Phòng giam chật chội dành cho tử tù ở Hộ Thành (Huế) đối với Phan Châu Trinh bữa nay không còn hôi hám, khó chịu nữa, kể cả đàn muỗi vo ve ông cũng thấy hay như tiếng đàn tiếng sáo dìu dặt trên dòng sông Hương trong vắt, lững lờ trôi xuôi dưới ánh trăng huyền ảo. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (1). Phan Châu Trinh rung đùi khẽ ngâm và nhếch môi cười một mình.
Kể từ cuộc biểu tình "cúp tóc, xin xâu" khởi nguyên ở huyện Đại Lộc rồi lan ra các tỉnh miền Trung, khiến cho hàng trăm người bị bắt, bị hại, ngay cả cụ nghè Trần Qúy Cáp - người bạn thân thiết của ông đang làm giáo thụ ở Khánh Hòa cũng bị hãm hại, đem ra pháp trường chém ngay không cần báo về triều đình xin ý kiến như luật định. Có lẽ trong lịch sử hàng ngàn năm của nước nhà chưa có triều đại nào mà kẻ sĩ bị bắt bi giam nhiều đến thế. Tội nhất là hơn chục học trò của ông, đúng hơn là học trò của bạn ông - Trần Quý Cáp. Họ cảm phục thầy, noi gương thầy, không bận tâm đến mũ cao, áo rộng mà ra sức… duy tân. Nhớ hồi mới ở Nhật Bản về, ông dẫn anh cử nhân trẻ Nguyễn Bá Trác đến thăm nhà cụ Phủ Trân. Thực tâm, ông và Nguyễn Bá Trác muốn đến thăm Phan Khôi, con trai cụ Phủ Trân hơn là thăm cụ Phủ Trân, dù cụ rất tốt, biết đạo biết đời, từ dân tới quan chưa ai có một lời đàm tiếu, trái lại họ rất qúy nhân cách của cụ. Cụ chỉ là vị quan của xứ thuộc địa mà dám cãi lộn với quan Pháp, rồi trả lại áo mũ, từ quan về quê nhà vui thú ruộng vườn khi chưa vào tuổi bốn mươi. Từ khi biết những chàng trai trẻ đất Quảng này, ông thường nói với mọi người rằng, sau lớp ông thì Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác là cặp tiến sĩ tương lai. Thú thật, ông rất phục tài và chí của hai người bạn trẻ này. Vừa bước vào đến sân, cụ Phủ vui mừng bước ra ra chào khách với câu nói vui: "Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc". Phan Khôi cũng kịp bước ra. Mọi người mừng rỡ bước vào nhà trò chuyện, không ai nhắc tới đầu tóc của Phan Châu Trinh. Dĩ nhiên đầu tóc ông không trọc như câu bông đùa của cụ Phủ, nhưng đã cắt ngắn bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn, khác với hầu hết mọi người dân Việt Nam, nhất là những người bước vào cửa Khổng sân Trình lúc bấy giờ. Trong ba ngày, ông và cụ Phủ trò chuyện về thế nước, về việc khai hóa dân trí, lập hội buôn, hội học để cạnh tranh với người ngoài. Những việc ông nói, cụ Phủ thấy cũng có phần đúng, bởi trong việc làm ăn buôn bán, dân ta chẳng biết gì, mặc dù thánh nhân từng dạy "Phi thương bất phú". Chuyện này từ đâu? Sách vở ông đã đọc nhiều, nhưng cụ Phủ cũng chẳng hề kém cạnh, nên hai người mãi đàm đạo như không muốn dứt ra. Cả hai cùng nhất trí rằng, khi nhà Lê xác lập đã đưa văn hóa Đại Việt phát triển lên đỉnh cao, đó là tổ chức thi cử Nho học đển kén chọn nhân tài ra làm quan, điều hành bộ máy nhà nước. Ruộng đất tư hữu phát triển. Kinh kỳ đã xuất hiện phố phường được Nguyễn Trãi ghi lại trong cuốn Dư địa chí. “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến", điều ấy đã nói lên nhân dân ta ngày đó đã không chỉ có biết làm cho nền nông nghiệp phát triển mà còn phát triển cả tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ này (thế kỷ XV), Nho giáo được đề cao và cũng chính vì đề cao quá mà tư tưởng bảo thủ "dĩ nông vi bản" đã chi phối mạnh. Ngay cả vua Lê Thánh Tông còn mạt sát giới thương nhân thì làm sao dân đen không lấy việc khai thác đất đai, trồng cây, chăn nuôi duy trì nền kinh tế? Sau ba ngày trò chuyện, Phan Châu Trinh ngỏ ý với cụ Phủ cho Phan Khôi theo ông và Nguyễn Bá Trác đi chơi đây đó vài hôm. Cụ Phủ đồng ý ngay và có lời gửi gắm. Phan Châu Trinh vui vẻ, cười nói: - Tôi chỉ sợ cụ trách, em nó theo tôi sẽ không được như ý nguyện ban đầu. Cụ Phủ hơi nhíu mày rồi cười nói: - Khâu hà vi thị thê thê giả dư? Vô nãi vi nịnh hồ?(2) Phan Châu Trinh đáp: - Phi cảm vi nịnh dã, tật cố dã.(3) Cụ Phủ bước tới, choàng tay ôm bờ vai của Phan Châu Trinh như đã hiểu được lòng nhau, rồi chúc mọi người thượng lộ bình an. Ba thầy trò sang làng Phong Thử (huyện Điện Bàn) thăm hiệu buôn Diên Phong. Đây là một trong những cơ sở điểm của phong trào Duy Tân phát động thời gian qua. Cử nhân Mai Dị (4) thấy ba người liền đứng dậy chạy ra tay bắt mặt mừng. Sau bát nước chè sủi bọt, Phan Châu Trinh gợi ý lên Gia Cốc (huyện Đại Lộc, cách Phong Thử hơn mười cây số) chơi, Mai Dị đồng ý, vội vàng bàn giao công việc lại cho anh em. Trời mùa đông ở Quảng Nam lúc nào cũng ủ dột và có cái lạnh thấu xương, nhưng ai nấy cũng đều phải xắn quần tận háng, bởi bùn có chỗ ngập quá ống quyển. Tuy trời không mưa sụt sùi như mấy ngày qua, nhưng mọi người đều khoát áo tơi vừa phòng những trận mưa bất thình lình, vừa chống lạnh. Lội bộ ra tới bờ sông, bốn thầy trò lên thuyền ngược dòng Phan Chau Trinh - Vu Gia. Nước sông lúc rày đục ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về. Những ruộng dâu hai bên bờ xanh mướt. Tiếng hát huê tình của ai đó cứ theo gió đưa về làm cho bốn thầy trò lắng nghe, không ai nói với ai lời nào. - Thưa qúy thầy, cập bến Núi Lở hay bến Gia Cốc? Bốn thầy trò như sực tỉnh cơn mơ. Phan Châu Trinh sửa lại thế ngồi, nói: - Chú cập bến Gia Cốc. Chúng tôi muốn xuống đó. Lên thuyền, trời bắt đầu mưa lâm râm. Phan Châu Trinh nói: - Gia đình chúng ta tới thăm hôm nay là gia đình ông Học Tổn. Ông này hay lắm, chữ nghĩa không nhiều như các anh nhưng rất ham đọc tân thư, say thuyết tự do nhân quyền không thua gì cụ Minh Viên (Huỳnh Thúc Kháng), cụ Thai Xuyên (Trần Quý Cáp) - thầy của các anh. Hưởng ứng lời kêu gọi của anh em, ông đã mở tiệm buôn và một sở vườn trồng quế, trồng chè ở làng An Chánh (5) phía trên đây một chút. Đường từ bến đò vào nhà hầu hết là đất cát pha nên ít trơn trợt, nhưng có không ít chỗ nước ngập quá gối. Đi một thôi một hồi, theo hướng chỉ tay của Phan Châu Trinh, ba người thấy một nếp nhà chòi sơ sài ở trên đồi, bốn phía cây cối um tùm càng thấy vắng vẻ và cái lạnh của mùa đông như đọng lại nơi ấy. Những cây chè xanh được chủ nhà trồng làm hàng rào đã trổ lá xanh mượt và được cắt xén khá kỹ trông thật đẹp mắt. Chiếc cổng tre rộng mở như luôn muốn mời mọc khách đường xa. Hai hàng cỏ tóc tiên và hoa mười giờ tươi mát trải dài từ cổng vào đến tận thềm nhà như hân hoan đón chào bước chân của khách. Nghe người nhà báo có khách xa tới tìm, ông Học Tổn bước ra tận thềm đón chào với giọng nói xởi lởi: - Quý hóa quá! Quý hoá quá! Xứ khỉ ho cò gáy này mà đón được bước chân của qúy ngài chẳng khác nào nhà tôm nhà tép được đón rước thần long. Đúng là ngày tốc hỷ. Từ sáng tới giờ, chim khách kêu không biết bao nhiêu bận, tôi không ngờ mấy cụ không ngại gió mưa lên thăm tôi. Mừng lắm. Quý lắm. Vừa nói, ông vừa múc nước phục vụ từng người rửa ráy rồi hể hả mời mấy thầy trò cụ phó bảng vào nhà. Phân ngôi chủ khách đâu vào đó, người nhà đã mang lên để trước mặt mỗi người một bát chè xanh nghi ngút khói. Không đợi mời đến lần thứ hai, mọi người bưng bát nước lên uống và khen chè ngon. Ông Học Tổn vui vẻ nói: - Nếu qúi ngài không chê thì cứ ở đây chơi bao lâu cũng được, còn chè xanh thì người nhà của tôi hãm suốt ngày, qúi ngài cần lúc nào là có lúc đó. Cây nhà lá vườn, chẳng có chi ngại. Tôi với cụ Phó bảng đây coi như người nhà. Cụ phó bảng với qúi ngài hạ cố đến chơi với gia đình chúng tôi là phước đức lắm rồi. Nói thiệt, chừ có chết, tôi cũng mãn nguyện. Mọi người vui vẻ trò chuyện. Trước khi đi ngủ, Phan Khôi khèo nhẹ hai người bạn lại gần, nói: - Hai anh thấy nhà này có chi lạ không? Nguyễn Bá Trác cùng Mai Dị như cùng nói một lần: - Cái đầu! Cả ba cùng mỉm cười rồi lên giường ngủ. Nhà ông Học Tổn, từ chủ đến trai bạn (người làm công trong nhà) chừng hai chục người. Ai nấy đều không có tóc dài búi tó như Phan Khôi, Mai Dị, Nguyễn Bá Trác. Tất cả họ đều cắt ngắn như cụ Phó bảng. Cả ba chàng trai trẻ biết, cụ Phó bảng đã gieo mầm tư tưởng dân quyền ở vùng đất này và đã bén rễ. Gà trong chuồng đã hòa cùng tiếng gà rừng xa xa tắc te gáy sáng. Ba chàng trai trẻ vùng dậy, định bước lên nhà trên đi vài bài quyền cho ấm người. Nhưng họ chưa phải là những người dậy sớm. Cụ Phó bảng và ông Học Tổn đang ngồi lấy khăn lau mồ hôi trên người và đang xem đám trai bạn tập luyện. Ba người tấn thối lưỡng nan, chưa biết tính sao cho phải, thì nghe cụ Phan lên tiếng: - Mấy anh cử, anh tú của tôi còn muốn vào ngủ nướng hả? Ra đây đi vài bài quyền cho anh em học hỏi coi. Ba người không chút ngần ngại, bước ra, cởi áo, bái tổ, xuống tấn cùng đánh bài quyền Mai hoa như thường ngày ở sân tập. Tuy đường quyền của họ không vững bằng một số trai bạn của nhà ông Học Tổn, nhưng trong số trai tráng cùng thời không phải ai cũng được như họ. Sở dĩ, những học trò quê ông biết thêm dăm ba đường quyền ngọn cước là nhờ lúc phong trào Nghĩa hội lên cao, ai ai cũng lo tập quyền, tập côn để phò vua giúp nước. Khi Nghĩa hội tan rả, phong trào tập luyện võ nghệ vẫn rầm rộ và nhà giàu lo sợ bị đánh cướp theo kiểu "thế thiên hành đạo" của những anh hùng Lương Sơn Bạc nên không ngại tốn kém, rước các võ sư về dạy võ cho con cái, cho người thân để giữ của. Và nhờ vậy, trai tráng mỗi làng càng ham thích tập luyện võ nghệ ngày đêm. Sự tập luyện ấy đã lôi kéo các nho sinh ham thích tập quyền. Bản thân ông cũng nhờ những ngày cùng cha vào núi theo Nghĩa hội mà biết thế nào là nhảy cao đá lẹ. Khi cha bị hại, ông mới trở về nhà. Những thành đạt của ông có được như ngày nay đề nhờ người anh cả chu toàn. Nhìn lại lớp trai trẻ bây giờ, ông thấy họ thông minh và có điều kiện làm được cái gì đó hơn lớp người của ông. Cứ tin như vậy. Ông Học Tổn vỗ tay khen ngợi. Những thầy cử, thầy tú mà quyền cước như thế quả là văn võ song toàn. Mọi người đều nở nụ cười vui rồi cùng ngồi lên bộ phản gõ lau người, đàm đạo chuyện thời tiết, chuyện mùa màng. Chuyện đang say thì người nhà đã lên mời chủ và khách vào bàn dùng cơm sáng. Giữa bữa cơm, mỗi người ít nhiều cũng có một vài chén rượu ấm người, Phan Châu Trinh mở đầu câu chuyện: - Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tính rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: việc nhỏ không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm. Nhìn khắp mọi người một lượt, Phan Châu Trinh thong thả nói tiếp: - Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thông hay hủ lậu thì trong đám chúng tôi ngồi đây duy có ba anh - vừa nói, Phan Châu Trinh vừa chỉ Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Mai Dị - là hủ lậu hơn hết, vì ba anh có cái đùm tóc như đàn bà. Những người ngồi ăn cùng mâm đều hé môi cười, dù không ai dám cười thành tiếng. Thấy ba chàng trai trẻ bẽn lẽn, ông nói tiếp: - Nào, ba anh thử "cúp" cái búi tó ấy có được không? Đừng nói với chúng tôi, việc nớ là việc nhỏ nghe. Việc ni mà các anh làm không được, tôi đố các anh còn làm được cái chi ra hồn. Nghe giọng nói khá nghiêm của ông, Mai Dị đỏ mặt tía tai, ngồi thẳng người lên, nói một cách dứt khoát: - Cúp thì cúp chớ sợ chi. Phó bảng như cụ mà còn cúp được thì nghĩa lý gì thứ cử nhân, tú tài bọn tôi. Cử nhân Nguyễn Bá Trác phụ họa theo: - Thì sợ chi. Phan Khôi cũng hứng chí, uống hết chút rượu còn lại trong chén, hùng hổ phụ họa theo hai bạn: - Thì sợ chi! Lúc đó, mọi người ngồi cùng mâm cười ầm cả lên ra chiều khoái trá, khiến không ít người đang ở dưới nhà ngang cũng chạy lên dòm thử. Khi biết chuyện, họ phì cười rồi trở xuống. Họ cười cũng phải thôi. Ngày ông chủ của họ khuyên họ cắt búi tóc, họ cũng khổ tâm lắm, vì mấy đời qua có ai dám làm những điều nghịch đạo rứa đâu. Tóc tai là máu huyết của cha mẹ, chỉ có những kẻ bất hiếu mới làm như vậy, chớ nào ai dám. Khi thấy họ chần chờ, ông chủ tháo tung cái khăn nhiễu xuống, họ mới té ngửa, búi tóc của ông chủ được cắt phăng từ lúc nào. Người như ông chủ của họ chữ nghĩa thấm ra da, ăn ở có nghĩa có tình, làng trên xóm dưới chưa ai có lời chê trách. Không học ông thì học ai? Nghĩ vậy, họ đồng tình ngồi xuống để cho ông chủ cắt phăng cái búi tóc để dành hàng chục năm qua. Mới đầu quả có khó chịu, nhưng họ cũng thấy được sự tiện lợi khi không còn cái búi tóc trên đầu. Bữa ni thấy mấy ông cử, ông tú xung phong cắt búi tóc, họ không cười sao được. Họ lấy làm sung sướng khi có những ông nghè, ông cử làm y như họ, và họ càng qúy càng phục ông chủ của họ hơn. Cơm xong, ngoài trời vẫn mưa. Ông Học Tổn bảo người nhà mở cái trại đạp lúa, thả bức mành xuống che bớt gió. Mỗi người ngồi trên chiếc ghế đẩu để sẵn. Phan Châu Trinh ngồi gần đó nhìn ông Ấm Đôn, em ruột ông Học Tổn lấy kéo cắt búi tóc của từng người. Tóc của họ bỏ đầy vào chiếc thúng. Khi mọi người bước ra khỏi trại đạp lúa, có mấy người đàn bà chạy vào bưng thúng tóc ra. Họ biết, những người đàn bà sẽ dùng mớ tóc ấy làm chang bới đầu. Người này nhìn người kia thấy đầu tóc của mình như có cái trã úp lên coi thiệt kỳ, nhưng cụ Phan cứ trầm trồ khen: "Cúp khéo quá! Coi đẹp quá!", nên họ cũng tin và thấy mình thật sự… trưởng thành. Chơi nhà ông Học Tổn vài hôm, bốn thầy trò kéo nhau về hiệu buôn Diên Phong. Thấy đầu tóc của bốn thầy trò, các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng nghệch mặt ra cười, nhưng sau mấy lời nói của Phan Châu Trinh, không những chỉ có họ chịu hớt cái búi tóc mà có đến mấy chục người vừa làm công, vừa học trò tình nguyện làm theo. Ngày hôm sau các vị thân hào nhân sĩ ở địa phương nghe Phan Châu Trinh về, đến thăm chơi cũng được Phan Châu Trinh vận động “cúp” tóc, trong đó có bạn bè của ông như Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. Và dường như lúc đó, ai cũng có thể là thợ hớt tóc. Lê Dư mới được hớt cái búi tó ngày hôm trước thì ngày hôm sau trở thành "người thợ lành nghề" hớt tóc cho ông nghè Huỳnh Thúc Kháng. Từ đó trở đi phong trào hớt tóc ở Quảng Nam dấy lên mạnh mẽ, nhất là chỗ nào có trường học theo lối mới của phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng thì nơi đó là… "cái ổ cúp tóc". Động viên phong trào, Phan Khôi làm một bài vè để mỗi khi cúp tóc người thợ ca theo cho vui:Tay trái cầm lượt.
Tay phải cầm kéo.Cúp hè! Cúp hè!Thăng thẳng cho khéo!Bỏ cái hèn mầy,Bỏ cái dại mầy.Cho khôn, cho mạnh,Ở với ông Tây!…(6) Cái may ở đó mà cái họa cũng ở đó. Người dân xứ Quảng từng bước hiểu được mình là ai, mình phải làm gì giữa cuộc đời này, thì những người góp công làm nên chuyện ấy đều phải bị chém, bị tù. Khi bà con huyện Đại Lộc kéo xuống huyện đường đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, quan huyện trốn chạy, họ bèn kéo luôn xuống tỉnh. Các huyện khác không biết sao nghe được cũng bắt chước làm theo, rồi dân các tỉnh miền Trung cũng vậy. Ai nhập vào đoàn biểu tình là sẵn sàng để cho anh em cắt phăng cái búi tó của ngàn đời qua. Những ngày đó đâu đâu cũng vang lên câu ca: "Cúp hè! Cúp hè! Thăng thẳng cho khéo…". Chính từ việc đó mà nhà nước bảo hộ gọi là vụ án "cúp tóc xin xâu". Tội nghiệp! Những người tuổi trẻ ấy bây giờ ra sao? Hơn mười học trò ông đưa ra Bắc, chưa học được chữ nào đã tan đàn xẻ nghé. Nghe đâu có đứa chạy xuống Nam Định trốn tránh cũng bị bắt về chịu án tù, có đứa tìm đường trốn qua Nhật Bản chưa biết sống chết ra sao. Nghĩ mà thương cho những người dân lành. Bao đời qua, họ cặm cụi làm ăn sống qua ngày, không biết mình là ai giữa cõi đời này. Con chó cùng đường còn quay lại cắn xé, còn họ là con người nên họ chấp nhận mọi bất công, cắn răng chịu đựng. Họ tự an ủi, số phận như thế đành chấp nhận như thế không ai cưỡng lại số trời. “Người ta lắm loại người ta, Người chín đồng rưỡi người ba quan tiền" chớ nào ai cũng như ai đâu. Thôi, bỏ chín làm mười, ráng sống có nghĩa có nhân để kiếp sau được đền bù, để đời con cháu tốt hơn. Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời. Ở hiền gặp lành, chắc chắn ông trời cũng có lúc đoái thương. Nghĩ vậy và làm như vậy. Khi cuộc dân biến ở Trung kỳ nổ ra, thì ông đang ở Hà Nội và là người đầu tiên bị bắt về Huế, tuyên án tử hình. Cái chết đối với ông chẳng có gì đáng kể dù phải để lại ba đứa con (một trai, hai gái) còn tuổi ăn tuổi học. Nhưng ông có muốn gì cũng không được nữa rồi. Thì thôi, đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào. Ông còn chỉ biết trông chờ vào phước nhà, vào chính tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau giữa mấy mẹ con và hai bên nội ngoại, nhất là ý chí vươn lên của bản thân từng đứa con ông. Thực ra, việc làm của ông từ nhỏ đến giờ, ông không chút hổ thẹn với tổ tiên. Ông đã cố gắng hết sức lực và trí tuệ của mình để làm được cái gì đó cho dân cho nước, trong đó có đại gia đình của ông, con cháu của ông sau này. Với ông, sống có ích hơn là sống thọ. Nhớ lại đoạn đời đã qua, Phan Châu Trinh nghĩ ba đứa con của ông không đến nỗi nào. Bởi đến năm mười tuổi, ông mới được cho cho khai tâm. Nhưng chỉ được ba năm, ông phải thôi học. Ngày đó (1885) kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Bình lập chiến khu chống Pháp và ban hịch Cần vương. Lúc này, thân phụ của ông là Phan Văn Bình từng là học trò thi trường Ba (tú tài), nhưng muốn lập công danh từ thanh gươm yên ngựa nên nhập ngũ và sau đó được giữ chức Quản cơ sơn phòng (7) dưới quyền Sơn phòng chánh sứ Trần Văn Dư. Khi tiến sĩ Trần Văn Dư thành lập phong trào Nghĩa hội, biến vùng rừng núi Quảng Nam thành căn cứ đầu não cho phong trào Cần vương, thân phụ ông cũng tham gia và được giao chức vụ Chuyển vận sứ (8) đóng tại sơn phòng A Bá. Các sơn phòng Trà Mi, A Bá, Dương Yên… là những khu vực có địa thế thuận lợi cho công cuộc kháng chiến lâu dài. Lúc này, ông đã được thân phụ dẫn theo, vì mẹ mất sớm và là đứa con út. Những ngày sống ở sơn phòng A Bá, ông được các chú, các bác dạy võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa… những mong tiếp tục thay thế cha anh đuổi giặc báo quốc. Nghĩa hội đã có nhiều trận thắng lớn làm chủ cả tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, các cánh quân của Nghĩa hội từ các sơn phòng kéo về bao vây, đánh chiếm được tỉnh thành ở La Qua, khiến cho Bố chánh Bùi Tiến Tiên, Tuần vũ Nguyễn Ngoạn phải bỏ thành chạy vào Quảng Ngãi. Án sát Hà Thúc Quán cũng cuốn gói tháo chạy. Nghĩa hội tự tổ chức công việc nội trị như một nước riêng. Nhưng sau đó, Pháp và Nam triều huy động một lực lượng hùng hậu do tướng Schants cầm đầu cùng với Tiễu phủ sứ Nguyễn Thân đem quân tấn công vào các vùng do Nghĩa hội kiểm soát. Trần Văn Dư bị ám hại, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu được nghĩa sĩ, nghĩa dân tôn lên làm Hội trưởng Nghĩa hội. Nhưng cũng từ đó, các căn cứ hậu bị của Nghĩa hội ở Trung Lộc, An Lâm, Dương Yên, A Bá… bị tấn công mạnh, lực lượng nghĩa quân dần dần tan rã vì vũ khí không tương xứng. Bên cạnh đó, Nghĩa hội bị đòn tâm lý chiến của địch đâm ra nghi kỵ lẫn nhau. Tú Đĩnh (Trần Đĩnh - người làng Gia Cốc, huyện Đại Lộc) lãnh tụ 9 xã miền nguồn bị Nghĩa hội giết; thân phụ ông cũng bị cuốn vào vòng nghi kỵ ấy và bị hại. Ông được những người tâm phúc của cha đưa về với gia đình. Chú thích: (1) Xưa nay người sống ai không chết? Giữ lại lòng son rọi sử xanh.- Thơ Văn Thiên Tường.(2) Câu này chép trong Luận ngữ, khi Vi Sinh Mẫu bảo Khổng tử rằng: "Ông Khâu, tạo sao không ở yên mà cứ miệt mài đi du thuyết như thế? Phải chăng ông làm việc nói khéo để lấy lòng người ư?"(3) Đây là câu trả lời của Khổng tử cũng được chép trong Luận ngữ: "Tôi không dám làm việc nói khéo, nhưng tôi ghét gười cố chấp".(4) Mai Dị, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi là bạn bè cùng thầy, cùng dự khoa thi hương 1906.(5) Nay thuộc xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc.(6) Chi tiết này dựa theo Phan Khôi, Lịch sử tóc ngắn, Ngày nay, số 149, ngày 15-2-1939.(7) Chức võ quan trông coi công việc ở biên giới vùng núi.(8) Như hậu cần ngày nay.