Tôi bảo "Hôm qua con thấy họ bán hai lồng vẹt ở đường Bạch Đằng. Vẹt bé tí, đẹp lắm mẹ ạ!". Em út tôi cũng hào hứng "Mình nuôi và dạy nó nói được đấy!" Mẹ cau mặt "Dạy dỗ gì, như chúng mày đấy, nói rã cả họng mà có ăn ai đâu. Cho đi học, tốn cơm tốn gạo mà vẫn hỗn láo như ranh ấy thì dạy dỗ được ai?". Tôi cắn môi im lặng, cái bong bóng mưa mỏng manh lấp lánh ngũ sắc đột nhiên vỡ tung thành muôn mảnh nhỏ bắn thẳng vào tim tôi, nhẹ nhàng nhưng đau nhói. Mẹ ấn mạnh con dao phay xuống thân chuối, nghe xoèn xoẹt gờn gợn. "Con với cái... " Tôi bỏ đi, quấn theo chân là câu nói dang dở của mẹ, là ánh mắt em út, là tiếng kêu réo của con lợn choai đến giờ ăn. Bố ngồi ở bàn nước, nhìn tôi không nói gì. Tôi luôn mang ơn bố bởi sự im lặng. Căn gác nhỏ là chỗ của tôi, ở đấy, tôi có thể cắn cho môi mình bật máu và dốc hết nước mắt vào trong, ở đấy tôi có thể cho mình trở về với một thời xa xăm, bình yên và khó với. Em kế tôi đi học về, nó tru tréo "Xe để ngang dọc thế này à. Không cho ai để nữa sao? Nhiều quá thì vứt me... " Tôi chạy xuống, em út đang đẩy xe đạp của tôi vào sát tường "Bà làm gì trên ấy, đồ đạc của tôi mà mất gì... ". "Đủ rồi đấy!" Bố giận dữ lên tiếng, nó liếc tôi, ôm cặp hậm hực vào nhà. Mấy con lợn vẫn chưa được ăn, không ngừng kêu réo. Bếp tắt, khói mù mịt. Buổi trưa oi ả đến nghẹt thở. 2. Tôi nhớ rất rõ ngày tôi rời quê. Năm ấy tôi chưa tròn 12 tuổi. "Tuổi ấy có thể trông em, nấu cơm cho mẹ được rồi!" Bố nói thế và đón tôi đi vào một nơi xa lắc. Tôi còn hai đứa em, đứa thua tôi 3 tuổi, đứa kém tôi 9 tuổi. Bố đi công tác xa, mẹ đi làm, tôi phải ở nhà trông em và cơm nước. Ngay hôm đầu tiên em kế tôi đã cáu kỉnh "Chị làm gì với cái bếp mà lâu vậy? Bộ từ bé chị chưa thấy cái bếp dầu sao?" Tôi thật thà lắc đầu, ở quên toàn đun bằng rơm rạ, lá tre khô, khi nào bận quá mới đun bằng những cành tre bé tẹo. Dầu thắp đèn còn không có nữa là bếp dầu. "Xong chưa? Còn ngồi thiền nữa hả?" Em đặt nồi cơm lên bếp, tôi xòe bàn tay lem nhem dầu ra, nhận thấy rằng cuộc sống nơi này không phải dành cho tôi, và dù miễn cưỡng tôi cũng không thích hợp với nó. Nhưng tôi vẫn lớn lên, và nhạy cảm với tất cả những gì xảy ra quanh mình. 3. Em út hát "Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba... " Tôi thừ người, còn tôi thì sao? Tôi không giống bố, cũng không giống mẹ thì ai là người thương tôi? Ông bà ngoại yêu quý tôi nhưng ông bà lại ở quá xa. Vòng tay ông bà dù muốn cũng không thể với tới tôi, và tôi không còn bé để có những nỗi buồn giản đơn để ông bà dỗ dành bằng kẹo. Nỗi buồn của tôi giờ to lớn lắm. Tôi kết bạn với tất cả những người tôi gặp và cũng quên họ nhanh chóng, bởi họ không giống tôi, họ có quá nhiều thứ trong khi tôi chẳng có gì. Tôi lại không dám nhìn vào mặt họ để nhớ.? Vì thế, họ cứ lướt qua tôi, lặng lẽ như một dòng suối nhỏ và tôi là viên cuội nằm sát mép bờ. Mẹ tôi cho rằng tôi quá dễ dãi trong quan hệ và đem những kinh nghiệm cùng những tấm gương tày liếp ra để răn đe tôi. Em kế tôi cũng đã lớn, nó nhìn tôi như nhìn một người khác lạ với tia mắt xoi mói, bới móc "Bọn con trai ấy tìm thấy gì ở chị kia chứ? Chị cứ chia xẻ trái tim mình cho tất cả đi, để rồi đến một lúc nào đó chị sẽ không còn gì để mà chia nữa đâu!" Tôi nhìn cái áo khoét rộng cổ, hở tay của nó, không nói gì. Tôi chưa cho ai cái gì hết và tôi biết chưa bao giờ nó nói với bạn bè là nó có một người chị, tôi cũng thế. Tôi đi học, một người quen tìm đến nhà. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Khi tôi về, bố bảo "Mày không có nề nếp gì cả, mày bỏ ngay cái thói tự do, phóng khoáng ấy đi!" Mẹ thêm "Con này mang tính nết của rừng rú!" "Hay do chúng ta cho nó sống ở quê, nó quen thói tự do ấy rồi!" Tôi bật cười khan, tưởng mình sắp ngất đi vì đau đớn, niềm tin cay xè trong mắt, mặn đắng trong mồm. Tuổi thơ của tôi, thiên đường và máu thịt của tôi đang bị người ta vò cho nhàu nhĩ trước khi ném nó xuống đất. Tôi không bảo vệ được chúng bởi quá yếu đuối và nhút nhát. Về quê ư? Lối về chốn bình yên xưa đã xa khuất rồi, tôi không còn ai để được yêu thương và an ủi. Con bạn bảo "Bỏ nhà đến tao ở! Người như mày không chết được đâu!" Tôi lại bật cười, con bạn này đâu có thân, có gần gũi với tôi? 4. Tôi chơi với Lê, thân hơn bất kỳ ai nhưng chưa một lần cho Lê biết nhà. Chúng tôi thường gặp nhau trong một quán cafe ở cuối con hẻm nhỏ bé tí, hơi tối và âm ẩm mùi rêu. Ngồi nhìn nhau, chuyện dăm ba câu rồi chia tay, thế là quá đủ. Tôi sợ phải nhìn Lê bằng con mắt khác của những kẻ bàng quan, tôi muốn giữ Lê cho riêng mình. Tôi không cảm thấy đau đớn khi nghe em tôi giễu cợt "Bằng tuổi chị mà không có bồ là dở lắm!" Em út hỏi "Thế chị ba có bồ chưa?" "Cả đống, thiếu điều xỏ chuỗi phơi khô nữa thôi!" Em út bật cười "Chị cứ làm như bồ là nấm mèo không bằng!" Tôi không biết thế nào mới gọi là bồ nhưng khi nghĩ đến Lê tôi luôn ấm lòng với cảm giác dịu êm. Để chứng minh, hôm sau em tôi đưa về một thằng con trai tóc dài phủ gáy. Mẹ lầm bầm lúc xuống bếp pha nước "Con trai gì trông như tướng cướp, tay vàng khói thuốc!" Tôi lấy ống thổi lửa nấu nốt nồi canh, nghe mẹ đon đả: "Cháu ở lại ăn cơm với gia đình!" Thằng con trai ấy lí nhí điều gì và tiếng bố đĩnh đạc "ừ thôi cháu về, lúc nào rảnh rỗi lên thăm hai bác". Tôi múc canh ra tô, em tôi chạy xộc xuống "Chị không còn chỗ nào đứng hay sao? Lần sau làm ơn... " Thì ra nó cũng nhìn thấy ánh mắt thằng con trai ấy liếc tôi vội vã lúc mới đến. Tôi bảo "Cậu ấy không biết chị là ai đấy thôi!" Nó hứ dài bỏ đi, muôi canh rót vào tay tôi bỏng rát. Lúc ngủ trưa, nó lấy gối đặt cuối giường tuyên bố trở đầu trở đuôi "Chị đừng có gác chân lên mặt tôi đấy!" Quả thật tôi hay có thói quen gác chân lên chăn. Hồi còn ở quê, ngủ với bà, tôi hay thục chân vào giữa hai chân bà rồi ngoáy dù lúc ấy tôi đang ngủ say. Đến giờ tôi vẫn chưa bỏ được. 5. Mẹ cho tôi một ít tiền "Cầm lấy mà tiêu vặt!" Tôi ngơ ngác nhìn mấy tờ bạc "Con xin!" "Con gái lớn rồi, đừng làm gì nông nổi quá trớn, con phải làm gương cho các em!" Nước mắt tôi cứ trào ra, không ngăn được. Gặp em út trên gác, tôi hỏi "Em nhờ chị giảng bài à?" "Không, em lên bơm mực - rồi nó cười toe toét - Em thấy chị dạo này khác làm sao á!" Lê bảo "Em phải sôi nổi lên một tí, nhiều lúc em cười mà mắt như có đám tang ấy!" và nắm chặt tay tôi.Tôi bối rối rụt tay về "Có bỏ em lên bếp gas cũng khó mà sôi dược. Hay chúng mình thôi đi!" Lê bỏ đi, hấp tấp và buồn rầu. Tôi sợ mình sẽ làm tổn thương anh, vậy chúng tôi chia tay từ bây giờ sẽ dễ dàng và đỡ đau đớn hơn. Nhưng tôi chắc mình sẽ khó mà quên Lê được như tôi đã từng quên những người khác, bởi tôi đã nhìn vào mắt Lê để tìm kiếm mình và Lê đã trải lòng ra trước tôi. Tôi ngồi trong quán suốt buổi chiều, ly cafe đã lạnh tanh và lờ mờ đóng váng lại. Tôi chẳng còn gì để giữ cũng như để mất, tôi đã là kẻ trắng tay rồi, chợt tôi nhớ Lê đến quay quắt, thèm được nhìn vào mắt anh, một lần nư!~a, dù là lần cuối cùng cũng được. Được nói với anh một câu thôi rồi hẵng chia xa... 6. Tôi đến quán cafe cũ, tỉ mỉ nhổ từng đám rêu đã trổ hoa, và lấy chúng chơi đá gà, bên nào đứt đầu coi như thua. Tay phải là Lê tay trái là tôi, không biết từ bao giờ trong tôi đã có sự phân định rạch ròi ấy! Lê ơi! "Về chưa em?" Tôi giật mình, đường phố đã sáng đèn và Lê đang ở cạnh tôi. "Em không muốn về, em muốn ngồi đây để nghĩ!" Anh không nói, lôi tôi đứng dậy, tôi vùng vằng "Anh về đi, anh tìm thấy gì ở tôi mà quay lại, cho tôi được yên!" Lê lầm lì đi cạnh tôi, tôi thấy tuổi thơ của mình đang chắp cánh bay, tôi thấy tôi của hôm nay và trong những bóng mờ của tương lai, tôi thấy Lê ở trong đó. Lê đưa tôi về nhà tôi đang ăn cơm, tiếng tivi với tiếng cười nói vang ra nghe ấm áp lạ kỳ. Tôi thèm được sà vào ngồi cạnh mẹ, chìa cái bát không ra, bảo "Con xin mẹ bát cơm!" rồi tiện tay búng tai em út một cái cho nó kêu váng lên, và sau đó tiếng cằn nhằn be bé của mẹ. Tôi bảo "Em về!" Lê gật "ừ, chúc em hạnh phúc, duy có điều mong em nhớ đến trò chơi hôm nay và hôm qua!". Tôi sững người, bật khóc trong tay Lê. Tôi đã 21 tuổi, tuổi không dành cho những trò chơi...
NTTB - (Đại học Duy Tân - Đà Nẵng)

Hết


Xem Tiếp: ----