VẤN ĐỀ NỘI TÂM

Tinh thần tu tập của đạo Phật thường được bắt đầu bằng tinh thần tỉnh giác. Trong nhà thiền, các thiền tổ hay nói tu mà không tu, chứng mà không chứng. Nhưng hiện tại chúng ta chưa đến chỗ thấu triệt ấy, cần phải có công phu, tức là phải có tu nhưng không kẹt chấp vào sự tu ấy. Đây là vấn đề nội tâm cần phải chín chắn tế nhị mới không bị lầm lạc.
Khi nói đến tu thì sự tỉnh giác là điều kiện đầu tiên làm bàn đạp cho chúng ta tiến lên. Tinh thần này có hay không do tự ta gầy dựng, không phải tìm kiếm bên ngoài hoặc do ai tạo. Người xưa nói “Lau bụi chớ không lau gương”, lau bụi bặm bám trên gương để gương được sáng, không có bụi thì gương sáng. Gương sáng ở đây muốn nói là trí tuệ. Như vậy tỉnh giác sáng suốt là cái có sẵn nơi chúng ta, cũng giống như gương vậy. Sở dĩ mình không sáng được là tại vì bụi bám, vì không tỉnh. Thành ra yêu cầu trước tiên của người tu là phải tỉnh.
Làm sao lúc nào ta cũng tỉnh, đừng để gương bị bụi bám là mình có tu có sáng. Nhìn vào công phu tu hành, tự chúng ta có thể khám nghiệm biết mình tu tốt hay không tốt. Nếu ta thường tỉnh, không để bụi mờ bám trên gương tâm của mình là có tu. Còn dù ta nói Tu, mà không tỉnh, để bụi phủ kín trên gương thì chưa phải thật tu. Hằng ngày trong mọi sinh hoạt, những dấy niệm của chúng ta giống bụi mờ đó, nếu biết nó là bụi, ta buông đi thì lòng tự sáng. Đó là tu thiền. Căn cứ trên từng tâm niệm của mình, với một tinh thần tỉnh giác cao độ, vừa có dấy niệm gì, ta phủi đi, buông đi, tức là có tỉnh sáng. Chúng ta không để những thứ bụi bặm dấy niệm làm tâm bị khuất lấp. Như vậy dần dần trí tuệ soi chiếu sáng tỏ.
Trong kinh Lăng Nghiêm dẫn chuyện anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, mỗi ngày anh cứ nhìn vào gương, thấy dáng vẻ mình trong đó cho là đẹp, là thật. Nhìn quen như vậy nên anh quên mất con người thực của mình. Đến một hôm chiếc gương bể, không còn nhìn thấy đầu mặt mình nữa, anh hoảng hốt ôm đầu chạy la mất đầu. Ví dụ cho thấy chúng ta cũng vậy. Hằng ngày, trong từng phút giây mình không tỉnh, sống lan man để dấy niệm lăng xăng, tức bụi bám bên ngoài phủ lên. Lâu ngày quen thuộc với vọng niệm như thế, ta tự nhận đó mình thật. Để rồi một hôm nào đó choàng tỉnh ra, tức là khi bị mất mát những bóng dáng lâu nay ta cho là mình hay của mình, thì hốt hoảng vì không thấy nó nữa. Bấy giờ ta tưởng đã mất mình.
Bởi chúng ta chỉ nhận toàn những thứ bên ngoài giả tạm cho là mình thật, đến một lúc nào đó nó tan rã mình khổ vì nghĩ là đã mất mình. Vì vậy nên chúng sanh khổ và khổ mãi thôi. Người xưa luôn luôn nhắc nhở ta, đừng bao giờ nhận cái bóng mà quên cái thật. Nếu người nhận bóng quên cái thật là người không nhận cái tâm của mình. Đó không phải là người tỉnh, người sáng suốt.
Bóng là những gì? Tức những hiện tượng lăng xăng trước mắt chúng ta. Chúng chỉ là bóng dáng hư huyễn, không tồn tại lâu dài. Luôn cả cái thân của chúng ta cũng không tồn tại mãi. Thế nhưng mình cứ nhận những thứ đó là thật, là mình, của mình, vì vậy mới khổ. Phật bảo người nghĩ tưởng như vậy là người mê, không có trí tuệ. Nhân khổ đã tạo thì quả khổ nhất định chuốc lấy, không ở đâu xa.
Có hai nỗi khó khăn đối với người tu chúng ta. Thứ nhất là nhận những thứ bên ngoài, như hoàn cảnh hay thân này là thật của mình. Thứ hai là lầm chấp những suy nghĩ, toan tính bên trong là tâm mình. Rõ ràng lúc nào chúng ta cũng bị vướng hai thứ lầm chấp này nên bị trở ngại trong việc tu đạo. “Tôi nghĩ như vầy”, “Tôi tính như vầy”, “Tôi sắp đặt như vầy”... Lúc nào cũng có một cái khung cứng chắc vây hãm lấy ta, nó làm cho mình không có lối thoát. Tâm vọng tưởng luôn suy nghĩ lăng xăng ấy khống chế và lôi ta đi trong sanh tử từ đời này sang đời khác. Người xưa nói kẻ nào để cho vọng tưởng bu bám như vậy là vô minh.
Do vô minh chấp thân này thật, tâm này thật, từ đó có thói xấu khen mình chê người, tạo nghiệp oan trái nhiều đời với nhau. Có những tai hại như vậy. Thành ra chấp ngã là một thứ chấp rất khó phá, nếu ta không công phu tu hành sâu dày khó có thể phá được. Tuy nhiên, nếu người đầy đủ tỉnh lực, không bảo thủ ngã kiến, mở sáng con mắt trí tuệ thì người đó có thể phá vỡ được những lầm chấp này bằng trí tuệ sáng suốt của mình. Dĩ nhiên chúng ta chưa có đạo lực nhiều thì việc phá chấp về thân là chuyện khó. Nhưng chấp tâm, lại còn khó hơn nữa, cả hai đòi hỏi phải có công phu. Phật tử chúng ta phải có công phu tu hành như thế nào để trị được hai căn bệnh vô minh này là xong việc.
Nói như vậy để chúng ta thấy việc tu hành chỉ là chuyển mê thành giác. Còn lầm tức là mê, hết lầm tức là giác, hai cái này không có biên cương. Khi ta còn bám giữ bất cứ thứ gì tức là còn lầm, buông được là tỉnh giác, chỉ trong chớp nhoáng thôi. Ngược lại chúng ta cứ lầm mê, chấp thủ mãi không chịu buông ra thì vô minh ngàn đời không có lối thoát. Chúng sanh với Phật đồng một thể tánh, không sai khác nhưng chỉ vì mê nên ta là chúng sanh, còn các Ngài giác nên là Phật, Bồ-tát. Khi thành Phật rồi, không có ông Phật nào khác ngoài ông chúng sanh vừa mới hết mê này. Hiểu rõ như vậy tu hành mới không quanh quẩn hoài công.
Tánh giác là gì? Là cái sáng suốt sẵn có nơi mỗi chúng ta, nhưng phải bỏ hết những vọng niệm lăng xăng nó mới hiện ra. Chữ mê cũng có nghĩa là quên, quên tánh giác của mình. Tánh giác ta có sẵn nhưng lâu nay bỏ quên, bây giờ muốn đừng quên thì phải tỉnh, tỉnh để nhận lại. Nhận được ông chủ rồi mới là sống yên ổn, đầy đủ chủ quyền, không còn bị ai gạt gẫm lôi kéo nữa. Nhận được ông chủ trong nhà rồi, ta không lầm bởi những người khách lăng xăng. Nếu là chủ thì không có lăng lăng xăng, khách có tới lui xuôi ngược, nhưng chủ thì ngồi yên một chỗ.
Việc tu hành của chúng ta cũng vậy. Ở đây nhắm thẳng vào tánh giác, vào ông chủ. Chúng ta nhận được tánh giác, nhận được ông chủ, sống được với tánh giác, với ông chủ tức là không còn bị ngược xuôi bởi khách trần phiền não nữa. Việc tu hành của chúng ta hiện nay cũng như là người lạc đường muốn trở về nhà vậy. Từ lâu mình lạc bước, cứ lầm chạy mãi không biết ngày nào mới có cơ hội quay về. Chợt một hôm ta có cơ hội nhận lại dấu vết cũ và muốn quay về. Vì vậy ta phải tìm cho đúng đường xưa lối cũ để không bị lạc nữa. Phăng tìm đó là tức là nhận lại tánh giác của mình.
Như ở trước cổng Thường Chiếu, quí vị muốn đón xe về thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng khi ra cổng, lại đón xe ra Vũng Tàu. Vậy đó, lên xe rồi, còn lớn tiếng cho mọi người biết rằng “Tôi không phải là người không biết đường, tôi thuộc lòng đường về thành phố Hồ Chí Minh, tôi không thể đi lạc được!”. Dù gào thét, nhưng với việc lên xe ra Vũng Tàu như vậy cũng đủ cho thấy kẻ đó chưa hề biết đường. Kết quả chắc chắn họ sẽ đi lạc.
Ở đây tôi muốn nói người lạc bước, nếu có cơ hội chợt nhận ra mình đã đi lầm thì dừng lại ngay, đừng tiếp tục đi nữa. Nếu cứ cất bước, cứ lạc mãi thì không biết chừng nào mới quay về được. Chỗ này hết sức quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải có một cái nhìn chín chắn. Bởi vì giữa tỉnh và mê không có biên cương. Nếu chúng ta tỉnh thì liền tỉnh, giác thì liền giác, còn không thì mê, mê mãi thôi. Mà đã mê thì ai chỉ vẽ cũng không tin, không nghe theo. Do đó mê lại càng mê, không biết bao giờ mới hết mê để quay về bờ giác.
Nói mê là nói căn bản vô minh, còn giác là nhận được ông chủ, phá vỡ căn bản vô minh đó. Thành ra người bắt đầu công phu đòi hỏi phải có cái nhìn sáng suốt, tinh anh, làm sao phá vỡ được căn bản vô minh mới không uổng công phu. Sự giác ngộ này không phải tìm ở đâu mà tự nơi chúng ta thôi. Người giác ngộ là người có trí tuệ, nên nói “Có trí tuệ mới biết sai lầm nhận ra điều chân thật. Trí tuệ là ngọn đuốc sáng, soi phá vô minh tối tăm”. Một khi chúng ta có trí tuệ rồi thì mới nhận biết được những sai lầm lâu nay của mình. Thấy được sai lầm rồi, ta mới không giẫm lên vết cũ. Cho nên việc tu hành cần nhất là thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ.
Lâu nay chúng ta thường nghe nói về tánh giác, nhưng thực sự mình cũng không biết tánh giác là gì? Ở đây, chư Tổ dạy chỉ khi nào giác ngộ, không còn vô minh che lấp nữa mình mới nhận ra tánh giác. Cho nên tánh giác là tính chất giác ngộ của chính chúng ta. Mình nhận được cái đó rồi thì hết khổ. Thế nên giác ngộ là biết mình có tánh giác, đơn giản như vậy thôi. Biết một cách rõ ràng chớ không phải có cảm tưởng mình biết. Bởi vì tánh giác là bản thể chân thật của mình, chớ không phải cái bên ngoài hoặc của ai để ta tưởng tượng về nó. Nhận được bản thể chân thật của mình tức là nhận được tánh giác. Đó là cái gì? Là cái rõ ràng thường biết của chính mình, là tâm.
Như vậy tâm chúng ta là gì? Là cái rõ ràng thường biết đó. Tất cả chúng ta ai cũng có sẵn cái đó hết. Quả thực không ai không biết một cách rõ ràng. Ví dụ bây giờ chúng ta đang ngồi đây, mọi hiện tượng chung quanh ta đều thấy biết rõ ràng. Nghĩa là không có vị nào thấy cái cửa mà nói là cái nhà, thấy nhà mà nói là xe, thấy xe mà nói là cây. Không có chuyện đó, vì tất cả quí vị đều thường biết rõ ràng. Công phu đến giai đoạn này là giai đoạn nhận được tâm mình. “Cái thường biết rõ ràng”. Thế nên lâu nay chúng ta cho cái tâm suy nghĩ lăng xăng hoặc những cảm nhận, tưởng tượng là tâm mình, điều này hoàn toàn sai lầm.
Tâm thường biết rõ ràng này, tuy hay nhận biết mà không có phân biệt, không có chạy theo. Ví dụ tôi đang ngồi đây nói chuyện nhưng vẫn nghe tiếng động của máy nổ, tiếng người, tiếng chim v.v… Nghe chỉ là nghe, vẫn sáng suốt bình thường, không tạp loạn, không chạy theo những tiếng ấy. Nếu chúng ta thường nghe như vậy, đó là nuôi dưỡng được cái thường biết rõ ràng của mình, nuôi dưỡng được tánh giác của mình. Đây là điều chúng ta cần phải nhận và sống đúng như vậy. Lâu nay mình cũng nghe, nhưng nghe cái gì liền phóng tâm chạy theo cái đó. Ví dụ nghe tiếng kèn liền nghĩ kèn của xe nào nên lao ra ngoài xem. Đó là chạy theo tiếng mà bỏ quên tánh thường biết rõ ràng của mình.
Người tu nhất là tu thiền, làm sao phải nhận và sống lại với cái thường biết nơi các giác quan của mình. Bởi vì tâm chúng ta là cái thường biết rõ ràng hồn nhiên, tự tại, sẵn vậy. Ngay đây, nó thấy nghe rõ ràng, không có gì khuất lấp cả, cái đó tất cả chúng ta đều có. Tại sao mình không nhận và sống với nó, lại chạy theo những bóng dáng giả dối tạm bợ bên ngoài? Tóm lại, tâm của chúng ta là cái thường biết rõ ràng, nếu chúng ta sống được với nó thì mình thường biết rõ ràng mà không trôi giạt theo các cảnh duyên bên ngoài nên không khổ.
Trở lại câu chuyện soi gương. Diễn Nhã Đạt Đa lầm nhận dáng vẻ trong gương là mình, đến khi gương bể anh chạy sảng la nói mất mình. Chúng ta có giống như vậy không? Thân này, tâm suy nghĩ vọng tưởng phân biệt này cho là mình. Đến khi nó mất, ta đau khổ vì nghĩ đã mất mình, không ngờ có cái chân thật thường hằng luôn ở bên ta mà mình lại bỏ quên. Vì vậy khi mất thân hoặc mất những gì sở hữu của mình ta đau khổ kêu la, giống hệt như chàng Diễn Nhã Đạt Đa kia. Nếu ngay đây, thức tỉnh biết mình có cái thường biết rõ ràng, tức là tâm chân thật, sống được với nó thì ta đâu còn sợ mất cái tạm bợ hư giả bên ngoài nữa. Sống được như vậy thì con đường luân hồi khổ đau chấm dứt. Đó là kết quả hiện thực của người tu Phật.
Chúng ta ít khi nào chịu sống với tâm chân thật của mình, cứ theo con khỉ vượn lăng xăng, nhăn mặt nhăn mày cả ngày để rồi khổ. Thật tình cái thường biết rõ ràng đó không có vấn đề gì hết. Thấy thì biết, nghe biết, xúc chạm biết rõ ràng. Chúng ta không sống được với cái nhẹ nhàng tinh túy đó, cứ ồ ạt lăng xăng nên dao động bất an hoài. Nỗi khổ lớn của con người phần lớn đều do tưởng tượng suy đoán hoặc lăng xăng ngược xuôi theo các cảnh duyên bên ngoài mà ra. Như vậy nỗi khổ do chính ta gây tạo cho mình, chứ không phải ai gây cho ta cả.
Do đó muốn hết khổ phải ngay nơi mình chuyển đổi, chớ không khẩn cầu ai giải quyết giùm ta hết. Mình tự gây thì bây giờ cũng phải gan dạ tự bỏ. Tóm lại, khổ hay không khổ, giác ngộ hay mê đều do tự mình. Muốn hết khổ thì tự chúng ta dứt khoát cắt đứt sẽ hết khổ, còn đeo đẳng dây dưa thì nhất định còn khổ. Hoặc là ngay đây chúng ta sống được với cái thường biết rõ ràng hồn nhiên giải thoát, hoặc là ta bị mắc mứu bởi cái này cái kia, lăng xăng ngược xuôi cả đời. Đó là việc của chúng ta, mình hoàn toàn có quyền quyết định, không có ai chen vào đó cả. Tu là tự tu nơi nội tâm, tự chiến thắng mình, tự nhận lại cái thực của mình, chứ không phải gì khác ở bên ngoài.
“Thật thể của thân tâm là không tướng mạo, cũng gọi là pháp thân. Hằng giác không mê thì gọi là Bồ-đề. Vĩnh viễn không sanh không diệt thì gọi là Niết-bàn. Nó cũng là chân lý tuyệt đối không bàn nói đến được, gọi đó là đạo. Thể chân thật không đổi gọi là chân như. Cái ta chân thật ngàn đời gọi là bản lai diện mục”. Như vậy cái rõ ràng thường biết đó có nhiều tên gọi. Ở đây nói là thật thể của thân tâm không tướng mạo, tức chỉ cái chân thật của mình không có tướng mạo, gọi là pháp thân. Ta thường nghe nói pháp thân của chư Phật hay pháp thân của mình, đó là cái thật thể của mình. Còn thân này không phải, nó là tứ đại giả tạm. Hằng giác không mê gọi là Bồ-đề. Nghĩa là trong mỗi chúng ta có cái hằng giác không mê, tức là tánh giác. Trong giai đoạn này chúng ta chưa nhận hoặc đã nhận mà chưa sống liên tục với tánh giác, nên có khi giác có khi mê. Vì vậy ta chưa thể sống thực với tánh giác của mình.
Tu tức là phát huy kiện toàn chỗ này, nếu chưa liên tục, chưa hoàn bị ta phải cố gắng tỉnh nhiều hơn. Tánh giác có sẵn mà chưa sống thực với nó là tại mình mê, giống như người có của cải rất nhiều mà quên không biết để ở đâu. Vì chưa nhận lại được nên chưa làm chủ hoàn toàn tài sản ấy. Phật, Tổ dạy chúng ta có tánh giác thường biết thường tri ngay trong mỗi hành động, mỗi cử chỉ oai nghi của mình. Tánh giác ấy tuy không hình tướng nhưng được hiển lộ qua sáu căn, người nhậm lẹ có thể nương đây mà có chỗ vào. Vĩnh viễn không sanh không diệt gọi đó là Niết-bàn, tánh giác này không bị sanh diệt chi phối nên thường ở chỗ vô sanh, rõ ràng như vậy.
Ví dụ như tánh nghe của chúng ta, có khi nào chúng ta không nghe đâu? Có âm thanh thì nghe có âm thanh, không âm thanh thì nghe không âm thanh, chứ không khi nào mình không nghe, trừ khi căn nghe này bị hư ta mới không nghe. Không nghe nơi lỗ tai thì cái hằng biết ấy sẽ hiển lộ rõ hơn ở căn khác, những căn còn tốt, chớ nó đâu có mất. Cho nên quí vị để ý người mù rất thính, người điếc rất nhạy cảm với các cử chỉ hành động do mắt thấy. Tánh thấy, tánh nghe thường trực liên tục, lúc nào cũng như vậy, sẵn sàng trong chúng ta. Đó là gì? Là tánh giác chân thật của chính mình.
Vì tánh giác ấy không có hình tướng, không có ngôn ngữ nên khi được hỏi đến, các Thiền sư thường cho ăn đòn, hoặc trả lời bằng một hình ảnh nào đó, khiến người hỏi không thể vọng tưởng, bám víu thêm vào điều mình đã hỏi. Ví dụ như hỏi: “Thế nào là đạo?”, hoặc “Thế nào là bản lai diện mục?” Ở đây tôi có thể theo dấu các Ngài tạm trả lời: “Bản lai diện mục là cây điều ở trước sân”. Nói để chặt ngang dòng vọng tưởng, chớ không phải nói để bám víu, suy tính ngược xuôi thêm. Đó là lối trả lời của các Thiền sư.
Người tu thiền nhận ra được tánh giác của mình gọi là ngộ. Tôi không khuyên quí vị phải tụng kinh gì, lạy Phật hoặc ngồi thiền ra sao hết, mà chỉ yêu cầu tất cả chúng ta phải nhận ra mình có tánh giác, tức là nhận ra được mình có cái thường biết rõ ràng, đó là tu. Như vậy dễ quá, ai tu cũng được hết. Công phu tu hành này vượt qua tất cả những hình thức, nghi lễ, lề thói thông thường. Nếu nhận ra được nơi mình có tánh giác, đó là quí vị đã ngộ. Biết được ông chủ rồi thì không còn lầm mê nữa.
Lục Tổ Huệ Năng khi xưa nhận ra được bản tâm, Ngài liền thốt lên một loạt những lời thế này: “Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh. Đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt. Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ. Đâu ngờ tánh mình vốn không dao động. Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp...” Nghĩa là khi Ngài nhận ra cái thường hằng của chính mình, Ngài mới biết nó vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, không dao động, vốn tự đầy đủ và lại hay sanh muôn pháp. Bản chất của tánh giác, của tâm chân thật là như vậy.
Thiền sư Qui Tỉnh, có vị tăng vào thất hỏi về “Cây bá trước sân” của Triệu Châu, Sư bảo: “Tôi nói với ông, ông lại tin chăng?” Tăng thưa: “Lời của Hòa thượng là quí trọng, con đâu dám chẳng tin”. Sư bảo: “Ông nghe giọt mưa rơi ở thềm nhà chăng? Vị tăng bỗng nhiên khai ngộ, bất giác la: “Chao!”. Sư hỏi: “Ngươi thấy đạo lý gì?” Tăng thưa trình kệ:
Thiềm đầu thủy đích,
Phân minh lịch lịch.
Đả phá càn khôn,
Đương hạ tâm tức.
Dịch:
Giọt mưa mé thềm,
Rõ ràng từng giọt.
Đập nát càn khôn,
Liền đó tâm dứt.
Khi các Ngài đã nhận ra cái chân thật ấy rồi thì tâm sáng rỡ nhi nhiên, không còn gì lầm lạc nữa, tất cả các pháp hiện ra trước mắt rõ ràng, không lẫn lộn cũng không ồn náo. Bởi khi tâm tịnh thì cõi nước và cảnh giới chung quanh cũng thanh tịnh.
Nói về tánh giác, khi nhận ra rồi thì thật đơn giản. Nhiều vị nói tu hành phải trải qua biết bao khó khăn, chịu đựng gian khổ mới chứng đắc. Thưa đó là vì ta chưa nhận ra được tánh giác của mình thôi, nếu nhận ra rồi sẽ thấy tất cả công phu đều là phương tiện, là hình thức. Người tu không khéo sẽ bị chính sự tu hành cột trói lấy mình. Nếu không nắm vững yếu chỉ tu hành, những phương thức sẽ làm rườm rà thêm, che lấp bản tâm chúng ta. Ví dụ thế này, quí vị lạy Phật thường mặc áo tràng, trước đó thì tắm rửa sạch sẽ rồi mới dâng hương lễ Phật. Nghi thức này đã thành truyền thống, coi như ai cũng chấp nhận. Bây giờ có người tới lạy Phật, họ chẳng mặc áo tràng, cũng không thắp nhang, chỉ lạy bằng tâm thành của họ. Song với những người nặng về hình thức, nhất định không chấp nhận như thế, phải đầy đủ nghi thức đàng hoàng. Đây gọi là bị kẹt vào hình thức, chuyện của người ta mình cũng bị phiền não!
Đạo Phật lấy tâm làm chuẩn. Tâm thành thì Phật chứng, tâm thành thì đạt, vượt lên tất cả hình thức. Có những pháp tu dìu dẫn kẻ sơ cơ bước vào đạo. Nhưng cũng có những pháp tu phá dẹp tất cả các hình thức, để đưa người sống thẳng, sống thực với tâm. Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, các vị Thánh đệ tử cũng được Phật chỉ dạy rất giản dị chứ không rườm rà như chúng ta bây giờ.
Trong sử còn ghi lại, một hôm Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà, Tinh xá Kỳ Viên. Phật bảo các thầy Tỳ-kheo: “Chúng sanh từ vô thỉ mãi xoay vần, chẳng biết cội gốc của khổ. Nếu tất cả cây cỏ trên mặt đất này chẻ ra làm thẻ, dùng để đếm cha mẹ của các thầy đã trải qua trong vòng sanh tử, con số thẻ cây hết, con số cha mẹ kia vẫn không hết. Này các Tỳ-kheo, chúng sanh cứ xoay vần sanh tử, nối tiếp mãi từ vô thỉ như thế là do chẳng biết cội gốc của khổ. Vì thế các thầy nên học, nên siêng năng tinh tiến đoạn trừ các hữu, chớ khiến tăng trưởng”. Đó là đoạn được gốc khổ.
Đây là bài kinh Phật dạy các thầy Tỳ kheo về gốc khổ. Ngài nói nếu đem chẻ tất cả cây cỏ trên mặt đất này ra làm thẻ, dùng để đếm số cha mẹ của các thầy, thì số thẻ đó hết mà số cha mẹ của các thầy đã trải qua trong vòng sanh tử không hết. Ý nói rằng luân hồi sanh tử của chúng sanh nhiều vô cùng vô tận. Phật dạy: “Cứ xoay vần sanh tử nối tiếp mãi từ vô thỉ như thế là do chẳng biết cội gốc của khổ. Vì thế các thầy nên học, nên siêng năng đoạn trừ các hữu, chớ khiến tăng trưởng”. Siêng năng đoạn trừ các hữu, tức là Phật dạy tất cả chúng ta đừng chấp trước. Siêng năng tức là tinh tấn. Chúng ta đừng chấp trước, đừng bám víu, đừng ngược xuôi nữa thì gốc khổ sẽ hết. Gốc khổ trừ rồi chúng ta sẽ được giác ngộ. Rất là giản dị, không có gì rườm rà.
Cho nên chỗ cứu kính của sự tu hành rất đơn giản, hết sức bình thường, không nặng về hình thức. Nhưng không hiểu tại sao chúng ta không làm, mà lại mắc kẹt vào những hình thức rườm rà, đòi hỏi nhiều công phu, mất thì giờ mà chẳng đi tới đâu? Bây giờ muốn trừ được gốc khổ như Phật dạy, chúng ta đừng chấp, đừng bám víu nữa. Bám víu cái gì? Bám víu thân này, thế giới này, danh vọng này, cuộc sống này... Còn bám víu là còn khổ, buông ra là hết khổ, Phật nói rõ ràng như vậy. Người nắm lại, người bám víu Phật gọi là người mê. Người buông ra không vướng kẹt vào bất cứ thứ gì, Phật gọi là người giác. Cho nên ngay bây giờ chúng ta siêng năng nhổ bật gốc khổ, sống với tánh giác, thì nhất định sẽ được an vui giải thoát. Đó là một pháp tu hiện thực, không có gì quá khó khăn cả. Phải tin mình làm được thì quí vị mới có thể tiến tu một cách vững vàng, không yếu mềm nhút nhát.
Một bài kinh nữa, cũng tại Tinh xá Kỳ Hoàn, Phật bảo các thầy Tỳ-kheo: “Chúng sanh từ vô thỉ mãi xoay vần, không biết cội gốc của khổ. Nếu đem bùn đất trên khắp cõi đất này vo lại thành viên để tính số cha mẹ của các thầy đã nương tựa trong vòng sinh tử đến nay, con số viên đất đã hết mà số cha mẹ các thầy nương tựa vẫn không hết”. Bài kinh này cũng tương tựa như bài kinh trên. Chúng sanh từ vô thỉ xoay vần, không biết cội gốc của khổ, con số ấy vô lượng nên bây giờ muốn hết khổ, Phật dạy: “Phải siêng năng nỗ lực đoạn trừ các cố chấp của mình là hết khổ”. Như vậy từ bao lâu rồi, chúng ta đã chấp chặt những thứ chung quanh, cuộc sống, quan niệm, sản nghiệp, gia đình v.v… đều nắm chặt hết. Nắm lại cho nên chúng ta mê lầm, từ đó mà tạo nghiệp, cứ lăng xăng trôi giạt.
Phật nói chúng sanh trôi giạt vô cùng vô tận, dọc dài đó chúng ta sống trải qua không biết bao nhiêu thời gian, không thể tính kể. Cho nên từ vô thỉ hoặc là ta hưởng thụ khoái lạc, hoặc là chịu khổ não vô lượng, hoặc trong quá khứ đã từng làm việc sát sanh, tổn thương đến chúng sanh,... sanh tử xoay vần không biết cội gốc của khổ. Nên ngày nay phải nỗ lực học Phật pháp, trừ bỏ tất cả những lầm chấp đó đi, như vậy chúng ta mới chuyển nhổ gốc khổ được. Tinh thần của người tu là làm sao được hết khổ, làm sao được giải thoát.
Trong nhà thiền thường nói đến tu nội tâm, tức là từ sự tỉnh giác ta phát huy được trí tuệ, cuối cùng nhận được tâm, sống được với cái thường biết rõ ràng của mình. Đó là tu, người ta thường bảo Tu Tâm. Nên nhớ, nói tu tâm là phải chiến thắng nội tâm. Chiến thắng nội tâm bằng những công phu, những nội lực hiện tại đối với vọng tưởng trong lòng và ngoại cảnh chung quanh nữa. Thành ra pháp tu tuy giản đơn nhưng đòi hỏi chúng ta phải có năng lực thật mạnh. Như chúng ta đều biết, tâm mình quen chạy theo những loạn tưởng lăng xăng, bây giờ muốn chiến thắng nó tức là tự chiến thắng mình. Phật cũng nói “Tự chiến thắng mình là chiến công hiển hách nhất”.
Chiến thắng mình là chiến thắng gì? Chiến thắng vọng tưởng chứ không có gì lạ. Quí vị thử ngồi xem trong mười lăm phút thôi, trong tâm ta xẹt ra bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu tư tưởng? Tưởng tượng, suy xét phân biệt, thương ghét, buồn vui đủ thứ. Bây giờ muốn chiến thắng những thứ đó, chiến thắng bằng cách nào? Bằng cách là mình phải tỉnh. Buồn ta cũng chẳng buồn, vui ta cũng chẳng vui, khởi lên cái gì ta cũng chẳng theo, nó dụ hoặc cái gì ta cũng chẳng màng. Người được như vậy là người bất động, người bất động là người tự chiến thắng mình. Người tự chiến thắng là người tu nội tâm thành công. Chiến thắng được nội tâm là làm chủ được mình và mọi hoàn cảnh chung quanh. Cho nên năng lực của một nội tâm định tĩnh rất lớn.
Ví dụ cái buồn nó làm cho mình héo hắt sầu khổ. Muốn bỏ rất khó, như trong gia đình mình buồn những người thân, có khi cả năm chưa bỏ được. Cứ lâu lâu gặp mặt là tức giận, nó dính hoài, rồi lại liên tục chồng chất, chứ không phải buồn một lần. Buổi sáng gặp mặt buồn, buổi trưa gặp mặt buồn, buổi chiều gặp mặt buồn. Quí vị nghĩ coi, một ngày ba bốn lần buồn, một tháng một năm biết bao nhiêu là buồn. Nó chồng chất riết chắc là bể tim chết. Chúng ta buông không được thì phải dẫn tới khổ đau thôi. Đó là nói về buồn. Bây giờ tới cái vui, mình có buông được không? Có khi ngồi một mình, nhớ điều gì vui ta cười hả hả, cười sảng lên. Niềm vui đó cứ vương vấn dư hưởng hoài cũng khó bỏ nữa. Cho nên tu là phải thức trước những tâm trạng ấy. Vì vậy người chiến thắng được nội tâm đâu phải là chuyện thường.
Cho nên nói tu nội tâm là người có một sức mạnh tỉnh lực lớn. Buồn cũng tu, vui cũng tu, đói cũng tu, no cũng tu, người ta khen cũng tu, người ta chê cũng tu, xem mình như đất như cỏ vậy. Không tu mà muốn được hết khổ, được giải thoát, chuyện đó không bao giờ có. Bây giờ chúng ta thử kiểm lại xem mình có tu chưa? Chưa tu. Bởi chưa tu nên ta còn khổ còn buồn, còn lo còn giận đủ thứ. Nếu có tu rồi chắc chắn những thứ đó sẽ vơi đi.Bởi vì pháp của Phật chắc thật, không bao giờ gạt ai cả. Hễ có tu là có an lạc, nên pháp của Phật còn được gọi là “Biệt Giải Thoát”, nghĩa là tu được pháp nào thì giải thoát pháp nấy, cụ thể như vậy.
Sở dĩ chúng ta gặp cảnh buồn vẫn cứ buồn, người ta chọc giận vẫn cứ giận, lo lắng đủ thứ chuyện trên đời, là vì mình chưa chịu tu, hoặc là tu chưa đúng pháp. Bởi tu chưa đúng pháp Phật nên chưa giải trừ được phiền não. Nếu ta thật sự hiểu và áp dụng đúng pháp Phật dạy thì tất cả những vọng tưởng đều sẽ được giải trừ hết. Phật dạy không sai, chỉ tại chúng ta thực hành không đúng thôi. Có tu là có an lạc, đó là điều tất yếu, chớ không mơ mộng gì cả. Vì vậy người tu luôn luôn tự kiểm, xem mình đã tu ra sao, có đúng không. Nếu thấy tu mà không an lạc là biết đã đi lạc đường rồi, cần phải chỉnh lại.
Thường ta nghe nói tu nhân, tu tâm. Tu nhân như thế nào? Tức là mình biết rõ nhân như vậy duyên như vậy, điều đó nó sẽ đưa đến kết quả như vậy. Biết thế rồi người con Phật không khi nào mê mờ gây nhân xấu để phải gánh hậu quả khổ. Chính nhân ấy ta đã gây tạo, bây giờ quả đến mình không gan dạ chấp nhận, thì ai thế đây? Nhân đó chúng ta gây thì bây giờ phải tự mở ra, quả đến ta phải chịu trách nhiệm. Mình là chủ thì phải can đảm đứng ra giải quyết mới ổn chứ.
Ví dụ trong hoàn cảnh khó khăn, quí vị vay mượn của ai đó một trăm nghìn. Trải qua thời gian hai ba mươi năm, trăm nghìn ấy kể như mất tiêu. Nhưng từ cái vốn trăm nghìn ấy quí vị gầy dựng được cả hàng loạt tài vật. Đến một giai đoạn nào đó, người cho mình vay hồi xưa đòi lại. Đối với số vốn một trăm nghìn hồi xưa, mà bây giờ mình làm té ra vạn ức triệu thì trả lại một trăm nghìn có nhằm nhò gì. Do đó chẳng những quí vị rất vui mừng hoàn lại mà còn trả ơn cúng dường thêm nữa. Đó là một trường hợp. Nhưng nếu với một trăm ngàn ấy mà người vụng về không làm ăn được gì, khi chủ nợ đòi họ rất sợ sệt, lo âu muốn trốn vẫn không biết đường nào để trốn. Người này khi nghe đòi nợ rất kinh hãi, đau khổ. Đó là trường hợp thứ hai.
Cũng thế, sở dĩ chúng ta sợ sanh tử, sợ luân hồi đau khổ là vì mình vướng phải trường hợp thứ hai. Ta không chịu tu mà cứ gây tạo nghiệp ác, trong tâm không bao giờ an ổn, trí tuệ tối tăm thì làm sao đối đầu với nghiệp lực được? Bởi khổ nên gặp ai mình cũng bái, xin độ cho con hết khổ. Tất cả đều do chúng ta thôi. Khổ cũng mình, sướng cũng mình, không có ai vào đó cả. Nếu như mình gầy dựng được công phu, nội tâm vững vàng giống như người làm ăn có lời, tạo ra muôn vạn bạc thì đối với một trăm ngàn nợ cũ chẳng ăn thua gì. Mình biết đã gây tạo nghiệp với ai từ quá khứ, bây giờ khi họ đòi chẳng những ta vui trả mà còn mừng vì đã trả xong và rất cám ơn họ nữa. Hai con đường đó, giới Phật tử chúng ta phải nhận định rõ để chọn lấy cho mình một con đường đúng đắn.
Ta nhận thấy nguyên nhân nào đưa đến an vui, không khổ thì chúng ta tu. Còn nguyên nhân nào đưa đến khổ đau thì ta không theo. Chúng ta có quyền lưạ chọn mà, rõ ràng không ai bắt buộc mình cả. Với tinh thần của đạo Phật, chúng ta tu ngay nơi nhân, những nhân nào đưa đến khổ, chúng ta đừng gây tạo, đó là một cách tu. Nhân nào đưa đến trầm luân ràng buộc khổ hãi, chúng ta đừng gây, đó là một cách tu. Chúng tôi khuyên quí vị như vậy thôi, chớ không bảo quí vị phải xuất gia, phải đi chùa, cúng Phật gì cả, chỉ yêu cầu quí vị tu tập bình thường theo tinh thần nhân quả như vậy.
Thường thì mọi hiện tượng trên cuộc đời này cũng đều tuân theo luật nhân quả. Chúng ta đã không gây nhân xấu thì không sợ gì cả. Tinh thần vô úy bắt đầu từ đó. Sở dĩ chư Bồ-tát có tinh thần vô úy cao cả là vì nhiều đời các Ngài không gây tạo nhân khổ đau cho chúng sanh, nên bây giờ không sợ gì cả. Người Phật tử chúng ta cũng vậy, mình tu từ nhân. Muốn chấm dứt những sự sợ hãi thì đừng gây tạo những nhân sợ hãi. Đó là cách thức hết sức giản dị mà cũng rất căn bản trong đạo Phật, ai cũng có thể áp dụng tu được.
Tu thiền cũng vậy, là trở về tâm, cái thường biết rõ ràng. Sống được với tâm ấy rồi thì không gây tạo những nghiệp nhân nữa, làm gì có khổ đau. Trong cuộc sống hiện tại trang trải cho hết những nợ nần cũ, không tạo thêm nghiệp mới. Hết nghiệp rồi thì nhẹ nhàng ra đi tùy duyên. Đó là nếp sống của người tu thiền. Cho nên các Thiền sư nói “Đói thì ăn, mệt thì ngủ”, giản dị. Đó là sống thiền.
Chúng ta bây giờ, đói tới không ăn mà còn toan tính món ngon vật lạ, ngủ thì mền nệm rất tốt nhưng vẫn gác tay lên trán tính chuyện năm trên năm dưới, vì vậy nên khổ. Bây giờ xin quí vị áp dụng phương pháp đói ăn mệt ngủ, chẳng sợ sệt gì cả, thử xem chúng ta có thể làm được không?
Chúc quí vị thành công.