Thúy Hồng cong cớn và hờn dỗi, nói với Ngọc Lâm: - Thầy thật là một nhân vật quan trọng, gặp được thầy khó quá lên trời! - Cô muốn đến chùa lễ Phật? Ngọc Lâm nhìn Thúy Hồng với vẻ hoài nghi, và giả vờ như không nghe rõ câu nói của Thúy Hồng, thầy lại nhấn mạnh giọng nói tiếp: - Mời cô cứ vào đi, tôi còn ở lại đây có chút việc cần! - Bạch thầy - Thúy Hồng đã được Vương tiểu thư dạy cách xưng hô - Hiện giờ ai không biết thầy là một Vạn Kim Hòa Thượng, một người phi phàm, song xin thầy cũng không nên coi chúng tôi như những con hổ cái, thầy xem, thầy sợ tôi thế kia! - Không phải! Tôi đâu dám thế! Hiện đã tới giờ rồi, xin cô đi ngay cho! Ngọc Lâm nhìn mặt trời, nhớ đến lời dặn của sư huynh là gần trưa sẽ thấy Vi Đà Bồ Tát, bởi thế thầy giục Thúy Hồng. - Thầy bảo tôi đi đâu bây giờ? Thúy Hồng hỏi. - Cô tự hỏi cô xem! - Tiểu thư bảo tôi đến tìm thầy mà! - Tiểu thư bảo cô đến tìm tôi? - Nếu không tìm thầy tôi đến đây hai ba lần làm gì? - A!... Ngọc Lâm thấy khó nghĩ. Lúc này thầy thấy bối rối muôn phần. Từ khi ở tướng phủ trở về chùa, tuyệt nhiên thầy không biết gì về tình hình của Vương tiểu thư, nàng đau lại? Hay đã đi tu rồi? Một đôi khi vì tiếng gọi của lòng từ bi, thầy cũng nghĩ đến nàng, song từ xưa đến nay, giữa trai, gái hình như vẫn có một khoảng cách rất sâu rộng. Khoảng cách đó người ta đều không dám vượt qua vì sợ sa lầy, bởi thế mới có sự thần bí giữa trai, gái.Phật Thích Ca vì nhận bát sữa của nàng mục nữ dâng cúng, mà bọn ông Kiều Trần Như bỏ ngài ra đi; A Nan bị nàng Ma Đăng Già cám dỗ, mà ai cũng trách người là chỉ thích nghe nhiều, học rộng, mà coi thường giới hạnh. Những điều đó đã in sâu vào tâm trí Ngọc Lâm. Quan niệm về nhân sinh của Ngọc Lâm và sư huynh Ngọc Lam hoàn toàn mâu thuẩn nhau, theo Ngọc Lam thì bất cứ làm việc gì, không hổ thẹn với lương tâm là được rồi, không cần để ý đến dư luận khen, chê của người đời. Song quan niệm của Ngọc Lâm thì khác, thầy có tính hiếu thắng, có lòng danh dự, rất e dè trước dư luận của quần chúng. Cho nên, để tránh sự bàn tán của người đời, thầy đành âm thầm, đau đớn, đem tấm lòng từ bi thương xót của Vương tiểu thư chôn sâu vào tâm khảm!Ngọc Lâm biết rõ ràng rằng, một người xuất gia phải hoàn toàn chế ngự những ý niệm nhơ nhớp trong lòng, đối với mọi người phải có tâm bình đẳng, không phân biệt già, trẻ, trai, gái nhưng người đời vì quan niệm truyền thống lại cho thế là không hợp lý. Họ muốn mình phải phân biệt, phải sợ hãi đàn bà, phải xa lánh chúng sinh, Ngọc Lâm đành cúi đầu trước những quan niệm ấy. Hiện giờ, từ cửa miệng Thúy Hồng nói ra là Vương tiểu thư sai nàng đến tìm thầy, hình ảnh mỹ miều, dịu hiền và tình tứ của Vương tiểu thư lại hiện ra trong trí nhớ của thầy: Ngọc Lâm có cảm giác rằng, tuy thầy hoàn toàn không có trách nhiệm gì đối với sự sống, chết và buồn vui của Vương tiểu thư, song về phương diện đạo nghĩa, thầy không thể hoàn toàn làm ngơ. - Cô tôi đã cho tôi đến hỏi thăm thầy đã ba lần rồi. - Thúy Hồng nói. - Thúy Hồng, lúc này quả thật tôi không thể nói nhiều với cô, xin cô hãy quá bộ vào chùa vãng cảnh, đợi tôi về hãy nói chuyện! Lòng Ngọc Lâm tuy nhớ đến Vương tiểu thư, song lại nghĩ cơ hội được gặp Vi Đà Bồ Tát là ngàn năm một thuở cho nên thầy tạm gác việc hỏi chuyện Thúy Hồng. - Trông thầy bồn chồn có vẻ như chờ đợi người yêu nào đây, vì sợ tôi thấy nên thầy cứ giục tôi đi riết? Thúy Hồng nói móc. - Ấy chết, xin cô đừng làm nhục một vị Bồ Tát! Ngọc Lâm xị mặt, nói gắt. - Eo ơi, ghê chưa! Thế ra thầy là một vị Bồ Tát! Giọng Thúy Hồng châm biếm. - Không phải tôi tự nhận là Bồ Tát, tôi muốn nói là cô đừng làm nhục Vi Đà Bồ Tát! - Tôi có làm nhục Vi Đà Bồ Tát đâu! - Cô nói Vi Đà Bồ Tát là người yêu của tôi! - Thế ra thầy đứng đây để đợi Vi Đà Bồ Tát? - Thúy Hồng chớp chớp đôi mắt và tỏ vẻ kinh ngạc. - Còn gì nữa? Bởi thế tôi xin cô tránh xa nơi này, cô đi ngay cho! - Nghe nói người phàm trần nghiệp chướng sâu nặng, phiền não trói buộc, không dễ gì được thấy chân thân của một vị Bồ Tát, đây là cơ hội hiếm có, xin thầy hãy cũng cho tôi được thấy Bồ Tát.Thúy Hồng nghe nói được thấy Bồ Tát liền vội năn nỉ với Ngọc Lâm xin ở lại. - Không những không còn phiền não nghiệp chướng mà lại cần phải có nhân duyên mới được thấy Bồ Tát, nếu cô vô duyên thì không thấy được Bồ Tát đâu! - Thế thầy có nhân duyên gì mà được thấy Bồ Tát? - Tôi à? Tôi cũng chẳng có nhân duyên gì cả. - Thế sao thầy có thể thấy được Bồ Tát? - Sư huynh Ngọc Lam bảo tôi, người dặn tôi vào giờ này đến đợi ở đây sẽ được thấy Bồ Tát Tát Vi Đà, thì tôi cũng biết vậy thôi. Xưa nay Ngọc Lâm không nói dối ai, thầy thật thà bảo Thúy Hồng, mục đích mong nàng hiểu rõ ràng để tránh đi cho rồi. - Tôi cũng được một vị sư bảo tôi đến đây đúng vào giờ này để gặp thầy. - Ai thế? - Vị sư trông như điên, như khùng ấy! - Vậy người là sư huynh Ngọc Lam tôi đó! - Mỗi lần tiểu thư sai tôi đem các thức ăn đến cho thầy, tôi đều gặp vị sư điên khùng ấy, ông bảo tôi không dễ gì tìm được thầy, mà dù có tìm được, thầy cũng không muốn tiếp tôi, bởi thế ông bảo đem các thức ăn cho ông để ông mang cho thầy; mỗi lần về tiểu thư lại hỏi thầy có nói gì không, tôi chả biết trả lời ra sao cả. Sáng sớm nay ông sư điên khùng lại vào tướng phủ gặp tiểu thư, tôi không biết họ nói chuyện gì, một lát sau tiểu thư bảo tôi tìm đến thầy. - Tiểu thư bảo cô tìm đến tôi có việc gì? Và đưa thức ăn gì cho tôi? - Mấy lần trước đem các thức ăn điểm tâm và sau cùng đưa chiếc áo bông đến. - Đó là tiểu thư cho mang đến? - Ngọc Lâm kinh ngạc - Tôi cứ tưởng là Vi Đà Bồ Tát giúp tôi. Lúc ấy Ngọc Lâm mới vỡ lẽ, thầy tự nghĩ ra các thứ đó đều do sư huynh đem đến, mình cứ lầm tưởng là của Vi Đà Bồ Tát, thảo nào sư huynh cứ vừa nói vừa cười. May mà biết rõ chuyện chứ không thì người ta cho mình là nói dối.Bây giờ Ngọc Lâm mới thấy rõ là việc này đều do sư huynh xếp đặt, song tại sao sư huynh lại làm như vậy? Ngọc Lâm cảm thấy hoang mang. - Thúy Hồng, xin cô hãy nói qua tình hình của Vương tiểu thư sau khi tôi rời khỏi tướng phủ ra sao? Hỏi thế không phải Ngọc Lâm vẫn còn luyến tiếc Vương tiểu thư, điều mà thầy chưa hoàn toàn yên tâm là sợ tấm si tình của nàng có thể đưa đến kết quả bi thảm. - Thầy thật không khác gì gỗ, đá, chẳng có lấy một chút tình nghĩa nào. Tiểu thư đã thương yêu thầy thắm thiết, trái lại thầy thì hắt hủi tiểu thư. Ai cũng tưởng người xuất gia có lòng từ bi, kỳ thực tôi thấy thầy chả có chút từ bi nào hết. Đã nhận lời vào làm rể trong tướng phủ, tại sao chỉ được một đêm thầy lại bỏ về? Hiện giờ tướng phủ không khỏi mang tiếng, và mọi người biết chuyện đều lấy làm lạ tại sao Vương tể tướng không dùng quyền lực bắt thầy trở về. Đã vô tình như thế, sao lúc này thầy còn giả bộ quan tâm đến tiểu thư tôi?Những lời của Thúy Hồng chứa đựng đầy ý trách móc, dá như trước kia, một người trong phủ tể tướng, mà thốt ra những lời ấy trước mặt Ngọc Lâm, thì thầy không nhẫn được, nhưng giờ đây thầy biết việc đó không nên nóng nẫy, bởi thế thầy chậm rãi đáp: - Thúy Hồng, xin cô đừng chê tôi không có tình nghĩa, vì tình nghĩa có thể cứu người mà cũng có thể hại người. Tiểu thư là một người đa tình, lẽ ra nàng sống những ngày rất yên vui, sung sướng, song chỉ vì đa tình mà nàng phải lo âu, sầu khổ. Xem thế đủ biết tình nghĩa thực là nguồn gốc của khổ não, mà đã là nguồn gốc của khổ não, thì tại sao chúng ta lại cứ khư khư ôm lấy nó? Còn nói đến lòng từ bi của người xuất gia, thì từ bi chính nghĩa là cứu người chứ không hại người, nếu tôi cũng đắm say tài sắc và danh lợi trong tướng phủ cùng tiểu thư sống cuộc đời u mê, thì một ngày kia sẽ phải nổi chìm trong bể khổ, như thế không những đã hại cho tiểu thư mà còn hại cả co tôi. Bởi vậy tôi vào tướng phủ rồi trở về ngay, đó cũng là vì lòng từ bi, thương Vương tiểu thư mà cũng thương cả cho tôi nữa. - Thầy đừng nói những lời đường mật ấy nữa, lúc nào thầy cũng bảo vì tiểu thư và vì chính thầy - Giọng Thúy Hồng tức giận - Nếu thầy vì tiểu thư thật thì đáng lẽ thầy phải ở lại tướng phủ, chớ sao thầy lại bỏ về chùa? Thầy không hề tỏ một chút quan tâm nào đối với sự sống, chết của tiểu thư, thầy thung dung rũ áo ra đi, để một mình tiểu thư đêm ngày vò võ. Thầy thử nghĩ coi như thế thầy có chút lòng từ bi nào không? - Thúy Hồng, cô vẫn chưa hiểu được tâm ý của tôi. - Tâm ý của thầy thế nào? Tôi chỉ biết rằng, ngoại trừ tính ích kỷ của thầy, tôi không hiểu thầy còn có tâm ý gì? Thầy chẳng có tâm tình gì hết, mối tình của tiểu thư đối với thầy khắng khít biết chừng nào, vì thầy mà tiểu thư không tưởng đến ăn uống, ngủ nghĩ cho đến sự sống nữa, người coi thầy như linh hồn và tính mệnh của người, không giờ phút nào muốn xa thầy, thế mà thầy không hiểu gì đến ái tình hết! - Thúy Hồng, cô không nên nói khích như thế, cô hãy bình tĩnh chú ý nghe tôi nói - Ngọc Lâm khẽ đằng hắng - Các cô đã bị cái lưới ái tình ràng buộc, đã mất hết tự do. Các cô vẫn chưa hiểu rõ được chính bản thân của các cô, thì làm sao có thể hiểu được ái tình của các cô? Tôi đứng ngoài vòng ái tình nhìn các cô mới thấy các cô thật là người ngu si dại dột!Cô đừng giận để tôi thuật lại một sự tình chính mắt tôi thấy cho cô nghe. Lúc tôi còn nhỏ, ở gần nhà tôi có một cậu công tử con nhà họ Lưu mới cưới vợ, nhưng chưa đầy nửa năm thì Lưu công tử lâm bệnh, vợ cậu hàng ngày khóc lóc thảm thiết, gặp ai cũng nói Lưu công tử là sự sống của nàng, là linh hồn của nàng, thiếu chàng thì nàng không thể nào sống được. Sau không may Lưu công tử qua đời. Vào khoảng gần nửa năm sau khi chàng chết, lúc ấy tôi vẫn còn nhớ, chính tôi lại thấy người vợ Lưu công tử đứng trong vòng tay của một người con trai khác và miệng luôn luôn nói với người con trai ấy "Anh, anh là linh hồn của em, anh là lẽ sống duy nhất của đời em!". Bấy giờ tuy tôi còn nhỏ, thấy thế tôi cũng hiểu rằng đó không phải là lỗi của người đàn bà kia, song chính là trò đời vô thường, biến ảo diễn ra! Trò đời đều như một giấc mộng xuân, tại sao ta lại nhận mộng là thật? Thúy Hồng, tiểu thư của cô hiện giờ thấy thân hình của tôi đẹp đẽ, bởi thế mới yêu tôi, giả sử nàng được thấy một người con trai khác thanh lịch và tuấn tú hơn tôi, liệu lúc đó nàng còn yêu tôi không? Cô cho tôi là người không hiểu gì về ái tình, nhưng thật thì chính tôi là người hiểu rõ ái tình hơn ai hết! Nghe Ngọc Lâm nói, Thúy Hồng đỏ mặt, nàng bẽn lẽn cúi đầu nhìn mấy chiếc lá vàng khô nằm trên mặt đường. Sau một chút yên lặng, Ngọc Lâm hỏi: - Hiện giờ tiểu thư ra sao? - Từ khi thầy trở về chùa, tuy khá hơn trước nhiều, song tiểu thư có vẻ vẫn khổ sở lắm. Vừa nói, mấy giọt nước mắt từ từ lăn xuống gò má Thúy Hồng. - Tiểu thư khổ sở thế nào? Ngọc Lâm cũng thương nàng, nên vừa nghe Thúy Hồng nói thầy cảm thấy lòng bứt rứt, áy náy. - Thầy vẫn không biết, thầy tưởng thầy đi khỏi là mọi việc êm thấm. Thầy đâu có biết Vương tể tướng uất ức đến chết đi được. Người nói là thầy đã khinh thường người như thế thì người nhất định không thể dung thứ, nhất là Ngô Sư Gia cứ xúi dục tể tướng cho thầy một bài học. Họ nói rằng thầy đã vào làm rể trong tướng phủ, vì thể diện trong tướng phủ cũng như vì hạnh phúc của tiểu thư, nếu không bắt thầy trở lại thì không được. Song tiểu thư không hiểu tại sao lúc này hoàn toàn thay đổi, người đã mấy lần khóc lóc, van xin thân phụ cho phép người được xuất gia theo thầy; người đã hoàn toàn gánh chịu mọi khó khăn cho thầy, chứ không thì làm sao thầy có thể được yên thân thế này?Nghe Thúy Hồng nói đến đấy, Ngọc Lâm cảm thấy vững dạ. Nhưng thầy lại bị những lời của Thúy Hồng làm cho cảm động, thầy tuyệt không sợ thủ đoạn khủng bố của Vương tể tướng và Ngô Sư Gia, thầy cảm động vì thấy Vương tiểu thư là người con gái có nhiều thiện duyên và thầy cho rằng chuyến đi của thầy vào tướng phủ không phải là vô ích vậy. - Hay lắm! - Ngọc Lâm đưa mắt nhìn tứ phía - Tiểu thư hiện giờ phải chịu cực một chút, song sau này nàng sẽ thoát được nhiều thống khổ; cô về hãy nói với tiểu thư là tôi gửi lời thăm, và mừng cho tiểu thư. Thôi tôi về chùa đây. Thúy Hồng vội hỏi: - Tiểu thư muốn được gặp thầy một lần để nói chuyện, có được không? - Đợi khi nào tiểu thư xuất gia, lúc ấy hãy nói! Dứt lời, Ngọc Lâm cắm cổ chạy. Thúy Hồng đứng ngây người nhìn sau lưng Ngọc Lâm, lòng nàng vừa căm tức vừa kính phục.