Ông trưởng phòng đào tạo đón tôi ngay bàn giấy đầu tiên, lúc tôi vừa ló đầu, rụt rè bước vào: - Anh là anh Quân phải không? Nguyễn Quân, mã số sinh viên 9760372 chứ gì? Anh nợ học phí mấy kỳ rồi biết không? Anh không hoàn thành nghĩa vụ lần này, đừng mong được vào chuyên ngành! Tôi lang thang hết buổi chiều và thức trắng đêm hôm đó. Bụng lép xẹp mà sao vẫn không thấy đói. Buồn. Ray rứt không lối thoát. Mấy thằng chung phòng cởi trần, cài chốt cửa lén bảo vệ đánh bài tiến lên và nhâm nhi rượu nếp Gò Công. Không ai thèm nhớ đến tôi đang thu mình trên chiếc giường nhỏ xíu. Cũng phải thôi bởi tôi không biết uống rượu, không thích đánh bài. Những khi đêm về, tôi ước ao được buông mình trong vuông mùng tĩnh mịch nằm gác tay lên trán mơ về quê nhà. Lại nhớ hồi còn là anh chàng thư sinh lớp mười hai trường huyện, tôi đã vẽ lên hình ảnh của tôi vài mươi năm nữa: một anh công chức oai vệ có nhà riêng rộng và cao ba bốn tầng, một vị giáo sư uyên thâm về văn chương... Giờ thì anh chàng thư sinh mộng mơ ngày ấy đang cầm chắc trong tay quyết định... thôi học của nhà trường. - Thằng Quân hôm nay không ăn cơm chiều đó mày. - Chắc là trồng cây si nhỏ nào rồi. Mà cở thằng này, nhỏ naò lọt vào "mắt xanh" của nó chắc phải thùy mị nết na duyên dáng mộng mơ dữ lắm. Tao dám đoán cô nương này không lọt vô tốp con gái lớp mình. - Quân à, mày không chối chứ? Nói ra đi, tụi tao tìm cách mai mối cho. - Chối cái gì khi mà đã đoán trúng tim hắn rồi. Người ta muốn làm thi sĩ "Em bước điềm nhiên không vướng chân. Anh đi lững thững chẳng theo gần". Thế mà tụi bay đòi mai mối mất cả tính lãng mạn. Một thằng chạy đến bên giường giằng lấy cái mền vải xốc tôi dậy: - Nãy giờ "sản xuất" được mấy bài thơ rồi hả thằng đa tình? Ăn mì tôm không, tao đi nấu? - Mai tao về quê. Tôi buồn rười rượi. Thế mà thằng quỷ còn châm dọc châm ngang, bảo tôi muốn cưới vợ trước khi vào chuyên ngành. Nó có biết đâu, hai mươi tuổi, tôi vẫn không biết bạn gái là gì. Chính xác hơn là tôi không dám nhìn thẳng vào bất cứ một đôi mắt khác phái nào để trái tim mình phải lỗi nhịp vu vơ. Một thằng con trai mơ mộng nên ngồi vào nghế văn khoa, lầm lũi một mình không bạn thân, không người chia sẽ. Số phận run rủi thế nào lại được vào ký túc xá với bốn thằng cùng quê nên cũng bớt cô đơn. Rạng sáng, một thằng nhét vào túi tôi những tờ bạc lẻ. Số tiền tạm đủ để về nhà nó. Thằng tốt bụng ấy còn cẩn thận gởi cho ba má nó một lá thư, đại loại bảo nó nợ tôi một số tiền, nhờ họ trả giúp. Thế là tôi sẽ có tiền về đến nhà. Kế hoạch tạm thay đổi khi tôi nhận được giấy mời lĩnh tiền của bưu điện. Dượng dành dụm tiền bán cà, tháng này gởi lên gấp đôi. Nhưng con số "gắp đôi" kia chưa quá một phần mười số tiền tôi đang cần. Năm nay nắng khan, mùa nước cạn chắc sông khuyết lắm. Nhà có ba người. Má tôi lại dang bệnh. Thằng con trai duy nhất đang đi học chốn Sài thành. Tất cả mọi thứ đổ dồn lên vai dượng. Vốn là dân chài từ thủơ lên chín lên mười, đời dượng gắn bó với sông nước, tương lai cơ bản là chiếc ghe tam bản và con saò tầm vong nhẵn bóng như gỗ lim. Mấy mươi năm được bàn tay chai sạm ấy chèo chống luồn lách, chiếc xuỗng đã rệu rạo, còn cây saò ngày càng chắc săn hơn. Con sào dài ngót sáu sải tay, đen bóng. Dượng bảo nó được truyền từ đời cha của ông. Hợp nước hợp bùn, con sào "lên nước" kiểu nói của các bà các chị thường dùng đối với đá cẩm thạch. Khắp làng tôi không ai có được con sào như thế. Chả trách sao dân làng từ từ bỏ nghiệp sông nước lên bờ đổi nghề gần hết trong khi ngày nào cũng vậy, bốn giờ sáng, dượng đã chống sào vun vút ra sông. Ba tôi cũng là dân chài. Má tôi thời thiếu nữ tuy không sắc sảo nhưng cũng dễ nhìn. Đám cưới không có họ đàng trai. Hạnh phúc của cha mẹ tôi vỏn vẹn chỉ có ba mươi mốt ngày. Đêm cuối cùng, trước khi lạnh lùng nói rằng mảnh đất này, con sông này, mái lá này không giữ được chân mình, ba tôi đã chống sào vun vút ra sông đi biệt tích. Hồi đó, đã bao lần tôi nuôi dưỡng ước mơ sau này lớn lên tôi sẽ đi tìm ông ấy. Tôi sẽ nói với ông ta rằng suốt cuộc đời mình không đời nào tôi tha thứ cho ông. Nếu ông giàu sang, tôi không cần sờ đến bất cứ một thứ gì. Nếu ông bần cùng, tôi thản nhiên bảo rằng đó là cái giá phải trả cho kẻ lừa bịp không trách nhiệm. Nhưng khi lớn dần, những ý nghĩ kia phai nhòa trong tôi. Hình ảnh người cha trong tưởng tượng xa vời và vô nghĩa đến nổi tôi không buồn nghĩ đến nữa. Những ngày đầu tiên tôi cắp sách đi học là những ngày dượng đến. Ban đầu, tôi không được vào lớp một trường công vì không có giấy khai sinh. Chính dượng đã bao lần chống sào đi dọc suốt con sông này, chạy vay lo cho tôi mảnh giấy đó. Để hợp pháp và dễ dàng ăn nói, dượng và má tôi làm giấy kết hôn. Sau đó dượng chọn cho tôi cái tên Quân, theo họ Nguyễn là họ chung của cả mẹ và dượng. Dượng giải thích Quân có nghĩa là quân tử. Nguyễn Quân - đơn giản hai chữ vậy thôi. Con người sống càng đơn giản càng tốt. Lúc đó, thời bao cấp, đi làm giấy khai sinh cho đứa trẻ đã bảy tuổi đâu phải chuyện dễ dàng. "Người ta leo lên đầu lên cổ tao mà chửi mà rủa đó Quân à. Mày ráng ăn học sao cho nên người nghe con. Má mày nhu nhược yếu đuối nên mới bị thằng đó nó gạt. Chuyện lỡ rồi, sanh con cũng chẳng biết đi làm cái giấy cho nó. Không có tao, pháp luật không thừa nhận mày đâu, thằng mồ côi ạ". Dượng đến lúc má mới hai mươi sáu tuổi. Sáu bảy năm trời, không đêm nào không nằm ngủ trong vòng tay má. Tôi có tật trước khi thiếp phải được mân me đôi bầu vú mẹ, nếu không sẽ chẳng chịu ngủ. Chiếc giường gỗ ọp ẹp bé nhỏ từ khi có dượng vào nằm chung trở nên chật chội khó chịu làm sao. Một trưa oi nòng, tôi tỉnh giấc. Xoay sang bên trái tìm bầu vú mẹ, tôi rụt tay lại, suýt hét lên vì rờ phải chiếc be sưòn vạm vỡ. Dượng nằm ngáy nghe phát khiếp. Phía nhà sau, má tôi đang chong dầu vào cây đèn thủy tinh leo lét sáng và vá chài cho kịp chuyến đi đêm nay của dượng. Tôi làu bàu: - Bực mình quá đi. Chổ này của má mà sao dượng nằm? Con không thích ngủ chung với dượng. Từ hôm ấy, dượng giăng mùng trãi chiếu dưới đất nằm. Độ ba con nước ròng, dượng chở về thêm chiếc giường mới. Tôi vì mê cái giường đẹp đã chịu ra ngủ riêng một mình. Nhiều lần má khuyên tôi gọi dượng bằng ba. Tôi cũng muốn vậy nhưng sao ngại quá. Cái gì cũng vậy, đã thành thói quen, khó mà thay đổi được. Biết ý tôi, dượng cười khà khà: - Quan trọng gì cái chữ ba với dượng. Miễn là nó chịu nghe lời tôi. Nhiều lúc tôi cũng muốn gọi nó là con xưng cha nhưng khó quá. Mở miệng là cứ tao với mày. Thế mà cái thằng nó khôn, nó biết tỏng tòng tong rằng tôi cưng nó lắm. Tôi vào đại học, mang theo mấy cái áo của dượng để thay đổi. Thứ gì có thể bán được dượng đều mang đi bán hết, đưa cho tôi đi. Cả cái xã này xưa nay chưa ai được đi học xa như tôi nên dượng và mẹ tự hào lắm. Dượng bảo giá như có thể bán lấy thân dượng được chút tiền, dượng cũng sẵn sàng cho tôi được đầy đủ hơn. Còn tôi, đêm cuối cùng rời quê hương đã nằm trên chiếc giường quen thuộc mà thầm khóc. Giá tôi là nhà văn sau này, tiểu thuyết đầu tay, tôi sẽ viết về dượng, một người cha như thế. - Thưa dượng con mới về. Ủa, má con đâu rồi dượng? - Trời đất, thằng quỷ sống! Thằng Quân nó về nè bà ơi. Má tôi đang cho lợn ăn, nghe thế, vội vàng chạy lên va sầm vào cột nhà. Tôi yếu đuối tựa vào cột nhà, nghe tim đánh thình thịch. Chưa biết giải thích làm sao chuyến về quê đột ngột của mình, tôi đã bị dượng kéo ra nhà sau coi bầy lợn con. Dượng say sưa bảo dượng đã lớn tuổi, đôi ba năm nữa biết đâu ngã bệnh rồi chẳng chèo chống nổi. Thôi thì mở rộng kinh tế chăn nuôi thế này. - Tao định biên thơ cho mày thì mày về đến. Tiện thật. Thế này, thằng bạn chài hồi xưa của tao giờ đã là ông chủ thầu xây dựng. Nhà nó ở gần trường mày học đó. Tháng trước tao gặp lại nó. Nó bảo mày theo địa chỉ này đến gặp nó. Nó sẽ lo cho mày học đến ra trường. Ngược lại, để khỏi mang tiếng với họ hàng nhà vợ, nó muốn mày giúp nó chạy vật tư và quản lý sổ sách được không mày? Tôi mừng như bắt được vàng, vội vã xin phép ngày mai đi ngay. Má lặng im, dượng mắng: - Đi mấy năm mới về quê. Dẹp! Nghỉ một tuần ở nhà chơi, chuyện học là chuyện cả đời chứ ngày một ngày hai sao mày? Những ngày đầu, công việc do không quen, cứ rối tung cả lên. Tôi tuy dân văn nhưng hồi học phổ thông học cũng khá các môn tự nhiên nên công tác sổ sách cũng không vất vả lắm. Dần dần, tôi được ông bà chủ tin cậy. Họ xưng là bác, gọi cháu. Hôm nào tôi cũng ngồi cùng mâm cơm với họ và hai cô em gái. Ông chủ bảo hai cô gọi tôi là anh Hai, coi như anh em trong nhà. Ông bảo tôi ở lại đêm cũng được. Nhưng tôi từ chối. Tôi muốn về ký túc xá vì ở đó còn bốn thằng bạn cùng quê. Không hiểu vì sao mỗi lần nhìn ông chủ, tự nhiên tôi liên tưởng đến hình ảnh người cha bỏ quên từ rất lâu. Tôi so sánh... Dượng và ông ấy, cùng là kiếp vạn chài. Sau ba mươi mấy năm hai người đã ở hai vị trí khác xa trong xã hội. Kẻ phù hoa, kẻ bần hàn... Sao lại thân thiết tin tưởng nhau đến thế? Có khi nào... Cầu trời đừng bao giờ là như thế. Cầu trời... Mưa đừng xối ngược đời tôi. Tôi viết thư hỏi dượng? Hồi âm vỏn vẹn chỉ mấy dòng: "Con đã biết thì tùy... Quyết định sao, dượng cũng chịu. Có điều, thằng cha mày nó không hề biết là nó có một đứa con với má mày. Dù sao, con cũng là con của dượng, Quân à." Tôi bàng hoàng hết mấy ngày. Thì ra, bao lần dượng đã cùng con sào chiếc ghe dò hỏi cội nguồn của tôi. Đến khi biết chồng trước của vợ mình là thằng bạn đồng hành, dượng khéo léo đưa tôi đến gần họ. Và tôi, khi đã vô tình gặp lại người tôi từng hận thù thì không có cảm giác gì ngoài nỗi nhớ mẹ, nhớ dượng không nguôi. Tôi vẫn tiếp tục lo sổ sách cho ông chủ. Tôi làm việc nhận lương hẳn hòi và ngoài công việc, tôi không còn lui tới nhiều với gia dình họ bởi rất bận. Ngoài giờ học và giờ làm, tôi chúi mũi hý hoáy viết. Không có ý định trở thành nhà văn nhưng tôi vẫn muốn viết một cái gì đó về dượng, về con sào mấy mươi năm đen bóng giữa bùn và sóng. Nhưng khác với mọi người, ngay khi cầm bút, tôi muốn viết trước đoạn kết của tiểu thuyết. Nó như thế này: "Dượng đã khai sinh tôi và nuôi tôi lớn lên là do có dượng. Tôi khao khát được một lần gọi dượng là ba. Tôi ích kỷ ư? Chính tôi cũng không biết. Nhưng thật lòng tôi không bao giờ muốn cái tình cảm thiêng liêng ấy bị chính tôi mang đi cho người khác, dù chỉ là một mảnh bé xíu xiu như hạt bụi... Hoặc là... dù người khác kia chính là ba của tôi...".