Chị Miên về nhà tôi ở như vậy đã năm năm rồi. Nhà chị Miên ở đâu tận phía Nam. Qua lời chị kể, tôi hình dung ra một xóm nhà tranh lúp xúp nằm bên một dải đất bồi, cứ mỗi mùa nước nổi là vườn nhà ngập chìm trong nước, riêng căn nhà được xây trên nền cao nên không ngập nước mà thôi. Chị Miên nói, thời thơ ấu của chị cơ cực lắm, chị chẳng được đi đến trường vì mỗi lần đi học phải đi bằng đò. Chị chỉ nhìn được mặt chữ là nhờ đi học lớp tình thương do mấy anh bộ đội biên phòng đến xóm dạy. Ngược lại với việc học, chị Miên lại rất giỏi giang trong công việc đồng áng. Ở quê, chị từng đi giăng lưới, đi bắt ba khía, trồng rau và cả chuyện đi hái đọt súng, bông điên điển hoặc bất cứ một thứ rau cỏ nào đó tự mọc ở trên những cánh đồng. Tuổi thơ của chị buồn, dường như chẳng có điều gì để nhớ ngoài những mảng lục bình, nở tím cả dòng sông trôi lên trôi xuống những sáng những chiều. Nhà chị nghèo, ba mẹ chị lại bệnh tật liên miên cho nên chị theo bà Hằng, đến giúp việc cho nhà tôi. Tính tình chị Miên chịu khó, lại thật thà nên được ba mẹ tôi tin cậy, giao việc lớn, việc nhỏ trong nhà cho chị. Mẹ tôi nói: "Thôi thì em cứ ở đây luôn, cô coi em như là con cháu trong nhà. Thích học nghề làm tóc, nghề may gì đó thì cô giúp cho mà học". Chị Miên cười: "Em chỉ thích nghề trồng rau thôi".
Thật ra thì nghề trồng rau có biết bao nhiêu điều thú vị. Rau nhà tôi trồng thuộc loại "quý tộc". Nào là su hào, súp lơ, cả bẹ nấm... cứ mùa nào là thứ ấy. Cả một vùng đất luôn nhuộm màu xanh của rau thật đẹp như một bức tranh vẽ. Hàng ngày, chị Miên lo việc nhà là chính. Còn ở ngoài vườn rau thì đã có những người phụ giúp. Chị Miên đã trở thành quản gia trong nhà tôi, mọi việc lớn nhỏ đều có thể tự quyết định.
Nhưng cuộc sống luôn luôn có một điều gì đó không sòng phẳng với con người. Chị Miên của tôi là một vũ trụ. Chị giỏi giang như thế, nhưng chị lại là một người con gái bị trời bắt xấu. Da dẻ chị ngăm đen, tướng người chị không thon thả như những cô gái trong thành phố. Đã vậy thì thôi, chị lại hoàn toàn không quan tâm đến việc chăm sóc sắc đẹp cho mình. Cả ngày, chị cứ mặc bộ đồ bà ba cũ, đầu tóc cột lên bằng dây thun. Chị không quan tâm đến son phấn và thậm chí chẳng màng gì đến chuyện phố xá có gì vui hay không? Có thể bởi cả thời trẻ của chị chẳng hề có một người đàn ông nào theo đuổi? Mà chẳng có ai theo đuổi thì son phấn để làm gì?.
Bố mua cho tôi chiếc xe đạp để tôi đi học. Trường học cách nhà tôi khoảng 3 cây số. Mỗi buổi sáng, chị Miên dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Chị hay cho tôi một quả trứng gà luộc để tôi "thông minh, học giỏi" theo cách nói của chị.
Thời gian cứ thế trôi qua giống như những cơn gió cứ thổi qua nhà rồi đi biệt. Chị Miên cũng vẫn chăm sóc những luống rau xanh. Tôi phải lo học thêm nhiều môn, bận rộn cho kỳ thi cuối cấp nên cũng có ít thì giờ để nghe chị Miên trò chuyện. Duy chỉ có một điều là chị đã mua được một chiếc xe đạp sơn màu đỏ rực. Chị gắn một chiếc chuông nơi tay lái, thích thú bấm nó kêu "kính coong, kính coong" khi đạp xe lướt qua những con đường đất quệ Chị nằn nì bảo tôi leo lên yên xe cho chị chở đi một vòng. Khi xe tới tiệm hớt tóc của anh Hải thì chị dừng lại. Thì ra, chị và anh Hải đã quen nhau từ trước mà tôi đâu có biết. Chị nói: "Em thấy anh Hải như thế nào?". Tôi cười với chị, dường như đôi mắt của chị long lanh hơn ngày thường. Anh là thương binh, nghe nói hồi ở chiến trường K anh dẫm phải mìn cho nên bị thương chân phải, thế là bị tàn tật phải giải ngũ. Anh về đây mở tiệm hớt tóc làm kế sinh nhai, cả xóm ai cũng quen. Khi tôi ghé chơi, anh vẫn thường hỏi chuyện về chị Miên, nhưng tôi không chú ý cho lắm, vì dù sao tôi cũng chẳng hiểu ý gì giữa hai người.
Một tối, tôi nghịch ngợm uống cà phê của ba thằng Nghĩa, pha uống chơi khi ghé nhà nó. Tối đó, tôi bị mất ngủ. Nơi tôi ngủ là căn phòng nhà sau, sát cánh cửa mở thông qua bờ ruộng. Tối hôm đó, tôi đang trở mình thì nghe tiếng mở cửa, suýt tí nữa tôi la lên vì tưởng kẻ trộm lẻn vào nhà. Nhưng khá bất ngờ khi tôi mở mắt ra thì nhìn thấy chị Miên nhờ ngọn đèn dầu chị cầm trên taỵ Đó là ngọn đèn chống gió, được chụp lại bị bởi một ống thuỷ tinh cao, có quai xách dùng để thăm vườn rau ban đêm. Bản tính tò mò khiến tôi im lặng nhìn theo. Lúc đầu, tôi ngỡ chị Miên đi thăm vườn rau.
Nhưng không? Trong đêm tối đó, tôi nhìn thấy chị Miên cầm ngọn đèn dầu băng qua con đường ruộng. Đêm trăng khuyết cho nên ngọn đèn chị Miên cầm trên tay cố lắc lư lắc lư trộn với ánh trăng mờ như thế. Tôi nhìn qua sau cửa sổ, theo hướng chị Miên đi. Tôi bỗng bất ngờ khi nhận thấy ngọn đèn và cả chị Miên đã khuất sau tiệm hớt tóc của anh Hải.
Kể từ đó, đêm nào tôi cũng tìm cách thức giấc để quan sát chị Miên. Có đêm tôi ngủ ngon giấc, thì sáng hôm sau tôi luôn tò mò quan sát chị. Có lẽ cái nhìn của tôi trụi lủi và tọc mạch làm sao đó, cho nên có khi chị Miên cười bẽn lẽn: "Sợ mặt chị dính lọ nghe sao mà em gái nhìn dữ vậy!". Ban ngày, tôi lại tò mò nhìn chiếc đèn treo ở góc tường trong bếp. Chiếc đèn thường chỉ được dùng để thăm vườn ra ban đêm khi có gió to hay chuyện gì đó. Tôi không ngờ rằng hàng đêm, nó còn có nhiệm vụ là dẫn đường cho chị Miên đi theo tiếng gọi của trái tim mình… Có hôm, mẹ tôi nhìn chiếc đèn cạn dầu, bà buột miệng vô tình: "Chà, cả tuần nay đâu có thắp đèn mà dầu cạn hết trơn. Mấy đứa coi chừng để đèn nghiêng đổ dầu ra ngoài hết". Mẹ thì vô tình, chị Miên đỏ mặt. Chỉ có chị Miên và tôi biết tại sao dầu trong đèn bị cạn mau chóng.
Cũng lạ cho tôi. Có đêm gió mưa tầm tã. Tôi tưởng chị Miên chẳng đi. Vậy mà tôi vẫn nhìn thấy chị che chiếc đèn bằng chiếc nón lá, mặc áo mưa phủ kín người để băng qua con đường ruộng.
Anh Hải về quê ăn Tết. Những năm trước, anh lại đây luôn, gần như anh chẳng thiết tha gì chuyện trở về miền đất có một người đàn bà từng bội bạc anh… Những cái Tết trước, tôi vẫn thường qua nhà anh để "ăn Tết" cùng anh. Vì thật ra anh cũng không có khách khứa gì nhiều. Khi đó, chị Miên vẫn rủ tôi sang nhà anh chúc Tết mà tôi đâu biết rằng hai anh chị đã có tình ý. Tôi chỉ là nhân chứng cho "một cuộc tình đèn dầu".
Mùa Xuân cũng thật lạ. Nó làm cho đất trời trong xanh hơn. Những bông hoa bé tí nằm đâu tận sau lòng đất, cố cựa mình chen lách cùng đám cỏ xanh mà nở. Chị Miên khéo tay, hái những bông hoa vô tình nở ở bờ ruộng đem về cắm chúng trong chiếc ly thuỷ tinh. Bình hoa lạ của chị Miên rất đẹp, khiến ai tới nhà cũng khen.
Nhưng Tết năm nay không có anh Hải, tôi có cảm giác như chị Miên buồn hẳn. Chị chẳng ra bờ ruộng hái những bông hoa dại về cắm trong những chiếc lọ thuỷ tinh nữa. Từ ba mươi Tết, chị giống như một người đang thả hồn đi đâu. Chị cứ lấy chiếc xe đạp, đạp đi đâu ra ngoài lộ, khi trở về tôi nhìn thấy gương mặt chị mang một nỗi buồn man mác.
Tết năm nay, vườn sau nhà tôi thu hoạch khá. Mẹ may cho chị Miên một bộ váy khá xinh. Hôm ba mươi Tết, mẹ đem bộ váy về nhà. Lúc đó, chị Miên đang dọn dẹp nhà cửa. Tôi nghe tiếng mẹ gọi chị: "Miên ơi, vào đây thử chiếc váy cho chị xem". Tôi cũng chẳng chú ý gì cho lắm, nhưng khi đi ngang tấm ri- đô ngăn chỗ thay đồ, chợt nghe tiếng mẹ thảng thốt “Mấy tháng rồi hả Miên?". Tiếng chị Miên lí nhí: "Dạ, ba tháng!". "Của thằng nào vậy?". "Dạ, anh Hải"... Rồi tiếng khóc rấm rức của chị Miên. Tiếng thở dài, cả tiếng chặc lưỡi của mẹ: "Lỡ nó không quay lại thì mày cứ đẻ, tao nuôi". Rồi mẹ dỗ dành: "Thôi lỡ rồi, đừng khóc nữa".
Những ngày Tết năm đó trôi qua không chịu dừng. Tôi cứ lén lén quan sát chiếc bụng của chị Miên. Chiếc bụng chỉ vòng lên một tí, chưa ra vẻ gì là chị đang mang thai. Chị Miên cố dấu nỗi buồn của chị, chị vẫn tưởng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.
Sáng mùng bốn Tết. Chị Miên đang lo mâm cỗ cúng tiễn ông bà. Tôi còn đang trùm mền ngủ nướng thì nghe tiếng ồn ào trên phòng khách. Thật lạ, khách gì mà đến nhà sớm thế!
Tôi tỉnh ngủ. Thấy gương mặt chị Miên rạng rỡ. Chị chạy ra sau vội quạt lửa cho bếp than hồng cháy mau để nấu nước. Chị nói nói với tôi bằng hơi thở. "Anh Hải dắt mẹ của ảnh tới!". Trong vỏn vẹn bảy chữ chị vừa nói, tôi cảm thấy một chiếc cùm vừa được tháo ra, một bình minh vừa chiếu loá sau những ngày giông gió.
Anh Hải và chị Miên dự định sẽ về làm lễ cưới trong tháng sau. Chị Miên bẽn lẽn: "ảnh cưới vợ mà như đi chợ". Theo dự tính thì mẹ tôi sẽ cho chị Miên mấy trăm mét đất để chị tự trồng rau. Còn anh Hải vẫn nghề hớt tóc.
Tôi tò mò tìm ngọn đèn dầu chị Miên vẫn thường thắp lên trong đêm để đến với anh Hải. Chiếc đèn dầu treo lủng lẳng nơi góc bếp. Tôi lấy nó xuống và ngắm nhìn.

Hết


Xem Tiếp: ----