Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam đã kết thúc.. Vẫn như các đại hội trước, các báo ở Hà Nội đăng những hàng chữ đỏ: " Đại Hội đã thành công rực rỡ". Ngay ở trong đảng đã có mấy người tin rằng nghị quyết của đại hội sẽ được thực hiện, rằng chỉ trong 5 năm nữa nhân dân ta sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng? Có mấy ai tin rằng trong 10 năm nữa tổng sản lượng nước ta tính theo đầu người sẽ tăng gấp đôi, nghĩa là 100 %? Đúng một tháng sau đại hội, giá vàng tăng lên từ 380. 000 đồng lên 460. 000 đồng một lạng, giá một đồng đôla từ 8. 600 đồng lên 9. 4000 rồi 9. 8000, ngấp nghé 10. 000 đồng, tiền lương của người lao động và viên chức vốn đã ít ỏi, lại bị giảm thêm trên thực tế. "cuộc sống rồi sẽ ra sao?", vẫn là câu hỏi xoáy sâu, quặn lòng người dân. Đại hội 7 đã không đáp ứng đúng tình hình cực kỳ nghiêm trọng, cuộc bắt mạch kê đơn cho đất nước không kết qủa. Suốt 16 năm trải qua 4 kỳ đại hội, mỗi lần người ta cứ tưởng rằng đã tìm ra giải pháp, nhưng bệnh cũ cứ nặng thêm. Tìm ra bệnh bao giờ cũng chậm, kiểu vuốt đuôi, định chữa bịnh này thì con bệnh đã chuyển sang bệnh khác hiểm nghèo hơn. Khi đất nước lâm nguy, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được đề xuất. Nhưng lãnh đạo vấn giữ thái độ gia trưởng độc đoán, nhắm mắt, bịt tai. Khả năng lắng nghe vốn đã ít ỏi trở về con số không. Có những lời bình đáng suy nghĩ. Một nhà báo Pháp nhận xét: " Đại hội 7 xét cho cùng chỉ là một cuộc trình diễn cho ông Đặng Tiểu Bình xem. Lẽ ra tìm nhiều bạn tốt, thì họ lại ngã hẳn về một phía, lao vào lòng "kẻ thù vĩ đại", cho rằng thế là đúng đắn: Chung một ý thức hệ chung một chế độ xã hội chủ nghĩa! cùng là đảng cộng sản, những tưởng khôi phục tình đồng chí, chí cốt và tìm ra được lối thoát!.. " Sau đại hộì, quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc được cải thiện rõ ràng. Theo tôi đây là sự liên kết giữa những người cùng chung một mối lo sợ đến hoảng hốt với trào lưu dân chủ và đa nguyên đang dâng lên mạnh mẽ ở trong mỗi nước. Đây là sự liên kết của những người bảo thủ về chính trị. Họ "tầm" nhau để duy trì hiện trạng chính trị trong mỗi nước, bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ của nhân dân, ngăn chặn một cách tuyệt vọng phong trào dân chủ đa nguyên đang lan rất mạnh ở châu Âu, Châu phi, châu Mỹ la tinh và cả ở châu á. Tình hình thế giới những năm gần đây có những thay đổi hết sức cơ bản. Từ hai cực, hai phe đã xuất hiện tình thế đa cực. Từ đối dầu, sống mái chuyển sang cục diện hợp tác và đấu tranh trong chung sống hòa bình. Cách nhìn cũ không còn thích hợp với tình hình mới. ở nước ta hiện nay điều sinh tử và thiêng liêng nhất là giải phóng đến mức cao nhất sức sản xuất toàn xã hội, làm ra được nhiều của cải nhất đây là chìa khóa để cứu ván đất nước, con đường thoát ra khỏi khủng hoảng. Nghèo đói và lạc hậu phải là nỗi đau chung, nỗi nhục chung của mỗi công dân, của mỗi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Không chỉ lạc hậu về mức sống, mà cả về hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, về công nghệ, về quản lý, về dân chủ hóa, về chính trị. ý thức vượt qua nghèo đói và lạc hậu, đạt đến phát triển về mọi mặt phải là động lực chung của toàn xã hội, động lực vươn lên của mọi người Việt Nam có trách nhiệm. Nhà thơ Nhất Uyên ở Paris đã đọc cho tôi nghe bài thơ của anh nói lên nỗi nhục ấy và chép lại tặng tôi. Bài thơ có đầu đề: Nhục nước đói nghèo. Dưới đây là một đoạn: ...Nhục những tài năng lưu vong phụng sự xứ người mà nước mẹ, đường về sao quá hẹp? Nhục với tài nguyên thiên nhiên, bốn mùa cây trái nhục với biển dài, sông rộng, đất phì nhiêu, nhục với trẻ thơ tong teo, mẹ gầy đói ốm, nhục với cha già trên vỉa hè lây lất Nhục với độc lập mà đói hơn thời thuộc địa, nhục với tự do, dân gào thét tự do! nhục với công bằng, dân gào thét bất công, nhục với dân chủ, mà khổ hơn thời địa chủ! Nhục với Thái lan, Nam hàn... đã tiến xa trên đường kỹ nghệ mà nước ta còn nghèo đói xin ăn! Nhục với lý tưởng đẹp cao, nhục thần tượng tôn thờ, nhục với lịch sử ngàn năm dựng nước. Nhục những kẻ không còn biết nhục, hãm hại người ngay, xua đuổi người tài, nhục kẻ bất phu không biết đến kiếm Lưu cầu khi dân dân tộc đến cơ hàn cùng cực. Ai là người vì vận nước ngày mai, nuôi chí kinh bang để cùng nhau rửa nhục. Đổi mới về kinh tế quan trọng nhất hiện nay là công nhận quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Trả lại ruộng đất cho những lao động nông nghiệp, tài sản của cha ông bỏ công khai phá. Chủ trương của đại hội 7 vẫn còn nửa vời, vẫn coi ruộng đất là sở hữu của toàn dân. Các hộ nông dân chỉ có quyền sử dụng. Bà con nông dân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, cải tạo, chăm sóc đồng ruộng vì họ chưa coi đó là sở hữu của mình. Trong sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, phải thật sự tôn trọng, cổ vũ quyền tự do kinh doanh của tư nhân, mở ra một thời kỳ tư nhân mạnh dạn bỏ vốn riêng, hùn vốn riêng, mở xưởng, lập công ty: chế biến nông sản, chế tạo cơ khí, kinh doanh giao thông vận tải, mở các nghề tin học, sinh học, hóa chất, vật liệu xây dựng...tạo nên cả một lớp nhà kinh doanh có tài năng, làm cho nền kinh tế sống động trong sản xuất ra hàng hóa là chính, chứ không phải đi buôn (phần lớn lại là đi buôn lậu!) và làm dịch vụ là chính như hiện nay. Việc xuất hiện hàng loạt nhà doanh nghiệp tài ba trong kinh doanh đàng hoàng (chứ không phải đi chạy mánh mung, đánh qủa, ăn xổi như hiện nay) là thước đo của sự đổi mới về kinh tế. Đổi mới về kinh tế phải đi cùng với đổi mới về chính trị. Đây là hai mặt của đời sống xã hội có liên quan chặt chẽ. Không phải thực hiện máy móc, đổi mới kinh tế thực hiện đúng một bước thì đổi mới chính trị phải đúng một bước. Trên đại thể, kết hợp hai mặt đổi mới ấy. Không thể một mặt thì tiến lên mà một mặt thì lui lại! Như con người bước một chân lên trước, còn chân kia thì lui lại sau, sao mà đi được?! Hiện nước ta là như vậy. Kinh tế có định hướng, mở cửa tự do hóa, nhưng chính trị thì co lại, hạn chế quyền dân chủ hơn trước. Mâu thuẫn là ở đây. Có không bình thường là ở đây. Nguy cơ mất ổn định cũng là ở đây. Cái làm mất uy tín, mất cảm tình của bạn bè và dư luận thế giới cũng là ở đây. Lập luận bảo thủ của đại hội 7 là: " Phải giữ ổn định bằng mọi giá. Bước đi, liều lượng mở rộng dân chủ phải tính toán thận trọng. Không thể hấp tấp vội vàng. Nhấn mạnh dân chủ có lãnh đạo, dân chủ đi đôi với tập trung, gắn liền với kỷ luật". Lập luận này rất có hại. Nó kìm giữ đất nước trong tình trạng chậm tiến về chính trị, do đó cản trở đổi mới về kinh tế. Nó đi ngược lại khát vọng của nhân dân, nó mâu thuẫn với quan điểm nhân dân lao động làm chủ, vi phạm quyền công nhân. Lập luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội của đại hội 7 là: " Đây là con đường do chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn ", do đó không thể nào từ bỏ được! Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được nêu lên là: • Do nhân dân lao động làm chủ, • có một nền kinh tế phát triển cao, dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, • có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà mầu sắc dân tộc, • Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công. Làm theo năng lực, hướng theo lao động. Có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. • Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Nhắc đến chủ tịch Hồ Chí Minh hàng đến mấy chục lần trong các văn kiện để " kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đứng đắn của chúng ta " là không nên, không khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đã 22 năm nay. Ông Hồ đã từng cùng với đảng chủ trương sớm hoàn thành hợp tác hóa toàn bộ nền nông nghiệp. Đến nay chủ trương này bị công nhận là sai lầm, vậy thì không thể chỉ dựa vào lý do vì đây là chủ trương của ông Hồ mà khẳng định đó là chân lý. Ông Hồ cũng chủ trương công nghiệp hóa đất nước với tốc độ cao, lấy công nghiệp nặng làm chính, đến nay chủ trương ấy cũng đã tỏ ra sai lầm. Hơn nữa, ông Hồ không còn sống để chứng kiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Và ông cũng không được thấy những đảo lộn cực kỳ hệ trọng trên trường quốc tế, làm thay đổi hẳn bộ mặt thế giới.. Theo tôi, tất cả các chủ trương, quan điểm của những người đã khuất, dù cho họ tài giỏi đến đâu, chỉ nên coi là những gợi ý, để tham khảo. Chỉ có những người đương thời mới có đầy đủ trách nhiệm, điều kiện hiểu biết để tự giải quyết mọi công việc của thời đại mình, của thế hệ mình. Chính vì đuối lý nên người ta cứ phải viện ông Hồ Chí Minh! Một luận điệu của đại hội 7 là nước ta không thể quay về chủ nghĩa tư bản. Thật ra chúng ta vẫn chưa có chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cũng chưa có chủ nghĩa tư bản theo đúng nghĩa. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở các nước đều sụp đổ rồi. Có đến hơn 100 nước tư bản hiện nay, trong đó có những cường quốc lớn nhất, có những " con hổ " ở châu á. Không nên câu nệ tên gọi, ê-ti-két. Có những nước tư bản rất phát triển, có nước tư bản rất chậm tiến. Có nước tư bản bảo đảm quyền lợi xã hội, bảo hiểm xã hội thật cao, như ở Bắc Âu được gọi là " nhà nước phúc lợi ". Ta không nên bắt chước mù quáng ai cả. Nên xây dựng một chế độ dân chủ, chăm lo phát triển sản xuất, rất quan tâm đến bình đẳng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo, rất chú ý đến đời sống văn hóa, tinh thần, đạo lý trong xã hội. Một chế độ dân chủ tiến bộ. Tiến bộ có thực chất. Nhưng muốn tiến tới đó phải công nhận quyền sơ hữu tư nhân về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác. Nếu không sẽ không có gì cả! Những đặc trung về chủ nghĩa xã hội mà đại hội 7 nêu ra không phải là điều kiện cần và đủ! ở các nước tư bản cũng có chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhiều nước tư bản, hệ thống hàng không, vận tải, đường sắt đường biển nằm trong tay nhà nước. Cũng có tư bản nhà nước nắm những cơ sở điện nguyên tử, điện tử, luyện kim, tín học...Có nơi nhà nước chịu mọi chi phí về giáo dục và y tế. Có nơi những phụ cấp xã hội, bảo hiểm, chăm sóc trẻ em, người già, người lớn tuổi, người tàn tật rất cao, vượt xa những nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Quyền tự do cá nhân ở các nước tư bản, trải qua các cuộc đấu tranh quyết liệt của công dân, cũng đạt mức cao hơn nhiều các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực: tự do về tư tưởng, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do xuất ngoại, tự do kinh doanh... ở nông thôn Pháp, hình thức hợp tác xã rất phổ biến. Đó là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, hợp tác xã tín dụng. ở ta có người ngộ nhận rằng chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa mới có hợp tác xã, mới có xí nghiệp quốc doanh, mới có bao cấp về y tế, giáo dục... Về nền văn hóa tiên tiến đậm đà màu sắc dân tộc thì tôi đã thấy biểu hiện của đặc trưng này ở ấn Độ và Indonesia, còn rõ hơn ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đối chiếu với những đặc trưng đã nêu trên với hiện thực ở nước ta, thì có thể kết luận ta đề ra chủ nghĩa xã hội lúc này là hoàn toàn không thích hợp. Chính các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác như Karl Marx và Engel từng chỉ rõ: Chỉ có thể đặt vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội khi đã có điều kiện, đó là một nền sản xuất mang tính chất xã hội sâu sắc, gắn liền với một giai cấp công nhận sản nghiệp đông đảo. ở ta cả hai điều kiện ấy còn lâu mới xuất hiện! Cái bệnh duy ý chí tai hại là ở đó. Hơn nữa chủ nghĩa xã hội trên thực tế đã và đang phá sản rõ rệt rồi!. Nó không còn sức sống qua thử thách khắt nghiệt của thực tiễn. Trong " Bản kiến nghị của một công dân" tôi đề nghị đổi tên nước vì tên gọi " nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hiện nay là không thích hợp. Lấy tên: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhiều người cho là quay trở về với cái cũ, không nên - Lấy tên nước Việt Nam Cộng Hòa cũng lại là quay về cái cũ khác. Cho nên có lẽ lấy tên nước Việt Nam (Etat du Viet nam) là ổn, vừa gọn, vừa rõ. Cần dũng cảm và thông minh nhìn thật rõ, thật sáng: nước mình đang đứng ở đầu, ở thời điểm và hoàn cảnh nào, theo định hướng nào. Tập trung xây dựng nền dân chủ thật rõ là dân chủ, một nền kinh tế dân tộc trên cơ sở quyền hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, và tự do kinh doanh là chính (nhà nước vẫn giữ một số ngành then chốt nhưng không ôm đồm). Còn đối với chủ nghĩa xã hội thì nhiều lắm cũng chỉ nên ghi là " theo định hướng xã hội chủ nghĩa", hay " sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa cho bước phát triển tiếp theo". ở nước ta có chủ nghĩa xã hội đâu mà sợ mất! Đã có chủ nghĩa xã hội đâu mà gọi là bước thụt lùi! Chũ nghĩa xã hội, một kiểu chủ nghĩa xã hội khoa học, có đầy dự tính dân chủ và nhân đạo- sau này dù có chăng nữa, thì lúc này vẫn còn là ở phía trước khá xa xăm. Về chuyên chính vô sản cũng vậy. Ta nêu lúc này là rất không thiết thực, lạc lõng. Khái niệm này được đưa vào Hiến pháp năm 1980, chẳng có ý nghĩa gì thiết thực. Nó có tính chất giáo điều. Thì cứ nói xây dựng chính quyền vững mạnh là được, xây dựng nhà nước pháp quyền, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thế là đủ, là rõ. Có lần tôi vào thành phố Hồ Chí Minh. Mấy anh đạp xe xích lô bảo: " Chúng tôi là vô sản đây. Chính quyền đâu có bênh vực vô sản! Các ông ấy coi bộ thù ghét vô sản dữ! " Cuộc sống vô sản thật bần cùng, kiệt quệ hơn dưới các chế độ cũ nhiều! Tình hình như vậy mà nói giai cấp vô sản nắm chính quyền, đảng của giai cấp vô sản, rồi chuyên chính của giai cấp vô sản, thì thật gượng gạo và trớ trêu!. Nếu như dân chủ hóa đời sống chính trị của xã hội là yêu cầu bức thiết về chính trị thì thực hiện đa nguyên chính trị là vấn đề then chốt của yêu cầu ấy. Không giải quyết vấn đề này thì đảng cộng sản càng mất uy tín, lòng dân không yên và tư thế trước thế giới của đất nước ta vẫn còn kẹt cứng. Đa nguyên đã là hiện thực rõ rệt trong cuộc sống. Nhiều chế độ sở hữu là đa nguyên về quan hệ sản xuất. Luật pháp bảo hộ quyền làm ăn chính đáng của nông dân làm ăn riêng lẻ, của nông dân hợp tác hóa, của thợ thủ công cá thể hay hợp tác, của công nhân các xí nghiệp tư nhân và quốc doanh, đó là đa nguyên về quyền lợi. Luật pháp bảo hộ tự do tín ngưỡng của mọi tôn giáo là đa nguyên về nhân sinh quan...Mọi phong cách, trưởng phái của văn nghệ sĩ được tôn trọng là đa nguyên trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật...Đa nguyên gắn bó với dân chủ. Đa nguyên chính trị dẫn đến đa đảng, là hướng đi tất yếu của xã hội dân chủ. Hiến pháp của tất cả các nước dân chủ đều ghi rõ: quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, lập hội (lập chính đảng) của công dân. Hiến pháp của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tháng 12. 1980 ghi rõ trong điều 67:" Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân". Rõ ràng phần chân lý ở đoạn trên, còn cái đuôi:" phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội " là đặt điều kiện để hạn chế quyền công dân kể trên. Còn "phù hợp với lợi ích của nhân dân " thì rõ ràng không thành vấn đề, vì người công dân càng có đầy đủ quyền lợi thì càng có nhiều lợi ích. Hạn chế quyền công dân chính là hạn chế lợi ích của họ. Văn kiện đại hội 7 có đoạn viết: " trong điều kiện nước ta hiện nay không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghiã là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản đông phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều nhân dân dứt khoát không chấp nhận (trích báo cáo của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). Đây là vấn đề sai lầm rất lớn, mang tính ngụy biện của đại hội 7. Đây là điểm ví phạm rõ nhất Hiến pháp, cũng là thái độ vi phạm nền dân chủ một cách ngang nhiên và công khai nhất. Họ lại lạm quyền nói thay nhân dân. Văn kiện lập luận rằng:" không phải có nhiều đảng chính trị là có dân chủ, và không phải có một đảng là không có dân chủ ". Lập luận này chỉ đúng một nửa, nửa trên đúng. Còn nửa dưới sai. Cần chỉ rõ một chân lý chung nhất: dân chủ chỉ có thật khi công nhận nhiều tiếng nói, nhiều tổ chức, nhiều đảng phái. Hiến pháp công nhận quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do lập hội là mặc nhiên công nhận chế độ đa đảng. Vì trong xã hội có nhiều tư tưởng thì ắt dẫn đến có nhiều tổ chức chính trị một cách hợp lý. Trên thế giới hầu hết các nước đã thực hiện chế độ đa đảng. Những nước xã hội chủ nghĩa cũ hay ở trong thế giới thứ ba đã lần lượt chuyển sang chế độ đa đảng. Đó là Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bulgarie, Hungari. Cho đến Nam Tư, Albanie, Mông Cổ đều thực hiện chế độ đa đảng. Phi châu cũng thực hiện chế độ đa đảng. Họ đi vào đường mù quáng sai lầm cả ư? Không! trái lại, chế độ độc dang là nguyên nhân của tình trạng độc đoán, quan liêu, xa rời thực tế tai hại. Vấn đề cần bàn bạc kỹ lưỡng ở nước ta là thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng như thế nào cho tốt đẹp, là chuyển từ chế độ độc đảng sang chế độ nhiều đảng sao cho thuận buồm xuôi gió, không gây nên hỗn loạn xã hội. Vấn đề là ở chỗ đó, chứ không phải là lắc đâu nguây nguẩy, một mực từ chối đa nguyên chính trị trong tâm lý sợ hãi. Cần giữ niềm tin ở nhân dân, ở công dân nước ta. Cần hiểu sâu sắc nhân dân Việt Nam có trình độ chính trị khá vững vàng, có truyền thống đoàn kết và nhân ái rất tinh tường, phân biệt ai có thiện chí đối với đất nước, ai đi ngược lại lợi ích của dân tộc và nhân dân. Nhân dân là trọng tài minh mẫn, nắm trong tay lá phiếu - quyền phán xét chuẩn xác. Họ có đủ sáng suốt để vạch mặt chỉ tên những kẻ có dã tâm gây rối, những kẻ mỵ dân...Luật pháp cần phải nghiêm để trừng trị kịp thời những kẻ cố tình gây bạo loạn. Quá trình dân chủ hóa chính trị phải dứt khoát đi vào con đường đa nguyên. Giống như dân chủ hóa kinh tế phải dứt khoát đi vào con đường sản xuất hàng hóa và thị trường. Hai quá trình ấy gắn bó chặt chẽ, tạo điều kiện thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Điều hợp lý là nghĩ đến phương án đi thận trọng từng bước. Nên vận động, thuyết phục hoặc có những quy định dân chủ để bước đầu chỉ nên có vài tổ chức chính trị xuất hiện. Nhân dân ta có truyền thống văn hóa sâu đậm. Đất nước Việt Nam là đất nước văn hiến lâu đời. Đối xử giữa những tổ chức chính trị sẽ có nhiều khả năng là sự đối xử lịch sự, có văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, đối thoại, tranh luận trong không khí ôn hòa, bình đẳng và trung thực. Đối lập trong xây dựng và đấu tranh thẳng thắn với nhau, chứ không phải đối lập trong sống mái và sát phạt lẫn nhau. Thực hiện được như vậy, cuộc sống chính trị của nhân dân ta sẽ bước một bước khá dài trên con đường dân chủ hóa. Lợi thưc tế là rất lớn. Lòng dân sẽ yên. Trí tuệ của nhân dân sẽ được phát huy. Đảng cộng sản sẽ có điều kiện để xét lại mình, rũ bỏ được những sai lầm và cố tật, có thể khôi phục được niềm tin trong lòng dân (chứ không phải chỉ ghi bằng chủ nghĩa trong điều 4 của Hiến pháp). Sinh hoạt chính trị và kinh tế sẽ khởi sắc và tiến bộ. Một xã hội luật pháp được hình thành. Nhân dân tự tin, có trách nhiệm, thận trọng, đắn đo lựa chọn người đại diện cho mình, điều mà gần 50 năm nay họ không thực hiện được vì không có sự tự lựa chọn, các cuộc bỏ phiếu đều hình thức, không có thực chất. Qua quá trinh dân chủ hóa như trên, nhân dân có quyền tự lựa chọn nhân tài cho đất nước. Chính quyền do dân và vì dân sẽ không còn ở trên giấy mà đi vào cuộc sống. Tôi xin nhắc lại: phản đối và bác bỏ đa nguyên, đảng cộng sản đã vi phạm tinh thần và lời văn của Hiến Pháp nước ta, tỏ ra không tin ở nhân dân, trốn tránh sự phán quyết công minh của cử tri và tạo nên một tư thế chính trị rất yếu kém của đất nước trước cộng đồng thế giới. Sắp tới, ở Campuchia sẽ thực hiện đa nguyên chính trị, với cuộc tranh cử tự do của các phe phái đối lập để lập nên chính phủ liên hiệp. Điều này hợp với trào lưu chung của thế giới. Một hướng chính trị quan trọng là sau 30 năm chiến tranh ở nước ta, nên quan tâm xây dựng hòa bình, đoàn kết và hòa hợp, dân chủ và nhân ái. Chiến tranh đã chấm dứt, nhưng di chứng nó để lại khá sâu trong nội tâm mỗi người. Người chiến thắng, kẻ chiến bại, người chính nghĩa, kẻ phản động, người cộng sản, kẻ quốc gia, người là chính, là phải, kẻ là tà, là ngụy...Cần làm tất cả để những vết thương lòng kín thành sẹo, Việc ra đi dai dẳng, không sao chấm dứt được của hàng trăm, hàng ngàn" thuyền nhân " mỗi tháng bất chấp hiểm nguy ngoài biển cả phải là nỗi lo âu của cả nước. Chương trình ra đi có trật tự ODP và chương trình ra đi nhân đạo HO (có thể đi đến gần nửa triệu người) là điều không bình thường. Họ phải gạt nước mắt rời bỏ tổ quốc một cách miễn cưỡng, cho thấy những vết thương chiến tranh của dân tộc ta vẫn còn rỉ maú, và còn lâu mới thành sẹo. Đã có người đặt chân lên đất Hoa Kỳ được vài ngày thì tự vận vì cảm thấy cuộc sống bơ vơ, gay gắt không như họ hy vọng. Biện pháp để giải quyết vấn đề trên đây là chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc sâu sắc (tuy quá chậm còn hơn không) thấm nhuần đạo lý và lòng nhân ái của dân tộc, nêu lên quyền bình đẳng về nhân cách và quyền lợi của mọi công dân, bất cứ quá khứ ra sao. Để những người miễn cưỡng định ra đi có thể lựa chọn sự ở lại, cùng chung lòng, chung sức xây dựng đất nước mình, giữa tình thương yêu của đồng bào mình. Hãy xóa bỏ và gạt sang một bên những tỵ hiềm, những thù oán do lịch sử để lại. Những định kiến của người phía bên này đối với người phía bên kia cũng nên gác lại. Hãy nhìn nhau, mặt đối mặt, như những anh em ruột thịt. Hãy coi nhau như những người con cùng một tổ tiên, cùng ông bà, cha mẹ. Sự đối địch dù sao cũng chỉ là tạm thời, do hoàn cảnh lịch sử chi phối, một phần do những lực lượng bên ngoài. Những cảnh giết hại lẫn nhau, bắn chém nhau chỉ là bất đắc dĩ. Chẳng khác gì trên cùng một cơ thể, tay trái, tay phải đánh đấm, cào cấu nhau, đâm chém nhau vậy. Đã đến lúc hồi tỉnh, bình tâm nhìn lại tất cả. Để những người lương thiện của 2 bên đi đến hiểu nhau, nhân ái và độ lượng, tương kính và khoan dung, với ý nghĩa chung: mỗi bên đã yêu nước bằng những cách khác nhau, nay vẫn là lòng yêu nước gắn bó nhau trở lại để bắt tay vào xây dựng lại đất nước hoang tàn, vì cuộc sống của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Cố gắng đạt đến một sự thỏa thuận chung là chấm dứt đả kích, moi móc, nặng lời với nhau, chung sức, chung lòng xây dựng tương lai. Chủ trương đoàn kết, hòa hợp ấy được thực hiện sẽ làm cho nhân dân cả nước phấn chấn, gần 2 triệu người Việt ở nước ngoài yên lòng. Một không khí hòa giải sẽ xuất hiện, cổ vũ những người có tài năng và tâm lòng ở trong và ngoài nước đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp phục hưng tổ quốc. Đối với bà con Việt kiều ở hải ngoại những cuộc vận động tiếp sức cho sự phát triển của tổ quốc sẽ mang quy mô rộng, hiệu quả cao, không rời rạc, ngập ngừng như hiện nay. Những chất xám Việt Nam ở nước ngoài có giá trị cao sẵn sàng trở về (một thời gian hay về hẳn) để đóng góp cho đất nước những trí thức, kinh nghiệm về quản lý, kinh doanh, khoa học kỹ thuật quý báu. Nỗi bất hạnh xa rời tố quốc, của hàng triệu con người được chuyển thành một lợi thế độc đáo, thu hút những tài năng trở về giúp nước, tăng chất lượng, tốc độ phát triển của đất nước. Về chính sách đối ngoại, cần kiến trúc lại cho thích ứng với những thay đổi cực kỳ lớn lao đã diễn ra trên thế giới trong thời gian gần đây. Phải đưa đất nước Việt Nam ta hòa nhập vào cộng động quốc tế. Phải thoát ly dứt khoát khỏi sự phân chia giáo điều cũ kỹ:" hai phe, bốn mâu thuẫn"...Phải tỉnh táo gác bỏ kết luận về" nội dung cơ bản của thời đại ngày nay là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới ". Đó là kiểu nói lấy được, chủ quan, không có cơ sở thực tiễn, cũng như kiểu nói cố đấm ăn xôi rằng, chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết vậy. Hội nhập với thế giới thì phải thực hiện những gì ta đã cam kết khi gia nhập. Liên Hợp Quốc. Chủ động và tự giác mà thực hiện. Trước hết về quyền con người, về quyền công dân. Sẽ không còn công dân nào bị bắt bớ, bị giam cầm hay bị quấy rầy do những quan điểm, tư tưởng thuộc ý thức hệ này hay ý thức hệ khác. Hãy từ bỏ sự cưỡng bức về nhận thức và tư tưởng, ví dụ như sự khẳng định yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội. Mỗi công dân có quyền suy nghĩ và có nhận thức riêng của mình qua sự xét đoán của chính mình. Không ai có quyền gò ép cả. Không thể dửng dưng, vô trách nhiệm bất chấp dư luận thế giới phủi tay trước hàng mấy trăm trường hợp từ ủy viên trung ương, cán bộ cao cấp, tướng tá cho đến công dân thường bị xử oan, bị án oan, án giả, quy chụp, tù đàng trong suốt mấy chục năm qua. Sòng phẳng và công bằng trả lại tư do cho tất cả những người đang bị bắt giữ, bị giam tù vì những quan niệm chính trị hay tôn giáo của họ. Hiện nay Việt Nam mang cái tiếng là nước vi phạm nhân quyền, nước vi phạm quyền công dân vào loại cao nhất! Hàng loạt vụ án chính trị " chống đảng ", " xét lại" " chống chủ nghĩa xã hội ", "phản động "...cần có một tổ chức pháp lý kết luận lại. Phải minh oan cho những người bị xử oan. Phải đính chính cho những trường hợp bị giam, bị phạt nặng hơn sự cần thiết. Phải xin lỗi, đền bù những tổn thất theo đúng luật. Làm được những điều ấy, không những nhà cầm quyền không mất uy tín mà còn được hoan nghênh. Nhân dân và cả thế giới trông đợi. Im lặng, ỉm đi thì lòng dân không sao yên được, công bằng xã hội chỉ là nói hão, trên giấy. Cả thế giới tiến bộ không chấp nhận thái độ bất nhân. Cần chủ động đi những bước lớn, thật lòng hòa giải với những kẻ thù cũ: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc và những đồng minh của các nước này. Cần tìm ra những sáng kiến để sớm đi đến bình thường hóa một cách tốt đẹp nhất, có lợi cho các bên, đồng thời trên nhiều hứơng. Quan hệ với Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Trong vấn đề tù binh chiến tranh (POW) và người mất tích khi làm nhiệm vụ (MIA), có biện pháp để chủ động xóa tan những hoài nghi. Tất cả những tù binh phía Việt Nam giữ đã trao trả hết cho phía Hoa Kỳ sau Hiệp định Paris. Trường hợp anh lính Garwood tự nguyện ở lại, đến 1979 mới về Mỹ là trường hợp duy nhất. Hài cốt lính Mỹ tìm ra được đến đâu là giao cho phía Hoa Kỳ. Những tin tức về tù binh Mỹ vẫn còn ở Việt Nam là thất thiệt, là những tin đồn có động cơ không lành mạnh, hoặc do những lầm lẫn. Tôi đã theo dõi khá chặt vấn đề tù binh Mỹ ở miền Bắc và đã viết một cuốn sách về họ. Tôi đã gặp khá nhiều tù binh Mỹ từ năm 1967 đến năm 1973 và thường xuyên tiếp xúc với cơ quan của Bộ Quốc Phòng phụ trách vấn đề này. Tôi khẳng định dứt khoát và có cơ sở là hoàn toàn không còn một quân nhân Mỹ nào còn sống ở Việt Nam cả. Tôi khẳng định điều này trên tinh thần thông cảm sâu sắc và tôn trọng tình cảm của những gia đình, thân nhân của các quân nhân Mỹ bị mất tích, mà chưa có tin tức về trường hợp hy sinh của họ. Không thể để cho những gia đình ấy sống trong tình trạng phấp phỏng, hoài nghi và hy vọng không có chút cơ sở thực tế, để rồi sẽ bị thất vọng một cách đau khổ. Tôi đề xuất một cách làm: phía Việt Nam đồng ý để phía Mỹ, những đại diện của chính quyền Mỹ đại diện của những gia đình quân nhân Mỹ bị mất tích tự do đi đến những địa phương mà họ muốn làm công tác điều tra cần thiết. Phía Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, hợp tác với phía Mỹ một cách thành thật, vô tư, không chút vụ lợi. Bất cứ chi tiết nào phía Mỹ nêu ra về vấn đề nào cũng sẽ được phía Việt Nam đón nhận, chung sức làm sáng tỏ trong khả năng cố gắng cao nhất. Trong vấn đề Campuchia (là một điểm then chốt trong quan hệ Việt-Mỹ), cần công khai, sòng phẳng theo lập trường hoàn toàn tôn trọng độc lập, chủ quyền của Campuchia, để người Campuchia giải quyết với nhau vấn đề của nước họ, với sự giám sát của Liên Hợp Quốc, của Hội Đồng Bảo An. Nhân đây cũng cần nhận rõ: chúng ta đã để bộ đội Việt Nam quá lâu ở Campuchia là sai lầm (gần 10 năm), hơn 100. 000 thương binh Việt Nam do cuộc chiến tranh này gây ra, cần có chính sách chăm lo một cách chu đáo. Một số khá đông anh em bị cụt chân. Cần công khai xin lỗi phía Campuchia về việc làm sai trái của một số chuyên gia Việt Nam ở bên đó (từ năm 1979 đến năm 1990), những việc làm bao biện, mang ý thức nước lớn, gia trưởng, thiếu tôn trọng chủ quyền nước bạn, kể công...Cũng cần khẳng định rằng việc đưa bộ đội vào Campuchia là cần thiết và chính đáng, nhầm bảo vệ an ninh của đất nước mình, đồng thời để cứu một dân tộc khởi bị tàn sát. Nhưng sau đó chủ trương xây dựng một liên minh đặc biệt của ba nước Đông Dương mang tính chất chủ quan, lỗi thời, không thích hợp với tình hình đang phát triển, gây căng thẳng không cần thiết trong khu vực. Việc này bị thế giới lên án rất mạnh mẽ và do đó Việt Nam bị cô lập kéo dài. Chủ trương đoàn kết, hòa hợp với những người Việt Nam với nhau (trước kia ở hai trận tuyến) gắn liền với chủ chương thật lòng hòa giải với nước Mỹ. Nên đặt vấn đề với Hoa Kỳ trên tinh thần nhân đạo cùng phối hợp chăm sóc những nạn nhân chiến tranh ở cả hai miền, thuộc cả hai phía trong chiến tranh. Cùng phối hợp chăm sóc các thương binh, những người tàn tật, những gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh, những cựu sĩ quan, những công chức về hưu (của cả hai phía). Hoàn cảnh lịch sử đã dẫn đến cuộc đụng đầu giữa Hoa Kỳ và Việt nam, mang lại những tổn thất to lớn về người và của cho cả hai bên. Có những mất mát không gì hàn gắn được. Nay đã đến lúc dứt khoát giở sang trang khác trong mối quan hệ giữa hai nước. Hãy xây dựng giữa nhân dân hai nước một tình bạn lâu bền và sâu sắc. Từ năm 1988, tôi viết bài nói quan hệ Việt-Mỹ, duyên hay là nợ? theo tinh thần này. Hãy mở rộng quan hệ giữa những cựu binh, kể cả thương binh, giữa văn nghệ sĩ với nhau, giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, giữa các tổ chức phụ nữ, thanh niên, lao động, công đòan của hai nước, dựa trên lòng tin và tình bạn. Luận điệu cho rằng hiện nay đế quốc Mỹ và phản động đang tập trung sức để lật đổ chính quyền ở Việt Nam là một luận điệu chủ quan, mang nặng tâm lý suy diễn, hoảng hốt, mang dấu ấn của thời kỳ đối địch đã thuộc về quá khứ. Thật ra chính giới Hoa Kỳ cũng chỉ mong cho nước Viêt Nam ổn định, dân chủ hóa đồng bộ cả về chính trị và kinh tế, gia nhập một cách thuận lợi vào cuộc sống của cộng động thế giới. Mong muốn ấy phù hợp với ước vọng của nhân dân ta. Khi đất nước ta đi vào con đường dân chủ hóa, đoàn kết hòa hợp dân tộc, nên nghĩ đến việc chủ động mời tổng thống Mỹ, tổng thống hoặc thủ tướng Pháp, thủ tướng Nhật Bản và Trung Quốc, mời Đức Giáo Hoàng viếng thăm nước ta để có thể tìm hiểu rõ tình hình, thấy tình cảm mới mẻ của nhân dân ta giành cho những nước vốn là thù địch. Việt Nam không bao giờ để lòng để dạ những mối thù trong quá khứ. Chúng ta chủ động tạo nên những điều kiện để tranh thủ đầu tư quy mô lớn, cũng như sự giúp dỡ cho vay của các nước và các tổ chức quốc tế như ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ thế giới (IMF). Trong không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Việt Nam nên sớm mời một số chuyên gia quốc tế am hiểu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị công nghiệp, quản lý kinh doanh, quản lý thị trường, luật pháp, tư nhân hóa, áp dụng công nghệ mới, chuyển giao kỹ thuật...đến cùng chuyên gia ta lập các phương án về sản xuất, quản lý, kinh doanh, đào tạo cán bộ chuyên ngành theo những nội dung và tiêu chuẩn của thế giới. Một chuyên gia kinh tế Nhật Bản nhận xét rằng: Việt nam vẫn chưa từ bỏ bệnh chủ quan ngay trong đại hội 7. Các đại biểu khi giơ tay biểu quyết đến năm 1995 đất nước nhất định sẽ căn bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tài chính, chỉ biểu lộ một quyết tâm, một mong muốn chủ quan không có cơ sở. Tính khả thi, lại giống như nghị quyết của các đại hội trước, là hoàn toàn đáng ngờ! Quả nhiên ngay sau đại hội, giá vàng, giá gạo, giá đô-la đều tăng vọt, bất chấp những quyết định vừa được biểu quyết!...Nghị quyết một đàng, cuộc sống đi một nẻo. Khi có lòng tin cậy nhau, chính phủ dân chủ thật sự do dân và vì dân có thể thẳng thắn trình bầy với các nước quan tâm đến tình hình nước ta về thực trạng của đất nước mình, số dân, số lao động, số thất nghiệp, số người tàn tật, số thương binh nặng (của cả hai phía), số trẻ em suy dinh dưỡng...Tình trạng nền kinh tế, giáo dục của nước ta. Thực trang hạ tầng cơ sở. Những vấn đề cấp bách cần ưu tiên giải quyết, vấn đề tài chính, ngân hàng, vấn đề nợ nước ngoài, những ý kiến đề xuất của ta, của các chuyên gia quốc tế. Theo những tính toán sơ bộ của những chuyên gia am hiểu của ESCAP (ủy ban kinh tế xã hội châu á và Thái Bình Dương) thuộc Liên Hợp Quốc, trong điều kiện Viêt Nam hiện tại (với thu nhập tính theo đầu người dưới 200 đô la) muốn có bước phát triển vừa phải để khỏi tụt hậu thêm so với các nước láng giềng Đông Nam á thì trong 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần được đầu tư từ 4 đến 6 tỷ đô la (trong năm năm là từ 20 đến 30 tỷ đô la), và năm năm tiếp theo (1995-2000) mỗi năm cần chừng 5 tỷ đến 8 tỷ đô la. Họ cho rằng những con số có vẻ to lớn trên đây là cần thiết, vì Việt Nam đã trải qua chiến tranh quá lâu dài (hơn 30 năm), chịu đựng 10 triệu tấn bom đạn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, hồi phục chưa được mấy. Không có sự giúp dỡ khởi đầu của một số cường quốc thế giới thì khó có thể bước vào thời kỳ phát triển được. Việt Nam cần một kế hoạch như kế hoạch Marshall ở Tây Âu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bảy nước công nghiệp phát triển đang nghiên cưú vấn đề giúp dỡ Liên Xô. Các nước Tây Âu đang nghiên cứu vấn đề giúp dỡ các nước Đông Âu (qua ngân hàng BERD chẳng hạn). Một số chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên cấp bách: dựng dậy hệ thống giáo dục đang xuống cấp nhanh (cơ sở đào tạo nhân tài và truyền bá kiến thức), dựng dậy hệ thống y tế cũng đang xuống dốc, kể cả việc khắc phục nạn suy dinh dưỡng trẻ em với diện rộng (cơ sở của sức khỏe, sức lao động của nòi giống Việt Nam), củng cố hệ thống giao thông vận tải đã xuống cấp nhanh, quá lạc hậu (đường xá, cầu và cảng...), những yêu cầu ấy đều có tính chất SOS - cấp cứu! Chỉ có mời những chuyên gia quốc tế am hiểu các lĩnh vực, giầu kinh nghiệm mới có thể đề ra những kế hoạch khả thi, có cơ sở khoa học và khi thực hiện mới thuận lợi. Đã đến lúc cần thiết đề xuất việc lập ra một Quỹ phát triển Việt Nam (Fund for development of Viet Nam) hoặc một ngân hàng phát triển Việt Nam (Bank for development of Viet Nam, BDV), tập trung các nguồn tài chính, phân phối, điều hòa, kiểm tra việc chi tiêu, dưới sự quản lý điều hành của chính phủ Việt Nam cũng đại diện một số tổ chức quốc tế. Hiện nay Việt Nam mới nhận được sự hợp tác và đầu tư nước ngoài có giá trị gần 2 tỷ đô la (trong đó mới có 400 triệu đô la là được thực hiện) là quá thấp nếu so sánh với số dân đã lên tới 67 triệu (Tính theo đầu người, mỗi người chưa đạt được tới 40 đô la trên ký kết và trên thực hiện mỗi người chưa đạt 6 đô la). Ngay khi dầu hỏa khai thác, mỗi năm đạt chừng 2 tỷ đô la tiền lãi, thì mỗi đầu người cũng mới chỉ vẻn vẹn chưa đươc 30 đô la. °