Hôm đó vào năm 1915. Đã trên một năm, các nước ở châu Âu chém giết lẫn nhau ghê gớm chưa từng thấy trong lịch sử. Châu Mỹ ở trong tình trạng kinh hoảng. Có thể lập lại hòa bình được không? Không ai biết được. Nhưng Tổng thống Wilson nhất quyết gắng sức làm cho kỳ được. Ông sai một mật sứ đi hội nghị với các nhà cầm đầu châu Âu. William Jennings Bryan, Tổng trưởng nội vụ, sứ đồ của hòa bình, nóng lòng đi lắm. Ông thấy đó là một dịp phụng sự một lý tưởng cao cả và trở nên bất hủ. Nhưng Tổng thống Wilson lựa một người khác, đại tá House, bạn thiết của ông. Và ông cậy đại tá làm công việc khó khăn là báo tin đó cho Bryan hay. Đại tá chép cuộc gặp gỡ đó trong nhật ký của ông: "Bryan thất ý lắm, khi ông hay tin rằng tôi được Tổng thống giao phó cho sứ mệnh mà ông ao ước". Tôi trả lời ông ta: Tổng thống nghĩ nên giữ kín cuộc vận động đó. Mà nếu Bryan đi, tên tuổi của ông mà ai cũng biết, đủ làm cho người ta chú ý tới và tự hỏi ông tới với mục đích chi đây...". Nghĩa là đại tá muốn cho ông Bryan hiểu rằng ông là người quan trọng quá, không nên nhận sứ mệnh đó - và ông Bryan hài lòng. Khôn khéo, lại có nhiều kinh nghiệm, đại tá House đem thực hành một trong những quy tắc lớn nó điều khiển sự giao thiệp giữa loài người. Quy tắc đó là: Làm sao cho người khác thấy vui sướng mà làm công việc bạn cậy họ. Khi Tổng thống Wilson mời ông Mc. Adoo giúp việc trong văn phòng ông, ông cũng áp dụng quy tắc đó, mặc dù điều ông tin cậy không phải là một sự hy sinh, mà chính là một danh dự vô cùng cho ông Mc. Adoo, ông này thấy vui thích bội phần và kể lại như vầy: "Ông (Wilson) bảo tôi rằng ông sẽ sung sướng lắm, nếu tôi chịu nhận chức Tổng trưởng Quốc khố. Ngôn ngữ ông thiệt lịch sự: ông cho tôi cảm tưởng rằng nếu tôi chịu nhận vinh dự lớn đó, thì tức là ban cho ông một đặc ân". Tôi biết một diễn giả được mọi nơi mời đến diễn thuyết. Ông ta không thể làm vừa lòng mọi người được cho nên bắt buộc phải từ chối, nhưng ông từ chối một cách khéo léo đến nỗi người ta vui vẻ ra về. Ông làm cách nào? Tất nhiên ông không nói cụt ngủn rằng ông bận việc lắm... Không. Sau khi cám ơn và tỏ lòng tiếc không nhận lời được, ông vội vàng giới thiẹu một người có thể thay ông được. Nghĩa là không để cho người kia có đủ thì giờ thất vọng trước sự từ chối của ông và ông làm cho tư tưởng người đó hướng ngay về diễn giả mà ông giới thiệu. Ông nói: "Tại sao ông không cậy ông bạn tôi, Cleveland Rodgers, nhà xuất bản tờ Brooklyn Eagle? Hoặc ông Guy Hickock? Ông ấy đã viết báo 15 năm ở Paris và biết rất nhiều chuyện thú vị... Hay là ông lại hỏi ông Livingston Longfellow xem sao? Chắc ông biết ông ấy có một cuốn phim tuyệt đẹp về những cuộc săn bắn lớn ở ấn Độ...". Ông Want, quản lý một nhà in lớn ở Nữu Ước, có một người thợ máy mà ông nhất định muốn sửa đổi tính tình. Anh thợ đó phải trông nom cho một loạt máy vừa sắp vừa đúc chữ và nhiều máy khác nữa, sao cho những máy đó chạy đêm và ngày mà không hư hỏng, khỏi ngưng lại. Anh ta phàn nàn công việc nặng nhọc quá, làm việc nhiều giờ quá, và xin thêm người phụ. Ông Want không cho thêm người phụ, cũng không rút công việc, rút giờ làm việc, mà anh ta vẫn vui lòng. Ông làm cách nào? Ông cho riêng anh ta một phòng giấy với một tấm bảng treo ở cửa đề tên và chức mới của anh. "Giám đốc phòng giữ gìn máy móc". Thành ra anh thợ máy không phải là một nhân viên hạ cấp, mà ai cũng có quyền sai bảo nữa, anh nay đã nghiễm nhiên là một viên chỉ huy rồi. Người ta đã công nhận giá trị tài năng của anh. Tự thấy cái quan trọng và uy thế mới của mình, anh hài lòng và tiếp tục làm không phàn nàn chi hết. Bạn cho vậy là con nít ư? Có lẽ là con nít thiệt. Mà người ta cũng đã cho Nã Phá Luân đã dùng phương pháp con nít đó khi ông lập ra huy chương Bắc đẩu bội tinh, phân phát một ngàn năm trăm chiếc cho lính ông và thăng chức "Pháp quốc Thống chế" cho 18 đại tướng, gọi đội quân của ông là "Đại binh". Ai chế giễu ông rằng dùng đồ lòe loẹt vô dụng đó để thưởng những người đã nhiều lần vào sanh ra tử với ông, ông đáp: "Loài người vẫn bị cai trị bằng những đồ lòe loẹt đó". Biết cách phân phát chức tước và uy quyền như Nã Phá Luân, thì chúng ta cũng sẽ được những kết quả như vị anh hùng đó. Trước nhà bà Gent, một bà bạn của tôi, mà tôi đã có dịp nói tới, có một bãi cỏ đẹp mà tụi con nít thường tới giày xéo phá phách mỗi ngày. Mắng, dọa, dỗ dành đều vô hiệu. Tức thì bà thay đổi chiến thuật. Bà kêu đứa nhỏ ngỗ nghịch nhất, tặng cho nó chức "thám tử" và giao cho trách nhiệm đuổi tất cả những đứa vô chơi trên bãi cỏ, bất kỳ là đứa nào. Và vấn đề đó giải quyết xong lập tức. Viên "thám tử" nhóm lửa ở sau nhà, nung một thanh sắt cho tới trắng ra và dọa sẽ dí vào đứa nhỏ nào dám dẫm lên vườn cỏ! Bản tính loài người như vậy. Cho nên muốn sửa đổi một người mà không làm cho họ phật ý, giận dữ: "Bạn phải xử trí ra sao cho người đó thấy sung sướng làm công việc mà bạn đề nghị". Đó là quy tắc thứ 9.