Đường phố có một hàng bán đồ chơi. Những thứ đồ chơi giống như một thế giới thu nhỏ với cơ man nào là búp bê, nhà cửa và cả cây cỏ giả. Nhưng đối với Na thì những thứ đồ chơi đó hoàn toàn không gợi cho cô bé một sự thích thú nào ngoài những chiếc chuông màu đỏ được treo trước cửa. Đó là những chiếc chuông cũ, bằng nhôm sơn màu đỏ. Khi gió đong đưa thì chúng lại vang lên những tiếng reng reng. ý thích của cô bé Na khiến cho ông chủ tiệm bán đồ chơi buồn cười.- Thứ đó bác không bán đâu. Nó được treo làm biển hiệu của cửa hàng mà cháu. Cháu không thấy cửa hàng được đặt tên là "Chuông màu đỏ" sao?
- Nhưng cháu lại thích nó. Khi nào bác có những chiếc chuông mới thì bán những chiếc chuông này cho cháu nhé!
- Mắc lắm. Cháu không mua nổi đâu.
- Mắc là bao nhiêu?
- Mắc ở đây không phải bằng tiền đâu, cháu ơi. Tiền bạc thì người ta có thể làm ra, ở đây là kỷ niệm. Mà kỷ niệm là vô giá.
Những chiếc chuông thuộc về kỷ niệm của người bán đồ chơi, nên ông không bán. Mới mười ba tuổi, Na không biết như thế nào là kỷ niệm. Nhưng rồi mỗi khi rảnh rỗi, Na lại đến cửa hàng bán đồ chơi, đợi những cơn gió khẽ thoảng qua khiến những chiếc chuông lắc lư, vang lên những âm thanh nghe thật lạ.
Cả cửa hàng bán đồ chơi ấy cũng chỉ có duy nhất người đàn ông bán hàng. Đôi khi ông mải mê bán hàng cho khách, có lúc ông lại rảnh rang. Na nghỉ học chiều thứ bảy, chợt nghĩ ra việc đến phụ giúp ông bán đồ chơi. Khi phụ giúp, Na mới khám phá ra đây toàn là những thứ đồ chơi cũ, có thể chủ nhân của chúng đã thải ra sau khi không còn thích nữa. Những món đồ chơi cũ, hư hỏng được ông Nhân (người bán hàng) sửa sang, sơn phết lại thành mới. Giá những món đồ chơi của ông bán ra cũng rẻ hơn nhiều so với đồ chơi mới ở cửa hiệu khác.
Nhưng đồ chơi cũ chỉ bán cho những đứa trẻ nghèo. Có khi trẻ nghèo không có tiền, chúng chẳng mua đồ chơi. Cửa hàng đồ chơi như thế thì chẳng thể nào kéo được ra những đứa trẻ con nhà giàu. Nhưng dường như điều đó không làm cho ông Nhân quan tâm, lúc tiệm ế, ông lại bày đồ nghề, các lọ sơn ra mà sửa mớ đồ chơi hư hỏng.
Sự quen biết giữa ông Nhân và Na dần dần trở nên thân thiết hơn. Lúc đầu Na lấy tay chỉ những món đồ chơi khi có người hỏi mua, tiến thêm một bước nữa diễn giải công dụng của món đồ. Ông Nhân tiếp nhận sự phụ giúp của Na như lẽ đương nhiên. Ông nói:
- Ông không có tiền trả tiền công cho cháu đâu!
Na cười:
- Cháu ở cửa hàng của ông, cháu muốn chơi thứ đồ chơi nào cũng được là cháu thích rồi. Cháu đâu có lấy tiền công...
Ông Nhân cười:
- Ừ, cháu ngoan ghê!Những món đồ chơi cũ được mua về, rồi được bán đi, nhưng có một thứ đồ chơi vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù cũng có người hỏi mua như Na: Những chiếc chuông màu đỏ. Ông Nhân đều trả lời bằng cái lắc đầu: không bán. Na cũng không dám hỏi tại sao ông cố giữ mãi những chiếc chuông màu đỏ cũ kỹ đó làm gì? Và Na cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện tìm cách hỏi mua lại những chiếc chuông màu đỏ đó nữa.
Vậy đó, thời gian cứ trôi hững hờ. Na chẳng thấy mình lớn lên tí nào, mặc dù Na trông thời gian trôi qua thật nhanh để Na có thể làm được nhiều việc. Tuy nhiên, những ngày ở gần bên ông Nhân cũng giúp cho Na biết sơn lại những con thú cũ bằng gỗ, hàn lại mảnh vỡ của một đồ vật bằng nhựa. Sự sửa chữa hàn phết chỉ giúp cho món đồ cũ ấy có thể dùng làm đồ chơi tốt hơn, nhưng không thể làm cho chúng đẹp hơn. Lạ kỳ, những món đồ chơi rẻ như thế, nhưng nhiều khi bọn trẻ con nhà nghèo cũng chẳng có tiền muạ Như thằng Ka, con bà bán bánh căn đầu xóm, nó thích chiếc xe lửa xích bánh, gom mãi mới được những đồng bạc lẻ nhàu nát để muạ Bé Mi, con của chị Hai bán rau hành, thích con búp bê mắt nhắm mắt mở, nó phải để dành tiền phụ mẹ buôn bán mà muạ Mua được con búp bê cũ kỹ, bé Mi mừng ơi là mừng, như là mua được cả một gia tài
Mùa hè, Na phải về quê nội. Quê nội của Na xa lắc xa lơ tận Tây Nguyên. Đó là xứ sở của đồi núi và cây xanh. Tuổi nhỏ mau quên, nhưng bé Na thì chẳng thể nào quên được cửa hàng bán đồ chơi cũ của ông Nhân. Dường như thói quen nhặt đồ chơi cũ của ông Nhân đã ảnh hưởng đến bé Na khá nhiều. Hơn một tháng rong chơi ngắn ngủi ở quê nội, bé Na mang về một túi xách toàn những thứ đồ chơi Na xin được ở nhà các cậu, dì. Mọi người rất ngạc nhiên về tinh thần tiết kiệm của Na, đâu ai biết rằng Na đem về tặng ông già bán đồ cũ. Trên đường về, Na vui lắm, vì Na tin rằng ông Nhân cũng sẽ rất vui khi có thêm những món đồ chơi cho cửa hàng bán đồ chơi cũ của mình.
Về nhà, Na vội vàng mang túi xách tìm đến cửa hàng bán đồ chơi. Thật là lạ, cánh cửa gỗ xưa nay không bao giờ khép, đã đóng chặt. Na lạ quá, đập tay vào cánh cửa gỗ, gọi vang: "Bác Nhân ơi, bác Nhân. Bác Nhân ơi, cháu là Na nè... ".
Vẫn không có tiếng trả lời, có thể là ông Nhân đi vắng.
"Cháu là bé Nả", một người đàn ông đứng trước mặt bé Na, hỏi. Na gật đầu, ngạc nhiên. "Ông bán đồ chơi cũ đã về quê rồi. Ông đợi mãi không thấy cháu trở lại nên ông đã gởi lại cho cháu gói đồ này".
Trong gói đồ là món quà Na ưa thích: Những chiếc chuông màu đỏ. Kèm theo là lá thư ông Nhân viết cho Na trên tờ giấy học trò:
"Bé Na yêu quý của bác!
Bác biết cháu thích những chiếc chuông màu đỏ. Vậy cháu hãy nhận lấy món quà mà cháu thích. Con gái bác đã tìm tới và bác phải về với nó. Nó tha thứ cho bác rồi.
Cháu có biết tại sao bác lại giữ những chiếc chuông màu đỏ không? Ngày đó, bác nghèo lắm, nghèo đến độ bác chỉ ước mơ có một cửa hàng nào đó bán những món đồ chơi cũ để bác có thể mua cho Ngọc, con gái bác, chơi. Nhưng lúc đó có ai bán đồ chơi cũ bao giờ?Vợ bác chết sớm, gia đình chỉ có hai cha con. Bác làm đủ công việc để nuôi đứa con gái nhỏ. Nó chỉ thích những cái chuông màu đỏ bán ở một cửa hàng đồ chơi. Nó thích lắm, nó nói rằng khi nào dành dụm đủ tiền sẽ mua những chiếc chuông màu đỏ treo trong nhà, nghe tiếng chuông rung là vui.
Hồi đó, để mua được những chiếc chuông màu đỏ, đó là cả một gia tài. Bác làm đủ thứ nghề trong xã hội, bữa thất nghiệp, bữa có việc, chỉ đủ nuôi hai cha con thì chuyện mua một món đồ chơi sang trọng như thế quả là điều không đơn giản.
Cho đến ngày sinh nhật 11 tuổi của Ngọc, bác đã không đủ tiền mua món đồ chơi cho con bé. Hôm đó, bác đã hứa mang về những chiếc chuông màu đỏ, nhưng thực tế thì bác đã không thể nào có để mang về được, bác cứ đi lang thang trên những con đường.
Rồi bác quay về đứng trước cửa hàng đồ chơi. Những chiếc chuông đỏ cứ kêu reng reng khi nó va chạm vào, dễ thương và đẹp làm sao? Bác nhìn những chiếc chuông rung như thế, cho đến khi bác nghe tiếng kêu thật quen: "Bố". Ngọc cũng đứng cạnh bác tự bao lâu rồi. Ngọc sà vào lòng bác: "Bố ơi, về thôi. Con không cần những chiếc chuông màu đỏ nữa... ". Sinh nhật năm ấy của Ngọc không có món đồ chơi nào.
Na ơi! Cho đến khi bác mua được những chiếc chuông màu đỏ ấy thì Ngọc không còn nữa. Mãi mãi đi xa do ăn uống thiếu thốn, lại bệnh nặng sau một cơn mưa. Con bé chỉ kịp cầm lấy những chiếc chuông ấy một lần, rồi bỏ bác.
Bác hứa với con gái bác là mở một cửa hàng bán đồ chơi cũ cho trẻ em nghèo. Nó không muốn trên cuộc đời này lại có thêm một đứa trẻ không thể có được món đồ chơi mình thích... Nhưng bác không thể bán những chiếc chuông màu đỏ này.
Giờ đây thì bác phải trở về, bác muốn gần con bác những ngày cuối cuộc đời. Cám ơn cháu đã giúp đỡ bác những ngày đã qua và những chiếc chuông màu đỏ hôm nay đã là của cháu... chắc Ngọc nó sẽ vui lắm.
Bác Nhân".
Na đưa những chiếc chuông màu đỏ lên cao. Nắng hắt vào chúng tạo thành những mảng sáng. Na rung, tiếng chuông kêu. Reng reng, reng reng.

Hết


Xem Tiếp: ----