Tôi nói với Hải, người tài xế đang chở tôi băng qua khu rừng ngập tràn cây cỏ. Con đường sau một mùa mưa bão đã trở nên khó đi với không biết cơ man nào là ổ gà, ổ voi.
- Anh Hải, liệu có bác sĩ Bình tại trạm y tế xã không?
Hải không nhìn tôi, gương mặt vẫn nhìn thẳng về phía trước con đường, như anh sợ chỉ cần một cái chớp mắt là anh có thể lái chiếc xe lạc hướng.
- Chắc chắn mà, lúc nào bác sĩ Bình cũng đi cơ sở. Chẳng bù lại với các bác sĩ khác, chiều thứ bảy chưa hết giờ làm việc đã vội vàng phóng xe về thành phố. Tôi chẳng hiểu tại sao cô lại có thể 'trèo đèo lội suốí để đi tìm bác sĩ Bình thế? Mọi người gọi đó là "Bình hâm"!
- Tại sao gọi là Bình hâm?
- Đơn giản thôi, bởi bác sĩ Bình ra trường đậu cao mà lại chẳng chọn bệnh viện thành phố mà làm, cứ chăm chăm vào Trung tâm y tế huyện, ở nơi toàn là người dân tộc...
Tôi không hỏi thêm gì Hải nữa, nhưng tôi biết là Bình đã tạo nên một huyền thoại giữa cuộc sống đang dày đặc những ham muốn danh lợi này. Cuộc sống đã chứng minh rằng một cộng với một chưa chắc bằng hai và mỗi người đều biết rõ ràng là tại sao mình chọn con đường này mà lại không chọn con đường khác? Còn nếu cứ hình dung ra con đường băng qua rừng và chật hẹp, nhấp nhô biết bao nhiêu ổ gà, cả tiếng muỗi mòng bay vo ve này thì đủ biết cuộc sống của một bác sĩ như Bình chẳng phải là một cuộc sống lý tưởng với chiếc áo khoác trắng sang trọng, cặp kính cận trễ xuống mắt với bộ Ống nghe đẹp đẽ trong căn phòng khám bệnh có trang bị máy lạnh. Đã bao nhiêu lần tôi khuyên ngăn Bình hãy trở về, nếu không thích thì hãy mở một phòng mạch tư, bên cạnh đó với tấm bằng dược sĩ của tôi chỉ việc mở thêm phòng bán thuốc. Chồng khám bệnh, vợ bán thuốc giống như bác sĩ H đang được những người bệnh của thành phố này tin tưởng, mỗi buổi sáng mọi người phải tới phòng khám trước nhà ông ghi tên, đợi tới phiên mình.
Ba năm trời dài dằng dặc Bình vẫn không chịu về thành phố, bởi thời hạn lên miền núi của một bác sĩ như anh cũng đã là quá đủ. Những lần anh phóng chiếc xe dính đầy bụi đỏ về tìm tôi vào chiều thứ bảy, tôi thấy anh ốm hơn một chút, anh đen hơn một chút. Có khi làm việc quá sức, chẳng có thì giờ rảnh anh lại "trình diện" trước mặt tôi một đầu tóc quá lứa, một chiếc cằm lởm chởm râu chưa kịp cạo. Gặp nhau, anh lại kéo tôi ra quán bún bò. Đó là quán bún bò vỉa hè với khoanh giò heo mầm ngon mà anh vẫn thích. Bình bỏ ớt thật nhiều vào tô, anh vẫn giảng giải về chuyện ăn uống của mình: "Ăn miếng ớt cay xè, mới tận hưởng vị ngon của tô bún bò". Tôi thì chịu cách ăn như thế, nhưng rồi tôi cũng cắn miếng ớt tê môi bởi đơn giản là mai sau, khi hai đứa về ở chung trong một mái nhà, tôi phải nấu cho anh những món ăn có nhiều ớt cay.
Cuối cùng thì chiếc xe cũng đi đến đích của nó, hay nói đúng hơn là đã đưa tôi tới đích mà tôi mong muốn. Trạm y tế xã chỉ là một ngôi nhà cấp 4 nhưng cũng đã xuống cấp. Từng mảng tường vôi vỡ ra vì lâu ngày bị mưa ngấm, còn cánh cửa sổ lại lắc la lắc lẻo dính vào vách, chỉ muốn rơi ra. Bệnh nhân của Bình cứ ngồi sắp lớp trước sân trạm xá, có người bồng cả con theo. Bình chẳng nhìn thấy tôi, ánh nắng hắt vào gương mặt anh đã bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Anh đang khám bệnh cho một cậu bé người dân tộc.
Bình nhìn thấy tôi, anh đưa tay ra chào tôi như chào một người lính: "Em tìm bóng mát ngồi đợi anh một tí!". Một cô y tá trong đoàn kiếm cho tôi chiếc ghế, tôi kê chiếc ghế dưới bóng mát của một cây điều, nhìn anh làm việc. Dễ chừng tôi và Bình đã có trọn đủ mười năm quen nhau và yêu nhau. Thời gian đôi khi làm tan vỡ đi những mối tình, bởi thói quen sẽ làm xơ cứng đi những rung động. Nhưng với Bình, tôi cảm thấy dường như trong con người anh toát ra tính quả quyết của một người đàn ông. Nhưng nghĩ lui nghĩ tới thì có người phụ nữ nào lại không thích có bên cạnh mình một người đàn ông biết quyết định dùm mình những vấn đề mà mình còn đang lưỡng lự. Hôm anh ra trường, thay vì sa vào buổi tiệc nhậu với bạn bè cho đến khuya tại một nhà hàng 3, 4 sao gì đó có khung cửa kính nhìn xuống bến Bạch Đằng nhấp nháy ánh đèn, anh dặn tôi trước: "Ăn mặc đẹp vào, đúng 6 giờ anh tới đón". Sáu giờ anh đã dừng xe bóp còi kêu tin tin trước nhà. Rồi hai đứa ra ngay quảng trường nhà thờ Đức Bà ngồi ăn bò bía, uống nước mía. Sau đó thì anh chở tôi vòng đến hồ Con Rùa. Bàn tay chào kiểu lính của anh thật vui: "Giã từ sinh viên. Giã từ sinh viên". Đêm hôm đó, tôi và anh cứ thế mà đi, đôi khi xe lạc vào một con đường không tên nào đó. Hơi ấm trong thân người của anh truyền qua tôi sao mà kỳ diệu. Bình nói trong tiếng xe cộ Ồn ào:
- Anh sẽ làm bác sĩ tình nguyện? Em có sợ không?
Tôi hỏi anh:
- Sợ gì?
- Sợ anh sẽ trở thành người dân tộc. Anh chẳng mở phòng khám bệnh tư nên chẳng xây cho em nhà lầu được.
- Anh là người dân tộc thì em làm cô dân tộc. Còn xây nhà lầu thì em chẳng lau chùi nổi đâu! Em lười lắm.
Thế là Bình tình nguyện thật. Một năm, tôi chịu đựng nổi. Hai năm, tôi chịu đựng nổi. Dường như chiếc điện thoại ở vùng sâu, vùng xa nơi anh ở cũng thường xuyên trục trặc cho nên có khi nhớ anh quá, tôi gọi điện thì chỉ nhận lại những tín hiệu như tiếng gió gào. Có khi ngày chủ nhật tôi ôm gối xem hết chương trình này đến chương trình khác trên tivị Xem xong tôi lại lục lọi kho sách cũ ra mà đọc. Người ta đi chơi với người yêu trong ngày chủ nhật, còn người yêu tôi thì lại bận khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo.
Ở Công ty dược phẩm tôi làm việc, mọi người rất ngạc nhiên khi chẳng thấy ai đưa đón tôi. Tôi đi làm một mình, tôi đi về một mình. Đến độ chị Thư làm chung tổ với tôi phải buột miệng hỏi:
- Đám dược sĩ ở công ty này nhiều đứa được lắm. Em không chấm được đứa nào sao Lệ?
Tôi cười với chị Thư:
- Có ai tán em đâu?
Chị Thư bĩu môi:
- Không dám đâu. Tên Phấn kìa, nhìn tướng cũng được, cha lại đang làm ở cơ quan bộ tại Hà Nội. Làm dâu nhà đó có tương lai lắm đó!
- Em cho hắn ta hai điểm.
Chị Thư gật gù:
- Cũng phải. Hôm nó rủ em đi ăn hải sản, em nói nếu nó tình nguyện lên miền núi thì em đi ăn, nó nói em chạm dây. Còn tên Thích cứ nhìn lén em hoài, dù sao nó cũng chịu khó hơn mấy đứa khác, chỉ tội gia cảnh hơi nghèo, muốn mở tiệm thuốc tư nhân làm ăn mà không mở được.
Con gái chưa chồng thì có biết bao nhiêu người theo đuổi! Đến khi tôi hỏi Bình: "Anh có sợ mất em không?". Mắt Bình nhìn thẳng vào mắt tôi: 'Sợ chứ! Nhưng anh biết em rất yêu anh". Ai nói Bình của tôi không biết galăng?
Rồi Bình đến đón tôi vào một buổi trưa giữa xuân. Sự xuất hiện của anh làm cho cả công ty lao xao vì anh rất nổi danh bởi có một lần anh đã từ chối nhận số thuốc quá hạn bên kho Sở chuyển lên. Anh đã bất kể trời mưa, quay về thành phố với lô thuốc còn nguyên kiện. Rồi chính anh nhận lại lô thuốc mới đem lên lại miền núi. Hôm sau cả công ty to to nhỏ nhỏ tôi tình cờ nghe được: "Té ra bà Lệ có người yêu là Bình hâm".
Tình yêu hoàn toàn không có bản sao, hạnh phúc cũng chẳng có bản sao. Tôi quen hít hà trái ớt cay vì Bình. Tôi vượt rừng tìm đến anh vì tôi yêu anh, thế thôi. Nhà tôi trong năm mới có những giò phong lan rừng đích thân anh đem về. Anh hẹn đám cưới hai đứa sẽ tổ chức bằng... rượu cần và dàn nhạc là cồng chiêng, mã lạ Tôi đợi anh đôi lúc thấm mệt: có khi tôi thì thầm một mình: "Bình ơi, em mỏi lắm rồi!".
Chắc Bình cũng biết ròng rã mười năm yêu nhau tôi sắp quỵ té, nhưng trong thẳm sâu lòng mình anh chẳng hề nói ra được. Bởi chúng tôi có nhau rồi, bên cạnh chúng tôi còn có bao nhiêu người cần anh? Tôi dành anh ra khỏi tay họ liệu tôi có yên lòng? Chính vì vậy mà tôi lên đường, tôi phải tìm tới anh.
Dưới bóng mát của những cây điều, bữa cơm trưa dọn ra. Không xa bên kia là tiếng suối chảy róc rách như là một bản nhạc ru trưa.
Bữa cơm có măng rừng, có cá lóc nướng trui. Bình xẻ cho tôi từng miếng cá. Bữa cơm ngon miệng cũng xong. Bình nói:
- Qua Tết anh sẽ chuyển về bệnh viện thành phố. Nhưng anh muốn mình làm đám cưới tại đây.
Tôi nhìn anh chăm chú. Rồi tôi rút trong túi xách của mình ra tấm giấy chuyển nhiệm sở. Tôi xin lên đây cùng anh.
Mặc kệ mọi người quanh mình. Bình ôm chặt lấy tôi vào lòng. Anh hôn tôi: "Em là người vợ tuyệt vời nhất của anh!". Tôi nhìn thấy một giò phong lan nằm nép mình nơi hiên trạm xá. Có thể đó là giò phong lan anh dự định tặng tôi mùa xuân này.

Hết