Cha Hoàng hơi ngạc nhiên về những lời đắn đo của Kính nên tóm tắt bằng mấy câu coi bộ khá nghịch lý và khó hiểu đồng thời phải nói chặn trước nếu bàn luận chỉ tạo thêm những phiền hà. Tại sao anh ta lại nhận ra Phúc Âm có những câu vừa khó nghĩ vừa nghịch nhĩ vì không dễ gì có ai dám đặt vấn đề nghịch nhĩ mà thường chỉ dám chấp nhận nghĩ chưa tới. Anh ta nghĩ gì khi nói có lẽ mình cũng đã trải qua chặng đường mù tối... Anh này coi bộ ăn nói chững chạc nhưng ý tứ ngang tàng, chắc chất chứa nhiều suy tư, ngài lấy tiết canh một cách chậm chạp vì tâm trí còn đang vướng bận ý nghĩ về Kính... Trong lúc Kính lại đang nhìn đĩa tiết canh di chuyển theo cử điệu của vị linh mục trẻ; chiếc muỗng được lật nghiêng dùng cạnh cắt lấy một phần nhỏ rồi gạt xuống chén, sau khi trả đĩa tiết canh về chỗ cũ, ngài lại dùng đũa chia phần nơi chén làm ba rồi vắt chanh, lấy thêm lá thơm. Những chi tiết nhỏ nhặt gọn ghẽ không qua khỏi con mắt Kính, dẫu chỉ sửa soạn một miếng ăn đã có sẵn mà phải chuẩn bị cặn kẽ như thế hèn chi một vài lời nói coi bộ diễu chơi đã trở nên khó hiểu... Cha Hoàng nâng chén, chợt ngước lên thấy Kính vẫn chưa gắp thức ăn, - Anh Kính, sao chưa bắt đầu? - Vâng, xin mời cha, con phải từ từ cho nước thánh thấm rồi ăn mới phê... Sao hôm nay thứ bẩy mà cha có thể về đây thăm sòng bài... - Phải nói định thăm sòng bài chứ đã xuống đâu... Sáng sớm tôi dâng lễ, chiều một đám ma, mười một rưỡi ngày mai tôi mới dâng lễ nên gặp hai ông này rủ đi xem sòng bài do đó theo cho biết... - Vậy lỡ có chuyện cần kíp ở nhà xứ... - Thì chuyện phải đến sẽ đến nhưng chẳng có mình còn cha xứ hoặc các cha khác... - Sao con thấy người ta nói các cha bận lắm... - Bận có từng lúc thôi... Nhưng có lẽ bởi tôi có hai mươi lăm giờ một ngày nên rảnh hơn. Ăn thôi, chút nữa mình nói chuyện... Quay qua Long và Hải, ngài nói, - Ăn xong nếu hai anh xuống sòng bài, tôi sẽ ở đây đợi... Cỡ mười rưỡi hai anh trở lại rồi mình về... - Anh Lữ đưa anh Long và anh Hải đi thăm tàu, em ở nhà dọn dẹp... chị Lữ đề nghị. - Được, hôm nay em đề nghị chí lý... Nhân tiện có cha Hoàng, tha hồ cho em nêu ý kiến... - Có chuyện gì mà anh nói lây cả đến tôi nữa? - Suốt từ hai giờ chiều đến bây giờ... Kính và nhà con bàn luận về Kinh Thánh... Tiện dịp có cha trong nghề có lẽ sự cùng sẽ tắc biến và đã biến chắc chắn phải thông... - Hèn chi ban nãy anh Kính nêu lên rắn ăn đất... Nhưng anh mời tôi về nhà theo ý anh hay theo ý của chị ấy? - Ơ cha, tại sao lại có ý con trong ấy... Nhà con gặp cha nên mời về chứ con có biết gì mà ý kiến; con chỉ phu xướng phụ tùy bộ cha không thấy sao? Chị Lữ phân bua. - Anh Lữ vừa mới nói tha hồ cho chị nêu ý kiến thì vì chị mà anh ấy mời tôi về đây chứ nào có ý tốt lành gì! Anh ấy mượn bàn tay người đập đá... - Như vậy cha muốn nói con lắm mồm lắm miệng nên nhà con chịu không nổi phải mời cha về sửa tri... - Mọi người mắt thấy tai nghe chị Lữ vừa tự khai... Tôi biết mà, giấu đầu riết rồi cũng lòi đuôi lại còn đổ thừa cho là thấy tôi lang thang nên mời về... - Không nói giấu gì cha và các anh, nhà con cũng dễ thương lắm nên con mới dám mời cha và hai anh không cần hỏi ý kiến đó chứ! - Vậy nếu chị lắm mồm miệng thì đã có chuyện xảy ra phải không... À thì ra thế! Như vậy, phải có lý gì... - Người ta bảo, "Anh em chém nhau đàng sống" nên vợ chồng... Long hùa theo... - Mượn tay người đập đá... Hải chêm vô... Kẻ nâng, người hứng, gây bầu không khí vui nhộn... Kính thừa cơ hội buông câu hỏi thử, - Nhưng tại sao lại có câu "Anh em chém nhau đàng sống"? Kính đặt câu hỏi nhẹ nhàng giữa bầu không khí cởi mở nhưng mọi người chợt nhận ra câu hỏi mang vẻ khác lạ vì đặt vấn đề về lời nói bình thường nên hơi ngỡ ngàng chưa ai biết nói sao... - Có gì đâu, vì chém đàng sống khó chữa hơn... Cha Hoàng giải thích. Câu hỏi đã mang vẻ ngô nghê, câu trả lời lại nghịch thường... làm Kính cảm thấy nhận xét của mình về cha Hoàng có lý. Xưa nay đâu ai dám nghĩ đến chém đàng sống khó chữa lành hơn mà chỉ kinh nghiệm chém đàng lưỡi mang vết thương nặng nề hơn... Chỉ vài lời nói "chém đàng sống khó chữa hơn" đủ chứng minh sự thâm trầm trong ý nghĩ mặc dầu bên ngoài như bông cợt... Những người lòng dạ đơn sơ nói điều lỗ mãng dù đụng chạm, mất lòng nhưng rõ ràng, bộc bạch... Kẻ mưu đồ coi bộ ăn nói nhẹ nhàng quyến rũ chỉ là cạm bẫy đẩy con người vào đường cụt... Lời nói nghịch thường mang ý tứ sâu xa khiến kẻ nông cạn dễ bị vấp phạm. Hèn chi... Kính còn đang mãi suy nghĩ ý tứ câu trả lời ngược ấy, kỹ sư Long đã vội lên tiếng, - Dẫu khó chữa cũng không bằng chém đàng lưỡi vì chết rồi thì còn gì để chữa. Câu nói rõ như một cộng một là hai mà vẫn có thể giải thích ngược lại... Nghĩ cũng hay... Long nêu vấn đề cũng có lý nhưng vẫn bị gò bó thuận chiều phiếm diện, Kính nghĩ, để thử xem cha Hoàng nói sao, anh bèn giả say giả tỉnh nói, - Thì có bao giờ một cộng với một không là hai nhưng người chém và kẻ bị chém phải là ba chứ? Chị Lữ cảm thấy hơi lạ, cả buổi chiều Kính ăn nói thật chững chạc chứng tỏ một tâm hồn hiểu biết và một kiến thức rộng rãi thế sao lại nói câu này... Anh Lữ, Long, và Hải cũng nhìn Kính, hình như câu nói thức tỉnh họ nhận ra điều tầm thường mang tính chất đặc biệt nhưng chưa bao giờ được nghĩ tới. Cha Hoàng coi bộ như không mấy để ý, vẫn tiếp tục gắp món dê xào lăn... Câu nói của Kính khiến bầu không khí như ngưng đọng làm chị Lữ cầu cứu, - Cha nghe thấy anh Kính nói gì không? - Anh Kính nói một cộng với một không phải là hai nên có thể là ba và cũng có thể là một... - Cha nói gì con không hiểu? Dược sĩ Hải lên tiếng. - Nếu một với một có thể là ba thì cũng có thể là một... - Tại sao lại là ba? - Tôi nghĩ nên để anh Kính trả lời... - Người bị chém đứt đôi. Kính nói gọn lỏn... - Và tại sao là một? - Vì không thể là hai... Kính trả lời càng mang vẻ ngây ngô và khó hiểu... - Có lẽ chỉ cha mới biết anh Kính nói gì, chị Lữ muốn phá tan bầu không khí nặng nề. Cha làm ơn giải thích để anh Long và anh Hải còn đi xuống sòng bài với nhà con... - Hồn với xác là hai, hợp lại với nhau là một người, sinh thêm tư tưởng, ý nghĩ, ý định, ước muốn tức là thành ba... Có lẽ các nhà tiến sĩ phải đặt lại vấn đề căn bản toán học... - Thưa cha tại sao? - Bởi dẫu hai thực thể đối nghịch vẫn có phương pháp hòa hợp. - Đã đối nghịch làm sao hòa hợp thưa cha! Tỷ dụ như nước và lửa hòa hợp cách nào... - Chị thực hiện thường ngày nhưng không để ý đó thôi! - Nước dập tắt lửa chứ làm sao có thể dung hòa mà cha bảo con làm hằng ngày... Chị Lữ thắc mắc... - Thế chị chưa bao giờ pha trà? - Con uống trà thường ngày mà... Ý cha muốn nói... Ah!... Hèn chi quí cụ bảo cha nói ngang... - Qúi cụ nói đúng đấy vì dẫu sao ông bẩy mươi vẫn phải học ông bẩy mốt... Đã không ý kiến phản đối hay phê bình mà dám đương đường chấp nhận, Kính nghĩ. Nói kiểu này thì muôn đời không ai hiểu. Dùng ngay câu khuyên đời bình thường để ám chỉ ý ngược lại... Qúi cụ cho rằng ngài nói ngang không sai chút nào mà sai về phần quí cụ bởi có hiểu ngài nói gì đâu. Thoạt nghe tưởng sự bình thường thế rồi in trí cho là đúng, lúc chuyển tới câu kế tiếp sẽ mù tịt, và chính vì không dám nhận thực về mình nên đổ thừa cái dốt của mình thành điều chẳng nên cho kẻ khác. Thế nào chị Lữ cũng bị hố cho coi... Kính im lặng chờ diễn tiến... - Thưa cha, ông bẩy mươi học ông bẩy mốt thì có chi là ngang... - Ngang chứ, không nấu cơm bằng rơm mà bằng bếp điện thì ngang là cái chắc... Biết ngay mà, Kính mỉm cười vì đã đoán đúng... Chưa chắc chị Lữ đã nhận ra ẩn ý ngài nói. Để coi, chị này chắc phải kêu trời như ngồi phải lửa... - Bên này làm gì có rơm mà cha nói nấu cơm bằng rơm, mà có rơm muốn nấu cơm cũng không được... Cha nói gì kỳ... - Ha! Ha! Cha Hoàng cười lớn... Ông bẩy mươi học ông bẩy mốt... - Lạy Chúa tôi! Vậy mà cha không nói sớm. Đúng như Kính dự đoán, chị Lữ như ngồi phải lửa... Cha nói như vậy thì bố ai hiểu nổi; hèn gì cụ nào gặp cha rồi cũng kêu ca... - Nào mình có thể thuyết phục được ai đâu bao giờ nên tốt nhất là không biện bác. Khi ý nghĩ nào đó đã ăn rễ sâu vào đầu óc họ rồi thì nó cũng giống như cây đinh, càng đập nó chỉ càng lún sâu vô mà thôi... Hơn nữa, khi chưa tới thời điểm cho một người thức ngộ thì lời mình nói chỉ trở thành cớ vấp phạm cho họ mà chớ. Thế nên, cố gắng làm vui lòng họ coi chừng là kiểu cách gạt gẫm bởi càng nói thật họ càng cho mình là nói ngang... và cũng chính vì họ muốn mình sống theo khuôn mẫu ưa thích của họ mà mình đã không làm... Chuyện gì chứ kiểu này không được... - Con nghĩ, quí cụ cũng già rồi thì cha rán chiều quí cụ một chút đâu có sao... Để xem ngài nói thế nào, Kính nghĩ, chị này đề nghị nghe hợp lý, hiền hòa nhưng không hợp tình. Là người ngoài cuộc nên dẫu đề nghị tốt lành đến mấy cũng chẳng khác chi đánh trống bỏ dùi, nói cho có nói hoặc nói để tỏ ra mình thế này, thế kia mà chớ. Chị này đâu biết, lừa người ta còn đem kết quả dạy khôn, nhưng chiều người ta là lối giết người một cách độc hại vì muốn hại ai thì cứ nói tốt cho họ thật nhiều... - Chị nói cũng có lý, nhưng đối với quí cụ mà làm như thế là khinh họ quá đáng. Cha Hoàng chầm chậm buông câu trả lời. - Cha nói sao, làm hài lòng họ mà khinh là thế nào? Ngài quá thẳng thắn và ngắn gọn nên những người tầm thường không ưa là phải, Kính thầm phân tích. Chưa kịp giải thích, dẫn chứng mà chỉ tóm tắt một câu kết luận... mà kết luận lại ngược với sự hiểu biết bình thường thì những người thiếu suy luận làm sao có thể hiểu nổi mà có chăng chỉ thấy tự ái bị va chạm... Âu nào khác gì thổi kèn vào lỗ tai trâu hèn chi bị nó húc! - Thứ nhất, hình thức tự nhiên của thứ tư tưởng không văn hóa là những gì tuyệt đối, một chiều, chỉ thế này mà không thế kia bởi thái độ thích những gì khuôn mẫu tuyệt đối chứng tỏ con người tầm thường. Tôi không nghĩ quí cụ qua bao năm sống lăn lộn với đời còn bị gò bó trong khuôn khổ này; vì dù sao, kinh nghiệm sống cũng đem lại cho quí cụ những sự khôn ngoan để nhận thức sự việc không phải chỉ là những gì phiếm diện có thể nhận thấy. Thứ hai, người khôn cần học nơi kẻ dại chứ kẻ dại không cần học nơi người khôn nên tốt nhất là không ý kiến, không đặt vấn đề làm hài lòng ai mà cứ để tự nhiên và như vậy mới nhận ra những gì mình cần học. Điểm sau cùng ai cũng biết, người ngu nhất là kẻ suốt đời không nói cũng không làm điều gì ngụ Như thế, chiều quí cụ sẽ trở nên kẻ lừa dối để hòng có sự thân thiện giả hình và chỉ làm mất cơ hội học hỏi sự khôn ngoan. Hèn chi tướng tá cứ tàng tàng, Kính ngạc nhiên, ngài còn quá trẻ mà đã cảm nghiệm được sự khôn ngoan nơi những thái độ đối nghịch. Có lẽ chị Lữ sẽ yêu cầu ngài giải thích... - Cha nói sao, lý do gì chiều quí cụ liên hệ đến sự tuyệt đối; vì cớ gì người khôn phải học kẻ dại... lại còn không làm, không nói điều ngu là kẻ ngu nhất... Như vậy chả lẽ cứ nói bậy nói bạ sẽ là kẻ khôn? Hỏi kiểu này tới cả năm chẳng hết, Kính nghĩ thầm, có lẽ khi mấy người xuống tầu mình phải nhào vô nói chuyện đỡ tốn giờ nghe giải thích lằng nhằng... - Người nào đã dám làm, dám nói là người phải có khả năng và dám suy luận tất nhiên có sự khôn ngoan nào đó. Lẽ thường, đã nói là sơ hở hoặc phiền hà vì tư tưởng, ý nghĩ của mình về một sự việc đâu giống mà có khi còn đối nghịch với nhận định của người khác. Làm việc cũng vậy, đã làm là có sai sẩy, thiếu sót không thể tránh được thất thiệt hay những chuyện chẳng ngờ. Người không nói sơ hở, thiếu sót là người chỉ lặp lại những điều người khác đã nói và như thế sai lầm không phải ở họ. Không làm gì sao thất thiệt hay ngu si, bởi vậy, kẻ ngu si đâu biết gì mà nói, đâu biết gì mà làm vì cùng lắm chỉ làm theo mệnh lệnh nên không bị cho là nói ngu, không bị cho là làm ngu... thì tất nhiên, là kẻ ngu nhất. Vấn đề kẻ khôn học người dại... nó đã dại làm sao biết điều khôn mà học do đó đâu cần học ai. Thế nên, chỉ kẻ khôn mới phải học từ kẻ dại để tránh cái dại. Sau hết, chỉ những người tầm thường, không dám suy nghĩ nên muốn có những điều luật, khuôn phép cố định cứ theo đó mà tuân giữ, mà sống, tránh phải đối diện với nhận thức về thực tại hay những diễn tiến đa dạng và phức tạp xảy ra nơi xã hội. Người tầm thường chỉ nhìn sự vật theo luân lý thị dục, hoặc đúng hoặc sai, tốt hay xấu... hai đối cực rõ ràng, phân biệt... Thực ra, cuộc đời này đâu phải cứ trắng thì không đen mà bất cứ chuyện gì, lý lẽ nào cũng vừa trắng lại vừa đen... tạo thành màu cà phê sữa... - Nhưng nếu cứ im lặng chấp nhận những lời đồn đãi chẳng nên thì người ta sẽ nghĩ cha thế nào và rồi những kẻ không biết nhưng cứ nghe hơi nồi chõ mà nói bậy có phải họ tự tạo cái án phạt cho họ không? - Không thể nói gì được ngoài cách chấp nhận bởi chị có thể thấy tận mắt, đâu phải vì bông Ngọc Lan hay bông Mộc Lan mà con chim đậu trên cành của chúng, nhưng chính vì những con sâu bọ trên ấy. Đàng khác, có câu nói, kẻ nào tìm cách cắn người khác, người ta có thể bị chảy máu nhưng vết thương sẽ lành. Ngược lại, cái miệng của người cắn coi chừng không còn cái răng nào và răng cũng chẳng thể mọc lại được. Tất nhiên, hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu. Thực tâm nhận xét, sự cao cả của con người sở dĩ được xem là cao cả bởi họ biết họ hèn mạt... ngược lại, ít ai nhận ra cái hèn của mình mà chỉ những kẻ chống đối mình mới nói lên sự hèn mạt của mình. Phải cám ơn họ mới đúng chứ tại sao lại đặt vấn đề hiểu lầm hay giải thích... Hơn nữa, chấp nhận những lời đồn thổi bất lợi vì chỉ những kẻ không thích mình mới không quên nhắc nhở đến mình chứ những người thân họ có thèm nhớ tới mình đâu! Đàng khác, người ta càng biết mình nhiều, càng phiền nhiều vì mình đã phần nào tự quảng bá cho người ta biết mình... Âu đó cũng là cái lầm lỗi thế tục đáng nhớ đời cho chừa tội bon chen... Nói cho cùng, chỉ đồng nghiệp mới có thể đánh giá kẻ cùng nghề vì kẻ làm ruộng sao có thể đánh giá mấy bộ trưởng, tỉnh trưởng trong chức nghiệp của ho... Chị không nhớ câu: "Chỉ đâu mà buộc ngang trời, tay đâu mà bịt miệng người thế gian," hoặc là "Lấp sông lấp biển ai lấp được miệng người" sao?... Con người là thế mà không sống với người thì sống với ai? Thôi, cứ im lặng là xong chuyện!... Phân bua, bày giải làm chi vì người thân đã biết rõ mình và những người không thích mình nào có bao giờ họ tin những gì mình nói... Không hy vọng gì chị Lữ bắt kịp những tư tưởng của ngài. Những kẻ hình thức rởm, trí khôn bằng hột thóc nên thích tỏ ra oai vọng thì mọi người lại khúm núm kiêng nể, mà người có đầu óc vượt trổi nên coi thường mọi giá trị hình thức thế tục thì họ mù lòa không nhận ra. Trời bày lắm chuyện oái oăm, kẻ khôn ngoan, thông thái thường bị phận số lận đận chận vẻ kiêu căng để tạo thành hiền nhân, nghịch hẳn lối nhìn thế tục... Ví những kẻ thiển cận như con chim bắt sâu cho cành bông, thật tuyệt vời! Thế nên, không có kẻ bới móc không biết được người hiền! Nhận định vượt hẳn hạng phàm tục nên trở thành cớ cho họ bứt rứt mà không biết làm sao giải tỏa. So sánh kết quả của kẻ cắn và người bị cắn, có lẽ khó kiếm lối nói ám định nào hay hơn. Người bị cắn cuối cùng học được sự khôn ngoan và lành lặn; kẻ cắn chỉ mang hại bản thân. Suy ra, người đã khôn thì tìm đâu cũng thấy sự khôn ngoan, còn kẻ dại chỉ là con cờ thí, sống cũng như chết chẳng gì thay đổi. Kính còn đang mãi mê với ý nghĩ nhận định, chị Lữ đã lên tiếng, - Nhưng nếu cha cứ để họ nói như vậy thật bất lợi cho cha! - Chị đã bao giờ nghĩ đến có những sự việc làm cũng có tội mà không làm cũng có tội chưa? Thực ra, xét theo tâm thức, người càng thấy mình đạo đức, càng không có đạo đức, mà càng tự nhiên, bình thường, thì đó là phong độ do lòng khiêm nhường dẫn dắt vì khiêm nhường là sống thật với chính mình. Người càng ao ước giầu có, cho dù nhiều tiền của đến mấy vẫn là kẻ nghèo hèn so với lòng tham không đáy. Người càng chứng tỏ mình tin lại chẳng có đức tin mà có thể chỉ là sự tưởng tượng hay cố bám víu điều mình nghĩ là đang có để che đậy sự e sợ trống rỗng, nói cho đúng, sự u tối của mình. Bởi vậy, kẻ nào càng cảm thấy hãnh diện về một tổ chức hoặc danh hiệu nào thì chỉ càng cảm thấy mình trống rỗng bấy nhiêu bởi vì cảm thấy không là gì nên phải dùng danh hiệu nào đó cố đắp vá cho có cảm tưởng mình là một thứ gì! Do đó, nếu đóng cửa lại không cho bất cứ một sự sai lầm, thiếu sót nào vào được thì tất nhiên chân lý cũng ở ngoài luôn bởi những người thoát được sự phê bình thì không làm gì cả, không nói gì cả, và không là gì cả. Sự thánh thiện của lửa là sức nóng, của nước đá là sự lạnh lẽo, của cây hoa là cành bông. Nếu lửa không nóng, nước đá không lạnh, cây hường không sinh hoa thì còn gì để đặt vấn đề. Ngược lại, mình không được sinh ra có đôi cánh để bay thì sự bay không thể nào là sự thánh thiện để mình phải tiến tới. Cho nên dù cố đánh lừa để người ta tưởng mình bay thì muôn đời cánh cũng không mọc ra được. Chỉ có kẻ trộm mới suy nghĩ giống kẻ trộm, ngược lại, miệng người công chính nói lời khôn ngoan. Đem những thí dụ điển hình đơn sơ ai cũng có thể nhận thấy thường ngày để trình bày sự khôn ngoan ít ai để ý, điều này nói lên tính chất suy tư thâm trầm và một tinh thần đạt quan hiếm người đạt tới. Cũng chẳng nên trách những người thiếu hiểu biết vì họ đã có những nhận định lệch lạc về ngài, Kính tự nhủ. Họ làm sao có thể nhận ra được sự khôn ngoan ẩn tàng nơi một người còn trẻ hơn tuổi con cái họ lại mang vẻ thật tầm thường, không lệ thuộc cung cách đã bao lâu nay quá quen thuộc đến độ bất cứ những gì không giống, không nằm trong khuôn khổ ấy đều bị coi là nghịch thường. Thế nhưng, nào ai đã bao giờ dám thử nghĩ tới điều "làm cũng có tội không làm cũng có tội?" Dưới những con mắt khuôn mẫu thì đúng và sai chứ không thể đàng nào cũng đúng hoặc đàng nào cũng sai. Sống thực với chính mình thì bị mọi người chê bai, giả hình với chính mình trở thành tội phạm với lương tâm, chỉ những con người thức ngộ mới có thể nhận ra điểm này. Đâu ai nghĩ tới thực sự khiêm nhường là sống thật với chính mình đồng thời cố gắng tỏ ra khiêm nhường lại chỉ là giả hình bởi còn ước muốn trở nên Phật thì vẫn chưa là Phật! Chân lý sự vật khi đã thông suốt thì lối nhìn ước định xã hội không còn chỗ đứng. Đâu ai có thể ngờ được sự toàn thiện lại mang đầy thiếu sót theo lối nhìn thế tục; trên đỉnh ngọn núi ngất trời chắc chắn không thể mang tính chất ẩm thấp nghẹt thở nơi đáy vực thẳm thì làm sao những loài giòi bọ đã quen sống ở đáy vực có thể tìm thấy chốn lý tưởng cho chúng cư ngụ? Nêu lên sự thánh thiện của lửa, của nước đá, của cây hoa để chống ngược lại sự giả hình chạy theo khuôn mẫu và hình thức phiếm diện tưởng không giả thuyết hoặc lý luận nào có thể hay hơn. Chỉ mấy lời nói suông cũng đủ chứng tỏ một tâm trí sâu sắc mà cũng tự nhiên, đơn giản... Ngài trở thành cớ cho khối kẻ vấp phạm chẳng lạ gì... Câu Kinh Thánh chợt được nhắc nhở nơi tâm tư Kính, "Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu... " phỏng hợp với dữ kiện này? Kính còn đang nhận định về những lời cha Hoàng nói thì chị Lữ lại nêu ý kiến tiếp theo, - Con nghĩ cha cũng cần giải thích cho họ hiểu vì khi một người nhận ra điều nên lẽ phải thì họ có thể phần nào tránh khỏi những sai lầm chẳng nên! Con là đàn bà do đó nhiều khi sự nhận định bị giới hạn trong khuôn khổ phái tính tạo nên cá tính chấp nhận trở thành thói quen lắm lúc làm mình bị thua thiệt bởi kẻ khác hiểu lầm. Nếu chỉ nhìn vẻ bên ngoài mà không hiểu biết gì về cha, người ta sẽ có sự so sánh không được đúng đắn, nhất là quí cụ xưa nay đã quen với những lề lối xét đoán phiếm diện. Thực ra, những điều cha giải thích con hiểu không kịp nhưng cũng được phần nào. Tuy nhiên, lòng dạ con người đâu ai hiểu thấu mà những hình thức bề ngoài thường gây ảnh hưởng đến tâm tình người đối diện. Như vậy, có cách nào để hòa hợp... ít nhất tránh cho người vô tình bị cái nhìn sai lệch... - Chị muốn nói hòa hợp những chuyện gì? - Khó cho con nói quá! Nó ngược ngược làm sao ấy... - Có phải chị muốn nói sự đối nghịch giữa tâm tư và thái độ? - Vâng, sao cha nói có mấy tiếng mà con nghĩ mãi không được. Nếu con nói sai cha cũng bỏ qua, nhưng tướng cha làm sao ấy; cha không có oai của linh mục mà lại có vẻ lè phè, ngang ngang, hèn chi không hợp nhãn quí cu... Chị Lữ hôm nay đặt nhiều vấn đề quá mà vấn đề nào cũng thôi thúc phải hành động một việc gì. Thế ra chị ta vẫn không để ý đến điều ngài vừa nói, "có những sự việc làm cũng có tội mà không làm cũng có tội!" Ban chiều mình đã nhắc đến câu của Pascal "Kẻ muốn làm thánh lại biến thành thú" mà chị này vẫn không để ý. Không hiểu ngài sẽ trả lời thế nào... Biện hộ cho chính mình, có lẽ ngài không cần, nhưng để xem! Kính cảm thấy khó có thể đoán được cha Hoàng sẽ trả lời thế nào. - Chị nói hợp lý và đúng sự thật vì sự thật cũng như chân lý, chúng bao gồm những điều đối nghịch không thể dung hòa nhưng lại gắn bó chẳng thể tách rời. Tỷ dụ, khi mình nhận ra điều gì tốt lành thì đã có sự chẳng lành. Mình còn cố gắng gò bó theo khuôn mẫu được cho là tốt lành nào đó thì mình đã tự hoang đàng... Các anh các chị thử nghĩ coi, nếu không có tội phạm nào ai cần xây nhà tù. Con người không hoang đàng đâu cần khuôn mẫu... mà tất cả những khuôn mẫu đều mang tính chất hình thức bên ngoài hầu mong ngăn cản sự thái quá nội tâm. Thế nên, thái độ bên ngoài thường ngược hẳn với tâm tình của một người. Những người thực sự có quyền lực rất ít khi và có thể không bao giờ xử dụng quyền hành; trái lại, kẻ không có quyền lực mới lạm dụng vị thế hoặc tỏ ra mình thế nọ thế kia cho kẻ khác nể nang. Bởi vậy, thường thì chúng ta chiêm ngưỡng những người sống gương mẫu nên gượng làm mẫu bởi vì còn chiêm ngưỡng thì còn chưa như thế dẫu rằng mỗi người là một mẫu gương. Mình không được sinh ra với đôi cánh mà cố gắng tập bay như chim thì đến muôn đời cũng không thể bay như chim, có chăng chỉ giả đò bay như chim để người khác tưởng mình là chim. Vì thế, nếu mình đã không phải là gì thì đâu cần phải trở thành gì! Mình đâu cần bắt chước bất cứ ai vì mình không phải là họ. Hơn nữa, chính vì những cố gắng vô bổ không đem lại lợi ích nên người ta đã quá coi trọng sự thành công hầu phần nào thỏa mãn khát vọng muốn trở thành một cái gì. Thật ra, tầm thường và lòn cúi thì việc gì cũng thành công, và bởi đó, chính những điệu bộ, những thái độ cố tỏ ra quan trọng thiếu tự nhiên chỉ là chiếc mặt nạ che lấp tự ti mặc cảm, kết quả của những cố gắng chẳng nên để có cảm nghĩ thành công. Tôi dám bảo đảm với quí anh quí chị, đa số con người đều không dám nói thật dẫu biết rằng lối đùa cợt hay nhất trên đời là nói thẳng sự thật. Làm sao mình biết sự thật nơi người khác nên dám nói thẳng sự thật nơi mình là dám sống thật với chính mình, mà sự thật thì lại ngây ngô nên người có bản lãnh rêu rao cái ngớ ngẩn của mình đâu cần đến những hình thức giả tạo che lấp... Như vậy, nếu mình đã không phải loài chim thì cứ thản nhiên đi bộ, chẳng cần tập hay giả hình bay nhảy như chim... và tất nhiên sẽ không có điệu bộ loài chim dẫu mọi người chiêm ngưỡng vẻ cao vời tự tại của giống cầm... Ít ra phải như thế, Kính thầm nghĩ, cái vẻ bất cần gần như lè phè bên ngoài che dấu sự thức ngộ thâm sâu hèn chi khó được nhận ra. Nguyên nhân nào đã dẫn dắt ngài đạt tới trình độ này... Ngài còn quá trẻ để có thể nói gặp thất bại. Sáu năm trong chức vụ linh mục thì giỏi lắm mới gặp vài ba trường hợp khó xử giới hạn nơi một giáo xứ trong khi nhận thức của ngài lại bay bổng vượt khỏi những ước định xã hội. Đâu dễ chi có được sự thức ngộ "Đã không phải loài chim thì cứ thản nhiên đi bộ" mặc dầu sự việc tầm thường này ai mà không biết nhưng ý thâm sâu lại không dễ chi ghi nhận. Kinh nghiệm phải già dặn thế nào mới hiểu được người dám rêu rao cái ngớ ngẩn, ngây ngô của mình là lối đùa cợt hay nhất? Tự đâu ngài cảm nghiệm được cái giá phải trả của sự ham muốn thành công? Đâu ai có thể ngờ thái độ bên ngoài của một người lại đối nghịch với tâm tư! Điều làm Kính ngạc nhiên nhất là ngài đưa ra những yếu tố đối nghịch không thể dung hòa lại gắn bó nơi cùng một chân lý... Lối giải thích quá ngược ngạo nói lên thực thể sự kiện giúp mở rộng tầm suy xét, chướng tai mà thâm trầm, u mặc, khiến kẻ nào nông nổi chắc phải bực mình... Ngược lại, tất cả lý luận và dẫn chứng quá đơn giản mà ý tứ hiện thực, sống động, ai cũng có thể kiểm chứng ngay tại cuộc sống của mình và biến thành động lực thúc đẩy con người tự đặt vấn đề về chính mình... Phải hỏi cho biết nguyên nhân nào, Kính định bụng... Kỹ sư Long và dược sĩ Hải đã ăn xong nên anh Lữ cùng với họ xuống sòng bài. Cha Hoàng và Kính ra phòng khách dùng trà trong khi chị Lữ lo thu dọn bàn ăn... Nhân cơ hội này, Kính lên tiếng, - Con có một số thắc mắc nhưng nghĩ đi nghĩ lại chẳng hiểu có nên hỏi không vì con thấy hỏi cũng không cần thiết lắm mà không hỏi thì cứ luôn luôn ôm ấp nghi ngờ. Có điều, con hơi ngạc nhiên nên muốn biết nguyên nhân nào đã giúp cha có được lối nhìn khác hẳn với những quan niệm bình thường... Mình đã nghi anh này có chiều sâu hiểu biết mà có lẽ đúng. Không hỏi những sự đúng sai, nên hay không nên, mà lại đặt vấn đề căn bản nhận định... - Anh hỏi như vậy khiến tôi muốn biết anh thích cuốn sách nào nhất trước đã mới có thể trả lời được... Ngài dọ dẫm gốc gác mình ở đâu để ngăn ngừa sự đối nghịch quan niệm và có thể cũng định xét xem mình thuộc loại người nào... Âu cũng là điều hay nên học... - Con thích nhất cuốn Kinh Thánh đặc biệt là phần Phúc Âm, nhưng con cảm thấy rất khó hiểu và hình như những gì được viết có vẻ chống ngược lại tất cả những sự hiểu biết về nghi thức hoặc cách thức thực hành tôn giáo... Mình là linh mục mà anh này lại cho rằng Phúc Âm chống lại những hiểu biết về nghi thức và cách thực hành tôn giáo... Anh ta nói thật lòng hay muốn khởi sự cuộc đấu lý... - Tôi không muốn tranh biện vì mỗi sự việc, mỗi sự vật có lý riêng của nó; đồng thời tôi cũng không muốn nói đến sự đúng sai, phải trái, vì đúng với tôi chưa chắc đúng với anh và ngược lại, tùy theo quan điểm mỗi người. Tuy nhiên, tôi muốn hiểu rõ hơn về điều anh nói Phúc Âm viết chống ngược những gì và như thế nào về tôn giáo. Anh hiểu tôi muốn nói gì chứ? Mình đề xướng câu hỏi lại biến thành bị thẩm vấn... Sự rào đón này cũng có lý vì tránh được những điều cải vã chẳng nên... - Con nói thật tình, nhận thấy sao đặt vấn đề như vậy để tìm hiểu và suy luận. Con cũng không thích đấu lý hoặc tranh biện suông... - Anh chỉ mới đưa ra hai câu hỏi đã bao quát tất cả những điều khôn ngoan nơi Phúc Âm đồng thời chiếu rọi tới sự thực hành tôn giáo. Hai câu hỏi này tôi chỉ có thể tóm gọn bằng hai câu Phúc Âm, Mác Cô đoạn 1 câu 15 và thư thứ nhất gửi Thessalônikê đoạn 5 câu 21. - Hai câu đó, một câu nói rằng "Phỏng khi Con Người trở lại có còn thấy được lòng tin trên mặt đất nữa chăng," còn câu kia như thế nào con chưa bao giờ để ý; cha có thể cho con biết được không. - Câu đó chỉ đơn sơ nói, "Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự." Thực ra câu này được đi kèm với hai câu 19 và 20, "Đừng dập tắt Thần Khí! Đừng khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kị điều dữ, bất cứ dưới hình thức nào!" Mình đọc mấy thư thấy hình như được viết dưới quan điểm khuyên bảo các tín hữu sống tốt lành hơn, coi Phúc Âm như những bài học luân lý, và xử dụng Tân Ước cũng như Cựu Ước theo nghĩa từ chương được phụ họa bởi luận lý một chiều. Như vậy, chính những thư nơi Tân Ước làm người ta hiểu lầm Phúc Âm, sao có thể có câu nói đối nghịch với sự giảng dạy của giáo quyền Công Giáo như thế này! Phỏng câu này thuộc về thư mục vụ của thánh Phao Lổ Kính nghĩ thế nên dọ dẫm, - Như vậy, phỏng xưa nay mọi người đã bị cấm đoán một cách chẳng nên... - Anh muốn nói bị cấm đoán thế nào và về những điều gì? - Nếu con không lầm thì Kitô hữu không được tùy tiện giải thích Kinh Thánh theo sự hiểu biết cá nhân ngoài đường lối đã được chính thức công nhận của giáo quyền và thường thì lại đặt nặng về vấn đề truyền thống. Ah! Anh này có trình độ nhận thức khá cao nên đem ngay cái truyền thống gò bó này lên bàn mổ. Thật ra, không cấm đoán thì cũng chẳng mấy ai để ý mà khi đã có người được sinh ra làm những chuyện ngược lại cấm đoán đó thì có cấm cũng chẳng được, cùng lắm là cho rằng người ta không nghĩ giống mình rồi tự cho mình quyền chối bỏ người khác chứ được ơn ích gì đâu! Phỏng nơi giáo quyền có vị nào hơn được Phao Lô mà chính Phao Lô đã đưa ra lời khuyên cảm nghiệm như thế; chuyện phải đến sẽ đến, những cấm đoán này chẳng sớm thì chày cũng bị xóa bỏ giống như vụ án Galiléo mà chớ... Nhưng chẳng nên nói ra làm gì vì lợi đâu không thấy lại mang tiếng không tin vào lời dạy của Giáo Hội... - Không phải mọi Kitô hữu đâu mà chỉ tín hữu Công Giáo mới bị ngăn cấm như thế! - Thưa cha tại sao? Phỏng như vậy là ngăn cấm tự do tư tưởng. - Không phải cấm đoán tự do tư tưởng bởi một người nghĩ bất cứ gì mà không nói ra thì đâu ai biết, và ai có thể ngăn được ý nghĩ của một người. Có chăng chỉ giáo dục, nói cách khác là nhồi sọ cho một số quan niệm tín ngưỡng căn bản theo đường hướng của tổ chức. Có thể vấn đề này chỉ giống như thống nhất hóa quan niệm của các thành viên. Ai quan niệm như những điều Công Giáo quảng bá thì thuộc về tư tưởng Công Giáo, ai nói lên điều gì không giống thì không phải là tư tưởng Công Giáo, chẳng gì hơn, chẳng gì kém. - Như vậy cha có nghĩ rằng có sự hơn kém nếu so sánh Công Giáo với các tôn giáo khác không? Anh này muốn đạt tới kết luận nào mà hỏi vòng vo về tôn giáo, cha Hoàng tự hỏi. Nói chuyện về tôn giáo nào ích lợi chi sao lại còn đặt vấn đề so sánh hơn kém. Hay là anh ta nghĩ rằng mình cũng chỉ lo bảo vệ tổ chức thế tục như mọi người... - Tôn giáo chỉ là một tổ chức nhân sinh mang nhiệm vụ hướng dẫn con người tới ngưỡng cửa tâm linh. Mỗi người có con đường tâm linh riêng không ai giống ai và cũng không ai có thể giúp ai. Vấn đề này cũng giống như ăn uống, chẳng ai có thể ăn dùm người khác. Tuy nhiên, vì không nhận ra vai trò căn bản này của tôn giáo, tham vọng của những thành viên tạo thành tổ chức thế tục của tôn giáo đã vô tình tạo nên sự cạnh tranh mong sao cho tổ chức của mình lớn mạnh. Tôi nghĩ, anh không lạ gì thành quả của quan niệm dân chủ bị hiểu lệch lạc sinh ra sự chấp nhận đa số thắng tiểu số. Tương tự như thế, tôn giáo đông thành viên, nghĩa là có nhiều người theo, thì được những người trong tổ chức tôn giáo ấy cho là đúng, hợp hơn. Ngược lại, với những lối nhìn chật hẹp của những nhóm tôn giáo nhỏ nhoi, con người dễ bị sa lầy vào sự ganh tị hoặc sợ hãi mình đã đang đi sai nên tự tạo cho mình những lý thuyết chỉ trích hoặc kết án người khác hầu che lấp sự sợ hãi hay tự ti mặc cảm của mình. Vấn đề chính yếu của tôn giáo là hướng dẫn con người về tâm linh chứ thực ra tôn giáo không phải là cùng đích giải thoát con người. Nhìn theo khía cạnh ngược lại, tôn giáo là sự thể hiện phần nào mức độ tâm linh của con người chứ không phải con đường tâm linh. Bởi vậy, chẳng có gì đáng nói để so sánh tôn giáo. Nói đến so sánh tôn giáo cũng chỉ như so sánh hai bông hoa cùng loại hay khác loại, mỗi bông có vẻ đẹp riêng không thể so sánh. Hèn chi ngài cứ bị những đầu óc lệch lạc phê bình. Đối với họ, nếu đem so sánh hai bông hoa nhất định phải có bông này đẹp hơn bông kia, đàng này, mỗi bông có vẻ đẹp riêng, và như thế, mỗi người có giá trị riêng không được đặt thành vấn đề hơn kém. Người ta nói ngài không có oai của linh mục không sai, vì khi đã nhận ra giá trị nơi mỗi người bình đẳng thì tỏ ra hơn kém trở thành trọng tội đối với lương tâm. Đức Giêsu ngày xưa cũng bị phê bình ăn nhậu với những kẻ tội lỗi... Con người của ngài quả là cả một kho tàng bí mật. - Thưa cha, thế sao con nghe nói trước đây cỡ mấy chục năm, mọi người vẫn tin rằng ngoài Giáo Hội Công Giáo không có ơn cứu độ? - Có lẽ bởi thế Công Đồng Vatican II mới phải đặt lại vấn đề dân Chúa và như vậy đâu còn ai được coi ngoài Giáo Hội đâu... - Thế thì ít nhất là hai phần nhỏ truyền thống đã bị xóa bỏ. - Anh muốn nói về vụ án Galiléo và quan niệm ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ! Nào có ai xóa đâu mà chỉ bỏ thôi... Thật ra, chúng chỉ là quan niệm hạn hẹp nhất thời của con người. - Con nghĩ rằng không có quan niệm nào mà không nhất thời và nếu không muốn quan niệm bị nhất thời thì đừng quan niệm nữa bởi còn xử dụng lối nhìn phiếm diện về một thực thể thì vẫn còn thiếu sót... Ít nhất trong cuộc đời còn có những người nhận ra được điều này, cha Hoàng cảm thấy vui vui. Từ xưa đến nay người ta đã nhân danh những sự được cho là tốt lành làm khốn khổ biết bao người mà nào có ai để ý. Những lý thuyết đao to búa lớn tự trời rơi xuống, sản phẩm của quan niệm có một Thượng Đế ngu ngơ ngự trị nơi xa thẳm được mệnh danh chín tầng trời phải nhờ những nhà chuyên môn diễn giải, cố gò ép con người vào những khuôn khổ vì ý muốn bảo vệ tổ chức thế tục, nô lệ cho những quan niệm như sản phẩm của thị dục tạo nên những lý thuyết hình phạt kinh hãi từ Thiên Chúa được mường tượng theo lối nhìn luân lý tuyệt đối. Thế ra con người khốn khổ vì tổ chức chứ không phải vì ơn cứu độ bởi còn ham muốn được cứu độ tức là vẫn chưa được cứu... Như vậy người ta đâu biết điều duy nhất phải sợ chính là sự sợ hãi.