắt đầu hỏi chúng tôi về chủ. Chúng tôi tranh nhau nói cho anh biết ông chủ của chúng tôi là một tên biển lận, một kẻ lừa bịp, là quân bất lương và thích hành hạ người khác, nghĩa là nói tất cả những gì có thể và cần phải nói về chủ, nhưng không thể viết ra đây được. Anh lính nghe, động đậy ria mép, và nhìn chúng tôi bằng cái nhìn dịu dàng, trong sáng.
- Ở đây lắm con gái thật… - Đột nhiên, anh ta nói.
Mấy người trong chúng tôi cất tiếng cười kính nể, những người khác nhăn mặt ra vẻ khoái trá, có người giải thích với anh lính rằng ở đây có chín ả.
- Vẫn dùng đấy chứ? – Người lính vừa hỏi vừa nháy mắt.
Chúng tôi lại cười, tiếng cười không to lắm và có vẻ ngượng ngùng… Nhiều người trong chúng tôi muốn tỏ ra cho anh lính thấy rằng họ cũng cừ khôi, hiên ngang như anh ta, nhưng không ai biết làm như thế nào, mà cũng chẳng ai làm được. Có người thú nhận, khẽ nói:
- Chúng tôi thì ăn thua gì…
- Ừ đúng các anh thì khó đấy! – Người lính thốt lên, giọng quả quyết, và chăm chú nhìn chúng tôi – Các anh coi bộ kém chững chạc, không có thớ… kém mã… nghĩa là không có cái mẽ ngoài. Đối với đàn bà thì vóc dáng phải ra trò… mọi cái đều phải tươm tất. Hơn nữa, đàn bá, trọng sức lực… Cánh tay phải như thế này này!
Người lính rút tay phải trong túi ra, giơ cho chúng tôi xem cánh tay xắn trần đến khuỷu… Cánh tay trắng khỏe, phơn phớt một lớp lông tơ vàng ánh, lấp lánh.
- Chân, ngực, cái gì cũng phải rắn chắc… Thêm nữa phải ăn vận đúng cách… Như tớ đấy thì đàn bà họ mới yêu. Tớ không gợi, không rủ rê, tự họ nhảy đến bá cổ tớ, một lúc dăm ba ả…
Anh ngồi lên túi bột và kể chuyện một lúc lâu về việc đàn bà yêu anh như thế nào và đối xử với họ dạn dĩ ra sao, chúng tôi im lặng hồi lâu, nghĩ về anh và về những câu chuyện của anh. Nhưng rồi đột nhiên, không hiểu vì sao, tất cả chúng tôi cùng lao xao lên tiếng, và ai nấy đều lập tức thấy rõ ràng rằng tất cả chúng tôi đều thích anh ta. Con người giản dị và tốt lạ - đến ngồi nói chuyện một lúc rồi đi. Xưa nay chưa có ai đến với chúng tôi, chưa có ai nói chuyện với chúng tôi như thế, thân tình như bạn bè… Và chúng tôi luôn luôn nói về anh, về những thành công sắp tới của anh trong việc làm thân với các cô gái khâu. Bọn này khi gặp chúng tôi ở ngoài sân thì hoặc là bặm môi bực tức lảng tránh, hoặc tiến thẳng tới trước chúng tôi, coi như không có chúng tôi trên đường đi. Còn chúng tôi bao giờ cũng chỉ ngắm nghía họ, cả khi họ ở sân cũng như khi họ đi qua cửa sổ hầm chúng tôi. Mùa đông họ đội mũ chùm và mặc áo choàng lông thú, áo và mũ đều xinh xắn, đặc biệt, mùa hè, họ đội mũ thêu hoa, tay cầm những chiếc ô xinh xinh sặc sỡ. Nhưng khi bàn riêng với nhau về các cô gái ấy, chúng tôi nói những lời mà nếu nghe thấy, thì họ đến phát điên vì xấu hổ và tức giận.
- Này, nhưng khéo mà cả Taniusca cũng bị gã làm hỏng mất! – Anh thợ nướng bánh bỗng nói, vẻ lo ngại.
Tất cả chúng tôi đều im lặng, sửng sốt vì những lời ấy. Chúng tôi phần nào đã quên Tâni: cái dáng hình to lớn điển trai của anh lính dường như đã ngăn cách cô với chúng tôi. Rồi một cuộc tranh cãi ầm ĩ nổ ra có người cho rằng Tania sẽ không chịu hạ mình đến mức ấy, những người khác quả quyết rằng Tania sẽ không cưỡng lại nổi gã lính, cuối cùng, có những người đề nghị nếu gã lính tán tỉnh Tania thì phải đánh gãy xương sườn gã… Cuối, tất cả chúng tôi quyết định là phải theo dõi anh lính và Tania, báo trước cho cô bé biết để dè chừng… Cuộc tranh cãi chấm dứt ở đó.
Gần một tháng qua, anh lính nướng bánh, đi dạo chơi với các cô thợ khâu, thường lui tới xưởng chúng tôi, nhưng không đả động gì đến những thắng lợi của anh mà chỉ xoắn ria mép và liếm môi một cách khoái trá. Tania sáng sáng vẫn đến xưởng chúng tôi lấy “những chiếc bánh sữa xinh xinh”. Cô vẫn như mọi khi: vui vẻ, đáng yêu, dịu dàng với chúng tôi. Chúng tôi thử nói với cô về anh lính: cô gọi anh ta là “chú bé mắt lồi” và đặt cho anh những biểu hiện buồn cười khác, điều đó làm chúng tôi yên tâm. Chúng tôi tự hào về cô gái của chúng tôi khi thấy các cô thợ thêu phải lòng anh lính. Thái độ của Tania đối với anh ta có phần nào cổ vũ tất cả chúng tôi, và dường như chịu ảnh hưởng của thái độ ấy, chính chúng tôi bắt đầu khinh thường anh lính. Còn cô càng được chúng tôi yêu mến hơn. Sáng sáng, chúng tôi đón tiếp cô càng nồng hậu hơn.
Nhưng có lần, anh lính đến xưởng chúng tôi, hơi ngà ngà say, anh ngồi xuống và bật cười. Chúng tôi hỏi anh ta cười gì thì anh ta giải thích:
- Hai ả choảng nhau vì tớ… Lakita và Grusca… Họ cấu xé nhau mới gớm chứ, sao lại thế nhỉ? Ha ha ha! Một ả nắm tóc ả kia, quật ả kia xuống sàn ở phòng ngoài và cưỡi lên trên… Ha ha ha! Các ả cào nhau… toạc cả mặt… thật chết cười! Nhưng tại sao bọn đàn bà không thể đánh nhau cho đường hoàng được nhỉ? Tại sao họ lại cào nhau? Hả?
Anh ta ngồi trên chiếc ghế dài, khỏe mạnh, sung sướng và cứ cười hô hố. Chúng tôi lặng thinh. Không hiểu sao lần này chúng tôi thấy khó chịu với anh ta.
- Ừ, tớ có số đào hoa thật, sao thế nhỉ? Thật đến chết cười! Cứ nháy mắt một cái là xong. Quỷ thật.
Đôi tay trắng lấp lánh những sợi lông tơ của anh ta giơ lên và vỗ đánh đét một cái vào đầu gối. Đôi mắt ngạc nhiên, thích thú của anh ta nhìn chúng tôi, dường như chính anh ta thực tình không hiểu tại sao mình lại may mắn đến thế trong những chuyện trăng hoa. Khuôn mặt phương phi, hồng hào của anh ta bóng lên đầy vẻ tự mãn và sung sướng, và anh ta luôn luôn liếm môi một cách khoái trá. Anh thợ nướng bánh của chúng tôi quẹt mạnh cái bàn xẻng vào bếp lò một cách cáu kỉnh và bỗng nói với vẻ giễu cợt:
- Quật đổ những cây thông non thì chẳng cần sức lực gì ghê gớm lắm, nhưng cậu thử quật đổ cây thông lớn xem nào…
- À, cậu nói với tớ thế đấy phải không? – Anh lính hỏi.
- Ừ, nói với cậu đấy.
- Thế là thế nào?
- Không có gì cả… tào lao thế thôi!
- Không, hãy khoan đã! Thế là thế nào? Cây thông nào?
Anh thợ nướng bánh của chúng tôi không đáp, thoăn thoắt đưa đi đưa lại cái bàn xẻng trong bếp lò, hất vào lò những chiếc bánh sữa đã hấp, móc lên những chiếc bánh nướng xong và lẳng thịch xuống sàn cho mấy thằng bé xâu vào những sợi dây gai. Dường như anh quên bẵng vẻ băn khoăn. Anh ta đứng lên, tới gần bếp lò, chẳng kể là có thể bị cán xẻng thúc vào ngực, vì cái xẻng lúc ấy đang thoăn thoắt đưa ngang đưa dọc trong không khí.
- Không, cậu nói đi – ai nào? Cậu chọc tức tớ… Cái thằng tớ ấy à? Không một ả nào thoát nổi tớ - khô-ông! Thế mà cậu lại khích tớ như thế…
Hình như anh ta bực tức thật… Có lẽ anh ta không có điều gì để tự hào, ngoài cái tài quyến rũ phụ nữ, có lẽ ngoài khả năng đó ra, trong con người anh ta không còn có cái gì có sức sống, và chỉ có nó mới cho phép anh ta cảm thấy mình là con người sống khá đặc biệt, thần kinh căng thẳng – chúng tôi chưa từng sống như thế bao giờ. Suốt mấy ngày ròng, chúng tôi tranh cãi với nhau, mọi người dường như tinh khôn lên, đâm ra lắm lời và bẻm mép hơn. Chúng tôi có cảm giác rằng chúng tôi đang đánh bạc với quỷ, mà tiền cược là Tania. Khi chúng tôi được những người thợ làm bánh mì cho biết gã lính bắt đầu “tán tỉnh Tania của chúng tôi” thì chúng tôi cảm thấy sung sướng và lý thú quá, đến nỗi thậm chí không nhận thấy rằng ông chủ lợi dụng sự phấn chấn của chúng tôi mà tăng thêm việc cho chúng tôi mười bốn phút bột một ngày đêm. Chúng tôi làm việc dường như không biết mệt là gì nữa. Chúng tôi nhắc đến Tania suốt ngày. Mỗi sáng, chúng tôi nóng lòng sốt ruột chờ đợi cô. Đôi khi chúng tôi tưởng tượng cô sắp vào chỗ chúng tôi – cô sẽ không còn là Tania ấy, Tania trước kia, mà sẽ là một người nào đó khác.
Nhưng chúng tôi không hề cho cô biết cuộc tranh cãi đã xảy ra. Chúng tôi cũng không hỏi han gì cô, vẫn trìu mến và ân cần với cô như trước. Nhưng xen lẫn vào thái độ đó, đã có một cái gì mới mẻ và khác hẳn những tình cảm trước kia của chúng tôi đối với Tania – đó là sự tò mò sắc bén, sắc và lạnh như lưỡi dao thép…
- Anh em ơi! Hôm nay là hết hạn! - Một buổi sáng, người thợ nướng bánh nói khi bắt tay vào làm.
Chẳng cần anh nhắc chúng tôi cũng thừa biết, nhưng chúng tôi vẫn giật mình.
- Hãy để ý nhìn cô ta… sắp đến đấy! - Người thợ nướng bánh nói.
Có người kêu lên, phàn nàn:
- Nhìn mà biết được ư?
Giữa chúng tôi lại bùng ra một cuộc tranh cãi sôi nổi ầm ĩ. Hôm nay, rốt cuộc chúng tôi sẽ được biết cái bình mà chúng tôi gửi gắm những gì tốt đẹp nhất của mình vào trong sạch đến mức nào và khó vấy bẩn đến mức nào. Sáng hôm ấy, lần đầu tiên, chúng tôi gần như cảm thấy tức thời rằng chúng tôi đang chơi một trò chơi lớn, rằng cuộc thử thách lòng trong sạch của các vị thần nhỏ bé của chúng tôi có thể tiêu diệt vị thần đó trước chúng tôi. Trong những ngày ấy, chúng tôi nghe nói gã lính kiên gan bám riết Tania, nhưng không hiểu sao, không người nào trong bọn chúng tôi hỏi cô xem cô đối với gã như thế nào. Còn cô, sáng sáng vẫn đến xưởng chúng tôi lấy bánh sữa như thường lệ và không có gì khác trước.
Hôm ấy, chẳng bao lâu chúng tôi đã nghe thấy tiếng cô.
- Các anh chàng bị giam! Tôi đã tới…
Chúng tôi vội vã mở cửa cho cô, và khi cô vào, trái với lệ thường, chúng tôi đón cô bằng sự im lặng. Chúng tôi trố mắt nhìn cô, không biết nói gì với cô và hỏi cô điều gì. Chúng tôi đứng trước mặt cô, một đám người khả nghi và lặng lẽ. Có lẽ cô ngạc nhiên vì cuộc gặp gỡ khác thường, bỗng nhiên chúng tôi thấy cô tái mặt đi, lo ngại và lúng túng tại chỗ, nghẹn ngào hỏi:
- Các anh làm sao… lạ thế?
- Thế còn cô? – Anh thợ nướng bánh cau có, xẵng giọng đáp lại, mắt vẫn nhìn cô chằm chằm.
- Chẳng sao cả…
- Nào, cho bánh đây, mau lên…
Trước kia chưa bao giờ cô giục chúng tôi.
- Còn kịp chán! - Người thợ nướng bánh nói, không nhúc nhích và mắt vẫn không rời khỏi khuôn mặt cô.
Thế là cô quay ngoắt đi và biến mất trong cửa.
Anh thợ nướng bánh cầm lấy xẻng và điềm nhiên thốt lên, quay lưng về phía bếp lò.
- Gã lính gớm thật!... Thằng đê tiện!?
Chúng tôi như một bầy cừu, xô đẩy nhau tới gần bàn, lẳng lặng ngồi xuống và uể oải làm việc. Lát sau, có người nói:
- Người có lẽ vẫn còn…
- Này thôi đi! Đừng có nói lăng nhăng! – Anh thợ nướng bánh hét lên.
Tất cả chúng tôi biết rằng anh là người thông minh, thông minh hơn chúng tôi. Chúng tôi hiểu tiếng hét của anh là niềm tin vững chắc rằng gã lính thắng cuộc… Chúng tôi buồn và lòng dạ rồi bời…
Mười hai giờ, vào giờ ăn trưa, gã lính tới. Vẫn như mọi khi, gã ăn vận diêm dúa, bảnh bao, và vẫn như mọi khi, gã nhìn thẳng vào mắt chúng tôi. Còn chúng tôi thì ngượng nghịu nhìn gã.
- Nào, thưa các đấng hiền nhân, các ngài có muốn tôi cho các ngài thấy cái gan to của người lính không nào? – Gã nói và nhếch mép cười kiêu hãnh - Vậy thì xin mời các ngài ra phòng ngoài mà nhìn qua khe hở… hiểu chứ?
Chúng tôi ra và đè ép nhau, áp mặt vào những khe hở ở bức tường ván của căn phòng giáp sân. Chúng tôi chờ không lâu. Lát sau, Tania đi qua sân, dáng đi vội vã, vẻ mặt lo ngại, nhảy qua những vũng tuyết tan và bùn lầy. Cô biến mất sau cánh cửa hầm chứa đồ. Tiếp đó gã lính thong thả bước vào, vừa đi vừa huýt sáo. Hai tay gã thọc túi, ria mép động đậy…
Trời mưa, chúng tôi thấy những giọt mưa rơi xuống các vũng nước làm nước nhăn mặt. Hôm ấy trời ẩm thấp u ám. Một ngày rất chán ngán. Tuyết vẫn còn phủ trên các mái nhà, mà trên mặt đất đã lộ rõ những vết bùn thẫm. Ngay cả tuyết trên mái nhà cũng nhuốm một màu nâu bẩn mắt. Mưa rơi chầm chậm, tiếng mưa rơi rầu rĩ. Chúng tôi chờ, lạnh và khó chịu…
Gã lính ra khỏi hầm chứa đồ trước tiên. Gã đi thong thả trên sần, ria mép động đậy, tay thọc vào túi - vẫn như mọi khi…
Rồi đến Tania bước ra. Mắt cô… mắt cô ngời lên niềm sung sướng và hạnh phúc, môi cô mỉm cười. Cô đi như trong giấc chiêm bao, lảo đảo, chân bước chập choạng…
Chúng tôi không thể bình tâm chịu đựng cái cảnh tượng ấy. Tất cả chúng tôi cùng đâm xô ra phía cửa, nhảy ra sân và huýt sáo, lớn tiếng mắng cô một cách độc ác, man rợ.
Cô giật nẩy mình, và khi thấy chúng tôi, cô đứng như bị chôn chân xuống bùn. Chúng tôi vây lấy cô, chửi mắng cô thậm tệ, tuôn ra những lời tục tĩu, nõi với cô những điều trơ trẽn, không còn kiêng nể gì nữa.
Chúng tôi nói không to, thong thả, vì thấy rằng cô không bỏ đi đâu được, cô bị chúng tôi vây kín, và chúng tôi có thể tha hồ nhạo báng cô. Không hiểu sao chúng tôi không đánh cô. Cô đứng giữa chúng tôi, quay bên nọ, ngoảnh bên kia, nghe những lời lăng nhục của chúng tôi. Còn chúng tôi vẫn ném vào cô những lời bẩn thỉu và độc địa, mỗi lúc một nhiều và dữ dội hơn.
Màu đỏ ửng biến mất trên mặt cô. Cặp mắt xanh của cô, một phút trước còn chan chứa hạnh phúc, bây giờ mở to, ngực thở nặng nhọc và môi run run.
Còn chúng tôi vây lấy cô, trả thù cô, vì cô đã bóc lột hết của chúng tôi. Cô là của chúng tôi, chúng tôi đã phung phí tất cả những gì tốt đẹp nhất vì cô, mặc dù cái tốt đẹp nhất ấy chỉ là những mẩu vụn của những kẻ hành khất, nhưng chúng tôi có hai mươi sáu người, mà cô có mỗi một mình, cho nên chúng tôi dày vò cô đến thế nào cũng chưa xứng với lỗi của cô! Chúng tôi lăng nhục cô mới gớm làm sao!... Cô vẫn im lặng nhìn chúng tôi, mắt như điên, như dại và toàn thân cô run lên.
Chúng tôi cười, gào thét… gầm rú… Có những người ở đâu chạy đến vào hùa với chúng tôi… Có kẻ trong chúng tôi giật tay áo Tania…
Bỗng nhiên, mắt cô lóe lên: cô thong thả đưa hai tay lên đầu, vừa sửa lại tóc vừa nói thẳng vào mặt chúng tôi, lớn tiếng nhưng vẫn bình tĩnh: - Đáng thương cho các người, những kẻ bị giam khốn khổ!... Và cô tiến thẳng về phía chúng tôi, tự nhiên như không có chúng tôi trước mặt cô, dường như chúng tôi không cản đường cô. Vì thế, quả thực là không có người nào trong chúng tôi làm vướng lối đi của cô.
Sau khi đã khỏi vòng vây, cô không quay lại nhìn chúng tôi và nói thêm, giọng cũng to như thế, kiêu hãnh và đầy vẻ khinh bỉ:
- A, các ngươi, đồ đê mạt, quân súc sinh…
Rồi cô bỏ đi, vươn thẳng người, xinh đẹp, kiêu hãnh.
Chúng tôi còn trơ lại ở giữa sân, trong bùn lầy, dưới trời mưa và bầu trời xám không có ánh mặt trời…
Rồi chúng tôi lẳng lặng trở vào cái hầm đá ẩm thấp của chúng tôi. Vẫn như trước kia, mặt trời không bao giờ nhìn vào cửa sổ chúng tôi, và Tania, không bao giờ đến nữa!...

Xem Tiếp: ----