Ngọc Lam, Ngọc Lâm, và quan huyện đang ngồi nói chuyện thì mấy người lính đem con dao và cái tẩu thuốc của Ngô Sư Gia vào. Quan huyện thở dài và tỏ vẻ rất ân hận, rồi tự tay trao chuỗi tràng trả lại Ngọc Lâm.Họ nói chuyện khá lâu, sau đó cử hành lễ quy y cho quan huyện, rồi hai anh em Ngọc Lâm cùng về Thiên Hoa Am. Giác Chúng, Thúy Hồng và tất cả mọi người trong chùa nghe thấy Ngọc Lâm vô tội, được trở về, mừng rỡ vô cùng. Và khi được biết đích danh thủ phạm lại là Ngô Sư Gia, họ cảm thấy vừa sung sướng vừa ân hận. Sung sướng, vì thấy kẻ làm ác chịu quả báo ngay, nhân quả rõ ràng, không sai một mảy; còn ân hận vì họ không ngờ Ngô Sư Gia lại là con người hình người, lòng thú như thế.Giác Chúng rất cảm động, nhất là khi thấy Ngọc Lam, nhưng Ngọc Lam thì chỉ cười khà, rồi kéo áo Ngọc Lâm, nói: - Sư đệ, bây giờ trở về chùa Sùng Ân, từ nay về sau thanh danh của chú sẽ lừng lẫy muôn phương, tôi không thể bì kịp chú. Chú còn dặn dò gì các cô ấy không? - Hãy đợi tể tướng về để xin người tìm cách cứu Ngô Sư Gia. Ngọc Lâm nói. - Thôi đi, đó là việc của họ, chú không phải bận tâm! Giờ phút chia ly mới thấm thía làm sao! Khi Ngọc Lam và Ngọc Lâm lên đường, Giác Chúng và mọi người trong Thiên Hoa Am đều rưng rưng ngấn lệ tiễn họ ra khỏi cửa am, rồi đứng nhìn khi họ khuất bóng mới trở về. Sau khi về chùa Sùng Ân được ít lâu, Ngọc Lâm bỗng thấy lòng mình rộn rã tự nghĩ đất nước rộng bao la, nhân dân đông đúc, cứ giam mình trong ngôi chùa cổ thâm u, hẻo lánh thì làm sao tiếp xúc được với đại đa số dân chúng; đồng thời, thầy cũng nghĩ nhiệm vụ của người xuất gia đã là Hoằng Pháp, Lợi Sinh, thì tất nhiên phải trau dồi trí tuệ, bồi bổ tinh thần, nếu không, Hoằng Pháp, và Lợi Sinh bằng cách nào?Nghĩ thế nên thầy bỗng nảy ra ý tưởng đi chu du cầu học.Chí đã quyết, Ngọc Lâm bèn gói ghém chút hành lý, rồi mở cửa phòng lên thẳng tịnh thất của hòa thượng Thiên Ẩn để xin phép. - Bạch sư phụ, xin sư phụ cho phép con đi các nơi tham học. - Hay lắm! Hay lắm! Hành trình muôn dặm, chuyến đi này cũng lại vì làm rạng tỏ cho đạo. Vừa nói đến đấy, bỗng hòa thượng Thiên Ẩn nhíu mày như có điều gì khúc mắc. - Song, Ngọc Lâm, con vẫn còn có nhiều nạn, con phải hết sức thận trọng mới được. - Sau này nếu con làm được một việc gì nhỏ mọn để giúp đỡ chúng sinh, đều là do hồng ân của chư Phật, chư Bồ Tát, và của sư phụ. Còn đối với những nỗi khó khăn và gian khổ mà con phải gặp, xin sư phụ đừng quan tâm, vì đường đời vốn gập ghềnh, khúc khuỷu. Lần này con ra đi, chưa biết bao giờ mới trở lại, vậy xin sư phụ chỉ dạy cho con một đôi điều. - Thầy chả có điều gì để dạy cho con cả, con hãy đến hỏi sư huynh con! Ngọc Lâm không dám hỏi thêm, thầy cúi đầu chắp tay bái biệt hòa thượng rồi lui ra. Vâng lời hòa thượng, thầy đi đến chỗ Ngọc Lam ở.Ngọc Lâm mở cửa bước vào căn phòng nhỏ của Ngọc Lam, đưa bàn tay lên ngực: - Lạy sư huynh! - Không dám! Không dám! Ngọc Lam tung chăn ngồi dậy và cười hề hề. - Đệ muốn đi các nơi cầu học, đến để xin phép sư huynh! - Đi các nơi cầu học? Mà học ở đâu? Chú tu, học nhiều lắm rồi thôi? Chú xem tôi ngày nào cũng chỉ ăn rồi ngủ, hết ngủ lại ăn. Ngọc Lam vừa nói vừa chỉ vào cái chăn nằm vung tí mẹt trên giường. - Sư huynh là một bậc Bồ Tát đã ở vào địa vị vô học (không còn gì để học), đệ đâu dám bì với sư huynh! - Ấy chớ, chú đừng nói thế! Giờ chú muốn tôi đưa chú qua con sông dài ngập sóng? - Không! Đệ chỉ mong sư huynh chỉ đường cho đệ ra khỏi bến mê mà thôi. Ngọc Lâm biết sư huynh nói xa xôi (dùng thiền ngữ), song không hiểu mấy chữ "sông dài ngập sóng" là chỉ cái gì? - Chỉ đường cho chú ra khỏi bến mê? Được. Suốt đời tôi chỉ ăn ngủ, chẳng làm gì có ích cho Phật pháp, bây giờ giúp chú ra khỏi bến mê, bay lên bầu trời nghe! Đây, tôi chỉ có ba cái túi này giúp chú! Ngọc Lâm ngơ ngác: - Đệ dùng làm gì ba cái túi này? - Chuyến đi này chú khó tránh được tai nạn! Khi gặp những việc khó giải quyết thì ba cái túi này có thể giúp chú thoát khỏi ngõ bí. Khi nào chú gặp nguy hiểm thì mở túi thứ nhất; lúc đến nơi bình an, thanh nhàn, mà thấy khó xử thì mở túi thứ hai; còn khi nào thấy thắc mắc về tương lai thì mở túi thứ ba, trong đó sẽ có cách diệu dụng vô cùng. Tôi biết chú tuy có trí tuệ siêu phàm, có thể biến nguy thành an, song lần này chú đi cầu học, không biết đến bao giờ mới lại được tái ngộ. Tôi không có vàng bạc, của cải hay vật gì quí giá để tặng làm kỷ niệm lúc ra đi, tôi chỉ có ba cái túi này tặng chú để chú nhớ rằng chú vẫn còn có một người sư huynh.Dứt lời, Ngọc Lam lùa tay xuống dưới chiếc gối lấy ra ba cái túi nhỏ, Ngọc Lâm không ngần ngại, đỡ lấy ngay, vì thầy biết rằng sư huynh là người đã có trí hiểu suốt quá khứ và tương lai.Ngọc Lâm cáo biệt sư huynh rồi lần lượt đi từ giã mọi người trong chùa, lúc này họ đều kính phục thầy, khi chia tay, ai cũng bùi ngùi, và chúc Ngọc Lâm lên đường bình an và được như chí nguyện.Năm ấy là năm Kỷ Hợi, đời vua Thế Tổ nhà Thanh là Thuận Trị Hoàng Đế năm thứ 16, Ngọc Lâm cất bước vân du. Ba tấm cà sa, một chiếc bình bát, Ngọc Lâm đi khắp đó đây, lênh đênh như cánh bèo trên mặt nước trôi dạt hết bờ nọ, bến kia. Một hôm, sau khi thăm viếng chùa Cao Mân ở Dương Châu, Ngọc Lâm đáp thuyền trở lại Giang Nam.Khi thuyền ra giữa giòng sông thì bỗng mây đen kéo lên dày đặc gió táp bắt đầu thổi, sóng cuồn cuộn nổi lên, chiếc thuyền buồm nhỏ bé nhấp nhô trên mặt nước, sóng đập vào mạn thuyền, rồi tràn vào trong khoang, tất cả hành khách trong thuyền đều lo sợ, hãi hùng, kêu la rầm rĩ.Vì muốn biết rõ tình cảnh và đời sống của dân chúng nên vua Thế Tổ nhà Thanh thường cải trang như người lái buôn đi các nơi để quan sát, chính hôm ấy cũng có mặt trong con thuyền đó.Gặp cơn nguy ấy, Thuận Trị Hoàng Đế cũng sợ tái người, ông tưởng đâu phen này đến phải xuống Thủy Cung để gặp Hải Long Vương.Trong lúc kinh hoàng bỗng Thuận Trị Hoàng Đế nảy ra một ý nghĩ liền hạ thánh chỉ, nói rằng mình là Thiên Tử cầu đảo trời đất, và tuyên bố với mọi người trong thuyền là nếu ai cứu được nhà vua qua tai nạn ấy, nhà vua sẽ chia cho người đó một nửa giang sơn đất nước.Khi biết có Thiên Tử trong thuyền, mọi người vừa sợ, vừa mừng rồi quỳ xuống tung hô "Vạn Tuế" song chẳng ai nghĩ được cách nào để cứu nhà vua cả.Lúc đó, vị lang thang thiền sư Ngọc Lâm đang ngồi trên mũi thuyền, Ngọc Lâm thấy thuyền cứ nhào lên lộn xuống giữa những con sóng bạc đầu, giờ phút ấy, thầy chỉ chuyên tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát Quan Thế Âm, quên cả sống chết.Ngọc Lâm ngồi ngay thẳng, nhắm mắt, dâng trọn đời mình cho Bồ Tát. Trong giây lát, Ngọc Lâm mơ màng như thấy hình tượng của Bồ Tát Quan Âm đang ngồi trong một đám mây, tay cầm nhành dương chi và một bầu nước, mình mặc áo trắng, Ngọc Lâm vội quỳ xuống, Bồ Tát đưa tay chỉ vào chiếc khăn gói của Ngọc Lâm, rồi đám mây dần dần tan biến. Ngọc Lâm sực tỉnh và tự nghĩ không biết trong khăn gói của mình có gì? Suy nghĩ như thế bỗng thầy nhớ trong khăn gói có ba cái túi của sư huynh.Ngọc Lâm tưởng: lúc trao túi cho mình sư huynh có dặn nếu gặp tai nạn nguy cấp, thì trong túi đã có biện pháp giải cứu, hiện giờ không những sinh mệnh mình lâm nguy, mà cả nhà vua và hết thảy mọi người trong thuyền đều khó thoát, vậy chính lúc nầy là lúc mình nên mở chiếc túi thứ nhất ra xem sao.Lập tức Ngọc Lâm mở cái túi thứ nhất, trong túi thầy chỉ thấy một tờ giấy có viết hai chữ "Miễn Triều"! (khỏi phải chầu)! Xem xong thầy chịu không hiểu là ý gì. Ngọc Lâm nhìn kỹ lại phía dưới hai chữ "Miễn Triều", thì thấy có hai hàng chữ nhỏ: (khi thiên tử qua sông, Tứ Hải Long Vương đến chầu, cho nên sóng to, gió lớn; hãy lấy một tấm biển xin Thiên Tử viết cho hai chữ "Miễn Triều" rồi đem treo ra phía ngoài thuyền, thì tự nhiên gió bình, sóng lặng). Xem xong, trong lòng Ngọc Lâm vô cùng mừng rỡ, lập tức làm theo lời dặn của sư huynh. Ngọc Lâm liền tâu với Thuận Trị Hoàng Đế, nhà vua cũng rất mừng, rồi lấy bút ra, tự tay viết hai chữ Miễn Triều cho treo ra ngoài thuyền, trong giây lát, quả nhiên mây đen tan hết, mặt trời hiện ra và nước sông trở lại phẳng lặng. Mọi người trong thuyền đều quỳ xuống trước Thuận Trị Hoàng Đế, tung hô vạn tuế, rồi quay sang lễ bái Ngọc Lâm để tỏ lòng tri ân người đã cứu mệnh. Ngọc Lâm bây giờ mới hiểu ý câu nói của sư huynh bảo đưa thầy qua con sông dài ngập sóng là ám chỉ biến cố ngày hôm nay. Lòng thán phục của Ngọc Lâm đối với sư huynh Ngọc Lam đã đến cực điểm! Sau khi hỏi pháp hiệu và sư trưởng của Ngọc Lâm, Thuận Trị Hoàng Đế chỉ nhìn thầy rồi cười, ngay hôm ấy nhà vua mời Ngọc Lâm cùng về Kinh, để Ngọc Lâm ở bên cung Tây Uyển. Nhà vua ân hận là được gặp Ngọc Lâm quá muộn. (Đoạn này trích trong bộ Ngữ Lục của Ưng Chính Hoàng Đế soạn - Lời chú của tác giả).Thuận Trị Hoàng Đế đến cung Tây Uyển nói với Ngọc Lâm: - Lúc ngộ nạn, quả nhân có hứa sẽ chia đôi giang sơn, hiện giờ quả nhân muốn thực hiện lời hứa ấy. - Bệ hạ! Người tu hành là người muốn giải thoát, chỉ ba tấm áo và một chiếc bình bát là đủ rồi, có làm gì đến đất đai? Xin bệ hạ đừng băn khoăn về điều đó, ngày mai Ngọc Lâm lại muốn lên đường vân du! - Pháp sư đã từ chối việc ấy, vậy quả nhân và dân chúng trong toàn quốc xin tôn thờ pháp sư làm bậc Quốc Sư. - Không dám! Không dám! Ngọc Lâm này tuổi còn trẻ, lại ít phúc đức, không xứng đáng với ân sủng đó, các bậc cao tăng trong nước còn nhiều, xin bệ hạ hãy xét lại. - Pháp sư tuy ít tuổi song đạo đức và học thức đầy đủ, trong Phật pháp có câu: căn cứ vào pháp chứ không căn cứ vào người. Nếu pháp sư không có phúc đức và trí tuệ của một bậc Bồ Tát, thì làm sao có thể cứu quả nhân thoát nạn? - Không dám dấu bệ hạ, đó là hoàn toàn nhờ sư huynh Ngọc Lam tôi đã chỉ cách saün trong cái túi, bệ hạ muốn vì dân, vì nước mà tìm thầy, trước hết nên tìm đến sư huynh tôi!Ngọc Lâm cứ thực tình đem cách thức trong cái túi thứ nhất nói cho Thuận Trị Hoàng Đế biết, nhưng không đả động gì đến cái thứ hai và thứ ba. - Quả nhân có duyên với pháp sư, mong pháp sư đừng từ chối! Thấy Thuận Trị Hoàng Đế quá thành khẩn, hơn nữa, vì tương lai của Phật giáo và tăng đồ, nên cuối cùng Ngọc Lâm đành phải nhận. Thầy tự nghĩ cầu cạnh vinh hoa, danh lợi là ham đắm, nhưng bỏ vinh hoa, danh lợi là cố chấp; cần nhất là được nó không mừng mà mất nó cũng không buồn. Xưa nay đối với danh lợi, Ngọc Lâm vốn lạnh nhạt, thầy chỉ mong giúp đỡ được chúng sinh, có ích cho Phật giáo, thế là thỏa mãn rồi. Sau khi được Ngọc Lâm nhận lời, Thuận Trị Hoàng Đế liền hạ chiếu chỉ cho toàn quốc, trong đó kể rõ việc nhà vua thoát nạn, và hạ lệnh cho nhân dân toàn quốc, ngày suy tôn Quốc Sư, nhà nào cũng phải bày hương án để vọng bái. Đúng canh năm hôm ấy nhà vua sẽ đích thân cầm đầu các triều thần văn, võ và nhân dân đến làm lễ Quốc SựVương tể tướng là người đầu tiên nhận được thánh chỉ. Sau khi xem thánh chỉ, Vương tể tướng hết lấy làm lạ và hết sức nghi ngờ, ông tự hỏi không biết vị Quốc Sư ấy là ai? Thánh Thượng cải trang ra đi, mới về mấy hôm nay nghe nói ngài có đem theo một vị sư trẻ tuổi về, có lẽ nào ngài lại suy tôn vị sư trẻ tuổi ấy làm Quốc SựVương tể tướng được Thuận Trị Hoàng Đế cho phép vào yết kiến Quốc Sư trước. - A thầy! Ngọc Lâm!..... Thật là một việc hoàn toàn ngẫu nhiên, khiến Vương tể tướng không khỏi có điểm đường đột, song liền sau đó ông cũng biết là mình đã thất lễ, mới vội đổi câu nói: -?! Không! Quốc sư! Thừa tướng họ Vương xin bái kiến! - Tướng gia, xin miễn lễ! Mời Tướng Gia ngồi đây! Ngọc Lâm cũng lễ phép chắp tay hỏi han, và không hề tỏ vẻ ngạc nhiên. Vương tể tướng nghĩ đến lúc đầu đến chùa Sùng Ân xin với Ngọc Lâm vào làm rể trong tướng phủ, trên nét mặt có ý thẹn và trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng.Ngọc Lâm thì tựa hồ như đã quên hết quá khứ, những năm, tháng và những việc đã xẩy ra không còn làm cho thầy bận tâm.Sau cùng, Vương tể tướng kính cẩn ca ngợi Ngọc Lâm và cho rằng con gái ông đã được Ngọc Lâm khuyến khích đi xuất gia, và tự tay thế phát cho, là một vinh dự vô song!Ngọc Lâm vẫn còn lo lắng cho Ngô Sư Gia, nên hỏi: - À! Tướng Gia, việc Ngô Sư Gia sau xử ra sao? - Tội Ngô Sư Gia đáng chết! Sau khi nhận được tin Giác Chúng cho biết là sư phó bị bắt oan, tôi vội thu xếp công việc để về Thiên Hoa Am, song hôm sau lại được tin nói là Ngô Sư Gia phạm tội, tôi liền hạ lệnh bảo quan huyện Nghi Hưng trừng trị cho xứng đáng. Nhưng mấy hôm sau thì Ngô Sư Gia lâm bệnh và chết trong tù; làm ác thì gặp ác ngay. Song chỉ hiềm là vì tôi dùng người không sáng suốt, đến nỗi làm phiền lòng sư phó nhiều, xin sư phó tha thứ! - Úi chao! Ngọc Lâm than dài - Vì tôi nên Ngô Sư Gia mới phạm tội! Vương tể tướng cáo từ Ngọc Lâm.Thuận Trị Hoàng Đế chọn ngày mồng 8 tháng 4 là ngày Phật Đản để làm lễ suy tôn Quốc Sư. Đêm hôm trước Ngọc Lâm không thể nào ngủ được, lúc thì ngồi tham thiền, khi thì niệm Phật, song lòng thầy cứ bồn chồn, không yên. Thầy tự nghĩ sáng mai thầy sẽ phải nhận sự lễ lạy của Hoàng Đế và hàng vạn dân chúng, như thế sẽ tổn đức của thầy. Thầy cứ lo ngại về vấn đề đó hoài, cuối cùng, thầy nhớ đến lời của sư huynh là khi đến nơi bình an, thanh nhàn thì mở cái túi thứ hai, trong đó sẽ có biện pháp giải quyết mọi băn khoăn. Ngọc Lâm mừng rỡ, mở túi ra thì thấy một pho tượng Phật Thích Ca nhỏ và rất xinh xắn, ngoài ra không thấy vật gì khác. Thấy pho tượng, Ngọc Lâm hiểu ngay ý của sư huynh bảo thầy sáng mai, khi Hoàng Đế và nhân dân đến lễ, đặt pho tượng lên bàn, trước mặt thầy để họ lễ Phật, như thế sẽ không tổn đức.Lúc ấy Ngọc Lâm mới yên lòng ngủ được. Trong cung Cảnh Dương tiếng chuông vang lên, báo hiệu giờ thượng triều, Ngọc Lâm ra trước triều đình để nhận lễ của Hoàng Thượng và thần dân.Thuận Trị Hoàng Đế gia phong danh hiệu cho Ngọc Lâm là:"Đại Giác Phổ Tế Tăng Nhân Ngọc Lâm Quốc Sư". Sau khi được phong bái, Ngọc Lâm Quốc Sư lại trở về cung Tây Uyển. Cuộc sống trong hoàng thành dĩ nhiên là thảnh thơi vô cùng, song cũng do đó mà Ngọc Lâm Quốc Sư lại sinh ra hoài nghi. Hiện giờ ngài đã thành Quốc Sư, ai cũng nhận rằng danh vọng của ngài đã đến cực điểm, nhưng ngài lại nghĩ khác; sống cuộc đời an nhàn, đầy hưởng thụ trong hoàng cung đối với Phật giáo và chúng sinh có lợi ích gì không? Do đó, một vấn đề lớn lao phát sinh trong trí não ngài, đồng thời, ngài lại nhớ tới cái túi thứ ba của sư huynh, liền mở ra coi thì thấy bốn chữ: "Hoằng Pháp, Lợi Sinh". Ngài tự nghĩ: việc "Hoằng Pháp, Lợi Sinh" ai mà không biết? Sư huynh quá khinh thường mình. Chính lúc đang nghĩ như thế, ngài lật trái tờ giấy thì thấy bên kia viết một chữ "ĐI" thật to. Sau khi nhìn vào chữ "ĐI" lòng ngài hoảng sợ, biết rằng sư huynh bảo ngài lúc này là lúc phải ĐI để thực hiện chí nguyện của mình.Ngài - Ngọc Lâm Quốc Sư - bắt đầu lãnh trách nhiệm Hoằng Pháp, Lợi Sinh từ đó.Tên tuổi của ngài như vừng thái dương chiếu rọi vào lòng người; pháp âm của ngài cũng như trận gió xuân hòa dịu, đem sinh khí và hy vọng về cho vạn vật. Hoàng Đế, Tể Tướng, Giác Chúng và thần dân trong toàn quốc đều sùng bái, kính ngưỡng ngài.