Chương 1

Cử điệu cụ Chánh khoan thai, mang vẻ mực thước, phù hợp với lứa tuổi lão thành và chức vị chủ tịch hội Đạo Binh. Sau khi cẩn thận ráp bản giấy được in sẵn thứ tự tiết mục của buổi họp vào chiếc kẹp cho ngay ngắn, vuốt một góc giấy hơi bị cong bởi cánh tay áo vét vô tình cạ phải khi cử động lúc di chuyển cuốn Thủ Bản Đạo Binh nơi phía trái về đàng trước mặt, cụ chăm chú từng nét, ghi ngày tháng của buổi họp hàng tuần, đoạn liếc qua chiếc đồng hồ đeo taỵ 3 giờ 51 phút, 9 phút nữa mới tới giờ họp, vả lại ba hội viên vẫn chưa tới, cụ quay sang hội viên ngồi bên cánh trái giọng điềm đạm mang phần nào đắn đo:
- Không hiểu thời buổi này ra sao mà mới mấy năm nay sinh ra lắm thứ đạo, nào là đạo thờ quỷ, đạo uống nước tắm vô thượng sư, đến bây giờ lại nổi lên thứ đạo thiền... Có lẽ sắp đến ngày quỷ vương ra đời rồi chăng!
- Thưa cụ, đạo thờ quỷ nghĩa là gì và thế nào mà uống nước tắm cũng được gọi là đạo?
Tám hội viên hiện diện đang nói chuyện thăm hỏi chờ giờ khai mạc chợt ngưng bặt, và mọi con mắt đổ dồn về phía cụ Chánh bởi người hội viên lên tiếng hỏi hơi lớn. Bầu không khí hòa nhã thân thiện tạo thành do những người cùng tổ chức nơi phòng họp bỗng trở nên nghiêm trọng trong khi cụ Chánh ngập ngừng chừng như khó khăn lắm mới có thể buông ra câu trả lời lập lững bằng cách tóm tắt một tin đứa cháu gái vừa nói cho biết sáng nay:
- Nghe đâu cảnh sát mới cứu được một người đàn bà bỏ trốn khỏi buổi tuyên thệ bán linh hồn cho quỷ bằng hành động uống máu ăn thề của một nhóm người thờ quỷ tại tiểu bang Texas. Chị ta sợ quá đến nỗi phải đưa vào nhà thương điều trị.
- Câu truyện này được chiếu trên truyền hình vào giờ tin tức tối hôm quạ Anh Kính tiếp theo lời cụ Chánh khiến những con mắt chuyển hướng về người thanh niên xưa nay nổi tiếng cứng lòng nhưng ngược lại rất nhiệt thành, mộ đạo.
+++
Sở dĩ Kính bị mọi người cho là cứng lòng bởi anh dám đặt vấn đề để đưa ra nhận định về tất cả những gì mọi người xưa nay đã được dạy dỗ phải tin theo hoặc chấp nhận không dám thắc mắc như những luật điều tôn giáo hay luân lý. Đưa ra những nhận định thực tại cuộc sống, lối giải thích dám lột trần mặt trái tâm lý bình thường đến nỗi có những câu nói ngược hẳn lại với những ý nghĩ hoặc quan niệm mọi người đều cho là đúng và tin tưởng từ xưa tới naỵ Những ý kiến của Kính đã khiến người nghe cảm thấy nhức nhối, e sợ vì chúng lột trần, phanh phui thực trạng tâm lý ai cũng muốn che giấu tận đáy tâm tư hoặc không dám nghĩ tới. Chẳng hạn, có lần trong một bữa nhậu với mấy người bạn, đề tài sự đối xử giữa vợ chồng để tạo dựng một gia đình ấm êm được nêu lên. Người cho rằng điều quan trọng nhất là sự tin tưởng lẫn nhau; kẻ nói phải yêu thương thực sự và nhường nhịn vì một câu nhịn là chính câu lành; lại có đề nghị bổn phận người chồng là phải lo sinh kế cho mọi người trong gia đình được đầy đủ không nên để vợ phải đi làm...
Sự êm ấm trong gia đình xưa nay vốn là ước mơ của mọi người vào mọi thời, Kính nghĩ. Lẽ tất nhiên, những gì ước mơ đã tự nói lên mình chưa có điều ấy hoặc có chưa đủ vì nếu đã có, đã được thỏa mãn, đâu ai cần gì mong muốn mà có chăng thực hiện cho có thêm. Thế nên, còn ước mơ có gia đình êm ấm tức là đã và đang không êm ấm hoặc thấy sự êm ấm quá mỏng dòn. Nhận định như vậy, vấn đề cần giải quyết phải là sự tìm hiểu lý do tạo nên những rắc rối trong gia đình. Đồng ý rằng, cuộc đời này không ai giống ai từ thể chất đến ý nghĩ, tư cách, hoặc tâm hồn... Ai cũng có thể thấy rõ, mới chỉ thử nói tới nấu nồi cơm, anh thích ăn hơi khô, chị muốn hơi nhão... Thực tế mà nói, đem nhốt hai con người khác biệt từ thể chất tới tâm hồn lại với nhau ngày này qua ngày khác, tháng nọ tới năm kia, những cái nóc nhà còn được đậy hờ trên mấy đầu cột phải là phép lạ cả thể nào mấy ai để ý. Tuy nhiên, đứng ngoài ngó vô, hình như cặp nào lục đục bao nhiêu lại thương nhau bấy nhiêu... thế nên càng lộn xộn ẩu đả bao nhiêu, càng đông con nhiều cháu bấy nhiêu. Có thể họ hao tốn biết bao công sức để thực hiện lời nhận định của tiền nhân: "Thương nhau lắm cắn nhau đau." Vậy những bất đồng, những lục đục trong gia đình tự đâu rả Ông chồng thích nhậu; bà vợ không muốn hầu hạ đám khách khứa say sưa... Ông chồng thích có chiếc xe mắc tiền chạy cho oai; bà vợ muốn sửa sắc đẹp cho đổ nước nghiêng thùng. Thế rồi không ai chịu ai vì ai cũng cho ý mình là đúng nên muốn người phối ngẫu phải chiều theo. Bà vợ lý luận, xe nào không là xe; mình cần phương tiện di chuyển chứ mua cái xe mắc tiền thì trở thành ông nọ bà kia hay sao! Thử hỏi, ông chồng nào không ngon, không là chủ... mà mua xe mắc tiền thì đâu phải chỉ mình ông ta xài... Hơn nữa, có ông chồng nào ngu dại muốn vợ mình sửa sắc đẹp cho thiên hạ ngó đâu, lỡ bà xã đương có da có thịt một chút bị những cặp mắt sắc như dao cạo chiêm ngưỡng ốm bớt đi thì sao... Và rồi lý ai cũng hay, lẽ ai cũng là khuôn mẫu cho người khác thì phải va chạm kẻo êm ấm quá thiên hạ không biết có hai nhân vật quan trọng hiện diện trên cõi dương gian! Mới đơn giản nhận xét như thế, nguồn gốc mọi sự lộn xộn trong gia đình là ước muốn riêng tư của mình, chỉ ý mình mới quan trọng, còn lẽ thích của người phối ngẫu không đáng được để ý. Chỉ kiểu cách, lối sống của mình là hay, là đúng, mà người phối ngẫu nên hoặc phải theo, không theo thì uốn cho theo; uốn bằng lời nói nhỏ nhẹ, lỡ vợ hay chồng nặng tai không nghe thấy thì hét lên cho rõ. Hơn nữa, đa số những cặp vợ chồng đều bị điếc lắm khi... Cuối cùng, kẻ điếc làm sao nghe nên cái nồi bay, cái chén bể mong gây chú ý... nếu không thèm chú ý thì đục... cho vào khuôn mẫu của mình! Khi mọi sự răm rắp tuân theo một mệnh lệnh thì thuận hòa, êm ấm!... Khổ nỗi, dẫu ai cứng cổ đến mấy, nó vẫn có thể quay bên nọ, quặt bên kia do đó cứ hay bị trật đường rầy... thành ra hay mất êm ấm. Đàng khác, xét theo nhu cầu nhân sinh, mọi cố gắng tạo dựng gia đình êm ấm chỉ là cổ võ sự ích kỷ của mình. Mình nào có được sinh ra chỉ để yêu thương vợ mình đâu vì chẳng có bà này thì mình có bà khác, cũng như chẳng có mình thì bà ấy có người đàn ông khác, đâu phải không có bà ấy thì mình ở vậy hoặc không có mình thì bà ấy không chịu lấy ai. Không có mình, biết bao người trong cuộc đời này nào có ai ở giá đâu! Thử dám nói thật lòng, đã chắc gì mọi người lập gia đình chỉ vì thực lòng yêu thương người phối ngẫu hay còn bị biết bao yếu tố tâm lý, xã hội, ảnh hưởng hoặc vì mục đích nào đó hay bị ép gả cho hợp môn đăng hộ đối... Hơn nữa, trước khi lấy vợ, cưới chồng, một người tự đã cảm thấy thiếu thốn bạn đời nên kiếm cho mình chứ đâu phải vì người ta cô đơn do đó đem lòng thương hại, hy sinh cả cuộc sống làm tôi tớ cho niềm vui của kẻ khác! Như vậy, lấy vợ, cưới chồng là vì mình chứ không phải vì người khác. Ai cũng ích kỷ, nói rằng yêu thương vợ con hay yêu thương chồng con chứ thực sự tất cả chỉ vì mình mà thôi. Thử xét về tính chất yêu thương, chắc chắn mọi người yêu thương tay chân, thân thể của mình hơn bất cứ người nào hay vật nào nhưng đâu ai muốn bàn tay mình sáu hoặc bốn ngón hoặc mập hay ốm hơn... mà chấp nhận, nó thế nào đành chịu vậy, nếu chẳng may có chuyện bịnh hoạn hay bị thương thì chỉ lo lắng chạy chữa mà thôi. Như thế, yêu thương tay chân, thân thể mình là tôn trọng chúng và không bắt chúng phải trở nên bất cứ gì mình muốn... Nghĩ thì như thế nhưng Kính lên tiếng rất ngắn gọn,
- Theo tôi, muốn có gia đình êm ấm, muốn tránh những sự rắc rối lộn xộn thì đành chấp nhận người phối ngẫu, cần biết tôn trọng họ; muốn sao, hãy để họ được như vậy, chẳng nên bắt ép theo ý mình bởi mình nào có thể sống theo khuôn mẫu của họ đặt ra đâu! Không biết tôn trọng người phối ngẫu như tay chân, thân xác mình, chỉ là người lạm dụng.
- Chú mày nói thế thì vợ chú mày ngoại tình chú mày cũng đành muối mặt chấp nhận à? Hèn thế thì sống làm chi?
Rượu bia đến độ sừng sừng giữa đám bạn bè quen biết lâu ngày, lời nói nào ai cần để ý. Một anh bạn mặt đỏ bừng vì rượu, oang oang phun cả nước miếng kèm theo lời nói như chứng tích phụ diễn tính chất hùng hồn bảo vệ luân lý nhân nghĩa đạo vợ chồng xưa naỵ Tuy nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy, mặc dầu lời nói trong lúc ăn nhậu nhưng không kém phần sắc cạnh vì muốn đẩy kẻ đối thoại vào đường cùng hầu che lấp thực tại không muốn được nhắc đến. Câu hỏi coi bộ đơn giản mà thực ra bao gồm sự tính toán cũng như khích động tự ái người đàn ông đồng thời khơi dậy tính chất luân lý xã hội để kêu gọi phái nữ hùa theo hỗ trợ. Chẳng những thế, chĩa mũi dùi vào một điểm và chứng minh điều đó không thể được mọi người chấp nhận, tất nhiên những gì liên hệ tạo thành cơ cấu lý luận của đối phương cũng theo đó bị phá nát.
Kính không vừa, được sáu bẩy chai bia Heineken hỗ trợ lòng hăng hái, anh giáng thêm một đòn diễn giải kéo phe phụ nữ về phía mình bằng cách nêu lên nhận thức thực tại nội tâm mọi người thường hay tự trốn tránh hoặc ít khi để ý,
- Nếu anh thực sự yêu thương vợ thì dù chị ấy thế nào chăng nữa anh cũng đành chấp nhận dẫu muối mặt hay không, và dẫu chị ấy thực tình chung thủy hoặc thương anh hay không thì đó là quyền tự do của chị ấy. Nếu anh chỉ thương vợ vì chị ấy chung thủy tức là đã có điều kiện, đó chỉ là sự trao đổi, không phải yêu thương...
Đúng là câu nói ngang ngược chưa ai đã bao giờ dám nghĩ đến phương chi phát biểu giữa chốn công cộng khiến mọi người cảm thấy hơi bàng hoàng. Và thế là như đụng phải lửa, một người khác vội che lấp,
- Anh Kính à! Anh quan niệm như thế cũng đúng thôi, nhưng thử hỏi, anh đã có vợ đâu mà biết gì về tôn trọng hay yêu thương hoặc điều kiện với tự do...
Câu nói nhẹ nhàng nhưng không kém sắc sảo khóa miệng đối phương đại khái mang ý, "Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe" bởi dựa trên sự thực cần phải được cảm nghiệm mà người nào chưa bao giờ kinh nghiệm sẽ không có quyền phát biểu. Kính vừa định lên tiếng thì đã có kẻ bồi thêm,
- Xưa nay quí cụ thường nói, "Trai năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên một chồng." Lý do gì và bằng chứng nào để chồng phải chấp nhận vợ làm những chuyện như thế? Một người trong bàn nhậu viện dẫn lời xưa hòng minh chứng quyền hành của người chồng.
Kính chợt tỉnh rượu vì câu hỏi dùng quan niệm quen tai đến độ nhập tâm mọi người chủ đích dồn mình vào thế bí mang ý đánh phủ đầu và cố tình lạm dụng câu nói của người xưa để bào chữa. Anh này dựa vào lời xa xưa ấy để mà sống, làm gương mẫu rập theo thì đâu dám sống cho mình và như vậy anh sống cho quá khứ, cho những gì đã chết không thể thay đổi được. Anh chỉ nên nói cho chính anh mới hợp lý hợp tình. Tại sao thực tế chúng ta không chấp nhận một ông hai vợ hay hơn hoặc một bà vài ba chồng trong khi lòng cứ bo bo toa rập câu nói "Trai năm thê bẩy thiếp"? Anh đã bao giờ dám nghĩ tới sở dĩ câu nói đó được phổ biến vì đã có thời kỳ người đàn ông coi đàn bà như món đồ giải trí bởi vào thời điểm xa xưa ấy người ta không ý thức đủ giá trị một con người hay không? Anh đã biết xử dụng câu nói nhưng đã bao giờ tìm hiểu nữ giới họ cảm thấy thế nào trong kiếp sống lấy chồng chung chưa? Đã bao giờ anh được nghe bà nào đó nói về tâm trạng của kẻ có chồng lang chạ chưa? Đâu thiếu gì bằng chứng cụ thể nếu mình để ý đôi chút. Không nói đâu xa, lòng đau thế nào khi tưởng tượng vợ mình ngoại tình thì người đàn bà họ cũng cảm thấy đau như vậy. Thật ra, họ chỉ vì danh dự của chồng mà cắn răng nín nhịn thế nên các ông giả mù sa mưa làm tới đến độ có người đã thiếu ý thức, chỉ chạy theo cảm khoái nhất thời tự biến mình thành con chó đực. Tuy nhiên, thử đặt vấn đề, đâu phải tự nhiên một người ngoại tình, mà có lẽ, phải có khá nhiều yếu tố cấu tạo và thúc đẩy một người ngoại tình dẫu những yếu tố này tùy thuộc tâm sinh lý hoặc sự đối xử giữa vợ chồng. Đâu phải đột nhiên một người đàn bà đã có chồng ham muốn theo trai, hoặc người đàn ông bỗng chốc bỏ bê vợ con theo đuổi một bóng hồng. Không ông chồng nào có người vợ nết na duyên dáng có thể ham muốn một người đàn bà khác bết bát hơn vợ mình, hoặc chẳng bà nào bỏ chồng thanh lịch theo đuổi tên đứng đầu đường xó chợ. Tất nhiên phải có lý do nào đó chúng ta không được biết đã lâu ngày lâu tháng tích tụ thành động lực thúc đẩy một người làm những chuyện chẳng ngờ. Nói cho đúng, chuyện đó chẳng ngờ đối với mọi người nhưng thực ra nó lại là chuyện phải đến đối với kẻ trong cuộc vì chính người phối ngẫu có thể đã không chịu tìm hiểu, không dám suy nghĩ phương cách tạo dựng lối sống xây dựng gia đình mà cứ rập theo những điều chẳng nên nhưng hợp ý mình và lấy đó làm khuôn mẫu tạo thành thái độ vô tình lạm dụng người bạn đời... Không ai chấp nhận câu nói "Chồng ăn chả, vợ ăn nem" nhưng tại sao trên đầu môi, chót lưỡi lại cứ luôn miệng "Trai năm thê bẩy thiếp"? Mấy câu nói cổ hủ được nhai đi nhai lại một cách thiếu ý thức làm hư cả não trạng con người một ngày nào đó phải được đem ra xét xử. Đồng ý rằng cần ghi ơn các bậc tổ tiên về những điều tốt lành, những lời khôn ngoan truyền lại giúp con người sống ý thức hơn nhưng đồng thời không nên quên đã có lắm kẻ đồi trụy ghi vào lòng dân tộc những điều thối nát chẳng nên. Bởi vậy, mỗi người cần dám nhận định rõ chính mình vì nếu mình đã chẳng ra gì, không dám suy nghĩ để tạo dựng lối sống hòa hợp, êm ấm cho gia đình, tại sao cố ép người khác trở nên gương mẫu, tốt lành? Thực ra, nếu đặt câu hỏi mình muốn người bạn đời phải thế nào, chắc chắn rằng nay mình muốn họ thế này, mai thế khác bởi chính mình có bao giờ biết rõ muốn gì đâu... Ý nghĩ thoáng qua trong trí óc, Kính lên tiếng,
- Tôi chỉ đặt vấn đề sống thế nào để vợ tôi không thể trách được chứ không dám nghĩ đến bắt bà ta phải như thế nào. Mình sống không xứng đáng cho nó phục mà ngược lại để nó khinh thì nó ngoại tình không có chi lạ; đó là lỗi tự mình. Như vậy, đã là lỗi tự mình còn trách chi ai, chẳng lẽ đem mình ra mà bắn hay tự tử? Tôi cảm thấy nói ra thì ngọng miệng, nhưng xét kỹ, tôi không thấy thẹn vì tâm tình ngay thẳng của mình là đủ. Hơn nữa, theo tôi nghĩ, người nào không dám nhận định tìm con đường ý thức để sống có thể được coi chỉ như một thân xác biết thở vì sống cũng như chết, sống thừa, chỉ làm giá sinh hoạt thêm mắc mỏ thì còn nói chi đến vợ và con. Thực ra, dám nói lên điều suy nghĩ có thể các anh các chị bảo tôi sợ vợ nhưng hùa theo những hủ tục, tôi cảm thấy hèn và đểu làm sao ấy...
- Anh Kính xưa nay nổi tiếng ngang mà sao bây giờ giảng thuyết hay quá khiến chị em chúng tôi cũng nở lòng, mát ruột. Một người đàn bà trong nhóm lên tiếng.
- Chị đừng mừng vội, Đặng chen lời và hướng về phía Kính. Nói như chú mày vậy xưa nay phía đàn ông chúng ta là phường đểu cáng hết à? Cuộc đời phải có kẻ trên người dưới, phải có tôn ty trật tự chứ nếu không, cứ cá mè một lứa thì loạn. Đầu phải ra đầu, đuôi phải ra đuôi, đâu thể nào chấp nhận cuộc sống của họ hàng nhà tôm!