Phan Châu Trinh đưa con trai đi thăm bạn bè và dạo phố, một phần để cho con mở rộng tầm nhìn, một phần có điều kiện dạy cho con những điều hơn lẽ thiệt, nhất là đừng quên gốc gác ông cha. Phan Châu Trinh nói:- Mai này, con thành đạt, trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ gì đó cũng tốt và trở thành công dân Pháp cũng không ai nói gì, miễn sao con sống cho ra sống, cho đúng nghĩa một con người. Nhưng dù ở đâu, dù làm gì cha chỉ mong con nhớ mình là người Việt Nam, dòng máu đang luân chuyển trong người con là máu Việt Nam, máu Quảng Nam quê nhà. Trước khi con làm việc gì đó thì con phải nghĩ, làm việc này có ảnh hưởng gì đến danh dự ông cha hay không, có xấu hổ với xóm làng, với tổ tông hay không. Và nếu lấy lương tâm không cắn rứt thì làm, bằng ngược lại thì thôi. Cha mẹ chỉ sinh ra con và cho con đến trường, dạy thêm con những gì cha mẹ cho là đúng là hay, nhưng con phải đi bằng chính đôi chân của mình. Cha mẹ chỉ có mỗi mình con là con trai nhưng cha mẹ không thể cõng con đi suốt đời được. Con phải nhớ rằng, ở đẳng tuổi của con mà được cắp sách đến trường, nhất là được học ở đây là không phải ai muốn cũng được. Con may mắn hơn hàng triệu người. Lứa tuổi của con ở quê nhà đã phải vất vả, cày sâu cuốc bẫm để kiếm miếng ăn còn chưa được nói gì đến học hành. Do vậy, con phải thấy mình có trách nhiệm với họ, phải gắng học nên người, góp phần giúp cho họ có miếng ăn miếng mặc, mạnh dạn ngẩng mặt nhìn đời, nhìn người…Hai cha con vừa đi vừa nói chuyện như những kẻ vô tư vô lự giữa phố phường hoa lệ. Khi về đến nhà thì cả hai cha con đã thấy một thanh niên ước chừng hơn hai mươi tuổi chờ sẵn trước cửa. Anh ta chờ hai người đến gần mới ngả mũ chào:- Thưa cụ cho phép cháu được hỏi, cụ có phải cụ phó bảng Tây Hồ người Annam không ạ?Phan Châu Trinh nhìn kỹ, người thanh niên này dáng dấp khá tao nhã, tướng mạo cũng không xoàng. Nhưng đã vào hang hùm thì còn sợ gì hùm ăn thịt, Phan Châu Trinh trả lời rõ ràng từng tiếng.- Đúng, đi không đổi tên, ngồi không đổi họ, Tây Hồ là tôi, Phan Châu Trinh cũng là tôi. Anh tìm tôi có việc gì?Nét mừng rỡ hiện lên gương mặt người trẻ tuổi, Phan Châu Trinh cũng thấy yên tâm. Người thanh niên lễ phép thưa:- Thưa bác, cháu là Nguyễn Tất Thành, con trai cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy, từ quê nhà mới sang.Phan Châu Trinh quay lại giới thiệu con trai mình với khách:- Đây là con trai lớn của tôi, Phan Châu Dật. Em nó đang học tại trường Mondparuasse, hôm nay được phép về chơi. Sáng mai, em nó trở lại trường.Nguyễn Tất Thành bước tới bắt tay Phan Châu Dật với lời lẽ chân tình.- Xin chào. Luận về tuổi tác, tôi có thể xưng hô anh em được chứ?Phan Châu Dật vui vẻ, nắm chặt tay Nguyễn Tất Thành, nói:- Tất nhiên, em mới vào tuổi mười lăm.- Anh thì đã vào tuổi hai mươi mốt.Phan Châu Trinh mời khách vào nhà, dặn con lo cơm nước.- Cụ phó bảng với tôi là bạn đồng khoa, song lớn hơn tôi mười tuổi.Nguyễn Tất Thành vui vẻ nói:- Vâng, thưa bác, thân phụ cháu sinh năm Nhâm Tuất ạ.- Nhưng anh là con thứ mấy trong nhà?- Thưa bác, trên cháu còn có người chị và người anh nữa ạ.Sau vài lời dọ hỏi, Phan Châu Trinh biết chắc người thanh niên này là con trai của bạn, chẳng có chi phải nghi kỵ. Nhưng nghĩ cho cùng, cha con ông ở đây chẳng có chi phải sợ! Mọi việc, ông đã trình bày bằng giấy trắng mực đen chẳng giấu giếm điều gì. Hồi ở trong nước, bọn sâu mọt đã không làm được gì thì bây giờ có gì phải đáng lo? Nguyễn Sinh Huy dưới mắt ông cũng là người khí khái. Anh ta đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) trước ông sáu năm, nhưng đỗ phó bảng một lần và nghe đâu được bổ chân tri huyện Bình Khê. Nợ áo cơm, nợ hình hài trả rứa cũng đã được. Con cái có phần con cái và cái chí của chàng trai trẻ này không thể xem thường. Ông thấy lòng vui vui, ít ra lớp trẻ đã có người như vậy.Nguyễn Tất Thành kể tiếp cho ông nghe, những tháng ngày ở Sài Gòn, rồi những ngày làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville thuộc hãng Chargeurs Réunis của Pháp cho đến khi đặt chân lên đất Pháp. Cuộc sống quả có vất vả nhưng vui, bởi anh đã thấy được nhiều điều, biết được nhiều điều mà nếu ở quê nhà thì không thể nào hình dung ra nổi.Nguyễn Tất Thành thò tay vào túi, lấy ra cuốn sách mỏng, cầm hai tay đưa Phan Châu Trinh.- Thưa bác, hồi ở bên nhà, cháu đã nghe đến tên tuổi và những việc làm của bác. Cháu muốn gặp bác lắm, nhưng còn bận học và chưa gặp được thì bác đã vào vòng lao lý. Khi qua đây, một hôm có người đưa cho cháu cuốn sách này và dò hỏi mãi đến nay mới gặp được bác, thật là vinh hạnh.Nhìn cuốn sách, Phan Châu Trinh biết ngay đó là cuốn "Manifestation de 1908 en Annam". Cầm cuốn sách trên tay, Phan Châu Trinh biết đã có nhiều người đọc. Phan Châu Trinh kể thêm về nội dung cuốn sách cho Nguyễn Tất Thành biết. Tựa tiếng Việt của ông là "Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký". Bản dịch này không ghi tên người dịch, nhưng người dịch là bạn của ông: Julles Roux, có chân trong hội nhân quyền và được trạng sư Phan Văn Trường khen dịch rất chuẩn. Bản dịch này ngoài việc phát hành rộng rãi còn được gửi cho Albert Sarraut - người sắp sang nhận chức Toàn quyền Đông Dương và gửi cho ngài Missiny, thượng thư bộ Thuộc địa Pháp.Nguyễn Tất Thành nói:- Thưa bác, cháu rất kính trọng bác, tán thành việc làm của bác, nhưng cháu không tin những người Pháp cai trị, kể cả người Tàu, người Nhật. Không có ai tốt với mình một khi mình không có cái gì để trao đổi với họ.Phan Châu Trinh nhìn người trai trẻ ngồi trước mặt mình.- Anh nói không sai. Chính vì vậy mà tôi và bạn bè mới đề cao dân trí, khởi xướng dân quyền. Chúng ta không tin vào người Pháp cai trị, nhưng chúng ta phải tin vào bản thân mình, tin vào những người Pháp chân chính, yêu tự do, yêu công bằng, bác ái.Nguyễn Tất Thành vẫn từ tốn nói lên những suy nghĩ của mình:- Thưa bác, chính vì những mỹ từ ấy mà cháu qua đây và hi vọng nhìn rõ mặt trái của nó. Cháu nghĩ, con đường cứu nước không phải không có, nhưng chúng ta biết chọn con đường nào đúng nhất, hiệu quả nhất mới khó. Cháu muốn đi đây đi đó thật nhiều, đọc thật nhiều mới dám trình bày cụ thể với bác để bác chỉ dạy thêm.- Tôi rất mừng đất nước có một người trẻ tuổi như anh và cũng rất mừng cụ phó bảng nhà ta có được người con như anh. Anh còn trẻ nghĩ được như vậy là hay. Nếu anh tin tôi, thì trên đường đời có gì cần đến tôi, anh cứ hỏi, cứ trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khoa học. Tôi là vai cha mẹ của anh thật và cũng là bậc đại khoa của nước nhà Annam chuyên chế thật, nhưng có đi ra mới biết mình chẳng là cái gì so với thiên hạ. Do vậy, ý kiến của tôi cũng là ý kiến để anh tham khảo.Càng nói chuyện, Phan Châu Trinh càng thích chàng trai trẻ này.Những ngày sau đó, ngoài công việc kiếm cơm, Phan Châu Trinh tiếp tục cùng Nguyễn Tất Thành đàm đạo chuyện nước nhà. Ông chống cái học cũ là vì nó quá lỗi thời trước đà tiến hóa của nhân loại, chứ không xổ toẹt những tinh hoa của nó. Phan Châu Trinh nói:- Đối với Nho giáo, muốn trị quốc thì trước hết phải tề gia, muốn tề gia thì phải tu thân, muốn tu thân thì phải chính tâm, muốn chính tâm thì phải thành ý, muốn thành ý thì phải cách vật trí tri. Đó là cả một quá trình gian nan, khổ công tu học cả đời, anh nó ạ. Điểm này ta phải học. Phép trị nước của phương Tây lẫn phương Đông đều có cái hay cái dở riêng. Nếu chúng ta biết dụng cái hay, loại cái dở thì quốc dân được nhờ. Do vậy, tôi đồng thuận với ý tưởng đi nhiều, đọc nhiều của anh. Ở quê nhà của ta, ai ai cũng thuộc lòng câu răn dạy của ông cha: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, ấy mà chẳng thấy ai dụng.Cả hai đàm luận rất tâm đắc. Rảnh rỗi, Phan Châu Trinh đưa Nguyễn Tất Thành đi giới thiệu với bạn bè người Pháp, người Việt mà ông đã quen và tin tưởng.Những ngày bên Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành học được rất nhiều điều và càng thêm tin tưởng cho sự ra đi của mình.