Khi được lệnh chuẩn bị ra làng ở với dân, Phan Châu Trinh lấy làm lạ lắm. Anh em hỏi, ông cũng thú thật là không biết vì sao. Thấy anh em lo lắng, Phan Châu Trinh động viên anh em an tâm. Trước khi ra đây, ông đã cầm chắc phần chết mà không chết thì bây giờ đi đâu cũng thế thôi. Vả lại, ra ngoài làng ở với dân chưa chắc đã đi vào chỗ chết. Anh em sợ chúng đưa ông ra ngoài thủ tiêu và khuyên ông chống lệnh. Nếu có chết ở đây cũng còn có anh em. Phan Châu Trinh cám ơn lòng tốt của mọi người. Phan Châu Trinh nói: - Trước khi nghĩ xấu người ta, thì nên nghĩ tốt về người ta cái đã. Nếu họ muốn giết tôi thì đã giết rồi. Và một khi họ thật lòng muốn giết thì không cách gì tránh khỏi. Chết ở đâu, chết kiểu gì cũng là chết. Trước khi nhắm mắt, tôi biết anh em thương tiếc như thế này thì chết kiểu gì, chết ở đâu cũng thấy vui. Nhiều kẻ giết người không gớm tay mà nghe ông nói vậy cũng không giấu được xúc động. Cả căn phòng giam như chùng xuống, không ai nói với ai lời nào, thì có hai người tù xăm xăm bước vào với gương mặt rạng rỡ, bước tới làm bộ tịch như người đóng tuồng, qùy xuống trước mặt Phan Châu Trinh, lớn tiếng nói: - Trăm lạy quan lớn, ngàn lạy quan lớn. Thảo dân bị oan, mong quan lớn đèn trời soi xét… Mọi người thấy vậy cũng cười, nhưng không hiểu tại sao. Phan Châu Trinh cũng ngỡ ngàng như họ và kéo hai người tù đứng lên. Nghe anh em nói lại, Phan Châu Trinh mới biết hai người tù này đã bỏ ra ngoài tìm bọn mã-tà, hối lộ cho chúng để hỏi về tình hình người bạn tù họ đã đem lòng qúy trọng. Bọn mã-tà thú thật chẳng biết gì, nhưng bọn chúng nghe nói hình như trước đây Phan Châu Trinh là quan to của triều đình, vì tội xúi dân làm loạn nên mới bị đày ra đây. Nay có lệnh từ đâu bên mẫu quốc đưa qua không được giam cầm, đối xử với Phan Châu Trinh như người tù. Vì lẽ đó, quan tham biện cho Phan Châu Trinh ra ngoài làng sống với số dân ít ỏi hiện có trên đảo. Anh em đều mừng rỡ, và Phan Châu Trinh không giấu việc làm trước đây của mình. Nếu thật như bọn lính mã-tà nói thì chắc rằng Hội Nhân quyền đã can thiệp với chính phủ Pháp, chứ thật ra, bọn quan Annam coi ông như kẻ thù nguy hiểm, muốn ông chết ngay, chết càng sớm càng tốt. Ông đã dám tố cáo những hành vi xấu xa của bọn chúng với chính phủ Pháp, nên vì quyền lợi cá nhân mà bọn chúng muốn triệt ông, bắt bớ bạn bè của ông, kể cả dám ngang nhiên chém ngang lưng một ông tiến sĩ đang giữ chức giáo thụ mà không cần tra xét. Mọi người đều lắng nghe và hứa cố gắng sống cho xứng đáng một con người. Nếu ông trời ngó lại, họ được về đất liền, họ sẽ thực hiện những gì Phan Châu Trinh và phong trào Duy Tân mong muốn. Chia tay với anh em tù án nặng, trong lòng Phan Châu Trinh cũng thấy buồn buồn, nhưng việc gì đến ắt phải đến không thể cưỡng lại được. Trước mắt ông, biển cả mênh mông và con người quả thật nhỏ bé. Một làng nhỏ mấy chục nóc gia gọi là làng An Hải. Ai đặt cái tên làng cũng hay và trong thâm tâm ông cũng cầu mong họ mãi mãi được an vui. Phan Châu Trinh không biết họ đến đây từ lúc nào và cả đời họ chắc không hề biết ở đất liền có những gì. Có khi vậy mà ông đỡ phiền não. Phan Châu Trinh cứ suy nghĩ mông lung, cất bước theo chân hai người lính mã-tà. Sau khi được thông báo, các hương chức nhìn ông một hồi rồi chấp nhận ông gia nhập vào cộng đồng. Các hương chức dẫn ông ra phía bìa làng, chỉ một khoảnh đất, nói: - Ông làm nhà ở đó mà ở. Lo làm ăn chứ chẳng ai nuôi cơm như nhà tù nuôi ông đâu. Phan Châu Trinh cám ơn rồi nằm lăn ra đất mặc cho họ nói chuyện dưới đất trên trời chi đó. Phan Châu Trinh hít thở khí trời một cách sung sướng. Chỉ có mấy bước chân mà tâm trạng thật khác nhau, khí trời dường như cũng khác nhau, và Phan Châu Trinh ngủ lúc nào chẳng hay. Khi thức giấc dậy, ông thấy chừng mười người dân làng đang hì hục dựng cho ông túp lều. Ông chưa biết sự thể ra sao, thì một người lớn tuổi nói: - Qua thấy chú em cũng hiền lành, nên gọi con cháu ra giúp chú em cái chòi ở tạm. Cơm nước, tạm thời ăn ở nhà qua. Ngày mai, qua dạy chú em học lấy cái nghề kiếm sống, khỏi phải áy náy ăn chực ngủ nhờ ai. Phan Châu Trinh cám ơn lòng tốt của bà con, rồi phụ với họ sửa sang lại túp lều. Từ đó, Phan Châu Trinh được những người lớn tuổi trong làng dạy cho ông cái nghề làm đồi mồi và mỗi tuần vào ngày chủ nhật ông lại phải vào phòng giấy của Gardien chef trình diện. Lúc rỗi, ông xách cần đi câu. Nói chung, cuộc sống thật nhàn nhã. Không biết người xưa đi ở ẩn có giống như ông bây giờ không, chứ thật tình ông thấy mình như người đi ở ẩn. Một bữa đi câu về, Phan Châu Trinh nghe bà con kháo nhau đợt này có nhiều bọn tù quan to. Nghe họ nhắc "tù quan to", Phan Châu Trinh nghĩ ngay tới anh em trong vụ "cúp tóc, xin xâu". Bởi khi ông được ra làng sinh sống, thì dường như cả nhà tù đều biết ông là "tù quan to". Nay bà con đưa tin như vậy, chắc chắn là anh em "cúp tóc, xin xâu" rồi chứ không còn ai khác. Phan Châu Trinh nuốt vội mấy chén cơm rồi về chòi, thoái thác rằng người hơi bể nên chiều nay không làm nghề. Phan Châu Trinh tìm mấy người lính mã-tà đã quen mặt dò la tên tuổi quả không sai chút nào. Buồn cũng có buồn, nhưng vui thì thật vui, bởi ngoài Trần Quý Cáp ra thì anh em còn sống cả. Phan Châu Trinh nhẩm tính, nay là tháng 8 thì họ bị bắt cũng đã nửa năm rồi. Mau thật! Có nhiều người Phan Châu Trinh chưa biết tên, còn lại đều là bạn bè thân thích cả, như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn… Phan Châu Trinh quay về chòi lấy giấy bút viết thư cho anh em, cặn dặn những gì ông đã trải qua để khỏi bị đòn oan và báo tình hình của ông hiện nay, mong anh em đừng nãn chí, phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ. Viết xong, Phan Châu Trinh tìm cách lân la chỗ anh em tù thường phạm được đi làm xâu bên ngoài, nhờ họ tìm cách chuyển lá thư của ông vào chỗ của bọn "tù quan to" vừa mới giải ra. Từ ngày chịu kiếp tù đày, Phan Châu Trinh chưa lúc nào vui bằng lúc này. Cứ vài ba ngày là anh em nhận được thông tin của nhau. Vui nhất là nhận được bài thơ của Huỳnh Thúc Kháng:
Tấn sĩ nhỉ hà vật,
Ngôn ngữ thái ngạo mạn.Tặng nhỉ nhứt trường tiên,Sử tri ngã thủ đoạn.(1) Họ quen cách xưng hô ở ngoài đời, kể cả nhà tù trong đất liền, nên cứ mỗi lần mã-tà hỏi là xưng tôi gọi chú. những điều ông viết trong thư, họ cũng tin, riêng Huỳnh Thúc Kháng muốn thử. Trước ngày vô tù, anh em thường hay giỡn nhau, nên Huỳnh Thúc Kháng vẫn nghĩ rằng những điều Phan Châu Trinh nói trong thư chỉ tin… một nửa, vì "máu Quảng Nam" trong người y ta còn đặc. Nghe Huỳnh Thúc Kháng nói, anh em cũng tin. Bởi chẳng lẽ chánh tổng lại được trọng hơn ông nghè, ông cử? Tất cả đều còn trẻ, nên họ cùng cười, bảo đây là "cái bẫy" của cụ Tây Hồ. Huỳnh Thúc Kháng nói: - Nếu chúng ta sụp bẫy, thì đúng là ma mới bị ma cũ bắt nạt. Anh em cười vui. Sáng hôm sau ra đập đá. Nhìn anh em tù án nặng đập hòn nào ra hòn nấy, còn hầu hết "tù quan to" đều khẻ những cục đá nhỏ chín mười nhát búa mà có khi cục đá vẫn cứ trơ trơ. Huỳnh Thúc Kháng cũng mừng là thuở thiếu thời có theo thân phụ vào sơn phòng với số nghĩa dân, nghĩa sĩ của Nghĩa hội Quảng Nam và học được mấy năm quyền cước, chứ không thì… chẳng giống ai khi lâm vào hoàn cảnh này. Huỳnh Thúc Kháng chỉ anh em cách cầm búa, cách vung tay làm sao vừa bớt tốn sức lại vừa vỡ được hòn đá. Đang hướng dẫn và thực hành cho anh em xem, thí có mấy tên lính mã-tà đi tới quát nạt, vung roi tới tấp: - Mầy cái gì? - Cử nhân! Tiếng roi vụt lên… "trót!". - Mầy cái gì? - Bẩm Ấm sinh. - Trót! - Mầy cái gì? - Tấn sĩ. - Trót … Nói chung, hôm đó chỉ ai nghe lời Phan Châu Trinh xưng mình là chánh tổng, phó tổng thì không ăn roi, còn tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài gì gì đó đều bị roi quật tuốt. Nghe phong phanh số tù mới ra đây có người mang theo sách và bọn lính mã-tà kháo nhau, đây là mấy tụi điên. Khi ở nhà cha mẹ cho đi học thì không chịu học, đến khi ra tù lại mang sách vở theo. Phan Châu Trinh đút tiền cho bọn chúng xin được đem mấy cuốn sách ấy về đọc chơi. Hôm sau, chúng đưa cho ông cuốn Pháp - Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, cuốn Lecture - langage và cuốn Grammaire. Tất cả đều có ký tên Minh Viên. Phan Châu Trinh cầm mấy cuốn sách trong tay mà lòng vui sướng lắm. Nếu ai ai cũng như Minh Viên - Huỳnh Thúc Kháng thì nước Nam này sẽ sớm cùng vai phải lứa với thiên hạ. Và, Phan Châu Trinh lại phải tốn thêm lần tiền để đưa mấy cuốn sách ấy vào cho anh em học. Thư qua tin lại, Phan Châu Trinh biết thêm, hơn mười chàng trai trẻ xứ Quảng Nam được ông đưa ra Hà Nội ngày nào, nhiều người bị bắt đưa về Quảng Nam giam chung nhà lao với Huỳnh Thúc Kháng và cũng có mấy anh em được các đồng nhân, đồng chí của ông ở Bắc Kỳ đưa được qua Nhật Bản. Nhận được những dòng tin này, Phan Châu Trinh buồn vui lẫn lộn và ông tin những người tuổi trẻ ấy sẽ trưởng thành sau cái chết của ân sư (Trần Quý Cáp) và cái bước ngoặc đáng kể trong cuộc đời họ. Kể từ lá thư đầu tiên Phan Châu Trinh nhờ tù thường phạm đưa vào cho Huỳnh Thúc Kháng đến nay đã hơn ba tháng. Tuy nhận thông tin nhau thường xuyên, nhưng cả hai đều muốn gặp mặt nhau lắm. Mấy tháng qua, tay nghề của Phan Châu Trinh được nâng lên khá rõ và cũng kiếm thêm được chút ít tiền. Nhờ vậy thư qua, tin lại với anh em bên trong không bị rầy rà. Tuần trước, Phan Châu Trinh báo cho Huỳnh Thúc Kháng biết mình đang tìm cách cho Huỳnh Thúc Kháng ra ngoài gặp mặt nhau. Và ngày ấy đã đến. Huỳnh Thúc Kháng đang làm việc thì có người lính mã-tà gọi lên phòng giấy có việc. Anh em không biết dường sức thế nào cũng thấy lo lo. Huỳnh Thúc Kháng động viên mọi người yên tâm. Đã ra đến đây thì coi như tuyệt đường rồi, chẳng có chi mà sợ. Vả lại, có sợ cũng không được và càng sợ thì chúng càng xem thường, mất uy thế của một trọng tù quốc sự. Nói xong, Huỳnh Thúc Kháng đứng dậy, phủi bụi trên bộ đồ tù rồi đi theo tên lính mã-tà. Vừa khuất khỏi tầm mắt mọi người, thì người lính mã-tà đưa Huỳnh Thúc Kháng cái thẻ bài của một tù nhân làm sở rẫy. Y nói: - Ông thay cái thẻ bài này rồi cứ thẳng một đường đến sở rau sẽ có người gặp ông. Huỳnh Thúc Kháng biết Phan Châu Trinh thu xếp việc này, nên trong lòng mừng như mở hội, cám ơn người lính mã-tà lia lịa rồi xăm xăm bước đi. Trong tầm nhìn, Huỳnh Thúc Kháng đã biết mình sắp đến sở rau, song chưa biết phải làm gì nữa, thì thấy có một người đi tới đón và nói: - Ông đi về hướng kia có một người câu cá đang đợi ông. Huỳnh Thúc Kháng vừa đi vừa cám ơn. Biết sắp sặp được người bạn thân thiết, Huỳnh Thúc Kháng sãi bước như chạy. Nghe bước chân, người câu cá quay lại nhìn Huỳnh Thúc Kháng. Cả hai sững người nhìn nhau một lúc. Mới ba mươi ba tuổi mà đầu tóc của Huỳnh Thúc Kháng bạc hết gần một nửa, còn Phan Châu Trinh thì đã rụng hai cái răng. Hai người bạn lao vào ôm chặt lấy nhau. Cả hai như đồng thanh: - Mừng lắm! Mừng lắm! Cả hai không biết nói chuyện gì, cứ nghệch mặt ra cười. Phan Châu Trinh nói: - Thôi anh về đi kẻo gặp khó khăn. Tôi chỉ mong gặp anh và đã gặp, rứa qúy rồi. Người chỉ đường Huỳnh Thúc Kháng lúc nãy đã đến. Huỳnh Thúc Kháng biết giờ mặt đã hết, vội ứng tác:Khả liên cụ thị đáo Côn Lôn,
Bi thử sâm thương kỷ hiểu hôn.Ngã phát thương thương quân xi lạc,Tương phùng nhứt tiếu lưỡng vô ngôn.(2) Gặp và thấy bạn mạnh khoẻ, Phan Châu Trinh vui mừng lắm. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Huỳnh Thúc Kháng như vậy, thì tất cả anh em trong ấy cũng như vậy, chứ nếu có gì họ cũng sẽ không nói để Phan Châu Trinh yên lòng. Nhờ có đồng ra đồng vào nên mọi việc đối với Phan Châu Trinh cũng dễ. Mỗi lần tàu cập bến, kể cả những tàu nước ngoài cập bến ghé Côn Lôn, Phan Châu Trinh đều nhận được báo chí từ đất liền dù là rất cũ. Sau khi đọc ngấu nghiến, Phan Châu Trinh đều tìm cách gửi vào khám cho anh em cùng đọc để thấy mình không hề đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài. Một hôm, Phan Châu Trinh có trong tay tờ báo Hoa kiều ở Xiêm (nay gọi là Thái Lan) tường thuật trận đánh Đề Thám ở Phồn Xương (Yên Thế) cùng một số tin khác cho rằng cái máy dân quyền ở Việt Nam đã bắt đầu chuyển động. Phan Châu Trinh rất vui, chuyển ngay vào khám cho anh em xem. Với đà này dù ông và anh em có chết già, chết rụi tại đây thì cũng sẽ có người khác đứng lên dựa trên nền tảng dân quyền đã có mà giành lại đất nước, đưa đất nước tiến lên một bước mới và chẳng bao lâu sẽ không thua chị kém em so với các nước phương Tây. Lúc đó, bọn cường hào ác bá ở nông thôn sẽ bị diệt vong; người dân quê cũng có cái nhìn rộng hơn, xa hơn; bọn quan lại chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham không biết cái nghèo cái khổ của dân cũng sẽ không còn… Sướng lắm! Sướng lắm! Phan Châu Trinh vung vẫy tờ báo trong tay và reo lên một mình. Chuyển tờ báo đi rồi, Phan Châu Trinh cứ như người bị mộng du. Những người thợ làm đồi mồi với ông cũng không biết ất giáp gì và thông cảm cho người dại chữ. Với họ, chỉ có dại chữ mới bị đày ra đây, chứ làm quan to thì hà cớ chi ra đảo tù làm dân như họ. Thì ra, nhiều chữ chưa hẳn là sướng! Ngày hôm sau, Phan Châu Trinh nhận được tin trong khám gửi ra. Mở tờ giấy, Phan Châu Trinh nhận ngay nét chữ của Huỳnh Thúc Kháng, ngoài việc thông báo anh em trong khám rất khoẻ và rất vui khi nhận được những dòng tin ở đất liền, nhất là "cái máy dân quyền" đang chuyển động. Bên dưới có bài thơ thất ngôn bát cú:Trầm trầm tứ bích nhật như niên,Trù nẳng khâm kỳ gác nhứt biên.Tù giới chi ưng nhàn dục tử,Quốc hồn du dữ mộng vi duyên.Dân quyền cơ động đăng Xiêm báo,Sơn qủi văn thành vấn Sở thiên.Cố thổ dai quân hồi thủ vọng,Thương yêu tụ xứ hữu thần tiên.(3) Cuộc sống "nhàn muốn chết" không chỉ anh em trong khám mà ngay cả ông bên ngoài cũng chẳng hơn chi. Phan Châu Trinh ước gì mình là cánh chim đang chao liệng trên kia bay về đất liền hà hơi tiếp sức với cổ máy dân quyền đang khởi động. Nhưng đó chỉ là ước mơ.
Cuộc sống đơn điệu lại tiếp tục, nhưng cũng không ít phiền toái với bọn hương chức. Chúng thấy ông một thân một mình lại làm có tiền mà không biết điều, nên dở đủ trò. Và chúng đã chọn lầm người. Chúng càng gây khó khăn, ông lại càng ngang bướng. Tiền bạc kiếm được để “đi lại” với bọn mã-tà giúp anh em trong khám đỡ khổ và thư qua tin lại, chứ có dư đâu mà đem qùy lụy bọn rận rệp ấy. - Phép vua thua lệ làng, chú mầy phải nhớ lấy. Nếu tụi tao không nhận chú mầy thì chú mầy tiếp tục ở trong tù mọt gông. Phan Châu Trinh mỉm cười, đưa tay vuốt vuốt bộ râu ngạnh trê, nói: - Mấy ông nhớ rằng, Phan mỗ muốn ở trong ấy lắm, nhưng quan Tham biện không chịu. Qúi vị không muốn tiếp nhận Phan mỗ ở làng này thì cứ vào bẩm báo với quan Tham biện đi. Thấy Phan Châu Trinh nói xong, phủi đít đứng dậy bước đi chẳng coi ai ra gì, một tay hương chức còn trẻ đập bàn, quát: - Đứng lại, tao bảo! Phan Châu Trinh chỉ quay lại nhìn y, hỏi bằng giọng của tù án nặng: - Muốn ăn thua đủ hả? Chú em chưa phải đối thủ của qua đâu. Lời của ông nói là nói thật. Nếu chúng muốn động tay động chân, ông cũng không từ. Cái ấm ức trong người lâu nay mà được trút vào bọn cường hào ấy cũng hay. Mấy tháng qua, ông cũng nhận được thư bạn bạn bè xứ Bắc và thư của ông Babut. Qua những lá thư ấy, ông biết các tờ báo Tây đã có nhiều bài viết bênh vực, biện hộ cho ông. Thế cũng vui. Vui nhất là tính lạc quan của Babut trong lá thư gần đây viết cho ông có câu: “Không lâu sẽ bắt tay nhau”. Nhưng cái buồn vẫn chiếm phần lớn trong ông là bạn bè chí cốt tất cả đều bị bắt mà chưa biết dường sức thế nào. Tụi lau nhau ở đây nào biết được gì. Chẳng phải ông tiếc gì dăm ba đồng cùng vài lời nói cam phận với bọn chúng, song làm như vậy hèn người. Chúng nào biết ông sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không chấp nhận cái hèn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Mấy người hương chức lớn tuổi giữ chặt y lại, mặc cho Phan Châu Trinh bước đi. Chưa được vài chục bước, Phan Châu Trinh vội chựng lại một chút rồi bước tiếp khi nghe y nói với theo: - Mầy tưởng quan to là ngon lắm hả? Mới có thêm mấy xâu tù quan to ra nữa đó kìa. Cỡ tụi mầy có mọt gông cũng không ai tiếc. Phan Châu Trinh liên lạc ngay với anh em trong khám và mãi hai ngày sau Huỳnh Thúc Kháng mới cho ông biết anh em bị đưa ra lần này là những nhân vật chính tham gia Đông Kinh nghĩa thục, như: Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành, Dương Bá Trạc. Họ rất mừng là biết ông còn sống và được tự do bên ngoài. Theo nhận định của anh em thì lớp sĩ phu hưởng ứng tân học của các miền sẽ tiếp tục ra đảo này một ngày không xa, bởi cùng lúc vụ "cúp tóc, xin xâu" ở miền Trung còn có vụ "Hà thành đầu độc” ở miền Bắc. Những vụ tày đình như vậy, bọn Pháp và Nam triều không sợ mới là điều lạ. Phan Châu Trinh cũng nghĩ vậy. Và quả nhiên chỉ vài tháng sau, những cử nhân, tú tài như: Lê Nhỉ, Nguyễn Xứng, Nguyễn Soạn, Nguyễn Thiệp, Lê Tá… người Thanh Hóa; Trần Kỳ Phong, người Quảng Ngãi; Bình Định có chánh tổng Hàm, tri huyện Nguyễn Hàm, và con trai là thông ngôn Nguyễn Chỉ Tín… đưa số quốc sự phạm ở Côn Lôn lên tới hơn năm mươi người. Phan Châu Trinh trăn trở suốt đêm không biết còn ai ra đây nữa? Anh em ra đông quá mà sống chung với tù nhân án nặng có khi không hay. Năm mười người thì còn được chứ đông như thế này dễ sinh chuyện chứ chẳng chơi. Chẳng lẽ gặp sông gặp suối không chết lại chết vũng chân trâu? Thật lòng, anh em tù án nặng rất quý ông, qúy luôn cả những anh em ra đợt trước. Lâu lâu “để thư giãn gân cốt", ông nhắc nhở Huỳnh Thúc Kháng "lòe" ra cho họ thấy một chút nghề và đã có tác dụng. Đó cũng là kinh nghiệm từ bản thân ông. Hồi mới vào tù, tên coi ngục cầm xâu chìa khóa vừa to vừa nặng, mở cửa phòng giam đẩy ông và quát: - Vô đi! Phan Châu Trinh còn chần chừ, thì bị y ta giơ cao xâu chìa khóa đập xuống đầu. Bản năng sinh tồn buộc Phan Châu Trinh ra tay. Ông nghiêng người một chút, rồi vươn tay bóp mạnh vào cổ tay cầm xâu chìa khóa, còn tay kia đoạt xâu chìa khóa rơi xuống. Tên coi ngục la oai oải vội ngồi xuống ôm chặt lấy chỗ Phan Châu Trinh vừa bấm mạnh vào. Nhìn y một thoáng, Phan Châu Trinh treo xâu chìa khóa lên cửa phòng giam, rồi bước vào trước cặp mắt ngán ngại của đám tù án nặng. Nhưng bây giờ có trên năm mươi anh em, trong đó không thiếu người vì nghĩa quên thân, không thiếu người bực bội vì phải chịu cảnh tù đày, không chấp nhận một cái nhìn hoặc một câu nói xách mé của bọn người thô lỗ nên chuyện đụng chạm cũng dễ xảy ra. Phan Châu Trinh cũng đã sử Huỳnh Thúc Kháng làm đơn trình với quan chánh tham biện cho anh em ở riêng một phòng, lấy cớ là các nước văn minh luôn biệt đãi tù chính trị, không nhốt chung với tù thường phạm, hoặc tù án nặng như ở đây. Và nước Pháp là một nước văn minh cũng không nên có ngoại lệ đối với quốc sự phạm Annam. Ông cũng đã biên thư cho Babut nhờ ông ta tác động với Hội Nhân quyền, kể cả phản ánh tình hình của anh em ngoài này lên mặt báo, nhưng mọi việc vẫn chưa thấy chuyển biến gì. Mỗi lần có người anh em nào đó ra đi, lòng ông đau như cắt. Đành rằng không ai thoát khỏi vòng sinh tử, thánh Nghiêu, bạo Kiệt cũng đều mục xương cả, nhưng anh em chết ở đây hay chết vì ủng hộ phong trào, Phan Châu Trinh thấy mình như người có lỗi. Vừa khóc Tiểu La, nay lại khóc tiếp Tú Thạc (Dương Đình Thạc, hiệu là Trường Đình). Tú Thạc là người cùng huyện và bạn đồng môn. Anh có người anh trai là Dương Đình Thưởng, đỗ tú tài. Dù nhà nghèo, nhưng hai anh em rất siêng học, có tính khẳng khái. Ngày đó, bạn đồng học trong tỉnh đều khen và tặng cho cái tiếng "nguyên phương qúi phương". Đúng ra hai anh em không liên quan gì tới việc đề cao tân học, song trước đó vì tính khẳng khái mà đứng ra bênh vực dân nghèo, tố cáo bọn nha lại nhũng nhiễu dân. Bọn quan lại địa phương tìm cách che đậy, hai anh em kiện tới tỉnh, tới triều đình. Việc chưa tới đâu thì xảy ra vụ biểu tình "cúp tóc, xin xâu", nên nhà đương cuộc ghép hai anh em vào tội xúi dân cự thuế. Hai anh em bị bắt giam vào ngục. Người anh bị đày đi Lao Bảo, còn người em bị đưa ra Côn Lôn và chết vì ho thổ huyết. Chú thích: (1) Huỳnh Thúc Kháng dịch:Tấn sĩ là cái gì,Ăn nói rất vô lễ.Cho mày một ngọn roi,Mày biết tay tao nhé!(2) Huỳnh Thúc Kháng dịch:Kiếp tù chung một cõi ven trời,Hai ngã sâm thương cách mỗi nơi.Tóc tớ bạc phơ, răng bác rụng,Gặp nhau không nói ngó nhau cười.(3) Huỳnh Thúc Kháng dịch:Ngày dài dằng dặc bộn bề phen,Chí khí ngày xưa gác một bên.Thong thả cảnh tù nhàn muốn chết,Dăng diu hồn nước mộng chưa quên.Báo Xiêm tin mách quyền dân động,Trời Sở văn gò qủi núi thiêng,Nước cũ cùng nguôi quay lại ngắm,Dưới vùng khói súng có thần tiên.