Chương 8

Sau lần cảnh cáo ấy Khôi thấy Việt như đã bị mãi mòn phần nào những góc cạnh sống động của các giờ học trong lớp hay cả ngoài sân trường. Đặc biệt là Việt đã bỏ hẳn thái độ đối nghịch với Thọ, một điều mà Khôi không thuận một chút nào hết.
- Uyên thấy Việt cũng có lý của Việt, nhưng trong chuyện này mình thấy thế nào ấy.
Uyên bày tỏ với Khôi, khi hai bạn có ý đợi nhau cùng ra khỏi lớp. Khôi đứng khựng lại ở những bậc thang nhìn Uyên:
- Bạn mà cũng sợ thằng Thọ à?
- Chính Uyên đã can Việt đừng gây với Thọ nhưng lại thấy trong việc này nó dở làm sao ấy.
- Tôi hiểu bạn rồi, Khôi bước nhanh xuống những bậc thang - Tôi nhớ năm còn học thầy Hiển, đã một lần thầy nói: Nếu sợ một vấn đề gì thì hãy can đảm nhìn thẳng vào vấn đề đó, nếu không mình chỉ là một thằng hèn.
Nói rồi Khôi bước vội ra chỗ để xe. Uyên còn đứng ở sân:
- Khôi đợi tôi với chứ.
Khôi đã dắt xe ra:
- Hôm nay Uyên không đi xe à?
Uyên cười hóm hỉnh:
- Nếu không có xe tôi cũng chẳng nhờ đến bạn làm tài xế đâu.
Khôi hơi nóng tai - Uyên đã dắt xe cùng Khôi song song ra phía cổng.
Giờ tan học đã sau chừng mười lăm phút, cổng trường bắt đầu thưa. Nhưng Uyên vẫn cố tình muốn thật chậm, thật thong thả. Uyên dắt xe từng bước, từng bước đi bên Khôi chuyện trò tự nhiên.
- Có bao giờ Khôi thấy trường mình tuyệt đẹp không? Những tàng cây to kia kìa, dễ chừng phải gấp đôi, gấp ba tuổi bọn mình là ít.
-...
- Uyên cứ lấy làm tiếc tại sao người ta không trồng thật nhiều những cây phượng ở trong sân trường. Phượng là hoa học trò mà lại... Uyên nhớ có nhiều bài thơ đã viết thế đấy. Khôi biết tại sao không?
-...
- Có lẽ vì phượng nở đúng vào mùa hè. Mà đối với học trò thì chỉ có mùa hè và mùa khai trường.
- Khôi đang nghĩ gì vậy?
- Hình như có ai đang đợi Uyên ở cổng trường kìa.
- Làm gì có.
Uyên không nhìn lại, dấu nụ cười nhỏ khi cả hai đã dắt xe băng qua đường.
- Có đấy.
Khôi hất đầu về phía sau và ngồi lên xe:
- Thôi, Khôi về trước nhé.
Uyên cũng đã ngồi lên xe, cố giữ tự nhiên như không:
- Chẳng lẽ Khôi không thích nói chuyện với Uyên?
Cả hai đạp xe song song bên nhau với sự thân thiện cố tình của Uyên.
- Uyên cứ nghĩ đến khi phải rời trường, chắc là buồn lắm.
- Ít ra cũng hơn một năm nữa mới tới phiên mình.
- Cũng có thể là vài ba năm nữa đối với Uyên.
-...?
- Nếu Uyên phải ở lại lớp liền liền.
- Làm gì có chuyện đó.
- Học dốt như Uyên có thể lắm chứ.
- Tại Uyên khiêm tốn đấy thôi.
- Thế Khôi không biết điểm toán của Uyên bao nhiêu à?
- Đâu phải riêng gì Uyên.
- Nghĩ thế mà cũng nói được. Khôi nè, sắp qua học kỳ 2 rồi mình lo quá.
- Uyên nghĩ tới một nhóm học tập, Khôi cho ý kiến đi.
- Cũng vui thôi.
- Sao lại vui thôi. Mình cho là nghiêm chỉnh đấy.
Những vòng bánh xe lăn đều. Khôi nói sau một đoạn đường.
- Hồi còn dạy thầy Hiển cũng khuyến khích mình như thế đấy. Nhưng rồi thật dở.
- Sao lại dở?
- Các nhóm học tập chỉ là cái cớ cho bạn bè tiêu phí thời giờ. Các bạn nhỏ thì rủ nhau đi chơi còn các bạn lớn thì... thì...
- Thì sao?
- Tự dưng cứ đổ ngang ra yêu nhau, giận hờn lung tung chẳng ra làm sao cả.
Uyên mỉm cười với lối diễn tả của Khôi nhưng Khôi không để ý.
- Thầy Hiển nói phần đông chúng ta chưa biết chơi bạn bè.
Thôi cười, Uyên ngập ngừng:
- Đúng vậy Khôi à, phần đông chúng ta chưa biết chơi bạn bè.
Và tự để mình tụt lại sau Khôi một vòng bánh xe, Uyên khẽ quay lại phía sau: Không còn ai đợi ở cổng, không có ai đi theo. Trong nhiều ý nghĩ lộn xộn tự dưng Uyên cảm thấy buồn buồn.
Trong trò chơi này, ai là người thắng, ai là kẻ thua nhỉ?
Gần đến một ngã tư chia tay nhau mỗi người về một ngã, Uyên nói:
- Dù sao Khôi cũng không muốn tránh mặt Uyên nữa chứ?
Hơi lúng túng bởi câu hỏi đội ngột, Khôi trả lời:
- Đừng nghĩ vậy.
- Thấy đấy, có một dạo Uyên biết Khôi căm ghét bọn mình.
- Không phải vậy đâu, Uyên.
- Nhưng thật sự có lúc bọn mình coi Khôi với Việt cũng không khác gì bọn thằng Thọ trong lớp mình bây giờ.
Thấy bạn yên lặng, Uyên nói nhanh trước ngã rẽ:
- Khôi biết nhà Uyên rồi đấy, chiều nào rảnh Khôi cứ ghé chơi, không ai bắt Khôi phải làm toán giùm đâu mà sợ.
Thật tự nhiên Uyên nói, nhưng về đến nhà Uyên mới nhận ra sự bạo dạn của mình có thể là hơi quá đáng. Có thể nào Khôi hiểu lầm mình? Có thể nào không phải là Khôi mà là Văn, cái anh chàng vẫn đóng đợi ở cổng trường từ bao lâu naỵ Ừ, mà tại sao không phải là Văn nhỉ? Thật là khó để kiếm chuyện gì để nói. Chẳng lẽ lại cứ chuyện những cuốn vở chưa được giặt giũ sạch sẽ. Rất tiếc. Không sao cả. Rất tiếc. Và rồi, hãy quên chuyện đó đi. Cụt ngủn, vô duyên. Hết chuyện.
Buổi chiều Uyên đang loay hoay nơi bàn học với cái compas thì trời đổ mưa. Cơn mưa bất chợt làm bài toán dở dang. Uyên chống cằm nhìn ra ngoài trời nghĩ vẩn vơ.
Bất chợt chuông cửa reo, Uyên chưa kịp đoán xem ai thì Chuyên đã tung người ra khỏi phòng, lát sau con bé "tóm gọn" một nhân vật lôi vào.
- Thế mà mình cứ tưởng Vũ hứa lèo lần nữa thì đừng bao giờ nhìn mặt nhau.
Có thể lầm nhân vật là một chú nhóc ưa phá chuông cửa nếu Chuyên không kịp thời lên tiếng. Trắng trẻo, tóc húi cao, cặp kính dày: đó là Vũđa-Ua như có lần Chuyên đã từng nhắc tới. Nhưng Uyên không thể tưởng tượng ra nổi con bé lại có một người bạn nhẹ ký đúng mức đến thế.
Vũ ngoan ngoãn để mặc bạn dùng chiếc khăn lớn lau tóc tai mặt mũi cho khô trước khi được ấn xuống một chiếc ghế mời an vị.
- Chờ Chuyên một lát nhé.
Lát sau Chuyên trở lại bên bạn với bốn năm hũ da ua bày ra trên bàn.
Thì ra thế. Mấy bữa nay Chuyên đã có sáng kiến với hộp sữa đặc mở ra bị mẹ chệ Cô bé pha pha chế chế, ngâm nước nóng, đung nước sôi rồi đặt vô tủ lạnh dặn đừng có ai đụng tới cho đến khi kịp chua.
Cười thầm, đúng phép lịch sự Uyên không nên can dự vào chuyện người khác, mặc dù... lòng nhân đạo của Uyên đòi phải đàn áp dùm cái lạnh đang đe dọa một người mới từ mưa bước vào. Đã thế Chuyên lại còn mở cái quạt mạnh hết cỡ "để cho bạn mau khô quần áo". Tội nghiệp Vũ da-Ua vẫn không dám mở một lời trước sự săn sóc sốt sắng của bạn.
- Vũ ăn đi. Vũ phải ăn hết mấy hũ này đó. Da-Ua chính tay Chuyên làm chứ không phải đi mua đâu. Da-Ua chợ lạt nhách không ngon bằng da-Ua mình làm, Vũ cứ thử coi.
Vũ đang lúng túng trước những cuốn vở kéo từ bụng áo sơ-mi ra đã bị người bạn lấy quyền... chị bắt thưởng thức ngay món da-Ua bằng chiếc thìa nhỏ đưa đến miệng.
Nhìn cũng vui vui. Uyên quay đi vờ như không biết gì. Và rất nhẹ nhàng, Uyên rời khỏi phòng. Bạn bè tự nhiên vẫn là điều thích thú. Tại sao khi lớn lên người ta cứ đánh mất dần những ngây ngô, đơn sơ đáng quý. Để cứ phải khép nép, giữ kẽ, nhìn nhau vướng vít khiến những tình bạn khác phái trở nên nặng nề, không lối thoát.
Trời còn mưa nhỏ hạt nhưng Uyên lại muốn mình ra khỏi nhà lúc này. Mẹ hỏi, đang mưa đi đâu vậy? Con đi mua cái này một chút. Trả lời vậy, rồi Uyên tìm cái áo mưa khoác vào người.
Tại sao khi không mình lại dở chứng vậy nhỉ? Dù sao đi trong màn mưa mỏng với cái lạnh vây quanh cũng có cái cảm giác lạ.
Một chút lãng mạn trong mưa. Uyên nghĩ tới cái tựa của một truyện ngắn, người nữ cô đơn trong một thành phố ồn ào ấy có bao giờ là mình, đi tìm một cái gì mong manh, sương khói. Cứ đi tìm mà không bao giờ hẹn, cứ mong đợi nhưng lại sợ nó đến bất ngờ. Mỗi người nữ chứa chất vạn điều mâu thuẫn khi lớn lên, cũng như vui và buồn hay lẫn lộn. Đội mưa đi đâu thế, cô bé? Có tiếng lào xào vọng ra tự quán cà phê ở góc đường. Mưa thế không sợ ướt mất trái tim sao. Uyên vẫn cuối đầu bước đi. Quán xá và những ông con trai thật vô tích sự. Uyên nghĩ tới Khôi, cùng lướt nhớ đến Văn và cảnh tượng trưa nay ở cổng trường. Như thế nghĩa là sao nhỉ? Mình đã đùa với trái tim Văn hay mình đã đùa với chính trái tim mình? Dù sao thì mình cũng hiểu rằng để có được một tình bạn thật khó, và để xác định ranh giới của một tình bạn còn khó hơn. Những chuyện yêu đương trong sân trường có lẽ là thường tình, bao giờ cũng vậy. Chỉ để thơm tho sách vở, như một người viết văn nào đã nói, tình yêu ở tuổi học trò có phải như một vết mực lở. Rồi sẽ nhòa, sẽ qua đi khi những cuốn vở khép lại?
Uyên nghĩ lan man cho đến khi trở về đến cổng nhà, thì trời đã tối và cơn mưa đã dứt hạt tự lúc nào. Em còn phần chị mấy hũ da-Ua ở trong tủ ấy. Chuyên nói và nhìn chị đăm đăm. Uyên không nói gì, giũ áo và giũ tóc đẫm nước. Cái bà này dạo này hay dở chứng, lúc nào cũng như có ai hớp mất hồn. Mặc Chuyên lẩm bẩm, Uyên đi thẳng về phòng mình và rúc trong chăn với nỗi buồn dâng lên vô cớ.