Đỉnh cao của nghệ thuật chính là tắm mình trên dòng sông thực tại? Không! Khơi ngọn suối Từ về tưới mát thiên đàng xanh tuổi thơ, một cánh hoa bình dị cũng ẩn chứa cả một khung trời nghệ thuật mà người lớn không thể nào viết nổi, tả hết. Saint Éxupery đã có lần thốt lên như thế. SUỐI NGUỒN xin giới thiệu một cánh hoa bình dị, thơ dại, hồn nhiên, chân thật nhưng bát ngát nghĩa tình. Hãy lắng nghe gió nội hương đồng đang bàng bạc...
Nắng hồng bắt đầu tươi thắm trên muôn ngàn cây cỏ. Các chú chim non trên những cành Thủy Liễu ríu rít hòa lên những điệu thanh thót. Thủy Liễu là một cây dễ sanh sôi ven bờ sông rạch miền Nam, người dân Bến Tre gọi Thủy Liễu là cây Bần, cái tên mộc mạc nghèo nàn, lam lũ như cuộc đời của họ. Cái tên xinh xắn ba đặt cho em cũng là Thủy Liễu. Chiến tranh đã qua, nó đã cuốn trôi tất cả tuổi thanh xuân của ba, mái ấm gia đình mà ba đã tạo. Ba không giữ được gì, kể cả trái tim người phụ nữ mà ba yêu quí nhất. Nghĩ đến những lúc đương thời, ba cũng là một người thanh niên thanh lịch, nhưng bây giờ, ba an phận với kiếp sống lam lũ của mình. Ba chỉ còn sót lại một niềm an ủi duy nhất là hạt giống của ba, trồng trên đất mẹ trổ hoa kết trái, chính là bé Thủy Liễu.
Gia sản của ba và Thủy Liễu là căn nhà lá nhỏ thô sơ, nằm sát bờ sông, chỉ vừa đủ để một chiếc giường tre, cạnh bàn ăn cơm nhỏ. Một chiếc xuồng con, là phương tiện hằng ngày ba đưa khách sang sông kiếm tiền nuôi Thủy Liễu. Liễu thương lắm ngôi nhà tranh nhỏ bé, tổ ấm chứa chan bao tình thương mà ba dành cho em. Em cũng cưng lắm chiếc xuồng con xinh xắn, nó thường chở Liễu băng mình trên những con sóng nhỏ đến chợ, mua bánh, mua quà. Nhưng người mà em thương quý nhất là ba, làm lụng suốt ngày tay ba chai cứng. Bóng ba đổ xuống bờ sông trong những buổi trưa hè nắng gắt. Ba đã đội những cơn mưa tầm tã giống như bao khổ đau của đời trút hết lên vai để đưa khách sang sông.
Mỗi ngày đưa khách sang sông, tiền chỉ đủ trang trải trong ngày, tiền còn thừa lại ba cho Liễu chạy ù ra tiệm, mua bánh tai heo, "bắng bu" là bánh bò đấy. Ăn liền!
Ba vừa là cha cũng vừa là mẹ, ba nấu cơm, ru Liễu ngủ, tất cả đều do ba làm tất. Ban ngày Thủy Liễu thường chơi một mình, chỉ có buổi tối nhõng nhẽo với ba chút xíu. Liễu vẫn thường chui rúc vào lòng ba, đòi ba kể chuyện hay hát ru cho ngủ. Ba kể chuyện thì hay lắm, chớ còn hát thì giọng ồ ề, chẳng hay tí nào. Sáng nào thức dậy cũng có sẵn ly sữa và cái "bắng bu" trên bàn mỉm cười chờ Liễu. Hôm nào Liễu bệnh thì phải biết. Liễu đợi ba dỗ dành rồi mới chịu uống thuốc. Nhà nghèo, Liễu không có đồ chơi gì cả, chỉ có những con trâu, cái nồi, cái chén do ba nắn bằng đất khi vắng khách. Ba còn lấy thân ba làm xe cho Liễu chạy. Ba đặt Liễu trên vai, hai bàn tay nhỏ xíu của Liễu nắm lấy hai tai ba làm tay lái, thế là Liễu tha hồ phùng má "ụn ụn" chạy. Còn những buổi trưa hè nóng bức, ba lấy xuồng chở Liễu đi cặp theo hàng Thủy Liễu hái những quả chín vàng cho em ăn. Liễu tinh nghịch đập nước văng tung tóe, ướt cả mình Liễu và ba. Nhưng ba không rầy mà còn cười vui, trước nụ cười thơ dại của Liễu. Liễu biết nhõng nhẽo cũng hư chút chút, nhưng nhõng nhẽo thì thích lắm, làm sao bỏ được!
Những buổi cơm thịnh soạn của cha con Liễu chỉ có vài chú cá bống con kho mỡ hành, Liễu ăn toàn phần thịt, còn ba chỉ ăn xương mà thôi. Nhiều lúc ba đang ăn cơm, có khách kêu đò ba vội đứng lên đi đưa khách ngay, ít có bữa nào Liễu được ăn cơm với ba trọn buổi.
Cạnh nhà Thủy Liễu có ngôi cổ tự Quan Âm, sáng nào cũng vậy, khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang là Thủy Liễu giật mình thức giấc. Ba cũng dậy để đưa những cô bán hàng sang sông cho kịp buổi chợ. Ba thường nói mình là người Phật tử lâu năm. Những buổi chiều mưa khách vắng, ba thường dẫn Liễu sang chùa. Ba sắm cho Liễu một bộ quần áo mới, để ăn mặc lành lặn khi đi lễ Phật. Phần ba chỉ có chiếc áo sơ mi cũ và một chiếc quần ka ki rách cả hai đầu gối. Khi Liễu hỏi:
- Sao ba không sắm cho ba một bộ đồ mới để đi lễ Phật?
- Ba không cần đồ mới, khi vào chùa ba đi bằng cửa sau làm công quả, khi về trời tối cần gì đồ mới? Còn đưa đò mà mặc đồ mới thì mau cũ lắm con à!
Lễ quy y ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sống sinh hoạt của ba. Ba thường nhắc Liễu về giới cấm sát sanh và cấm uống rượu vì rượu làm ba say. Thầy dạy thì giờ uống rượu hút thuốc là lãng quên thực tại, mà ba đâu có muốn lãng quên con gái cưng của ba!
Những ngày lễ hội, khách sang sông khá đông. Dư được ít tiền, ba "cắc ca cắc củm" mấy tháng, đưa cho Liễu rồi bảo: "Con đem cúng dường cho có phước". Liễu bỏ tiền vào thùng phước điền và thầm khấn: "Tiền này là của ba con, xin Phật ban phước cho ba, để ba được bình an mà nuôi con hoài…"
Bao nhiêu tình thương ba dành hết cho Liễu, đáp lại Liễu cũng rất ngoan, lúc nào cũng quấn quít bên ba. Đi học Liễu rất chăm. Vì thương ba cực khổ nên niên học nào Liễu cũng đạt học sinh giỏi. Thời gian thấm thoát đã gần cuối năm học lớp chín. Kỳ thi văn năm ấy nhà trường cho đề thi về mẹ. Liễu cảm thấy bối rối vô cùng, vì mặt mẹ Liễu còn không biết, làm sao kể về mẹ được. Bài thi thật kém điểm. Liễu về nhà hỏi ba:
- Ba ơi! Má con đẹp không ba? Sao má không ở chung với ba con mình hả ba?
Ba trầm lặng, đăm đăm nhìn ra bờ sông rồi nói với Liễu, giọng như lạc hẳn đi:
- Má con đẹp lắm, bởi ba nghèo nên ba và má đã xa nhau khi con mới lên hai tuổi.
Nghe ba nói vậy, Liễu lao vào lòng ba khóc nức nở, ngước mắt lên Liễu thấy ba cũng khóc. Nhưng một lúc rồi thôi, vì ba thương Liễu lắm! Mà Liễu cũng thương ba nữa nên không dám khóc nhiều vì sợ ba buồn.
Năm nay là năm đầu tiên Liễu được dự lễ Vu-lan tại chùa Quan Âm. Chùa năm nào cũng tổ chức, nhưng lúc còn bé Liễu chỉ thích ăn chè thôi chứ có hiểu gì đâu. Với chủ đề "Một bông hồng cho mẹ", thầy thuyết pháp thật hay, làm cho mọi người đều rơi nước mắt. Liễu cũng đón nhận một bông hồng, nhưng nước mắt em không rơi, cũng không cảm nhận được hương vị của cánh hồng. Em chợt nhớ đến ba và chạy một mạch về nhà. Ba đang ngồi vá chiếc áo cũ cho em.
- Ba ơi! Bông hồng tượng trưng cho má dù con không biết má, con muốn có bông gì đó tượng trưng cho ba.
- Bông tượng trưng cho ba…, bông gì chẳng được. Để ba tìm cho con.
Ba đi nhanh ra trước sân nhà, nhưng không tìm được cành hoa nào cả. Nhìn thấy đám bông lục bình màu tím đang trôi bềnh bồng giữa dòng sông. Ba bơi chiếc xuồng ra giữa dòng hái một cành hoa lục bình nhỏ nhất. Cánh hoa màu tím u buồn như cuộc đời ba. Liễu sung sướng đón cành hoa lục bình từ tay ba. Em cảm thấy thương ba vô hạn.
- Ba ơi! Con muốn nói với ba điều này.
- Gì vậy con?
- Ba có biết rằng con rất hãnh diện là con của ba và con rất thương ba không?
Rồi Liễu ôm chầm lấy ba khóc như mưa. Ba cũng khóc, những giọt nước mắt yêu thương của ba rơi ấm bờ vai gầy của Liễu. Dù buổi Vu-lan ban tổ chức có lãng quên hay lu mờ hình ảnh của người cha, nhưng đối với Liễu, ba là người mà Liễu thương yêu nhất. Cũng từ đó Liễu thương lắm những cành hoa lục bình màu tím.
Tháng chín năm ấy nước lũ đổ về, nhà Liễu bị ngập tất cả, chỉ còn có chiếc giường tre là khô ráo. Lúc này ba hối hả chở giúp đồ của cô bác hàng xóm di cư lên miền cao. Liễu thì co ro trên chiếc giường học bài. Đến chiều tối không thấy ba về. Liễu đứng ngồi không yên, vô cùng lo lắng cho ba. Đợi mãi đến nửa đêm, chú Ba hàng xóm chạy sang gọi Liễu:
- Liễu à!
- Dạ, chú Ba gọi con
Vừa nói Liễu vừa vặn to ngọn đèn dầu lên.
- Ba mày nhắn tao biểu mày ở nhà cứ yên tâm ngủ đi, đừng chờ ba về.
- Ba con sao hả chú?
Chú Ba ấp a ấp úng rồi ngập ngừng trả lời:
- Ờ… ờ.. ba mày nhậu xỉn ngủ ở nhà thằng Hai rồi.
Nói xong chú đi một nước. Đêm đó Liễu không tài nào ngủ được, vừa nhớ ba, vừa lo sợ: "Có khi nào ba uống rượu đâu mà xỉn? Chắc ba có chuyện gì rồi…" Nghĩ vậy Liễu úp mặt vào gối khóc nức nở, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Đến sáng thức dậy thì Liễu thấy chú Ba kè ba về. Chân ba sưng to. Mới vừa nhìn thấy Liễu đã òa khóc, chạy nhanh đến bên ba, dìu ba vào nhà. Ba ngồi xuống giường, tay vuốt tóc Liễu, ba nói:
- Ba có sao đâu mà con khóc? Hồi tối ở nhà con có trông ba không?
Liễu không nói gì, chỉ ấm ức khóc. Thấy vậy chú Ba bảo:
- Nín đi con, ba mày không sao rồi. Chiều qua khi đưa cô Năm sang vườn trở về, ba mày thấy bông lục bình đẹp quá nên lội vào bờ đìa hái cho mày, không may bị rắn cắn. Nhưng bây giờ đỡ lo rồi.
Liễu ngước lên nước mắt lưng tròng hỏi chú Ba:
- Sao hồi tối chú Ba nói dối con?
Ba cười hiền lành rồi thay lời chú Ba:
- Ba không cho nói vì sợ con lo.
Nghe vậy Liễu thấy thương ba vô hạn, nước mắt em lại ràn rụa.
Những ngày ba bệnh, lần đầu tiên Liễu thay ba đưa khách sang sông. Bởi ba hiền lành nên bà con thương lắm, vắng ba đưa đò ai cũng hỏi. Khi nghe ba bệnh cô bác đều ghé thăm làm cho Liễu cũng bớt lo! Chứ tiền đưa đò hàng ngày không đủ mua thuốc cho ba.
Càng lớn Liễu càng trở nên xinh đẹp thì ba càng gầy ốm, già thêm. Tóc ba đã điểm những hạt trắng đục. Học lớp càng cao tiền càng nhiều, mỗi lần xin tiền ba, Liễu cảm thấy đau buốt tim mình nhưng biết làm sao hơn. Những buổi nghỉ học Liễu muốn thay ba đưa khách sang sông, nhưng ba không cho, ba sợ nắng mưa sẽ làm Liễu bệnh.
Một hôm trời mưa tầm tã, Liễu đi học về ướt hết cả người. Đêm đó Liễu bị sốt cao. Ba vội vã bế Liễu trên tay chạy sang hàng xóm mượn xuồng máy đưa Liễu xuống bệnh viện. Liễu. Xuống đến bệnh viện, Liễu được đưa vào phòng cấp cứu. Ba ở ngoài đứng ngồi không yên. Một giờ sau Liễu được chuyển xuống trại. Bác sĩ nói Liễu không sao, ngày mai có thể xuất viện rồi. Nghe bác sĩ nói vậy ba như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân.
Khi tỉnh lại, Liễu thấy ba ngồi bên cạnh mình. Thấy Liễu tỉnh, ba mừng lắm, có cả những giọt nước mắt long lanh trong mắt ba mừng theo. Chợt Liễu thấy một cô y tá nhìn ba, mỉm cười rồi hỏi:
- Đây là con gái anh à! Nó bệnh gì vậy?
- Dạ con tôi bị cảm sốt.
Nói xong ba quay sang hỏi Liễu:
- Con có muốn ăn gì không
- Dạ con muốn ăn cháo ba ơi!
Ba vội vã đi ra ngoài mua cháo cho Liễu. Liễu liền hỏi cô y tá:
- Cô quen ba cháu à!
Cô y tá cười thật tươi rồi đáp:
- Ba cháu thường đến đây để bán máu, nên cô nhớ khuôn mặt ba cháu.
Liễu nghe như trước mắt mình tối sầm lại, mạch máu ngừng không chảy về tim. Em nghẹn ngào không thốt nên lời: "Ba ơi! Ba đã bán máu mình, mua sách vở cho con đi học, mà bấy lâu nay con đâu có biết". Thấy Liễu nghẹn ngào cô y tá hỏi:
- Cháu có sao không?
- Dạ không.
Thấy ba từ xa đi vào Liễu vội lau khô hai hàng nước mắt, gượng nở nụ cười để cho ba đừng biết rằng mình vừa mới khóc.
Khi xuất viện về, Liễu quyết định không đi học nữa vì thấy ba quá cực khổ để lo cho việc học của Liễu. Xa rời sách vở, bạn bè, xa cả chiếc áo dài thân thương, Liễu cũng buồn lắm. Liễu nhìn thấy trong tập vở, bút mực, quần áo thấm từng giọt máu, mồ hôi của ba. Khi nghe Liễu nói mình nghỉ học, ba rầy suốt cả mấy ngày. Ba buồn lắm và khuyên Liễu nên đi học lại.
Ở nhà buồn vô hạn, chợt nghe tiếng chuông chùa ngân vang trầm bổng, Liễu cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản. Liễu vội sang chùa lễ Phật để cầu nguyện cho ba được bình an, còn Liễu thì có việc làm để phụ giúp ba, cho ba bớt đi phần cực khổ. Khi nghe Thầy thuyết bài pháp: "Đứa con hiếu thảo yêu thương cha mẹ thì phải nuôi chí nguyện xuất gia mới mong đền đáp được công ơn cha mẹ". Liễu như bừng tỉnh, đến thưa với Thầy và nói ý định mình muốn xuất gia. Thầy trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu rồi hỏi Liễu:
- Con có xin ý kiến ba chưa?
Liễu nói dối rằng đã xin rồi. Thầy nói:
- Chùa Thầy ở thôn quê là chùa Tăng, nếu con muốn đi tu thì Thầy sẽ dắt con lên thành phố, gởi con ở một chùa Ni, ở đó cũng thuận tiện cho việc tu học của con.
Liễu gật đầu đồng ý và thưa Thầy ra về. Đến nhà thấy ba vẫn chưa ăn cơm, ba còn chờ Liễu. Ba cười vui vẻ không còn giận Liễu nữa, ba gọi:
- Đi đâu về trễ vậy? Ăn cơm đi con.
Mâm cơm chỉ có "cơm hẩm cá hiu" mà Liễu ăn ngon vô cùng. Vừa ăn Liễu vừa nhìn ba. Ba đã già quá rồi, mặt ba đen nám bởi nắng buổi trưa hè, đôi mắt ba quầng thâm, những vết chân chim hằn sâu ở khóe mắt ba, hai má ba hóp lại, tóc ba gần như bạc trắng, hai tay ba đen và chai cứng. "Ôi ba ơi! Biết bao giọt mồ hôi và nước mắt của ba đã đổ xuống những hạt cơm này để nuôi con khôn lớn".
- Liễu ăn cơm đi con.
Ba gắp miếng xương bỏ vào chén mình còn thịt thì bỏ sang cho Liễu. Liễu nghe mắt mình cay cay và môi mình mặn đắng. Cơm xong Liễu dọn dẹp. Ba nói:
- Liễu à! Ngủ đi con, khuya lắm rồi.
Từ khi Liễu lớn, ba để Liễu ngủ trên chiếc giường tre một mình. Ba nằm ngủ trên chiếc võng đã cũ rách. Có chiếc mền duy nhất ba cũng dành cho Liễu. Nghe tiếng thở dài của ba biết ba chưa ngủ, Liễu bước xuống giường vặn ngọn đèn dầu lên. Ba hỏi:
- Sao không ngủ đi con?
Liễu ấp úng không biết nói sao, em cố gắng hết sức mới nói thành lời:
- Ba ơi! Con có việc muốn thưa với ba.
Thấy sự bối rối của con, chắc có chuyện gì đây. Ba ngồi dậy:
- Con nói đi.
- Ba ơi! Con muốn xin ba cho con xuất gia.
Ba không nói một lời nào cả. Ba lắp bắp tìm lấy điếu thuốc hút. Liễu và ba cùng im lặng. Nhưng rồi không còn chờ được nữa, Liễu xà vào lòng ba khóc nghẹn ngào. Ba vuốt tóc Liễu nói trong xúc động:
- Nếu con muốn xuất gia thì ba cũng đồng ý. Đừng khóc nữa con, đừng khóc nữa.
Liễu muốn nói thật nhiều với ba nhưng không sao nói được, nước mắt cứ ràn rụa. Ba cũng khóc. Như xúc động với tình cảm của cha con Liễu, bên hiên nhà cũng nhỏ từng giọt mưa tí tách.
Ba đã đồng ý, và ngày Thầy dắt Liễu đi lên thành phố tu học cũng đến. Ba lục hết những đồng tiền còn sót lại dúi vào tay Liễu, rồi lấy xuồng đưa Thầy và Liễu sang sông. Bước lên bờ Liễu nhìn lại mái nhà lá cũ nát của mình, bờ sông thân thương, con xuồng bé nhỏ đã sống với Liễu từ bé. Dòng sông như ngừng chảy, hàng Thủy Liễu cũng nghẹn ngào trong buỗi tiễn đưa. Còn ba, ba già nua cằn cỗi đứng trên chiếc xuồng con đang rưng rưng nhìn Liễu. Từ đây Liễu sẽ xa nơi này. Liễu quay mặt đi để giấu hai hàng nước mắt.
- Thưa ba con đi.
Nói xong Liễu đi thật nhanh, không dám quay lại nhìn ba, vì sợ quay lại chắc em không đi được nữa. Nhưng Liễu vẫn cảm nhận được sau lưng, dáng cha gầy đổ xuống bờ sông, ven hàng Thủy Liễu, chạy dài hun hút đến cuối rặng dừa xanh, thẫn thờ như vừa mất đi một bảo vật vô giá.
Thầy gởi Liễu tu ở chùa Thuận Bài. Cuộc sống nơi đây thật êm đềm. Từ ngày Liễu đi đến nay đã hơn 5 tháng. Liễu đã được xuất gia và được Thầy đặt tên mới là Diệu Nhẫn. Diệu Nhẫn cũng đã phần nào nguôi ngoai nhớ ba. Chiều hôm ấy Diệu Nhẫn nhận được lá thơ ba từ tay Thầy. Em mừng đến rơi nước mắt. Mở thơ ba ra, Nhẫn nhìn thấy nét chữ ngoằn ngoèo của chú Ba. Khi còn bé, ba sống trong thời loạn ly, mà nhà nội lại nghèo nên ba không có đi học. Lá thơ tuy chú Ba viết, nhưng Nhẫn vẫn thấy gương mặt hiền lành của ba trong thơ. Thơ viết:
"Liễu con, hôm con xuất gia Thầy có báo cho ba biết. Ba rất mừng, nhưng đường quá xa ba không đi dự lễ xuất gia của con được, ba buồn lắm. Từ ngày con đi ngôi nhà trở nên trống vắng quá, chiếc xuồng nhỏ của con cũng buồn thiu, khách sang sông cũng vắng hơn lúc con còn ở nhà. Ba biết con thương lắm chiếc xuồng con và mái nhà lá. Nhưng đành vậy con à, ba đã sang chiếc xuồng và mái nhà lại cho một đôi vợ chồng khác rồi. Ba về quê sống với ông bà nội. Con hãy yên lòng mà lo tu học, đừng lo gì cho ba nghe con. Ba gởi cho con gái ba ít tiền để mua sách vở, ba chỉ có bấy nhiêu thôi, ở với Thầy ráng hiền lành ngoan ngoãn nghe con.

Ba của con.

Nhẫn cầm số tiền ít ỏi của ba gởi trên tay, những giọt nước mắt ở đâu không biết tuôn xuống mặn môi. Tiền này là ngôi nhà lá thân thương, chiếc xuồng yêu dấu của Nhẫn, ba đã bán đi để gởi tiền lên cho Nhẫn. Ba ơi! Suốt cuộc đời ba đã hy sinh vì con. Ba ơi! Dù sau này con có trở thành gì gì đi nữa, thì con vẫn là đứa con gái bé bỏng của ba.
Năm nay Nhẫn được dự lễ Vu-lan, cánh hồng đỏ thắm năm nào giờ đã đổi thành cánh bông vàng rực. Nhìn cánh hoa hồng không hương vị ấy, Nhẫn lại nhớ đến ba và thèm một đóa hoa lục bình màu tím từ bàn tay ba trao cho Nhẫn năm nào. Trong làn nước mắt, Nhẫn như nhìn thấy bóng ba trên chiếc xuồng con bên bờ Thủy Liễu vẫn còn chờ Nhẫn về thăm. Ba ơi! Con sẽ về để đón cánh hoa lục bình từ tay ba.
Lau đi dòng lệ nóng, Nhẫn đến quỳ trước điện đường, cầu xin hồng ân Tam Bảo che chở cho ba ở quê nhà luôn được bình an, và thầm nguyện với lòng sẽ cố gắng tu học, để đền đáp thâm ân của ba suốt cuộc đời đã lao nhọc vì con.

Xem Tiếp: ----