NHỮNG MÂU THUẪN

“Chính phủ [Mỹ] đã sát hại Diệm”

- RICHARD M. NIXON (68) [(“Tapes Reveal Nixon Blaming JFK in Killing” The Times – Picayune, 26.2.1999)].
Tới đây, chúng ta sẽ dừng lại một chút và xem xét vài sự kiện có vẻ khó tin liên quan đến những tài liệu mà tới giờ chúng ta đã tán thành đưa ra:
1) Thoạt tiên Kennedy không biết chắc cuộc đảo chính có phải là ý tưởng tốt hay không: Minh Lớn và những kẻ âm mưu đã hoãn cuộc đảo chính vài lần, khi những thông điệp mật mà Coein nhận được từ Nhà trắng cho thấy nỗi nghi ngại về khả năng thành công. Nếu cuộc đảo chính thất bại, JFK và các quan chức Bộ Ngoại giao sẽ gặp nhiều rắc rối; bởi vậy, sự dao động lúc đầu không chỉ diễn ra trong tâm trí Kennedy mà còn trong những bức điện tín trao đổi giữa Washington và Sài Gòn. Cũng thái độ chập chờn và thiếu quyết đoán này đã gây nhiều khó khăn cho JFK trong vụ xâm nhập Cuba, và bây giờ, chúng ta lại chứng kiến một cái gì tương tự. Mới phút trứơc Kennedy còn sôi nổi với cuộc đảo chính, thì phút sau ông đã nguội lạnh. Những độc giả tò mò khi đọc kỹ nội dung các bức điện của Bộ Ngoại giao trong Foreign Relation of the United States, 1961-63, Tập IV chắc hẳn sẽ tìm thấy nhiều đoạn văn, nhất là trong các bức điện Nhà trắng gửi cho Lodge, cho thấy sự bất an về cuộc lật đổ Diệm sắp xảy ra, cộng với những ý kiến nói rằng Lodge nên ép các tướng nổi dậy trì hoãn cuộc đảo chính. Đây hoàn toàn là sự thật và không thể phủ nhận. Nhưng thời điểm cuối cùng là một chuyện hoàn toàn khác. Dấu tay Kennedy, do dự hay quả quyết, đã để lại trên toàn bộ cuộc đảo chính. Nói rằng JFK vô can là khônh thể được, và cũng là vô lý về mặt chính trị. Làm thế nào mà cả Lodge, Rusk lẫn Harriman, Hilsman tự ý sắp đặt việc lật đổ Diệm và tìm mọi cách giữ kín không cho Kennedy biết ngay cả khi Kennedy được Harkins, Nolting, Richardson, Giám đốc CIA McCone và nhiều người khác thường xuyên đưa ra lời khuyên chống lại cuộc đảo chính? Không thể được. Với kết cục Diệm và em trai nằm chết trong chiếc xe bọc thép M 113 của Mỹ, Kennedy và Bộ Ngoại giao của ông đã hài lòng với kết quả đó. Nếu Kennedy không hài lòng, thử hỏi làm sao ông gửi điện tín cho Lodge hôm 6…11.1963, viết: “Tôi khẳng định sự đánh giá cao đối với một công việc được hoàn tất tốt đẹp.”?
2) Bạn có chắc là Richardson, Giám đốc Phân bộ CIA ở Sài Gòn, phản đối cuộc đảo chính Diệm? Vâng, quả đúng vậy. Richardson lúc nào cũng ủng hộ Diệm hết lòng với một lý do như tướng Harkins và Đại sứ Nolting: Diệm không giỏi, nhưng ông ta vẫn là người tốt nhất khả dĩ đương đầu với việt cộng, và chính vì mục đích đó mà người Mỹ ủng hộ Diệm. Khủng hoảng Phật giáo có thể chữa chạy kịp thời bằng sự giải hoà đích thực và sức ép ngoại giao. Tuy nhiên, sự thực là có một bức điện tín được biết đến nhiều nhất trong cái tên gọi là Pentagon Papers (“Hồ sơ Lầu Năm Góc”) (một tập tài liệu về chính sách ngoại giao của Mỹ liên quan đến chiến tranh Việt Nam rất thú vị và rất được dư luận chú ý) được Richardson chuyển đi ngày 28.8.1963. Và đây là những đoạn trích quan trọng nhất: “Tình hình ở đây đã đến mức không thể lùi được nữa... Cuộc họp giữa Coein và Tướng Khiêm (một trong những chiến hữu của Minh Lớn) cho thấy đa số áp đảo trong hàng ngũ các tướng lĩnh... đã thống nhất... Chúng tôi hiểu nỗ lực này [đảo chính] phải thành công và về phần mình, chúng ta buộc phải làm bất cứ điều gì cần thiết”. Đủ rồi. Tới đây chúng ta có nhân vật chủ chốt của CIA ở Sài Gòn hoàn toàn đứng đằng sau cuộc đảo chính chống Diệm, mặc dù trước đó vài tháng ông ta phản đối. (Richardson quan hệ rất tốt với Diệm và Nhu). Điều này có thể do vài nguyên nhân. Có lẽ theo thời gian Richardson đã thật lòng thay đổi ý kiến. Hoặc có thể Richardson đang hiệu chỉnh những bức điện tín của mình vì giờ đây ông biết rằng cuộc đảo chính là không thể tránh được. Hay có lẽ Richardson chỉ đơn giản quyết định tuân theo kế hoạch của Kennedy để khỏi bị sa thải (sau khi Đại sứ Nolting bị cách chức, Richardson biết sắp sửa đến lượt ông), nhưng ý định này thất bại bởi lẽ Richardson bị triệu hồi vào tháng Mười. Tuy vậy, điều đó không quan trọng phải không? Richardson là một giám đốc tiền phương giỏi, có thành tích tốt trong “ngành”, và ông ta bị lôi kéo về vì cùng quan điểm với Nolting và Harkins. Nhưng tính chất quan trọng thực sự của bức điện này thì quá rõ: có thêm bằng chứng cho thấy Coein, một điệp viên của chính quyền Mỹ, đang bí mật tiếp xúc với các tướng mưu loạn – có thêm chứng cớ về sự dính líu của Mỹ vào cuộc lật đổ một nguyên thủ quốc gia đồng minh.
3) Không phải mọi người đều biết rằng điệp viên CIA E. Howard Hunt thực sự đã nguỵ tạo một số tài liệu của Bộ ngoại giao để cho thấy Kennedy vướng vào cuộc thảm sát Diệm? Vâng. Trong Plausible Denial (“Lời phủ nhận đáng tin”), tác giả / luật sư Mark Lane có dịp chất vấn Hunt trong một phiên toà về tội phỉ báng. Nhiệm vụ của Lane là vạch trần sự dối trá của Hunt trước bồi thẩm đoàn, và ông đã làm việc này với phương pháp tinh thông bằng cách buộc Hunt thú nhận một loạt lời dối trá và lừa lọc. Nhưng trong thời gian chất vấn, Lane còn rất khéo léo làm cho Hunt thừa nhận đã giả mạo một số bức điện của Bộ ngoại giao khiến người đọc tin rằng Kennedy ra lệnh ám sát Diệm. Hunt làmviệc này với sự thông đồng của phụ tá Chính phủ Nixon là Charles Colson. Hunt ngụy tạo những bức điện này bằng máy đánh chữ của ông cho có vẻ đáng tin, rồi tìm cách công bố như thật trên báo Times và Life(69) [(Lane, Mark, Plausible Denial (Thunder’s Mouth Press, 1991))]. Quá khứ mờ ám của Hunt không có gì bí mật (ông ta từng tiếp tay tổ chức một vụ đột nhập Watergate đầy tai tiếng), và cũng không còn lạ gì sự thù hằn của ông đối với John Kennedy (Hunt hoàn toàn đổ lỗi cho Kennedy về thất bại trong vụ Vịnh Con Heo, và càng coi thường Kennedy hơn nữa trước việc ông giảm bớt quyền hành của CIA tại Việt Nam) / Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là những bức điện do Hunt ngụy tạo không phải là những bức điện của chính phủ mà chúng ta trích dẫn trong cuốn sách này. Hunt không ngụy tạo ra tập IV Foreign Relations of the United States, 1961 –1963, gồm 793 trang hồ sơ về sách lược ngoại giao của chính phủ trong khoảng từ tháng Tám đến tháng Mười hai,1963: ông ta ngụy tạo nhiều tài liệu đối ngoại và tìm cách làm cho người ta tưởng thật. Nói cách khác, sự giả mạo của Hunt không nằm trong tập IV Foreign Relation United States, 1961 –1963, cũng không có mặt trong bất cứ hồ sơ lưu chính thức nào. McCoy đã nói hết bằng sự thực. Những ai còn nghi ngờ sự đồng lõa của Kennedy trong cuộc lật đổ Diệm chỉ cần đọc lại hồ sơ chính phủ chứa đựng hàng trăm trang điện văn trao đổi qua lại, sẽ thấy rõ Kennedy và các thành viên chính phủ đã khuyến khích, vận động, và xúi giục Minh Lớn cùng các tướng lĩnh của ông ta truất phế Diệm và Nhu, một động thái dứt khoát dẫn đến cái chết của hai người này đồng thời nhanh chóng giúp Kennedy thoát khỏi búa rìu dư luận quốc tế.
4) Phải chăng có những mâu thuẫn trong một số cuốn sách lịch sử viết về cái chết của Diệm và Nhu, đặc biệt là sự từ chối trưng dụng một chiếc máy bay đưa anh em họ Ngô đi tị nạn chính trị của Coein? Có và có, nhưng kết cục vẫn vậy. Những chi tiết tỉ mỉ về vụ ám sát Diệm và Nhu bị giấu kín một cách khéo léo. Tuy vậy, không có gì để bàn cãi nữa, chính Minh Lớn đã ra lệnh giết họ. Chỉ có thể tranh luận là Minh Lớn có tự ý ra lệnh hay không hoặc ông ta có bị buộc phải làm thế hay không sau khi Coein nói khó có thể cấp một máy bay trong vòng hai muơi bốn tiếng đồng hồ. Một số cuốn sách lịch sử đặc sắc đã nê những chi tiết khác nhau đôi chút liên quan đến vụ thảm sát thực sự đã xảy ra. Chúng ta hãy lướt qua hai trong số những cuốn sách hay nhất cho tới bây giờ viết về Chiến tranh Vịêt Nam: A Bright Shining Lie (Lời nói dối toả sáng) của Neil Sheehan và Vietnam: A History (“Việt Nam: Một thiên sử”) của Stanley Karnow, cả hai đều là những câu chuyện kể khai thác rốt ráo các tài liệu và có độ dài như Kinh Thánh. Trong sách của Sheehan, tác giả quả quyết rằng Minh Lớn ra lệnh cho một thiếu tá giết hai anh em họ Ngô. Viên thiếu tá bắn họ bằng súng lục bên trong chiếc xe bọc thép, sau đó vài người lính cuồng điên dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát lên xác của Nhu(70) [(Sheehan)]. Sách của Karnow kể cặn kẽ hơn, một thiếu tá thiết giáp (Nghĩa) và một vệ sĩ chuyên nghề giết mướn của Minh (Nhung) được phái đi bắt Diệm và Nhu theo lệnh của tướng Xuân, người có mối bất mãn cá nhân với Diệm vì bị đối xử phân biệt trong công việc. Nhưng ngoài ra, Minh Lớn còn ra lệnh cho Nhung giết Diệm và em ông ta. Theo lời kể của Karnow, Nghĩa bắn hai người đàn ông bằng súng tự động đặt trên tháp pháo (có sự nhầm lẫn, bởi vì xe bọc thép M113 không có tháp pháo; nó chỉ có một ổ súng trên đó thường gắn khẩu súng máy M2.50, là loại vũ khí chủ lực; lời tường thuật của Karnow dường như muốn ám chỉ rằng thoạt đầu Diệm và Nhu bị bắn khi vẫn còn ở bên ngoài xe, đều này là không thể được vì sự hiện diện của nhiều nhân chứng và sự hỗn độn sau đó, còn Nhung bắn bằng loại súng gì không rõ và sau đó lấy dao găm đâm tới tấp vào hai cái xác (71) [(Karnow)]. Tuy nhiên những chi tiết dù khủng khiếp mấy cũng không quan trọng. Vấn đề là Diệm và Nhu, tin rằng mình sẽ được an toàn rời khỏi đất nước, đã bị hành hình một cách dã man. Mặc dù vậy, dường như có sự không thống nhất liên quan đến Coein và chiếc máy bay. Karnow thuật lại rất rõ ràng rằng Coein tuyên bố tuyệt đối không thể cấp một chiếc máy bay cho Diệm và Nhu rời khỏi nước(72) [(Karnow)], một lời tuyên bố man trá bởi vì thật ra nhiều máy bay Mỹ đang nằm ở sân bay, mà một trong số đó, thông qua Lodge, đã được cấp không chút rắc rối cho Cẩn, em của Diệm, và như chúng ta biết đó đúng là chiếc máy bay cuối cùng Cẩn sẽ được ngồi lên. Đây nữa, Seymour Hersh trong Dark Size of Camelot cũng dẫn ra nhiều chi tiết tương tự, rằng Coein, vào năm 1975, khai rõ Minh có yêu cầu ông cấp một máy bay để bốc Diệm trốn đi nhưng Coein từ chối lời yêu cầu viện cớ không thể trưng dụng. Rồi Hersh kết luận một cách mạnh mẽ...” vì Coein biết Diệm đang ở trong tay một đám quân nhân mà họ sẽ giết ông ta. Trong bất kỳ tình huống nào, một chiếc máy bay thích hợp có thể dễ dàng được cấp trước nhưng rồi không có. Jack Kennedy đã gạch tên Diệm, và mọi người ở Sài Gòn đều biết như thế”(73) [(Hersh)]. Tuy nhiên, có một điều còn thú vị hơn nữa tìm thấy trong chính cuốn sách điều tra tỉ mỉ này, là Coein, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1996, đã phát biểu rằng không hề mảy may nghi ngờ về chuyện Minh Lớn lập kế hoạch giết Diệm và Nhu, nên ông (Coein) đã lập tức báo lại ngay cho Lodge biết thông tin này(74) [(Hersh)], và Lodge trực tiếp báo với Kennedy. Coein nói láo? Dù gì đi nữa thì ông ta cũng dính líu quá nhiều vào âm mưu được Mỹ hậu thuẫn này như ông ta đã từng thú nhận khi trả lời phỏng vấn trong Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình rằng ông đã “bật đèn xanh” của Mỹ cho những kẻ chủ mưu nổi dậy đảo chính. Nhưng một lần nữa, đoạn kết này hầu như không có gì đáng để ý. Đây chỉ là một dẫn chứng mạnh mẽ hơn cho thấy Kennedy muốn Diệm và Nhu biến khỏi chính trường, và ông ta sử dụng những thành viên nội các ba phải và tin cậy nhất để ủng hộ mưu đồ đó của Minh Lớn nhằm đạt kết quả này. Không cần phải quan tâm đến sự bất nhất trong lới khai và trả lời phỏng vấn của Coein, trong mọi trường hợp ông ta luôn cho thấy mình là quân cờ mạnh có thể thực hiện ý muốn loại bỏ Diệm và Nhu của chính phủ Kennedy.
5) Kennedy có thực sự muốn chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ tại Việt Nam? Đã tốn nhiều bút mực cho câu hỏi này không kém gì tung tích bí ẩn của kẻ giết người thứ ba trong Macbeth. Hãy lưu ý một trong những câu nói nổi tiếng của JFK liên quan tới vấn đề này. Người phụ tá của Kennedy, ông Kenneth O/ Donnell xác định JFK nói chuyện riêng với Thượng nghị sĩ Mike Mabsfield và nói bóng gió với thượng nghị sĩ này rằng quân đội Mỹ sẽ được rút khỏi Việt Nam.” Nhưng tôi không thể làm việc đó cho tới năm 1965 – sau khi tôi tái đắc cử -, nghe đâu JFK đã nói vậy(75) [(Hersh)]. Nhưng đây không phải là lời trích dẫn JFK trực tiếp. Không phải ngu đần, nhưng đó là chuyện có một người nói rằng một người khác kể lại với ông ta Kennedy đã phát biểu như thế, hay nói cách khác, Kennedy O’ Donnell được Thượng nghị sĩ Mansfield cho hay Kennedy đã đưa ra lời phát biểu đó. Chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ câu chuyện này, nhưng cũng phải lưu ý rằng có thể Kennedy đang nói đùa về cuộc bầu cử sắp tới, hoặc có thể ông đang làm điệu bộ trước Mansfield, người chỉ trích gay gắt việc Mỹ dính líu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ngụ ý chung là hoàn toàn chính xác. Đối với Kennedy, sẽ là tự sát về chính trị nếu rút phần lớn nhân sự Mỹ khỏi Việt Nam trước kỳ bầu cử 1964, và không ai biết điều này rõ hơn Kennedy. Ông ta sẽ bị quy kết là mềm yếu trước chủ nghĩa cộng sản, và sẽ bị mất phiếu nặng nề (nên nhớ, mặc dù đến năm 1966 chiến tranh Việt Nam sẽ trở thành mối ác cảm trong lòng người Mỹ, nhưng vào năm 1963, hầu hết cử tri đều ủng hộ những cố gắng của chính phủ dành cho Việt Nam). Chắc chắn, và điều đặt biệt là sau khi được biết về cuộc khủng hoảng Phật giáo cùng thái độ ngoan cố của Diệm, có lẽ Kennedy đã chán ngấy Vịêt Nam và mong muốn nó biến mất cho xong. Ai mà không muốn? Nhưng ông cũng biết cái cách mà dân chúng Mỹ nhận thức phương pháp mà ông xử lý sự dính líu của Mỹ sẽ mở ra hoặc bóp chết những cơ may trong cuộc bầu cử sắp tới. Nói cách khác, nếu mối đe dọa cộng sản vẫn còn mạnh mẽ tại Việt Nam nên nếu Kennedy ra lệnh rút quân toàn bộ hay phần lớn trước năm 1964, thì những cơ hội tái đắc cử của ông sẽ bị tiêu hủy.
Đã nói tới như thế thì chúng ta hãy tiếp tục. Một số những lý thuyết dược ủng hộ về vụ ám sát JFK – mà phần nhiều tạo nên cơ sở thúc đẩy nhà làm phim Oliver Stone làm phim JFK – quả quyết rằng Kennedy bị giết bởi một tập đoàn quân sự và CIA (với sự trợ giúp của băng đảng Mafia cung cấp lương thực cho quân đội cấu kết với CIA) chủ yếu vì một tài liệu gọi là Giác thư hành động An ninh Quốc gia 263 (NSAM 263, có thể tìm thấy được ở trang 395 và 396 của bộ sách Foreign Relation of the United States, 1961-63, tập IV) liên tục được trích dẫn như là một bằng cớ cho thấy Mỹ sẽ dứt khoát rút 1000 quân vào tháng 12.1963, và toàn bộ quân Mỹ vào năm 1965.
Hãy nhìn vào nội dung Giác thư NSAM 263. Đó là một thông báo của người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia McGeogre Bundy gửi Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, và Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Maxwell Tayor. Nhiều độc giả đã đọc tài liệu này rồi, nhưng hãy chịu khó đi cùng chúng tôi vì bạn đọc có thể chưa đọc kỹ từng chi tiết. Tài liệu Tối mật lúc bấy giờ tự nó nêu rõ:
Tại cuộc họp ngày 5.10.1963 Tổng thống xem xét những đề nghị ghi trong báo cáo của Bộ trưởng McNamara và tướng Taylor về sứ mệnh của họ tại Nam Việt Nam.
Tổng thống chấp thuận những đề xuất quân sự trong phần IB (1-3) của bản báo cáo, nhưng yêu cầu không được thông báo chính thức việc thực hiện kế hoạch rút 1000 nhân viên quân sự Mỹ vào cuối năm 1963.
Sau khi thảo luận những đề nghị còn lại của bản báo cáo, Tổng thống phê chuẩn một chỉ thị cho Đại sứ Lodge được trình bày trong bức điện của Bộ ngoại giao số 534 gửi Sài Gòn.
Thế là tốt, rất tốt. Những gì Bundy viết chủ yếu là một bức thư dán kín đề cập đến vấn đề về chính sách ngoại giao đã tồn tại như bộ phận của nhiều tài liệu khác. Bây giờ hãy mở tài liệu 179 như số tham khảo chỉ dẫn, và bản báo cáo được đề cập trong cuộc họp của Tổng thống ngày 5.10.1963.
Tài liệu 179 là một giác thư trên hai mạng do Michael Forrestal, ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia chuẩn bị, và số tham khảo không nói tới trong bản báo cáo của cuộc họp mà chỉ nói tới bản báo cáo đánh giá của Bộ trưởng McNamara và Tướng Taylor căn cứ vào chuyến đi của họ tới Nam Việt Nam hồi tháng 9.1963, được ghi chép trong tài liệu 167, đề ngày 2.10.1963. Chúng ta biết đúng như vậy bởi vì không có phần IB (1-3) trong tài liệu 167. Không nghi ngờ gì nữa, các nhà báo tường thuật vụ ám sát muốn kết tội tập đoàn công nghệ quân sự/CIA đã phát hiện trong bản báo cáo này (167), tại đoạn 1 và 2 của phần I B, những nội dung sau:
B. Những đề nghị:
Chúng tôi đề nghị:
1. Tướng Harkins cùng với Diệm xem xét lại những thay đổi quân sự cần thiết để hoàn thành chiến dịch quân sự tại Bắc bo và Trung bộ (I, II, và quân đoàn II) vào cuối năm 1964, và tại đồng bằng Sông Cửu long (quân đoàn IV) vào cuối năm 1965. Việc xét duyệt này sẽ tính tới sự cần thiết phải có những thay đổi sau:
a. Dịch chuyển hơn nữa ảnh hưởng và sức mạnh quân sự đến Đồng bằng sông Cửu long.
b. Tăng cường nhịp độ quân sự khắp các vùng chiến thuật...
b. Đẩy mạnh các cuộc hành quân “ quét sạch và chiếm giữ”...
c. Gia tăng quân số cho các đơn vị chiến đấu để có được sức mạnh tối đa.
d. Nhanh chóng huấn luyện và trang bị vũ khí cho dân quân làng xã.
e. Củng cố chương trình ấp chiến lược...
2. Tổ chức chương trình huấn luyện người Việt Nam để đến cuối năm 1965 họ có thể đảm trách được những nhiệm vụ thiết yếu mà hiện nay nhân viên quân sự Mỹ đang giữ(76). [(FRUS)]
Một phần bản báo cáo đánh giá này đưa ra những đề xuất “xem xét” với Diệm, nghĩa là đánh giá hành động bởi tổng thống Diệm. Điều mà báo cáo này muốn nói là: “Jack, để thoát khỏi Việt Nam một cách sạch sẽ,chúng ta phải ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam để họ có thể ngăn chặn Cộng sản một cách hữu hiệu. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi nơi đây vào cuối năm 1965, thì đây là những gì chúng ta cần làm”.
Khi McGeogre Bundy, trong NSAM 263, nói rõ Kennedy đã “chấp thuận những đề xuất về quân sự trong phần I B(1-3) của báo cáo”, ông không có ý nói rằng JFK sẽ rút toàn bộ quân Mỹ vào cuối năm 1965, ông chỉ muốn nói, để theo đuổi khả năng tăng sức mạnh cho Nam Việt Nam tới mức có thể chống lại sự chiếm đóng của Cộng sản, Tổng thống đã đồng ý “xem xét sự cần thiết phải có những thay đổi” để tác động tới viễn cảnh tối ưu này, điều đó bao gồm việc tăng viện trợ và nhân sự Mỹ tại Việt Nam. Kennedy chấp thuận những đề nghị cố gắng rút ngắn cuộc chiến tranh. Ông ta không chấp thuận một sự rút quân toàn bộ dù có suy diễn kiểu nào đi nữa. Nội dung cuộc họp không có ý đó, và ai cũng thấy được như vậy. Đó là sự chấp thuận những đề xuất được đưa ra để suy đoán. Trở lại với Tài liệu 179, chúng ta thấy điều này:
Tổng thống cũng nói rằng quyết định của Mỹ rút 1000 cố vấn vào tháng Mười hai năm nay không được công bố chính thức với Diệm. Thay vào đó, động thái này phải được thực hiện thường xuyên như một phần trong chủ trương chung của chúng ta là rút đi những người khi họ không còn cần thiết nữa(76a) [(FRUS, Vol.4)].
JFK công nhận quyết định rút 1000 cố vấn Mỹ vào cuối năm 1965, và ông nói việc này không được công bố “chính thức” với Diệm. Nhưng còn “không chính thức” thì sao? Liên quan đến toàn bộ vấn đề này, Ngoại trưởng Dean Rusk gửi cho Lodge bức điện “chỉ người nhận đọc” vào ngày 5.10.1963, lúc 5 giờ 38 phút chiều (bức điệnsố 180) nói rằng:
“Sau khi phê chuẩn bức điện tiếp theo sau gồm những chỉ thị chi tiết, Tổng thống yêu cầu tôi gửi đến ông ta thông điệp riêng của ngài.
Tổng thống cho rằng điều tối quan trọng là chúng ta không nên công khai giai đoạn tiếp theo này cho báo chí. Những quyết định và những chỉ thị trong bức điện tiếp theo sau [đây là bức điện 180; bức điện tiếp theo sau là 181, được gửi sau một phút, tức 5 giờ 39 phút chiều] đang được giữ tuyệt mật tại Nhà trắng và chúng ta đang tìm mọi cách có thể không cho dư luận bên ngoài biết...(77). [(FRUS, Vol. 4)]
Ở đây Rusk đang nói cho Lodge biết rằng Kennedy không muốn dân chúng Mỹ nghe được quyết định “phê chuẩn” rút 1000 quân Mỹ. Tại sao? Bởi vì Diệm biết chuyệnnày trên báo chí Mỹ, vì nếu Diệm biết, nước Mỹ cũng sẽ biết. Thay vì như thế, JFK để cho chuyện đó đến tai Diệm “một cách không chính thức”, nghĩa là tin tức tình báo rò rĩ. Tất cả nội dung NSAM 263 này chỉ là d0ộng tác phù phép – giả vờ như là “chính thức” – làm cho Diệm khiếp hãi khi nghĩ rằng Mỹ sắp rút hết viện trợ. Nếu Diệm nghĩ chuyện này có thật, thì ông ta sẽ có những tiến bộ đáng kể rồi bắt đầu làm những gì Mỹ yêu cầu ông ta làm nếu ông ta muốn chiến thắng.
Nhưng chúng tôi dựa vào cái gì để quả quyết như vậy?
Số tham khảo hoàn toàn dẫn về một nguồn, là Giác thư NSAM 263. Số tham khảo này chỉ raTài liệu Số 181, đó chínhlà bức điện mà Rusk đã báo trước cho Lodge. (Xem chú thích 77 ở cuối sách ) Bây giờ chúng ta chuyển qua Bức điện 181, được gửi sau một phút, để xem nó nói gì về tất cả những động thái trên đây.
Đoạn văn thứ 2 nói rõ với Lodge:
“2. Những hành động được thiết kế nhằm cho Chính quyền Diệm biết chúng ta không hài lòng về các chính sách chính trị của họ và khiến chính quyền này và các phe phái người Việt chủ chốt đều không chắc chắn được về những dự định tương lai của nước Mỹ...[78]” [(FRUS, Vol.4)].
Ô! Đợi một chút, Oliver Stone! Các nhà nghiên cứu cảu ông không cho ông biết điều này sao? Tài liệu Bộ ngoại giao Mỹ chính thức này nêu rõ rằng phần nền tảng của NSAM 263 không là gì khác hơn ngoài sự tuyên truyền với dụng ý uy hiếp buộc Diệm phải cải thiện phương pháp điều hành chính quyền. Một thủ đoạn thường thấy của một chính phủ lớn đối với một chính phủ nhỏ nhằm giữ được sự tán thành của công chúng trước một nỗ lực chính trị.
Tất cả đều sờ sờ trong văn bản lưu trữ chính thức.
Và bây giờ chúng ta hãy xem xét các cơ sở động cơ được ưa chuộng hạng nhì của những lý thuyết muốn nói rằng Kennedy bị ám sát vì ông ta sắp rút quân khỏi Vịêt Nam, (cơ sở được ưa chuộng nhất thì cho rằng “Tập đoàn công nghiệp quân sự” muốn chiến tranh Việt Nam tiếp tục vì bọn họ có thể làm giàu nhờ một nền kinh tế dựa vào chiến tranh).
Rất tiếc phải nói đó chính là một tài liệu Bộ ngoại giao khác, Giác thư Hành động An ninh Quốc gia 273 (NSAM 273), mà nhiều người đã quá rõ. Có một lý thuyết tóm tắt lan truyền từ lâu rằng Giác thư NSAM 273, với việc chấp thuận tăng nhanh sự hiện diện của quân Mỹ ở Nam Việt Nam, là sự đảo ngược hoàn toàn Giác thư NSAM263 vốn tuyên bố Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam. Quái, chúng tôi đã cho thấy NSAM 263 không chứa một sự việc như vậy, mà nó đã bị hiểu sai hoàn toàn, đến mức báo động, bởi những tác giả chuyên viết về JFK nào đó. Cho nên bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu Giác thư NSAM 273 tai tiếng này, và những chi tiết của nó:
Tổng thống [bây giờ là Lydon Baines Johnson – LBJ] đã xét lại những bàn luận về Nam Việt Nam diễn ra ở Honolulu [tại một cuộc họp của các cố vấn cao cấp của Kennedy hai ngày trước khi JFK bị ám sát; xem lại chú thích 79 ở cuối sách] và đã bàn thêm về vấn đề này với đại sứ Lodge. Ông ta yêu cầu tất cả những ai có liên quan phải theo sát sự chỉ đạo sau:
1. Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu chủ yếu ở NamViệt Nam là giúp đỡ dân chúng và chính phủ của quấc gia này chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ nguy hiểm của Cộng sản được bên ngoài trực tiếp hỗ trợ. Thử nghiệm cho mọi quyết định và hành động tại đây của Mỹ sẽ phải là mức hiệu quả đóng góp của chúng cho mục tiêu đó.
2. Các mục tiêu của Mỹ liên quan đến cuộc rút quân nhưngMỹ vẫn không khác gì với tuyên bố của Nhà Trắng ngày 2.10.1963. [Những đề xuất của McManara/ Taylor về việc tăng cường viện trợ cho các vùng Bắc, Trung, và đồng bằng Sông Cửu Long cho đến một lúc nào đó quân đội Nam Việt Nam tự chiến đấu được].
3. Mối quan tâm chính của chính phủ Mỹ là chính quyền tạm thời hiện tại của Nam Việt Nam cần được giúp đỡ để tự củng cố, giữ gìn và phát huy nguồn viện trợ đã được tăng lên. Tất cả viên chức Mỹ phải nhắm tới mục tiêu này để hành xử(80). [(FRUS, Vol.4)]
Còn nữa, nhưng toàn bộ vấn đề là ở chỗ Tổng thống Mỹ giờ đây đã chính thức cam kết nước Mỹ kiên trì viện trợ quân sự cho chính quyền mới ở Nam Việt Nam (Diệm đã chết, Minh Lớn hiện là nhà lãnh đạo thực sự của quốc gia này). Điều làm cho những người tin rằng CIA/ tập đoàn công nghiệp quân sự là thủ phạm ám sát JFK thèm nhỏ rãi là Giác thư này được Tổng thống mới, Lyndon Johnson, đặt bút ký bốn ngày sau cái chết của JFK, và lý thuyết của họ luôn luôn chỉ ngón tay kết tội thẳng vào mặt vào LBJ do đã làm điều gì đó dính tới vụ ám sát bởi vì bản dự thảo của NSAM 273 thực tế chỉ đưôc viết hai ngày trước khi JFK bị giết.
Chúng ta sẽ đưa ra vài ví dụ cụ thể về sự diễn dịch sai này và/ hoặc sự sắp xếp các sự kiện một cách gượng gạo. Trong Kill Zone (“Vùng giết chóc”) của Craig Roberts (một cuốn sách thú vị về nhiều phương diện) tác giả nói rằng NSAM 273” được McGeogre Bundy viết để ủng hộ chính sách của LBJ cam kết viện trợ người và tiền của cho Nam Việt Nam”(81). [(Roberts, Craig, Kill Zone (Consolidated Press International, 1994))].
Tác giả Robert đã lầm. NSAM 273 được viết KHÔNG PHẢI để ủng hộ chính sách cam kết viện trợ cho NamViệt Nam của LBJ. Bản phác thảo văn kiện này được viết hai ngày trước khi Kennedy bị ám sát; do vậy nó KHÔNG được viết cho LBJ, nó được viết cho JFK. Đưa ra một giả thuyết khác đi nghĩa là buộc tội TẤT CẢ THÀNH VIÊN tham dự Hội nghị Honolulu đã trực tiếp dính líu vào vụ ám sát Kennedy và đã biết trước chuyện đó, những người như Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng quốc phòng Robert McManara, Đại sứ Henry Cabot Lodge, Tướng Paul Harkins và Tướng Maxwell Taylor. Điều chúng tôi muốn chỉ ra ở đây là Hội nghị Honolulu là cuộc gặp gỡ giữa các bộ óc quân sự và ngoại giao để quyết định cần phải thay đổi những gì trong chính sách của Mỹ liên quan tới NamViệt Nam vì giờ đây những kẻ gây rắc rối cho họ – Diệm và Nhu – đã chết. Nói chính xác hơn, hội nghị Honolulu – cơ sở của NSAM 273 được triệu tập để đưa ra những đề xuất cho TỔNG THỐNG KENNEDY, người vẫn còn sống vào thời điểm đó. Johnson ký Giác thư vì tình trạng khiếm diệm, bởi vì ông chỉ trở thành tổng thống hai ngày SAU KHI nó được viết ra! Nó được các cố vấn cao cấp của Kennedy viết cho KENNEDY, không phải cho JOHNSON. Thậm chí Robert Groden, người đã dành cả đời mình tìm hiểu vụ ám sát Kennedy và những cuốn sách của ông nằm trong vài cuốn hay nhất từ trước tới nay viết về đề tài này, đã quả quyết trong một cuốn sách của ông, The Killing of a President (“Vụ sát hại một tổng thống”), rằngNSAM 273 là “hệ quả chính trị trực tiếp đầu tiên của vụ ám sát Kennedy” (82). [(Groden, The Killing of a President)]
Như hồ sơ lưu trữ chính thức về chính sách ngoại giao của Mỹ có nói, NSAM 273 KHÔNG PHẢI là hệ quả của việc ám sát Kennedy. Rành rành, dứt khoát, và không thể bác bỏ được, Giác thư đó được viết CHO Kennedy TRƯỚC KHI ông bị giết. Đây không phải là tin tức cũ xì; dù nó được viết cách đây gần bốn thập niên. Gần đây nhất, trong The Color of Trust (“Màu sắc của sự thật”), một cuốn sách được gới phê bình đánh giá cao (do nhà xuất bản Simon và Schuster phát hành cuối năm1998), tác giả xuất sắc đồng thời là biên tập viên cho tờ The Nation Kai Bird nhắc đến Giác thư này như sau: “Thực vậy, với việc Diệm ra đi, thái độ của Washington là giờ đây việc giành thắng lợi trong cuộc chiến sẽ được xúc tiến mạnh”(83) [(Bird, Kai, The Color of Truth (Simon và Schuster, 1998))]. Cuốn sách của Bird không chỉ được hỗ trợ bởi những khả năng nghiên cứu đáng ngạc nhiên của ông mà còn bởi vì tài liệu của nó; nó là tiểu sử của hai cố vấn hàng đầu của JFK, McGeogre và William Bundy, và được bảo đảm bởi gần một trăm cuộc phỏng vấn với gia đình Bundy và người quen của họ. (Sự thực, đây là cuốn sách toàn diện nhất từ trước đến giờ viết về nhóm thân cận trong Nhà trắng của Kennedy và sau này là Nhà Trắng của Johnson. Những độc giả quan tâm đến vấn đề sẽ thiệt thòi nếu không đọc cuốn này.)
Bây giờ, về Giác thư NSAM 263 và NSAM 273, chúng ta hãy xem một cuốn sách khác, JFK: The CIA, Vietnam, and the Plot to Assassinate John F. Kennedy (“JFK: CIA, Việt Nam, và âm mưu ám sát John F.Kennedy”) của L.Fletcher Prouty (nó bênh vực cho lý thuyết chính trong phim của Oliver Stone). Ở trang 267, Prouty bắt đầu đưa ra lý giải riêng của ông về hai tài liệu liên quan tới chính sách này và ý nghĩa của nó. Ông lý giải, nhgư chúng ta đã biết, rằng nếu không tham khảo đầy đủ Báo cáo McManara/ Taylor, thì Giác thư NSAM 263 không có giá trị suy diễn; cụ thể hơn, ở trang 268, Prouty viết: “Không có chính cái báo cáo đó trong hồ sơ thì bức thư dán kín này hoàn toàn vô giá trị.”
Chúng tôi đồng ý.
Tiếp theo, Prouty đã rất đúng đắn khi tiếp tục trích dẫn những điều khoản của NSAM 263 trong phần I B (1-3) của báo cáo, như chúng ta đã biết.
Tuy nhiên, thật kinh ngạc, tác giả đã dừng lại đúng chỗ mà nhiều nhà lý thuyết về vụ ám sát đã dừng lại. Ông không đề cập đến những điều khoản còn lại rất quan trọng trong Giác thư. Hơn thế nữa, ông không đề cập đến bức điện 181 gửi Lodge giải thích nhiệm vụ thực tế và bản chất của hành động an ninh quốc gia này.
Thật đáng kinh ngạc là Prouty đã không đề cập đến những điều này, nhất là khi Prouty nhận là đã tham gia soạn thảo toàn bộ Giác thư đó. Ông nói, “Dựa vào chính sách của Nhà Trắng, nhiều nội dung của Giác thư thật sự được thủ trưởng của tôi tại Ngũ Giác Đài, Tướng Krulak, nhiều nhân viên khác của ông ta, và bản thân tôi chấp bút”(84). [(Prouty, L. Fletcher, JFK:The CIA, Vietnam and the Plot to Assassinate John F. Kennedy (Citadel Press, 1996))]
Nhìn chung, Prouty đã chịu khó thuyết phục người đọc rằng bất kỳ sự diễn giải nào khác đối với vấn đề Giác thư NSAM 263 chỉ là câu chuyện “câu khách” của các sử gia và các nhà nghiên cứu ám sát lười biếng mà lý thuyết của họ thì đơn thuần không nhất trí với lý thuyết của ông. Thậm chí Prouty còn viết: “Tôi đã cẩn thận trích dẫn những sự kiện này nhằm làm rõ chính sách mới của tổng thống [chúng ta phải lưu ý rằng chính sách mới của tổng thống ra ngày 11.10.1963 rõ ràng vẫn chưa được quyết định ở thời điểm đó] và so sánh nó với những gì được thực hành từ những ngày đó bởi những kẻ mong muốn che giấu hoặc làm rối tung các sự kiện...”(85). [(Prouty)]
Dựa vào những đoạn trích trên đây và những yếu tố căn bản khác trong NSAM 263 mà Prouty đã không đề cập tới, các nhà phê bình khắt khe có thể dễ dàng kết tội chính Prouty đã che dấu và làm rối tung các sự kiện.
Tất nhiên chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng ngài Pruoty đã bỏ qua chúng một cách sai lầm.
Nhưng dù có vậy chăng nữa, cuốn sách của Prouty cũng đưa ra lời tuyên bố độc nhất không ai có đến hàng ngàn độc giả - trong khi phim JFK của Oliver Stone có hành triệu người xem - “Chính sách nêu trong Giác thư NSAM 263 của Kennedy sẽ đảm bảo rằng hàng trăm ngàn ngưới Mỹ sẽ không bị gửi tới chiến trường Nam Việt Nam”(86) [(Prouty)], trong khi trên thực tế chính sách trong Giác thư NSAM 263 của Kennedy hoàn toàn không đảm bảo một điều như vậy.
Vẫn chưa hết, Prouty còn nói một điều không ai biết tương tự: “Nếu John F. Kennedy còn sống, người Mỹ sẽ không phải ra trận và chết tại Việt Nam...(87) [(Prouty)]. Lời tuyên bố này hoàn toàn thiếu chính xác, dù ta có tưởng tượng đến mức nào. Foreign Relation of the United States, 1961-1963, tập IV là một bằng chứng.
Prouty còn đi xa hơn khi cho rằng NSAM 273 là “Giác thư NSAM của Johnson”(88) [(Prouty)]. Chuyện này vẫn thường xảy ra. Đây không phải là Giác thư NSAM 273 của Johnson, nó là của JFK. Để thu dọn vấn đề, chúng ta sẽ trích dẫn từ cuốn sách có tính khai phá do nhà xuất bản Simon và Schuter phát hành nănm 1999, Vietnam: The Necessary War (“Việt Nam: Cuộc chiến tranh cần thiết”) của nhà sử học chính trị lừng danh Michael Lind. Đây là những gì ông ta phải nói về “kế hoạch bí mật” rút khỏi Việt Nam của Kennedy: “Luận điểm của Oliver Stone được thể hiện trong phim JFK thậm chí còn ngớ ngẩn hơn, rằng các thế lực bí mật trong chính quyền Mỹ sắp đặt việc ám sát Kennedy để thay thế bằng Lyndon Johnson, người sẽ thực hiện kế hoạch leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Nếu Kennedy còn sống và từ bỏ Nam Việt Nam thì thành tích của ông ta trong chính sách ngoại giao sẽ là thành tích thất bại tuyệt đối ở Cuba, Berlin, và Đông Nam Á”(89) [(Lind, Michael, Vietnam:The Necessary War (Simon và Schuster, 1999))]Ngoài ra có một chuyên gia khác đồng ý, và đósẽ là Dick Shultz, tác giả của The Secret War Against Honoi (“Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội”) và là giám đốc các chương trình nghiên cứu quốc tế của Đại học Tufts. Shutlz cho rằng ý định muốn rút quân khỏi Việt Nam của Kennedy là một “huyền thoại”, và trong bài báo đặc sắc in trên Boston Globe tháng 1.2000, ông mạnh mẽ lý giải trên cơ sở một loạt sự kiện, rằng năm 1963 Kennedy tìm cách bí mật leo thang chiến tranh hết mức, chứ không rút lui”(90). [(Schultz, Dick, “How Kennedy Launched His Secret War in Vietnam,” The Boston Globe, 31.1.2000)]
Chúng tôi đã nói tất cả những gì cần nói về vấn đề này. Hồ sơ lưu trữ chính thức thông qua Vụ Án Loát Chính Phủ luôn sẵn có cho bất cứ ai quan tâm tìm đọc, và để tóm tắt, toàn bộ cuộc tranh luận về Giác thư NSAM 263 và NSAM 273 đã được tổng kết cực kỳ rõ ràng trong The Assassination of John F. Kennedy (“Vụ ám sát John F. Kennedy”) của James P. Duffy và Vincent L. Ricci: “Những người đề xướng lý thuyết Kennedy bị giết vì được cho là có những kế hoạch rút khỏi Việt Nam đã phớt lờ bằng chứng rất đanh thép rằng nếu Kennedy còn sống, chiến tranh có thể tiếp tục như dưới thời Lyndon B. Johnson. John Kennedy không phải là “kẻ phản chiến” như nhiều người toan tính gán cho ông. Những người khuyên Johnson mở rộng chiến tranh chính là những cố vấn thân cận nhất của Kennedy...”(91) [(Duffy)]
Nếu như Kennedy muốn rút tất cả lực lượng Mỹ ra khỏi Nam Việt Nam, thì tại sao ông lại có câu nói này trong một diễn văn được nhiều người ủng hộ: “Không có Mỹ, Việt Nam sẽ sụp đổ trong một đêm”(92). [(Bishop, Jim, The Day Kennedy Was Shot (Harper Perennial, 1992))].
6) Nói gì được đây về Eward Lansdale, một mật viên tiền phương cùa CIA, người được giao nhiệm vụ giúp Diệm đánh bại các đối thủ sừng sỏ của ông giữa thập niên 50? Ông ta có dự phần trong sự dính líu của Mỹ vào cuộc đảo chính Diệm không? Không đáng kể lắm, nhưng rõ ràng Lansdale không xa lạ gì với chuyện giết chóc; ông đã có quá trình giấu mình trong các điệp vụ bí mật xoay quanh việc giết hại những phần tử cộng sản nổi loạn.(Neil Sheehan đánh giá Lansdale là “một gián điệp mật huyền thoại”)(93) [(Sheehan)]. Trước khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, ông ta đã giúp nghiền nát các lực lượng nổi loạn ở Philippines, và khi tới Sài Gòn ông ta có vai trò đáng kể trong việc giữ gìn ngôi tổng thống của Diệm. Trước tiên, trong khuôn khổ nỗ lực của CIA, ông đã thuyết phục được Bảo Đại nhường chức thủ tướng cho Diệm, và rồi loại bỏ Bảo Đại bằng cách dựng lên một cuộc bầu cử có lợi cho Diệm. Chính nhờ sự cố vấn về chiến lược của Lansdale mà Diệm đã đánh bại 40.000 binh lính của phái Bình Xuyên vào năm 1955. Mỹ đã chọn ủng hộ Diệm như là nhà lãnh đạo thực sự của Nam Việt Nam, và chính Lansdale là người thực hiện việc ủng hộ đó. Nhưng Lansdale có phải là kẻ sát nhân không? Ông ta có phải là một nhân vật huyền thoại làm việv hết mình cho CIA? Những câu hỏi còn tồn nghi, nhưng cần lưu ý rằng Lansdale không dính tới những cuộc tàn sát thẳng tay những người Việt Minh “ở lại” vào giữa thập niên 50. Chắc hẳn Lansdale biết rằng hầu hết những người này không phải là cộng sản thứ thiệt nhưng bởi vì một ít trong số đó có thể là cộng sản, nên ông sẵn sàng tán thành việc giết hại, tống giam và khủng bố họ, và ông gọi một cách bừa bãi đó là tiến trình “thanh lọc”(94) [(Sheehan)]. Lansdale có phải là kẻ bất lương? Không(thực vậy, qua hầu hết những tường thuật, ông được mô tả như một anh chàng tử tế), nhưng ông ta làm nhiệm vụ hết mình, mà nhiệm vụ của ông ta thực chất chỉ xoay quanh việc giết hại những người Cộng sản. Lansdale là một anh hùng và một nhà yêu nước, hoàn thành mọi nhiệm vụ được chính phủ giao như bất kì người lính đánh tin cậy nào khác: không có gì bàn cãi. Nhưng đó là vào giữa thập niên 50, trong khi mọi chuyện đã biến đổi đột ngột vào năm 1963. Vậy thì rất thú vị khi dẫn ra đây một tiết lộ trong cuốn sách best – seller của Seymour Hersh. Mùa thu năm 1963, Lansadle được gọi đến gặp riêng tổng thống Kennedy; và rồi khi biết những quan hệ gần gũi trước đây của Lansdale với Diệm, Kennedy hỏi Lansdale có muốn trở lại Sài Gòn để tìm cách thuyết phục Diệm loại trừ Nhu ra khỏi chính phủ Nam Việt Nam không. Lansdale sốt sắn nhận lời, vì ông luôn là bạn thân của Diệm nhưng không bao giờ tán thành Nhu, người được coi là gây nhiều rắc rối nhất cho Chính phủ Kennedy. Lansdale, đang cân nhắc chuyện về hưu lúc đó – chủ yếu vì buồn chán – phấn chấn trước lời đề nghị của JFK... cho đến khi ông ta nghe được những chuyện sau đó.
Như một người đứng ngoài, Kennedy hỏi liệu khả năng loại Nhu ra khỏi sự liên kết chính trị với Diệm có thực hiện không, hay nếu ông (JFK) thay đổi ý kiến và quyết định phải xoá bỏ Diệm, thì Lansdale có còn muốn nhận nhiệm vụ không? Lansdale, với tất cả thành thật, và mặc dù muốn nhận công việc, đã phải từ chối lời đề nghị của tổng thống trong những điều kiện chi tiết đó. Lansdale lý giải ý nghĩa tối hậu của những điều JFK trình bày là: “Ông có chịu giết Diệm không nếu tôi quyết định điều đó là cần thiết?” Lansdale, một gián điệp lão làng thuộc trường phái cổ điển, thấy quá rõ đó là những gì JFK muốn nói(95) [(Hersh, từ cuộc trao đổi giữa Lansdale và Daniel Ellsberg, theo Hersh trích dẫn)].
(Một chú thích cuối cùng: Mặc dù đã trích dẫn một số điểm chúng tôi không đồng ý, chúng tôi không hề coi thường những cuốn sách khác viết về vụ ám sát Kennedy. Thật vậy, nhiều cuốn sách có tư liệu dẫn ra cụ thể trong chương này – The Killing of a President của Groden, The Dark Size of Camelot của Hersh, Vietnam: A History của Karnow; Paulsible Denial của Lane, JFK: CIA, Vietnam, and the Plot to Assasstnate John F. Kennedy của Prouty, Kill Zone của Roberts, A Bright Shining Lie của Sheehan – nhưng chúng tôi không đánh giá cao tất cả được. Tất cả được viết bởi những cây bút tài giỏi trong lĩnh vực chuyên môn và có uy tín đáng kín, và hầu hết đều là những tác giả best – seller của New York Times. Chẳnh hạn Olivrer Stone, ông đúng là nhà làm phim xuất sắc nhất của thời đại chúng ta; chúng tôi không coi thường ông hoặc các bộ phim của ông; chỉ đơn thuần là chúng tôi không đồng ý với một vài luận điểm của ông. Cuối cùng, bộ phim JFK của ông có lẽ là phương tiện tốt nhất cho đến bây giờ – phim hoặc sách – truyền đến só đông công chúng những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến Báo cáo Warren và những lời nói dối mà nó đã tiêm nhiễm vào ý thức người Mỹ.