CHU VĂN AN (?- 1370) Nhà giáo dục và nhà văn Việt Nam đời Trần. Còn gọi là Chu An; tự là Linh Triệt. Năm sinh chưa rõ. Quê ở thôn Văn, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ðậu Tiến sĩ nhưng không ra làm quan. Ông mở trường dạy học ở quê nhà. Ông có nhiều học trò nổi tiếng như: Lê Qúat, Phạm Sư Mạnh... Ðời Trần Minh Tông, ông được mời đến Thăng long giữ chức Tư nghiệp Trường Quốc tử giám. Ðến đời Trần Dụ Tông, chính trị đổ nát, ông viết Thất trảm sớ dâng Vua xin chém 7 gian thần. Không được chấp thuận, ông từ chức, về ở ẩn ở núi Phượng Hòang, làng Kiệt Ðặc, huyện Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương), lấy biệt hiệu Tiều ẩn, làm thơ viết văn. Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, ông có ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, rồi trở về núi cũ. Ông mất năm 1370. Ðược thờ ở Văn miếu, được truy tặng tước Văn trinh công và ban tên thụy là Khang Tiết. Nhìn chung, với tư cách một nhà nho, ở Chu Văn An nổi bật phong cách cứng cỏi, thẳng thắn, tiết tháo của một người sống vào buổi thóai triều; và với tư cách một thi sĩ, ở ông vừa có cái buồn man mác của một con người hoài cổ và bất lực, cũng vừa có cái nhẹ nhàng thanh thản của một người sớm tìm đường ở ẩn. Thơ ông "rất trong sáng u nhàn" (Phan Huy Chú), dùng nhiều hình ảnh sáng tạo, nhất là trong thơ tả cảnh. Tác phẩm chính: "Tiều ẩn thi tập" (chữ Hán) "Tiều ẩn quốc ngữ thi tập" (chữ Nôm) Hầu hết tác phẩm của ông không còn nữa. Một số bài thơ chữ Hán còn lại được tập hợp trong "Toàn Việt thi lục" và "Phượng Sơn từ chí lược"