V-Nhìn nhận

Một hòn núi cao phải đứng cách xa một quãng mới nhìn rõ hình thù, dáng vẻ của nó trong cảnh sắc chung quanh. Những sự kiện, những nhân vật đã qua cũng cần một khoảng cách kiểm nghiệm của thời gian để nhìn cho đúng với giá trị thật.
Chủ nghĩa xã hội về lý thuyết và hiện thực cần được đánh giá ra sao? Mác, Lê Nin, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê-Nin cần được đánh giá đứng đắn ra sao? Staline là con người thế nào, có công hay là có tội đối với đất nước Liên Xô và các nước khác? Chủ tịch Hồ Chí Minh có thật vĩ đại và sáng suốt? Lịch sử đất nước Việt Nam ta cần được viết như thế nào cho đứng đắn, khách quan và khoa học? Trong lịch sử ấy, biết bao phong trào, nhân vật cần được đánh giá đầy đủ, không bị định kiến, không thiên vị.
Đây là một việc hệ trọng của nhiều nhà sử học, nhà chính trị và lý luận, nhà tư liệu và thống kê. Tất cả những nhân vật đương thời thường bị đánh giá sai lệch do nhu cầu chính trị từng lúc, người thì được thổi phồng lên, thêu dệt thêm, người bị thu hẹp lại, tô vẽ cho xấu xí thêm...Con cháu ta hiện nay rất băn khoăn, không hiểu những nhân vật lịch sử hiện thời tốt xấu, công tội ra sao...Tôi chỉ xin nói lên vài ý kiến thô thiển của mình, cố gắng có một cách nhìn khách quan và công bằng, tránh chủ quan và thiên lệch.
Về Các Mác và Lê Nin, tôi thấy đó là những nhà học gia uyên bác, những nhà lý luận và tư tưởng có tầm cỡ. Trong 4 năm, từ năm 1958 đến 1962 tôi là giáo viên lý luận chính trị của quân khu 4, phụ trách việc nghiên cứu và giảng dạy chính trị cho cán bộ trung cấp và cao cấp trong toàn quân khu, bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình và Vĩnh Linh, trong đó có hai sư đoàn (sư đoàn 324 và sư đoàn 325), cùng với một lữ đoàn ở giới tuyến. Học viên bao gồm từ thiếu tưóng tư lệnh Quân khu, thiếu tướng chính ủy Quân khu, hàng chục đại tá, thượng tá và gần một trăm trung tá, thiếu tá, chung với hơn ba trăm đại úy và trung úy. Đó là những bài cơ bản về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Tôi đã để hàng mấy năm đọc những tác phẩm của Mác, Ăng ghen, Lê Nin, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh...từ những nguyên bản hoặc bản dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, chữ Hán và tiếng Nga. Đó là những buổi học tại chức. Mỗi bài rải ra làm 2 tháng, có lên lớp giới thiệu nội dung, nghiên cứu tài liệu tại chức (mỗi tuần hai buổi sáng và hai buổi tối), có thảo luận tổ (hai buổi) và giải đáp (thường là một buổi sáng), do bộ phận chỉ đạo việc học tập lý luận của Tổng cục chính trị trong quân đội nhân dân thuộc cục Tuyên Huấn xếp đặt chương trình rất chặt chẽ. Cả Quân khu có 3 giáo viên lý luận, tôi là phụ trách chính. Đó là thời kỳ tương đối hòa bình, việc chiến đấu ở miền Nam chỉ mới khởi đầu. Theo tôi, những công trình nghiên cứu và tìm tòi của Các Mác và Ăng ghen là quan trọng, phong phú, nhất là việc phân tích và mổ xẻ chủ nghĩa tư bản ở thời khởi thủy và ở dạng thức tiêu biểu, nguyên mẫu. Việc khám phá ra lao động cũng là một loại hàng hóa, ra giá trị thặng dư là rất có giá trị. Việc xây dựng nên biện chứng pháp duy vật cũng là một bước sáng tạo lớn, tạo nên một nền tảng cho phương pháp tư duy khoa học. Thế nhưng không thể coi chủ nghĩa Mác là sự phát triển đến tột cùng rồi của trí tuệ, cùng không thể coi đó là giá trị duy nhất của trí tuệ. Mác và Âng-ghen lúc sinh thời không hề có ý định coi mình là những nhà sáng tạo nên một học thuyết, một chủ nghĩa tuyệt đỉnh, các vị chỉ có ý muốn đóng góp phần của mình vào trong kho tàng trí thức chung, cùng với vô vàn phát kiến có giá trị khác. Đấu tranh giai cấp và chuyên chính giai cấp là những nguyên lý quan trọng nếu bật động lực của phát triển xã hội và bản chất của chính quyền trong xã hội, cần vận dụng những nguyên lý ấy và nhiều nguyên lý khác để tím hiểu và lý giải các hiện tượng xã hội. Cái sai là có người đã tuyệt đối hóa những nguyên lý ấy, coi đó là những nguyên lý duy nhất tồn tại và lại còn vận dụng một cách máy móc, giản đơn theo kiểu giáo điều và thô sơ, do đó chuốc lấy thất bại tất nhiên...Cần nhận rõ tính chất hạn chế của những điều kiện lịch sử nhất định. Mác sinh ra năm 1818 và mất năm 1883, khi khoa học và kỹ thuật còn chưa phát triển như vũ bão trong thời đại ngày nay, khi các chế độ xã hội và chính trị chưa có nhiều hình vẽ phong phú như hiện nay, mang nhiều tính đặc thù (các đảng phái chính trị với những mầu sắc, khuynh hướng khác nhau đại diện cho những thế lực chính trị, kinh tế, tài chính, tôn giáo, xã hội, dân tộc, văn hóa nhiều vẻ khác nhau) như hiện nay. thời của Mác và Ăng ghen, chủ nghiã tư bản chưa phát triển đến mức cao. Mối quan hệ quốc tế của nó chưa phát triển đến độ sâu sắc trên quy mô toàn cầu. Sự tận dụng khoa học kỹ thuật cũng chưa đến mức độ cao và những biện pháp thích ứng với tình hình, để điều chỉnh đường đi nuớc bước của nó cũng chưa đạt đến mức có hiệu lực như ngày nay...Công nhân thời ấy mỗi ngày phải làm việc từ 12 đến 16 giờ, còn ngày nay đã giành quyền làm 8 giờ, hoặc 7 giờ rưỡi và quyền nghĩ 1 đến 2 ngày một tuần. Xưa tiền lương của công nhân là tiền lương đói khổ, nay ở Pháp lương tối thiểu cho một công nhân làm việc cho nhà nước hoặc tư nhân được ấn định là 5300 quan. Có cả một lọat luật pháp và quy định mang tính chất luật nhằm bảo vệ quyền lợi mọi mặt của người lao động. Mác và Ăng ghen chỉ mới thấy sự áp dụng của máy hơi nước và máy nổ, chưa chứng kiến sức mạnh của lò phản ứng nguyên tử, những kỳ công trong chinh phục vũ trụ, những bước tiến lớn lao của cuộc cách mạng thông tin viễn thông, trong sinh học, trong vật liệu mới, sự xuất hiện đủ loại máy tính điện tử cực lớn với những nét đặc trưng của nền văn minh tin học ngày nay. Nếu Mác và Ăng ghen còn sống ắt các vị sẽ bổ sung thêm nhiều nhận thức và nhận định mới mẻ, cập nhật, phát triển và điều chỉnh những tư duy lý luận của mình cho phù hợp với thực tiễn mới.
Coi chủ nghĩa Mác là chân lý tuyệt đới, chết cứng và bất biến, vận dụng nó một cách máy móc là trái với tinh thần khoa học, trái với chỉnh tư duy biện chứng của Mác.
Lê-Nin và chủ nghĩa Lê-Nin có vị trí to lởn trong cuộc cách mạng tháng Mười ở nước Nga. Lê-Nin là nhà lý luận và là nhà hoạt động thực tiễn. Tôi cho rằng nghiên cứu một số kinh nghiệm của Lê-Nin là cần thiết, nhưng dựng nên chủ nghĩa Lê-nin là không thể được vì làm vậy dễ rơi vào bệnh giáo điều và bệnh kinh viện nguy hiểm. Tất cả chỉ nên coi là gợi ý của người đi trước, là những công cụ của nhận thức để sử dụng và tham khảo. Luận điểm chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng vô sản và là giai đoạn tột cùng, giai đoạn rẫy chết của chủ nghĩa tư bản cần được xem xét lại trọng những điều kiện mới, những điều kiện chưa có khi Lê-Nin còn sống. Không có một nhà tiên tri thông thái nào có thể chỉ ra con đường và biện pháp phải theo, cho gần 100 năm (như Lê-Nin) hoặc hơn 100 năm (như Mác) về sau cả. Chỉ có thế hệ đương thời với tất cả trí tuệ của chính thế hệ mình mới có thể tìm ra con đưòng phải đi để xây dựng xã hội mới cho đất nước và tham gia xây dựng thế giới mới ngày càng tốt đẹp hơn. Thế hệ đương thời cần đem kinh nghiệm của người đi trước, cần tôn trọng những giá trị lý luận và nhận thức của tiền nhân, nhưng không thể mù quáng và nô lệ mất sáng tạo để trở thành bất lực đi đến mất tự tin.
Vị trí và vai trò của Staline đối với nước Nga, đối với Liên bang Xô viết và đối với thế giới đã và đang được đánh giá lại một cách đầy đủ. Tháng 7 năm 1990, ban Tư tưởng và Văn hóa của đảng cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị cấm các báo, đài truyền hình đề cập dến Staline. Tôi cho rằng đây là một sự cấm đoán sai lầm. Trong khi báo chí Liên Xô đưa ra liên tục những bài báo, tư liệu, sách, phim...về Staline thì việc tránh né, bịt tai, nhắm mắt lại ở Việt Nam là điều không bình thường. Tại sao người ta lại sợ sự thật đến thế? Đó là vì một thời gian dài, Việt Nam đã theo Liên Xô và Trung Quốc ca ngợi một chiều và quá đáng Staline. Sách báo phim ảnh tô vẽ nên một anh hùng kiệt xuất của nhân loại đã cứu loài người khỏi tai họa phát xít và tạo điều kiện cho hơn một chục nước ổ Châu Âu và Châu vùng dậy giành độc lập, trong đó có Việt Nam. Những câu thơ của Tố Hữu còn đó, từ hồi tháng 5. 1953:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười Yêu con, yêu nước, yêu nòi, Yêu bao nhiêu lại thương Người bấy nhiêu.
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có Người mới có ít nhiều vui tươi,
Ngày xưa đói rách tơi bời,
Có Người mới có được nồi cơm no...
Các thầy cô giáo dạy văn đã được bồi dưỡng đặc biệt để giảng cho các em học sinh rẳng ông Staline đã mang lại cơm, áo và nụ cười cho các em! Thời đó tôi cũng xót xa, khóc thương Staline với tất cả tấm lòng thành thật của mình. Staline đã được đánh giá lại từ Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Liên Xô nhất là qua tập báo cáo mật của Krouchev. Gần đây trong thời kỳ Perestroika, nhiều điều có thật về Staline lại được đưa ra trên báo chí Liên Xô. Từ những vụ án Hồng quân Liên Xô trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, vụ thủ tiêu hàng ngàn sĩ quan Ba Lan ở một khu rừng biên giới đến các vụ ám sát Kirov, Trosky, vụ tàn sát Koulak (thực chất là tầng lớp trung nông rất giỏi nghề nông) làm cho sức sản xuất xã hội bị hủy hoại, tai hại cho nên nông nghiệp Liên Xô, tác hại kéo dài đến tận ngày nay, ngoài ra là hàng trăm cuộc thanh trừng nội bộ khác. Đó còn là căn bệnh mệnh lệnh, độc đoán, đàn áp mọi ỷ kiến khác biệt, trả thù một cách tàn bạo và diệt những người không ăn cánh với mình. Không thể lấy công là đã chỉ huy kiên quyết và tài giỏi cuộc chiến tranh chống phát xít (ngay cái công này cũng đã được thổi phồng lên quá đáng) để che lấp biết bao tội ác liên quan đến hàng chục triệu gia đình lương thiện. Trách nhiệm nặng nề hơn nữa của Staline là đã dắt dẫn dân Liên Xô vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách quan liêu, nóng vội và độc đoán, dẫn đến sự đổ vở bi thảm gần đây. Tai họa này còn đè nặng lên một số nước châu Âu, châu, châu Phi, châu Mỹ trong đó có Việt Nam đã nôi theo Liên Xô để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng các đảng cộng sản theo mô hình Staline. Đây là tấm bi kịch mang tầm vóc thời đại, kéo dài hơn nửa thế kỷ, tàn phá biết bao xã hội và con người! Thế mà ổ Việt Nam, người lãnh đạo lại chù trương nhắm mắt làm ngơ! Họ cho rằng lờ vấn đề Staline đi mới là "khôn", là sáng suốt, là giữ được ổn định! Lẽ ra họ phải nhanh nhậy rút ra bài học lịch sử, kiểm điểm kỹ đã bị Staline ảnh hưởng ra sao, dẫn đến hậu quả thế nào để tạ tội với nhân dân và bắt tay sữa chữa sai lầm thật sòng phẳng, ngay thật. Họ không thể và không dám làm như thế. Họ sợ sự phẫn nộ của nhân dân và hơn nữa còn muốn giữ một số cung cách cầm quyền của Staline, như luôn thổi phồng nguy cơ từ bên ngoài của chủ nghĩa đế quốc cấu kết với phản động quốc tế và phản động trong nước hòng lật đổ chính quyền. Họ kết tội những người ngay thật có ý kiến trái với mình là phản động, là phản bội, là bị đế quốc mua chuộc, là tay sai của CIA..., như chính họ đang đối xử với một số người và bản thân tôi hiện nay vậy...
Về ông Hồ Chí Minh, tôi dùng chử "ông" có hơi lạ với một số người, vì ở Việt Nam ai cũng quen gọi là Bác Hồ, Bác Hồ Chí Minh, trong khi thường nói: ông Lê Lợi, ông Quang Trung. Dân chủ và bình đẳng giữa các nhân vật lịch sử tôi cũng xin gọi là ông Hồ. Bản thân tôi trước kia từng quý trọng ông Hồ, trước đây tôi cho ông là người hy sinh cho đất nước, bôn ba ở nước ngoài, bị tù tội, là người có công trong cuộc đấu tranh giành độc lập, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ông sống giản dị, liêm khiết. Ông có lòng nhân ái, quý mến trẻ em, cảm thông với phụ nữ, động lòng trước kẻ nghèo đói. Ông ghét thói hư danh, phô trương, hình thức. Ông Hồ và cha tôi đã kết bạn thân trong suốt thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp ổ chiến khu Việt Bắc, tình bạn dựa trên sự quý trọng nhau giữa một người cộng sản và một người không đảng phái. Tháng 9. 1945, sau cách mạng tháng Tám, ông Hồ gửi cho cha tôi bức thư ngắn, hiện gia đình tôi còn giữ, mời cha tôi tham gia công việc của đất nước, có câu: Tôi được biết, cụ là người có tài đức, rất mực thanh liêm, nên mời cụ ra chung sức, gánh vác việc nước...Thầy tôi từ chối, viện cớ tuổi cao (56 tuổi), sức yếu. Đến lần thứ ba nhận thư ông Hồ (tháng 10. 1945) sau khi có sự đồng ý của hai ông anh ruột: Bùi Bằng Phấn và Bùi Bằng Thuận đều là tuần phủ vừa về hưu, và sau khi trao đổi với gia đình, cha tôi nhận lời. Từ cuối năm 1946, cha tôi là Trưởng ban Thường trực quốc hội (như chức vụ Chủ tịch Quốc hội hiện nay) và thường thay mặt quốc hội dự các cuộc họp của chính phủ kháng chiến. Như tôi đã từng kể, ông Hồ và cha tôi đôi lúc đã cùng nhau họa thơ, kiểu thơ Đường. Bài "Tặng Bùi Công" của ông Hồ gửi cha tôi cuối năm 1948 là một trong những bài thơ hay nhất của ông, rất đẹp về hình ảnh, tôi còn nhớ như sau:
Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi...
dịch là:
Xem sách chim rừng ngoài cửa đậu
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ bạn thơ xuân tặng một bài
Cha tôi họa lại như sau:
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tư công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi
dịch là:
Một lòng sắt đá phò nòi giống
Vạn dặm giang sơn giữ thành trì
Chăm lo việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù
Lúc đó, tôi quý trọng ông Hồ, vì tôi vào bộ đội ở Chi đoàn Quang Trung, trung đội tôi làm nhiệm vụ cảnh gác ở Bắc Bộ Phủ nơi ông Hồ làm việc, và tôi đứng gác ổ cổng lớn với khẩu súng các-bin Mỹ trong hơn một tuần. Chính ông Hồ có ý kiến cử tôi theo học lớp Quân Chính đầu tiên ở Hà Nội và sau đó tôi tham gia đoàn cán bộ Nam Tiến 72 ngưòi được chọn từ lớp học Quân Chính Đỗ Hữu Vy này. Khi làm báo tôi đã nhiều lần dự các cuộc gặp gỡ, tiếp khách quốc tế, tiếp các nhà báo Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước khác của ông Hồ. Các buổi tiếp thân tình, cởi mở, tự nhiên, không chút khách khí. Ông nhậy cảm, tinh tế trong quan hệ ứng xử, với mọi người, tùy theo tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính. Tôi hoàn toàn không cho rằng ông Hồ khéo đóng kịch, phải công nhận đó là cách ứng xử có văn hóa, có tình cảm thật ở một con người "rất người", lại lịch lãm.
Ông cũng "rất người" ở chổ không thể hoàn thiện như một ông thánh. Đây là điều gần đây tôi hay suy nghĩ về ông. Tôi rất thích thú được nhà sử gia Pháp D. Hemery cho biết ông Hồ đã có thể hai lần có vợ. Đó là cô đảng viên đảng Xã hội Marie Brière ở Paris (vào cuối những năm 1920) và cô nữ hộ sinh Tăng Tuyết Minh ỏ Quảng Châu Trung Quốc tháng 10 năm 1928.
Một con người tinh tế, giầu cảm xúc, rất "con người" ắt phải có những mối tình đẹp, có thể hồn nhiên và xúc động. Có người lẩm cẩm lại khen Cụ Hồ sống cao thượng, vì suốt đời không vướng nợ yêu đương, không mảy may nghĩ đến vợ con, đến hưởng lạc thú gia đình..., sống như một ông thánh vậy.
Nhiều người phê phán rất nặng ông Hồ về chính sách đối với công chức cũ sau khi miền Bắc được giải phóng, về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, về những oan trái trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm...
Theo tôi hồi ấy đã có chính sách lưu dung (giữ nguyên lương cho công chức cũ), một chính sách thỏa đáng, từng gây xôn xao do ý thức ganh tỵ của anh chị em cán bộ tham gia kháng chiến, đã có những lớp cải tạo chị em làm nghề mãi dâm, đào tạo tay nghề rất có kết quả nhưng chính sách lưu dung chỉ tồn tại trong 2 năm 1954-1955...Tôi được biết ông Hồ rất nghiêm túc trong việc đối xử với tù binh người Việt, người Pháp (cũng như các quốc tịch khác trong các đơn vị lê dương), cấm dùng chửi bới và đánh đập, cho họ ăn uống ngang với mức của bộ đội. Sai lầm cải cách ruộng đất làm chết hơn 10 nghìn người (bị bắn trước các tòa án nhân dân) là do áp dụng máy móc kinh nghiệm của Trung Quốc, do các cố vấn Trung Quốc trực tiếp áp đặt, do ý thức sùng bái Trung Quốc rất phổ biến lúc bấy giờ, bởi thái độ mù quáng, tự ti mà theo tôi ông Hồ cũng phạm phải. Cũng phải nói rằng cuộc cải cách ấy, từ đợt hai sang đợt ba thì phát hiện ra sai lầm. Khi thấy sai lầm thì đã có quyết tâm sửa, dù cho phía Trung Quốc còn rất ngoan cố và bảo thủ, nếu không tai họa còn mở rộng hơn nhiều nữa! Các ông Trường Chinh mất chức Tổng bí thư, các ông Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương mất chức ủy viên thường vụ trung ương và chính ông Hồ đã tự phê bình về trách nhiệm của mình. Ông Hồ không trực tiếp chỉ đạo công cuộc cải cách ruộng đất, mà trong lãnh đạo đã có phân công: Ông Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo chung, ông Hoàng Quốc Việt trực tiếp chỉ đạo làm thử ở Thái Nguyên, ông Lê Văn Lương trực tiếp đảm nhận công tác chỉnh đốn tổ chức, ông Hồ Việt Thắng trực tiếp làm công tác thường trực...Theo tôi, bài học về sai lầm trong cải cách ruộng đất chưa được tổng kết nghiêm túc, triệt để. Còn về vụ Nhân Văn Giai Phẩm, thì lúc ấy không gây được dư luận gì lớn trong xã hội. Vì ý thức dân chủ và dân trí còn thấp, cả miền Bắc sống cô lập với thế giới bên ngoài, chỉ biết có Liên Xô và Trung Quốc, hai "thiên đường" tuyệt vời (ngày nay của Liên Xô và Trumg Quốc là ngày mai của Việt Nam!). Dân trong cả huyện cơm đùm, cơm gói đi xem phim Bạch Mao Nữ của Trung Quốc và xem phim một nông trường của Liên Xô dể rồi ca ngợi, bàn tán, "thu hoạch" về nhận thức và tình cảm cách mạng suồt cả nửa năm trời sau đó. Gương anh hùng của ở Thượng Cam lĩnh (Triều Tiên) là lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam. Một số văn nghệ sĩ Nhân Văn Giai Phẩm bị phê phán, toàn xã hội hùa theo ý kiến của lãnh đạo, vì thật tâm bị nhiễu loạn hơn là vì sợ sệt. Thêm nữa vấn đề cải tạo lao dộng lúc đó lại được cổ súy và đề cao! Cán bộ các cơ quan náo nức đi đắp đê Mai Lâm, đào đắp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, mở mang các nông trường, nên các văn nghệ sĩ bị đi cải tạo lao động ở nông thôn (khuân vác giấy ở nhà máy in, chuyên chở các thùng sợi ở nhà máy dệt, đẩy xe gòng sắt thép ở nhà máy gang thép Thái Nguyên...)không làm chấn động dư luận. Gọi là vụ án nhưng không hề được nêu ngay trên báo chí. Một thời gian sau mới phê phán trên báo, nhưng theo kiểu trích dẫn để kết tội một cách vũ đoán. Lúc ấy thì không ai còn tìm ra được tờ Trăm Hoa và Nhân Văn để xét đoán. Tôi cố nhớ lại, hình dung lại tình hình lúc ấy là như thế. Tất cả bực dọc, căm giận đều đổ lên đầu "Mỹ-Ngụy" đã không chịu thực hiện Tổng tuyển cử như Hiệp định Geneve quy định, còn tố cộng, diệt cộng, gây nên những vụ thảm sát ở Vĩnh Trinh, Phú Lợi...Các cuộc tuần hành hừng hực khí thế diễn ra khắp nông thôn và thành thị, trước trụ sở các ủy ban quốc tế...Trong điều kiện như thế, ông Hồ cũng thuận theo những đối xử của các cơ quan tuyên huấn và an ninh của đảng và nhà nước. Đây là một thái độ thiếu trách nhiệm, hơn nữa, lúc ấy những nhà văn Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan đều nén phẩn uất phần nào khi được tin các văn nghệ sĩ cùng hội, cùng thuyền với mình ở Trung Quốc bị đội mũ lừa, giải đi trên đường phố để cho quần chúng đả đảo và nhỏ nước bọt, bị đưa ra xỉ vả, đấu tố trong các cuộc họp, bị đưa đi lao động khổ sai thật sự (14 giờ một ngày, xúc và gánh phân người và phân súc vật, ngủ trong chuồng bò) và bắt phải làm các cuộc phản tỉnh hàng chục đêm để thú tội và tự mạt sát mình. Theo quan điểm của tôi hiện nay, sự xâm phạm vào quyền con người dù nặng hay nhẹ đều là tội lỗi. Không thể viện cớ là tôi chưa ác độc bằng những nhà cầm quyền Trung Quốc thời ấy, hay hãy xem bọn Pôn Pốt tàn sát con người và hủy hoại xã hội ra sao để cho rằng mình xử sự như thế là nhân đạo chán rồi, có gì phải nhận tội...Ông Hồ đã quá tập trung vào công việc chỉ đạo đấu tranh ở miền Nam mà quá coi nhẹ những vấn đề trong văn học, nghệ thuật và để mặc cho người phụ trách làm sai mà không can thiệp? Hay ông có trực tiếp can dự vào những chủ trương ấy? Đây còn là một câu hỏi khó phân xử rành mạch cho thấu tình, đạt lý.
Sau này, những vụ chống "xét lại", những vụ án "phản động về chính trị" cũng làm theo kiểu bưng bít. Không có xét xử, không đưa tin trên báo, trên đài, chỉ thông báo nội bộ trong đảng, đến cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn (cơ quan an ninh, bảo vệ nội bộ đảng, bảo vệ quân đội) tự tiến hành, không qua thủ tục pháp lý...Tâm lý xã hội của tuyệt đại đã số người dân lúc ắy là phó thác mọi việc cho đảng và nhà nước, chị ít ra không tán thành thì cũng không có ý kiến, thế thôi. Tâm lý xuôi chiều và a-dua hồi ấy rất nặng. Ngay những người trong cuộc, cùng gia đình, bè bạn có khi cũng để xuôi tay, chẳng có phản kháng hay phản ứng gì quyết liệt, vì tự nghĩ làm gì cũng vô ích chỉ tổ phức tạp và tai hại thêm hay là chẳng phải đầu lại phải tai...Là người lãnh đạo cao nhất, tất nhiên ông Hồ chịu trách nhiệm về những oan trái đã xây ra. Qua lời kể lại của những người ở gần ông Hồ từ những năm 1964, 1965 sức khỏe ông Hồ suy giảm rõ, mọi việc hàng ngày do Tổng bí thư Lê Duẩn và Ban bí thư giải quyết, ít khi xin ý kiến ông Hồ. Họ viện cớ rằng "khỏi làm Bác bận tâm, khỏi làm phiền lòng lãnh tụ tối cao..."
Theo tôi, ông Hồ có ý thức độc lập khá rõ đối với Liên Xô và Trung Quốc. Cả hai nước này đều không muốn và không tin Việt Nam thắng được Mỹ bằng biện pháp quân sự. Liên Xô thì muốn giữ vững đường lối chung sống hòa bình, Trung Quốc thì khuyên cứ chiến đấu trong khuôn khổ chiến tranh du kích, chỉ nên dùng đơn vị đến cấp tiểu đoàn, nếu dùng quá cỡ đó sẽ dễ bị tiêu diệt bởi hỏa lực và phi pháo của Mỹ...Cố gắng vận động để nhận được nhiều vũ khí hiện đại của hai nứơc lớn Liên Xô và Trung Quốc, nhưng tự giải quyết lấy bầng chiến đấu kết hợp với đàm phán, đó là nét chính trọng chủ trương của ông Hồ và ban lãnh đạo Đảng trong chiến tranh. Tuy nhiên chính trong ưu điểm này, ông Hồ vẫn để lộ nhược điểm khi ông viết khá nhiều bài báo ca ngợi những bước nhẩy vọt cuả Trung Quốc (sau được in lại trong tập sách ký tên Trần Lực, một bút danh của ông Hồ). Những kinh nghiệm mang dấu ấu trĩ tả khuynh: "bước nhảy vọt kỳ diệu", sản xuất "nhiều nhanh, tốt, rẻ" (dịch của bốn chữ: "đa, khoái, hảo, tỉnh") Ông ca ngợi tài năng kiệt xuất của "Mao chủ tịch vĩ đại, việc xây dựng công xã nhân dân rồi nấu gang thép ở mỗi hộ nhân dân...cũng được ông Hồ phổ biến và giới thiệu một cách nhiệt tình, theo lối viết phổ cập. Chính ở những chỗ đó, ông Hồ Chí Minh không còn Chí Minh (rất sáng suốt). Tôi còn nhớ hồi nâm 1950 ông Hồ cũng viết bài lên án thậm tệ Titô, coi đó là tên trùm xét lại, kẻ phản bội, theo nhận định của Liên Xô,, ở ông, tư duy tỉnh táo, độc lập về chính trị đã tỏ ra không nhất quán.
Mặt khác, theo tôi, ông Hồ cũng không tỉnh táo khi viết hai cuốn sách kể chuyện về cuộc đời của chính mình. Đó là cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" ký tên Trần Dân Tiên và cuốn "Vừa đi đường vừa kể chuyện" ký tên T. Lan, trong đó có nhiều đoạn tự khen mình với những lời ca ngợi cao đẹp nhất. Tất nhiên tấm lòng cảm phục của nhân dân đối với "Bác Hồ" là vô cùng sâu sắc, ông có thể coi đó là sự thật hiển nhiên rồi, nói lên chỉ là phản ánh sự thật, thế nhưng tự mình viết ra để tự khen mình thì có điều gì đó không đẹp, không hay và có thể nói là đã vô tình tự hạ thấp mình vậy.
Tôi xin trích một câu của Trần Dân Tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩa là của một người viết về chính mình:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình".
(trang 7 cuốn sách trên. Nhà xuất bản Sự Thật-in lần thứ 2. 1976) vậy đây là ai đang nhắc lại thân thế của ai?
"Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta, với đạo đức khiệm tốn nhường ấy và đang lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của Người được!" (trang 9-sđd.)
"Chúng ta còn những người yêu nước anh dũng và vĩ đại khác.
Chúng ta có Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và những người khác nữa. Nhưng chỉ có Hồ Chủ Tịch của chúng ta hoàn thành sự nghiệp mà các tiền bối chưa hoàn thành..."-(trang 146. sđd)
"Nhân dân gọi Hồ Chủ Tịch là Cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ Tịch là người con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam...(trang 149-sđd). Theo tôi có điều gì thật không ổn khi người viễt tự nói về mình như vậy...Ngay cả nhiều lúc ông Hồ tự xưng là Bác với nhân dân cũng có gì đó không ổn-xưng Bác với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thì có thể được-Những khi nói chuyện với nhân dân nói chung mà tự xưng là Bác là không nên, vì trong nhân dân có cả những cụ già còn lớn tuổi hơn. Năm 1945, ông Hồ mới 55 tuổi mà đã tự nhận là "cha già dân tộc"!
Năm 1989, nhân dịp 20 năm ngày mất của ông Hồ Chí Minh, ông Vũ Kỳ, nguyên thư ký của ông Hồ Chí Minh đã cùng tôi bàn nhau phải đưa toàn bô Di Chúc ra ánh sáng. Không thể mập mờ mãi được. Không thể quịt của người nông dân một năm thuế.
Ông Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ tháng 5. 1965, sau đó cứ vào tháng 5 hàng năm lại viết lại, viết thêm. Cho nên có tới bốn bản Di chúc bổ sung cho nhau. Ông Vũ Kỳ kể chuyện là ngày 2. 9. 1969, sau khi ông Hồ Chí Minh mất, vào buổi tối ông Phạm Văn Đồng đến nơi đặt thi hài ông Hồ. Ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn đựng cả bốn bản Di Chúc. Ông Phạm Văn Đồng đưa cả hai tay ra ngăn lại: "Không, tôi không nhận. Đây là chuyện hệ trọng, để sáng mai, có đầy đủ Bộ Chính trị, đồng chí đưa ra. " Sáng 3. 9. 1969, có đầy đủ Bộ Chính trị, ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn ấy. Ông Lê Duẩn liền cầm lấy rồi gọi ông Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân vào phòng nhỏ bên cạnh. Ông Duẩn tự quyết định chỉ đưa ra một bản, cắt bỏ, sửa chữa vài chỗ rồi giao cho ông Hoàng Tùng công bố. Tất cả các bản còn lại ông Duẩn giao cho ông Trần Quốc Hoàn giữ như văn kiện tuyệt đối bí mật. Cho đến khi ông Trần Quốc Hoàn thôi chức Bộ trưởng Bộ Công An và chức ủy viên Bộ Chính trị (tháng 3. 1982), ông Vú Kỳ không tài nào lấy lại được tập Di Chúc ấy. Chỉ đến khi ông Trần Quốc Hoàn ốm nặng, ông Vũ Kỳ mới moi được bí mật qua lời hấp hối của ông Trần Quốc Hoàn: "...trong két sắt đặt ở nhà riêng, ngăn thứ hai, tầng dưới cùng. " Thế là cả tập nguyên bản di chúc được tìm thấy.
Tháng 5. 1989, tôi bàn với ông Vũ Kỳ, đặt ông viết một bài báo đặc biệt kể chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di Chúc như thế nào, đăng trên tuần báo Nhân Dân chủ nhật do tôi trực tiếp biên tập. Phản ứng của lãnh đạo rất mạnh. Một số žy viên Bộ Chính trị đã lên án hai chúng tôi là làm một việc tầy trời, dám công bố văn kiện quan trọng bậc nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh mà chưa được phép của Bộ Chính trị. Trước những cặp mắt nghiêm nghị cuả bốn žy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thanh Bình, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Tâm, Đổng Sĩ Nguyên và trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa Trần Trọng Tân, ông Vũ Kỳ rất điềm tĩnh. Ông trả lời: "Tôi đâu có công bố Di chúc, tôi chỉ viết theo yêu cầu của anh Thành Tín ở baó Nhân Dân. Nhân dây tôi cũng xin báo cáo suốt hai mươi năm nay tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cho đến khi nào toàn bộ Di Chúc của Bác đến được với nhân dân. "
Sau đó Bộ Chính trị phải họp hai lần để bàn riêng về việc này và cuối cùng phải đưa ra Quốc hội bàn về việc công bố toàn bộ các bản Di Chúc đồng thời quyết định giảm thuế nông nghiệp trong hai năm, mỗi năm 50%. Ông Vũ Kỳ và tôi rất mừng, cùng nhau cụng một cốc bia, nghĩ rằng thế là bà con nông dân ta bị hy sinh nhiều nhất về người và của trong chiến tranh cũng đỡ khổ được đôi chút.
Riêng về việc xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều trí thức, cán bộ và đồng bào cho rằng không nên làm điều trái ngược với nguyện vọng thiêng liêng của người sắp từ giã cõi đời, nhất là khi nguyện vọng ấy lại cao đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu không nên phúng viếng linh đình, tốn kém, mong thi hài mình được hỏa thiêu, vậy mà nguyện vọng ấy không được thực hiện. Thi hài ông không được nhập vào đất đai của quê hương, vẫn nằm trong một chiếc lăng đồ sộ mà lạnh lẽo, tốn kém biết bao nhiêu vật liệu và công sức của nhân dân...
Nhìn tổng quát lại hiện nay, tôi cho rằng ông Hồ Chí Minh khởi đầu là một người yêu nước. Ông theo quốc tế cộng sản với ý nghĩ rằng đó là con đường đúng đắn để giành lại độc lập dân tộc. Thế nhưng càng về sau ông càng bị chủ nghĩa cộng sản "chinh phục", dẫn đến thái độ sùng bái kinh nghiệm Liên Xô và Trung Quốc, áp dụng một cách máy móc chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, dẫn đến chế độ độc đảng, độc đóan, đi ngược lại trào lưu dân chủ của thời đại. Do đề cao nguyên lý đảng cộng sản lãnh đạo thường xuyên, toàn diện và tuyệt đối nên pháp luật bị coi rất nhẹ, đảng trùm lên bộ maý nhà nước, quyền công dân bị vi phạm rất nặng nề. Ông cũng chưa thoát khỏi ý thức hệ phong kiến, nên chế độ ở miền Bắc mang tính chất bảo thủ, trì trệ, theo một kiểu quan liêu mang tính chất đẳng cấp nặng nề.
Cùng với người lãnh đạo khác của đảng cộng sản, ông Hồ Chí Minh chịu phần trách nhiệm không nhỏ đối với tình hình đất nước ta trong mấy chục năm qua, dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay, với biết bao thảm họa và bất hạnh cho các tầng lớp nhân dân. Lịch sử rất công bằng. Thế hệ hiện nay và mai sau sẽ còn đánh giá ông Hồ một cách đầy đủ hơn nữa. Dưới sự lãnh đạo của ông và đảng cộng sản, nền độc lập đã phải trả giá quá đắt về sinh mạng, tài sản và thời gian. Và sau đó, chủ nghĩa xã hội trên thực tế là một chế độ nghèo khổ, bất công và phi lý cần phải gạt bỏ dứt khoát.
Ông Hồ Chí Minh là người cộng sản đóng vai trò chủ yếu đưa chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lenine đồng thời cũng đưa chủ nghĩa Staline chủ nghĩa Mao Trạch Đông vào Việt Nam. Ông cũng đóng vai trò chủ yếu trong chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở miền Bắc (sau 1954) với tất cả những sai lầm duy ý chí, nôn nóng, giáo điều và tệ quan liêu, bao cấp, được thực hiện trong cả nước từ năm 1975. Có thể là ông có thiện chí, có ý định tốt? Nhưng ý định tốt không đủ. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam cũng như ở các nước khác lâm vào khủng hoảng trầm trọng, không tìm ra được sức sống, ngược lại với mục tiêu và lý luận sách vở của nó. Nếu còn sống, tất nhiên ông Hồ cũng phải xem xét lại tất cả từ ngọn nguồn, tận gốc. Cho nên Đại Hội 7 Đảng Cộng sản nhắc đi nhắc lại rằng "Con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là duy nhất đứng đắn vì đã do Bác Hồ lựa chọn" là nói lấy được, là áp đặt, không có lý và hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Có một anh bạn khi trao đổi ý kiến với tôi nhận xét rằng:
Lúc khởi đầu ông Hồ đã coi tranh đấu giành độc lập cho đất nước là mục tiêu, sự ủng hộ của đế tam quốc tế của các đảng cộng sản là biện pháp. Về sau ông lại coi muc đích là chủ nghĩa cộng sản, sai lầm là ở đó. Đây là một vấn đề cần bàn luận thêm cho kỹ lưỡng. Đã có nhiều bài viết nhận định: ông Hồ là người yêu nước hay người cộng sản? hay cả hai? mỗi phần là bao nhiêu? Theo tôi, chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội không sai, mà sai ở chỗ chủ nghĩa xã hội nào? Đường đi nước bước sao cho thích hợp? Vì nếu quan niệm chủ nghĩa xã hội thật sự là một nền dân chủ cao, có công bằng xã hội, quyền tự quản của người lao động thật sự được đảm bảo, năng xuất lao động ngày càng cao, sản phẩm làm ra ngày càng dồi dào, được phân phối hợp lý, và có đủ biện pháp để thực hiện đúng như vậy thì tốt qúa chứ! Trên thực tế chủ nghĩa xã hội ở trong tất cả các nước không thực hiện được như thế, lại làm trái hẳn với những mục tiêu cao quý ấy, nên bị phá sản là lẽ đương nhiên.
Còn những ông Lê Duẩn, Trường Chính, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ...ra sao? Đánh giá cho đầy đủ và chính xác một con người thật là khó. Tôi đã được tiếp xúc khá nhiều với các ông trên đây, trong một thời gian dài. Tháng 2. 1983, ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam, quyết định cử ông Thép Mới và tôi làm công việc viết hồi ký cho ông Lê Duẩn. Công việc dự định trong vài năm. Trước hết là nghe ông Lê Duẩn tự kể, sau đó cùng nhau bàn về nội dung, dàn bài, rồi phân công về lại những nơi ông từng hoạt động lấy thêm tư liệu tại chỗ để viết được phong phú và sinh động. Chúng tôi mới làm được 4 buổi ở nhà nghỉ Quảng Bá, nghe ông Lê Duẩn kể. Về sau bị ngừng lại do nhiều công việc khác cuốn hút, vì không ai chuyên làm công việc này cả. Mùa hè năm 1985, tôi lại được chỉ định tham gia ban viết hồi ký cho ông Trương Chinh bao gồm các ông: Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Nguyễn Văn Phùng...Công việc đang triển khai thì ông Trương Chinh mất. Tôi từng nhiều lần đi theo đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị quân đội, các địa phương và một số nước: Trung Quốc, Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hung ga ri...Tôi cũng làm việc gần ông Lê Đức Thọ, đặc biệt là trong thời gian chiến dịch Hồ Chí Minh đầu năm 1975, và từ đầu năm 1979 đến năm 1981 ở Cam pu chia, khi ông trực tiếp đảm nhận chỉ đạo việc giải phóng và giúp xây dựng Cam pu chia.
Nét chung của các ông là tận tụy cho mục tiêu và sự nghiệp cách mạng, rất tin tưởng và tự tin ở công việc minh làm, sống dản dị, có tấm lòng cởi mở thân tình với xung quanh. Các ông đều tiếp thu phong cách sống của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính từ những nét ưu điểm ấy mà có những nét dở, những nhược điểm lớn dẫn đến sai lầm. Vì quá tự tin và quá tin nên tinh thần phê phán rất yếu. Do niềm tin còn phần chủ quan, mù quáng nên thái độ hoài nghi rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học-quá yếu. Do đó tệ duy ý chí phát triển mạnh, nhất là sau toàn thắng. Khó nhất là đánh Mỹ mà đã đánh thắng thì không còn việc gì khó khăn nữa cả, dế ợt! ý thức dân chủ rất yếu, có lẽ vì các ông đều chưa sống qua một xã hội dân chủ, có ra nước ngoài thì phần lớn là các nước xã hội chủ nghĩa. Các ông lại thoát thái từ xã hội phong kiến và thuộc địa nên đi làm cách mạng mà tác phong quan liêu, quan dạng còn khá rõ. Do đó mà không khí gia đình, nể nang, gượng nhẹ với nhau, dĩ hòa vi quý rất nặng nề. Có một câu chuyện khá kỳ lạ mà có thật. Năm 1987, đoàn cán bộ của Ban Tổ chức chính quyền đi tham quan Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức để nghiên cứu về cách làm việc của bộ máy nhà nước và bộ maý đảng ở Moscou và Berlin. Khi trở về, đối chiếu với tình hình Việt Nam, thì té ra ở Hà Nội, tất cả các ủy viên bộ Chính trị đều không hề làm việc ở cơ quan của trung ương, mà mỗi vị đều làm việc tại gia!
Trụ sở của Trung ương đang đặt tại trường Albert Sarraut cũ. ở đó có phòng họp lớn của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Các vị ủy viên Bộ Chính trị đều làm việc tại nhà riêng, trên các đường phố khác nhau, thường cách xa nhau. Mỗi nhà thường là một biệt thự được sửa sang, mở rộng để có đủ chỗ ở cho gia đình, cho văn phòng, thư ký, lái xe và đơn vị bảo vệ. Văn phòng thường có từ 6, 7 đến mười, mười hai người. Có chánh văn phòng, phó văn phòng, thư ký hành chính, thư ký lo chương trình hoạt động, trợ lý về văn thư, báo chí, kinh tế, ngoại giao...lại có cả phòng viên chụp ảnh riêng. Ngoài ra còn tiếp phẩm (đi chợ mua bán), người nấucơm, người phục vụ cơm nước... tản mát nên chỉ khổ cho Chánh văn phòng trung ương đảng. Vì muốn xin ý kiến tập thể bộ Chính Trị, phải ghé đến lần lượt đủ 13 hay 14 ngôi nhà, ghi chép ý kiến đầy đủ, thông báo những ý kiến ấy, làm trung gian trao đi đổi lại, thật nhiêu khê, vất vả...Gần đây mới có chấn chỉnh để mỗi ủy viên bộ chính trị có một phòng làm việc ở gần nhau. Một cán bộ ở văn phòng Trung ương đảng đang than vãn với tôi: Có lẽ trên thế giới không có một đảng cầm quyền nào mà các ủy viên Bộ Chính trị lại chuyên làm việc tại gia và phân tán đến như thế này! Nó tồn tại tự lâu mà không ai nhận ra sự vô lý, cái tác phong thủ cựu quan liêu lại du kích, tản mạn và tùy tiện để sửa chữa cả!
Về ông Lê Duẩn, ông là một con người khá sắc sảo. Hồi kháng chiến chống Pháp ông được mệnh danh là ông "cent bougies" (trăm nến) nghĩa là hiểu biết, sáng suốt. Hồi đó với những ý kiến vận động trí thức, giải quyết vấn đề tôn giáo một cách kiên trì và khôn khéo, không tả khuynh, vội vã...được anh em cán bộ ở miền Nam rất chịu. Ông làm thư ký hỏa xa rồi đi hoạt động. Ông nắm những khái niệm lý luận, triết học, chính trị kinh tế học bằng tiếng Pháp, từ nhà tù Côn đảo, nhưng lại không giảng giải được bầng tiếng Pháp. Ông thường nhắc đến khái niệm ấy như: quantité và qualité, contradiction, transformation, Paupérisation relative và absolue, valeur marchande...Ông rất tự tin và suy nghĩ bằng tư duy của mình, có tinh thần độc lập và có sáng tạo. Ông sớm có ý định dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực đàn áp ở miền Nam sau Hiệp định Genève. Ông để xuất xây dựng gấp các quả đấm thép lớn (các quân đoàn như 1, 2, 3, 4 lần lượt được xây dựng những năm 1973, 1974) để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công lớn. Ông có nhận thức sắc sảo về thời cơ. Chiến dịch mùa xuân 1975 trước định nhằm mở ra một quá trình kết thúc cuộc chiến tranh trong hai năm, sau rút lại để kết thúc cuộc chiến tranh trong một năm, sau rút lại để kết thúc trong hai tháng, là do đề xuất của ông. Từ cuối tháng 12. 1974, ông đã có ý kiến bên cạnh kế hoạch được bàn bạc và quyết định, cần chuẩn bị thêm "kế hoạch thời cơ" để tận dụng điều kiện thuận lợi mới, kết thúc thật nhanh cuộc chiến tranh.
Trong quan hệ với cán bộ, ông ít có những cuộc chuyện trò chân tình, tâm giao, ông cũng ít quan tâm đến người khác. Có những nhà báo gặp ông nhiều lần, hỏi chuyện vài lần, nhưng sau đó gặp lại ông cũng không nhận ra. Trong chuyến đi thăm Ấn Độ năm 1985, ông chẳng để ý gì đến anh em phục vụ đi theo đoàn là những ai, làm gì, công việc ra sao, ông chỉ quan hệ với mấy ủy viên bộ chính trị và žy viên trung ương cùng đi, anh em chụp ảnh, quay phim, làm tin tức, bảo vệ, lãnh sự, an ninh...không hề được ông hỏi han đến, khác hẳn với tác phong ông Hồ Chí Minh và các vị khác. Cứ mỗi buổi sáng, ông chỉ ăn sáng với một trợ lý sắp xếp chương trình, với tôi để nghe tổng hợp tin tức trong đêm qua và chị Tôn nữ thị Ninh phiên dịch để trao đổi về nội dung sẽ làm việc trong ngày. Anh em cùng đi đều chung một nhận xét: ông ít quan tâm đến người phục vụ bên dưới.
Ông gần như không bao giờ tự viết mà chỉ nói, nhưng nói theo luồng suy nghĩ tức thời, giọng lại lắp bắp nên rất khó nghe. Đây là cảm tưởng chung của mọi người. Ai cũng cảm thấy mệt khi cố tìm hiểu xem ông định nói gì. Một kiểu nói không cần gì đến văn phạm cả!
ở ông, sự tự khẳng định mình có lúc đi đến chổ tự kiêu và chủ quan, ông vẫn nghĩ rằng chủ trương dùng bạo lực được đưa vào nghị quyết Trung ương lần thứ 15 hồi đầu năm 1960 là do ông đề xuất ra trong thời gian hoạt động ở miền Nam, sau Hiệp định Geneve, ông đã suy ngẫm về tình hình trong những tháng ở Rạch giá, U-minh, Cà Mâu, Bạc Liêu và về ở Chợ Lớn trong nhà một cơ sở để thảo ra bản đề cương cho cách mạng miền Nam. Những khái niệm đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh trong cả ba vùng chiến lược: nông thôn, thành thị, rừng núi, bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận, bằng ba thứ quân: chủ lực, địa phương và du kích...đã được hình thành từ đó. Ông đã tổng kết các cuộc đồng khới tự phát ở Trà Bồng, ớ Bác i (Nam trung bộ) và ở Mỏ Cầy (Bến tre) để phát triển quan niệm khởi nghĩa của quần chúng. Thật ra sau này, ông Trường Chinh cho biết và cũng theo Bản tổng kết lịch sử đảng, thì đã có sự trùng hợp ý kiến của ông Lê Duẩn với những ý kiến của những người khác. Ông Trường Chinh đã kể cho tôi hồi đầu năm 1985 rằng: "ý kiến anh Ba về bạo lực đấu tranh cách mạng không phải là ý kiến duy nhất, cũng không phải là ý kiến sớm nhất".
Tự kiêu và chủ quan rõ hơn là khi ông kể về bản thân mình và lại so sánh với chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ rất rõ, trong 4 buổi sáng, năm 1983 ở nhà nghỉ Quảng Bá Hà Nội, có mặt ông Hoàng Tùng (lúc ấy là ủy viên ban bí thư, phụ trách công tác tư tưởng), ông Đống Ngạc (trợ lý Tổng bí thư), ông Nguyễn Cận (người tham gia sưu tầm và giới thiệu những bức thư gửi vào Nam), ông Thép Mới và tôi (đều ở báo Nhân Dân), ông Lê Duẩn đã kể lại trên đại thể quá trình hoạt động của ông. Có ba lần ông cao hứng, tự nói về những đóng góp xuất sắc của mình, và tự so sánh với ông Hồ Chí Minh, ông nói: "Tôi à, tôi hơn bác Hồ chớ. Này nhé bác Hồ mở mồm ra là nói nhân, nghĩa, lễ, trí, tín-Đó là gì? là phong kiến, là lạc hậu rồi. Tôi à, tôi nói: làm chủ tập thể. Đó là lập trường công nhân, tư tưởng công nhân..."
Một lần khác ông kể: "Sau Hiệp định Geneve, bác Hồ còn nghĩ tới tổng tuyển cử. Đó là gì? Là ảo tưởng! Tôi à, tôi hơn bác Hồ chớ. Tôi nghĩ ngay đến bạo lực. Tôi bảo anh em chôn súng. Tôi bàn với anh em để lại lực lượng ở miền Nam không tập kết hết cả đâu nhé..."
Lại một buổi khác ông thích thú: "Tôi à, tôi hơn bác Hồ chớ!
Bác sang Liên Xô và Trung Quốc, nghe Staline và Mao bảo gì là vâng vâng hết! Tôi à, tôi dám cãi lại với Krouchev, tôi dám cãi lại với Mao. "
Đó là căn bệnh chủ quan và kiêu ngạo không kiềm chế nổi. Nếu quả thật ông Lê Duẩn hơn ông Hồ Chí Minh thì là điều đáng mừng, hậu sinh khả úy. Thế nhưng đấy đều là những điều ông Lê Duẩn tự ngộ nhận (nhà báo Thép Mới ngay sau đó viết loạt bài Thời thắng Mỹ, sau được in thành sách, bị phê phán là: bồi bút, xu nịnh, cơ hội, tự sát về nhân cách...). Cái sáng tạo của ông về "làm chủ tập thể", đã làm tốn không biết bao giấy mực bàn cãi, hội thảo!...mà không thấy có gì hay hơn, cao hơn là khải niệm dân chủ, nên đã bị gác lại sau khi ông qua đời.
Trong suy nghĩ của ông Lê Duẩn, có điều gì đó cực đoan. Đó là từ hồi 1977 đến 1980, 1982, ông thường nhận xét: "Bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc luôn là kẻ thù của đất nước ta-Tôi thấy điều đó ngay từ hồi Nixon sang Trung Quốc, và tôi đã nói ngay sau khi toàn thắng là phải rất cảnh giác, phải rất coi chừng bọn bành trướng Trung Quốc-Chúng vốn thù địch với ta và chắc chắn còn thù địch với ta hàng trăm năm nữa!"
Trong xây dựng đất nước ông ít có sáng kiến đáng kể. Đến nay người ta vẫn còn kêu về ông, nhất là về hai chủ trương ghép một số tỉnh và lấy huyện làm đơn vị chiến lược về kimh tế. Có người gọi đó là những cơn ngẫu hứng tai hại của Tổng bí thư. Sau ngày Toàn Thấng, ông nghĩ rằng phải ghép tỉnh để mỗi tỉnh có từ trên 1 triệu đến 2 triệu dân mới có thể thành một đơn vị để xây dựng. Việc này không được Quốc hội bàn đến để cân nhấc lợi hại. Thế là ghép tỉnh, Hà Đông, Sơn Tây với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình, Hà nam, Nam Định với Ninh Bình thành Hà-Nam-Ninh, Hải Dương và Hưng Yên thành Hải-Hưng, Quảng Bình, Quảng Trị với Thừa Thiên thành Bình-Trị-Thiên, Quảng Ngãi với Bình Định thành Nghĩa-Bình, Phú yên với Khánh Hòa thành Phú-Khánh...Việc hợp tỉnh rất tốn kém, lại gây nên mất đoàn kết kéo dài. Bí thư với phó bí thứ tỉnh ủy, chủ tịch, phó chủ tịch žy ban nhân dân, các giám đốc sở xếp rất gay go. Phải mặc cả tỉnh cũ này giữ ghế này, tỉnh cũ kia giữ ghế kia cho thăng bằng! Rồi ông này bênh tỉnh cũ của mình, bà kia "trù" cán bộ của tỉnh (cũ) kia cứ như thế công việc lằng nhằng, chỉ đối phó nhau trong nội bộ đã mất thời gian và mất sức! Đã vậy lại có tỉnh quá dài, đến mấy trăm km. Bình-trị-thiên, từ dèo Ngang vào đến dèo Hải Vân dài hơn 200km, tỉnh không sao ôm xuể, năm 1990 lại phải chia lại làm ba tỉnh. Phú Khánh cũng thế, lại phải chia lại làm hai: Khánh Hòa và Phú Yên.
Anh chị em cán bộ còn kháo nhau: ngoài cái vụ hợp nhất các tỉnh và các huyện ra, tai hại hơn là hồi 1983, ông Duẩn cao hứng đề xuất việc đưa cấp huyện lên trở thành cấp chiến lược, khác với xưa nay, huyện là cấp trung gian giữa xã và tỉnh. Theo hướng ấy, 400 huyện sẽ là 400 đơn vị kinh tế cơ bản hoàn chỉnh. Thế là cơ quan tất cả các huyện bành trướng rất nhanh, mỗi huyện có đến 30, 40 công ty khác nhau, cùng với hơn 20 phòng chuyên môn! Biên chế tăng, ngân sách chi trả về tiền lương tăng, mà hiệu quả thì không rõ! Sau gần ba năm triển khai, từ khi ông Duẩn mất, chẳng còn ai mặn mà với cấp huyện nữa. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, bầy biện càng lắm mà không có đủ nguyên vật liệu, tài chính thì chỉ thêm lảng phí và cách bức. Gần đây đã phải thu hẹp biến chế cấp huyện, chấm dứt một cuộc phiêu lưu về tổ chức. Đất nước đã nghèo lại nghèo thêm là từ những chủ trương ngẫu hứng của người lãnh đạo như vậy đó. Người ta than thở: "Cụ" mất rồi mà nay việc dọn dẹp những bãi rác "cụ" để lại vẫn còn mất biết bao công của và thời gian..."
Đây là những vấn đề cho chúng ta suy ngẫm để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng một chính quyền thật sự dân chủ, có hiểu biết sâu rộng và vững chắc.
Về ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), điểm nổi bật là trình độ hiểu biết khá sâu rộng. Ông chịu khó đọc sách và suy nghĩ. Trung văn và Pháp văn ông đều am hiểu khá. Ông chăm chỉ và cẩn thận. Cho nên có lúc người ta đã đặt bí danh cho ông là Thận, anh "Thận" bên cạnh bí danh cũ "anh Nhân". Ông cẩn thận đến từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Khi nói cũng thế, ông nói rõ, đúng văn phạm, từ tốn, chuẩn xác, từng câu, từng chữ một. Ông có làm thơ (ký tên Sóng Hồng) nhưng thơ không thật là thơ, thiếu ý thơ, thiên về sáo ngữ và có tính cách hô hào mà thiếu âm hướng sâu bền. Văn chính luận của ông rõ ràng, khúc chiết, lập luận chặt chẽ-Sau sai lầm cải cách ruộng đất mà ông trực tiếp chịu trách nhiệm, ông hầu như không muốn nhắc đến chuyện ấy nữa. Ông có cái nhìn rất nghiêm khắc, đòi hỏi ở xung quanh nếp sống đúng giờ giấc, kỷ luật, viết và nói đúng như nghị quyết, luôn luôn giữ đứng lập trường của đảng. Một thiếu sót của ông về sau là thiếu hẳn sự tiếp xúc với nhân dân. Theo những lời ông kể (ông Nguyễn Văn Phùng, phó Viên trưởng viện lịch sự đảng, và tôi là hai người được nghe ông kể trong 6 buổi sáng ở Đà Lạt tháng 6 năm 1985) thì thời hoạt động bí mật, ông có những chủ trương và phong cách khá đặc sắc. Ông hoạt động rất khôn khéo, tháo vát, nhiều lần tránh được các cuộc vây bắt của mật thám. Khi thì giả người dạy học, người đi buôn, khi thì giả lái đò, viên chức nhỏ. Hồi trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, có người muốn đưa ATK (An toàn khu) của trung ương đảng cộng sản lên vùng rừng núi, vùng biên giới Việt-Trung, nhưng ông một mực giữ chủ trương ATK phải ở gần thủ đô Hà Nội, không quá một ngày đường đi xe đạp để bắt mạch được tình hình trong nước và thế giới. Ông tạo được cơ sở là một nhóm công nhân ở nhà in TAUPIN. Chiều nào Phủ toàn quyền Đông Dương cũng cho một người Pháp đưa đến in một thông báo nội bộ về tình hình chiến sự, tình hình thế giới và trong nước, in ra chừng 60 bản để phát cho quan chức Pháp cấp cao. Hai anh công nhân bao giờ cũng in thử và giữ lại một bản mô-rát (bản mô-rát chính thì người Pháp đốt trước khi rời nhà in). Ngay tối hôm ấy bản mô-rát được đưa lên ATK ở vùng Đông Anh hoặc Bắc Ninh. Ông cũng có cơ sở trong một viên chức ở Hà Nội, có đài thu thanh, ông này thường ghi lại những tin tức chính, hàng ngày có người đến nhận để mang lên ATK. Ông Trường Chinh đã viết chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" trong điều kiện ấy. Từ khi không làm Tổng bí thư nữa, vị trí của ông giảm hẳn. Khi ông là Chủ tịch Quốc hội, tôi đã đi theo đòan của ông đi thăm các địa phương ở Bình trị Thiên và Nam Bộ. Chẳng còn là ông Nhân xưa đi xe đạp trong kháng chiến, ghé các nhà cơ sở ăn khoai luộc với muối, uống nước chè xanh...Lúc nào cũng là đoàn xe Volga bóng lộn, người đưa kẻ đón, diễn văn, tiệc tùng...Sức khỏe cũng không cho ông xông xáo như xưa. Những lời phát biểu của ông ngày càng hình thức, cứng nhắc.
Tôi thấy cần công bằng với ông ở hai điểm: Hồi 1960 khi có cuộc tranh luận lớn trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và do đó trong đảng cộng sản Việt Nam có những khuynh hướng khác nhau. Ông lúc đầu đã có chủ trương tán thành nội dung đại hội 20 đảng cộng sản Liên Xô, lên án tệ sùng bái cá nhân Staline và tán thành đường lối chung sống hòa bình do Krouchev khởi xướng. Về sau chính ông Lê Duẩn đã chủ trương ngả về phía Trung Quốc và lôi cuốn cả Bộ Chính trị và Trung ương theo hướng đó. Những ai không tán thành đều bị chụp mũ là "xét lại", là "chống đảng". Do bản tính dĩ hòa vi quý, lại ở trong thế yếu, nên ông Trường Chinh không có phản ứng gì. Đến năm 1986, khi thấy ông Lê Duẩn vừa mất, đảm nhận chức quyền Tổng bí thư, ông đã có ý thức trách nhiệm rõ rệt, tiếp nhận xu hướng đổi mới dứt khoát của Liên Xô và phác họa ra cả một kế hoạch đổi mới rất rõ nét, có bài bản cho Việt Nam. Uy tín ông dâng lên, cho nên đến Đại hội 6, khá đông đoàn đại biểu (mà khởi đầu là đại hội đảng toàn quân đội) đã đề xuất bộ ba mới sẽ là: ông Trường Chinh làm Tổng bí thư, ông Phạm Văn Đồng làm chủ tịch Hội đồng nhà nước và đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Sự sắp xếp này đã bị ông Lê Đức Thọ phá vỡ bằng cách viết thư thuyết phục (trên thực tế là ép) hai ông Trương Chinh và Phạm Văn Đồng cùng với chính ông ta thôi không tham gia trung ương nữa, chỉ nhận chức cố vấn Ban chấp hành trung ương đảng. Hiện nay vẫn còn khá nhiều đại biểu dự đại hội VI luyến tiếc sự sắp xếp trên kia và nhận xét: Đại hội VI là đại hội của ông Sáu (tên thường gọi của ông Lê Đức Thọ).
Vào lúc cuối đời, ông có một nét nhỏ làm tôi suy nghĩ và nhớ mãi. Hồi tháng 6. 1985 khi ông cùng gia đình đi nghỉ ba tuần ở Đà Lạt, ông yêu cầụ ông Nguyễn Văn Phùng ở Viện nghiên cứu lịch sử đảng và tôi đi theo để làm việc. Một hôm sau khi kể xong, nghỉ chờ ăn cơm, ông kéo riêng tôi vào buồng ngủ (đây là biệt dinh 1, nơi nghỉ của vua Bảo Đại và gia đình hồi xưa), chỉ chiếc giường có nệm gấm vàng thêu rồng và chăn vàng thêu phựơng cùng với hai chiếc gối gấm vàng, chúm miệng lại nói rất nhỏ như để khoe: Chú vào đây, chú biết không, đây là phòng ngủ, kia là giường, nệm, chăn, gối của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đó! Lúc ấy bà Trường Chinh ngồi ngay trên chiếc ghế ở trong phòng.
Tôi vừa buồn cười, vừa sửng sốt đến ngỡ ngàng. Hóa ra một vị lãnh đạo công sản kỳ cựu, từng chủ trương lật đổ ngai vàng này lại tỏ ra thích thú và xúc động đến thế, khi được ngủ trong phòng, đắp chăn và dùng gối nệm đầy những biểu tượng rồng phượng của hoàng đế và hoàng hậu thời xưa!.
Khi bàn với chúng tôi về viết giúp ông cuốn hồi ký, ông Trường Chinh nhận xét: "Chớ có viết như loạt bài Thời thắng Mỹ của Thép Mới. Nói không đúng sự thật. Hay gì cái thói thổi phóng, thêu dệt! Đó là thái độ cuả kẻ cơ hội-Mà người ta còn sống cả kia mà! Viết thế là hại cho anh Ba (ông Lê Duẩn). Cũng chớ có viết như Đại Thắng mùa xuân (của tướng Văn Tiến Dũng, Hồng Hà ghi), nói không đúng sự thật, các chú không biết sao! Khi in thành sách đã phải chữa đến hơn 30 chỗ, ai biết người ta cười cho!"
Hai ngày trước khi ông mất đột ngột, ông đã gặp những người đang giúp ông viết Hồi Ký. Ông ngã khi đang lên thang gác, đầu va phải bậc đá. Chiếc ảnh ông chụp hôm ắy với chúng tôi là bức ảnh cuối cùng của ông.
Về ông Phạm Văn Đồng, tôi có một sự kính trọng và quý mến từ lâu. Ông đựơc cán bộ và nhân dân quý trọng về cách sống dản dị, thái độ ngay thật, có văn hóa. Cuộc đời riêng của ông buộc ông phải chịu đựng với nghị lực cao. Vợ ông, một người đẹp ở hiệu kem Zephir trước cửa hàng Thủy tạ, bờ hồ Hoàn Kiếm, từng giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng thời kỳ bí mật, đã bị ốm khi ông cùng bà từ Liên khu năm lên Việt Bắc năm 1949. Bà bị bệnh tâm thần ở thể u uất rất nặng, chỉ ngồi thừ một chỗ, rũ rượi, u buồn. Hai ông bà có một con trai rất ngoan, học giỏi, một thời ở trong quân đội, nay đã hơn 40 tuổi. Dương, tên anh_ là nguồn an ủi lớn của ông. Thường cứ tối thứ bẩy ông đến ăn cơm với vợ, với cái nghĩa vợ chồng chung thủy. Những ngày thường, ông sống một mình với công việc, đọc sách, nghe đài-Từ ba năm nay mắt ông gần như lòa hẳn, không hồi phục được. Ông thường giải trí bằng cách nghe đọc những đoạn văn hay của Victor Hugo và Anatole France...sau khi đi bách bộ sáng và chiều, mối buổi cố đi được 2 đến 3 km.
Ông là một người trí thức chịu khó tìm hiểu tình hình và suy nghĩ, có tấm lòng với đất nước. Ông rất dễ xúc động, có lúc rơi nước mắt trước những thân phận xót xa của con người, nhất là cúa trẻ em và phụ nữ. Ông từng có những tác phẩm khá tốt như bài viết dài in thành sách về Nguyễn Trãi, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của nhân vật kiệt xuất của dân tộc được cả thế giới ngưỡng mộ như một danh nhân.
Nhưng nhiều anh chị em trí thức vừa thương, lại vừa chê ông vì sự nhu nhược khi làm trong cơ chế. Tôi đã nghe ông than vãn đến 6 lần: "Tôi là thủ tướng nhiều tuổi nhất (ông làm thủ tướng đến tuổi hơn 70), nhưng cũng là thủ tướng bất lực nhất!" Rồi ông trần tình: "Tôi không có quyền, tôi nói mà chẳng ai nghe cả-Đến thay đổi một thứ trướng, tôi đề nghị thôi mà cũng không được, chưa nói đến chọn bộ trưởng!"
Người ta trách ông: sao ông không đấu tranh, không đặt vấn đề trách nhiệm đi đôi với quyền lực, ông không có quyền thì còn ai có quyền nữa. Thế nhưng rồi ai cũng thông cảm với ông vì cái cơ chế này nó kỳ lắm, đảng tự đặt trên chính quyền, dẫm chân lên chính quyền, dựa trên một nguyên tắc nhắc đi nhắc lại hoài như một chân lý: đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và thường xuyên. Như về lựa chọn cán bộ, thì Ban tổ chức trung ương đảng quyết định tất cả, chính phủ chỉ cúi đầu chấp nhận. Ông là người ít nói nhất trong bộ Chính trị-Có lẽ vì ông nhẫn nhục, ông dứng ngoài mọi sự cạnh tranh, đua tranh về quyền lực, về phe nhóm. Ông chỉ phát biểu khi thật cần, và những câu thường có trọng lượng giầu suy nghĩ. Đó là cuối năm 1974, khi thảo luận về quyết tâm trong mùa xuân 1975, ông phát biểu: "Về khả năng phản ứng của chính phủ Mỹ, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này hơn tuần này và có thể khẳng định: chuyến này cho ăn kẹo chính phủ Mỹ cũng không quay trở lại can thiệp đâu, ta cứ mạnh dạn mà làm ăn. Ta cứ đưa hết quân chiến đấu vào miền Nam đi-Vâng, cho ăn kẹo Mỹ cũng không trở lại nữa!"-ông cười. Thường là ông nói xong là cười rất hồn nhiên, sáng khoải, một tràng cưòi rộ ra rất thoải mái...
Ông sống ngay thẳng có công tâm, trong sạch. Ông sống co lại, gần như cô độc. Khi người thư ký riêng của ông-nhà khoa học cũng là nhà thơ VIT PHƯƠNG-bị đối xử oan uổng, bị chụp mũ là "xét lại" chỉ vì vài câu thơ bộc trực, lên án những thói xấu ở đời, ông cũng chỉ im lặng, không hùa theo để lên án, nhưng cũng chẳng bênh vực. Cho đến khi sóng yên bể lặng, ông Việt Phương trở lại làm việc ở viện Quản Lý kinh tế thì ông lại vời ông Phương đến để dùng tài vào việc viết lách giúp ông...Con người ông là thế đó. Có lẽ kinh nghiệm lớn nhất về ông Phạm Văn Đồng là: một con người có tâm huyết, có hiểu biết khá rộng, thông minh và sắc sảo đã bị cơ chế cứng ngắc làm cho vô hiệu. Vấn đề quyết định là cơ chế, một cơ chế hỏng sẽ cản trở mọi tài năng và tâm huyết.
Còn đại tướng Võ Nguyễn Giáp? Tôi từng biết ông từ rất lâu, tháng 9. 1945, khi ông đến lớp Quân chính ở trường Đỗ Hữu Vỵ giảng về chiến tranh du kích, về vai trò của đấu tranh vũ trang trong đấu tranh cách mạng. Tôi cũng gặp ông ở Hội nghĩ về chiến tranh du kích ở Bình Trị Thiên. Sau đó là những cuộc Hội nghị quân chính hàng năm. Năm 1975, ông vào Sài Gòn mấy ngày sau Toàn thắng. Tôi còn nhớ hôm ấy, ngày 7. 5 thì phải, ông được đón từ sân bay Tân Sơn Nhất vê Đinh Độc Lập mới trở thành "Nhà khách của chính phủ". Đêm đó một viên tướng trong ủy ban quân quản ngỏ lời: "Thưa anh, chúng tôi có chiếc đàn dương cầm loại tốt lấy được trong căn cứ quân sự, xin để gửi anh chơi thử. " Tôi thấy đại tướng Giáp nổi giận quắc mắt: Sao lại vậy? Không được! Tôi mà nhận đàn dương cầm thì anh em khác nhận gì? Không được. Kỷ luật chiến lợi phẩm phải nghiêm từ trên xuống dưới". Tôi càng quý thêm ông Giáp hôm ấy. Về sau chiến lợi phẩm bị chia chác bừa bãi, mạnh ai nấy lấy, vì sau Đại hội đảng lần thứ tư cuối năm 1976, ông Văn Tiến Dũng trên thực tế đã thay ông Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Từ một ông tú, rồi ông cử (ông tốt nghiệp cử nhân luật khoa trường Đại học Hà Nội năm 1936) rồi làm giáo sư sử học rất có tín nhiệm với học sinh (có học sinh còn nhớ rõ ông từng say sưa giảng dạy về cách mạng Pháp năm 1789 và ca ngợi nhiệt thành Denton, Marat, Robespierre ra sao...)
Ông thông minh, có trí nhớ tốt, luôn ham mê đọc sách báo, hiểu biết mới mẻ, cho đến tận bay giờ. Đến phòng làm việc của ông, sách đặt ngổn ngang có trật tự, nhiều cuốn đang đáng dấu bằng các mẩu bìa, nơi cần đọc và tra cứu. (Mỗi lần đến gặp ông tôi lại nhớ phòng làm việc và nhà ở của một đại tướng khác, cùng žy viên bộ Chính trị cho đến hết đại hội đảng 5, xuất thân từ một cố nông ở Nghệ An, sách rất nhiều, nhưng luôn là sách trang trí, xếp rất đẹp thành hàng thẳng tắp, trong hàng loạt tủ kính và bao giờ cũng đứng nghiêm không động đậy như để chờ duyệt binh vậy! Hai phong cách, từ hai nguồn văn hóa và tập quán giai cấp!...
Cán bộ quý trọng và tin cậy ông. Ông đào tạo được một đội ngũ sĩ quan trẻ, có học thức, tận tụy và theo gương ông dản dị và liêm khiết. Chính tư duy khoa học, giỏi biên chứng pháp mác xít từ tuổi trẻ đã giúp ông chỉ huy và lãnh đạo quân đội rất nhanh nhạy và sâu sắc, trong công tác tổng kết ông nắm bắt mọi tình hình mới, hiện tượng mới để tìm hiểu và nâng cao lên trong nhận thức. Khoa học quân sự được chính ông đích thân phát triển và ông coi trọng việc quảng bá cho lớp lớp cán bộ-Có thể nói những chiến thắng quân sự đã bắt nguồn từ đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng dắn. cương vị Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tư lệnh, ông đã để lại một dấu ấn khá sâu.
Cũng có thể nói số phận ông quả là lận dận. Năm 1982, ông bị đưa ra khỏi bộ Chính Trị, chỉ còn là žy viên trung ương đảng, được phân công là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách về công tác khoa học. Ông còn kiêm nhiệm một số vấn đề khác có tính chất mặt trận, có khi hiếu hỷ (trong các cuộc kỷ niệm), hoặc như chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch (để một nhà báo phương Tây nói vui rằng: chiến trường của đại tướng Giáp ngày nay là chiếc giường của những cấp vợ chồng trẻ), còn văn học dân gian trên đường phố thì cho rằng thời buổi này thật lạ lùng:
• Nhà chính trị đi làm thơ
• Nhà thơ đi làm kinh tế
• Còn thống chế đi đặt vòng...
trong nước và ở nước ngoài, người ta băn khoan đặt nhiều câu hỏi về đại tướng Giáp-Vì sao ông lại bị đưa ra khỏi bộ Chính trị năm 1982 tại Đại hội V? Lúc ấy cơ quan lãnh đạo giải thích rằng vì tuổi tác và sức khoẻ, dể nhường cho những người trẻ hơn! Thế nhưng sao lúc ấy các ông Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh...cũng cao tuổi, sức yếu lại không nhường cho người khác? Giải thích thế là không ổn.
Trong đảng, ông Giáp ở vị trí rất cao và rất sớm. Ngay sau cách mạng tháng Tám 1945, Ban thường vụ trung ương đảng (ngang với Bộ Chính trị sau đó) chỉ có chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, ông Lê Đức Thọ và ông Hoàng Quốc Việt-Về sau có thêm ông Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ)-Ông Phạm Văn Đồng đến năm 1947 mới vào Trung ương, ông Lê Duẩn sau này mới vào Bộ Chính trị.
trong hàng ngũ những cán bộ cao cấp, nhiều người cho rằng ông Lê Duẩn luôn có thái độ chê bai và muốn hạ thấp vai trò cũng như uy tín của ông Giáp. Tôi đã dự nhiều cuộc nói chuyện của ông Lê Duẩn sau năm 1975. Rõ rệt nhất là ở Tòa soạn báo NHÂN DÂN tháng 3. 1983 nói chuyện với cán bộ từ hàng vụ trưởng trở lên, ông ngang nhiên nói: "Hồi đó (hồi đánh Mỹ), bộ trưởng quốc phòng nhát như thỏ đế, vừa dánh Mỹ mà vừa run như vậy này (ông co người lại run rẩy). Do đớ chúng tôi không để cho chỉ huy, chúng tôi phải trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo chiến tranh, và trên thực tế đã thay người khác trong nhiệm vụ Bộ trưởng Quốc phòng...". một số cuộc họp khác, ở Hà Nội và Sài Gòn, ông cũng nói như vậy, đả kích rõ rệt đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thật ra không phải chỉ gần đây, mà từ năm 1962, ông Giáp đã bị gián tiếp đụng chạm khá mạnh. Đó là thời kỳ đấu tranh quan điểm chuẩn bị cho hội nghị trung ương lần thứ 9 cuối năm 1963. Cuộc Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới hồi năm 1960 diễn ra rất gay gắt, chia làm hai phe: Liên Xô và Trung Quốc-Ai đứng đầu phong trào? Phong trào có một đầu hay hai đầu? Bên này gọi bên kia là giáo điều, bảo thủ. Bên kia gọi bên này là xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Mao đả Krouchev khá gay gắt và Krouchev cũng lên án Mao khá mạnh. Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam dần dần ngả hẳn về phiá Mao. Mỗi buổi sáng dài Hà Nội phát tất cả những văn kiện dông dài của đảng cộng sản Trung Quốc công khai tranh luận với đảng cộng sản Liên Xô, "bảo vệ đến cùng, không khoan nhượng sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. "
Ông Giáp bị ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ "chiếu tướng" từ dạo ấy. Năm 1964, cùng một lúc các cục trưởng tác chiến Đỗ Đức Kiên, cục trưởng quân báo Nguyễn Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Lê Minh Nghĩa bị bắt giữ. Đây là ba trí thức trẻ xuất sắc thời thuộc Pháp, có trí tuệ và tâm huyết, thân thiết với đại tướng Giáp suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, về sau sang Liên Xô học rất giỏi. Ông Kiên nguyên là kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp học viện Phrunze với bằng đỏ. Tiếp đó là hàng chục sĩ quan bị bắt giữ, phần lớn là trí thức. Sau khi đại tá Lê Vinh Quốc, chính ủy quân khu ba và thượng tá Văn Doãn-Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, ở lại Liên xô không trở về nước vì bất đồng chính kiến hồi cuối năm 1964, hàng loạt cán bộ báo quân đội nhân dân bị bắt như: Hoàng Thế Dũng tổng biên tập, Trần Thư, Mai Luân, Mai Hiến, Đinh Chân...và nhiều người khác bị xét hỏi. Một số người bị Ban bảo vệ Quân đội thẩm vấn và trong các cuộc thẩm vấn thường có câu hỏi: "Đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp ra sao?