Một sớm kia, Phong Châu còn ngủ im trong làn sương dày. Những người đi mò hến và bắt ốc, hớt tôm sớm trong bờ sông Cái nhìn ra còn thấy từng đoàn thuyền rúc mũi vào nhau, đỗ san sát. Thấp thoáng ánh lửa nấu nước uống sớm ở đầu khoang nào đó vừa chợt ló ánh lên lại bị vùi ngay vào mù sương trắng xóa vừa xuống tận mặt nước, làm cho cái bến sớm càng hiu hắt hơn. Giữa lúc ấy, có sáu chiếc thuyền to lần lượt rời bến, êm như biến đi. Thuyền nào cũng đốc sào đẩy lẳng lặng xuôi ra đến giữa dòng mù sương mới động chèo. Đấy là đoàn thuyền áp giải cả nhà An Tiêm đi biệt xứ. Vợ chồng An Tiêm và hai con ló đầu lên khoang thuyền nhìn lại cái bến vẫn đang còn ngủ trong làn sương thấp bọc hai bên bờ nước, chỉ thấy nhấp nhô người lầm lũi mò hến và những con vạc đi ăn đêm về. An Tiêm cảm thấy bùi ngùi, khi nhớ rằng cũng cứ ngược con sông Cái, chèo độ tháng ròng thì tới vùng Bãi Lở. Ba Vì núi nhọn hoắt trên đỉnh Tản Viên đối nhau với bên kia ba gờ núi Tam Đảo xanh thẫm, trông cũng đoán biết cứ theo dòng sông Cái này lên sẽ qua Bãi Lở, dưới chỗ xanh xanh ấy là đất Bãi Lở. An Tiêm cười, nói:- Mình ạ, hơn mười năm trước, vợ chồng ta lên ngược đi mở đất, bây giờ thì xuống xuôi, cũng đi mở đất... An Tiêm trỏ tay bảo hai con:- Nhà ta trước ở đằng sau làn sương kia. Trong tâm trí hai người lớn, Bãi Lở hiện ra, lẫn lộn những nét buồn. Mon và Gái đương thích chí. Trẻ con ở cạn, mỗi khi được cưỡi lên nước, bao giờ cũng vui. Chỉ một bơi chèo đẩy con thuyền xa vài sải, đã ra vẻ phong cảnh đổi khác rồi. Bấy giờ, đỉnh cao trời trong, mặt nước còn mờ sương. Mon nói:- Mọi khi con trông thấy khói thổi cơm sớm Bãi Lở bay xuống sông cũng thành sương dày thế này. Gái lạ lùng nhìn những đàn vạc đi ăn về bay lẻ tẻ trên dòng sông tan sương, phút chốc đôi cánh vỗ nhịp nhàng đã loang loáng chấp chới đầy ánh nắng, càng bay càng xa. Chẳng bao lâu, sáu chiếc thuyền giương buồm băng băng xuôi trên dòng cứ mỗi lúc một lớn, hai bên bờ càng tít tắp. Bỗng đằng đuôi, hiện ra một chiếc đò dọc nhỏ như chiếc lá tre, vun vút đuổi theo. Đã sang ngày thứ hai rời bến. Đúng ngày mà người kinh đô đã nghe đồn hôm ấy quan lạc tướng An Tiêm đi nhậm chức. Người tiễn quan lạc tướng kéo ùn ùn ra bến sông Cái. Đến sáng đã đông đặc khắp ven sông. Nhưng chờ đến trưa, rồi chiều cũng không thấy gì. Bến quan thuyền bè xuôi ngược và ra vào áp mạn chen chúc kín mặt nước. Người ra tiễn cứ đi hỏi thăm mãi, cũng không ai biết thuyền quan lạc tướng An Tiêm đi nhậm chức ở Cửu Chân đậu đâu. Các cụ già Bãi Lở lo lắng:- Có khi chủ tướng đi rồi. Một cụ nói:- Tôi dò thấy một người lái đò ngang nói tinh mơ hai hôm trước có đoàn sáu thuyền xuôi, nghe đồn thuyền quan trảy ra cửa bể.- Thế thì đúng rồi. Một cụ thở dài:- Chuyến này chủ tướng đi, lành ít dữ nhiều. Nhưng mới đi hai hôm, chắc không xa. Thế rồi, một chiếc thuyền nhỏ rời bến, vụt đi như tên bắn. Trên thuyền, một cụ già và một người trai trẻ, có đủ đồ nghề lưới gõ như chiếc thúng câu được con nước đương xuôi mạnh. Chẳng bao lâu đã bắt kịp được đuôi đoàn thuyền chở An Tiêm. Cái thuyền nhỏ khôn ngoan không áp vào hàng thuyền trên đầu, cũng không đến bên thuyền cuối, mà họ chèo ghé tới chiếc thuyền thứ năm, kề ngay dưới đuôi lái. Bấy giờ nước đương cữ lớn, lại được gió, những cánh buồm cói căng hết góc, còn người chèo thuyền thì được lúc thong thả thả tay, nằm dài cả ra ngủ trên mui. Chỉ có mỗi người lái phải thức, đương gà gưỡng đưa đẩy cái cán lái to tướng. ạng già dưới mặt nước gọi vọng lên:- Chú lính ơi! Người lính choàng trông ra:- Gì thế, cụ? ạng già nói:- Già hỏi không phải thì chú bỏ đi cho, có phải ông An Tiêm trên thuyền này? Người lính trợn mắt, đảo nhìn vội lên mặt sông phía trước. Đoàn thuyền vẫn xuôi thẳng băng giữa cơn gió bấc nhạt nhẽo còn sót lại của những ngày cuối mùa hoa bưởi đương lồng lộng trong nắng nhẹ, làm cho con nước cứ truồi đi đâm lại, xôn xao lên một cách kỳ lạ. Người lính hỏi khẽ xuống:- Cụ già ở đâu?- Già người Bãi Lở.-...- Già ra đến bờ sông thì nghe tin chủ tướng đi rồi. Già này đã gần kề miệng lỗ, không biết có còn được gặp chủ tướng lần nào nữa không, chú lính thương già. Người lính nghe ông già nói thế thì mủi lòng. Vả chăng, ai người đã xem hội kinh đô vừa rồi mà không mến yêu người Bãi Lở! Bèn quăng cái chão néo xuống cho chiếc thúng con buộc núp vào đuôi lái, rồi đỡ ông già và người trẻ leo lên.- Tôi đi mời quan lạc tướng lại đây. Này, đừng ai lên mui, thuyền quan tuần qua mà biết thì chết cả.- Dạ dạ... ạng già vừa trông thấy An Tiêm, đã rơi nước mắt. An Tiêm chỉ cười:- ạng lão chớ lo cho tôi. Gian nan đến như khi Bãi Lở, thì cũng đến thế mà thôi. Chân cứng đá mềm, ông lão ạ. ạng già đưa biếu An Tiêm một đôi giày cỏ và một chiếc nón lá cọ.- Đây không phải của riêng lão mà là của người Bãi Lở tiễn chân chủ tướng. Vật thì thường, nhưng quý ở lòng, xin chủ tướng giữ cẩn thận, có khi cần đến. An Tiêm toan nói:“Khi xuống thuyền, đến lúc gà gáy sắp đi, bọn quan quân còn khám gắt khám kỹ từng nẹp áo, không cho mang gì theo, cốt hãm ta vào chỗ chết", nhưng An Tiêm lại không nói như thế. An Tiêm bảo ông lão:- Những người ấy không hiểu được ta. Khám thì khám, phỏng thử đem đi một mảy thóc, một mảy hạt vừng thì có khó nỗi gì! Nhưng ta không mang, ta nhất quyết không khuất tất, không mang. Con người nương tựa ở bàn chân bàn tay này chứ còn ở đâu. Ta chẳng cần một mảy may gì. ạng lão khẩn khoản:- Vật thì thường, nhưng quý ở tấm lòng người Bãi Lở chúng tôi, xin chủ tướng biết cho... Nói mãi, An Tiêm phải nhận. Rồi lại cứ tự nhiên và sôi nổi bàn bạc, dặn dò mọi chuyện làm ăn ở Bãi Lở. Trước sau, An Tiêm nói đi nói lại:- Phải trông con nước mà chặn lại thì mới có đất sống được, bảo nhau thế.- Chủ tướng đừng lo, bao nhiêu năm nay người Bãi Lở ta đã biết ngăn lũ lấy đất sống. Nhưng An Tiêm vẫn khắc khoải. Buồn như chim lìa đàn, như tổ ong vỡ, ong mất chúa. Mặt trời đã gác núi. Chiều mờ mờ trên sông. An Tiêm và ông già cùng người trẻ Bãi Lở vẫn ngồi trò chuyện, chưa nỡ chia tay. Bỗng có tiếng quát dưới lòng sông vang lên:- Thuyền nào đây? Lúc ấy đương buổi tuần chiều. Thấy có cái thúng lạ buộc vào thuyền lớn, bọn lính tuần quát hỏi. Người lính lái thuyền vội bảo An Tiêm lui vào trong khoang. Rồi người lính cầm hai cái giỏ to, nhúng nước, ném lên vai cho người trai trẻ và ông già. Sau đó, hai người trèo xuống. Như người đánh cá trên sông. Người lính nọ ngồi lái thuyền, thò đầu ra ngoài cửa, đủng đỉnh, tay gạt lái miệng nói vọng ra, trả lời bọn lính tuần:- Gọi phường chài lên đổi cá để ăn lấy sức chèo đêm đấy!- Đã bẩm quan chưa?- Chỉ đổi cá ăn thôi, việc gì phải bẩm.- Không được, không được. Chiếc thuyền canh chèo lướt lên, đi báo quan. Thấy thế, người lính buông ngay tay lái rồi hấp tấp nhảy theo xuống chiếc thuyền của hai người Bãi Lở. Người lính ấy sợ quan đến khám thì có khi phải tội, đã bỏ trốn. Chiếc thuyền nhỏ được cởi dây trôi băng ra giữa dòng, cả ba người cùng chèo lẩn nhanh vào sương mù đã bắt đầu giăng trên mặt sông rộng. Lát sau, ở đoàn thuyền, mấy cái thúng chở lính đã ập tới. Họ lên thuyền thấy vợ chồng con cái An Tiêm vẫn bình thường ngồi trong khoang cái. Nhưng hỏi đến người lái lúc nãy vừa đối đáp thì không thấy. Bốn phía mặt nước mù mịt rồi. Cả toán chèo thuyền ấy phải đóng gông vào cổ, lập tức bị điệu sang tù giam trong gian đáy thuyền khác. Đoàn thuyền xuôi ròng rã hơn mười ngày thì ra đến cửa biển. Nhìn ngược lại, không còn biết núi Tản Viên, núi Tam Đảo ở đâu. Rồi có đến mấy ngày nữa, vẫn chỉ thấy nước đỏ xuộm như đi trong sông. Đấy là vì phù sa ở cửa sông Cái tuôn ra ngày đêm bồi biển thành những sườn cát non lênh láng màu đỏ son. Xa xa, những vùng nấm đá đỏ hắt như ánh hoàng hôn. Những bãi hầu lởm chởm giống những bông hoa đá vừa nở vừa chuyển động. Cửa sông đã lùi lại, man mác dần dần, rồi có một lúc, trông lại, chẳng thấy đất quê đâu, đến khi ngước ra trước mặt thì chỉ còn một trời một nước với từng đợt sóng nguồn dài như những con trăn quăng mình, và từng đợt con mòng, con sếu bay thành đàn trên trời cao. Bấy giờ đã vào mùa nắng, những đàn mòng, đàn sếu đi tránh rét bay rợp vùng biển trở về phương bắc. Lần đầu tiên, anh em Mon trông thấy biển. Còn đương ngơ ngác, những cơn gió mạnh đã thổi tới, muốn làm bay người xuống nước. Từ lúc ấy, nỗi nhớ đất cứ bâng khuâng day dứt hai anh em. Những dấu vết sau cùng của mùa hoa còn sót lại cũng đã lặng lẽ qua. Mọi hôm, còn ở trong sông, cứ đến chặp tối, khi những cánh lính đổi bọn chèo thì những tiếng hò lại rộn mặt sóng. Phách nhất chèo mở mái ra Phách nhì chân dặm Phách ba reo hò Phách tư bớt dặm khoan chèo Dô ta Dô tà...Bây giờ, chặp tối im bặt. Những người lính chèo thuyền ra biển sợ không dám cất tiếng hò nữa. Trên mặt biển, ngày đêm chuyển động những cơn gió lớn báo hiệu trận bão đầu mùa có thể thổi đến, làm vật vã mệt nhọc cả người và thuyền. Vừa một tuần trăng. Đã sang vùng biển xanh như lá và từ đây, chỉ còn những thăm thẳm buồn bã thế. Một hôm, thấy bóng chim rập rờn đầu thuyền, rồi bay trở lại. An Tiêm nói:- Thế là ta ra đã xa lắm.- Sao bố biết?- Chim đã bay trở lại đất trong bờ rồi. Suốt đêm, đoàn thuyền vào vùng biển phẳng lặng. Giàn sao lấp lánh cả trên trời dưới nước và tiếng nước óc ách gõ nhịp quanh người. Đột nhiên, gần sáng, Mon đương ngủ say, bỗng mê thấy mình ngã vật mạnh vào bên mạn. Đến khi thật sự thấy đau điếng hẳn bên vai, mới biết ngã thật. Lúc ấy, Mon nhìn ra, cả nhà đã nhốn nháo xô giạt về một phía. Chiếc đèn bấc quang treo trên vách khoang xoay tròn. Rồi vụt tắt. Tiếng thình thình đập vào mạn thuyền, như vồ nện. Ngay trên đầu, chân người chạy liên tiếp xô lên xô xuống ngoài mui. Tiếng hú, tiếng xô của những người chèo báo hiệu đẩy thuyền cho nhau kéo dài rồi mất hút vào tiếng gió, tiếng sóng và bóng tối gào thét. An Tiêm nói:- Bão rồi. Vợ chồng con cái ngồi quây một chỗ trong chiếc thuyền đương nhấp nhô nhảy nhót. Có lúc mất đà, thuyền trượt tuột theo chân sóng, người như bị ngã cây, ruột gan hẵng lên. Rồi tự dưng sóng lại ào ào trở lại, quay cuồng, xoay con thuyền chong chóng. Cơn say sóng mấy hôm vừa bớt, bây giờ lại nôn nao. Nàng Hoa gục một góc khoang. Gái nằm lả. Chỉ còn mình An Tiêm ngồi nguyên, có Mon bám hai tay lên vai bố. Như không biết cả bốn phía sóng đương điên đảo đập chiếc thuyền. Một chiếc thuyền đằng sau bị sóng độn nhô vút lên, rồi lao xuống, không thấy ngoi lên nữa. Những cơn sóng ngầm đã lắc vỡ tan cái thuyền, ngay trước mắt. An Tiêm bình tĩnh nói:- Các con ạ, lúc nào trông ra bể, các con cứ nhớ câu chuyện Bãi Lở bố kể hôm nọ nhé. Các con cứ nhớ chuyện bố khi bố còn bé, bố ở bờ bể, ngày nào cũng thấy sóng gió thế này, đến khi lên Bãi Lở, ngày nào trời đất cũng thử thách thế này. Đây cũng lại thế, hàng nghìn hàng vạn con trăn bể, con rắn bể, con trâu bể đến húc, đến quấn, đến thử lá gan các con đấy. Mon ngẩng đầu, rắn rỏi hỏi bố:- Bây giờ lấy đá ở đâu ném nó? An Tiêm cười:- à, giỏi lắm! Nhưng lúc này chúng ta đương ở trong thuyền. Bình tĩnh, nó không thể làm gì được. Nó không thể hung hăng mãi thế đâu.- Tại sao vậy?- Sóng to không thể to mãi. Có lúc sóng cũng phải mỏi, phải rút chạy mà ta thì vẫn như thường. Con cứ chú ý mà xem. Trời đã mờ sáng, Mon trông ra ngoài mặt biển, thấy hàng nghìn vạn con thủy quái xám sì hung hăng dựng đứng lên, nanh vuốt trắng xóa. Cái thuyền càng bị đe dọa, cứ phút chốc bị nhấc bổng, phút chốc bị ném sâu xuống. Mon khiếp quá, nhắm mắt. Nhưng Mon lại nhớ chuyện bố kể. Những ngày đầu bố mẹ đến Bãi Lở. Những ngày thuở bé trôi nổi của bố. Mặt biển và con sóng ngày ấy cũng hung tợn thế này... mà bố mình vẫn mạnh khỏe. Thế là Mon bảo Gái:- Đừng nhắm mắt, đừng sợ, em ạ! Mon cứ mở mắt trân trân nhìn qua cái lỗ ống tre cửa khoang bằng bàn tay. Mỗi lần thuyền bị vùi trong sóng, sóng ngầm lắc thuyền kêu răng rắc, nước ào qua mui, lại phun ộc vào như mở cống. Mon không sợ, Mon cứ nhìn. Mon không sợ! Như bố ngày trước. Không sợ! Quả nhiên, đến chiều, những làn sóng dữ dần dần thu mình lại, biến đâu mất. Biển lại bâng khuâng, hiền hậu. ồ, sóng cũng phải có lúc mỏi, thế thật. Một hôm, An Tiêm nói:- Sắp đến đảo.- Sao bố biết?- Sóng cứ lăn tăn lúc nhỏ lúc to, sóng vướng bờ đằng kia rồi mà. Đến chiều, thấy nổi lên ngang mặt một vệt đen lởm chởm dài. Mon hỏi bố:- Đảo này a?- Có nhẽ thế. Mon bỗng thấy cái đảo này cũng thường thôi. Đằng xa, Mon thấy mình đứng lên, cao hơn cả hòn đảo lúc ấy chỉ dẹt đét bằng sợi chỉ trên mặt nước. Mon hỏi bố:- Đảo này có người ở không ạ? An Tiêm nhìn con, ngần ngừ, rồi nói:- Bố chưa biết. An Tiêm không ngơ ngác, cũng không thơ thới như các con. An Tiêm trầm ngâm. Thế là cuộc đời sắp sang khúc khác. An Tiêm lặng nhìn bờ đảo xám dài, lạnh lẽo dầm chân trong nước và sương mù. Mặt biển đùn lên những cơn gió đột ngột, đẩy đoàn thuyền lướt nhanh vào bóng tối run rẩy, bạt về phía cái đảo hoang.