Chương 1

Chít… chít…
- Oái! Trời ơi… Con chuột… con chuột…
Như Hạnh quay lai, cười nghiêng ngửa khi thấy Thảo Chi quăng chiếc giỏ ra xa, mặt xanh mét và hai con mắt trợn tròn. Con chuột bé xíu quýnh quáng phóng ra khỏi giỏ, chạy bán sống bán chết vào góc giường.
Cả phòng cười như nắc nẻ. Biết ngay đây là trò chơi của Như Hạnh, chứ không cô thì là ai? Thảo Chi qua con run, nó liếc Như Hạnh muốn rớt con mắt.
- Mi bày trò này phải không? Ác đức!
Như Hạnh la chí chóe:
- Ê… ê… Đừng có nghi ngờ con người hiền lành chất phác nghe! Sao cả phòng này, mi không nói mà đổ thừa cho ta?
- Xí! không mi thì là ai. Chỉ có mi mới nghĩ được mấy trò quỷ này, chứ còn ai thất đức hơn nữa.
- Sao mi không đổ thừa cho con Huyền?
Các cô lại cười ré lên. Huyền là cô nàng nhút nhát như thỏ, hiền lành hơn nai. Suốt ngày cô chẳng nói chuyện với ai, ngoài đọc sách và làm thơ. Một cô nàng chỉ nghe thấy tiếng chuột cũng lăn đùng ra xỉu. Cô nàng nghe tiếng thét của Thảo Chi nãy giờ vẫn còn đang run. Nghe Như Hạnh nói, cô la lên mà giọng vẫn nghe nhỏ xíu:
- Ôi! Không phải là mình đâu. Mình sợ con chuột lắm.
- Ối trời ơi! Chết mất…
Một trận cười lại nổ ra vì cái giọng nhão nhoẹt của Huyền. Phải chi cô và Như Hạnh cộng lại chia đôi về tính tình thì phòng này đâu đến nỗi khổ. Như Hạnh nghịch phá có tiếng không những ở phòng, mà tiếng tăm còn bay rộng ra khắp ký túc xá. Bạn bè đến tìm, chỉ cần hỏi thăm “Như Hạnh, khoa báo chí” là ai cũng có thể chỉ trúng phóc ngay phòng cô. Kể cả đứa con nít.
Các cô thích Như Hạnh ở sự sôi nổi, phóng khoáng như con trai, nhưng lại sợ mấy trò nghịch như quỷ của cô. Khi Như Hạnh nổi hứng chọc phá thì biết ai sẽ là nạn nhân. Có nhỏ bạn như vậy, dễ yếu tim thấy mồ.
Các cô đang cười nói í ới thì có tiếng đập cửa phòng cô, rồi giọng trẻ con vang lên:
- Cô Hạnh ơi! Cô Hạnh!
- Rồi, vị hông phe của nó tới.
- Hoàng tử tí hon kiếm mi kìa Hạnh.
- Mở cửa cho chàng đi chứ.
Thảo Chi vừa nói vừa bước ra mở cửa. Quả nhiên hoàng tử bé bỏng bước vào. Đó là bé Bin, con của chị Thanh ở phòng đối diện. Cậu bé ra đời khi mẹ cậu chưa kịp vào đại học. Ba cậu bé là cháu chắt mấy đời của chàng họ Sở trong truyện Kiều. Chị Thanh với nghị lực phi thường vừa nuôi con vừa học đại học. Khi chị Thanh đến trường thì thằng bé lê la qua mấy phòng khác chơi với các cô. Không hiểu sao nó rất thích Như Hạnh. Có lẽ vì Như Hạnh chịu giỡn với nó nhất.
Thằng bé leo lên giường Như Hạnh, nghịch nghịch tấm màn. Nó bắt đầu líu lo:
- Cô Hạnh ơi! Hôm qua Bin về đám ma bà nội. Đám ma vui lắm cô Hạnh. Mấy người lớn cũng khóc hu hu, tức cười lắm.
Như Hạnh phì cười:
- Vậy hả? Rồi Bin có khóc không?
- Không, Bin không có khóc.
Các cô cười như nắc nẻ khi nhìn khuôn mặt ngây thơ của bé Bin bên vẻ mặt tếu tếu của Như Hạnh. Như Hạnh bảo nó:
- Mai mốt con đừng nói vậy nghe không? Thấy người chết thì phải buồn chứ sao lại vui.
Thằng bé giẫy nảy:
- Nhưng con không có buồn.
- Ừ, không buồn thì cô Hạnh giận. Cô Hạnh không thương.
Thấy mặt Như Hạnh nghiêm lại, thằng bé rụt rè bò lại gần, nắm áo cô giật nhẹ:
- Cô Hạnh đừng giận Bin nữa nghe.
- …
- Mai mốt ai chết, Bin cũng khóc hết, cô Hạnh chịu không?
“Trời ơi! Con nít…” Như Hạnh bật cười rũ rượi:
- Thôi, thôi, không nói chuyện đó nữa.
Nói như vậy nhưng cô không tài nào nín được cười. Cô bụm miệng lại cố làm nghiêm mà nghiêm không nổi. Thằng bé thấy cô cười, nó hớn hở kéo tay cô:
- Cô Hạnh hết giận Bin hả?
- Ừ.
Ngay lúc đó, chị Thanh chợt ló đầu vào:
- Chuyện gì mà nghe bên này cười dữ vậy?
- Kìa! Mẹ kiếm kìa. Bin về đi.
Chị Thanh ngoắt bé Bin:
- Về ngủ con, khuya rồi.
Thằng bé ngoan ngoãn tuột xuống giường, nó ôm cổ Như Hạnh thủ thỉ:
- Mai con qua chơi với cô Hạnh nghe.
- Ừ. Bin về ngủ ngoan nghe.
- Dạ, Bin ngoan lắm.
Chị Thanh đón bé Bin trên tay Thảo Chi:
- Về con, nó đuổi mẹ con mình kìa. Con chọn lầm dâu cho mẹ rồi, con trai ơi.
Bé Bin thấy mấy cô rũ ra cười, nó cũng toét miệng vỗ tay thích chí:
- Vui quá! Vui quá há mẹ.
Chị Thanh bồng thằng bé ra khỏi phòng, gật đầu với nó. Cậu bé còn vẫy tay với Như Hạnh cho đến khi mẹ nó khép cửa lại.
Như Hạnh đứng dậy vươn người, rồi nhìn đồng hồ:
- Trời đất! Mười một giờ rồi. Vậy mà nãy giờ giỡn như quỷ. Qúy vị không sợ phiền làng xóm hả?
- Phòng này thành quỷ thật rồi chứ như gì nữa. Xóm giềng biết tiếng hết rồi còn phiền nỗi gì.
Như Hạnh quệt kem vào bàn chải, miệng ngọt như đường:
- Con nhỉ Chi nãy giờ hoàn hồn chưa mi? Nếu có giận thì cho ta xin lỗi nghe. Đó là ta cố ý chứ không vô tình đâu.
Thảo Chi liếc ngang:
- Xí! Xin lỗi kiểu đó, ta không thèm. Mi ác đức quá. Coi chừng mai mốt gặp ông chồng dở hơi như…
Thảo Chi còn đang ngắc ngứ thì Như Hạnh đâm ngang hông:
- Như anh Bình của mi vậy hả?
Và như không thấy cái liếc bén gót của nó, Như Hạnh cười vang rồi lững thững đi xuống phòng tắm.
Khi cô trở lên thì mấy “con gà” đã chui vào chuồng. Cô nhẹ nhàng thay áo rồi giăng màn. Chuồi người xuống giường, cô khép mắt muốn ngủ, nhưng lại không ngủ được. Cô lại ngồi dậy, ngồi bó gối một mình trên giường, khuôn mặt buồn rười rượi. Nhìn Như Hạnh bây giờ, không ai tin được lúc nãy cô vừa quậy tưng bừng trong phòng. Thậm chí khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt. Yếu đuối và tủi thân.
Hình như khi còn lại một mình, cô mới sống thật với mình với một góc tâm hồn đầy bão táp.
Gần nửa năm đi qua, vậy mà nỗi đau thì vẫn còn đó. Nó không giày vò cô như những ngày đầu, nhưng quên thì không thể. Và có lẽ suốt đời cũng không quên được cảm giác đó.
Như Hạnh không quên được cảm giác bất ngờ chết điếng, khi cách đây nửa năm khi cô nhận được điện tín báo mẹ bệnh. Đến tận lúc bước vào nhà, ngồi bên giường mẹ, cô mới biết mẹ bị ung thư gan. Và đó là những ngày cuối cùng của mẹ. Mẹ giấu cô đến cùng. Im lặng chịu đựng đến cùng…
Chỉ vì mẹ cố kéo dài cho cô những ngày vô tư sung sướng.
Tim Như Hạnh muốn vỡ ra vì thương xót mẹ, khi hiểu mẹ phải sống những ngày cô đơn với bệnh tật, không người săn sóc, không được thuốc men. Mẹ lớn lên trong cô nhi viện. Mẹ mồ côi từ nhỏ và khi chết đi cũng âm thầm một mình như tuổi thơ của mẹ.
Trong khi ở thành phố, ba cô sống trong ngôi biệt thự sang trọng, bên một phụ nữ đài các, kiêu kỳ và cô con gái riêng của bà ta, một cô gái giống mẹ đến cả gót chân.
Điều làm Như Hạnh uất hận là những ngày cuối cùng của mẹ, ba vẫn không hề có mặt. Có lẽ bà ta không cho ba về. Hay vì tâm hồn ba lạnh ngắt tình người? Như Hạnh không biết được. Cô chỉ hiểu rằng, cô sẽ không bao giờ tha thứ sự nhẫn tâm đó, và thù ba cho đến lúc cô không còn trên đời.
Phút cuối cùng của đời mẹ chỉ có cô và dì Ngân - Người bạn thân của mẹ từ nhỏ. Dì Ngân cũng sống trong cô nhi viện với mẹ. Nhưng khi ra đời, dì hạnh phúc hơn mẹ, vì có người chồng tốt hơn ba đến nghìn lần.
Như Hạnh nhiều lần đi ngang ngôi biệt thự sang trọng đó. Đã có lần cô đứng nhìn vào cánh cửa sổ ở góc vườn và khóc một mình. Cô tiếc những ngày hạnh phúc sống bên ba và mẹ, được nâng niu trong thế giới huyền hoặc nhung lụa.
Chỉ đến một ngày, “thế giới thanh bình” của cô bị đổ nhào, cô chới với nhận ra rằng mình đã sống trong ảo tưởng thơ ngây. Đó là ngày cô lếch thếch theo mẹ về ở với người lạ, giã từ ngôi biệt thự sang trọng để rơi vào cuộc sống nghèo túng đến cùng cực. Ngày ấy, dì Ngân giúp mẹ Ở nhờ một ngôi nhà nhỏ, cùng với dì Lan – em dì Ngân. Lúc ấy, Như Hạnh mười bốn tuổi, tuổi còn thơ ngây chưa biết khổ một cách thâm trầm nhưng cũng đủ lớn đế hiểu đó là bất hạnh.
Mẹ không kể gì với Như Hạnh, cũng không lên án ba. Nhưng Như Hạnh hiểu ba đã yêu người đàn bà khác và thẳng thừng đuổi mẹ ra khỏi nhà. Lúc đó cô quyết theo mẹ đến cùng. Cô không hiểu vì sao ba cư xử với mẹ như vậy. Chỉ biết rằng trong lòng cô, tình yêu thương đối với ba đã chuyển sang thù hận. Những năm tháng sống cơ cực đã hình thành trong cô sự cứng rắn, chững chạc trước tuổi. Nhưng cá tính sôi nổi hồn nhiên thì vẫn còn đó.
Trong đời mình, Như Hạnh chịu ơn hai người phụ nữ một cách sâu nặng. Đó là dì Ngân và dì Lan. Sau này đi lấy chồng rồi, dì Lan vẫn đến thăm mẹ con cô. Giúp mẹ vượt qua nỗi bất hạnh để nuôi cô trưởng thành. Mỗi lần nghĩ đến họ, cô không khỏi uất ức về sự vô trách nhiệm của ba. Có lẽ trên đời này, ba là người duy nhất bỏ rơi con mình. Vậy mà lúc nhỏ, cô đã yêu thương, tôn thờ ba như một vị thánh.
Sau này, khi vào đại học lên sống ở thành phố, Như Hạnh có trở về nhà, nhưng chỉ đứng bên kia đường nhìn qua. Có lần cô thấy hai mẹ con họ trong nhà đi ra, sang trọng, xinh đẹp và quý phái. Họ ngồi vào xe và liếc ngang qua cô một cách vô tình. Lần đó trở về ký túc xá, Như Hạnh khóc suốt đêm, và hứa với lòng sẽ không bao giờ đi ngang đó nữa.
Mỗi lần dì Ngân đến thuyết phục cô về ở nhà dì, cô lại nghĩ đến mẹ con nhà họ. Có lúc cô muốn sống náu mình ở trong tình thương của dì Ngân. Nhưng mặc cảm làm cô gạt phăng ý định đó. Cô hiểu mình không có quyền lợi dụng nữa. Vả lại, tính cô thích tự do, cô ngán bị quản thúc như đứa bé.
Lại có tiếng khóc thút thít của bé Bin bên phòng chị Thanh. Như Hạnh giật mình trở về thực tại. Cô ngả mình xuống giường, quẹt mấy giọt nước mắt trên má.
Như Hạnh mở mắt. Theo thói quen, cô với tay lấy chiếc gối ôm. Lớp ren còn mới quẹt vào mặt làm cô thấy hơi rát. Cô mở bừng mắt nhìn chiếc gối, rồi ngồi dậy nhìn xung quanh ngơ ngác.
Giường nệm mới tinh, căn phòng sang trọng với những rèm cửa bằng ren… Sát cửa sổ là chiếc bàn chất đầy sách vở… Như Hạnh chỉ kịp quan sát tất cả một cách lơ mơ. Cơn chóng mặt làm cô ngã xuống giường, mặt nhăn lại vì khó chịu.
“Mình ở đâu thế này? Đây không phải là bệnh viện, vậy thì đây là chỗ nào? Mới sáng qua mình còn ở ký túc xá kia mà?” Như Hạnh từ từ suy nghĩ khi qua cơn choáng. Cô nhớ lại trưa hôm qua, cô dầm mưa đi chơi đến gần chiều mới về. Buổi tối cô bị sốt và nhức đầu kinh khủng. Cô không nhớ mình đã mê như thế nào và sáng nay sao lại nằm đây. Ai màn cô đến đây nhỉ?
Nằm yên thật lâu, cô định ngồi dậy đi ra, thì bồng thấy một cái đầu bù xù ló vào. Rồi một tên con trai lạ hoắc hỏi cô:
- Thức rồi hả?
Như Hạnh chưa kịp trả lời thì hắn đã biến mất sau cửa. Cô thấy hoang mang ghê gớm. Sao tự nhiên cô ở đây, và chủ yếu đây là chỗ nào? Tên con trai vừa rồi là ai thế?
Vào lúc Như Hạnh đang còn run thì dì Ngân chợt đi vào, trên tay là khay thức ăn. Như Hạnh thở phào nhẹ nhõm. Thì ra đây là nhà dì Ngân.
Đặt khay lên bàn, dì Ngân bước qua ngồi xuống giường, cười âu yếm với cô như một đứa bé:
- Khỏe chưa cô Hai? Đi chơi tới ngã bệnh thì đáng bị đòn lắm.
Như Hạnh tròn mắt:
- Sao dì biết con bệnh?
- Dì tình cờ qua thăm thôi. Lúc đó con bị mê sảng, dì phải chở đi bác sĩ.
Như Hạnh băn khoăn nhìn trong phòng. Như đoán được ý nghĩ của cô, dì Ngân cười:
- Sách vở, quần áo của con, dì xếp đâu vào đó hết rồi. Nếu con muốn về ký túc xá ở thì tự sắm đồ lại. Dì không cho lấy thứ gì đi đâu.
Như Hạnh nhìn dì Ngân, không biết nên khóc or nên cười. Đúng là cô bị “cưỡng bức”. Giờ có muốn về ký túc xá cũng không được. Không thể phụ lòng tốt của dì Ngân, cũng không thể là gánh nặng của dì ấy. Cô biết làm sao bây giờ?
Thấy Như Hạnh lặng thinh, dì Ngân vỗ nhẹ vào mặt cô:
- Dì nói vậy có nghĩa là con không được lựa chọn nữa đó. Đừng phân vân mất công, nghe chưa?
Không biết nói gì, Như Hạnh đành “dạ” một tiếng ngoan ngoãn. Dì Ngân cười tủm tỉm một mình. Có lẽ gì thấy Như Hạnh bỗng ngoan như con mèo.
- Giờ ngồi dậy ăn cháo rồi uống thuốc. Con phải nghỉ học ít nhất là một ngày đó.
- Dạ.
Nói thế, nhưng Như Hạnh biết chắc ngày mai mình sẽ đi học được. Cô không yếu đến nỗi phải suốt ngày nằm trên giường. Bắt cô phải giam mình trong phòng suốt ngày, chắc cô sẽ chết vì buồn thôi.
Ăn xong cháo, Như Hạnh tỉnh táo hơn. Cô muốn đi ra ngoài một chút, nhưng dì Ngân bắt cô phải trở lại giường. Chờ cho cô nằm yên, dì mới đi ra. Trong nhà lại yên lặng như không có ai ở.
Chờ dì Ngân đi khá lâu, Như Hạnh tung chăn ngồi dậy, đi chân trần ta ngoài. Cô mở hé cửa nhìn tới nhìn lui. Thấy không có ai, cô bước hẳn ra hành lang quan sát.
Nhà dì Ngân thật giống một cơ quan, hay khách sạn gì đó. Dãy hành lang hơi dài, gồm tám phòng, mỗi bên bốn phòng đối diện nhau. Phòng nào xũng kín đáo. Cuối hành lang đi ra ban công trồng rất nhiều hoa. Như Hạnh vịn lan can nhìn xuống đường. Cảm thấy còn chóng mặt, cô chậm chạp quay vào.
Cô bỗng giật mình khi thấy đầu một con chó le lưỡi dài cả tấc trước cửa phòng thứ ba. Tay chặn ngực, cô tò mò đến xem. Thì ra đó là hình chụp. Bức hình to kềnh được dán vào cửa phòng như “khè” thiên hạ. Bất giác, Như Hạnh bĩu môi. Làm như kín cổng cao tường lắm không bằng, bày đặt đem chó ra hù. Thấy ghét!
Cô bèn đi về phòng mình, lấy giấy bút vẽ bảng “Cấm Vào” cũng to không kém… bức hình con chó. Rón rén ra ngoài nghe ngóng, biết không có ai, cô dán bảng vẽ gần bức hình, rồi vọt về phòng mình gài chặt cửa lại.
Hình dung vẻ mặt ngỡ ngàng của chủ nhân căn phòng đó, Như Hạnh thấy thú vị. Cô đoán ngay đó là phòng của cậu út Hưng - cậu ấm quý tử của dì Ngân. Dù chẳng biết mặt mũi hắn ra sao, nhưng cô đoán đó chính là phòng hắn, vì người như dì Ngân và dượng Minh thì chẳng như vậy.
Trước đây, Như Hạnh có nghe loáng thoáng tên hắn. Cô biết dì Ngân có ba người con trai. Anh thứ hai đã có vợ, anh thứ ba đi du học ở Úc. Còn lạ trong nhà chỉ có vợ chồng dì Ngân và cậu út Hưng. Một cậu ấm nghịch phá có tiếng, đang học năm thứ một trường Kinh Tế, sau cô một năm. Như vậy, cậu Hưng chắc chắn là gã con trai có cái đầu bù xù đi vào phòng cô lúc nãy.
Tưởng tượng vẻ ngạc nhiên của hắn, Như Hạnh cười khúc khích một mình. Cho vàng hắn cũng không dám khẳng định là cô chơi trò đó. Chính mắt hắn thấy sáng nay cô nằm trên giường bệnh mà. Vả lại, hắn có biết cô ra sao đâu mà nghi ngờ.
Cả buổi sáng, cô nằm im nghe ngóng. Đến trưa có tiếng giày cồm cộp đi lên. Rồi một giọng ngạc nhiên kêu “ơ” lên một tiếng sau đó là tiếng gọi lớn:
- Mẹ Ơi!
Tiếng dì Ngân vọng lên:
- Gì đó Hưng?
Như Hạnh bước xuống giường, nhón chân đi ra cửa, mở hé nhìn ra. Tên Hưng đang chống nạnh nhìn bảng cấm vào, rồi ngó quanh quất. Dưới nhà tiếng gì Ngân vọng lên, nhắc lại:
- Gì đó Hưng?
- Không có gì, mẹ ạ.
Hắn liếc về phòng Như Hạnh, rồi mở cửa phòng mình, biến mất vào trong đó. Không nén được, Như Hạnh cười chúm chím và trở lại giường nằm.
Khi dì Ngân đi lên, thì cô đang nhắm tít mắt như mình đang ngủ ngon lành.
Sáng hôm sau, cô dậy thật sớm và cứ đứng trong phòng tập thể dục. Cô thay đồ xong, xách giỏ chạy ào xuống cầu thang định tìm dì Ngân thì gặp dì đang đi lên:
- Con đi đâu đó?
- Dạ, đi học.
- Cái gì? Hết bệnh chưa mà lo học?
- Dạ, hết rồi. Hết tối hôm qua.
Dì Ngân nhìn vẻ mặt tươi tắn của Như Hạnh, tin cô ngay:
- Vậy ăn sáng xong rồi đi nào.
- Úi! Con không quen dì ạ. Với lại con trễ học rồi.
- Ôi! Đi trễ chút có sao? Đại học chứ có phải là phổ thông đâu.
Nói rồi, bà tôi cô đi tuốt vào bếp, như khống chế không cho cô được từ chối. Như Hạnh không dám cãi, nhưng trong bụng thấy ấm ức. Biết ngay là về ở với dì Ngân sẽ bị mất tự do mà. Nhìn cô ăn một cách nhỏ nhẹ, dì Ngân cau mặt:
- Con ăn uống như vậy hả Hạnh? Thảo nào nhìn như cây liễu. Hay là con mắc cỡ?
Như Hạnh liếm môi:
- Dạ, đâu có. Con đâu có mắc cỡ. Nhưng con sợ mập lắm. Dì không biết đấy chứ, con gái mà ăn nhiều, dễ “tròn” lắm. Con thích ăn quà vặt hơn.
- Cái gì! Ăn nhiều dễ mập à? Con mà sợ vậy hả?
- Dạ, hơi hơi.
Rồi cô liến thoắng:
- Hồi lớp mười con bị mập một trận rồi. Trời ơi! Tròn như trái banh luôn. Vô lớp, bạn con chọc tiết chịu hết nổi. Con phải nhịn ăn tới cuối năm lớp mười hai mới thon trở lại.
Nhắc chuyện đó, tự nhiên Như Hạnh phì cười. Cô luôn bị mẹ ép ăn như con nít, dù mẹ sống với đồng lương eo hẹp, mẹ vẫn nuôi cô như nuôi cô tiểu thư giàu sang. Như Hạnh nhớ lúc nhỏ cô luôn chống đối mẹ chuyện ăn uống. Hôm nào muốn nịnh mẹ để được đi chơi, thì cứ ăn tối đa cho mẹ hài lòng. Ngược lại, hễ giận mẹ thì bỏ ăn. Mẹ đến là khốn khổ với cô. Đến lúc vào đại học sống tự lập rồi, cô mới thấy thương mẹ.
Dì Ngân không nghe cô nói, hỏi lại lần nữa:
- Con nhịn đói cho ốm á?
- Dạ, nhịn đói.
- Không được, không được. Mai mốt không được nhịn ăn sáng nữa. Dì phải kềm con ráo riết mới được.
Như Hạnh thoáng hồi hộp:
- Dạ, kềm là sao ạ?
- Là phải ăn uốn đàng hoàng, đúng giờ, và không được ăn vặt. Tối phải uống ly sữa.
“Trời…. Uống sữa!” Như Hạnh nghe mà rụng rời. Cô có phải con nít đâu.
Đi học thoát được mẹ, vậy mà mỗi lần lên trường thăm, mẹ bắt cô ăn đủ thứ, dặn dò đủ thứ. Bây giờ không còn mẹ nữa thì đến dì Ngân. Chết toi rồi.
Dì Ngân có biết cô bao nhiêu tuổi không nhỉ? Hai mươi chứ đâu phải nhỏ. Hay là dì tưởng mang về nhà một đứa bé lên hai, phải ủ thật kỹ, chăm sóc thật kỹ, không thì dễ bệnh. Cô đã từng sợ sự chăm sóc chăm bẵm của mẹ. Giờ đến dì Ngân, chắc cô chết mất.
Bất giác, Như Hạnh thở dài rầu rĩ. Dì Ngân hình như quên cô phải đi gấp. Bắt đầu nói câu chuyện mà dì rất thích:
- Hồi mẹ con còn sống, mẹ con cứ than phiền với dì về tật kén ăn của con. Dì nuôi ba đứa con trai khỏe ru. Còn mẹ con thì chỉ có một mình con mà cứ than thở, bảo dạy không nổi.
“Tại vì con của dì ngoan, còn con thì bướng”. Như Hạnh nghĩ thầm trong bụng.
- Hồi đó, dì cứ ước có đứa con gái. Dì bảo mẹ con đổi với dì lấy thằng con trai, nhưng mẹ con không chịu.
Như Hạnh tò mò:
- Dì nói đùa hay thật vậy ạ?
Dì Ngân cười:
- Có đùa cũng có thật. Nếu mẹ đồng ý cho con, dì nhận ngay. Nhưng cho lại một đứa thì… dì không dám.
- Hì… hì… dì tham quá!
- Ừ, dì tham thật. Nhưng bây giờ dì được như ý rồi. Con chịu về đây ở, xem như dì có một đứa con gái. Con có đồng ý không?
- Dạ, đồng ý.
Tự nhiên Như Hạnh thấy muốn khóc. Dì Ngân nói chuyện làm cô mủi lòng. Mất mẹ là một nỗi mất mát lớn trong đời. Những ngày đầu, cô tưởng không sống nổi. Lúc đó, ngày nào dì Ngân cũng vào ký túc xá với cô, nâng đỡ cô. Bây giờ nhớ lại thời gian đó, Như Hạnh thấy mình còn may mắn. Mẹ và những tình thương tương tự như tình mẹ bao giờ cũng cần thiết, như cây cần ánh sáng. Có lẽ đó là một trong những lý do để cô chịu mất tự do về ở với dì Ngân.
- Hồi con còn nhỏ, dì cưng con con hơn cả thằng Hưng nhà dì, cứ ao ước kiếm một đứa con gái. Bây giờ con lớn, dì vẫn thương như vậy. Con dễ thương lắm, Hạnh ạ.
- Dạ.
Như Hạnh chớp chớp mắt muốn khóc, nhưng miệng cứ cười. Chứ nếu không cười, chắc cô sẽ thút thít như đứa con nít, mà cô thì tối kỵ điều đó. Cô không biết mặt mình trông rất buồn cười. Mặt đỏ hoe, mũi cũng như trái cà chua… Vậy mà miệng thì cứ tươi tắn phản lại đôi mắt. Dì Ngân biết cô sắp “mít ướt” đến nơi, bèn cười:
- Thôi đi cô hai, sắp nhè rồi đó! Bây giờ đi học đi để trễ.
Như Hạnh “dạ” một tiếng, rồi đứng dậy. Dì Ngân thật là tế nhị. Chứ nếu cứ ngồi đó thì chắc nước mắt cô sẽ giọt ngắn giọt dài. Cứ nói chuyện có liên quan đến mẹ là cô yếu đuối không chịu nổi, mà cô thì rất sợ nước mắt.
Cô đến trường đúng 8:30. Hôm nay học tập trung nên đi trễ không thấy quê lắm. Giảng đường chật đến nỗi không còn chiếc ghế trống. Như Hạnh đưa mắt tìm Kha. Nhưng bóng anh mất hút giữa rừng người. Cô đành đi men theo tường xuống góc phòng.
Bỗng một cánh tay ngoắc cô. Như Hạnh tươi tỉnh ngay nét mặt khi nhận ra Kha. Cô len lỏi đi về phái anh và nhận ra hãy còn một chỗ trống.
Kha lật ghế xuống cho cô:
- Hết bệnh chưa công chúa?
Vừa loay hoay lấy tập, Như Hạnh vừa cười:
- Sao nhị ca biết em bệnh?
- Thảo Chi nói.
- Nó còn nói gì nữa không?
- Nói em bị bà dì “tha” về tổ của bà ấy, đúng không?
- Nhỏ này cái gì cũng mách lẻo.
Cô thở hắt ra:
- Sáng nay mà không còn chỗ trống, chắc em biến quá. Đứng mỏi chân thấy mồ.
- Nhị ca giành chỗ sẵn cho em đó.
- Sao nhị ca biết em đi học mà giành?
- Biết chứ sao không? Em mà, dễ gì chịu nằm yên trên giường lâu.
Như Hạnh cười khúc khích:
- Chứ gì nữa. Nằm một chỗ, khó chịu muốn chết.
Cô nghiêng người qua lật tập của Kha le lưỡi:
- Dài quá! Chắc em chép không nổi quá, nhị ca ơi.
Biết ngay cô sắp giở trò õng ẹo, Kha cười làm thinh. Quả nhiên Như Hạnh bắt đầu ẹo người:
- Nhức đầu quá, viết bài không nổi… Rồi còn mỏi tay nữa.
- Mỏi tay thì viết chậm lại.
- Chậm cũng mỏi.
Kha vờ không hiểu:
- Để nhị ca cho mượn tập về nhà chép.
- Thôi, nhị ca viết luôn đi.
Thấy Kha làm thinh nhìn lên bảng, Như Hạnh kéo áo anh, dài giọng năn nỉ:
- Viết giùm tiểu muội đi mà, Nhị ca.
Kha phì cười:
- Thì đưa đây, cô nương. Lười hết biết. không lần nào “né” được với cô hết.
Như Hạnh ấn quyển tập và cây viết vào tay Kha, ngồi chống cằm nhìn lên bục giảng. Hôm nay, cô thấy lười học và lười cả suy nghĩ. Cô liếc nhìn xung quanh, theo dõi những khuôn mặt chăm chú ngó miệng thầy nói. Sinh viên các khoa đều khoái học môn triết của thầy Sinh, và khoái nghe thầy lôi mấy chuyện tiêu cực của xã hội ra đả kích. Không biết ở đâu mà thầy có cả một “kho tàng” những mẩu chuyện vặt vãnh đó? Cái cách thầy châm biếm nghe cười muốn bể bụng. Nhưng sau cơn cười đó là những ý nghĩ, những triết lý sâu sắc. Như Hạnh nhớ hết mấy câu chuyện kể của thầy. Thậm chí cô ghi hẳn vào sổ tay văn học làm tư liệu. Cô biết chắc mình sẽ sử dụng những mẩu chuyện đó khi ra trường.
Nghĩ vớ vẩn một hồi, cô nhớ ra và quay lại nhìn Kha. Anh nghe giảng, vừa ghi bài cho anh và cho Như Hạnh. Kha như rối lên vì căng thẳng, đến nỗi không nhớ cả xung quanh. Như Hạnh chép miệng một mình… Tội nghiệp nhị ca!
Nụ cười vơ vẩn còn vương trên môi. Cô lại lướt mắt ngó lẩn thẩn khắp giảng đường. Ánh mắt cô chợt bắt gặp một đôi mắt đang nhìn mình. Như Hạnh nửa muốn cười với anh, nửa không muốn… Cuối cùng cô quay mặt đi, và lại vô tình chép miệng… Tội nghiệp đại ca!
Như Hạnh thấy tiếc khoảng thời gian đi chơi tay ba, tiếc một tình cảm mà cô rất gắn bó. Nhưng bây giờ mất đi rồi… Lỗi là tại đại ca.
Kha chợt khều tay cô:
- Còn hai giờ cuối, em thích đi đâu?
- Gì, nhị ca định cúp hả?
- Đâu có. Nhưng thầy Toàn nghỉ rồi.
- Sao nhị ca biết? Mà sao thầy nghỉ vậy?
- Bệnh. Dầm mưa đi chơi nên bệnh.
Biết Kha chọc mình, nhưng cô làm ra vẻ thơ ngây:
- Tội nghiệp thầy quá hén. Đàn ông gì dầm mưa chút xíu cũng bệnh… Giống nhị ca.
- Hừ!
Thấy Kha lừ mắt nhìn mình, Như Hạnh le lưỡi nháy anh. Kha bật cười như định nói gì đó, nhưng lại thôi.
Trên bục, thầy đã xếp tài liệu lại, thong thả đi ra cửa. Đám sinh viên cũng lục tục đứng lên. Như Hạnh bỏ quyển tập vào giỏ ngồi yên chờ mọi người ra bớt. Kha rủ rê:
- Đi uống coffee không?
- Đi, chứ về nhà làm gì? Phải chi nhị ca mang theo máy, chụp vài kiểu chơi.
- Nhị ca nhớ đó chứ. Nhưng bỏ vào giỏ xong rồi lại lấy ra.
- Sao vậy?
- Tại quên.
Như Hạnh lườm anh:
- Nói chuyện vòng tròn như nhị ca chắc điên quá.
Kha cười to rồi hất mặt ra hiệu cho cô đi ra. Như Hạnh cũng đứng lên, khoác giỏ lên vai. Ra đến cửa, cô chợt đổi ý:
- Đừng vào quán nữa nhị ca. Bây giờ chạy rong ngoài đường vui hơn.
Kha hơi nhường mắt nhìn cô. Nhưng nhớ tính Như Hạnh thích đi lông bông, anh lại nhún vai cười:
- Xin tuân lệnh.
Như Hạnh hếch mặt lên:
- Giỏi! Ta có lời khen.
Cô cười khúc khích khi thấy cái trừng mắt của nhị ca, rồi đẩy anh đi nhanh ra sân, dáng điệu nghịch ngợm như một cô bé.
Cô và Kha đi rong đến trưa. Khi cô về nhà thì đã gần mười hai giờ. Dì Ngân hình như đang đợi cô:
- Sao con về trễ vậy? Dì chờ cơm đó. Con thay đồ rồi xuống nhanh nghe.
- Dạ.
Như Hạnh vội chạy tuốt lên lầu, lại gặp Hưng đi xuống. Anh chàng gườm nhìn cô. Như Hạnh cười với hắn một cái rồi lủi về phòng. Cô còn nghe hắn hỏi dì Ngân:
- Ai vậy mẹ?
- Như Hạnh đó. Mẹ nói rồi, con không nhớ sao? Chị Hạnh con dì Hoa đó mà. Mới hôm qua mà nay quên rồi. Cái thằng…
- Lâu gặp quá, làm sao con nhớ nổi? Nhưng con bé đó mà mẹ bảo con gọi bằng chị hả? Con không đồng ý đâu.
- Nó lớn hơn con một tuổi, gọi bằng chị là phải rồi.
- Con lớn thế này mà gọi con nhỏ đó bằng chị gì, mẹ bảo nó gọi con bằng anh đi. Nếu không, con không nói chuyện với nó đâu. Con nhỉ nhìn có vẻ… kênh quá.
Trong phòng Như Hạnh bặm môi đứng im. Tên con trai này láo thật. Dám gọi chị Hạnh bằng con nhỏ, mà lại tự ái không xưng hô chị - em. Phải trị hắn chừa cái tật coi cô là con nít mới được.
Nhưng mắc gì chỉ gặp thoáng cô có hai lần, hắn đã bảo cô kênh kiệu. To gan thật! Lúc trước nghe dì Ngân nói, Như Hạnh đã có ấn tượng đó là một cậu bé loi choi như con khỉ. Còn hắn thì chống đối tới cùng khi bắt phải gọi cô là chị. Mới gặp mà đã có chuyện lộn xộn rồi, không biết mai mốt sẽ ra sao? Ở chung nhà với hắn chắc không dễ quá.
Thay đồ xong, Như Hạnh đi xuống bếp. Trong chiếc áo đầm lấm tấm hoa đỏ, nhìn cô như cô bé học phổ thông hơn là cô sinh viên. Mái tóc ngắn ngủn và đôi mắt to đen lay láy. Cô gây cho người ta ấn tượng về một cô nàng sinh động, dễ thương nhưng không phải dễ ăn hiếp.
Như Hạnh ngồi vào bàn. Hưng nhìn cô gườm gườm, như đề phòng. Tự nhiên cô phì cười. Dì Ngân cũng cười, rồi trách Hưng:
- Con hỏi chị Hạnh một tiếng đi. Chị em chứ có phải ai lạ đâu mà giữ kẽ. Hồi nhỏ, hai đứa chơi chung hòa thuận lắm. Bây giờ lớn, thì phải hòa đồng với nhau chứ.
Hưng buông một tiếng ngắn ngủi:
- Ăn cơm đi.
Như Hạnh lại cười. Giọng cô như làm quen, nhưng là kiểu làm quen… chọc giận thiên hạ:
- Hình như Hưng học trường kinh tế phải không? Trường chị với bên đó hay giao lưu nhau lắm. Hưng có chân trong ban văn nghệ trường không?
- Này! Phải gọi bằng “anh Hưng” đang hoàng nghe cô bé. Lớn được mấy tuổi mà kiêu thế?
- Hưng bao nhiêu? Mười chín phải không? Chị Hạnh hai mươi hai tuổi.
Dì Ngân cười, lắc đầu. Cón bé đáo để thật. Không biết nó kiếm ra hai tuổi đó? Nhưng dì không xen vào, để hai đứa đối đáp với nhau. Rồi tự chún sẽ dàng xếp được cách xưng hô thích hợp. Bà không sợ Hưng ghét Như Hạnh. Con bé chẳng làm ai ghét được cả.