Ngọc gửi cho tôi bức điện tín báo tin má chết. Bức điện tín chạy vòng vèo như thế nào mà mãi hai ngày sau mới tới tay tôi. Khi tôi theo chiếc xe đò tốc hành tìm tới thì má chỉ còn là một nhúm tro trong lọ.Tôi cùng Ngọc đến chùa Ngũ Phúc - ngôi chùa nhỏ nằm ở một con đường vắng chuyên nhận cất tro thờ phượng cúng kiễng.Chiếc lọ màu xanh sứ lạnh lùng kê trên kệ chen cùng với nhiều lọ khác, chỉ có tấm ảnh má chụp từ thời xuân sắc là của má, còn không gian ở ngôi chùa như mang một điều gì đó buồn buồn tôi không giải thích nổi. Giống như những người đến thăm thân nhân được gửi cốt ở đây,tôi gửi lại chùa chiếc phong bì mấy trăm ngàn, uống một ly trà nóng do vị sư giữ chùa rót mời, rồi theo Ngọc bước ra đường. Tôi không chút đau lòng, cũng chẳng nhỏ được giọt lệ nào. Tôi hiểu có thể bởi trong cuộc đời lưu lạc của mình, má đã bứt lìa tôi ra khỏi bà từ khi bà sinh ra tôi.Cho đến khi trở thành một con người đã lăn lộn qua bao nhiêu khổ đau của cuộc sống, tôi mới tìm gặp được má. Nhưng khi đó thì đã muộn màng. Thậm chí tôi chẳng hiểu tại sao má lại có thể bỏ tôi ra đi khi tôi còn đang ngơ ngác và bơ vơ trong cuộc sống.
Ngọc là em ruột tôi, nhưng má đã giấu kín điều đó khi bỏ ba tôi đi theo người đàn ông của mình. Thậm chí tôi cũng không tin rằng trên đời này mình lại có một đứa em ruột thịt. Nhưng dù thế nào đi nữa thì tôi cũng có một đứa em gái. Ngọc đã ổn định cuộc sống ở Sài Gòn, hiện em đang làm nghề uốn tóc, mở một tiệm nhỏ ở Hàng Xanh. Quán của em khá đông khách nên cuộc sống chẳng có gì phải lo toan. Chồng em là một anh chàng lanh lợi, giỏi giang, chuyên chạy mối cho các tay kinh doanh đất đai. Hiền, chồng Ngọc, thường xuyên vắng nhà và khi tôi vào Sài Gòn chịu tang má, tôi cũng không gặp được. Nghe nói Hiền đã đi Cần Thơ đề làm ăn. Trước khi tiễn tôi về Nha Trang, Ngọc đưa cho tôi một gói nhỏ. Ngọc nói:
- Em không hiều tạí sao má lại dặn khi nào gặp anh thì đưa anh. Anh chơi tiền cổ à?
Tôi chẳng hiểu Ngọc nói gì:
- Tiền cổ gì đâu?
Nhưng đến khi ra sân ga, mở bọc nhựa đã vàng, nhìn thấy hai tờ giấy bạc xưa được má bọc trong một mảnh giấy báo cũ, tôi mới hiểu tại sao Ngọc lại hỏi tôi điều đó. Đó là hai đồng bạc lộc. Đó cũng là câu chuyện mà tôi tưởng rằng thời gian đã rơi vào quên lãng, má của tôi cũng đã quên. Nhưng cho đến phút cuối đời má vẫn còn nhớ. Má muốn tôi nhận hai tờ bạc đó dù rằng bây giờ chẳng ai biết dùng nó để làm việc gì. Câu chuyện chỉ nhắc về một ngày mưa buồn bã.
o0o
Má bỏ tôi đi khi tôi còn quá nhỏ. Tôi không hiểu được rằng tình yêu với một người đàn ông có thể làm cho người phụ nữ có thể đành đoạn bỏ con mình ở lại. Chẳng bao lâu sau thì ba tôi cũng có một người đàn bà khác. Đó là một cô đào cải lương của một đoàn hát thường đến các làng che bạt biểu diễn. Lúc đó tôi còn nhỏ quá không hiểu rằng tình yêu là một thứ thuốc phiện, chính vì nó mà nhiều khi con người không đủ lý trí làm tan nát câ một gia đinh.
Tình yêu riêng của má tôi và cả ba tôi đã đem lại sự bất hạnh cho tôi. Từ một đứa trẻ có cha mẹ, tôi trở thành vô gia đình, may mà bà tôi lúc đó còn khỏe, đem tôi về ở với bà.
Bà nội tôi là một người đàn bà ít học. Nội chỉ nhìn được mặt chữ để đọc Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm hay Kim Vân Kiều. Dường như với nội, ba cuốn thơ đó là tất cả văn chương của thế gian này gom lại. Những buổi chiều bóng cây tỏa mát trong vườn, nội cứ lắc lư võng, kêu tôi nhố tóc ngứa rồi đọc thơ, những câu thơ nội đọc chữ mất chữ còn ăn sâu vào tiềm thức tôi: " Thôi thôi,ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai ", hoặc " Trăm năm trong cõi người tạ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.Trải qua một cuộc bể dâu những điều trông thấy mà đau đớn lòng ". Tôi lớn lên bằng những đồng bạc nội kiếm được bằng nghề làm cỏ lúa, cỏ khoai, hay hôm nào không có việc thì nội lại dắt tôi đến cánh rừng ngập mặn gần bờ sông bắt con cá con cua về bán kiếm sống qua ngày.
Tôi có một thời thơ ấu trần trụi và buồn bã bên cạnh bà nội tôi. Rồi tôi được bà nội gửi đi học ở nhà một ông giáo làng. Không khí lớp học ngày đó sao mà thiêng liêng với tôi đến thế. Trường của ông giáo là một ngôi nhà tranh vách đất. Lớp học là những tấm gỗ được kê cao, một tấm gỗ khác kê thấp hơn làm ghế cho học trò ngồi. Mỗi ngày thứ bảy thay vì dạy học, ông giáo lại kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện cổ tích. Cách kể chuyện của ông theo kiều truyện Ngàn lẻ một đêm, không bao giờ ông kể hết câu chuyện, luôn để đoạn kết qua tuần sau. Nếu học trò nào bỏ học trong tuần sê không được dự buổi học có kể chuyện cổ tích. Ham chơi nhưng cũng ham nghe chuyện cổ tích, cho nên tôi chẳng bao giờ bỏ học. Giờ đây, vốn chuyện cố tích của tôi có rất nhiều cũng chính nhờ vào thời gian đi học ở trường ông giáo làng.
Ở với nội như thế, nhưng tôi vẫn thường xuyên đến thăm má tôi. Sau khi má tôi và ba tôi chia tay nhau, má lấy một người phụ trách bẻ ghi cho các con tàu về sân gạ Má dọn nhà về ở trong khu nhà tập thể của ga xe lửa. Tôi nhớ con đường vào nhà má là con hẻm rất nhỏ, nhỏ như không có con hẻm nào nhỏ hơn nữa. Căn nhà má ở nằm cuối cùng của con hẻm, bị che khuất bởi những căn nhà to hơn. Tôi chẳng chú ý tới những căn nhà to, tôi chỉ chú ý tới căn nhà nhỏ vì má của tôi đang sống ở đó. Tôi nhớ rõ con đường đến nhà má có cả hàng me cổ thụ, đến mùa rụng lá tôi đi bên dưới, lá me nhỏ vàng cứ rụng bám đầy tóc tôi. Tôi đâu biết làm thơ, nhưng ấn tượng về những chiếc lá me vàng rụng khiến tôi không thể nào quên được.
Tới nhà má vào những ngày chủ nhật là niềm vui của tôi. Thật ra thì tôi cũng không biết đi đâu trong những ngày nghỉ. Tham dự các trò chơi đánh lon, ném bạc cắc hay bịt mắt bắt dê tôi đều không thích. Nghe bà nội đọc mãi mấy vần thơ rồi cũng chán. Tôi thích đi lang thang,tôi muốn tìm hơi ấm nơi má của tôi. Mặc dù không còn nuối tôi nữa, nhưng tôi biết má rất thương con trai của mình. Nhưng cuộc đời má lại hoàn toàn không may mắn vì má chỉ là vợ nhỏ của ông chồng bẻ ghị Ông ta còn một người vợ nữa ở Sài Gòn nên có khi cả tháng mới về Nha Trang thăm má. Đồng lương ít ỏi của ông ta không thể nào cùng chia cho hai phía, nên má phải làm thêm.
Má của tôi học hành ít, lại không có nghề gì, cho nên dùng sức lao động của mình kiếm ăn là chính. Má nấu chè bày bán trước sân ga, khi tôi ghé có hôm bán ế, má múc chè cho tôi ăn, tôi ăn đến bốn chén nhưng đâu biết rằng gánh chè ế nghĩa là vốn liếng của má bị hết. Sau đó má nấu bún bò, gánh đi đạo qua những con hẻm nhỏ mời người ta ăn. Những ngày như thế khi tới nhà, không có má tôi cứ ngồi bên thềm cửa mà ngó sang hàng xóm. Khi đó tôi phát hiện có một ngôi nhà chuyên tổ chức lên đồng.
Thật là lạ khi lần đầu tiên tôi chứng kiến cành người ta trùm khăn đỏ kín mặt một người nào đó. Rồi ê a, tiếng chiêng tiếng mõ và cả tụng kinh. Không khí nơi lên đồng sặc mủi nhang, mùi trầm và mùi mồ hôi người trộn lẫn nhau. Tôi thích nhìn người ta hát, người ta hỏi và người ta múa mà quên hết cả thời gian đợi má. Thường thì khi thăm má trở về, tôi thường được má nhét trong túi áo tôi hai đồng bạc để tôi muốn xài thế nào thì xài. Những đồng bạc má cho, tôi ghé tiệm sách trên đường Độc Lập mua những cuốn truyện thiếu nhi về đọc. Bởi đâu có ai mua truyện cho tôi đọc đâu?
Khi đó tôi nào biết má có một cuộc đời buồn. Tình yêu của má với người đàn ông bẻ ghi xe lửa như thế nào tôi không biết, nhưng đổi lấy sự cô đơn thiếu thốn cả vật chất để có một thứ tình yêu như thế thì tại sao má lại cam tâm, má là một người đàn bà đẹp. Tôi không hiểu từ một miền quê nhỏ ở tận bên bờ sông Hương xứ Huế, má đã làm thế nào để đến đây một mình. Dường như má chẳng có quê hương, vì thế mà cả đời tôi cũng chẳng hề có quê ngoại để trở về. Cho đến khi má nhắm mắt lìa trần gian này vời nhiều nỗi buồn hơn niềm vui, má cũng chẳng kể cho tôi nghe bên cạnh má còn một ai thân thiết nữa không?
o0o
Đó là một buổi chiều mưa buồn thê thiết Khi chuyển qua nghề gánh nước thuê, má phải túc trực thường xuyên bên chiếc máy nước công cộng trong đêm khuya để có nước " đổ" cho những nhà giàu. Có khi vào buổi chiều tìm má, tôi vẫn thấy má ngồi kiên trì đợi đến lượt mình hứng nước. Lúc đó tôi cũng ngồi đợi nước như má. Nhưng buổi chiều mưa buồn đó thì má không đi gánh nước được nữa. Bởi cách đó mấy hôm, má gánh nước đêm mà đèn đường thì không soi vào trong hẻm. Ai đó đã vô tình để chấn trên đường má đi một hòn đá lởn. Má vấp phải hòn đá, té. Má đã bị trặc chân phải, không thể nào đi gánh nước được nữa. Má không gánh nước được thì má lại bắt đầu đi mua gạo, mắm muối thiếu.
Hôm đó ở nhà sách có trưng một cuốn truyện thiếu nhi khá hấp dẫn. Nhìn cuốn sách treo trên sợi dây kẽm trước mắt mình, tôi nhớ tới má. Tôi nghĩ đến hai đồng bạc má cho nếu tôi ghé thăm má. Hai đồng bạc là cuốn truyện hay còn thơm mùi mực in, còn là ly kem ngọt lịm có những hạt đậu phộng rắc lên trên. Thế là tôi đi tới nhà má.
Mưa khiến cho trời đất mù mù. Tôi chen vào trong con hẻm, tới nhà thì thấy đã khóa cửa, chắc má đã ở đâu đó.Có thể má lại qua nhà bà hàng xóm nào đó phụ việc kiếm bữa cơm hay đi giác lể cho người tạ Những công việc linh tinh như thế má gọi là " tài vặt". Tôi ngồi bệt xuống thềm ximăng đợi má về. Cũng lạ, chân của má còn đau mà má lại có thể đi đâu.
Đợi mãi má vẫn chưa về, tôi lần bước chân mình đến căn nhà giữa xóm, nơi vẫn thường xuyên tổ chức những buổi lên đồng. Tôi chen đầu ngó vào trong. Không khí ở nơi này khác hẳn với bên ngoài, giữa một bàn thờ đầy cây trái nghi ngút khói hương là cảnh lên đồng. Tôi nhìn thấy một người đang phủ kín mặt bằng chiếc khăn đỏ, còn đối diện là bà chủ nhà trong vai một thiên sứ đang cầm chiếc roi bằng cây ổi chuốt ra, vừa ê a những tiếng nói như đọc kinh, dùng chiếc roi quất liên hồi lên thân hình người nhập đồng. Bà chủ cứ ê a những lời nối thành nhạc: " Quỉ a, quỉ này. Mày đi khôn chốn này, mày không được ở chốn nao. Tao đánh mày bằng roi thần, roi phép cho mày khỏi nhập hồn Nguyễn Thị Lan.Quỉ... quỉ a á a... ". Tiếng rít của bà ta trong kẽ răng, tiếng gõ chiêng át cả trong không gian mù mịt khói nhang càng khiến tôi có cảm giác gì đó ghê sợ. Hình ảnh người đội khăn giả quỉ lăn lộn trên nền đất với những làn roi quất khiến mọi người khoái chí reo hò. Rồi giữa lúc bất ngờ nhất, chiếc khăn đội đầu rớt ra.Tôi không thề tin vào mắt mình bởi con quỉ kia không ai khác hơn là má của tôi.
Má không biết rằng tôi đã nhìn thấy má phải đóng vai quỉ trong buổi lên đồng để lấy những đống bạc công mà má gọi là " bạc lộc". Tôi đã bỏ về nhà má trước khi má về. Má mở cửa cho tôi vào. Vẫn là cái xoa đầu âu yếm: " Con đợi má lâu lắm phải không? Ở lại ăn cơm với má ". Tôi lắc đầu. Tôi nhìn má và phát hiện trên cánh tay má có vết hằn của lằn roi ổi đánh vào. Tôi bỗng cảm thấy như mình cũng đang bị chiếc roi kia đánh lên người. Tôi lắc đầu: " Con về đây. Con không ăn cơm đâu". Rồi má rút trong túi mình ra hai đồng bạc giấy, đưa cho tôi: " Má cho con". Tôi cầm hai tờ giấy bạc để trên bàn, nói: " Con không lấy đâu. Con không thích má làm quỉ ". Nói xong, tôi vùng ù chạy ra khỏi nhà má.
o0o
Thời gian trôi qua đã lâu lắm rồi. Tôi giờ đây cũng không còn trẻ nhỏ. Từ ngày đó má đã theo chồng của má vào Sài Gòn sinh sống. Tôi lạc mất má và đường như tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi tìm má. Nhưng tôi nào ngờ rằng chính ngày tôi trả lại hai đồng bạc lộc mà muốn kiếm được má phải đóng vai quỉ cho người ta đánh vào, chính tôi chứ không ai khác đã làm cho má đau đớn. Khi đó hai đồng bạc rất lớn với má, nhưng má vẫn giữ để có ngày má đưa lại cho tôi.

Hết


Xem Tiếp: ----