Ni sư Ani Karin nguyên là Mục sư Methodist quản hạt một giáo xứ lớn. Dù bây giờ bà đã trở thành ni sư Phật giáo và đang trông coi một trung tâm thiền ở ngoại ô thành phố New York.; bà vẫn thường được Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế mời tham gia những chuyến ủy lạo các trung tâm cải tạo thiếu nhi phạm pháp hoặc các nhà lao. Lần nầy trung tâm của bà được mời tham gia công tác ủy lạo một trại tù của Cook County, nằm trong thành phố Chicago. Sư cô Tịnh Hải tục danh là Trần Thị Kim Loan tình nguyện tháp tùng phái đoàn để thực hiện công tác từ thiện nầy như  lời phát nguyện của cô trước khi xuống tóc quy y Phật “Ngày nào còn sống, con nguyện làm tất cả việc lành để xoa dịu phần nào khổ đau của con người” 
Trại giam Cook County phần đông là da đen và da trắng. Giữa đám đen trắng ấy một gã da vàng đang ngồi khoanh tay trên đầu gối với gương mặt hốc hác, thiểu não.  Hắn ngạc nhiên khi thấy đoàn người đến ủy lạo toàn là nữ tu người Mỹ, mặc đồ thầy chùa và cạo đầu,  trong số ấy lại có cả một nữ tu người Á Đông. Theo lời gọi của an ninh trại giam, phạm nhân da vàng đứng dậy bước đến song sắt đỡ lấy gói quà từ tay một ni cô Á Đông và nói lời cám ơn. 
Khi ni cô Tịnh Hải rời phòng giam bước đi chừng vài bước, thì gã tội phạm da vàng kia cất tiếng gọi cô “Cô Loan”.  Thực ra, khi trao gói quà, sư cô Tịnh Hải đã cảm thấy như gặp người nầy ở đâu rồi. Sau tiếng gọi, người nữ tu bỗng nhớ ra đó là tiếng của Phan, một người có liên hệ với hai chị em cô trong quá khứ. 
Lúc bấy giờ là đầu thập niên 80, người Việt vượt biển đa số là đàn ông, con trai.  Sự chênh lệch trai thừa gái thiếu quá rõ. Vì thế nhiều cô gái dù không lấy chi sắc nước hương trời cũng có quyền chọn người chồng danh vọng cho đỡ tấm thân.  Với mức khan hiếm trầm trọng như thế, các bà, các cô đã tự nâng quyền lựa chọn ấy lên thành cái mốt thời thượng. Có rất nhiều bà không giữ được tiết hạnh với người chồng đang ngồi trong lao tù ở quê hương, chỉ vì sự săn đón quá nồng nàn của các đấng độc thân ở đây. Và dĩ nhiên, muốn cho giá trị càng tăng, bề ngoài cũng cần phải đánh bóng. Và hai người con bà Tám không thoát ra khỏi quỹ đạo ấy.
Mới bước chân lên phần đất tự do là Loan và Phượng đã lột xác bằng những cái váy đắt tiền hoặc bằng những cái áo để trống phần vai, cổ và ngắn trên gối cả gang tay trong mùa hè cho nó mát.  Ra khỏi nhà là họ cứ son phấn, lụa là.  Cái tên Trần Thị Mắm, Trần Thị Muối đã lặng lẽ chết ngay trên trại tạm cư Palawan, thay vào đó bằng Trần Thị Kim Loan, Trần Thị Kim Phượng rất chi đẹp đẽ, xuôi vần nghe như cha mẹ đặt lúc mới lọt lòng. Tuổi tác cũng tự trụt vài ba năm cho trẻ trung vì chẳng có ma nào dí súng bảo khai cho thật.  Sinh ra trên quê hương khói lửa, lính Mỹ còn chết gần sáu chục ngàn thì cái lý do “sổ hộ tịch bị thiêu hủy bởi biến cố chiến tranh” là điều người ngoại quốc có thể chấp nhận được. Bà Tám tuổi đã ngoài năm mươi, dù không ăn trầu nhưng cũng chả tân thời gì.  Bà lại chẳng khó tánh lắm về việc chưng diện cùng việc thay tên, đổi tuổi của các cô con gái bà cho đúng mốt của thế giới văn minh.
Lúc đó hễ nhà ai có con gái coi được - mà cũng chẳng cần coi được - là đàn ông con trai thường tìm cách lân la.  Họ tình nguyện đưa đi chợ; đi mua sắm; đi nhà thờ; đi chùa, chùa lúc ấy là những Niệm Phật Đường nho nhỏ tại gia.  Sinh nhật có khi tổ chức đôi ba lần một năm vẫn có người khuân quà đến dự. Chẳng phải người ta ngây ngô không biết, nhưng cứ được nữ giới mời là khỏe lắm rồi.  Ngồi trong lớp Anh văn “vỡ lòng” chỉ có vài cô gái, nên chi bá tánh bu quanh các cô để trao đổi ngoại ngữ, đứng quanh nhìn vào mấy cái áo rộng cổ cho đỡ nhớ nhà.  Có người sáng láng và bảnh bao, chưa hề có bồ. Có người độc thân tại chỗ tuổi hơn Loan, Phượng chừng vài con giáp cũng chẳng sao. Cảnh vui như họp chợ đó chẳng kéo dài được lâu vì người ta thấy nhà bà Tám lại có cậu thanh niên lạ xuất hiện. Nghe đồn rằng cậu ấy là một kỹsư nên ai cũng nhận ra mình lép vế bèn nhẹ nhàng bỏ số “de”. Khoảng năm tám mươi mà đã đỗ kỹ sư thì le lói lắm. Có thể du học từ trước, nếu không cũng từng có vốn liếng Anh ngữ.
Chuyện người trai lạ có mặt tại nhà bà Tám bắt đầu từ buổi sáng mùa hè đẹp trời, ánh nắng vàng rực cả khu phố. Con đường thương mại chính Argyle cũng trở nên nhộn nhịp vì người Việt ở các thành phố lân cận thường về Chicago để mua thực phẩm. Và hôm nay một sáng cuối tuần,  chị em Loan và Phượng đi mua đồ nấu ăn, dĩ nhiên trước khi ra đường hai cô đã mất cả giờ để trang điểm. Loan nói với em:
- Mầy sao? chớ tao ra đường mà không sửa soạn một tí gương mặt tao tàn nhang thấy rõ lắm.
-Em thì thẹo của mấy cái mụn bọc không chịu phai nên cũng phải đánh cho dày.
Loan năm nay đã 23  tuổi giấy, tuy nhìn không già lắm nhưng cái mơ ước cho tương lai với người chồng danh phận đã làm nàng lúc buồn, lúc vui.  Giá còn ở Việt Nam, giờ nầy Loan đã tay bồng tay bế.  Qua đây ăn trắng mặc trơn, phấn son đầy đủ nên gương mặt Loan trẻ ra. Mái tóc cháy nắng bên trại tỵ nạn nay đã dần đen và được hớt tém theo kiểu tài tử Demi Moore. Phượng thì mặc cái áo thun hồng sát da làm rõ nét thung lũng và núi đồi.  Chiếc quần jean bó sát trên đôi guốc cao gót làm cặp chân nàng rất chi trường túc.  Khi bước đi hai bờ mông nhún nhẩy khiến những người đi sau rất thích nhìn. Tóm lại, Loan đằm thắm làm vợ là hết sẫy, nhưng Phượng là người tình thì tuyệt. Nhan sắc ngang ngửa, kẻ tám lạng, người nửa cân.  Nhìn bề ngoài thì khác, nhưng bên trong hai con người ấy vẫn có chung một tham vọng, khi lấy chồng họ vẫn thích chọn người khoa bảng.
Hai chị em đang đi trên lề. Một chàng trai đi ngược chiều, giang tay ra hỏi thăm đường vì từ tiểu bang khác mới đến. Sau khi theo dõi cách hướng dẫn của Loan, chàng trai lịch sự đưa hai tấm danh thiếp rồi biến vào đám khách đi bộ trên vĩa hè.  Loan, Phượng thoáng ngơ ngác, nhìn tấm danh thiếp, hai người càng khoái chí hơn vì người ấy là một kỹ sư.  Khi về lại nhà, đôi lúc hai chị em Loan lấy tấm card ra xem và có ý định đi gọi điện thoại, nhưng thấy số phone ở tiểu bang khác nên ngại.
Hai tuần sau, chị em Loan và Phượng lại đi chợ, đang tung tăng thì lại đụng đầu vào chàng trai hôm trước. Tự nhiên họ thấy như  “Người đâu gặp gỡ làm chi...” Chàng trai mạnh dạn:
- Tôi ở rất xa, gặp hai cô lần thứ hai tất nhiên chúng ta có duyên với nhau.  Để làm quen, tôi xin mời hai cô vào quán..à quán Nha Trang đây uống với tôi ly sinh tố.
Loan nghĩ bụng “sợ gì, địch một ta hai.” Hơn nữa, đi vào quán ăn một lần cho biết, từ ngày qua Mỹ hai chị em chưa vào hiệu bao giờ. Phượng nhìn chị dò xét rồi cả hai đồng ý.
 
Ngồi vào bàn, chàng trai lạ nói năng lưu loát. Từ việc hãng đổi về đây nhận nhiệm sở, đến những sở thích cá nhân, việc học vấn v.v..Chuyện nào cũng hay, cũng giá trị. Như nhà hùng biện, chàng trai lạ đã gây được cảm tình với Loan và Phượng. Họ nói chuyện với nhau thoải mái hơn  khiến những người trong quán có cảm tưởng như ba người đã quen nhau từ trước.  Trong lần gặp nầy hình như lòng Loan bỗng dưng xao xuyến. 
Loan lôi trong bóp ra tấm thiệp đặt trước mặt và hỏi câu xác định:
- Anh là Kỹ Sư Phan.
Chàng trai cười, không trả lời thẳng:
- Tôi xong phần cao đẳng kỹ thuật ở Phú Thọ trước năm 75. Cùng lúc ấy lấy luôn vài cái chứng chỉ cử nhân Anh văn.
Câu nói ấy hàm chứa rằng, nếu không có vốn liếng về kỹ thuật và giỏi Anh ngữ  thì khó có được mảnh bằng kỹ sư. Nhưng với Loan và Phượng, những thứ ấy khó hiểu, họ chỉ gật đầu khen.
- Anh giỏi quá.
- Có gì đâu các cô, chắc khoảng 4 hay 5 năm nữa tôi sẽ lấy luôn cái tiến sĩ  rồi mới tính việc gì thì tính.
Loan đọc lại tấm danh thiếp, ba chữ lớn không dấu nhưng dễ hiểu “KY SU PHAN, dưới có hàng chữ tiếng Anh “Landscaping Specialist”. Hàng chữ nhỏ là gì? “who care”, tra tự điển sau. Nhìn sơ tấm card, hai chị em Loan biết ngay người đối diện là kỹ sư  tên Phan. 
Phải mất tám tháng kể từ khi Phan đổi về đây làm việc, Phan và Loan tìm hiểu nhau và họ cảm mến nhau. Nhiều lúc Phan ở lại qua đêm nhà bà Tám như một người ở rể. Phan săn sóc Phượng như em. Khi Loan bận việc Phượng vẫn nhờ Phan chở đi đây đi đó.
Sự thân mật giữa Phan với hai cô Loan và Phượng chẳng làm cho bà Tám một chút gì phiền toái, trái lại bà còn hãnh diện nữa là khác. Bà mừng thầm vì biết đâu chuyến nầy con Loan của bà có chồng kỹ sư. Việc Loan đi chơi với Phan có khi về khuya cũng bị bà Tám rầy la lấy lệ mà thôi.  Loan đã thật sự yêu Phan vì ngoài cái bằng cấp của chàng, Phan cũng là một mẫu thanh niên sáng láng, lanh lợi và hiểu đời.
Mối tình giữa Phan và Loan công khai thật sự. Họ nắm tay đi trên phố, hôn nhau rất “Tây”  ở nơi công cộng.  Phượng thì dạo nầy lo học nên thường vào thư viện. Có khi ở nhà Phan đến chơi, Loan tiếp khách, Phượng lặng lẽ chui vào phòng. Có lần Loan theo vào, Phuợng nói với chị:
-Hãy ra ngoài tiếp người yêu đi.
Loan nhủ thầm:
- Con nhỏ lúc nầy kỳ thật.
Thường thì Loan về nhà Phượng lại ra đi, vì thế lắm khi hai chị em ít gặp nhau.  Còn Phan lúc nầy đã mướn một căn phòng gần Bryn Mawr /Kenmore. Mỗi lần Loan muốn đến chơi thì gọi cho Phan tới đón. Nhưng không phải lúc nào chàng cũng rảnh, Phan thường dặn Loan như vậy.  Do đó, thỉnh thoảng người ta thấy Loan lại ôm cái điện thoại công cộng ngay cửa ra vào của quán Burger King gần nhà.
Đôi khi chơi ở nhà Phan, Loan đề cập đến tương lai:
- Bao giờ thì mình làm đám cưới hở anh?
Phan chỉ vào mấy quyển sách trên bàn cười:
- Công danh chưa đến đâu. Sự nghiệp cũng chưa có gì, cưới về lấy gì nuôi vợ.
- Chẳng lẽ mình đi lại với nhau hoài mà không làm đám cưới, đám hỏi gì hết sao?
- Có chứ, anh sẽ làm một đám cưới thật linh đình tại nhà hàng lớn, nhưng lúc nầy anh đang bận lấy bằng cao học. 
Loan âu yếm gục đầu trên vai người yêu hỏi:
- Bằng cao học là gì vậy anh?
Phan bẹo vào má Loan:
-Thì.thì..cao học là người học cao vậy mà.
Một câu nói khôi hài cao độ thế mà Loan vẫn chấp nhận là bởi vì nàng đang yêu. Nhưng dù không yêu thì nghe cũng có lý.  Bên ngoài màn đêm đã xuống, đường Kenmore nằm im lìm, ánh đèn vàng nhạt soi từng vũng, ẩn hiện theo những bóng cây dọc đường. Tuy vậy tiếng ma sát của bánh xe hơi ngoài xa lộ Lakeshore Drive vẫn vọng vào khiến thành phố chưa chịu đi ngủ. Loan liên tưởng đến một chân trời hạnh phúc đang chờ đón nàng.  Sau khi ôm ghì hôn người yêu, nàng từ giã. Cũng như nhiều lần Phan đề nghị ở lại, nhưng Loan từ chối. Sau khi gỡ gạc chút đỉnh, Phan lấy xe đưa Loan về.
Cửa thang máy chung cư mở, Loan thọc tay vào túi quần jean móc ra xâu chìa khóa đi nhẹ về phía cửa phòng, miệng lí nhí một đoạn của bản “em đến thăm anh một chiều mưa”. Đến cửa, nàng định rón rén mở thì đã nghe tiếng bà Tám quát:
- Con gái như mầy đã làm xấu cha xấu mẹ. Cái thứ hư thân mất nết.
Loan giật mình chồn chân tại cửa bởi mặc cảm tội lỗi vì mới ôm người yêu và đã để đôi bàn tay hắn tự do quá trớn. Nhưng không; tiếng khóc của Phượng đã đánh tan sự việc nàng nghi ngờ. Tiếng Phượng khóc thút thít nói:
- Ảnh bảo là ảnh sẽ làm đám cưới nay mai.
Bà Tám nghiến răng:
- Đám cưới, đám hỏi...Mày cũng biết thằng Phan với chị của mày, sao mày còn qua lại với nó.
- Ảnh bảo chị Loan già lắm. Không biết cách nào mà anh Phan biết chị Loan sửa tuổi.
Thực ra chính Phượng mách cho Phan biết chị cô đã sửa lại tuổi khai sinh. Vì cái đà ấy nên lúc nào gặp Phượng, Phan cũng khen nàng trẻ và đẹp hơn chị nàng nhiều, vì thế Phượng nghe sướng lắm. Phan biết được ý Phượng nên phun nhiều câu rất cải lương mà nàng nghe như thật. 
Bên ngoài cửa, Loan nghe như trời đất sụp đổ.  Nàng tựa lưng vào tường để khỏi ngã quỵ.  Tim nàng như kim châm đau nhói, nàng không ngờ Phan đã bắt cá cả hai tay. Trong bỗng chốc, nàng nỗi cơn điên, muốn tông cửa vào đập cho vỡ mặt con đĩ Phượng đã dám giựt người yêu của nàng. Nhưng may thay, trong cơn ghen tức nàng còn đủ tỉnh táo để nhận định tư cách của Phan và sĩ diện của gia đình. Loan mở cửa bước vào, đèn trong nhà còn sáng, bà Tám thấy Loan vọt miệng:
- Mầy đã thương lầm cái thằng Phan, nó đã phỉnh gạt cả em mầy mang bầu rồi đó.
Loan không trả lời,  miệng đắng chát, nàng đã nghe tất cả từ ngoài cửa rồi. Nhìn
Phượng đang gục mặt trên đầu gối. Một lần nữa nàng muốn nhào tới tát cho Phượng cái bạt tai. Nhưng không, nàng đang cắn chặt hai hàm răng lại, rồi chạy ào vào nhà cầu đóng sầm cửa bật tiếng khóc.
Ngoài phòng khách bà Tám tiếp tục đay nghiến Phượng một hồi rồi khệnh khạng đến cửa nhà cầu gõ nhẹ, gọi tên quai nôi.
- Mắm à, mầy ra đây giúp tao giải quyết cho con Muối chớ mầy nằm trong đó làm gì. Lũ bay đã làm điếm nhục cả giòng họ nhà mình rồi các con ơi. 
Loan nói vọng ra:
- Mẹ biểu con Phượng tự nó giải quyết đi. Đồ ngu như bò, đồ đĩ ngựa ráng chịu.
Phượng nghe thế rất tức, ngồi ở phòng khách nói lớn;
- Bà tưởng bà giữ cho không có bầu là có thể xài xể người ta được sao, ăn dầm nằm dề ở nhà người ta mà làm như mình trong trắng.
Loan mở cửa nhào ra phòng khách chỉ vào mặt Phượng.
- Nè con kia, mầy nghe đây.  Tao thề trước bàn thờ ba và trước mặt mẹ mình. Nếu đã có thằng đàn ông nào ăn nằm với tao thì tao sẽ bị hộc máu chết ngay tại chỗ. Mầy muốn tao đi tới miểu, tới đền thần linh nào tao cũng đi.
Tao thương ông Phan thật tình, nhưng ông ấy không dám làm gì tao cả. Mầy có biết đàn ông là gì không? Cho một lóng nó đòi một gang. Chúng là con thú, chưa chiếm thì ve vãn mà chiếm rồi là chúng coi thường. Tao không ngu như mầy đâu. 
Bà Tám nói nhỏ trong tiếng khóc, là bởi vì bà hình dung ngoài cửa đang có ai đó rình nghe chuyện xấu xa của gia đình bà:
- Thôi tao lạy hai đứa bay, hàng xóm đang lắng nghe bay cải nhau về chuyện dành giựt đàn ông, xấu hổ lắm..xấu hổ lắm trời ơi. Hu. hu…..
Hai chị em Loan và Phượng thấy mẹ khóc nên cực kỳ hối hận. Họ thực tình đã làm cho mẹ phiền lòng. Ba mẹ con ngồi im ru như ba pho tượng một hồi lâu trước khi ai vào phòng nấy.
Một đêm nặng nề trôi qua, nhà bà Tám không khác nào có đám tang. Bà Tám không ngủ được cứ ra vô thắp nhang bàn Phật. Trong bóng đêm Loan nguyền rủa Phan, nàng khóc sướt mướt. Loan không hiểu được tại sao trên đời nầy lại có loại đàn ông tồi bại như thế. Loan thoáng nghĩ đến những lần Phan đòi hỏi mà hú hồn. Nếu lúc đó nàng nhẹ dạ có thể nàng cũng như  Phượng không chừng.  Một đêm thật dài não nùng đã làm ba mẹ con bà Tám mỗi người mang một nỗi thấm thía khác nhau. Bà Tám thì muốn bỏ trốn khỏi xóm nầy cho đỡ xấu hổ. Còn Loan trước kia yêu Phan bao nhiêu thì bây giờ nàng lại hận hắn bấy nhiêu.  Tại sao khi yêu nàng lại mù quáng và không mảy may khám phá ra cái dã tâm của Phan.  Nàng tự nghĩ mà rùng mình, ghê tởm. Trong bóng đêm nàng thấy Phan hiện ra là một con quỷ, đôi mắt xanh lè, hai khóe miệng chảy ra hai vệt máu bên cao bên thấp, hai chiếc răng nanh dài ra đụng phải chòm râu lưa thưa ghê rợn.
Phượng thì khác với chị, trong nỗi đau mâu thuẩn. Nàng vẫn còn nghĩ rằng Phan chỉ yêu một mình nàng mà thôi vì nàng trẻ hơn, đẹp hơn. Và từ nay nàng không sợ mất Phan về tay chị Loan nữa. Nàng đưa tay sờ bụng nghĩ thầm, dù sao đứa con nầy là của Phan, thế nào chàng cũng cưới. Hay là không cần đám cưới cũng được. Nếu gia đình không vui, hai đứa sống chung cho xong việc. Ở xứ văn minh, trai gái sống chung chưa, hoặc không có đám cưới là chuyện bình thường. Phượng định bụng sẽ lên gặp Phan. Suy nghĩ miên man, giấc ngủ ập đến lúc nào không biết. 
Khi biển lặng sóng yên, Phượng đến nhà Phan vào buổi chiều mà không gọi trước. Nàng tin là giờ nầy Phan đã về.  Nàng  đưa tay gõ cửa, thì có tiếng đàn bà trong nhà vọng ra:
- Ai đó?
Phượng hoảng hồn nhìn lại số phòng  “162E” rồi đáp bừa:
Người đàn bà mở hé cửa, Phượng đứng tần ngần hỏi:
- Thưa, bà đây là?
- Tôi là vợ anh Sự, tôi từ Oklahoma mới lên hồi hôm.
- Là kỹ sư Phan đó à.
Người đàn bà cười nửa miệng.
- Đâu có.  Ông xã tôi tên là Phan Ký Sự.  Bạn bè cắt cỏ với ảnh gọi đùa là Kỹ Sư Phan, thét rồi trở thành quen chứ ảnh có học hành gì đâu mà kỹ sư với bác sĩ.
Giờ nầy Phượng mới nhận ra Phan là tên sở khanh.  Nàng tự trách mình ngu.  Nhìn vào trong đứa bé đang ngủ trên giuờng:
- Con ông..ông.. Sự đấy à.
- Dạ! Cháu đầu lòng của chúng tôi vừa được hơn một tuổi.  Khi anh Sự dọn về trên này tôi gần ngày sinh nên không đi được.  Bây giờ mới lên sum họp với ba nó.
- Cháu ngủ dễ thương quá.
- Người đàn bà thành thật:
- Khi thức nó giống anh Sự kinh khủng. À chị bao giờ sanh? Có biết là trai hay gái gì chưa?
Phượng cảm tưởng như người đàn bà nầy đã biết mình gian díu vời chồng bà ta. Bỗng dưng Phượng cáu lên.
- Thứ  con chết bằm nầy tôi chẳng muốn sinh ra chị ạ.
Vợ Sự chưng hững: 
- Bộ anh chị xích mích với nhau à?
Phượng thấy mình vô lý, dã lã:
- Tôi tên Phượng, làm việc vặt vãnh trong chung cư. Nếu cần giúp gì, chị gọi tôi.
Nói xong Phượng chào, người đàn bà đóng cửa, phân vân.  Bên ngoài hoàng hôn vừa buông, đèn đường đã tỏa từng vũng nhạt nhòa. Phượng đi bộ đến trạm xe buýt, nàng không ngờ rằng, Phan là tên đểu cáng, một tên sở khanh hèn hạ.
Mười hai năm trôi qua.  Câu chuyện ngày xưa không còn ai nhắc đến nữa.  Nó như một giọt nước rơi vào lòng đại dương mênh mông.  Người ta cũng không buồn để ý gia đình bà Tám dọn về đâu.  Bỗng một hôm, trong phái đoàn ủy lạo của Hội Ân Xá Quốc Tế, người ta thấy một số ni cô người Mỹ to lớn có cả một ni cô người Việt nhỏ thó có gương mặt tràn đầy từ ái.  Người ấy không ai khác hơn là ni cô Tịnh Hải, tục danh là Trần Thị Kim Loan.  Có người nhớ lại chuyện xưa, xầm xì rằng vì thất tình nên người con gái ấy bỏ đi tu.  Họ đâu biết rằng trong thời gian nuôi em gái sinh nở, và giúp cho em tìm con đường sống trong xã hội mới.  Nuôi mẹ già bạo bệnh, cuối cùng mẹ nàng qua đời, Loan đưa tro cốt mẹ về thờ tại một ngôi chùa ở quê hương như lời trối trăn của mẹ.  Cũng trong thời gian đó, một trận lụt tàn phá khắp vùng phía bắc miền trung Việt Nam.  Người chết không có đất chôn.  Cả ngàn gia đình phải chạy lên các đồi cao lánh nạn. Cảnh màn trời, chiếu đất, tử biệt, sanh ly.  Số tiền mang về lo tang lễ cho me, Loan quyết định giao cho nhà chùa dùng vào việc cứu lụt.  Trong cơn tai trời ách nước, Loan xông xáo nhập cùng đoàn người đến tận nơi cứu tế.  Nàng không ngại gian lao, vất vả.  Khi nước đã rút hẳn đi, Loan trở về chùa lo lễ lạc cho mẹ nàng. Cảnh tượng hãi hùng trong hai tuần lễ chứng kiến, Loan nhận ra trên thế gian nầy còn quá nhiều người bất hạnh. Những vấp ngã nhỏ nhoi của gia đình nàng chẳng thấm vào đâu.  Do đó Loan phát lời nguyện trước bàn thờ mẹ rằng “ nếu ngày nào còn sống, con nguyện sẽ làm tất cả việc lành để xoa dịu phần nào nỗi khổ của con người”. 
Khi trở lại Mỹ, Loan tìm đến trung tâm Thiền của Ni Sư  Karin xin xuống tóc quy y bắt đầu một cuộc sống thanh tịnh, hạnh phúc theo cái hạnh phúc của tha nhân. Đây là dịp sư cô về lại Chicago, thành phố đầu tiên nơi mà gia đình cô đặt chân đến mười hai năm trước.

Xem Tiếp: ----