“…một cuộc xả láng của thói bạo dâm
và tàn ác không cần thiết”(147)[(Porch)]. Xin nhớ cho, vào ngày 22.4.1961, khủng hoảng ở Algeria đã lên tới đỉnh điểm. Đó là lúc viên tướng anh hùng thời chiến Raoul Salan của Pháp, với OAS hậu thuẫn, đã phát động trận đầu tiên của cuộc bạo loạn chống lại điều mà họ xem là sự phản bội của một con người họ từng cống hiến mạng sống của mình: Tổng thống Charles DeGaulle. Bằng vũ lực, họ tiến hành âm mưu đảo chính và chiếm thủ đô Algeria. Aâm mưu này thất bại khi lực lượng quân đội Pháp trung thành với DeGaulle tiến hành phản công và chiếm lại thủ đô. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu cho Salan và OAS, và cũng là khởi đầu của một thời khủng bố bắt đầu ngay sau đó, đẩy DeGaulle cùng chính phủ của ông ta tới sát bờ vực sụp đổ. Hệ quả là, DeGaulle nhờ đến những phụ tá tin cậy Roger Frey và Jacques Foccart để chống lại cuộc khủng hoảng này. Hai người đó (tương đương với các cố vấn thuộc bộ ngoại giao cho tổng thống Kennedy khi đối phó với cuộc khủng hoảng Ngô Đình Diệm) bèn kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia khác trong chính phủ để soạn ra kế hoạch đánh bại OAS và mối đe doạ của nó. SDECE có vẻ rất giỏi trong việc đương đầu với vấn đề này, nhưng ở thời điểm đó, ngay cả những giám đốc của SDECE cũng không biết có thể tin ai trong tổ chức của mình. Nhiều nhân viên chỉ huy của SDECE cũng như nhiều sĩ quan quân đội Pháp đã đồng tình với OAS và mục tiêu đấu tranh của nó. Nên SDECE, ở vào thế phải tự xoay xở để giải quyết vấn đề OAS, đã quyết định nhờ cậy những đồng minh trước đây họ có thể tin tưởng. Những người như Michael Victor Mertz từng làm việc cho SDECE trước đây nhưng nay lại làm cho tập đoàn bạch phiến Marseille. Cũng có thể rằng chính DeGaulle đã phê chuẩn việc chiêu mộ thế giới ngầm Marseille để giải quyết vấn đề của ông ta(148){( The Heroin Trail)}. Và khi SDECE ngỏ lời yêu cầu, Mertz hoan hỉ nhận lời, nhưng ở đây nảy sinh một câu hỏi đặc biệt: tại sao một người như Michael Victor Mertz lại chịu tạm thời rời bỏ việc buôn bán bạch phiến rất béo bở để đồng ý tham dự một chiến dịch đầy nguy hiểm của SDECE? Có rất nhiều câu trả lời. Thứ nhất, có một yếu tố thúc đẩy. SDECE biết quá rành việc buôn bán bạch phiến của Mertz, và đã chẳng có ý kiến gì bao năm qua. Hơn nữa, rất nhiều đồng sự trong thế giới ngầm của Mertz cũng từng làm việc cho SDECE trước đó. SDECE đã dành một ưu ái đặc biệt cho những người như họ trong quá khứ – bằng cách đơn giản là để yên cho họ buôn bán bạch phiến – và bây giờ SDECE muốn họ trả lễ. Một lý do hợp lý nữa khiến Mertz mau mắn đáp ứng yêu cầu của SDECE là bởi vì những quan hệ cũ ấy vẫn còn là chỗ bạn bè và đồng loã với Mertz bao năm qua. Khi bạn bè nhờ giúp thì mình giúp. Nhưng vẫn còn một động cơ khác cho sự hợp tác của Mertz, động cơ mạnh hơn tất cả. OAS đang đe doạ nghiêm trọng an ninh của chính phủ Pháp ở thời điểm đó, và chính phủ Pháp này đã làm ngơ trước trò kinh doanh bạch phiến của tập đoàn Marseille bao lâu nay(149){( The Heroin Trail)}. Những người như Mertz – và thực tế là toàn bộ tập đoàn bạch phiến của anh em Guerini – cần giữ vững chính phủ hiện tại bởi vì nhờ đó công việc của họ mới đứng vững. Nếu phong trào OAS thắng lợi, thì một chính phủ mới sẽ lên nắm quyền ở Pháp, và như thế rất có thể chính phủ mới sẽ không chấp nhận một đường dây bạch phiến quốc tế lại đóng trụ sở trên lãnh thổ của họ. Rõ ràng, chính SDECE và địa vị của nó trong chính phủ DeGaulle đã tạo ra vỏ bọc che chở cho mafia Marseille; chính sự bao bọc này đã giúp những lò chế biến bạch phiến ở Marseille hoạt động hết cỡ trong hai thập niên mà không bị cơ quan công quyền địa phương can thiệp(150){( McCoy)}. Tài liệu cũng ghi nhận rằng nhiều thành viên của tập đoàn bạch phiến Marseille cũng làm việc cho SDECE, và ở đây có thể liệt kê ra một ít: Joseph Attia: đầu lĩnh ma tuý Pháp trong nhiều năm, và cũng là tay ám sát của SDECE Christan David: một cái tên quen thuộc với giới nghiên cứu JFK, cụ thể là qua cuộn băng tài liệu của Nigel Turner, The Men Who Killed Kennedy (“Kẻ đã giết Kennedy”) (ta sẽ bàn sau về những dính líu của David). David từng ở tù vì buôn bán bạch phiến, ông ta cũng được SDECE tuyển mộ để chống lại những lãnh tụ cộng sản khởi nghĩa ở Morocco. Sự thực, David đã khai rằng ông ta nhận khoảng 150.000 USD cho việc tham gia ám sát một lãnh tụ phe tả ở Morocco, rồi đốt và chôn xác ông này. Andre LaBay: từng ở tù vì buôn bán bạch phiến và qua những đầu mối SDECE, ông ta cũng được tuyển mộ cho những chiến dịch chống OAS. Ange Simonpieri: cũng bị tù vì ma tuý và cũng làm việc cho SDECE chống lại OAS Roger Delouette: cũng bị tù vì ma tuý và cũng làm việc cho SDECE ở Algeria. Achille Cecchini: trùm ma tuý quan trọng ở Pháp. Ông ta làm việc cho SDECE và là đối tác lớn của Michael Mertz. Cecchini là tay phụ trách nhập khẩu thuốc phiện cho cơ sở chế biến bạch phiến của Guerini(151){( The Heroin Trail)}. Như một bè lũ phục vụ cho SDECE, những con người này đã góp mặt vào một thứ mà Douglas Porch, trong tác phẩm The French Secret Services (“Mật vụ Pháp”), đã gọi là “…một cuộc xả láng của thói bạo dâm và tàn ác không cần thiết”. Nói cách khác, họ không thích giỡn chơi. Họ làm thật. Dù thế nào, khi đồng ý chiến đấu chống OAS, Mertz cùng các đồng sự cũng thực sự chiến đấu bảo vệ chuyện làm ăn đã từng – và sẽ còn – giúp họ trở nên giàu có và thế lực. Mertz chiến đấu cho quyền lợi của riêng ông ta. Và ông ta đã chiến đấu rất giỏi. Mertz là mật viên để kết liễu mọi mật viên khác, với kế hoạch cực kỳ kín đáo. SDECE phái ông ta sang Algeria với giấy tờ chứng minh ông ta là một đại uý nhảy dù. Từ đây ông ta mau chóng len vào hàng ngũ OAS và được coi là cảm tình viên thực sự của OAS. Đó chỉ là trò đóng kịch và hơn nữa Mertz đã làm việc này với tài ba của một kịch sĩ Hy Lạp. Đến mùa hè 1961, Mertz đã qua mặt những kẻ thù OAS xuất sắc đến nỗi chính những kẻ thù này quyết định chiêu mộ ông ta vào hàng ngũ và cử ông ta đi làm nhiệm vụ không chỉ ở Algeria mà còn ở chính quốc Pháp. Thế là Michael Mertz, một tay buôn bạch phiến và nhân viên SDECE, đã thi triển tài năng của mình đến mức được kẻ thù kết nạp vào hàng ngũ. Một công việc quá tuyệt vời. Nhưng sau cùng, công việc của Mertz không chỉ là xâm nhập vào OAS và trở nên một trong những thành viên đáng tin cậy – điều này ông ta đã làm được – mà còn là cung cấp, bất cứ khi nào có thể, tin tình báo về OAS và chuyển về cho SDECE. Đây là công tác khó khăn và nguy hiểm nhất cho Mertz. Một sơ suất có thể trở thành đại họa. Chỉ một lỗi lầm rất nhỏ thôi, Mertz cũng biết rõ mình sẽ kết thúc với cuống họng bị cắt toạc từ tai bên này sang tai bên kia. Nhưng Mertz không phạm một sai lầm nào. Thay vào đó, cách ông ta làm là dàn xếp cho mình bị bắt cùng với một số sĩ quan OAS khác, những sĩ quan tuyệt đối tin tưởng ông ta. Họ chưa bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của Mertz đối với sự nghiệp chống DeGaulle. Khi cả bọn bị bắt – vì tội phổ biến những tài liệu tuyên truyền OAS tại Paris – Mertz dàn xếp cho mình bị đưa vào một trại giam OAS cùng với các sĩ quan OAS kia. Lúc đó là tháng 7.1961, và từ chổ đó, trong trại giam nhốt đầy thành viên OAS, Mertz trở nên cực kỳ hữu ích cho SDECE. Ông ta trở thành tai mắt cho những người đã tin cậy mình. Mertz là con ruồi trên tường, và con ruồi này biết rất nhiều chuyện. Ông ta đã xâm nhập vào nhóm sĩ quan thân tín nhất của OAS đến độ ông ta trở thành người được biết về các kế hoạch chiến thuật và chiến lược của OAS. Một trong những kế hoạch ấy là một chiến dịch tinh vi nhằm ám sát Charles DeGaulle. Thực vậy, OAS đã tìm cách giết DeGaulle nhiều lần trước đó, nhưng tất cả đều thất bại và những vụ đó đều được giữ kín không cho báo chí và công chúng biết. Một số vụ trong đó cũng được nhắc đến nhưng không được triển khai rộng rãi. Chỉ là những mẩu tin nhỏ chen giữa những bài báo lớn hơn. Chính phủ DeGaulle vẫn còn kiểm soát được báo chí rất chặt chẽ, và họ biết rằng không thể chấp nhận chuyện để cho dân chúng cử tri biết được bè lũ khủng bố có tên là OAS đã nhiều lần suýt hạ sát được tổng thống của họ. (Cảm tưởng này trong tương lai lại hoá ra sai – thực tế nó có thể là vũ khí hữu hiệu nhất cho DeGaulle và chính phủ của ông ta – nhưng chúng ta sẽ bàn chuyện đó sau). Mertz, trong việc xâm nhập thành công vào hàng ngũ chóp bu OAS bị giam chung với mình, đã biết được âm mưu ám sát DeGaulle bằng một cuộc đánh bom cho nổ tung xe của ông ta trên con đường ông vẫn thường về nhà qua một nơi gọi là Pont-sur-Seine. Qua những đầu mối liên lạc trong tù, Mertz đã báo được cho SDECE về vụ mưu sát sắp tới này. Foccart và thuộc viên bèn dựng một kịch bản để đưa Mertz ra khỏi trại giam mà không làm cho các sĩ quan OAS sinh nghi. Rồi Mertz có thể trình bày lại toàn bộ các chi tiết của âm mưu cho SDECE, và lập tức sau đó, Mertz được trả về trại để duy trì lớp vỏ bọc đáng tin cậy của mình. Thực ra, Mertz chưa hề bị lộ vỏ bọc. Trong khi đó, SDECE đã chuẩn bị tốt để đối phó với âm mưu của OAS. Kế hoạch này bị ngăn chặn và những tay mưu sát bị bắt giữ. Mertz một lần nữa lại trở thành anh hùng. Ông ta đã nhận nhiều huân chương trong khi tham gia lực lượng Pháp kháng chiến hồi Thế chiến 2, và bây giờ lại có công trong việc cứu mạng DeGaulle nhờ xâm nhập thành công vào OAS. Nhưng Mertz còn làm hơn thế nữa. Chính nhờ những nỗ lực “ái quốc” của bọn barbouze, bọn giang hồ Marseille và đảo Corse, mà SDECE mau chóng thu lượm được đủ tin tức tình báo về OAS và bắt giữ được những thành viên chỉ huy cao nhất của tổ chức này. Trong số đó, tướng Salan, thủ lãnh của họ, đã bị bắt giữ và tống giam cùng nhiều thành viên sáng lập quan trọng nhất. Tuy không ai biết đích xác đã có bao nhiêu thành viên OAS đã bị tống giam nhờ nỗ lực của dân barbouze, nhưng cũng có thể ước đoán, dựa theo nhiều tài liệu, rằng những chiến dịch của Mertz và bọn đồng sự buôn bán ma tuý đã cung cấp tin tình báo để chính phủ Pháp nắm được khoảng 600 kẻ tình nghi thành viên OAS và số người này sau đó đã bị bắt và tống giam. Đáng chú ý hơn là chuyện có 69 người trong số bị kết án và tống giam này từng là dân ám sát thực sự(152){( Porch)}. Sau đó, Mertz được cấp trên SDECE khen thưởng. Hơn tất cả những người khác thuộc lớp barbouze, Mertz là kẻ thành công nhất. Ông ta cứu mạng DeGaulle và đem về vô số tin tình báo quí giá cho SDECE, dẫn đến việc bắt giữ được hàng trăm thành viên của tổ chức khủng bố này. Rút lại là thế này: điều DeGaulle cần nhất thì barbouze đem lại được. Một phần tử của thế giới ngầm tội phạm lại một lần nữa liên minh với tổ chức tình báo hàng đầu của chính phủ Pháp, và làm việc đáng đồng tiền bát gạo. Những tay giang hồ đó đã làm được điều mà quân đội Pháp không làm được. Những tên “buôn bán bạch phiến” này đã đạt được những điều mà bằng sức mình SDECE không bao giờ hy vọng đạt được. Một bè lũ buôn bán ma tuý đã góp phần cứu nền Đệ ngũ Cộng hoà của DeGaulle.