“Johnson đưa ra giả thuyết rằng ‘Kennedy có lẽ
đã bị giết để trả thù cho cái chết của Tổng thống Diệm của Nam Việt Nam, ba tuần trước đó’”(305) [(Nechiporenko)] Nhờ những dữ kiện có trong 632-796, chúng ta biết chắc chắn rằng một ai đó (rất có thể là Mertz) đã được bí mật trục xuất khỏi Dallas, Texas, hai ngày sau khi JFK bị giết chết. (Người đó khó có thể là Souetre vì Souetre, nhiều năm sau, đã được giới thẩm quyền Mỹ thẩm vấn và chứng tỏ vô can). Nhưng điều quan trọng hơn từ quan điểm của một vụ “che dấu sự thật” không phải ở chuyện ai đã bị trục xuất mà là những tình huống chung quanh vụ trục xuất. Chắc chắn Uỷ ban Warren có một mối quan tâm đặc biệt đối với một sự cố như vậy nếu thực tế Uỷ ban Warren không dính líu vào âm mưu che giấu sự thật. Nhưng 37 năm lịch sữ đã chứng tỏ rằng Uỷ ban Warren hoàn toàn không trung thực chút nào. Ngoài ra, người ta có thể nghĩ rằng sự hiện diện của một kẻ bị tình nghi có liên quan với OAS tại Dallas ngay trong ngày Kennedy bị giết có thể gây một mức báo động nào đó cho Bộ Tư pháp Mỹ. Người ta sẽ nghĩ rằng những giới chức Bộ Tư pháp này sẽ lập tức bắt giữ ngay nhân vật đó, hay ít nhất cũng câu lưu để thẩm vấn. Hơn nữa, chúng ta có thể nghĩ rằng các giới chức đó sẽ báo cáo về sự hiện diện của nhân vật này cho những nơi cần thiết, trong đó có Uỷ ban Warrren, bộ phận được chính thức thành lập năm ngày sau đó thông qua Chỉ thị hành pháp 11130. Nhưng cả vụ trục xuất lẫn sự hiện diện của “Souetre” tại Dallas không hề được báo cáo với Uỷ ban. (Hoặc có thể đã được báo cáo, và bằng chứng quan trọng này đã bị Uỷ ban Warren gạt bỏ như họ đã gạt bỏ vô số thông tin và bằng chứng có thể mâu thuẫn với kết luận của họ vốn cho rằng JFK bị giết bởi một tay súng đơn lẻ tên là Lee Harvey Oswald). Thay vào đó, Bộ Tư pháp mẫn cán của nước Mỹ thấy rằng nên bí mật tống khứ tay khủng bố này ra khỏi lãnh thổ, càng lặng lẽ và nhanh chóng càng tốt, và từ đó về sau họ chẳng bao giờ hé một lời về chuyện ấy. Tại sao? Họ hẳn đã có chỉ thị gói gọn toàn bộ sự vụ lại, đúng không? Và rốt cục Bộ Tư pháp Mỹ nhận những chỉ thị này từ đâu? Từ văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Robert F. Kennedy. Chúng ta biết rằng Robert Kennedy đã dùng quyền lực của Bộ Tư pháp để che dấu rất nhiều chuyện trong quãng đời sự nghiệp ngắn ngủi của ông ta, và tất cả những trò che giấu ấy đều trực tiếp liên quan đến ông anh tổng thống của mình. Chúng ta biết Robert che giấu việc lưu trữ những bức ảnh khám nghiệm tử thi và bộ não JFK vốn là bằng chứng cực kỳ quan trọng. Và chúng ta cũng biết rằng Robert đã quyết chí che giấu sự dính líu trực tiếp của hai anh em ông ta trong các kế hoạch lật đổ – và ám sát – Fidel Castro sau vụ Vịnh Con Heo(306) [(Tài liệu của Hội đồng an ninh quốc gia (qua Uỷ ban Rockefeller); Số lưu trữ 1781000210406; Hồ sơ CIA: ASSASSINATION MATERIALS MISC.ROCK/ CIA (2); Biên bản của Nhóm đặc vụ chiến dịch Mongoose, 4.10.1962; Posner, “Cracks in the Wall of Silence”)]. Tất cả để bảo vệ tên tuổi gia đình Kennedy, và nhất là tên tuổi John F. Kennedy. Và bây giờ có vẻ như quá rõ ràng chúng ta lại biết thêm một trò che giấu nữa của Robert. Xét về chuyện đưa một tay khủng bố chống Kennedy vào Dallas trong ngày xảy ra vụ ám sát và rồi cái chỉ thị kỳ quái cho trục xuất hắn ta ngay sau đó, thì một chỉ thị như thế có thể xuất phát từ đâu? Ai có được quyền lực để chỉ thị làm một việc hiển nhiên vi phạm qui tắc thi hành luật pháp như thế? Chỉ có người ở vị trí trên cùng. Để hậu thuẫn cho qui kết này, chúng ta biết rằng các viên chức INS đã nhận những chỉ thị ưu tiên hàng đầu từ Washington yêu cầu chặn bắt một công dân Pháp tại Dallas ngay sau vụ ám sát JFK(307) [(Hurt)]. Một chỉ thị kỳ lạ như thế sẽ xuất phát từ đâu? Ai ở trong Bộ tư pháp Mỹ có khả năng bảo đảm rằng một chỉ thị phi chính qui như thế sẽ được thi hành? Có lẽ đó không phải cậu bé đưa thư rồi. Cũng không kỳ lạ sao khi ngay sau đám tang Kennedy, tổng thống Pháp DeGaulle bắt đầu nói với báo chí cũng như các cố vấn rằng ông ta tin JFK bị giết do một âm mưu về phía Sở cảnh sát Dallas? Đúng vậy, và nó cũng được nói rõ ràng trong một hồ sơ FBI mà mãi đến 1993 mới được giải mật(308) [(Hồ sơ lưu trữ 180-10022-10291; Hồ sơ CIA 62-109060-5819; Tựa: “DeGaulle Viewed Death of JFK as a Conspiracy; 20.10.1967)]. Điều này có vẻ trái khoáy một cách kỳ lạ nếu không muốn nói là kỳ quái. Trong những ngày kế tiếp sau một biến cố bi thảm làm chấn động thế giới, và khi hầu hết các nguyên thủ quốc gia đang ngỏ lời chia buồn với chính phủ và nhân dân Mỹ, thì Charles DeGaulle – một người bạn và đồng minh lâu năm – lại đóng một dấu bôi bác lên cái chết của Kennedy bằng việc tung ra lời đồn không cơ sở và đột ngột này. Có vẻ như DeGaulle muốn mò tìm một phương cách để phân tán tư tưởng ngay trong giờ phút mà các bộ phận phân tích của Mỹ đang nỗ lực tập trung vào công tác khổng lồ nhằm điều tra cái chết của JFK. Rồi đột nhiên nguyên thủ của một trong những quốc gia đồng minh sâu sắc nhất lại tung ra một nhận định về cảnh sát Dallas? Tại sao DeGaulle làm thế? Hơn nữa, tại sao Robert Kennedy ra lệnh cho trục xuất một kẻ có khả năng ám sát anh ông ta, thay vì ra lệnh bắt giữ? Hai sự kiện đó là những cú đánh hoàn toàn không thể tin được vào lý luận… trừ phi ta nghĩ tới một động cơ ngấm ngầm cực kỳ hữu lý, và chúng tôi cho rằng động cơ này có thể truy nguyên về tận Sài Gòn và dinh Tổng thống của Diệm. Robert Kennedy yêu và ngưỡng mộ anh mình, nhưng sau 22.11.1963, JFK đã chết, chẳng có gì mang ông ấy trở lại cuộc sống được. Là Bộ trưởng Tư pháp, nhiệm vụ tối hậu của ông ta là bảo đảm an ninh tuyệt đối cho tổng thống thông qua Cục Mật vụ, và chúng ta đều thấy ông ta đã làm công việc của mình ra sao. Sau vụ kém cỏi khủng khiếp này, và khi anh mình đã nằm trong lòng đất, Robert chẳng còn lại gì để bảo vệ ngoài thanh danh của ông anh mình trong lịch sử, thanh danh gia đình và những hy vọng chính trị tương lai của chính ông ta. Và đây là một công việc ông ta không được xử lý kém cỏi. Robert biết rằng một cuộc điều tra đại qui mô của liên bang về cái chết của JFK chắc chắn sẽ dẫn tới những sự kiện có thể phá hỏng di sản Kennedy. Điều tra sâu rộng hơn sẽ phát hiện rằng Sam Giancana đã thao túng vụ kiểm phiếu Illinois giúp JFK đắc cử tổng thống năm 1960. Không, công chúng Mỹ sẽ không vui vẻ với thông tin này, họ cũng không hài lòng gì khi biết ra rằng Tổng thống Kennedy đã theo đuổi những âm mưu lật đổ và ám sát Fidel Castro trước vàsau vụ Vịnh Con Heo và hiện còn có nhiều kế hoạch khác trên bàn làm việc(309) [(Xem Phụ lục N)]. Và tương tự, nếu không muốn nói là hơn nữa, dân Mỹ sẽ nghĩ gì về tên tuổi nhà Kennedy nếu họ biết được rằng JFK đã phê chuẩn, cho phép, và tiếp tế cho một cuộc đảo chính đã đem tới cái chết cho Tổng thống Diệm ở Nam Việt Nam, một đồng minh của Mỹ? Một con người và một chính phủ mà John F. Kennedy đã công khai ủng hộ bằng tiền thuế và xương máu của nước Mỹ? Thực vậy, nếu cử tri Mỹ giữa thập niên 1960 biết được rằng người mà họ đã bầu làm tổng thống đã một mặt tuyên bố chống lại mối đe doạ cộng sản bằng cách gửi mỗi năm nữa tỉ đô la tiền thuế (cùng với 15.000 lính) cho chính phủ Diệm nhưng mặt khác lại ủng hộ một âm mưu quân sự nhằm tiêu diệt Diệm, những cử tri Mỹ ấy có lẽ sẽ không bỏ phiếu cho Kennedy trong kỳ bầu cử năm 1964. Họ cũng không muốn bỏ phiếu cho Robert Kennedy năm 1968 nữa. Robert Kennedy và bố của ông ta hẳn phải cực kỳ ngu dốt mới không biết điều này. Và với JFK đã nằm trong mộ, thì sự nhất trí hợp lý trong gia đình sẽ phải là Hãy chấm dứt những mất mát và giữ gìn lấy những gì ta còn lại. Nên sẽ là hợp lý, phải không, nếu té ra Michael Mertz thực sự là kẻ được nhanh chóng và bí mật đưa ra khỏi Dallas? Không phải rất có thể rằng sau sự cố, Mật vụ Pháp nhận ra sơ suất to lớn của mình và đã thừa nhận với DeGaulle. Này, chúng ta gặp vấn đề lớn ở đây. Hoá ra một trong những tay đã giết Kennedy lại là dân buôn bán bạch phiến Marseille từng giúp chúng ta phá tung OAS và cứu mạng của ông đấy? Kịch bản này không giải thích được việc DeGaulle vội vàng đổ lỗi cho Sở cảnh sát Dallas một cách hết sức kỳ quái đó sao? Để thông tin như thế này được công bố cho toàn thế giới – và nhất là cho nước Mỹ – vào năm 1963 hoặc 1964, phản ứng của công chúng sẽ rất tai hại. Nó sẽ không những tiêu diệt mọi nỗ lực chính trị xa hơn cho Robert Kennedy, mà nó còn tiêu diệt ý nghĩ của dân chúng về gia đình Kennedy nói chung và ký ức thần tượng về JFK nói riêng. Nó cũng sẽ tiêu huỷ các quan hệ ngoại giao, niềm tin và độ đáng tin cậy của Mỹ ở nước ngoài, và vĩnh viễn ghi dấu lên chính phủ Mỹ như một chính phủ không hề ngần ngại trong việc lật đổ và ám sát các nguyên thủ quốc gia không thuận theo những yêu cầu chính trị của Mỹ. Và sự kiện tiên báo này đưa chúng ta tới luận điểm kế tiếp…