Cùng tìm đường đến thầy học võ, chịu thử thách như nhau, và đều được nhận làm học trò, hai chàng Trương và Dương là những tay kiếm xuất sắc. Nhưng để trở thành người thay thầy đứng đầu kiếm phái Mai Hoa, điều họ cần có lại không phải là một thế kiếm cao siêu.
Chàng trai họ Trương từ chốn kinh kỳ lặn lội tìm vào. Chàng trai họ Dương lại từ miệt trong ra. Tuổi mới đôi mươi khôi ngô, tuấn tú, dáng dấp phong trần. Không hẹn mà gặp tại nhà thầy Lê, trong một ngày và cùng cúi đầu xin thầy được chỉ dạy những đường kiếm bí truyền của hệ phái Mai Hoa một thời lừng lẫy.
Nhíu đôi mày bạc trắng, thầy Lê xét nét, săm xoi như thể muốn xổ tung búi tóc trên đầu mỗi chàng ra để đếm coi có bao nhiêu cọng dài ngắn. Chẳng ừ hử lấy một tiếng, thầy bỏ ra ngoài sân, mặc cho hai chàng chưng hửng.
Thế mà cả hai vẫn ở lại, vui vẻ giúp Bạch Mai là cô cháu gái của thầy Lê, tuổi vừa mười sáu, hết thảy việc nhà lẫn việc đồng áng. Nhiều lúc thấy hai chàng chân tay lóng ngóng, vụng về làm đâu hư đó, cô bé không nhịn được, ôm bụng cười ngất. Cười đã rồi tự dưng mặt mày đỏ lựng.
Nhà thầy Lê nằm sát chân ngọn Hàn Sơn, trước mặt là vườn dừa bát ngát. Thân dừa còm cõi, cao vót tưởng chỉ cần cơn gió xoáy nhẹ một chút cũng đủ vặt cả ngọn dừa xơ xác nằm xuống đất. Hình như khoảng vài tháng sau khi hai chàng đến nhà thầy Lê, bữa nọ, cô gái ngoắc tay ra hiệu cả hai theo cô ra rừng dừa.
Vừa tới nơi, chưa hiểu chuyện gì thì Trương, Dương thấy cô lao tới một cây dừa, leo như lướt người "đi" từ gốc tới ngọn cao chót vót. Ðang há hốc mồm dõi theo chưa kịp reo, thì ngay tức khắc những trái dừa khô lao xuống đầu tới tấp. Cả hai đều nhảy tránh sang gốc dừa bên cạnh, rồi lại ngước lên dòm. "ấy! Dừa rớt nữa kìa!". Lại gần chục trái ào ào rơi xuống gốc dừa hai chàng đang đứng. Lại chạy tránh sang chỗ khác, xa hơn.
Lúc này Trương, Dương mới thấy rõ cô gái đang nhoài người nắm lấy một tàu lá, nhún người vọt qua ngọn bên cạnh, cách chỗ đứng chừng năm sải tay. Bất giác sống lưng hai chàng lạnh toát.
Rồi ào ào, lộp độp... dừa khô lại rơi xuống, văng nước tung tóe. Mới đó cô còn đứng trên bẹ dừa, thế mà chỉ mươi chớp mắt, đã thấy cô đặt chân xuống đất. Chà, nhanh hơn cả sóc!
Chẳng thấy gì là mệt mỏi. Cứ như nãy giờ cô không leo, không lượn lên các ngọn dừa. Chưa kịp khen, Trương, Dương đã thấy cô ngồi xổm, vớ lấy mũi mác lúc nãy vác theo, đâm xuyên vào lớp vỏ khô cứng, gần cuống dừa, khẽ nảy ra một mảnh vỏ, sát lẹm tới gáo. Ðoạn cô bỏ mác, dùng tay bóc tiếp từng mảnh, dễ như bóc bưởi.
Trương trầm trồ "Chưa thấy ai giỏi như cô...".
Bạch Mai cười: "Dễ ợt thôi! Tụi con gái xứ này đứa nào mà hổng làm được?!".
Chàng họ Dương kinh ngạc: "Thiệt à?!".
Cô đặt sọ dừa vừa tróc sạch lớp vỏ xơ sang bên, mỉm cười: "ở lâu sẽ biết thôi mà...".
Trương ngồi xuống: "Ðể tôi bóc với...".
Dương chẳng để chậm: "Tôi nữa...".
Cô đảo mắt qua hai chàng: "ừa, làm thử coi...". Cô tróc một mảnh lấy thớ, trao mỗi chàng một trái.
Trương cắn răng, mím lợi, dồn sức để rồi bật ra tiếng: "ối". Quái! Bóc lớp xơ mẳm khỏi sọ lại khó hơn chặt gãy viên gạch đóng.
Còn chàng họ Dương cũng chẳng hơn gì.
Cô gái cười, bảo thôi. Lát sau, Bạch Mai vừa nói, vừa cố nhớ lời ai đó dặn dò:
- Ngày mai... hai ông cháu... đi xa chừng một tháng. Nếu hai anh chưa thấy... chán đất này... thì phiền hai anh ngó dùm nhà... trong lúc ông cháu tôi đi vắng, được hông?
- Ðược! Ðược! - Cả hai gật đầu lia lịa.
- Thiệt hả?! Rồi! Việc tiếp...Cô gái đảo mắt ngước quanh vườn, lộ vẻ lo.
... Trăng tới... thương lái cặp thuyền bốc dừa. Mà...
... Mà dừa vẫn còn nằm trên ngọn chứ gì? Chàng họ Trương nhanh nhẩu:
- Cô khỏi lo việc này cứ để chúng tôi!.
- Ðược không? Một bên mày cô gái nhướng lên.
- Sao không được! Cả hai cùng cất giọng.
- Gạo mắm em đã sắp sẵn, cả tiền chợ nữa. Các anh cứ vậy mà dùng.
À, việc nhỏ nữa là nhờ hai anh tưới nước mấy chậu kiểng. Nhứt là chậu bạch mai.
- Bạch mai à? Dương ngạc nhiên.
- Dạ! Chậu bạch mai là vật gia bảo mấy đời truyền lại. Cô hạ giọng gần như thì thào:
- Ông em quí chậu bạch mai ngang với mạng sống của mình. Hình như là có cái gì đó lạ lắm trong chậu... à, mà thôi!
Mới tờ mờ sáng mà hai ông cháu đã đi rồi. Nếu hai chàng có theo dõi thì sẽ thấy họ nhắm ngọn Hàn Sơn leo lên. Trên ấy có một ngôi phế tự. Ðến được chỗ này phải vượt qua vách đá cheo leo, mà kẻ yếu bóng vía mới thấy lần đầu hẳn châ theo dõ theo dõ
Một... hai rồi ba mùa trăng... hai ông cháu vẫn biền biệt. Hai chàng Trương, Dương dài cổ mong ngóng. Nhưng hai chàng có biết đâu, cứ vài ba đêm, khi thì thầy Lê, khi thì Bạch Mai xuống núi, đảo qua thăm nhà. Họ rờ từng chậu kiểng, ướt nước, thấy đống xơ dừa mỗi ngày cao dần, thế là yên tâm lên núi.
Cuối mùa trăng tháng thứ ba kể từ ngày đi, hai ông cháu "mới" về trong niềm vui khôn xiết của Trương, Dương.
Lựa lúc thầy Lê qua xóm bên, hai chàng trổ ngay tài leo dừa, tróc dừa cho Bạch Mai coi. Tuy leo còn ì ạch, tróc vỏ còn vụng nhưng so với mấy tháng trước thì hai chàng cứng cáp, rắn rỏi hơn. Thầy Lê có lướt mắt qua, cũng chẳng nói gì, mặc cho cả hai cúi đầu ngóng chờ câu thầy nói: Ta nhận các con làm đồ đệ!
Khoảng mười ngày sau... Thầy Lê bảo Bạch Mai gọi Trương, Dương lên, rồi hờ hững bảo:
- Trên đỉnh Hàn Sơn có ngôi phế tự lâu đời. Ðồn rằng chuỗi tràng hạt của sư trụ trì được kết bằng những viên ngọc quí. Lập tức một toán cướp kéo đến. Thế là khó tránh khỏi một trận huyết chiến xảy ra giữa bọn cướp với các sư thầy. Một chọi mười, cuối cùng các sư lần lượt bỏ mạng.
Vị sư trụ trì vừa gục xuống, những tên cướp sống sót nhào tới, giật lấy tiền và liền tẽn tò khi biết rằng chuỗi tràng hạt của sư chẳng phải là châu ngọc gì quí giá. Chúng xổ hạt ra từng vốc rồi ném tung tóe khắp sân. Trước khi xuống núi, chúng thiêu rụi cả ngôi chùa...
Nhấp một ngụm trà, đoạn thầy Lê nhìn thẳng vào mắt Trương, Dương
- Bao lần ta muốn lên núi, thâu lượm những chiếc hạt rơi vãi, xâu lại để dâng cúng vong hồn thầy. Nhưng tuổi cùng lực kiệt khó mà trèo đèo, lội suối.
Việc mọn này có nhờ Trương, Dương giúp cho. Không biết các vị như thế nào?
Nghe xong, Trương vội thưa:
- Xin thầy cứ yên tâm. Ngày mai con, à, chúng con, sẽ leo lên Hàn Sơn, tìm đến phế tự và cố đem về cho được những viên hạt ấy cho thầy! Chỉ mong thầy...
Thầy Lê đưa mắt qua chàng Dương:
- Còn anh?
- Dạ! Con cũng như anh Trương. Ðược leo tới đỉnh Hàn Sơn, ngắm nhìn mây núi, kể ra cũng thích...
Hứa là làm. Họ đi từ sáng sớm đến xâm xẩm tối thì về tới nhà. Mình mẩy xây xát, mặt mũi bơ phờ.
- Thầy ạ! Trương thưa:
-Con... ráng sức tìm nhưng chỉ nhặt được hai hạt...
- Có nghỉ trưa không? Thầy Lê hỏi.
- Có ạ! Dưới bóng tùng cổ. À, thầy ơi trong giấc ngủ con có nghe tiếng gào, tiếng rú, tiếng binh khí chạm nhau chan chát... Cứ như là đang xảy ra trận đấu, ghê thật!
- Còn con cũng nhặt được hai hạt ạ!
Tới lượt Dương thưa:
- Thật lạ trong giấc mơ chập chờn, con cũng có nghe phảng phất tiếng ai ngâm nga một bài thơ!
Lặng đi một lát, thầy Lê nói nhỏ như chỉ nói cho mỗi mình mình nghe:
- Sau khi chùa bị đốt phá tan hoang, cụ tổ bốn đời nhà ta đã lên đó mang về chậu bạch mai chăm sóc... Rồi người gây dựng thế kiếm Mai Hoa...
Sực tỉnh thầy hướng về Trương, Dương nói tiếp:
- Thế hai vị giúp ta tìm thêm hạt chứ?
- Dạ! Chúng con... sẽ cố hết sức...! Trương, Dương cùng đáp.
- Mỗi ngày chỉ được bốn hạt thì phải mất sáu mươi ngày lên xuống núi bới tìm mới xâu thành tràng chuỗi. Hai vị thấy sao? Hay là...
- Thưa thầy! Chúng con nguyện tìm cho bằng được! Dương nói quả quyết.
Mới bốn mươi ngày chuỗi tràng hạt đã xâu xong. Một đêm trước khi ngủ, thầy Lê bảo Trương, Dương:
- Mai theo ta lên phế tự! Ta cúng dâng sư trụ trì tràng hạt, cúng xong ở lại luyện kiếm!
- A! Cả hai cùng reo:
- Thầy đã cho rồi! Cho rồi!
- Xin bái sư phụ! Sư phụ!
Thấm thoát ba mùa bạch mai nở rồi tàn...
Chẳng nhớ bao lần thầy trò hết lên lại xuống núi. Trong tay hai chàng đường kiếm Mai Hoa ngày càng biến ảo khôn lường. Ba năm dẫm mòn lối lên phế tự, leo hái, tróc vỏ cả muôn muôn dừa khô, đã vô hình đem đến cho Trương, Dương sức dẻo dai hiếm có, ngón tay cứng như móc sắt, bắp chân rắn như đá.
Ba năm vừa đủ biến cô bé Bạch Mai thành một thôn nữ đoan trang, làu làu kinh sử và một tay kiếm tuyệt luân, nhưng tuyệt nhiên Trương, Dương chẳng hề hay biết.
Ba năm... thầy Lê yếu đi trông thấy.
... Tết thứ tư đã qua và đã giữa xuân mà bạch mai lại chẳng chịu nở hoa. Thầy Lê khắc khoải trông từng buổi từ khi nụ hoa bắt đầu nhú, vậy mà những chiếc đài vẫn ôm chặt năm cánh hoa trắng ngọc, chẳng chịu bung ra. ờ, cũng không lâu đâu. Ngày mai sẽ nở... sẽ nở...
Thầy nhớ như in lời thân phụ dặn lúc lâm chung: "Khi nào bạch mai nở... con mới được làm thế... làm thế... để truyền thế kiếm bí truyền của phái Mai Hoa cho người kế tục...".
Tối qua, thầy Lê gọi Trương, Dương lên rồi chậm rãi bảo:
- Hơn ba năm qua... nhờ các con khổ luyện... ta đã chỉ bảo ít nhiều kiếm phái Mai Hoa cho các con thụ giáo. Các con thấy đấy! Ta cũng sắp về với tiên tổ. Nhưng lòng vẫn chưa yên vì chưa tìm được người thay thế.
- Ngừng một lát thầy tiếp:
- Bạch Mai là phận nữ nhi, khó mà đảm đương. Chỉ còn một trong hai con là xứng đáng. Những gì thuộc về tinh hoa của môn phái, ta đã truyền dạy. Song, nước không thể có hai vua trị vì, rừng không có hai hổ làm chúa.
Kiếm phái Mai Hoa cần có một người đứng đầu. Người này phải nắm được thế kiếm cuối cùng của môn phái mới mong cầm đầu được. Thế kiếm cuối cùng thực ra là khởi đầu cho mọi thế kiếm.
Ngày mai ta sẽ bày ra một cuộc tỉ thí giữa hai con. Ai thắng sẽ được thế kiếm bí truyền, đứng đầu môn phái. Các con nghe rõ chứ?
Khi Trương, Dương thức giấc thì trời đã sáng bạch. Trương, Dương lồm cồm bật dậy, vội vàng ra vòi nước rửa mặt, quay xuống bếp húp trọn mấy bát cháo để sẵn, rồi ra sân.
- Nào, Trương, Dương! Các con chuẩn bị để tỉ thí xong chưa? Thầy Lê nghiêm giọng hỏi.
- Thưa, xong rồi ạ! Hai chàng đáp.
- Ðược! Ðây là vòng tròn Bạch Mai đã vạch sẵn. Ta kê chậu bạch mai ở giữa. Trên thân cột chặt ống đựng cuốn sách chép thế kiếm cuối cùng của phái Mai Hoa.
Thế kiếm ghi trong sách này sẽ bổ khuyết những gì mà người cầm kiếm của phái Mai Hoa còn thiếu. Theo lệ, hai con phải trổ tài vừa đấu, vừa ngắt đủ năm bông hoa bạch mai, lại phải lấy cho được cuốn sách.
Nhưng phải để ý một điều là không được đặt dù nửa bàn chân ra ngoài vòng. Người nào đạt được những điều ta dặn là thắng cuộc!
- Thưa! Việc này... con... con không muốn...! Chàng Dương hấp tấp nói.
- Sao vậy??? Thầy Lê gằn giọng.
- Vì... thầy ơi! Bạch mai đang nở rộ thế này! Nỡ nào ngắt phá. Vả lại... lỡ trong lúc quyết đấu... chúng con... sa sẩy đường kiếm thì cây bạch mai... Thầy có cách nào khác không ạ? Ví như cùng đấu trên ngọn dừa...
- Không! Còn anh Trương? Vẻ mặt thầy Lê lạnh tanh.
- À, con thấy hay đấy! Ðã định rồi, không nên cãi! Ai thắng là người xứng đáng! Giọng chàng Trương dóng dả.
- Trương nói phải! Thầy Lê gật đầu.
"Soạt", thanh kiếm của chàng Trương rút nhanh khỏi vỏ, loang loáng hoa lên một đường rồi chém xuống đầu Dương. Trong lúc bất ngờ, chàng Dương chỉ kịp nâng cả kiếm còn trong vỏ đưa lên đỡ.
Một đường kiếm khác tung tiếp tới tấp, chàng Dương lúng túng né hết phải sang trái, chân lùi ra sau suýt nữa đụng vạch. Lựa lúc chàng Trương thay đổi chiêu, chàng Dương mới nhanh tay rút kiếm ra khỏi vỏ.
Cuộc đấu thật sự mới bắt đầu. Người bên ngoài chỉ thấy ánh kiếm loang loáng, vây bọc lấy cả hai người ; tiếng kiếm chạm nhau chát chúa, rợn tới óc. Vài cánh mai trắng bứt ra, cuốn theo đường kiếm. Vẫn chưa có bông hoa nào bị ngắt.
Ðột nhiên chàng Trương đổi chiêu thức, ra đòn mạnh như vũ bão. Tức khắc chàng Dương lùi về thế thủ. Nhanh như chớp, tay trái Trương đã ngắt gọn một bông. "Bạch Mai! Cầm lấy!".
Lần này tới lượt Dương. Ðòn công của chàng cũng dữ dội không kém. Buộc thế, Trương phải lùi vài bước để chống đỡ. Dương có được một phần mười chớp mắt để ngắt một bông nhưng chẳng hiểu sao chàng rụt tay lại.
... Mặt trời vượt qua ngọn dừa. Trận đấu đến hồi quyết liệt. Chàng Trương công ba mươi lần, thủ hai mươi tám lần. Chàng Dương công hai mươi tám lần nhưng thủ ba mươi lần. Những bông hoa trắng ngần đã được vặt trụi. Ðó là công của chàng Trương. Chưa có dấu chân chàng nào vượt ra khỏi vòng.
Chàng Trương đã đạt được hai thứ. Chà, chỉ cần đoạt ống gỗ nữa... Nghiệt thay, ống gỗ lại cột chặt vào thân bạch mai. Không thể trong chớp mắt mà lẹ tay mở lấy. Phải dùng cách khác...
Chàng Dương bỗng la to: "Thầy ơi! Anh Trương ơi! Tôi xin chịu thua!".
Tiếng thầy Lê quát to hơn: "Không được! Tiếp tục đi!".
Chàng Trương nhăn nhó nhưng rồi cũng tung ra thế kiếm lợi hại nhất của phái Mai Hoa, ép Dương vào thế thủ. Chỉ chờ có thế, Trương lia một đường kiếm vào sợi dây buộc ống gỗ với thân bạch mai để cắt đứt.
Nhưng... dây buộc vốn bện bằng những sợi thép nên chẳng hề hấn gì.
- Anh Trương! Không được chạm vào cây bạch mai! Chàng Dương hét lên.
Lại một đường kiếm nữa của Trương chém vào nhưng vẫn không đứt. Liên tiếp hơn chục lần, mũi kiếm của Trương chạm phải kiếm của Dương gạt ra, không cho chạm vào.
"Hừ! Phải xoay cách khác!". Hình như Trương lẩm bẩm: "Ừ, chỉ còn có cách đó thôi!".
Ðoán trước ý định của Trương, Dương lại la to: "Anh Trương! Ðừng làm thế!".
Chàng Trương hét lên một tiếng, tung ra một chiêu quyết định.
"Ðừng!!!" Dương thét lạc giọng và đường kiếm của chàng bất đắc dĩ cùng tung theo.
Chỉ qua một đường kiếm loang loáng của chàng Trương, thân bạch mai đứt đôi. Nửa khúc đầu có buộc ống gỗ chưa kịp rơi thì lưng kiếm của Trương xoay lại, hất tung lên.
"Á!" Sau tiếng á, cả hai sựng lại.
Choang! Thanh kiếm của Trương rơi xuống nền gạch. Tay trái của chàng Trương nắm chặt nửa cây bạch mai. Còn nửa cánh tay phải vừa cầm kiếm thì...
Chàng Dương sững sờ... quăng kiếm, nhào tới ôm Trương...
Thầy Lê bật ra tiếng thở dài. Bạch Mai ôm mặt thét lên hãi hùng.
Bây giờ chàng Trương đang nửa ngồi, nửa nằm trên giường. Chàng đã mất một nửa cánh tay. Chỗ đứt lìa được rịt thuốc, bó lại bằng vải sạch.
Chàng Dương thổn thức bên vai Trương:
- Hãy tha lỗi cho tôi, anh Trương ơi! Tôi không mảy may cố ý làm hại anh đâu! Tôi chỉ cản đường kiếm để... để... khỏi nhìn thấy cây bạch mai... bị chặt đứt... Nhưng tôi lại chậm hơn anh một chớp mắt nên...
- Ðừng nỉ non nữa, chán quá! Ðã ôm lấy nghiệp thì phải chịu vậy chứ!. Trương càu nhàu rồi ngoảnh mặt vào trong vách.
Thầy Lê bước vào. Trầm ngâm nhìn Trương một hồi lâu, rồi điềm tĩnh nói:
- Trương à, con là người thắng cuộc! Theo lệ thì con là người kế tục thầy!.
Trương bật cười nhưng lại túa ra những giọt nước mắt.
- Thầy coi! Con bây giờ... làm gì được nữa!
Lặng đi một chút, Trương nói tiếp:
- Thầy! Thầy nói Bạch Mai mở ống gỗ để con coi thử... Sách dạy thế kiếm cuối cùng của môn phái như thế nào... mà con phải trả giá đắt thế này!
- Bạch Mai! Con mở ống ra rồi trao sách cho Trương!
Cô gái mở sợi dây buộc, tách ống gỗ khỏi thân bạch mai.
Ðoạn, cô cúi xuống cầm hai đầu ống gỗ kéo ra. Một tập giấy cuộn tròn lộ dần, cô rút ra, thảy lên ngực chàng Trương. Tay trái chàng Trương vội vàng chộp lấy, mắt chàng rực lên hau háu.
- Bạch Mai!-
Chàng Trương gọi nhỏ:
- Nhờ em mở từng trang cho anh coi thử!
Cô gái gật đầu, đón lấy, mở tập sách. Bìa sau ghi bốn chữ Hán: "Mai Hoa kiếm pháp". Lật qua tờ bìa, Trương thấy trang bên để trống... Trang thứ ba đậm nét một chữ "Nhân". Lại trống trơn đến mười trang nữa. Ðến trang thứ mười một mới chua thêm một chữ "Nhân", có chữ "Nhị" liền kề. Chỉ có thế.
Bạch Mai trố mắt kinh ngạc bởi cô cũng hiểu được hai chữ ấy đứng liền nhau hợp thành là Nhân Nghĩa.
Chàng Trương hét ra tiếng thở dài rồi lại nhắm nghiền mắt.
Thầy Lê trầm tư về một điều gì.
Hồi lâu, Trương mở mắt thều thào:
- Thầy ơi! Thì ra... từ lâu con cứ mải mê quyết chiếm cho được những cái con thừa. Nhưng chẳng thèm nhặt nhạnh những cái con còn thiếu... thiếu ghê gớm!
Thầy ơi! Con không xứng... làm người thay thế thầy...!

Xem Tiếp: ----