Tôi về bến sông Trinh Nữ, trăng giữa tháng đã nhô lên khỏi đèo Eo Bát. Sương sớm tràn ra đồi Dâu, ùa vào trại Chuối như khói bay là là mặt đất và lập lềnh ngang gối chân. Chỉ một lúc nữa, đồng Cỏ và cả dãy Tam Điệp kia cũng nhập nhòa sương trắng. ở vùng bán sơn địa quê tôi cứ chập tối và mờ sáng thường hay có sương giăng; mùa đông hầu như tối nào cũng mù. Còn những đêm trăng lạnh, mờ đục, nền trời bàng bạc là sương giăng trắng suốt đêm.
Chú Rạng đã biên thư bảo tôi về ngay. Về ngay! Không hiểu điều gì đã xảy ra với u tôi, với anh rể tôi và hai đứa cháu gái?
Tiếng sóng vỗ lóc bóc và cá toài óc ách. Đã cuối thu, nước trong đồng cạn dần, cá chuối, cá rô theo nhau tìm đường ra sông. Tôi cúi nhìn cống Vòm, không thấy bờ khăm chỉ có ánh đèn loang loáng. Tiếng khỏa nước và lội uồm uồm. Tôi nhận ra một người đàn ông như đang bơi trong sương mù từ dưới cống Vòm lên bờ. Hóa ra là anh rể.
- Anh Na... am!
- Ơ kìa! Dì Vân. Sao về muộn thế?
- Tàu về chậm. Tắt mặt trời em mới xuống ga Gành.
Anh Nam xách giỏ cá nặng, đèn ló gắn trên đầu lấp lóa chiếu sáng một vệt sương bay như khói trắng.
- Diêm trong lều ấy. Dì Vân đốt lửa hộ tôi.
Hai hàm răng anh Nam va vào nhau lập cập. Tôi chui vào lều coi cá khăm, lều trống trơn nhưng còn ấm hơi người. Anh cũng chui vào, xuýt xoa luôn miệng. Tôi nhoáng nhoàng nhóm lửa. Lửa bừng sáng, nhìn rõ đôi vai vâm váp và ngực trần vạm vỡ của anh loang loáng nước. Tôi lấy áo để ở góc lều choàng lên hai vai anh. Tôi cảm nhận được mùi mồ hôi đàn ông và mùi bùn non ngai ngái anh mang theo từ cống Vòm lên. Tôi than thở:
- Khổ thân anh! Sao không bơi thuyền vỏ trấu, anh Nam?
- Anh cho... mượn rồi?
Lửa reo lách tách, nhìn rõ mấy túi phân hóa học bón hoa ở bên, tôi hỏi:
- Nhà mình có trồng hoa đâu, anh Nam?
- ừ. à... Anh mua giúp... người ta ấy mà.
Nói chuyện, anh Nam toàn lỡ lời, lúng túng, ậm à ậm ừ như cố giấu điều gì. Tôi lấy nốt quần dài đưa cho anh, nhưng lại đụng phải túi ni lông đựng cái nịt vú và quần lót phụ nữ. Mắt tôi bung hoa cà hoa cải cùng sự nghi ngờ căng cứng đầy suy diễn... Đưa quần dài cho anh Nam, tôi bước phắt ra ngoài.
Bầu trời sáng bàng bạc. Sông Trinh Nữ uốn lượn ngoằn ngoèo như dải lụa ngà rơi xuống biển sương mù. Con sông quen thuộc quá, tôi chưa đến đầu nguồn. Chỉ nghe người ta nói ngược lên vẫn thấy sông Trinh Nữ len lỏi qua thung, qua eo, qua đồi núi của dãy Tam Điệp.
Một người đàn bà chèo cái thuyền hình vỏ trấu trên sông. Chị ta đang xõa tóc bồng bềnh, đang ngụp lặn trong màu trắng đục kỳ ảo vô bờ bến của sương đêm. Bất chợt, từ dưới sông tiếng hát vọng lên, nghe buồn da diết:
Đàn bầu ai gảy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu...
Rồi lại:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào vại nước hạt ra ngoài đồng...
Giọng hát lúc dìu dặt, lúc sâu lắng làm tôi nhớ đến chị Ngàn chèo đò ngang ở bến sông Trinh Nữ năm xưa. Chị Ngàn ở bên kia sông. Giọng trong trẻo lắm, chị vừa vung chèo quẫy nước, vừa hát. Lũ trẻ ranh cùng tuổi tôi ngồi trên mình trâu ở triền sông cũng dỏng tai lắng nghe.
Chị Ngàn đã làm bao chàng trai khổ sở, ngẩn ngơ. Họ tơ tưởng cô gái chèo đò đến mức chẳng có việc gì cũng kiếm cớ xuống thuyền sang sông. Chẳng qua là để ngắm cái bắp chân tròn thon, cái cổ cao ba ngấn trắng ngần ngó sen, cái mặt trắng hồng, cái eo hông thắt lại và ngực căng đầy dưới làn áo phin mỏng của chị. Anh Nam cũng từng sang sông, và nhiều lần ngồi trên bờ ngẩn ngơ nhìn con đò nghe chị Ngàn hát. Thế rồi chiến tranh biên giới, anh Nam đi bộ đội biên phòng. Một thời gian sau, chị Ngàn cũng đi bộ đội thông tin. Từ bấy đến giờ chẳng bao giờ tôi được nghe chị Ngàn hát nữa.
Cái thuyền mỏng mảnh hình vỏ trấu áp sát vào bờ sông. Người đàn bà bước lên bờ rất khó nhọc, thập thễnh và chui vào lều kéo vó. Anh Nam bồn chồn đứng nhìn. Có cảm giác không có tôi là anh chạy ngay xuống đó. Tôi lại nghĩ đến cái nịt vú và gói quần áo phụ nữ trong lều coi cá khăm, rồi tưởng tượng đủ chuyện.
- Anh Nam có việc... thì mình em về trước cũng được.
- Ai lại thế. Anh đưa dì về.
Nhà tôi ở đầu làng, từ cống Vòm về chỉ một đoạn ngắn. Tôi bước đi bên anh Nam xuống dốc đê và ngổn ngang bao điều trong lòng chưa cắt nghĩa được. Đến chỗ lội, anh xắn cao quần bước xuống rồi quay lại ngập ngừng giơ tay ra:
- Dì Vân để anh...
Bước ào xuống nước, tôi lội uồm uồm qua trước mặt anh Nam. Lên bờ, mới biết mình không xắn quần bị ướt quá đầu gối. Chân tôi vấp phải cái cầu tạm ghép mấy cây luồng bị quăng trên bờ, đau điếng.
- Trẻ trâu nghịch quá. Để anh bắc lại cầu... Dì Vân xách cá về trước, giúp anh.
- Muộn rồi, anh Nam còn đi đâu? Hay là...
- Trúm lươn. Còn mấy ống, anh... anh... chưa đặt xong.
Anh Nam do dự rồi chụp đèn ló lên đầu tôi. Hóa ra anh không về. Anh chỉ đưa tôi qua chỗ lội. Tôi đón giỏ cá vội như giật lấy, bước luôn. Từ lúc đó về đến nhà, lầm lũi bước. Tôi lại nghĩ đến người đàn bà bơi thuyền vỏ trấu, và tưởng tượng...
Trăng tràn vào sân quyện với sương giăng. Tôi bần thần đứng ở ngoài thềm hè.
- U ơi!
Vắng ngắt.
- Sa, Sim ơi! Hai cháu đâu?
Nhà tối om. Tiếng chuột kêu rích rích. Tôi quét đèn ló loang loáng. Trời ơi! Hai đứa cháu tôi nằm ngặt nghẽo, quay ngược nhau. Đầu tóc không cặp, xõa sượi phủ lên mặt, lên cái cổ gầy nhẳng. Chăn chiên bị đạp tung ra, mặc phong phanh áo mỏng. Tôi xoay đứa nọ cùng chiều đứa kia,kéo chăn rồi nằm xuống quàng tay ôm cháu. Nhắm mắt, tôi vùi mặt vào hơi thở nóng hổi, vào mái tóc non cháy nắng khen khét của con Sim, mặc cho lòng rưng rưng. Tôi giận anh Nam quá. Người đàn bà bơi thuyền vỏ trấu, rồi thập thễnh bước lại hiện ra...
U tôi đi đám ăn hỏi về. Tôi chưa kịp chào, u đã mau mắn hỏi:
- Sao tự nhiên mày về, Vân?
- Thì chú Rạng... biên thư bảo...
- Thôi, thôi... U hiểu rồi. Cái nhà chú này nôn nóng quá. Cũng tại người ta ồn. Đêm hôm thằng anh rể mày hay ra lều kéo vó gặp con Ngàn. Có dễ hai đứa phải lòng nhau. Họ lại ồn: hóa ra nuôi ong tay áo, thằng rể mưu mô chiếm cái nhà, dứt khoát chúng nó cưới, rồi đưa nhau về đây ở. Chú Rạng bàn: “Hay là con chị nó đi, con dì nó thế...” U chả biết tính sao. Người ta như đũa có đôi, con rể nhà mình sống cảnh gà trống nuôi con. Tội lắm! Còn mày nữa, nhiều lúc nghĩ u lại lo lo. Cứ đứng núi này trông núi nọ. Quá lứa nhỡ thì, khổ lắm con ạ...
- Thôi, con xin u đừng nói nữa.
Cảnh nhà bẽ bàng quá. Chị Vấn tôi mất đã mấy năm, anh Nam có quyền lấy vợ. Nhưng lấy xong, anh chị ở đâu? Về nhà tôi ở? Hay ở bên nhà người ta? Còn u tôi nữa? Vô vàn câu hỏi lộn xộn trong đầu. Lại nghĩ đến hai đứa cháu mồ côi và tôi nghĩ đến tôi...
Lát sau, tôi bảo:
- Đi đâu u cũng liệu sớm sớm mà về lo cơm nước cho cháu.
- Mày đừng trách u. Tầm này mọi hôm anh Nam mày đã ở nhà lâu rồi.
- Bây giờ người ta đã có người khác thay chị Vấn. Người ta không để ý đến con cái, đến mẹ vợ cũ nữa đâu.
- Đừng nói thế phải tội cho anh. Mày đi xa không biết, nó là đứa sống biết điều. Mấy năm nay mẹ vợ con rể, bà cháu sống nuôi nhau chả điều tiếng gì. Với lại anh rể mày mới được bầu làm xã đội trưởng, công việc bận lắm.
- Bận... bận cái gì? U ra lều kéo vó, lều coi cá khăm mà xem người ta đang hú hí với nhau kia kìa.
- Ruột gan u nẫu cả lên.
Tủi thân, không nói được, vui buồn, hờn giận, trách cứ lẫn lộn trong lòng. Tôi nhớ dạo anh Nam phục viên về được mấy ngày là đến tán chị Vấn. Chẳng biết duyên số thế nào hai người yêu nhau, hạnh phúc lắm. Dạo đó, tôi hơi lơn lớn và nghịch ngợm như quỷ sứ. Tôi chui vào bụi chuối hồi nhà nghe anh chị thẽ thọt tâm tình, tôi kéo gãy tàu lá chuối và ù òa rõ to làm chị Vấn sợ rúm ôm chặt lấy anh Nam. Hôm sau, chị Vấn mắng. Tôi bảo: “Có mà phải ơn em. Được ôm chầm vào trai, sướng bỏ bà còn làm bộ”. Đúng ba tháng thì cưới. Sau này, chị Vấn bảo: “Mày còn bé chưa biết chứ ngày trước lão ta có để ý đến chị đâu. Biên giới im tiếng súng mấy năm, không thấy cái Ngàn về, chẳng chờ được, lão mới đến tán chị”. Rồi chị Vấn nguýt yêu: “Cái ngữ
mày, kông khéo về sau ế chồng cho mà xem”...
Tôi không tin mình ế chồng. Nhiều người con trai đi ngang qua đời tôi mà chẳng ai quyến rũ được tôi. Kẻ hời hợt, nông cạn; người sâu sắc nhưng kỹ tính quá, chẳng ai làm trái tim tôi rung động. Tôi vẫn chờ, vẫn tìm người yêu thương trong cõi đời mênh mông này.
Tôi đánh thức hai đứa cháu dậy. Mẹ con, bà cháu ăn cơm xong một lúc anh Nam vẫn chưa về. U tôi đi làm cá. Cái Sa ngồi vào bàn học, cái Sim quấn lấy tôi, sà vào lòng ngồi. Cái Sim quấn quấn đuôi tóc tôi, nói:
- Dì về nhà ở hẳn nhá, dì Vân.
- Dì còn bận chưa về luôn được. Sim ở nhà có ngoan không?
- ứ ngoan. Lúc nào cô Ngàn đến cho kẹo, cháu mới ngoan. Cô Ngàn thương Sim lắm, dì Vân à.
Như cật nứa cứa vào lòng. Vậy là cái điều chú Rạng viết thư là thật. Người ta sẽ lấy mất anh Nam, lấy mất luôn hai đứa cháu tôi. Và anh Nam sẽ như người dưng nước lã ư? Tôi thả cái Sim xuống cho nó chơi rồi đến chỗ u đang đánh vảy cá. Tôi giận dỗi nói:
- U để hết nhà cửa, ruộng vườn cho anh Nam. Để anh ấy được tự do yêu thương, tự do lấy vợ, không phải chui lủi dấm dúi nữa. Con sẽ đưa u lên thành phố, mẹ con sớm tối có nhau.
- Mày có lớn mà chẳng có khôn. Gần ba mươi tuổi, chứ ít đâu. Có phúc đã con bế con bồng. Mày thích ở thành phố cứ ở. Còn u sinh ra ở làng, làm dâu ở làng, u sống chết cũng ở cái làng này thôi.
Khuya.
Anh Nam về. Anh nói với u là anh ăn cơm rồi. U phàn nàn:
- Em nó về. Sao anh không về sớm sủa, cả nhà ăn cơm đông đủ một bữa.
Anh Nam ậm à ậm ừ:
- Con... con có lỗ... ỗi.
Tôi bực mình lắm, chỉ muốn nói: “U không phải bận tâm nữa. Người ta đã có nơi có chốn nấu cho ăn rồi”. Nhưng cổ tôi nghẹn tắc không sao cất nên lời.
Khuya lắm rồi. Ngọn đèn dầu lù mù không xua nổi sương bay là là ở thềm hè. U nói chuyện rì rầm với anh Nam. Tôi nằm cho cái Sim gối đầu tay, nghe tiếng được tiếng mất. Anh Nam thỉnh thoảng thở dài. Mỗi lần anh thở dài, tôi lại ôm chặt cái Sim vào lòng. Khổ thân hai cháu gái bé bỏng. Nay mai có người đàn bà lạ trong nhà, cháu tôi sẽ sống ra sao?
Anh Nam không ngủ, vác rìu bổ gốc tre khô. Choạc... Choạc... Tiếng rìu bổ vào đêm vắng rõ mồn một. Choạc... Choạc...
Tôi vùng dậy, lấy áo ngoài choàng lên bộ đồ ngủ mỏng cho bớt lạnh. Trăng chênh chếch mái ngói phía tây. Hơi nước từ sông Trinh Nữ theo gió ào đến. Tôi khẽ rùng mình. Trời ơi! Đồng Cỏ, đồi Dâu, trại Chuối một màu trắng đêm và dãy Tam Điệp mờ xa cũng chìm trong đêm trắng.
- Đừng hành hạ mình thế nữa. Anh Nam!
Vẫn choạc... choạc... Tôi nhào đến giữ tay anh. Anh thở hổn hển:
- Dì Vân! Mặc kệ... anh.
- Nghe em đi. Sương xuống ướt tóc anh rồi này.
Giọng tôi nhỏ, chùng hẳn làm anh mềm lòng:
- Anh khổ tâm lắm! Dì Vân à.
Lại làn gió lạnh thổi ào tới. Chiếc áo choàng trên vai tôi tuột xuống đất. Anh Nam bỏ rìu, cúi nhặt, lúng túng không biết đưa hay khoác cho tôi. Tôi ngồi bệt xuống đống gốc tre khô chưa bổ. Choàng áo lên vai tôi, anh ngồi xuống theo.
Vẫn đêm trắng. Anh không nói gì. Tôi cũng lặng im.
Lúc sau, tôi bảo:
- Anh Nam nói gì đi.
Anh tần ngần, lưỡng lự:
- Dì Vân... nói gì đi.
Đến lúc này thì tôi đứng phắt dậy. Tôi bước đi ra cổng. Anh Nam cũng đứng dậy và đến gốc cây bưởi lấy giỏ đựng cá. Anh lặng lẽ đi sau tôi. Chả lẽ anh đi bắt cá khăm buổi sáng sớm? Vô duyên! Tôi thầm nghĩ như thế.
Trăng bạc dần. Tôi đi lang thang ở đầu làng, tôi nhón nhén bước trên cầu tạm bắc qua chỗ lội và bước lên dốc đê.
Chọp! Tiếng gọng vó chạm nước. Bốn gọng vó khẳng khiu, gầy guộc dầm mình trong nước sông Trinh Nữ rồi lại cất lên in hình vào đêm trắng. Cần mẫn, lặng lẽ trong đêm, chẳng biết cái vó ấy được cất lên thả xuống bao nhiêu lần? Người đàn bà ấy ngồi trong lều kéo vó đã bao đêm?
Trời bàng bạc sáng. Người làng đi chợ sớm lao xao gồng gánh. Những người buôn rau, cá, buôn hoa lên thị xã đã chờ sẵn ở bến sông để cất hàng. Mấy cái xe trâu không tháo ách nối nhau đứng trên mặt đê.
Một cái thuyền vỏ trấu chở hoa tươi và rổ cá từ từ cập bờ. Mấy bà buôn chuyến lau chau chạy đến. Người đàn bà bước lên bờ khó nhọc quá, mấy bà buôn giơ tay kéo chị ta lên. Tôi chợt nhận ra chị Ngàn. Rõ là chị Ngàn chèo đò ở bến sông ngày trước. Không thể nhầm, tôi nhìn kỹ lắm. Ngần ấy năm rồi, tôi vẫn nhận ra. Chỉ tội một chân chị bị cụt đến đầu gối...
Khổ thân chị! Lại còn đến nông nỗi ấy nữa. Mọi suy nghĩ, toan tính của tôi đều vô nghĩa hết. Vô nghĩa trước chị Ngàn cụt một chân trồng hoa, kéo vó đêm và rạng sáng chèo thuyền vỏ trấu chở hoa tươi, chở cá... Tôi quay bước, chạy về làng, Tôi khóc. Mặc gió ù ù bên tai, mặc sương đọng ngọn cỏ làm ướt ống quần.
Thay quần áo ngủ, tôi tống tất cả vào ba lô bụi. U dậy, bảo:
- Mặt trời lên, sương tan hãy đi con à.
Anh Nam lao vào nhà, cái giỏ vẫn trống không. Anh giữ ba lô bụi của tôi lại:
- Đừng vội đi, dì Vân.
- Thôi để em đi. Em ở lại là không bao giờ đi được nữa. Người ta cần anh.
U sụt sịt:
- Khổ thân các con tôi.
- Bị thương. Mặc cảm. Cô ấy ở lại trại an dưỡng không muốn về làng ngay. Khi Nhà nước chủ trương cho thương binh về sống tại gia đình, động viên mãi cô ấy mới về nhà. Vừa trồng hoa, vừa kéo vó bè làm niềm vui. Nghĩ cũng tội. Dì Vân à.
Anh Nam nói nhanh như sợ tôi cắt ngang. Tôi buông một tiếng thở dài, bảo:
- Thôi, anh chị gắng sống với nhau cho vuông tròn. U cần anh, u không thể xa các cháu đâu. Về đây mà ở để bà cháu sum vầy, anh Nam ạ. U đồng ý là chú Rạng cũng theo thôi - Tôi quay sang u đang nước mắt ngắn nước mắt dài - U nhỉ?
U tôi gật đầu. Tôi đến thơm vào má con Sa, con Sim còn đang ngủ, và khoác ba lô bụi lên vai. Chào u, chào anh Nam, rồi tôi đi. Tôi không dám quay mặt nhìn u, nhìn anh Nam. Tôi mà quay mặt lại là tôi ở nhà mãi mãi. Tôi hình dung sau lưng mình, anh Nam đứng lặng nhìn theo, bên cạnh là u tôi nước mắt lưng tròng.
Đêm trắng đã qua. Đằng đông, trời rạng hẳn. Đằng tây, chỉ còn một vầng trăng mờ, mỏng mảnh neo trên bầu trời./.
 
(Tạp chí Nhà văn)
 

Xem Tiếp: ----