Mỗi khi có chuyện buồn, tôi thường rủ Hoàng đi ra biển. Bãi biển khuất sau đồi, nơi ngôi nhà tôi đang ở có rất nhiều xác san hô chồng chất lên nhau. Bãi san hô vỡ vụn khiến cho chân tôi đau nếu tôi nghịch ngợm không mang dép. Hoàng vẫn thường cự nự với tôi về điều đó: “Em lì lắm”. Tôi không biết tôi có lì như anh nói không? Nhưng những lúc đi bên anh tôi cũng muốn để đôi chân trần của mình giẫm lên san hô, để tôi quên đi những hình ảnh trong gia đình tôi. Ba tôi là một người đàn ông chỉ biết mệnh lệnh, dù có những mệnh lệnh rất vô lý. Còn mẹ tôi thì giống như một người thừa hành bất cứ điều gì ba nói ra, bất chấp những điều ba nói đúng hay sai. Chưa lần nào tôi thấy mẹ phản đối bạ Trong nhà tôi, đã hình thành một chế độ gia trưởng ngay từ khi mẹ về ở với ba, rồi nó ăn sâu vào trong thẳm sâu suy nghĩ của mẹ. Có thể từ khi ra đời, mẹ tôi cũng đã sống trong một gia đình theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”, rồi năm mười tám tuổi, khi chưa biết thế nào là tình yêu, bà đã nhận lời làm vợ ba tôi bằng sự môi giới của bà mai, với cái nhìn chật hẹp, là vợ thì phải tuân phục chồng tuyệt đối. Năm mẹ về làm vợ ba thì ba đã hai mươi lăm tuổi, theo lời mẹ kể lại thì ba là một người đàn ông đảm đang, có chiếc xe chở hàng, ba làm tài xế. Khi đó mẹ chẳng có nghề nghiệp, học hành lại dở dang. Ba là một người đàn ông làm kinh tế giỏi, gia đình lại thuộc hàng giàu có. Chính vì thế mà mẹ tôi trở thành một bà nội trợ, cả cuộc đời lo chuyện cơm nước cho chồng, đẻ con và nuôi cả năm đứa. Khi lớn lên, hiểu được mọi điều, tôi hết sức ngạc nhiên, tại sao mẹ tôi lại có thể chấp nhận một cuộc sống mà mọi quyết định lớn nhỏ trong nhà gần như chỉ có ba giải quyết. Sự lệ thuộc lần lần thấm sâu trong lòng mẹ tôi, mẹ cảm thấy thần phục ba là hiển nhiên, như mỗi buổi sáng mặt trời vẫn mọc. Cho đến khi ba tôi chuyển từ nghề xe tải chuyên chở hàng hóa sang xe khách đường dài. Ba thường xuyên vắng nhà.
Sự vắng nhà của ba tôi dường như làm cho năm chị em tôi cảm thấy thoải mái, tôi cũng chẳng hiểu tại sao? Khi ba ở nhà, tôi chỉ nghe những lời sai bảo, ngay cả bữa cơm gia đình, tưởng rất bình thường nhưng cũng không được tự do ăn. Nhiều khi ba đi về rất trễ, ai cũng phải đợi ba mới được ngồi vào bàn. Mẹ cũng quen nếp đó nên chẳng bao giờ cho con ăn trước. Trong bữa ăn, ba luôn có một món ăn ngon để riêng, chai rượu thuốc dành cho bạ Chuyện hôn nhân của chị Hằng và chị Hải cũng được ba xếp đặt theo kiểu: “Áo mặc không qua khỏi đầu”. Hai chị lấy chồng gần như không phải tình yêu, ngay việc học cũng dở dang, dù ba tôi có thể nuôi con cái ăn học dễ dàng. Còn tôi, tôi không cam tâm bỏ dở việc học theo cách suy nghĩ của ba: “Con gái học cao để ế chồng à? Học hết lớp 12 rồi ở nhà lấy chồng”. Tôi đã khóc với mẹ: “Không được đâu. Mẹ nói với ba cho con thi vào sư phạm cũng được. Học sư phạm gần nhà có tốn kém gì đâu? Con muốn học”. Nếu như những người đàn bà khác thì sẽ tìm cách nói với chồng để cho con mình đi học. Mẹ tôi lại thụ động trước lời van nài của tôi, bà chỉ biết tránh nhìn những giọt nước mắt của tôi, nói bâng quơ: “Con nghỉ học, mẹ xin ba ít vốn cho con mở tiệm bán băng đĩa. Con gái mà…”. Tiếng “Con gái mà…” của mẹ sao mà thê thiết quá. Bởi cũng theo quan niệm con gái chỉ học đủ mặt chữ rồi về làm vợ người, nên đời mẹ buồn thê thiết mà mẹ đâu có thấy.
Ngày tôi đậu đại học, ba đã dùng chiếc dao chặt thịt chặt mạnh vào cây cột trước sân: “Con gái không nghe lời cha mẹ thì cứ tự lo thân”. Tôi không biết lúc đó tôi có sai không? Nhưng với tôi, tôi muốn phải học xong đại học - bởi tôi không thể đi trên con đường của mẹ. Thế là mỗi khi ba về, tôi lại phải qua nhà của Thảo, cô bạn học của tôi đang thuê phòng trọ Ở, để “né”. Tôi được Hoàng giới thiệu làm việc ở một hãng mỹ phẩm trong những giờ nghỉ buổi tối, cho nên dù ba tôi không cho tôi tiền đi học, tôi vẫn có thể tự mình lo liệu.
Sau một chuyến đi dài ngày, nghe nói ở tận Cà Mau, ba đem về nhà một cô gái lớn hơn tôi chừng vài tuổi. Ba nói với mẹ: “Đây là Hiền, em nhớ chăm sóc cô ta ít ngày. Vài bữa anh mua nhà riêng cho cô ta ở.” Thật là kinh khủng và khó tin. Bởi những người đàn ông khác đều phải giấu giếm người tình của mình vì sợ vợ. Còn ba tôi lại sẵn sàng đem người đàn bà khác về nhà như điều đó là hiển nhiên. Vậy mà mẹ tôi cam tâm chấp nhận, tôi chẳng nghe một lời nào của mẹ trách móc bạ Còn tôi, tôi không thể nào chấp nhận được cách sống của ba như thế, coi thường cả vợ và con cái, tôi đã dọn ra ở riêng.
Cuộc sống cứ thế cứ thế trôi. Tôi nhận lời tỏ tình của Hoàng với sự thận trọng: “Rồi anh có giống như ba em không?”. Anh phá lên cười: “Lấy anh em ở nhà nấu cơm. Đẻ cho anh sáu đứa con”. Tôi biết Hoàng trêu ghẹo tôi, bởi chính anh chứ không phải ai khác đã dạy cho tôi nhiều điều trong cuộc sống. Trong những điều anh dạy, quan trọng hơn hết chính là sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống vợ chồng. Gia đình tôi cứ thế mà tồn tại. Càng ngày mẹ càng héo khô dù mẹ chẳng thiếu thốn một thứ gì. Mẹ héo khô bởi vì mẹ và ba không có tình yêu. Mẹ là một kiểu nô lệ mới và ba là một ông vua con trong căn nhà của chúng tôi. Ba mua nhà cho cô Hiền và thời gian ba ở ngôi nhà đó nhiều hơn trở về ngôi nhà của mình. Tôi vẫn đi và về giữa nơi tôi ở trọ và nhà mình, tôi mơ một ngày mẹ tôi biết mẹ sẽ không cam chịu nữa.
Rồi có một hôm, tôi khám phá ra bên kia dãy núi, gần bên bờ vực có một tảng đá xanh. Lạ kỳ cho tôi chưa, tôi rất ngạc nhiên khi tảng đá gần như đang muốn lao xuống vực sâu, mà bên dưới đang có trăm ngàn ngọn sóng cứ vỗ tung bọt trắng, vang ra những tiếng ầm ĩ kia, vẫn cứ níu lấy bờ đất. Tôi nói với Hoàng: “Anh đoán thử còn bao nhiều ngày thì tảng đá kia sẽ phải rơi xuống?”. Hoàng cười với tôi: “Trăm năm nữa”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao lại tới trăm năm”. Anh chỉ cho tôi một cây cổ thụ già phía trên tảng đá, một rễ cây đã quấn vững chắc vào bên dưới tảng đá. Chính rễ cây đã níu tảng đá kia chứ không phải tảng đá tự quyết định đến khi nào thì lao xuống biển mênh mông kia.
Tảng đá và rễ cây như chẳng liên quan gì đến mẹ và ba tôi. Nhưng tôi bỗng bật cười khi nghĩ rằng ba là tảng đá đang nằm bên bờ vực sâu.
Nhưng cội rễ gia đình là mẹ đã cột chặt đời vào tảng đá kia. Rễ cây bám mãi và không có cách gì rời khỏi tảng đá. Còn biển mênh mông bên dưới là cả cuộc đời bận rộn bao nhiêu dường như mẹ tôi không biết. Bởi mẹ đang níu tảng đá ba vì sợ vực sâu sẽ nhấn chìm khi không có mẹ.

Hết


Xem Tiếp: ----