III-Cây Bút...

Tôi bước vào nghề báo từ tháng 10, 1964, sau một chuyến đi nghiên cứu ở Tây Nguyên và khu Năm gần một năm. Tình hình ở báo Quân dội nhân dân đang khá căng thẳng. Tổng biên tập cũ Văn Doãn, sau khi theo học trường đảng cao cấp, đã xin cư trú chính trị ở Liên Xô từ năm 1962. Tổng biên tập mới Hoàng Thế Dũng cũng vừa bị đình chỉ công tác vì không tán thành nhiều quan điểm chủ yếu của Nghị quyết trung ương lần thứ 9. Từ khi còn ở quân khu 4, tôi từng viết một số bài đăng trên báo Quân đội nhân dân. Chính đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã đưa tôi về báo Quân đội. Tôi được phân công chuyên trách về biên tập các vấn đề thời sự, thời sự trong nước và thời sự quốc tế. Đồng thời tôi cũng cộng tác với các tạp chí Quân đội mhân dân, tạp chí Học tập (cơ quan lý luận của đảng cộng sản Việt Nam) qua những bài phân tích về thời cuộc. Bài "Vết thương sọ não" giới thiệu cuốn sách "Những người xuất sắc nhất" của David Hamberstam rất được chú ý. Công việc thời sự bắt tôi phải đọc khá nhiều sách báo nước ngoài và tiép xúc với nhiều nhà báo quốc tế đến thăm Hà Nội, khi Mỹ leo thang đánh phá miền bắc bằng không quân.
Đầu năm 1972, sau khi ở chiến trường Quảng Trị về, tôi được ban bí thư trung ương đảng biệt phái sang báo Nhân dân do tình hình chiến sự miền nam bước vào thời kỳ sôi động. Nhiệm vụ của tôi là làm chiếc cầu nối giữa Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị và báo Quân đội nhân dân với báo Nhân dân của đảng. Với thẻ ra vào đặc biệt, được Bộ tư lệnh cảnh vệ Bộ quốc phòng cấp, cứ ba tháng lại cấp lại một lần, tôi có thể ra vào tất cả các cơ quan của Bộ Quốc phòng như Cục Tác chiến,, cục Tuyên huấn, bộ tư lệnh phòng không không quân, Bộ Tư lệnh Pháo binh, Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ tư lệnh các Quân khu..., dự các cuộc phổ biến tình hình tuyệt mật, đọc các thông báo quân sự của Bộ tổng tham mưu. Do tình hình của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ diễn ra rất quyết liệt trên miền Bắc, nên sáng nào tôi cũng dự cuộc giao ban ở Bộ Tổng tham mưu, rồi trở về thông báo lại cho Ban biên tập báo Nhân dân, và góp ý kiến để xử lý ngay việc viết bài (xã luận hay bình luận, tường thuật, tin chiến sự, chụp ảnh...) và cử phóng viên đi các nơi để viết bài ngay trong ngày. Công việc thật căng thẳng và vất vả thường đêm nghỉ lại ở tòa soạn, có hôm nghỉ ngay trong hầm tránh bom vì báo động kéo dài và không quân Mỹ đánh ngay thủ đô vào ban đêm.
Chỉ riêng năm 1972, tôi viết hơn 80 bài gồm cả xã luận, bình luận các trận đánh ở miền Nam và ở miền Bắc, tổng hợp tình hình chiến sự, nhiều bài về người lái Mỹ bị giam giữ tại khách sạn Hilton Hà Nội, từ những người lái Thần Sấm F105, con ma F4, Cánh cụp cánh xòe F111 và Pháo đài bay B52 (mỗi tốp lái có 5 hoặc 6 người). Tôi từng hỏi chuyện Alvarez, Schumaker, những người lái bị bắt đầu tiên, đại tá Risner từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, các đại tá lão luyện Flynn, Denton, Stockdale, trung tá Hải quân MacCain định đánh dứt điểm nhà máy điện Yên phụ, nhưng bị trúng đạn và nhẩy dù xuống hồ Trúc bạch...
Trong tháng chạp 1972, sau 12 ngày đêm liền Mỹ ném bom rải thảm vào các thành thị miền Bắc, các cuộc thương lượng ở Paris được nối lại và dẫn đến ký hiệp định Paris. Tôi được cử vào doàn đại biểu nước Việtnam dân chủ cộng hoà trong uỷ ban quân sự bốn bên, làm uỷ viên chính thức kiêm người phát ngôn của đoàn.
__Đoàn ở trong trại Davis, một khu nhà gỗ vốn cuả một đơn vị truyền tin Mỹ, trong sân bay Tân sơn Nhất, Sàigòn. Tôi vừa tham dự cuộc họp chung cuả bốn đoàn, vừa tiếp các nhà báo quốc tế ngay tại trụ sở, viết bài cho báo quân dội nhân dân và báo nhân dân. Có đến 14 phóng viên báo quân đội và 6 phóng viên báo nhân dân tham gia các đoàn ở Sài gòn và các đoàn ở điạ phương như Huế, Đà nẵng, Buôn mê thuột, Biên hoà, Mỹ tho, Cần thơ...Ngày 29. 3. 1973 thiếu tướng Lê quang Hòa, trưởng đoàn đại biểu quân sự giao cho tôi quan sát buổi rút cuối cùng của quân nhân Mỹ ở sân bay Tân sơn nhất.
Tôi không tìm kiếm hư danh, không cố làm để cho mình nổi tiếng, để lấy "le", như bà con trong nam thường nói. Do công việc tôi đãm nhận, tôi cũng không bao giờ thoái thác những công việc vất vã, căng thẳng hay nguy hiểm để đùn cho người khác, nên tôi được chứng kiến hai sự kiện quan trọng. đó là lúc người Mỹ rút quân, và lúc chính quyền Sài gòn sụp đỗ ngày 30. 4. 1975
Thời kỳ 1976, 1977, tôi ở trong thành phố Hồ chí Minh, phụ trách cơ quan đại diện của báo quân đội nhân dân ở phía nam, viết tin, phóng sự điều tra về các trại cải tạo sĩ quan, viên chức chính quyền Sài gòn, về các cuộc bài trừ "gian thương, " các cuộc "cải tạo giai cấp tư sản" và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp...Tất cả những chính sách vội vã, dùng mệnh lệnh hành chính thay cho thuyết phục, làm lòng dân không yên, sản xuất không phát triển, làm cho tôi bắt đầu chán ngán, mệt mỏi và nhiều lúc bực bội. Câu nói một nhà báo Mỹ thật là sâu sắc "Các ông đã thắng trong chiến tranh, nhưng đã không thắng được trong hoà bình, các ông không chinh phục cũng không giải phóng được miền nam, các ông xử sự như những đội quân chiếm đóng".
Trong những năm 1978, tôi đã đến các trại tỵ nạn người Cămpuchia ở Bến sắn (Tây Ninh) và hỏi chuyện chừng hơn một trăm người, gồm sư sãi, nhà báo, một số giáo sư bác sĩ, một số công nhân và nông dân, sau đó tôi viết một bài phóng sự dài về những gì đã xẫy ra ở Cămpuchia sau khi Khờ me đỏ nắm quyền từ 17. 4. 1975 và lần đầu tiên dùng hai chữ "Diệt chủng ". Bài báo gửi ra tòa soạn báo nhân dân ở Hà Nội vào tháng 5. 1978, nhưng tổng biên tập ngần ngại không đăng vì lúc đó vẫn coi đảng của Pôn-Pốt là "Đảng cộng sản anh em". Tôi phải ra Hà Nội với 4 cuốn sổ tay dày ghi các cuộc phỏng vấn, trình bày những điều tôi đã nghe kể, toàn là những chuyện giết người hàng loạt một cách man rợ, bằng gậy, bằng cuốc xẻng, với những hố chôn người tập thể, những đám cưới tập thể kỳ cục, dẫn đến một đất nước không có thành phố, không có chợ búa, trường học và bệnh viện, không có tiền bạc, không có màu sắc, chỉ có một mầu đen mốc thếch, máu, nước mắt và sự tuyệt vọng. Đến tháng tám, bài của tôi được đăng kèm theo sáu bức ảnh của tôi chụp...Sau cuộc hành quân vào Cămpuchia tháng giêng năm 1979, tôi viết một cuốn sách về cuộc hồi sinh nhanh chóng cuả đất nươc chùa tháp sau nạn diệt chủng với đầu đề "Trên đất nước của nụ cười không bao giờ tắt", do nhà xuất bản Văn Học thành phố Hồ chí Minh phát hành. Đây là cuốn sách thứ bảy của tôi.
Tôi nhớ lại cuốn sách đầu tay của tôi là cuốn "Liên khu năm bất khuất" do nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành cuối năm 1965. Sau đó là cuốn " Dưới bóng tòa đại sứ Mỹ" do nhà xuất bản của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam xuất bản năm 1972, được dịch ra ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Tây Ban Nha, với nội dung nói về chính quyền Nguyễn văn Thiệu trong quan hệ với Oa-sinh-tơn. Đầu năm 1973 nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn sách thứ ba của tôi "Những người hùng Mỹ chóng mặt", viết về những người lái máy bay Mỹ bị bắt, những "khách du lịch" không mời mà đến trong khách sạn Hin-tơn Hà Nội. Cuối năm 1973 nhà xuất bản Văn học in cuốn sách thứ tư "60 ngày ở Sài Gòn" viết theo kiểu nhật ký ghi lại những sự kiện trong 60 ngày ở Sài Gòn ngày sau khi ký Hiệp định Pa-ri. Năm 1976 nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh in cuốn sách thứ năm của tôi mang đầu đề "Sài Gòn, trong ánh chớp của lịch sử. " ghi lại những sự kiện tháng 4 và tháng 5. 1975. Năm 1982, sau khi theo dõi cuộc chiến đẫu ở Lâm Đồng, Buôn mê thuộc và Công-tum, Plây-cu để giải quyết tận gốc phong trào chống đối vũ trang Ful-Rô, tôi viết cuốn: "Ful-Rô, con bài thời hậu chiến", do nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh in. Năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 70 năm cách mạng Tháng mười ở Liên Xô, tôi viết cuốn " 70 năm khai phá và sáng tạo ", dựa trên những con số thống kê trên báo chí Liên Xô (Phần lớn là những con số thổi phòng quá đáng để tuyên truyền!" và giới thiệu cuộc cải tổ theo hướng Pê-re- xtrôi-ka của Gorbachev, những đổi mới chính trị và kinh tế còn mới phôi thai và chập chững ở Liên Xô. Đây là cuốn thứ tám của tôi. Đó là những cuốn sách mang nhiều nét cụ thể sống động, được thể hiện với ít nhiều mục đích tuyên truyền kịp thời.
Cuốn sách tôi đang viết đây là cuốn thứ chín, là cuốn sách tôi viết với nhiều đắn đo suy nghĩ nhất. Chắc chắn là cuốn sách mang tâm huyết. Tôi cố viết thật trung thực, đúng như sự thật, có thế nào nói như thế. Tôi tự xác định một thái độ tỉnh táo, không cay cú, không tức giận, không thù oán, có thể dẫn đến thiếu khách quan, không khoa học. Tôi viết cuốn sách này để bạn đọc trong nước và nước ngoài hiểu rõ hơn một thời kỳ sôi nổi của đất nước, từ đó rút ra những kết luận cần thiết. Tôi nghĩ nhiều nhất đến các bạn trẻ, từ mười tám, đôi mươi đến ba mươi, bốn mươi tuổi, những người sẽ đưa đất nước vào thế kỷ 21. Ước mong rằng các bạn sẽ có thể hiểu rõ một thời kỳ có nhiều sự đánh giá khác nhau, do những chổ đứng và quan điểm khác và trái ngược nhau, và từ đó tự mình xem xét lịch sử của đất nước bằng cái đầu tỉnh táo của chính mình, làm giàu thêm hành trang nhận thức và tư tưởng để cùng nhau đưa đất nước vào một thời kỳ dân chủ, hòa hợp, phát triển và hạnh phúc cho mọi người dân Việt nam ta.
Có mấy anh bạn ở Paris thường hỏi tôi: Trong mấy chục năm làm báo cộng sản, anh thấy những điều gì lý thú và bổ ích nhất? Thì ra đây là một vấn đề tôi suy nghĩ rất nhiều trong gần 10 năm lại đây. Từ khi tôi được đọc đều các báo Mỹ, báo Pháp, báo Anh như: Newsweek, Far Eastern economic review, Le Monde, Liberation, Time, The Independent...và gặp gỡ trao đổi ý kiến với cả trăm phóng viên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình các nước, tôi thấy làng báo Vietnam ta cổ lỗ thủ cựu quá! Có nhiều người có tài năng, cũng có ý định tốt đẹp, có tâm huyết, nhưng cái cơ chế quan liêu nó đè nặng, triệt tiêu hết mọi tài năng và tâm huyết...Tôi đâm ra thất vọng. Tôi từng lên lớp cho anh chị em sinh viên khoa báo chí của trường tuyên huấn trung ương, lên lớp cho cả lớp bổ túc được dành cho các phóng viên báo chí ở Lào và Cămpuchia, tôi vẫn thường nêu một cách ngay thật những yếu kém cổ lỗ của báo chí Việt nam, cũng như của báo chí các nước xã hội chủ nghĩa.
Cái tệ đầu tiên là báo chí rất coi thường người đọc báo, mặc dầu câu đầu lưỡi là vì nhân dân, là phục vụ nhân dân. Đây là một nền báo chí quan liêu, chuyên lên lớp, răn dạy, đe nẹt người đọc. Theo thuyết định hướng dựa trên lập trường đấu tranh giai cấp được hiểu một cách máy móc, báo chí cho người xem biết được những điều gì là tuỳ thuộc lợi ích tuyên truyền, do đó sự thật bị bóp méo, bị sai lạc đi rất nhiều. Có cả một khoảng cách to lớn, một sự đối lập giữa cuộc sống thật và những điều báo chí nói đến. Khẩu hiệu đưa ra từ Dại hội đảng lần thứ 6:"Nói thẳng, nói thật, nói hết" vẫn chỉ tồn tại về đại thể trên giấy, người đọc không tin, chê bai, không muốn đọc báo chí là vì thế. Có người nói đùa một cách chua cay rằng, trên báo nhân dân chỉ có tin dự báo thời tiết là có thể tin cậy phần nào, (vì vẫn có trường hợp dự báo sai), có thể tin được hoàn toàn chỉ là tin buồn, tin cáo phó. Họ nói quá để nhấn mạnh một cái tật.
Cái tệ rất nghiêm trọng nữa của báo chí là căn bệnh quan liêu bao cấp, ăn quá sâu đến mức không sao thay đổi hay cải tiến được, phải có một cuộc cách mạng về quan niệm và tổ chức. Tổng biên tập nhiều khi chỉ là cán bộ tổ chức, cán bộ tuyên huấn, không có tay nghề và năng khiếu làm báo. Cũng như ở các nghành kinh tế, người không am hiểu thì chỉ đạo người ít nhiều am hiểu hơn, người giỏi dạy người kém chứ ai lại để người dốt, người kém ngồi trên người am hiểu hơn, sự trái khoáy là ở chổ đó. Anh phóng viên viết một bài báo, anh phó phòng chữa rồi ký duyệt, anh trưởng phòng xem lại, sửa thêm rồi ký, sau đó ông phó tổng biên tập xem lại, sửa, ký rồi ông thư ký tòa soạn sửa thêm nữa và cuối cùng ông tổng biên tập ký duyệt...Một bài báo phải qua 4 đến 5, 6 chữ ký! Qua mỗi vị bài báo lại bị cắt xén, sửa chữa cả ý, lời, thêm bớt ít nhiều, cho đến khi ra mắt người đọc thì chỉ còn là "Một công trình tập thể" tròn trịa, đủ ý tứ, nhưng không có thịt da, không còn gì là nét riêng, dấu ấn riêng, tư duy riêng của người viết nữa, có khi người viết đọc lại bài đã được sửa, không còn nhận ra đứa con tinh thần của mình.
Do đó bên cạnh những căn bệnh kinh niên của báo chí là ngoa ngôn và đại ngôn (nghiã là dùng những chữ rất ồn ào mà rỗng tuếch như: Vĩ đại, anh hùng, vô cùng, cực kỳ, rất là, tuyệt đối...)thì nạn công thức hoành hành dữ dội. Viết xã luận kỷ niệm ắt phải mở đầu bằng: Trong không khí tưng bừng phấn khởi..., nhắc đến nghị quyết thì ắt phải mở đầu là: Dưới ánh sáng của đại hội Đảng...nhắc đến nhiệm vụ thì ắt phải viết: Chúng ta phải ra sức quán triệt..., (chữ quán triệt là một chữ tàu được dùng bừa bãi, vô tội, vạ, có khi trong bài lắp đi, lắp lại hàng chục lần, có thể nói không có số nào là không có!).
Đến bao giờ trong làng báo Việt Nam nhập được vào làng báo thế giới để theo cùng một cung cách đánh giá bài báo, đánh giá người viết báo thì báo chí ta mới khởi sắc lên được. Nếu không vẫn bị sa lầy trong làng báo công chức, thủ tiêu hết mọi cá tính của các bài báo, của mỗi một người viết báo. Theo hệ thống công chức, tài năng làm báo được xếp đặt theo bậc lương theo kiểu cách ở cơ quan hành chính, từ cán bộ tập sự lên cán sự từ bậc 1 đến bậc 6, rồi chuyển lên chuyên viên, từ bậc 1 lên bậc 6, bậc 7...Cứ 3 hay 4 năm lại được bình để lên chức một lần. Anh ở bậc cao hơn luôn tự cho mình là nhà báo kỳ cựu, giỏi hơn anh ở bậc thấp hơn mình! Anh có quyền sửa bài của người khác thuộc cấp thấp hơn! Nghĩa là một làng báo theo đẳng cấp chặt chẽ, dựa vào cấp bậc, theo bậc thang công chức, nấc thang lương bổng!
Chính do những căn bệnh và những cái ách quan liêu dè nặng mà những cây bút có thể là có tài, thường là những cây bút trẻ, có nhiều triển vọng, có suy nghĩ và tìm tòi, có nghị lực thâm nhập cuộc sống và có lương tâm nói lên sự thật..., đều gặp những khó khăn chồng chất, bị kẹt cứng trong bộ máy cổ lỗ, các bài vở của họ bị bác bỏ phê phán, họ bị chụp mũ đủ thứ: tự do, không thuần, học đòi theo báo chí tư sản, thiếu tính đảng...Và thế là cả làng báo Viet nam phải trở về khuôn phép, nhà báo trở thành thợ viết, viết cho trên hài lòng, viết theo com măng của cấp trên, viết theo " gu " của trên, viết theo kiểu vô thưởng vô phạt, các bài viết trên đại thể là giống nhau, một vấn đề, một đề tài nào đó được phân công viết thì ai nấy viết theo một kiểu cách giống nhau, đọc phần trên đã đoán ra phần dưới, đọc tít bài đã đoán ra cả bài, đọc câu đầu đã đoán ra câu sau...Một làng báo rất "tập thể", rất nhàm chán, rất xuôi chiều, mà cái thiếu lớn nhất là dấu ấn của cá nhân, dấu ấn của cây bút mang tên của tác giả bài báo. Nhiều tài năng báo chí bị chết yểu, bị triệt tiêu, bị loại bỏ vì những quan điểm bảo thủ, lạc hậu về báo chí, vì căn bệnh coi tập thể là tuyệt đối, đối lập tập thể với cá nhân, đi đến thủ tiêu cá tính. Ngẫm nghĩ kỹ thì đó chẳng phải của riêng làng báo, mà đó là số phận hẩm hiu và bế tắc của mọi trí thức, mọi tài năng khoa học, văn hóa nghệ thuật và kinh doanh trong một bộ máy còn quá lạc hậu, và lạc lõng với thế giới ngày nay.
Cuối năm 1989, khi luật báo chí được quốc hội thông qua và công bố tại Hà nội, một số phóng viên ở các nước Đông nam á xin vào Việt nam để đưa tin. Sau cuộc họp báo ở câu lạc bộ quốc tế, nghe đại diện bộ thông tin giới thiệu dài dòng về luật báo chí mới, một phóng viên báo Nation ở Bangkok lắc đầu chán ngán, để rồi điện về Thái lan một mẩu tin ngắn gọn: " Luật báo chí của Việt nam được công bố hôm nay có hai nét nổi bật, đó là nhà nước kiểm soát chặt chẽ báo chí và cấm tư nhân ra báo. Chấm hết ".
Qủa thật ngành tuyên huấn của đảng và ngành thông tin của nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ báo chí, cả về nội dung hình thức, tổ chức các tòa soạn, nề nếp làm việc và công tác phát hành. Tháng 7. 1990 một chỉ thị của ban tư tưởng và văn hóa của trung ương đảng gửi cho tất cả những người phụ trách báo chí, đài phát thanh, và truyền hình của cả nước: Từ nay không được nói đến chữ Staline và đa nguyên. Ai để lọt hai chữ này sẽ chịu trách nhiệm trước dảng và nhà nước. Thế là tất cả dều phải im re. Vì nói dến Staline là nói dến tệ sùng bái cá nhân một cách cực đoan là nói đến tác phong thiếu dân chủ, chuyên quyền, dộc đoán và tàn ác, vi phạm quyền tự do của công dân, nói đến Staline là khơi lại những vụ án chính trị, khoa học và văn hóa bất công, sẽ làm nẩy nở những yêu cầu minh oan vì công bằng xã hội và dân chủ ở Việt nam, diều mà lãnh đạo rất lo sợ. Nói đến đa nguyên là nói đến dân chủ, ắt dẫn đến quan niệm đa đảng, một điều tối kỵ đối với cơ quan lảnh đạo.
các nước phương tây, người làm báo có một vị trí xã hội khá đậc biệt, được dư luận xã hội coi trọng, được chính quyền vị nể. Đó là vì có quy luật cạnh tranh đào thải, rất gay gắt. Chỉ còn tồn tại lâu bền những người làm báo thật sự có tay nghề cao, bất kể tuổi tác, tuổi nghề ra sao. Những bài viết của họ tạo cho chữ ký của họ uy tín xã hội lớn. Đó là uy tín nghề nghiệp có thực chất. Các báo chí, các nhà xuất bản nổi tiếng, các hãng truyền hình đều cố tìm đến những nhà báo để mời viết bài, viết sách và gặp gỡ người đọc, người nghe và người xem truyền hình...Các nhà báo dều bình đẳng. Sự phân biệt giá trị duy nhất là tài năng là do sự tự rèn luyện mà nên. ta cơ chế quan liêu, cách thức quản lý báo chí cổ hủ đã làm thui chột, bóp chết mọi tài năng báo chí. Thước đó giá trị của người viết báo trên thực tế không phải tài năng nghề nghiệp mà thường là những tiêu chuẩn ngoài nghề nghiệp, làm cho báo chí chỉ phát huy dược khả năng động viên, cổ vũ trong chiến tranh và tỏ ra bất lực, nhạt nhẽo và quá ít hiệu quả xã hội trong xây dựng đất nước.
Không biết bao nhiêu lần tòa soạn báo Nhân dân đã thảo luận về chức năng của mình. Đây là cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt nam, đồng thời do chưa có "Công báo", chưa có tờ báo chính thức của chính phủ và quốc hội, nên báo nhân dân được kiêm nhiệm thêm là tiếng nói của đảng, của nhà nước, của chính phủ và của quốc hội nữa. Do đó các ủy viên bộ chính trị nào cũng gọi đến báo nhân dân để ra chỉ thị. Có khi tổng bí thư, có khi chủ tịch hội đồng nhà nước, hoặc chủ tịch quốc hội và rất nhiều lần chủ tịch hội đồng bộ trưởng chính thức chỉ thị cho báo Nhân dân phải viết tin, đưa bài, đưa ảnh về hoặt động cơ quan mình. Rồi các trưởng ban trung ương (có hơn chục ban), các bộ trưởng và thử trưởng, đều coi báo Nhân dân có trách nhiệm đưa bài, tin về ngành mình. Thế là báo Nhân dân trở thành diển đàn chung của tất cả bộ máy đảng và nhà nước, nó nghiễm nhiên trở thành một kiểu công báo nặng nề, khô khan, tẻ nhạt, toàn là chuyện hội họp, lể lạt, chỉ thị nghị quyết, các đoàn thăm viếng chính thức, với các diễn văn đưa đón, chiêu đãi, tiễn biệt...Như là tra tấn người đọc vậy.
Từ sau đại hội 6 của dảng cộng sản Việt nam, có một tư duy mới được hình thành, đó là: Báo chí của ta, báo Nhân dân vừa là báo chí của đảng, vừa là diễn đàn của nhân dân. Thật là hay, thật là đẹp và đủ nữa! Về lý luận, báo chí dược coi là công cụ của sự nghiệp đổi mới, công cụ của quá trình dân chủ hóa, nghe càng hay, càng kêu! Thế nhưng làm được đầy đũ hai chức năng đó thật khó, có khi mắc kẹt. Vì trong khi lãnh đạo của đảng có nhiều sai lầm, nạn tham nhũng lan tràn như bệnh dịch trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh tế, lòng dân không yên, họ phẫn nộ và căm giận với những kẻ thối nát và bất tài đang cầm quyền, thì báo nhân dân đứng về phía nào? Có dám mạnh dạn đứng về phía Nhân dân không? Và rõ ràng báo Nhân dân đã được chỉ đạo là trước hết và trên hết phải báo vệ uy tín của đảng và nhà nước và phải rất gượng nhẹ, có tính toán liều lượng trong việc đưa những bài phê bình chỉ trích của nhân dân, của bạn đọc.
Cho nên những nhà báo lão thành hay đùa kiểu châm biếm: Báo thì của đảng, mà lại lấy tên là Nhân dân! Và lại có người hóm hỉnh nói: Mình sẽ cùng một nhóm ra một tờ báo tư nhân lấy tên là: Đảng, ai có hỏi thì xin trả lời rằng: Đảng đã lấy mất cái tên thật của chúng tôi, nay chúng tôi xin lấy lại tên của đảng vậy. Để thương lượng, trao đi đổi lại, trả lại cho nhau cái tên thật của mỗi bên.
Giữa năm 1990, tất cả cán bộ đảng viên đều phải tiến hành phê bình và tự phê bình sau khi nghiên cứu và thảo luận về nghị quyết 8 của trung ương. Có nghị quyết 8 A (Về quan hệ giữa đảng và quần chúng) Nghị quyết 8 B (Về tình hình các nước Đông Âu). Các bản tự phê và phê đều phải viết tay, ký tên đưa cho cán bộ tổ chức để ghép vào hồ sơ. báo Nhân dân, tôi cảm thấy mình là một đối tượng của cơ quan tổ chức, mặc dù tôi là phó tổng biên tập Kiêm Trưởng ban văn hóa và văn nghệ (cho cả báo nhân dân hàng ngày), đồng thời trực tiếp tham gia các bài viết về quan hệ quốc tế, về quốc phòng và an ninh...Tôi không bao giờ tránh né lo lắng, nhưng đàng hoàng và tự tin. Sau khi tổng biên tập kiểm điểm, đến lượt tôi. Tôi nhắc lại: Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ nguyên nhân bên trong là chính, tuy có nguyên nhân bên ngoài. Đây là theo phép duy vật biện chứng. Do không có dân chủ, do bệnh quan liêu, vô trách nhiệm. Tôi cho rằng đa nguyên là đúng, là cần thiết, là cơ sở của đổi mới. Tôi cho rằng trung ương thi hành kỷ luật đồng chí Trần Xuân Bách, đưa ra khỏi bộ chính trị, ban bí thư, ban chấp hành trung ương là quá nặng. Có chừng hơn 30 cán bộ trong phòng họp (từ phó ban biên tập các chuyên nghành trở lên) Một cán bộ phụ trách ban bạn đọc chất vấn " Anh Thành Tín cần xem lại quan điểm của mình có ăn khớp với quan điểm của đảng không? nhà tập thể tôi ở, vừa rồi họ gọi nhau đi nghe băng ghi âm anh nói chuyện ở đâu đó, có tới 4, 5 chục người kéo đến một buồng nhỏ để nghe, có người con khen: Nói chuyện thế mới là nói chuyện chứ, hơi đâu mà nghe các ông tuyên huấn". Một phó tổng biên tập móc máy:"Số tết báo Nhân dân vừa rồi, bài anh Thành Tín viết nhận định về tình hình Đông Âu là không chặt chẽ, là không khớp với nhận định của đảng". Tôi trả lời " Vâng đó là bài báo: sắc xuân của dòng chảy trong đó tôi viết: sự độc ác đối với con ngưòi, đi cùng tệ quan liêu, độc đoán và tham nhũng luôn luôn xa lạ với con người cộng sản chân chính, những điều nhân dân không bao giờ chấp nhận và cam chịu. "
hội trường lớn trường đảng Nguyễn i Quốc ở Hà Nội tháng 4. 1990, tôi đã nói rõ " Đảng đã bao biện, ôm dồm, dẫm chân lên chính quyền quá lâu rồi, đã đến lúc phải trả lại toàn bộ chính quyền cho các cơ quan dân cử. Có thể nói chính đảng đã vi phạm có hệ thống hiến pháp là luật cơ bản của đất nước, trong một thời gian dài. Hiến pháp chỉ rỏ rằng: nước ta, toàn bộ chính quyền thuộc về tay nhân dân, thông qua các cơ quan dân cử là hội đồng nhân dân và quốc hội. Nhân dân không bầu ra trung ương đảng và không bầu ra bộ chính trị. Trung ương đảng và bộ chính trị quyết định những nội dung, biện pháp, chỉ số, chính sách, về kế hoạch nhà nước trong 5 năm hay trong 1 năm về nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp v. v...đều là sai nguyên tắc, làm vậy là lấn quyền của quốc hội và hội đồng nhân dân..."
Chính tháng 5. 1990, Bộ nội vụ mời tôi nói chuyện về tình hình trong nước và người nghe gồm cán bộ trung cao cấp của bộ và sở công an Hà Nội. Tôi nói về số lượng quân đội và an ninh quá cao, cao một cách kinh khủng so với tỷ lệ các nước khác, tôi nhận xét thêm " Một vị lãnh đạo không nhận giải thưởng hòa bình Nô - Ben (Đây là chủ trương của đảng) là một thái độ chủ quan, kiêu ngạo, rất không nên, làm mất cảm tình của dư luận và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới". Khi nói chuyện xong tôi hỏi mấy cán bộ tuyên huấn và an ninh " Thế nào mình nói thể có mạnh quá không?" Các vị đều vui vẻ trả lởi "Anh em rất thích thú, anh nói thẳng thắn, đầy sức thuyết phục, cuộc nói chuyện hết sức bổ ích..."
Cũng vào giữa 1990, anh em ở tỉnh Hà nam Ninh và thị xã Ninh Bình mời tôi về nói chuyện. Đây là một chuyến đi khó quên. Anh phó chủ tịch tính đưa tôi cùng mấy anh em phóng viên trẻ xuống vùng biển Xuân Thủy, ra thăm những vùng cồn cát bạt ngàn vửa nỗi lên mấy năm nay, do nước biển rút dần ra xa, Chúng tôi thăm cồn Lu, rồi vùng Bạch Long, nơi cách đây vừa đúng 60 năm, khi cha tôi làm tri phủ ở phủ Xuân Trường, đã đôn đốc bà con ỏ phủ đắp đê lấn biển, dành được hơn hai nghìn mẫu đất ruộng. Đê quai ấy vẫn còn và còn cả một sinh từ miếu thờ người có công từ khi người ấy còn sống, dựng lên từ hồi đó, để ghi lòng biết ơn của nhân dân đối với sự nghiệp lấn biển phục vụ dân sinh ấy. Tôi nhớ lời kể của cha tôi cho các chị em tôi về công cuộc đắp đê ấy khi chúng tôi còn học ở Huế. Hồi đó cha tôi luôn đứng trên mặt đê, có lúc suốt cả ngày và đêm, chỉ ăn bánh quy và nước chè nóng đựng trong chiếc téc-mốt nhỏ. Một chi tiết làm tôi nhớ mãi là sau đó, khi làm tuần phủ ở Ninh Bình, rồi làm thượng thư ở triều đình Huế, thầy tôi khi đi các địa phương để làm việc không bao giờ ăn uống ở nhà nhân dân vì luật lệ cấm rất ngặt việc các quan lại phiền nhiễu, hà sách nhân dân thuộc quyền...Tôi vừa được biết mới đây, trong tháng ba, tháng tư 1991 Tổng cục an ninh cử người xuống Nam Định và thị xã Ninh Bình điều tra về các buổi nói chuyện của tôi hồi năm ngoái (Tôi nói chuyện với cán bộ báo chí và ngân hàng tỉnh 2 buổi và 2 buổi nữa ở xí nghiệp Cảng và nhà máy cơ khí Ninh Bình) Anh em ở đây trả lời một cách bình tỉnh: " Vâng, chúng tôi có mời anh Thành Tín xuống đây nói chuyện. Chúng tôi biết trường đảng cao cấp Nguyễn ái Quốc và bộ nội vụ cùng mời anh ấy đến nói chuyện kia mà. Vì anh ấy là phó tổng biên tập báo nhân dân, khi nghe anh ấy nói chuyện, chúng tôi đều thấy hay và bổ ích. "
Tháng 8. 1990, khi chuẩn bị sang Pháp, các bạn tôi ở Hà Nội vừa đi công tác vào Vinh, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh về cho tôi biết ỏ những nơi nầy đều có bán băng ghi âm những buổi nói chuyện của Thành Tín, mỗi băng 3000 đồng! Một bạn ở Hà Nam Ninh cũng cho tôi biết các cửa hàng sang băng ở chợ Rồng Nam Định có kinh doanh băng nói chuyện của tôi! Và những băng ấy được đưa vào tận Rạch Giá, Minh Hải...cũng như leo lên tận Lai Châu, Sơn La...Một anh bạn què ở Vinh về thăm nhà cũng mang ra băng nói chuyện của tôi ở Ninh Bình do các bạn anh ở Vinh sang lại và làm quà. Tôi nói vui rằng " Vậy mà mình không có một trinh bản quyền nào hết!" Tôi biết bà con ta nhất là các bạn trẻ, đang khao khát những thông tin mới mẻ, chân thật và trung thực. Họ đã chán ngấy những bài báo, những cách nói hô hào suông, đạo lý rỗng, nói lấy được, kiểu đại ngôn và ngoa ngôn không còn lọt tai nổi, ví như hai chử "Chúng ta". Chúng ta đã sai lầm, chúng ta đã phạm khuyết điểm, chúng ta đã mất thời gian...để hòa cả làng, để dĩ hòa vi quý, để xuề xoà với nhau và không còn ai biết tội lỗi thuộc về ai cả! Văn kiện đại hội 7 cũng ghi thả cửa: Chúng ta, là ai? Là tất cả mọi người, không còn là ai sất cả! Hòa! Cười trừ! Chấm hết!. Chủ nghĩa tập thể là vậy, chữ tập thể có cái hay ấy thật tuyệt!
Trong những buổi nói chuyện trên, tôi cũng kể cho đông đảo người nghe về những gì hay ở Mỹ, ở Nhật, ở các nước Đông Nam á mà tôi quan sát được. Cũng như tôi viết 20 bài báo rất ngắn (chỉ 200 đến 400 chữ) về những kinh nghiệm cụ thể ở nước ngoài, được các bạn đọc quan tâm và gửi thư về báo Nhân Dân khen ngợi.
Đó là chuyện kể về thái độ lịch sự và kỷ luật trên đường phố, về mối quan tâm bảo vệ môi trường, và vệ sinh trong xã hội (trong khi ỏ Hà Nội hè phố không còn là hè phố, mà là nơi ăn uống, nơi bán hàng, nơi tiếp khách, trò chuyện, nơi cãi nhau, nơi trẻ con đá bóng, nơi giặt dũ, nơi tâm sự, nơi đánh bạc và là nơi vệ sinh cá nhân và ngủ ngáy nữa), tôi cũng viết về người thường trực ở một cơ quan, lịch sự, am hiểu công việc và tận tình hướng dẫn khách ra sao (so với những người thường trực các cơ quan ở ta uể oải, phớt lờ, thiếu tận tình), Về tuổi trẻ ở các nước đó (Có giáo sư giỏi tuổi hơn 30, có trợ lý cho tổng thống, thủ tướng tuổi trên dưới 30, có thù tướng 39 tuổi...) so với tuổi trẻ ở ta không được coi trọng, luôn bị coi là non quá, thiếu kinh nghiệm...Về mối quan hệ với cử tri và người được bầu (ông đại biểu của tôi, bà nghị sĩ của tôi), trong khi ở ta bầu chỉ là hình thức, không có mối quan hệ gì giữa cử tri và người được bầu từ trước khi bầu cử, trong khi bầu và đến sau khi bầu cũng vậy...Chính vì ta bị cô lập quá lâu với thế giới bên ngoài, ta sống, làm việc theo một kiểu cách riêng, rất cũ, rất cỗ lổ và do dó chịu thiệt thòi rất nhiều so với những kinh nghiệm phong phú mà loài người đã tích lũy được.
Trong nghề làm báo tôi quen rất nhiều nhà báo quốc tế và không ít là những nhà báo tài năng vì Việt Nam là điểm nóng, những tài năng báo chí nhào vô không ít. Tôi học được khá nhiều ở họ, về tính nhậy bén, về lòng yêu nghề nghiệp, về trách nhiệm với bạn đọc. Và nhất là về sự tôn trọng sự thật, sự thật đúng như nó có, không che dấu, không bóp méo, không thêu dệt...
Hồi đầu năm 1973, sau hiệp định Paris, tôi vào Sài gòn, ở trại Davis, bên đường băng Tân sơn Nhất. Cứ khoảng 2, 3 ngày tôi lại hợp báo, gặp gỡ báo chí nước ngoài. Họ gọi điện thoại đến trụ sở đoàn suốt ngày, cả vào ban đêm. Họ đi lẻ, họ đi cả tốp, có khi cả đoàn...Đó là Carl Robinson của hãng AP (Mỹ) còn trẻ, săn tin rất nhạy, đó là Barney Seibert của hãng UPI, khá thâm trầm. Đó là Paul Vogle của London Daily Express nói được tiếng Việt, thường đi cùng với cô Tracy Wood cũng của UPI và cô Liz Trotta của NBC News. Đó còn là Fox Butterfield của New York Time hay hỏi tôi tin từ sáng sớm và biếu tôi những bức ảnh anh chụp. Đó là Peter Collins của VOA (tiếng nói Hoa Kỳ), đã tỏ ra hoài nghi việc quân đội Sài Gòn có thể đứng vững nổi khi quân đội Hoa Kỳ rút về nước. Washington Post thì có Thomas Lippman viết bình luận rất nhanh và khá sắc sảo. Có hôm vào buổi sáng, vượt qua các trạm gác của cảnh sát Sài Gòn, ba nhà báo Mỹ là Donald Kirk của Chicago Tribune, Larry Green của Chicago Daily News và Arnold Isaacs của Baltimore Sun lọt vào gần phòng họp chính của đoàn. Tôi chạy ra ngoài gặp họ và mở một cuộc họp báo chớp nhoáng ngay trước cửa trụ sở. Những vấn đề lớn họ quan tâm là việc trao trả hết tù binh của các bên, về những tù binh là người lái máy bay bị bắt trên miền Bắc, về những cuộc hành quân lấn chiếm của 2 bên sau khi hiệp định có hiệu lực...Bà Frances Sparner, người Mỹ, hồi ấy đã hơn 50 tuổi, phóng viên của Far Eastern Economic Review (Tạp chí kinh tế viển đông), viết bài rất khoẻ và chụp ảnh cũng rất nhanh, thường có mặt dự họp báo trong trại Davis. Trưa ngày 30. 4. 75 gặp lại bà ở Dinh Độc Lập, bà biếu tôi một số ảnh rất quý bà chụp được hôm ấy. Hồi 1973, Felix Bolo, phóng viên của AFP, người rất to con, xông xáo, cũng luôn liên hệ với đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa để săn tin.
Trưa 30. 4. 1975. Tôi làm quen thêm với một số nhà báo khá nổi tiếng. Đó là Boris Gallash, người Đức và Tidiano Terzani người _, đều là phóng viên cho báo Der Spiegel (Tấm gương). Một chi tiết ít ai biết đến là lời tuyên bố ngừng bắn của đại tướng Dương văn Minh đã được ghi âm trước hết vào băng đặt trong máy ghi âm nhỏ của Boris Gallash, sau đó mới truyền qua đài phát thanh SàiGòn. Ngày 1. 5. 1975, tôi đã nhận chuyển giúp cho Terzani bài tường thuật của anh sang Đức qua thông tấn xã Việt Nam của Hà Nội, trong khi bưu điện Sài Gòn đóng cửa, không ai có thể chuyển bài ra nước ngoài. Tôi thấy anh ỉu xìu, hỏi anh vì sao vậy, anh chìa bài đánh máy ra nói như khóc: Đây! Tao viết bài rồi mà chịu! Anh văng tục ra rồi than: Tao chỉ muốn chết!, tôi bảo: "Tao giúp mày nhé!" Anh ta chổm dậy: Gì? Mày nói gì? Mày có cách nào? Thật không? Tôi mĩm cười "Có thể được, tao là quân nhân, đã hứa là làm. Chiều nay có chiếc IL 18 vào đây rồi trở ra Hà Nội ngay. Tao có bạn ở thông tấn xã, họ có thể chuyển được ". Anh ta lăn xuống sàn nhà, lăn người đi 2, 3 vòng rồi nhỏm dậy ôm lấy tôi la lớn " Tao có thể chết vì sướng được! Một ngày nào tao còn sống, tao còn nhớ ơn mày!" Và quả nhiên bài của anh được chuyển ngay qua Đức. Sau đó tôi làm quen với De Nerciat, còn rất trẻ, phóng viên của AFP, anh vừa từ Cambodge chạy về Sài Gòn sau khi Khờ me đỏ vào Pnôm-Pênh ngày 17. 4. 1975. Hồi ầy tôi nhiều lần trả lời phỏng vấn cua Peter Sharrock (Phóng viên của hãng Reuters) và của Alexander Thompson (của BBC luân đôn) về chiến dịch Hồ Chí Minh...Về phóng viên chụp ảnh phải kể đến hai người bạn của tôi:
Jean Claude Labbé, người Pháp, từng vào vùng giải phóng sau hiệp định Paris, và Peter Arnett, người Mỹ rất nỗi tiếng về những bức ảnh chộp được tại trận. Cả hai là những phóng viên nhiếp ảnh tài ba, được thế giới phương Đông và phương Tây biết tiếng.
Đầu năm 1979, khi bộ đội Việt nam mở cuộc hành quân vào Cămpuchia, tôi ở lại để giúp cho việc thành hình cơ quan thông tấn xã SPK và các báo quân đội, báo Nhân dân (Pro-chê Chuôn) của chính quyền mới. Chúng tôi đã đón tiếp nhiều đoàn báo chí đến Pnôm Pênh. Tháng 2 năm đó, thủ đô Pnôm-Pênh còn vắng vẻ, tôi gặp lại Jean Claude Labbé với Takano (Phóng viên của báo cờ đỏ Aka-ha-ta Nhật Bản, rất thạo tiếng Việt, tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp Hà Nội), Cũng như với Jean- Emile Vidal (Trưởng ban quốc tế của báo L'Humanité Pháp). Chúng tôi cùng đi ca nô xuôi sông Mê Công, đến nghiên cứu tại chổ một cái bếp tập thể của Khờ me Đỏ, sau đó đi máy bay đến Xiêm riệp thăm chùa Tháp Ăng co Thom. Takano vội vã trở ra Hà Nội khi được tin Trung quốc tiến công Việt Nam ở biên giới phía bắc. Anh đả hy sinh tại Lạng Sơn bởi một viên đạn của lính Trung quốc!
Cuối năm 1988, trong dịp đi công tác ở Liên Hợp Quốc tại New York, tôi gặp lại Brian Ellis, phóng viên của đài truyền hình Mỹ CBS, anh mời tôi đến thăm Studio cùa CBS ở ngay trung tâm New York, thăm toàn bộ dây chuyền công việc của hãng, và đặc biệt là thăm nơi làm việc của lão tướng Walter Conkrite, gần 80 tuổi, đả về nghỉ hưu. Hồi năm 1973, chính Brian Ellis đả nhờ tôi xin phép cho Conkrite ra Hà Nội. Tôi gọi Walter Conkrite là lão tướng quả là không ngoa, vì ông ta là một phóng viên truyền hình chuyên về thời sự quốc tế rất được vị nể ở Mỹ và nổi tiếng khắp phương Tây. Hồi 1968 đến 1973, tối nào người dân Hoa Kỳ cũng chờ đón 10 phút thông báo và bình luận thời sự của Conkrite, chính ông đã dự đoán và thúc đẩy sự xuống thang của Mỹ và quá trình phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh Đông Dương.
Trước đó, theo giới thiệu của Vụ báo chí bộ ngoại giao Hà Nội, tôi đã làm quen với nhà sử học, kiêm làm phim nổi tiếng Hoa Kỳ là Stanley Karnow. Ông sang Việt Nam năm 1980, cùng với ê-kíp quay phim lớn để chuẩn bị làm một bộ phim đồ sộ: Việt Nam-thiên lịch sử truyền hình", huy động hơn hai mươi nguồn tư liệu lịch sử, trực tiếp phỏng vấn gần 200 nhân vật cùa các bên, dựng nên một bộ phim dài đến gần 13 tiếng đồng hồ về toàn bộ cuộc chiến tranh Đông dương trong 30 năm...Stanley đã phỏng vấn tôi nhiều lần về chiến tranh chống Pháp, về chiến tranh chống Mỹ, về chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc, về chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh...Có thể học được ở ông thái độ rất khách quan và tác phong tỉ mỷ, cụ thể, luôn đối chiếu các tư liệu với nhau để tiếp cận sự thật một cách chặt chẽ. Sau đó ông gửi biếu tôi một cuốn sách dầy: "Việt Nam, một thiên lịch sử". Có thể nói đó là cuốn sách tỉ mỷ và đầy đủ nhất của phương Tây về các cuộc chiến tranh ỏ Đông dương. Nhà báo mà tôi quý trọng nữa là Nayan Chanda. Anh là người gốc Ấn độ, từng học ở Pháp và Hoa Kỳ. Tôi từng gặp anh ở Sài Gòn và sau đó ở Hà Nội. Anh làm việc cho báo FEER (Far Eastern Economic Review), là phóng viên mũi nhọn của tạp chí này ở Châu á. Anh am hiều tình hình Đông nam á một cách cặn kẽ, những bài viết của anh về Việt Nam rất có uy tín với đông đảo người đọc, vì luôn luôn có những tài liệu cụ thể mới mẻ, và những ý bình sắc sảo. Những năm gần đây anh đóng đô ở Washington, làm đại diện cho FEER ở thủ đô Hoa kỳ. Cuốn sách gần đây nhất của anh là "Những người anh em thù địch", xuất bản năm 1989 nói về những đảo lộn liên minh trong hàng ngũ những nước cộng sản, trong các mối quan hệ: Trung-Xô, Trung-Việt, Việt Nam-Khờ me đỏ...VV. Đây là một cuốn sách bán chạy nhất ở phương Tây. Đầu năm nay, anh làm tổng biên tập tờ báo mới: "Tuần báo Wall Street ỏ New York. Chúng tôi gặp nhau ở úc (Australia) hồi đầu năm 1988, với tư cách là học giả, nhà nghiên cứu, trong một cuộc hội thảo khoa học về tình hình và chính sách ở Đông Nam ỏ nói chung và ở Cămpuchia nói riêng, do trường đại học Griffith tổ chức.
Các nhà báo Pháp chiếm số đông trong những người bạn quốc tế của tôi. Đó là Jean Lacouture tìm hiểu tình hình Việt Nam từ năm 1950, đó là Olivier Todd, phó tổng biên tập tờ Nouvel Observateur, người từng viết cuốn "Tháng tư độc ác", (Le Cruel Avril), nói về những sự kiện trong tháng tư năm 1975. Hồi tháng tư năm 1984, nhâm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đả hướng dẩn các nhà báo của L'Humanité: Francois Hilsum, Tổng biên tập của tuần báo "L'humanité chủ nhật", Yves Moreau người bình luận khá nổi tiếng, và Daniel Roussel phóng viên thường trú cùa báo này ở Hà Nội lên thăm thị trấn Điện Biên Phủ. Sau đó trở về nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp kể chuyện về chiến dịch lịch sử này. Mới đầu chỉ dự định gặp trong 40 phút tại nhà riêng, sau cuộc gặp gỡ kéo dài đến 2 giờ đồng hồ. Vị tướng của trận Điện Biên Phù kể tỉ mỷ tất cả sự thật về quyết định khó khăn nhất trong đởi làm tướng dẫn đến toàn thắng của chiến dịch...Tại Paris tôi có dịp gặp lại những nhà báo quen biết cũ, có những cuộc gặp thân mật và bổ ích với Alain Ruscio, nguyên phóng viên L'Humanité ở Hà Nội, với Jacques Renard, của tuần báo L'Express và với những phóng viên am hiểu Việt Nam của hãng AFP như Michel Blanchard, Philippe Debeusscher, Gilles Campion...Những phóng viên Anh của hãng Reuter làm việc tại Paris như Peter Sharrock, Simon Heyden và Bernard Edinger đã từng gặp tôi nhiều lần ở Hà Nội và hiện nay theo dõi tình hình Việt Nam một cách chặt chẽ trước và sau đại hội 7 của Đảng cộng sản Việt Nam...
Các bạn đồng nghiệp quốc tế nói trên rất quan tâm đến tình hình Việt Nam. Họ có những nhận thức khác nhau, những chính kiến khác nhau, nhưng đều chung một mong muốn là sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam được thực hiện nhất quán cả về kinh tế và chính trị, để nước Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển và phồn vinh...Tôi đã giúp các bạn ấy hiểu rõ những nét đặc biệt của tình hình Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, những khó khăn to lớn còn tồn tại,
đồng thời cũng học tập được khá nhiều ở các bạn, hiều thêm tình hình nước Pháp và Châu Âu, nền văn hóa và chính trị của các nước ở đây, mở rộng những suy nghĩ của mình.
Viết đến đây tôi được tin nhà báo Kim Hạnh, Tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị mất chức. Trong số báo tháng 5 vừa qua, báo Tuổi Trẻ đã đăng ở trang bìa tin vừa nhận được qua một cuốn sách của một nhà sử học Pháp nói rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ đã có một người vợ người Trung Quốc, và trích dẫn một lá thư gửi cho người vợ Ẫy. Đây là một hình thức kỷ luật rất nặng đối với Kim Hạnh, những người lãnh đạo đả sử xự quá đáng, vô lý, làm cho giới báo chí quốc tế không sao hiểu nổi. Phải chăng những người lãnh đạo ngành tư tưởng và an ninh đã thủ cựu đến mức cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là một vị thánh sống rồi thì không được phép là một con người bình thường, để có được một tình yêu thời trẻ, như mỗi con người khác! ở một sự khám phá nhân văn đáng vui mừng thì họ lại cho là một sự xúc phạm không thể tha thứ, đúng vào lúc ở đại hội 7 các văn kiện khi nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội đều gắn liền với câu: "mà Bác kính yêu của chúng ta đã lựa chọn", nhằm ngăn cấm mọi ý kiến khác lạ! Vậy thì ai mới chính là kẻ đã xúc phạm đến người đã quá cố? Tôi còn nhớ từ năm 1989, Kim Hạnh đã bị đe dọa mất chức, trong một bài báo viết về cuộc Liên hoan Thanh niên quốc tế ở Bình Nhưỡng (Bắc Triệu Tiên), Kim Hạnh đã có mấy câu nói đến chế độ không được mấy tự do ở nước Triều tiên phía Bắc, nơi mà người con đã được chính thức trao chức Thế tử để thay cha trị vì, một sự thật cả thế giới đều biết.
ê Việt Nam, những người ngay thẳng và dũng cảm, dám nói lên sự thật như Dương Thu Hương, như Kim Hạnh chưa nhiều. Những bài báo phơi bầy đầy đủ sự thật, những sự thật đau lòng và phũ phàng-thường phải len lỏi, luồn lách đủ kiểu mới lên được mặt báo.
Đó là những bài nghị luận ngay thật, phê phán những quan điểm chính trị cổ hủ lỗi thời, của Phan Đình Diệu, Lương Dân, Thái Duy, Lữ Phương...Đó là những bài báo chấn động nhân tâm trên tạp chí Văn Nghệ thời tổng biên tập Nguyên Ngọc, như bài "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng gia Lộc, (cái đêm dân quân được lệnh tịch thu hết đồ đạc của một gia đình nghèo để nộp thuế với những tiếng thét thất thanh: ệi đảng ơi là đảng ơi!), bài "Người đàn bà quỳ của Trần Khắc, kể lại người đàn bà oan khiên đưa đơn hết "cửa quan cách mạng" này đến cửa khác mà không sao được giải quyết, bài "Đêm trắng" của Hoàng Hữu Các phơi bầy hiện trạng của môt xã có đến 200 hương chức (xưa một xã chỉ có 5 người), lộng hành, đè nén người dân thường, nhung nhúc những kẻ cơ hội mọt dân, bài "Tiếng kêu cứu của một làng văn hóa" của Võ Văn Trực, la trời lên vì sự phá hoại những cảnh quan thiên nhiên, triệt hạ những cây cổ thụ, phá hủy những đình chùa miếu mạo, cho tất cả thần linh vào sống tập thể tuốt, đồng thời diệt sạch những tập quán đẹp cùa quê hương, hay như bài: "Công lý ơi! đừng quên ai!" của Lâm Thị Thanh Hà ở Cần Thơ đăng trên báo Nông nghiệp, nói lên những oan ức chồng chất ở nông thôn, sự lộng hành của cán bộ xã, công an xã, đè nặng lên cuộc sống của bà con, những đơn kiện, kêu gọi công lý chất đống mà không ai buồn giải quyết, tâm trạng oán giận, kinh hoàng và tuyệt vọng của vô vàn công dân không còn ai bênh vực. Những bài của Trần Huy Quang về "Ông Vua lốp" và "Lời khai của một bị can", của Minh Chuyên "Thủ tục làm người còn sống" có ý nghĩa tố cáo sâu sắc thái độ độc ác vô trách nhiệm và chủ nghĩa lý lịch tai hại. Những chuyện ngắn của Ngô Ngọc Bội về thảm cảnh của nông dân, của Hoàng Minh Tường về thảm cảnh của giáo viên và nền giáo dục nước ta cũng gây xúc động mạnh. Những bài lý luận văn nghệ của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Độ...được người đọc trong cả nước chú ý vì gợi lên những suy nghĩ mới mẻ...
Những tác phẩm của Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp...lần lượt xuất hiện, được giới văn học và bạn đọc sớm đón nhận như những tài năng có nhiều hứa hẹn. Đó là những cây bút dũng cảm, tài hoa, đau cái đau lớn của đồng bào mình, nhìn thấu và khắc họa bản chất của sự thật, biểu thị phẫn nộ với sự ác độc, phi nhân tính, bênh vực lẽ phải và cái thiện ở trên đời. Những chuyện ngắn "Tướng về hưu", "Phẩm tiết", "Vàng lửa", "Thiên sứ", "Mê lộ" của Phạm Thị Hoài, những tác phẩm như "Bên kia bờ ảo vọng", "Những thiên đường mù", "Chuyện tình kẻ trước bình minh", và gần đây là "Tiểu thuyết vô đề" của Dương Thu Hương là những tác phẩm đặc sắc, gợi lên những suy nghĩ sâu xa về cuộc đởi và con người, về triết lý sống...
Những bài báo và tác phẩm văn học nói trên được dư luận xúc động đón nhận từ hồi 1986 đến 1989, chứng minh rất rõ quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Khi "đổi mới" được khởi động, không khí tự do bắt đầu chào đời, các tài năng có tâm huyết được giải phóng thì hàng loạt tác phẩm xúc động lòng người xuất hiện. Tuần lễ nào, tháng nào cũng cò bài báo mới, truyện ngắn mới, tiểu thuyết mới, được bàn luận sôi nổi. Song cuộc khởi sắc này chẳng tồn tại được lâu. Sau khi các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng và một số nước sụp đổ, một không khí hoảng hốt xâm nhập cơ quan lảnh đạo. Kinh tế vẫn cố giữ thế mở cửa, tự do hóa, nhưng chính trị thì đóng lại. Lại lên gân, kiểm soát, răn đe, bắt bớ...
Sáng tác văn học cũng phải chịu chung số phận! Người ta từng hô hào cởi trói cho văn nghệ sĩ, cổ vũ họ tự cứu lấy mình, chớ uốn cong ngòi bút, thì nay người ta quay phắt lại, dạy bảo văn nghệ sĩ phải đi vào khuôn phép, đe nẹt họ phải biết điều. Nguồn sáng tác vừa khởi sắc bị bịt lại, im lìm, nhường chỗ cho sự tẻ nhạt, tầm thường và chờ đợi...
Tất cả những bông hoa đẹp, vẻ đẹp của những đóa hoa trên thân cây xương rồng đầy gai nhọn ấy đã nở rộ một thời, khi đổi mới vừa được đề xướng, và cũng nhanh chóng thưa thớt dần cho đến hết sạch sau khi lãnh đạo hoảng hốt lo sợ về một cuộc nổi dậy và sụp đổ nào đó như ỏ Đông Âu. Thế là từ đầu năm 1989 người ta lại hò hét: phải kỷ luật, phải vào khuôn phép. Trên thực tế chế độ kiểm duyệt đã được thiết lập trở lại, còn thắt chặt hơn xưa! Tháng 8. 1989, tôi viết một bài dự định đăng trên báo Nhân dân chủ nhật, nhưng nó cứ bị kẹt, nằm ngâm tôm hoài ở phòng thư ký vì tổng biên tập cứ khất lần mãi "Cho tôi xem thêm đã..." Đó là bài: Bệnh kiêu ngạo, có đoạn như sau:
"...-ở ta, sau toàn thắng, bệnh kiêu ngạo đã hòanh hành khá mạnh, khá lâu. Chiến thắng có khi đã làm cho người ta say sưa, hết tỉnh táo. Mọi việc trở thành dễ ợt, bất chắp quy luật của tự nhiên và xã hội.
Tệ kiêu ngạo làm toàn dân phải trả giá, cả xã hội cũng phải trả giá rất đắt. "
Sau đó tôi viết một bài về: "Chủ nghĩa đa nguyên và quan điểm đa nguyên về chính trị" cũng bị kiểm duyệt khéo, ghi bên cạnh là: "Để trao đổi thêm với anh Thành Tín". Thế là im luôn...
Ngày 16. 10. 1989, ngày khai mạc Đại hội lần thứ năm của những người làm báo, tôi vừa qua một cơn ốm rất nặng. Tôi viết một bài báo ngắn, chỉ hơn 300 chữ với đầu đề "Hội làng ta", có những đoạn: Hơn 6000 người viết báo đặt khá nhiều kỳ vọng ở đại hội. Và hàng triệu bạn đọc đang quan tâm. Đã hơn 2 năm đổi mới, báo chí đã có một sự thay đổi lớn, khác hẳn trước. Có thể gọi đó là sự khởi sắc về chức năng xã hội, về truyền đạt thông tín, về hiệu quả chính trị trong sự nghiệp dân chủ hóa, trong cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội, vì sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước. Đây chỉ là bước đầu theo định hướng còn mới mẻ: xây dựng nền báo chí hiện đại, có hiệu quả xã hội cao. So vởi chức năng lịch sử, khả năng vốn có, đáng lẽ báo chí ta còn có thể làm nhiều hơn, tốt hơn. Cần nói thẳng: tâm huyết và bản lĩnh trong làng báo còn thấp, dưới tầm trách nhiệm trước nhân dân và đất nước. Vẫn còn không ít những bài báo tẻ nhạt, vô bổ hoặc nặng về hiếu hỷ, hoặc mờ nhạt thông tin, thiếu sinh khí của thực tiễn, không gợi mở trí tuệ và tâm hồn bạn đọc, làm lãng phí giấy mực, công in và thời gian xã hội.
Cần duyệt lại đội ngũ. Cần tinh không cần nhiều. Tổ chức các tòa soạn nên theo đội ngũ chiến thuật, theo vấn đề, chủ đề và thể tài trong từng thời kỳ, hơn là theo cơ quan hành chính kiểu quan chức.
Nội bộ các nhà báo cần đối xử bình đẳng. Bài báo là một sản phẩm đơn chiếc, mang dấu ấn của cá nhân về vốn sống, trí thức, tâm huyết, sự rèn luyện của tác giả. Nó cần được đánh giá theo giá trị khách quan và hiệu quả xã hội sau đó, tránh đánh giá theo chức vụ, tuổi nghề, bậc lương kiểu quan chức.
Khí phách của người làm báo trước sự thật là thước đo phẩm chất công dân. Dù hiểm nguy đến tính mạng, trước sự hấp dẫn của "cây" của "chỉ", của bổng lộc, lên lương và ghế ngồi, ở chiếu trên hay chiếu dưới trong sân đình làng báo, người viết báo chân chính coi khinh tất cả. Chỉ có lương tâm nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm trước xã hội luôn như tờ giấy trắng trinh bạch trước mắt mình...
Đó là những suy nghĩ cháy bỏng, những mong ưỡc sâu xa của tôi khi suy nghĩ về nghề làm báo, về cây bút nhẹ tênh mà nặng chĩu trong tay.